What's new

10 ngày đến Trường Sa - xa và gần

Đó là 10 ngày đáng nhớ trong cuộc đời, với rất nhiều cái đầu tiên của tôi, đi biển dài ngày, đi tàu thủy, thử sức mình với sóng gió đại duơng, và đến với Trường Sa. Trong 10 ngày hành trình ấy, tôi đã trải qua hơn 1000 hải lý, đã đến,đã thấy, và chứng kiến nhiều điều, nhiều tự hào, nhiều niềm vui và nỗi nhớ trên 9 đảo của tổ quốc, gồm: Song Tử Tây, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn Đông, là những đảo nổi, với diện tích to nhỏ khác nhau, và các đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát, rất nhỏ, nổi trên nền đảo san hô chìm, tất nhiên là đến và ngủ 1 đêm ở Trường Sa lớn, thăm nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Chúng tôi đã dự 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động, 1 trên khu vực Côlin - Gạc ma - Len đao, nơi 64 chiến sỹ ta đã hy sinh dưới làn đạn hèn hạ của kẻ thù, 1 trên thềm lục địa phía Nam, bãi Phúc Nguyên, nơi hàng chục chiến sỹ ta đã hy sinh trong bão tố. 10 ngày miệt mài trên biển và dày đặc lịch làm việc, biết bao cảm xúc, nhưng có những điều không được nói, vì nguyên tắc, những dòng nhật ký viết vội trong ngả nghiêng sóng biển dường như chỉ nói được rất rất ít những điều tôi muốn nói.
Có 1 bài hát " không xa đâu, Trường Xa ơi..." Xa và gần, hẳn mọi điều đều là tương đối. Xa, vâng, rất xa, nhưng cũng thật gần. Trường Sa, nơi chúng tôi cảm nhận hơn về sự thiêng liêng của tổ quốc, về những máu xương và công sức của biết bao người, vì chủ quyền dân tộc nơi biển đảo xa xôi. Đã có nhiều người chia sẻ về Trường Sa, về những cảm nhận rất tuyệt của các bạn, nhưng tôi vẫn muốn góp thêm đôi dòng nhật ký Trường Sa của mình, và một số bức ảnh mà mình đã ghi lại được. Hẳn với mỗi chúng ta, nếu có dịp đến nơi này, những ký ức đó sẽ không bao giờ có thể phai mờ.

TS.jpg
 
Last edited:
Cam Ranh, ngày D tháng M năm 2010

9h sáng, mình đặt chân đến Quân cảng Cam Ranh. Từ rất lâu rồi, mình mơ ước được đặt chân đến nơi này, nơi trong trí tưởng tượng của mình, là căn cứ hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á của cả Mỹ, rồi Nga. Nhưng trên thực tế, ấn tượng đầu tiên của mình, quân cảng Cam Ranh là những cồn cát trắng, những rừng cây lúp xúp. Cả một vùng bán đảo rộng mênh mông chỉ có sân bay Cam Ranh là đáng kể, ngoài ra, căn cứ Hải quân chỉ là những khu nhà khiêm tốn, nằm rải rác, và rất nhiều những con đường ngoằn nghèo chạy qua những đồi cát, phơi mình dưới cái nắng gay gắt của tháng 5.
Rồi sau những cuộc họp về hành trình, giờ phút chuẩn bị lên đường cũng đến. 16h, trên cầu cảng Cam Ranh, con tàu của mình cũng đã sẵn sàng chuẩn bị lên đường. Quân cảng chỉ có chừng 5-7 cầu tàu, hầu như được xây mới. Phía xa là 3-4 cầu tàu cũ bằng đá, là những cầu tàu dành cho tàu ngầm của Nga trước đây. Vài chiếc tàu vận tải đang nằm ở bến. Hôm nay là ngày huấn luyện, tàu chiến đều đã lên đường cả, mới chỉ buổi sáng thôi. Bến cảng trở nên rộng mênh mông, trời xanh, nước xanh, những đồi cát và những mỏm núi đá vàng sẫm trong nắng chiều, nếu không là khu quân sự, nơi đây có thể sẽ là một trong những điểm du lịch đầy ấn tượng của đất nước mình.
Tàu HQ 936, vốn là con tàu chở nước của Nga viện trợ, chở nước ngọt ra các đảo Trường Sa. Nhưng đây cũng là một trong những con tàu đưa người ra đảo tiện nghi nhất cho đến thời điểm này của Hải quân ta, bởi tàu có nhiều nước ngọt, việc tắm rửa và dùng nước ngọt cũng thuận lợi hơn nhiều các tàu khác. Chỉ có chỗ ngủ là hơi thiếu thốn. 8 người trong một phòng nhỏ chừng 10m2. Có 2 giường tầng, còn lại 4 người còn lại phải trải chiếu ra phòng để ngủ, hoặc là mắc võng. Bởi tàu chỉ có tổng số 50 giường, mà đoàn ra thăm đảo lần này tổng số cũng đến gần 100 người. Hơn 30 thủy thủ trên tàu đã phải nhường toàn bộ giường cho khác, và mắc võng nằm rải rác đâu đó trong tàu, hoặc cũng rải chiếu nằm trong các phòng làm việc trên tàu. Âu đó cũng là cái khó khăn chung của Hải quân ta, mỗi người cùng chia sẻ, nên việc thiếu chỗ ngủ trên tàu ai cũng đều thông cảm và cùng khắc phục.
 
