What's new

Du ký tuyển tập

happypack

Phượt thủ
Từ việc xuất bản bộ sách "Du Ký Việt Nam" của NXB Trẻ , giới thiệu những bài viết trên mục Du ký của "Nam Phong tạp chí" (một tờ báo uy tín tồn tại từ 1917-1934), mình có ý tưởng lập topic này để mọi người có thể sưu tập và post lên đây những bài báo, tạp bút, tản văn, tùy bút, phóng sự, ký sự du lịch hay ho mà mình đọc được đâu đó trên mạng hay trên báo để chia sẻ trong diễn đàn.

Cũng là một hình thức để khơi lên ngọn lửa xê dịch trong mỗi người, hoặc chỉ đơn giản là cung cấp kiến thức hay chia sẻ với nhau câu chuyện về thân phận con người ở một vùng đất nào đó.

Các bài này phải ghi rõ tên tác giả cũng như nguồn trích dẫn để tránh rắc rối về vấn đề tác quyền.

Bạn nào có điều kiện đọc các bài viết hay tiếng nước ngoài mà có thể dịch lại và đăng lên chia sẻ thì hay quá!!!

Để tiện cho người đọc, bên cạnh tựa đề của bài báo bạn có thể mở ngoặc chú thích tên vùng đất được nhắc đến trong bài báo.

Đây chỉ là khởi đầu ý tưởng, mời mọi người cho ý kiến và đóng góp :)

MỤC LỤC

1. Viengxay - ngày vắng mặt trời (Viengxay, Huaphan, Lào)
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư

2. Mường Lò (Yên Bái, Việt Nam)
Bút ký của Hoàng Thế Sinh

3. Nhớ "món Tết" giữa núi cao và mây mù... (Mường Tè, Lai Châu, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Lãng Quân

4. Quỳ lạy một nền văn minh đã mất ở Cánh Đồng Chum (Phonsavan, Lào)
Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng

5. Si Ma Cai - bài ca đỉnh núi… (Lào Cai, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Doãn Hoàng

6. Xa Đầm Thị Tường (Cà Mau, Việt Nam)
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư

7. Những mái trường chỉ biết có cơm rau... (Si Ma Cai, Lào Cai, Việt Nam)
Tác giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
 
Last edited by a moderator:
xin mạn phép mở đầu

Viengxay - ngày vắng mặt trời (Viengxay, Huaphan, Lào)
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư

http://www.viet-studies.info/NNTu/index.htm

Dốc hết giọt can đảm cuối cùng, tranh đấu tới cùng mới tung được tấm chăn ra, hé cửa bước vào Viengxay ủ ê, đục mờ trong sương giá. Cái màu trời tưởng mới hừng đông, nên ngủ hoài, chui rúc hoài trong chăn, mở mắt vẫn sương hiu hắt, mụ mị trên núi, trên cây, trên những mái nhà gỗ im lìm sau hàng rào tre thưa xiêu xiêu.

Người Viengxay nói ba tuần rồi không thấy mặt trời. Dòng sông mùa đông đưa cái rét chảy len lỏi vào từng ngã đường heo hút, quanh co trong thung lũng. Rét còng cả lưng. Đi hết con dốc bỗng bớt lạnh, không biết vì mệt, vì cơ thể đã tự điều chỉnh được, hay vì đi ngang qua những cô bé áo đỏ rực, má đỏ rực, chân ríu trong váy, thẹn thùng chào khách, “Sabaidee !” ?!

Cảm giác nắng đâu đây với tất cả vẻ lung linh nồng ấm và rực rỡ của nó. Ngay cả không có mặt trời thì vẫn cứ nắng. Trên môi của những thiếu nữ, những cụ già, em bé, từng đóa nắng xòe ra. Đi sau nó là câu chào và cái nhìn lấp lánh của một khuôn mặt lấp lánh rựng lên dưới cái rét câm lặng. Cái nhìn thẳng tắp, nụ cười cởi mở đậm dấu trong mắt người. Không phải cái kiểu hững hờ, mặt ngó đâu đó mông lung chào cho có mà tôi vẫn thường gặp xưa rày.

Cười là một cách nói. Trong chợ, cười nghĩa là “Mua giúp tôi ít măng không ?”, cười nghĩa là “xôi còn nóng hổi đây nè”, cười nghĩa là, “cá này tôi bán rẻ thôi mà…”. Không cần chèo kéo chào mời, chợ thong thả đi vào chiều. Trên đường, cười nghĩa là “bữa nay lạnh quá”, cười nghĩa là “mình xấu lắm, đừng chụp hình”, hay “ở đây có lửa, mời ngồi vào cho ấm”…

Tôi không còn mong ngóng mặt trời, càng đi càng thấy ấm, càng thấy nhiều đốm nắng bên đường. Nắng thay đổi theo từng bước chân. Mới thấy cái nắng ban mai của những vạt hoa cải bất chấp thời tiết khắc nghiệt rạng rỡ trong những vuông sân thì cái nắng đỏ ánh ỏi sau mưa của đào phai lại hiện ra. Có rất nhiều đào trong những khu vườn, bên triền núi ra vẻ bâng quơ, hoang dại, như chẳng ai trồng tưới bao giờ, như chẳng hay là mình đẹp. Và hoa trạng nguyên mọc xen trong vạt cỏ úa cũng đỏ chấp chới bất chấp mấy lớp sương giá đắp.

Nhỏ như một phường của Sài Gòn, nhưng đi ba ngày không hết Viengxay. Lối nào cũng ngoằn ngoèo, cũng dẫn tới những ngôi nhà sàn nhỏ, những vuông sân thắp hoa mận, hoa lựu, hoa đào… Lối nào cũng ngang qua những bầy trẻ con chạy giỡn (con nít Viengxay chắc hiền lành từ trong bụng mẹ, sực nhớ lang thang mấy ngày trời không bắt gặp tiếng khóc nào), mặt mũi lem luốc mà cười trong veo… Rẽ vào đâu cũng nhiều hoa cỏ dại, nhiều bếp lửa đốt bên đường, vì Viengxay biết khách bộ hành run rẩy nên sớt ấm cho ?! Ngồi lại, hơ tay trên ngọn khói, ăn mấy củ khoai nướng nóng ran cả lòng, ngó lũ gà con nằm sưởi cạnh, kêu chiu chít. Bình yên đến nỗi thấy kỳ cục nếu tim mình rộn lên khi có nụ cười quá đẹp ngang qua. Cậu nhóc đi cùng cứ lẩm bẩm câu thơ học hồi phổ thông, “cười như mùa thu tỏa nắng…”.

Cũng chẳng nghĩ được câu thơ, câu văn nào “đắt” hơn để diễn tả nụ cười Viengxay giữa cái rét nhức nhối này. Cũng chẳng nhớ thêm một câu thơ nào khác để diễn tả vẻ cởi mở mà không vồ vập, hiếu khách mà từ tốn, chừng mực. Qua một hẻm núi, có đám trẻ chơi bắn nạng thun, chụp hình chúng xong, một đứa xòe tay ra. Tôi giật mình, một chút chua xót, một chút ngậm ngùi. Nhưng… thằng nhỏ chỉ muốn mời khách xa một trái cây mọc rày bên núi, nhỏ xíu, vừa chát vừa chua.

Cái bàn tay lấm lem nhỏ xíu đó không biết xin tiền. Mà tôi đã gặp đâu đó trên đất nước mình. Chân của trẻ Viengxay cũng trần, áo cũng rách, đôi ba chỗ thịt da tím tái, nhưng năm ngón tay không ra giá “5 USD”.