17h chiều, con tàu rời bến. 3 hồi còi dài rúc lên, chào đất liền nhé, chúng tôi ra thăm Trường Sa, vùng quần đảo mà chỉ nhắc đến thôi, mỗi người dân Việt Nam đều dành biết bao tình cảm quan tâm, thương mến. Trên bờ, cán bộ chiến sỹ hải quân xếp hàng dài, giơ tay chào trang trọng. Các tàu khác cũng đáp lại bằng 3 hồi còi dài, đi thuận buồm xuôi gió nhé, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tình cảm đât liền tới Trường Sa thân yêu. Con tàu nhẹ nhàng rời bến cảng, lên đường. Nắng vàng rực lên ánh sáng cuối ngày, ở phía chân trời, đám mây hình phượng hoàng nhuốm đỏ, như dáng mẹ Âu Cơ tiễn chúng tôi, những người con đất Việt đang hướng về vùng biển xa xôi của tổ quốc với tất cả niềm tự hào về dân tộc mình, về quê hương xứ xở của mình.
Ra đến cửa vịnh Cam Ranh, gió thổi ào ào, và sóng làm ngả nghiêng con tàu to. Những con sóng đập vào thân tàu, tràn lên boong tàu, tiếng sóng vỗ rào rào làm chúng tôi phấn khích. Những người trai thành phố, chưa từng đi một hành trình nào xa xôi thế trên đại dương, đang dấn thân vào một thử thách mới mẻ trong cuộc đời, để nếm cái sóng, cái gió, đến với hải đảo xa xôi. Có lẽ dân tộc mình vốn không phải là những người quen với sóng, với gió. Đất nước với hơn 3000 km bờ biển, nhưng chưa từng có 1 hải đoàn nào đáng kể trong mấy nghìn năm dựng nước. Người dân Việt vốn xuất thân từ rừng núi, vốn nhìn biển với con mắt xa lạ, vốn chỉ quen bám bờ, chưa từng mấy ai có ý chí vượt biển xa tìm xem bên ngoài đường chân trời cong cong của biển, thế giới bên ngoài có những gì. Suy nghĩ ấy dường như mới chỉ thay đổi trong một thời gian ngắn của lích sử dân tộc, và ngay với cả cách ứng xử với các hải đảo xa xôi, như Hoàng Sa, như Trường Sa, cũng chỉ mới đây thôi, mới có những thay đổi trong tư duy. Điều đó cũng phải, bởi với một tư duy nông nghiệp đầy bảo thủ và lạc hậu, dân tộc mình đã quen với cách nhìn thiển cận, tính toán trong ngắn hạn, và xa lạ với những con sóng lừng của đại dương. Nhưng điều đó đã thay đổi, dù muộn. Và một tư duy quan tâm đến biển đảo đã bước đầu hình thành và xây dựng, dù muộn. Điều đó cũng phải, bởi trong những thời kỳ loạn lạc, đói kém, con người ta chỉ lo miếng ăn trước mắt. Khi bắt đầu có tiềm lực, những suy nghĩ về việc giữ gìn bờ cõi ở nơi cách xa hàng trăm hải lý mới được quan tâm. Ngay cả bây giờ cũng vậy, nói là đầu tư, quan tâm, song điều này cũng chưa tương xứng, bởi vì đất nước còn nghèo, lực còn mỏng. Tất cả điều này, chúng ta đều thấu hiểu và thấm thía, và chấp nhận thua thiệt, những chuyện của lịch sử đã qua, muốn thay đổi giờ cũng khó. Ngay cả Bác Hồ, trong lời căn dặn quân chủng Hải quân, giờ đã trở thành khẩu hiệu của Hải quân Việt Nam, cũng từng nói “ Trước đây, chúng ta có đêm và rừng. Bây giờ chúng ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của chúng ta dài và đẹp, chúng ta phải biết giữ gìn vốn quý ấy”. Cụ Hồ chỉ nói về bờ biển, chứ chưa phải là vùng biển, chưa nói về thềm lục địa, chưa nói đến hải phận, đến vùng đặc quyền kinh tế, đến những biển đảo xa xôi. Đó cũng là những suy nghĩ chung, phản ánh tầm nhìn chung của dân tộc ta của một thời đã qua về vùng biển và lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc hôm nay.
 