Nhận ra không phải vì những nụ cười, và câu chào có âm cuối rất ngân nga “Sa – bai – đi…i…i...” (mà phiên âm ra tiếng Việt cũng… buồn : xa bay đi” mà tôi lại cảm động trước Viengxay. Ở cái thung lũng lặng lẽ này, tôi gặp lại tôi, gặp lại những vùng miền trên đất nước tôi của thời đã mất. Hèn gì mà cảm giác thân thiết, dịu dàng, ấm áp. Hèn gì sưởi cái cười mà cóng róng đi qua được rét.

Tôi rời Viengxay đúng hôm mặt trời quay lại. Những hàng rào bên đường trở nên sặc sỡ với váy áo, chăn màn hong nắng. Vài người phụ nữ Lào tắm gội xong ra sân phơi tóc. Chào nhau bỗng thấy nắng vẫn nhợt hơn những nụ cười. Không biết khi mùa hè trở lại, thì nắng trời có rực và ấm hơn nắng trên môi người không ?! Và không biết khi tôi trở lại, bàn tay xòe của những em bé xinh đẹp Viengxay vẫn những ngón tay trong veo, lung linh hoa trái ?!

________________________________________

* Huyện Viengxay thuộc tỉnh Houaphan, được xem là cái nôi, căn cứ địa của Pathet Lào với địa hình hẻo lánh cùng với khoảng 500 hang động tự nhiên ẩn trong các dãy núi. Những năm chiến tranh ác liệt, Viengxay bị cày nát dưới mưa bom, quân dân Lào sống trong các hang động, nhiều tài liệu ghi, có lúc lên đến 23.000 người. Cách Xieng Khouang 370km đường đèo dốc ngoằn ngoèo. Cách cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) 56km. Hàng ngày, tầm 10h sáng, có xe đò Viengxay tới cửa khẩu đón khách. Nên mang theo… khẩu trang, nếu không muốn mũi thành hai… ống khói, vì đây là xe thùng trống trải, lại phải è ạch đi đường núi.

*Bạn chỉ cần học câu chào và lời cảm ơn của người Lào thì có thể sống khỏe một tuần. Sau đó thì… chắc phải học thêm bởi diễn hoài cũng… mỏi. Có trường học dạy tiếng Anh nhưng thường thấy người dân… cười mà không nói tiếng Anh (tất nhiên, mấy anh hướng dẫn viên thì ngon lành rồi). Túng quá, bạn cứ nói tiếng… Việt, vì khá nhiều người Viengxay đã từng học tập tại Việt Nam. Nếu bạn đi ngang một sân bóng chuyền và gặp người hát “hết rau rồi em có lấy măng không” trước khi giao bóng thì cho tôi gởi lời thăm. Nhắn rằng tôi nhớ một đêm mùa đông ngồi uống rượu ca hát với bạn, cười nôn khi nghe bạn nói “nhà quê bỏ mẹ” rất ngôn ngữ vỉa hè, ngậm ngùi nghe bạn kể về người con gái Việt, “người ta đã có chồng rồi, mình phải giữ cho người ta yên ấm…’”. Nhớ rượu Viengxay cay ứa nước mắt ra…
 
Last edited:
Mường Lò (Yên Bái, Việt Nam)
Bút ký của Hoàng Thế Sinh

ND - Tu hú vừa mới cất tiếng gọi bầy, những chùm vải đỏ vít cong cành, tôi đã vội đi Mường Lò. Chao ơi là nhớ! Chẳng hiểu ra làm sao nữa, vì tôi đã từng qua Mường Thanh - Mường Than - Mường Tấc, nhưng chẳng mường nào để thương để nhớ thật nhiều như Mường Lò.

Thế nên vừa vượt đỉnh dốc Thái Lão, không kịp nghỉ ngơi, tôi đã ào vào cái biển lúa vàng mênh mông. Rồi một mình lững thững ra ngắm dòng Thia - dòng suối mát lành và trữ tình đến nỗi đã trở thành thi ca - nhạc - họa của bao nghệ sĩ. Dòng suối Thia chẳng hiểu chứa đựng những gì của trời đất mà tắm cho da con gái Thái Mường Lò cứ trắng hồng, mà tưới tắm cho cả cánh đồng Mường Lò những 2.400 ha bốn mùa lúa ngô xanh tươi, hạt mẩy, gạo trắng thơm ngon nức tiếng cả nước, đến nỗi trở thành thương hiệu "Gạo cô gái Mường Lò".

Bây giờ đầu hạ, nước dòng Thia còn xanh trong. Tôi men theo dòng Thia xuống Noong Ỏ. Ðứng ngay ven ngã ba suối - nơi hợp lưu rộng lớn của suối Nhì và suối Thia, tôi mải xem mấy chàng trai lưng trần quăng chài. Cả chục chiếc mảng quây thành vòng tròn, rồi một - hai - ba, cả chục chiếc chài bung lên trời những cái vòng tròn tựa như những chiếc dù, trong chớp mắt, ụp cả mặt trời đỏ xuống dòng Thia.

Từ lâu, quăng chài quây trên dòng suối Thia là một thú đam mê của các trai bản Thái. Dõi theo mấy chiếc mảng vòng sang bờ bên kia, tôi giật thót khi nhìn thấy mấy thiếu nữ Thái eo vai để trần, đương xỏa mái tóc mướt xanh xuống dòng nước lấp lóa ánh chiều. Ôi dô! Sao các em hồn nhiên đến thế! Tôi biết, chốc nữa các em còn tắm nữa kia, tắm không áo váy, thỏa mái cho dòng suối nguồn mát lành thấm đẫm da thịt trắng hồng một thời con gái. Chả thể đứng mãi đây, tôi đành chân thấp chân cao, vội quay về, cũng bởi tối nay nhà anh bạn tôi có cuộc vui xòe mừng cơm mới.

Về đến bản Cò Noòng thì trăng cũng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi Phình Hồ. Ánh trăng đổ vàng lênh loáng khắp bản. Ba hũ rượu cần đã xòe cong cần như hoa cúc giữa khoảng sân còn đương vương rối thóc rơm. Một lúc thì các em gái bản ríu rít kéo nhau tới, chẳng khác gì đàn bướm xinh rập rờn bay từ đồng lúa vàng vào bản. Chúng tôi ra chào. Em Sương. Em Nhình. Em Ban. Em Hương. Em Xạ. Em Na. Em Thương... Ôi dô! Toàn các em gái chưa tằng cẩu - chưa búi tóc tức là chưa có chồng, xinh tươi như hoa ban mùa xuân ấy. Các em mời chúng tôi vào vòng cần. Chào nhau vài mút rượu cần đã. Các em gái nhoẻn cười, sờ tay vào yết hầu mỗi người xem có mút cần thật không.

Chừng đã chuếnh choáng, các em gái cầm tay chúng tôi nối vòng xòe. Lập tức, trống cắc tùng - cắc tùng tùng. Chiêng xèng xùng xèng - xùng xèng. Khèn te tò tí - te tò tí. Lời khắp ngoài kia cất lên à - ơi - ời - ời. Vòng xòe giăng giăng, ríu rít, nghiêng ngả, miên man.