Tâm trạng ra khơi, dù mong đợi hành trình phía trước, nhưng ai nấy cũng đều nhìn lại phía đất liền

4608626902_cef4f025c1_o.jpg


4608627032_69bcca5ae4_o.jpg


4608018987_99f16aac3c_o.jpg


Nơi ấy, chiều đang xuống trên quân cảng thanh bình.

4608626768_1783b8c05c_o.jpg


4608626630_af2011000f_o.jpg


Nơi ấy, có đám mây hình Phượng hoàng tiễn chúng tôi lên đường may mắn, như dáng Mẹ Âu Cơ ngóng theo ra khơi xa...

4608627214_33d47b27fd_o.jpg
 
Những suy nghĩ ấy đến với tôi trong những giờ phút đứng lặng trên mũi con tàu đang hướng về đông, vượt lên trên những con sóng nơi cửa vịnh Cam Ranh, một vịnh biển được đánh giá là đẹp nhất và quan trọng nhất với hải quân trong khu vực, như những bài học địa lý ngày xưa của chúng tôi. Một ngày đang qua đi và đêm xuống. Những vì sao lác đác mọc trên bầu trời, mỗi lúc mỗi dày hơn. Trời đêm trên biển, sóng gió thổi lồng lộng từ cửa vịnh Cam Ranh. Con tàu to lớn tròng trành theo sóng. Nhiều người bắt đầu thấy nôn nao, vội tìm thuốc uống. Con tàu bắt đầu tăng tốc, tiếng động cơ ù ù, những vạt sóng đập vào thân tàu mỗi lúc mỗi mạnh hơn, sóng có khi ùa lên sàn tàu, làm ướt những người đang ngồi trên sàn. Nhưng với những người ít khi được ra biển, ít khi được bắt đầu một hành trình dài hướng tới Trường Sa, tất cả những điều đó càng làm thêm phấn khích. Nhanh lên nào, 36h đồng hồ nữa, chúng mình sẽ đến đảo đầu tiên của hành trình đến Trường Sa, đến với đảo Song Tử Tây, đảo xa nhất về phía đông bắc trong cụm đảo Trường Sa. Chào biển Đông, chào vùng biển thân thương của tổ quốc, chúng tôi đang hướng về biển đảo thân yêu!!!
 