Mọi người đang say xòe thì tôi dứt khỏi vòng xòe, lên nhà sàn xem nấu nướng. Bếp lửa rực đỏ cho thêm hồng đôi má các em. Tôi sà vào cạnh bếp lửa, xem. Một em đang đặt mấy pa pỉnh tộp (cặp cá nướng) trên than hồng, toàn cá chép to bằng bàn tay. Một em khác đang lật giở mấy cặp cá sỉnh - một thứ cá suối chuyên ăn rêu suối Thia và suối Lung, mình xám chỉ to bằng ống trúc, miệng tẹt bằng, ngon nổi tiếng cả vùng Tây Bắc.

Than hồng đốt cho cá căng thịt, mỡ chảy xuống than xèo xèo, bốc khói thơm nức, khiến tôi ứa nước miếng. Một em phía bên kia bếp than đang gói mấy gói cay hỉn (rêu đá), vùi vào than hồng. Còn cái chõ gỗ trên bếp, tưởng là xôi nếp, hỏi ra mới biết là các em đang xôi phắc nhả hút (cỏ mần trầu).

Khi các mâm cỗ được bày ra sàn, mọi người dừng xòe để vào cuộc rượu, với nhiều món ngon món lạ, nào nó xổm héo (măng chua héo), nhưa khoai mọ min (thịt trâu để ôi đem xôi), nhưa cáy mọ (thịt gà xôi), mắc pi cuội (hoa chuối thái nhỏ), bản phắc me (lá nhội), hom sa lan (rau húng rừng), mac khén (hạt sẻn), mẳm pa (nước mắm cá)..., cũng do chính bàn tay khéo léo của các em gái Thái chưa tằng cẩu (chưa lấy chồng), làm ra. Thì nhắm! Ôi giời! Ngon ơi là ngon! Vui ơi là vui! Vừa uống rượu cần, các em gái vừa khắp à ơi, lời khắp mừng được mùa, chúc tụng gia chủ những điều tốt đẹp.

Tôi nghe em Ban dịch loáng thoáng, nhiều lời hay ý đẹp, nhưng chỉ nhớ một đoạn. Lời rằng: Ka nị chắng dú li xương phủ luông ké/ Chắng dú li xương me luông con/ Dét óh bon nha mảy/ Xảy chết hai mương lun nha thong (Từ nay sống hãy như rồng lớn/ Sống đẹp như rồng thiêng/ Nắng trên không chớ cháy/ Ðau ốm dưới trần gian chớ mắc phải!). Lời nữa: Kha nị khảu lậu nháư nha mong/ Nả coong luôn nha xẩư/ Kin lẩu tánh tị/ Y y tua phén din mường bản (Từ nay vựa thóc lớn chớ vơi/ Cơm coong to đừng mốc/ Rượu nồng càng đượm ân tình/ Vang vọng vui vẻ khắp mường bản).

Thế mới biết, con gái Thái đã được các mẹ, các chị dạy dỗ thật chu đáo, từ khi chưa tằng cẩu. Dạy từ cách đi đứng, nói năng, hát múa, dệt thổ cẩm, thêu thùa, gieo trồng cấy hái, cách nấu ăn - kiểu mẹ truyền con nối, là bản sắc văn hóa làm nên cái đẹp, nét riêng, rất bền chặt của tộc người Thái. Cuộc rượu xong, lại xòe tiếp.

Vòng xòe lúc hẹp lại, lúc rộng ra, các cô gái thay nhau đổi chỗ để cùng được nắm tay mỗi chúng tôi trong phút giây vui vẻ. Càng về khuya vòng xòe càng bền chặt tha thiết. Ôi, các em gái Thái mắt lấp lánh, lấp lánh sao trời mùa hạ, má hồng tươi, môi đỏ như son. Các em chưa tằng cẩu, tóc xanh mướt xỏa dài tận eo lưng. Chiếc xà tích bạc cứ lóng lánh lóng lánh nơi cạp váy. Hàng cúc mắc pém lẻ đôi cứ nhúng nhính nhúng nhính. Vào vòng xòe, tay trong tay, chân như bay đỉnh núi, mắt nhìn đắm đuối, thấy các em gái Thái sao đẹp thế, sao mà cuộc đời này đáng yêu thế. Ai nấy ngả nghiêng say xòe...

Chẳng còn biết sau cái đêm xòe từ ngoài sân lên sàn, xòe rơi cả xuống chân thang, xòe từ chiều vào khuya ấy, bạn nào đã dìu tôi về ngủ lịm ở nhà khách huyện.

Sớm hôm sau tôi vẫn còn ngơ ngẩn nhớ đêm xòe bản Cò Noòng, rồi mang cả cái ngơ ngẩn nhớ ấy đi một vòng quanh Mường Lò. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước ngôi nhà sàn Bác Hồ - nơi đồng bào miền Tây Yên Bái thờ Bác Hồ trong khuôn viên xanh biếc.

Tôi nghiêng mình trước Tượng đài Victoria Nghĩa Lộ trên đồi cao Pú Chạng, một phút tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tây Bắc, cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Tôi thanh thản thả bộ trên phố núi Nghĩa Lộ nhỏ xinh như một bông hoa rừng - bông hoa rừng nở giữa mênh mông vàng lúa, giữa trùng trùng núi giăng bọc suốt từ Phình Hồ sang Suối Giàng - núi Dâng, vòng về núi Pú Lo - Pú Chạng - Túc Ðán. Tôi rẽ vào Bản Lè xem các em gái Thái dệt thổ cẩm. Tí tách thoi đưa, dệt nên muôn hình dáng và sắc mầu của mây trời, núi non, sông suối, chim muông, cỏ cây, hoa lá. Rồi qua chợ Mường Lò, chợ miền Tây Bắc xa xôi nhưng không thiếu một thứ gì, từ rau cỏ núi rừng đến đồ điện tử Tây - Tàu...

Tôi đảo qua các dãy hàng, từ tầng dưới lên tầng trên, cứ lẫn vào nhộn nhịp bao nhiêu là các em mua sắm, các em chơi chợ, chìm lút vào bao nhiêu là hàng quán. Nhộn nhịp lắm nhưng thôi chả chơi chợ nữa. Tôi đi vào Cò Cọi để tắm suối nước nóng. Mới ngấp nghé bờ ruộng ở ven lũy tre, đã thấy nhiều nhiều phụ nữ, trẻ em, cả các cô gái nữa, cứ tự nhiên cởi bỏ áo váy giữa rừng núi mà dầm mình xuống bể nước khoáng nóng...

Tôi ái ngại quá, đành quay ra. Chiều về cánh đồng Cầu Thia, men bờ ruộng đi sâu vào đồng lúa. Ôi giời! Mùi quả lúa chín thơm, cái mùi thơm ngọt nức, cảm nhận như mùi kẹo kéo được nhểu ra từ thứ mạch nha vàng hổ phách, cứ mê mê chép miệng, đến là thích. Ô kìa, những cánh cò trắng lượn theo nhau, vòng suốt từ Cò Noòng xuống Noong Ỏ - Cang Nà, sang Bản Hẻo - Cò Cọi, lại bay về Cầu Thia, thỉnh thoảng chúng dàn hàng ngang dênh ngược lên lưng núi Dâng trông chẳng khác gì những cánh diều màng của lũ mục đồng thả chơi cùng mây núi.