Ngày D+1, tháng M, năm 2010

Tàu cứ mải miết đi, biển rộng mênh mông, bốn bề chỉ có sóng và gió, và đường chân trời cong cong. Tàu như chiếc lá giữa 1 vòng tròn của nước, trên có bầu trời, dưới là những con sóng đang nô đùa. Tháng 3 âm lịch, biển lặng. Ra ngoài khơi xa, dù gió có lồng lộng thổi, thì sóng vẫn chỉ hơi gợn lên, nếu so sánh, thì giống sóng nước Hồ Tây. Đó là bởi tháng Ba âm lịch, chứ chưa ai dám đùa với sóng nước của biển Đông, vốn nổi tiếng nhiều bão tố. Thuyền đi trên biển xa ngàn dặm, mà vẫn êm đềm. Chẳng có nhiều việc để làm trên tàu, không TV, không đài phát thanh, không sóng điện thoại, chiếc điện thoại trở thành phương tiện để nghe nhạc. Cắm headphone, chụp tai nghe vào tai, chọn một chiếc võng trong bóng râm, hoặc một chiếc ghế nhựa, chọn một chỗ ngồi cao trên tầng 2, tầng 3 của tàu, hoặc là sát mạn tàu, nghe những giai điệu quen thuộc, và ngắm nhìn sóng biển. Những con sóng tỏa ra từ mũi tàu, lan ra xa, gặp những con sóng nhỏ đang xô vào, sóng gặp sóng, tung lên thành những hạt nước li ti, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Có cảm giác như sóng đang đùa theo chúng tôi, đang tinh nghịch trong những phút giây hiền lành của trẻ nhỏ, trong những khoảng thời gian yên bình lúc giao mùa.
 
Và biển thì xanh ngăn ngắt, xanh như màu mực Cửu Long, trong suốt và yên bình. Chúng tôi ngắm mãi màu nước của biển, màu bạc của bình minh, màu xanh của buổi trưa, và màu hồng của khi chạng vạng hoàng hôn. Trên boong tàu, chúng tôi ngắm nhìn những hình ảnh kỳ diệu của bầu trời trên biển - ngắm mặt trời lên, ngắm những dải mây đủ màu, ngắm sắc trời xanh ngằn ngặt, ngắm mặt trời mọc lên và chìm xuống ở phía đường chân trời. Và bầu trời đêm trên biển, những đêm sao mọc lưa thưa trên màu đen thăm thẳm của bầu trời, sao như xà xuống, vì mặt biển cũng hòa lẫn với trời, tưởng như không còn ranh giới giữa trời và đất. Trong màn đêm bao la ấy, chỉ có những ánh sáng xanh của những ngôi sao, những dải mở mờ của đám tinh vân cuối đường chân trời, ánh sáng của những con tàu trên biển mà chúng tôi nhìn thấy xa xôi, của những hòn đảo nổi, đảo chìm chúng tôi không biết tên và vị trí. Với chiếc headphone bọc vào tai, với những bản nhạc quen thuộc trong chiếc điện thoại, với vị trí ngồi ven mạn thuyền, tôi đã đi qua ngày và đêm, đi giữa trời và nước, giữa nắng và gió biển Đông.
 
Bình minh đầu tiên trên biển trong hành trình

Mây buổi sớm, tôi vẫn mang thói quen trên đất liền, dậy muộn, để tiếc không đón được mặt trời lên. Nhưng ở trên biển, dường như không có quá nhiều sự khác nhau giữa bình minh và hoàng hôn như trên đất liền.

4613607859_49c942a219_o.jpg


Và buổi sớm thật yên bình trên boong trên của tàu HQ 936

4613608115_a48963b746_o.jpg


Ánh nắng rực rỡ của 1 ngày mới hắt vào khoang tàu

4613608515_e6d9cc681d_o.jpg


Sắc màu bình minh phía đuôi tàu

4613608365_794a4301cf_o.jpg


Trong khoang lái, những sỹ quan hải quân vẫn miệt mài và lặng lẽ lái con tàu suốt đêm ngày

4614226212_dd5024b324_o.jpg


Và những con sóng đùa bên mạn tàu


4614226466_e0fe8d1e37_o.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,980
Members
192,326
Latest member
buypaypalaccounts
Back
Top