(còn tiếp)
 
Last edited:
Mường Lò
Bút ký của Hoàng Thế Sinh
(tiếp theo và hết)

Ðây rồi, các cô gái Thái đang nối nhau, nhún nhẩy gánh lúa về bản. Nắng chiều lấp lóa hàng cúc mắc pém. Dáng áo cỏm thon bó làm mềm cả trời chiều. Thì vẫn chân trần lấm đất, dưng mà, mỗi khi vào vòng xòe sao mềm mại, dẻo dẻo, khéo khéo là. Bàn chân trần lấm đất của các cô gái Thái khiến tôi không thể quên cái đêm xem xòe cổ dưới chân núi Pú Chạng.

Ðúng ra, đấy là một đêm hội đại xòe với hàng trăm người tham gia, nhưng chương trình trước đó có biểu diễn sáu điệu xòe cổ: Khắm khen, Phá sí, Ðổi hôn, Nhôm khăn, Ỏm lọm tốp mư. Phải thừa nhận, chưa bao giờ tôi được xem đủ sáu điệu xòe cổ độc đáo đến như thế.

Xem các em gái Thái chưa tằng cẩu đam mê xòe cổ mà tôi như thấy núi đang sừng sững mọc lên giữa trời đất, như nghe tiếng suối tiếng gió đang ào ào đổ về từ thời hồng hoang, như dõi nhìn mây ngàn bồng bềnh bồng bềnh phiêu dạt, như đang hít hà hương lúa chín đồng vàng Mường Lò, như nghe tiếng hát ngọt ngào tiếng cười giòn tan trong ánh lửa nhà sàn, như nhìn thấy muôn cánh chim trời thấp thoảng chiều hôm về ngàn. Tôi hiểu, mỗi điệu xòe cổ còn là một biểu hiện tình cảm tinh tế, sâu sắc, là một trạng huống giao tiếp, một cung bậc tình cảm của người Thái Mường Lò cùng nguồn cội. Xem xòe cổ, tôi cứ ngỡ các diễn viên biểu diễn. Nên khi xong các tiết mục, tôi liền tìm gặp các em.

Hỏi mới biết, các em đều là sơn nữ bản Cò Cọi, Noong Ỏ, Cang Nà, Thanh Lương, Cò Noòng, Ao Luông, Vòng Cài, Pú Chạng. Các em không phải nghệ sĩ, mà toàn là các em gái xinh ở bản lúa, bản ngô khoai sắn, bản rừng cây, chưa tằng cẩu, bàn chân trần còn ngái chua bùn đất đồng Mường Lò. Tôi cứ nằm im trên bờ ruộng, đầu vẫn nghĩ về đêm xòe cổ, mắt thì mải dõi theo các em gánh lúa về bản. Thôi mà, trong các em gánh lúa không có Sa, vì Sa đã tằng cẩu rồi. Sa với tôi từng gặp nhau trong hội lồng tồng mãi trên Tú Lệ.

Sa ngày ấy chưa tằng cẩu, tóc mướt xanh như dòng Thia, mắt đen lay láy, môi thắm hoa đào, gương mặt như hoa ban trắng hồng, kinh cổm nỗm tẳng (mình thon vú dựng), xinh ơi là xinh. Sa từng múa sáu điệu xòe cổ mà tôi được xem, em lại dịu dàng, hát hay, hát đối đáp giỏi nên được chọn làm Sao tổn khuống trên Sân hoa Hạn khuống.

Sau đêm Hạn khuống, tôi đang ngẩn ngơ lẫn vào bao nhiêu là thơm tho áo cỏm, áo chàm, thổ cẩm, nâu sồng, ngẩn ngơ trước bao nhiêu là ánh mắt, nụ cười sơn nữ Thái - Tày - Mông - Dao - Mường, thì tình cờ chạm mắt Sa. Thành quen. Thành thân nhau. Rồi tôi đưa lời thương lời nhớ qua Ðèo Ách vào trong Mường Lò. Và mỗi năm chỉ gặp nhau đôi ba lần trong các ngày lễ hội. Cứ nhớ, cứ thương thế thôi. Mãi một ngày Sa tằng cẩu.

Tôi tiếc Sa như tiếc một báu vật mà biết rằng mình không bao giờ được cất giữ, không bao giờ được ôm ấp, nâng niu. Bởi thế, trước ngày Sa tằng cẩu, tôi đã vụng trộm gửi lời trái tim mình vào trong Mường Lò, rằng: Tôi mê em, theo em vượt chín đèo mười núi, theo em qua trăm sông nghìn suối đến dòng Thia soi bóng chúng mình. Ôi, dòng Thia thao thiết bao tình, khăn piêu trao nhau qua cầu gió thổi, nụ hôn trao nhau nghiêng nghìn trái núi, đánh đắm vào nhau non nước bồng bềnh.

Tôi theo em lên thác xuống ghềnh, để được bước lên ngôi nhà sàn em ở, để được uống chung rượu cần trong ché, thứ rượu ngàn đời như bỏ bùa mê. Ngôi nhà sàn dấu chân hoa nở mỗi đêm xuân vui có bạn bè, tiếng khèn ngân rạo rực cả vùng quê, vòng xòe mở chòng chành nhún nhẩy, xòe vòng trong vòng ngoài, xòe từ chiều vào đêm, xòe qua đêm đến sáng, xòe cho tình ta giăng mắc như thổ cẩm và bốc cháy, lời tỏ tình chuếnh choáng lên môi. Bỗng một chiều biền biệt em tôi, mây đã giạt lên ngọn nguồn núi núi, gió thoảng về xa vời vợi, kỷ niệm xưa cỏ biếc, kỷ niệm xưa lá bay, chỉ còn nhành ban tím ướp một trời thương nhớ miền tây...

Lời của trái tim tôi bây giờ lại ngân lên, lời riêng gửi cho Sa thoảng vào mênh mông đồng vàng. Không có bước chân trần của Sa trong những bước chân trần lấm bùn đất kia, để đêm về, cùng cả miền gái xinh Mường Lò sẽ lại chòng chành trong vòng xòe mê đắm!
 
Last edited:
Nhớ "món Tết" giữa núi cao và mây mù... (Mường Tè, Lai Châu, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Lãng Quân

1.
Tết, Tết đến rồi. Cái câu thật giản dị, nhưng bao giờ nó cũng kèm theo niềm xao xuyến chẳng giản dị chút nào. Cứ háo hức như thể chưa từng có rất nhiều cái Tết đã qua và không có bao nhiều cái Tết ở phía tương lai đang đợi chờ đời mình vậy. Hán tự hình như người ta chiết tự Tết là cái gì đó liên quan đến chữ Tiết, tiết hình như có nghĩa là một sự phân chia, một khúc, một đoạn gì gì đó. Nghĩa là cái mốc để chặn dòng chảy thời gian miên man kia lại để đong đếm cho nó dễ. Tôi cứ vẩn vơ nghĩ, năm cùng tháng tận cộng vào (dù hụt dù nhuận) thì vẫn đến hẹn lại lên, ai chả biết có ngần ấy ngày ngần ấy đêm rồi thì lại đến Tết. Muốn chặt đoạn nào trong số khoảng 365 ngày của năm ra (như thể ta chặt một cây mía thành các tấm khác nhau) thì đoạn ấy sẽ là cái khấc để ta đong đếm thời gian, có gì mà quan trọng. Nếu giả dụ người Việt Nam chọn tháng 6 là Tết, thì mỗi năm vẫn có một cái Tết với ngần ấy ngần ấy ngày và đêm như thường. Có khi (lúc đã thành quán tính) vẫn cũng ngần ấy xao xuyến như thường. Tất nhiên, chẳng ai dại gì mà kéo gai đằng ngọn như thế.

Tóm lại là cả năm đánh đu với đời, thì cũng phải nghĩ ra một ngày thật sự nghỉ ngơi, chiêm nghiệm và lột xác chứ. Ngày ấy, với nhiều người là ngày Tết. Tôi cứ nghĩ, không có ngày Tết thì cuộc sống sẽ có nhiều stress, nỗi buồn, nhiều ẩn ức hơn. Là bởi vì người ta không được tách mình ra khỏi cái mình thường nhật để thăng hoa và ngâm ngợi. Phải có một cái ngày để ai ai, dù phiêu bạt tha hương thế nào cũng phải về với gốc phần cho bằng được chứ. Cũng như người vùng cao có chợ tình để người ta trốn chạy đời thường. Để ai muốn nhớ ai thoải mái, ai nợ tình ai thì giả, thậm chí ai với ai bị đau đáu món nợ thịt da tính dục thì tìm đến nhau cho thoả nỗi buồn ngăn sông cấm chợ. Nhiều vùng cao có chợ tình, ở vùng xuôi cũng có những hội làng gỡ mối ẩn ức tình duyên. Đỉnh cao của hội làng là hội ở cái vùng người Kinh ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Từ nghìn đời nay, người ta táo bạo tới mức mỗi năm làm một cái lễ linh tinh tình phộc, có hẳn hoi cái giờ tháo khoán, lễ mật. Lễ chính thức, nhang đăng hẳn hoi dùng hai cái sinh thực khí nam nữ (cái khoét bằng mo cau lớn, cái đẽo gỗ hình dùi đục linga-dương vật) đâm vào nhau phùm phụp cầu những điều phồn thực cho cỏ cây, cho xóm mạc, cho nhân tình nhân ngãi. Giờ lễ mật, là tắt đèn, tháo khoán cho trai gái thoải mái trên bộc trong dâu. Tóm lại là tình dục. Hình như các cụ biết rất rõ, ngoài cuộc sống này có quá nhiều ẩn ức, quá nhiều cái vô thức nó đeo bám con người ta nhèo nhẽo.
Vì thế nên cộng đồng người nào trên quả đất này cũng phải có Tết?

2.
Những cái Tết vùng cao đã cho tôi một nhận thức khác. Nhận thức về những kiếp người, những cộng đồng người sống chẳng bao giờ giống nhau; song những cái Tết thì bao giờ cũng đến với người ta bằng một con đường. Con đường rất giống nhau.

Bản Ma Ký, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngoài các người hùng muôn thở (chiến sỹ biên phòng và giáo viên cắm bản) ra, cả năm mới có vị khách dám đi bộ bốn năm ngày vào với bản, vui lắm. Tết của người Hà Nhì đến sớm hơn Tết miền xuôi cả tháng trời. Có lẽ tại ông Trời châm lửa, thắp đỏ cho hoa đào theo cái cách châm từ trên đỉnh núi cao, châm dần xuống chân núi, xuống gò đồi trung du, rồi mới về châu thổ bãi bồi của Hà Nội, Hà Tây... Lưỡi khí xuân liếm đến đâu, hoa đào bung sắc tới đó. Xuân vùng cao bao giờ cũng đến sớm. Người Hà Nội vừa mới rục rịch quay sang nhau thở dài: “Còn hai tháng nữa, đã lại đến Tết”; thì người Hà Nhì đã giết dê, giết lợn, giết bò, giết chó… ăn với nhau rất nhiều bữa tiệc núi rồi.

Họ làm lễ cúng bản, cúng cái bản; lễ cúng bản cũng là lễ cúng tất cả chư thần, thần sông thần suối, thần cây thần cỏ, thần mặt mũi thần chân tay, thần lông mi thần lông mày… Trong quan niệm cổ sơ của người Hà Nhì, nơi nào cũng là nơi trú ngụ của thần linh. Chỉ cần đi qua thần bậu cửa là sẽ gặp ngay thần rừng. Vì người Hà Nhì không bao giờ phá rừng. Lễ cúng bản cũng là lễ cúng rừng. Mỗi người cõng đến bên tảng đá lớn nơi cửa rừng một con vật gì đó. Có bác cắp nách đôi gà, có bác dắt theo một chú lợn bốn chục cân. Có gã thanh niên cõng con dê đực kêu be be táu hạu. Con dê có bộ râu dài đen nhánh, vểnh như râu anh hùng trong một vở cải lương Nam bộ. Riêng Sừng Khai, hắn vạm vỡ khoác súng lớn, dắt theo chú bò lớn, lông vàng ruộm. Đám súc vật được giết, như tráng sỹ trong "Thủy hử" sắp làm lễ tế cờ vậy. Máu chó máu lợn máu dê loang khắp bìa rừng. Thủ cấp con bò để nguyên cả lông, cả máu me, đám súc vật bị hành quyết cứ thế hướng vào trong rừng, trịnh trọng thực hiện nghi lễ cúng rừng cùng chủ nhân. Thịt luộc, thịt nướng được bày ra lá chuối, lá vả trải xanh rì một góc rừng. Cả bản tiệc tùng say túy lúy. Giữa lúc ấy, lời thề giữ rừng vang lên. Giọng thề của những người đàn ông ề à, kính cẩn, đắm say. Họ thề sẽ bảo vệ rừng. Thề không để cho con ma ám vào đầu những kẻ tham lam, chúng nó muốn ngả pơmu, ngả gỗ nghiến trên núi đá để bán cho người dưới xuôi. Nếu có mặt trong lễ cúng rừng vào cái Tết “thề giữ rừng” lớn nhất trong năm của người Hà Nhì (bà con người Hà Nhì với khoảng 12 nghìn người, chỉ sống ở 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai của VN) thì tôi tin, các đồng chí ở Cục Kiểm lâm nhất định phải rưng rưng xúc động. Nếu nhân rộng mô hình lời thề giữ rừng nguyên sơ mà rất thời sự ấy lên, có khi nhân loại chửa chắc đã phải điên đầu vì hiệu ứng nhà kính với lại băng tan ở các cực quả đất như hiện nay…

(còn tiếp)
 
Nhớ "món Tết" giữa núi cao và mây mù... (Mường Tè, Lai Châu, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Lãng Quân
(tiếp theo và hết)

3.
Lễ thề giữ rừng cũng chính là lễ cấm bản. Trong lúc van vỉ, bảo vệ các vị thần của bản, bà con quan niệm rất rõ: phải làm một cái cổng bằng gỗ cây gạo (như cái cổng chào vào… hội chợ) để ngăn không cho ma tà xâm nhập. Muốn thế, cây gạo non trồng trước bản phải tua tủa gai nhọn. Dọc “cổng chào” bà con tết rất nhiều cái tua rua xanh đỏ, nhiều cái nan phên bùa chú để hù doạ ma tà. Đặc biệt, các đầu bò, đầu lợn, đầu dê, lông gà, lông ngan bê bết máu sẽ được treo ở đầu bản. Giống như độ nọ Gia Cát Khổng Minh vấy máu chó máu lợn máu dê lên để xua đuổi tà phép của những dị nhân hô phong hoán vũ trong "Tam Quốc diễn nghĩa" vậy. Tôi, một người miền xuôi đã khựng người lại, mồ hôi hột toát ra buồn nhây nhẩy ở sống lưng, khi gặp lễ cấm bản như thế ở Tá Miếu (cách Ma Ký một ngày đường). Vùng đất thượng nguồn biên ải, qua chiến tranh, qua những ngày phỉ hành hoành (tận đầu những năm 1980 của thế kỷ trước), giờ còn sót lại rất nhiều bom đạn. Có những vỏ đạn pháo lớn. Có những khẩu súng gỉ hoang tàn. Và bà con nghĩ, súng đạn từng đã làm ly tán bao nhiêu mảnh đời của bản, bà con còn hãi, huống gì tà ma. Thế là họ treo vỏ đạn, treo súng cũ lên đầu bản, trong ngày Tết Cấm Bản.

Trước, Tết Cấm Bản diễn ra rầm rĩ, say bí tỉ, hát ầu ơ đưa đẩy suốt 9 ngày trời. Nay, “văn hoá mới” thì cũng phải 3 ngày đêm. Tự dưng những chuyến lên rừng lấy măng, những ngày đi săn thú, bắt cá dưới Đà Giang đầu nguồn, dưới Ma Nhù Hồ (suối Nậm Ma) của bà con bị khựng lại. Để rượu. Và để hoá kiếp cho súc vật tế thần rừng. Đó là Tết. Cấm bản, cấm ma, cấm cả người. Cấm người đi ra khỏi bản trong ba ngày. Người Hà Nhì vạm vỡ trên núi cao như con đại bàng cô độc, như đám mây ngàn, nên họ hào hiệp lắm. Không cấm người vào với bản trong Tết vui. Nhưng đã vào bản rồi thì cấm được ra khỏi bản trong 3 ngày (kể từ khi lễ Cúng rừng diễn ra). Ai cố tình đi ra, thì nghĩa là người ấy đã cố tình mở cửa bản cho con ma ác ùa vào. Thế là họ phải mua rượu, mua thịt về làm lý để tiếp tục đuổi con ma đi cho bản yên lành. Lễ cấm bản vui tới mức, chẳng bị phạt làm lý thì bạn cũng tình nguyện ở lại và uống rượu suốt ba ngày hoặc hơn thế nữa. Cái tình hào hiệp, cái tình nguyên sơ và nỗi buồn thân phận của những cô gái sinh ra chỉ để dịu dạng ở bản Hà Nhì…

4.
Lỳ Phì Pa 16 tuổi, khăn áo đỏ, những quả tua rua đỏ, tròn, như trái tú cầu kén rể của công chúa Trung Hoa rủ xuống trước mặt em. Răng trắng trong như ngô nếp thơm. Nụ cười rờ rỡ đẹp của em làm tôi hụt hẫng, thấy mình bụi bặm và nhàu nát đi. Em vào bếp mang ra món Tết. Đãi a cồ (anh) món Tết do a nhí (em) làm nhé. Đó là một khúc dồi lợn dài, nó đen xì, uốn lợn như một dây xúc xích bên trời Âu. Dồi lợn để từ Tết năm ngoái, khói gác bếp làm nó đen như bồ hóng, bà con gọi là món Tết. Món sậm hương vị của mùa Tết năm trước. Một cỗ dồi lợn (trong rất nhiều cỗ) của năm nay lại được Phì Pa đưa lên làm món Tết cho cả năm buồn bã sắp tới…

Lần đầu, tôi không dám ăn món Tết. Nhưng bà con giám sát quá ngọt ngào, tôi ăn rồi lén bỏ xuống gậm bàn lúc nhúc chó con. Rồi đến lượt Phì Pa gắp món Tết cho tôi. Rượu vào, lại thêm ánh mắt óng ngọt như mật ong của em. Tôi nhắm mắt nuốt. Thế rồi đâm nghiện, bữa nào cũng trơ tráo đòi ăn món Tết. Cái mùi mông mốc, cái mùi ngậm ngùi thế nào ấy. Vị thơm len lén ngấm vào tôi, như là đang ăn khói bếp giữa đêm Mù Cả lạnh giá vậy. Trên này làng bản lúc nào cũng ủ trong mây cao đỉnh núi, trời như cái tủ lạnh kỳ ảo; bếp lửa sau rất nhiều nách núi của Mường Tè ấy đỏ suốt đời nọ qua đời kia là một cái chảo giữ nhiệt cho món Tết rất tuyệt. Trời đất đã ướp hương rừng Ma Ký, Tá Miếu, Tả Kho Khừ. Như ướp cả cái tình khoáng đạt của Sừng Khai, Phì Pa vào trong món Tết.

Món Tết miệt rừng còn là lúc lỉu những đùi lợn ướp muối trong căn bếp rộng như một khuôn viên chùa cổ nhà Phì Pa. Em cười lấp lánh. Em vạch từng đùi lợn muối, từng khối mông lợn tròn đầy đến phồn thực; em nắm những cái đuôi lợn óng bồ hóng, cứng quèo vì ngấm muối suốt năm nhưng dường như vẫn biết ngoe ngẩy ấy... Em đi giữa một dàn các món Tết treo đen đúa, mỡ màng, phồn thực trên đỉnh ngọn lửa. Em đi như cô gái Hà Nội đi trong quầy quần áo thơm treo móc giữa siêu thị. Phì Pa đi chọn cái đùi lợn ngon đãi khách.

Tiễn khách xuôi, bàn tay em tần ngần cầm một nắm cỏ tranh khô tước mềm. Em hun cỗ dồi lợn để làm món Tết cho mùa Xuân năm sau, biết được, bấy giờ tôi có lại được về đây ăn món Tết? Khi ấy, em sẽ 17 tuổi. Nắm lá tranh khô kia em làm tổ én đầu nhà. Nhà chình đất của người Hà Nhì bao giờ cũng lúc lỉu những cái tổ én. Cái tổ chim én do những người con gái trinh tự tết để mời gọi thần chim én bay lượn sinh sôi trước nhà mình. Nhà Phì Pa có đến ba chục cái tổ chim én. Cái tủ lạnh đầy mây mù khí lạnh khổng lồ mà trời đất đặt ở Mù Cả, hình như chỉ để cho Phì Pa làm món Tết, để em dụ én về trước hiên mỗi nhà trong bản...

Má em hồng như tua rủa đỏ thắm ngúc ngoắc khắp vành khăn em. Tôi đón món Tết của Phì Pa ở tít mãi đầu bản Xi Nế. Em đi tắt đường tiễn khách. Bàn tay thô ráp của em làm tôi thảng thốt. Cụ Mé Lòng bảo, Phì Pa nó trèo cây lấy phong lan rất giỏi. Cánh lái buôn phong lan vẫn thường dụ em leo lên đỉnh núi vặt trụi phong lan núi. Không đi học, lại nghèo. Nụ cười của Phì Pa làm tôi buốt lòng vì thấy mình quá nhàu nhĩ trước vẻ đẹp nguyên sơ trong trẻo. Cái câu “a nhí a cồ cà cồ lí a” (em và anh sẽ nhớ nhau nhiều lắm đấy) làm tôi nhói ngậm ngùi với biệt ly tít tắp. Cái tài trèo phong lan của bàn tay thô ráp của món Tết ấy sẽ còn mãi day dứt trong tôi.

Tết lại đến rồi, cái duyên lội rừng theo Tết cấm bản biết bao giờ mới lại có được lần thứ hai. Và Phì Pa có còn dệt tổ dụ chim én về trước hiên khi đào hoa y cựu tiếu đông phong ở Mù Cả…

Nhớ Tây Bắc, cuối năm 2006
Đ.L.Q
 
Last edited:
Quỳ lạy một nền văn minh đã mất ở Cánh Đồng Chum (Phonsavan, Lào)
Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng

Nếu chưa lang thang ở Cánh Đồng Chum (ba chữ tôi đều viết hoa), thì bạn sẽ cho rằng có thể tôi hoá rồ rồi, lặn lội từ Việt Nam sang Bắc Lào xa xôi trên cao nguyên đầy sương khói này để quỳ lạy mấy cái đống đá nhấp nhô gồm bảy trăm viên: đá ong, đá vôi, đá cẩm thạch. Tôi biết chẳng khó khăn gì để bạn nghĩ như tôi vừa nói. Song, tôi lại vẫn tin rằng, bạn mà sang xứ sở hoa Chăm-pa đó, lặn lội với Cánh Đồng Chum, chắc chắn bạn cũng sẽ phải sụp xuống quỳ lạy 700 cái chum có từ 3.000 năm trước! Như là quỳ lạy biểu tượng của sự bí ẩn đầy kiêu hãnh. Niềm kiêu hãnh của một nền văn minh đã mất được đẽo tạc bằng đá. Và bạn sẽ không cười tôi.

Bạn tự hỏi: di sản văn hoá thế giới này, do trời đất hay một vương triều, một bộ tộc nào tạo tác mà thành? Câu hỏi vẫn còn phong kín cho loài người thả rông trí tưởng tượng của mình mà tiếp tục “thầy bói xem voi”. Thứ đá ấy dậy tình mê tơi lên được. Đó là những trang sử đá kỳ thú mà loài người chưa thể đọc dịch nổi. Thứ mật ngôn mà có thể, chỉ có đá mới hiểu nổi. Tiếc thay, đá không biết nói thứ ngôn ngữ mà một ai trong số khoảng bảy tỉ người của địa cầu này có thể nghe nói được. Cánh Đồng Chum được tạm coi như sứ giả của một nền văn minh không đã mất, nó được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, năm 2001. Là biểu tượng của đất nước Triệu Voi quyến rũ.

Phôn Sa Vẳn - trước lúc kể chuyện những chiếc chum
Đêm Phôn Sa Vẳn tĩnh lặng tuyệt đối. Xiêng Khoảng rộng nhất nước Lào, nằm ở phía Bắc xứ sở hoa chăm-pa, giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Thị xã Phôn Sa Vẳn cổ kính với những vòm án nhà thưa thớt quanh những quả đồi cỏ savan mỏng mượt, những đàn đại gia súc mơ màng đi trong nắng; nhưng, cái góc sôi động của nó, trong đêm, ở vũ trường sàn nhảy thì lại chẳng kém gì Ma Cao trác táng. Vũ nữ quay cuồng và (nói vụng) người ta cứ chọn các noọng-sáo (em xinh đẹp) rồi quắp đi bán mua tình ở đâu đó một cách tương đối tự do. Chợ Phôn lèo tèo, nhưng có bác bảo vệ súng AK báng gấp lăm lăm. Tinh thần đề phòng phỉ vẫn còn rất cao. Đặc biệt là khi chúng tôi ghé thăm đơn vị quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Vịêt Nam hy sinh tại chiến trường Lào, anh em vẫn phải ăn dầm ở dề trong rừng hoang, đối mặt với phỉ như cơm bữa. Những chuyến ôtô vượt đèo dốc kinh người cả tuần trời, những chuyến máy bay trực thăng vào thủ phủ của Vàng Pao (mà Long Chẹn chỉ là một ví dụ), ở mỗi khu vực, các chiến sỹ ta vẫn phải lập chốt bảo vệ cẩn mật cho công việc chở cả trăm bộ hài cốt về Phôn Sa Vẳn.

Nhưng, dẫu thế nào thì, đêm nay, Phôn Sa Vẳn vẫn tĩnh lặng tuyệt đối. Koong Kẹo ngoài ba chục tuổi, là chủ một khách sạn lớn, chuyên phục vụ ăn ở và công việc hướng dẫn viên cho khách nước ngoài. Kẹo gầy toong teo, anh Tâm - lái xe của huyện uỷ Kỳ Sơn ngồi với Kẹo ở phố Phôn Xạ Ạt cứ tủm tỉm “phát song ngắn” với tôi rằng: ở nước mình mà gặp thằng này thì ai cũng nghĩ là nó nghiện. Tôi nói điều đó bằng tiếng Anh cho Kẹo nghe (anh Tâm không nghe được), Kẹo cười sảng khoái, cái cười của dân làm ăn quyền biến. Hắn lái xe Zeep của quân đội Mỹ chính hiệu với bộ ba đờ xốc trước xe cong cong như hai lưỡi hái đen ngòm rất găng-xtơ đưa chúng tôi vào vũ trường. Kẹo khoe, theo lối của một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: Xiêng Khoảng gồm cả hệ thống đồi núi trập trùng, cao từ 1.600 -2.000m so với mực nước biển. Lào quá rộng, nhưng dân số chỉ… 7 triệu người. Khí hậu lại càng trong lành. Mỗi ngày có đủ bốn mùa, buổi sáng và buổi tối se lạnh, lại bảng lảng sương mơ. Tạo hoá ban cho sự tốt tươi ấy, chẳng hiểu sao Kẹo vẫn gầy. Có thể vì hắn khôn quá nên người quắt lại. Khách sạn của Kẹo, từ cái đĩa đựng nến cũng làm bằng quả lựu đạn chẻ đôi (như nửa quả dưa hấu). Khu trưng bày toàn… bom và súng ống, nhặt từ đống phế liệu của cuộc chiến chống xâm lăng. Người Lào yêu nước (Pa-thét Lào) hy sinh đã nhiều. Riêng quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Xiêng Khoảng đã là khoảng 12 nghìn người, trong đó hơn 2.000 người vẫn lặng lẽ tủi hờn nằm đâu đó trong hoang rậm rừng Lào. Hầu hết những cánh rừng tít hút đó vẫn có phỉ hành hoành.

Địa phận Xiêng Khoáng có chung biên giới với Việt Nam và đã từng là nội thuộc Việt Nam (1434) cũng như bị sáp nhập vào Việt Nam dưới cái tên Trấn Ninh (1479) ; sau khi vua Souriya Vongsa băng hà (1694), Lào bị chia ra ba vương triều, Xiêng Khoáng lại nội thuộc Việt Nam lần nữa. Năm 1893, hiệp ước Pháp-Xiêm được ký kết, Xiêng Khoáng mới trở lại của Lào thuộc Pháp. Mỹ ném bom xuống Xiêng Khoảng ác liệt nhất là vào cuối những năm 1960 (thế kỷ 20), có trận, sử cũ chép: bom Mỹ đã san phẳng 3.000 ngôi nhà, nhiều ngôi chùa và nhiều kiến trúc nổi tiếng khác của Phôn Sa Vẳn. Cách Phôn Sa Vẳn không xa, Hang Thẩm Piu từng được cả thế giới đau lòng biết đến với việc: năm 1969, không quân Mỹ bắn vào đó 3 quả tên lửa, giết chết trong tích tắc hơn 400 thường dân và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Người ta đã tìm thấy trong hang ít nhất 400 bộ xương người bị chết cháy.
(Sưu tầm)


Giữa bối cảnh ấy, Xiêng Khoảng có Cánh Đồng Chum bí ẩn. Bí ẩn như đá và câm lặng như vỏ quả đất đang ngày càng hung hãn của chúng ta vậy. Cánh Đồng Chum ở Lào cũng nổi tiếng như Sa Pa hay Vịnh Hạ Long ở Việt Nam. Tôi, Kẹo và hai cô gái người Anh đẹp ngời ngời ngồi ở góc phố Phôn Xạ Ạt nói về Cánh Đồng Chum. Hai cô khoe, ở nước Anh khu vực kỳ ảo, với những tảng đá nhẵn nhụi, xếp hình rất là ám ảnh (như những bức điêu khắc, như nghệ thuật sắp đặt kỳ khu) trên một khu vực cỏ mượt rộng lớn. Như là bày thạch trận. Kẹo bảo, đá bị xô ngã nó thành hình thế, có gì là lạ. Công viên đá hát ở Tây ư? Đá rỗng, đá chênh vênh, gió hít vào thì đá nó rú hát, có gì lạ. Còn đá ở di sản thế giới nổi tiếng Cánh Đồng Chum của Xiêng Khoảng, 700 cái chum khổng lồ bằng đá, nằm mênh mông rợn ngợp, thách thức trên ba khu “thánh địa” - thật không tài nào lý giải nổi. Khoa học đem về xét nghiệm các-bon (C14), đã chứng minh là chum đá có từ 3.000 năm trước. Trước cả khi chúa ra đời và khi thế giới và Việt Nam có Tây lịch, thứ lịch (mà đến nay nó đã ra đời được 2007 năm). Mà kết luận ấy là do người Tây đưa ra, chứ có phải người Lào tự hào quá mà khoe khoang đâu (kết luận của nhà khảo cổ học nổi tiếng thế giới, bà Colani, nhà khảo cổ nổi tiếng người Pháp, cũng là bà chủ - chuyên gia số một về nền Văn hoá Hoà Bình trải rộng từ Việt Nam đi khắp vùng Đông Nam Á). Các em người Anh tròn mắt đòi lái xe Zeep đi ngay. Chàng trai người Lào đi cùng mê em Sabine mắt xanh như nước biển hút thuốc lá phì phèo quá, cũng dặn ra được một câu tiếng Anh: tôi nghe nói, người ta có thể chết vì một nhan sắc. Xưa, tôi không tin. Nay gặp Sabine, tôi mới tin đó là chuyện có thật trên đời. Khắc-ti-sút - tiếng Lào, nghĩa là yêu đến giọt cuối cùng. Câu nói diễm tình, bập bẹ thật đấy nhưng cũng làm Sabine lóng lánh cảm động. Mắt đảo như chuột ngày. Nàng là sinh viên đi vòng quanh thế giới rồi mê đắm Xiêng Khoảng, nên trong trường tình cũng có vẻ từng trải tợn.

(còn tiếp)
 
Last edited:
Quỳ lạy một nền văn minh đã mất ở Cánh Đồng Chum (Phonsavan, Lào)
Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng
(tiếp theo)

Trong trụ sở của Ban quản lý di tích Cánh Đồng Chum, ngoài treo một cây sào (như sào đuổi vịt của mục đồng), căng một sợi dây nilông lè phè, đầu buộc một hòn gạch chỉ (như cái barie); bên trong là tấm áp phích. Tấm áp phích Cánh Đồng Chum rất lớn, ở đó không cần phải có… ngôn ngữ. Vì nó được ghép bằng những tấm ảnh chụp cực kỳ chuyên nghiệp. Chum đá bạt ngàn, như ngàn vò rượu lớn, nằm ngổn ngang trên cỏ mượt. Xa xa là thung lũng bạt ngàn, là sân bay Phôn Sa Vẳn, cũng nhấp nhổm toàn chum đá. Đây, một người đàn bà ngồi xổm, đăm đắm nhìn vào máy dò mìn xoè như cái mâm lớn trên cỏ mượt. Trong mắt chị, hình như còn sự thảng thốt bởi di hoạ của chiến tranh và cái chết thảm sầu của những người dò mìn trên cánh đồng bom đạn; phía sau chị là lừng lững, ngổn ngang toàn những chiếc chum đá nghìn năm tuổi. Trong ký ức của tôi (người viết bài này), Cánh Đồng Chum là một cái gì thật đó thảm khốc, bởi tôi từng nghe quá nhiều về sự thảm khốc - huỷ diệt do bom đạn qua những vị cựu binh từng chiến đấu ở Bắc Lào kể lại. Anh Bình, hang xóm nhà tôi, dẫu đã bị tâm thần phân liệt, nhưng hễ cứ mở miệng ra là kể về những ngày bời bời bom nổ ở Cánh Đồng Chum. Nơi ấy, bạt ngàn bom đạn, là chết chóc hăm-bơ-gơ (kiểu như đồi thịt băm trong tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của nhà văn Bảo Ninh). Giờ lại nhìn thấy cảnh đứa trẻ ở trần truồng, bé như cái búp măng non, vịn vào quả bom tấn nằm thuồi luồi như con trâu đằm ở Cánh Đồng Chum xanh rợn. Đầu kia quả bom tấn là một cụ già ngồi ngẩn tò te mà hình như ký ức chiến tranh vẫn còn ngơ ngác, hoảng loạn. Chỗ này là con voi già cặm cụi kéo một quả bom tấn ra khỏi Cánh Đồng Chum. Chỗ kia một ngôi nhà sàn đất Xiêng Khoảng toạ lạc trên ngọn của đám dày đặc những quả bom đứng ken dày sừng sững (thay cho cột nhà). Chẳng đâu xa, những ngày này, ở Phôn Sa Vẳn, chúng tôi vẫn gặp những quán cà phê… dùng bom để trang trí. Những ngôi nhà ba tầng giữa lòng thị xã, trước cổng đỗ chiếc xe Humer như một cỗ xe tăng (mà ở Việt Nam chỉ có vài tỷ phú chơi siêu xe mới dám mua), những chiếc TOYOTA cáu cạnh (bên Lào này toàn aufng xe bán tải để leo dốc, và xe ôtô ở đây rất rẻ, chứ không chịu thuế dã man như ở Việt Nam), nhưng trước cổng cũng cắm ba bốn quả bom. Bom to tới mức, tôi đứng vào chụp ảnh mà cứ ngỡ mình là con nhái ôm củ măng tre to gộc. Tại Việt Nam, chúng ta cũng từng “đào” được quả bom tấn lớn nhất từng có mặt trên toàn cõi Đông Dương, nó có thể san bằng một diện tích rộng 32ha trong chớp mắt. Nó, cũng như quả bom ở Lào, vẫn là bom của đế quốc xâm lăng thôi; Việt Nam và Lào cũng là nạn nhân của trò chơi súng đạn ấy; bom to bom nhỏ thì có gì là lạ - song, cái tôi muốn nói là ký ức của người Xiêng Khoảng, Phôn Sa Vẳn về bom đạn vẫn quá nặng nề và dai dẳng. Nó ám ảnh như bức ảnh đám trẻ nhỏ chạy vô tư lự bên một khu tường rào sin sít nối đuôi nhau những quả bom khổng lồ đứng đuỗn đuỗn, đứng xám ngoét một góc trời ở rìa Cánh Đồng Chum (năm 2001, Cánh Đồng Chum đã được UNESCO công nhận là Di Sản văn hoá thế giới, nó trở thành biểu tượng của đất nước Triệu Voi).

Một du khách sau chuyến đi thăm Cánh Đồng Chum trên mạng Internet:
Trên kia tôi đã nói Cánh Đồng Chum là hấp lực dẫn tôi đến Xiêng Khoáng, nghĩa là trước khi đến vùng đất nầy, tôi đinh ninh chum là đặc sản duy nhất lừng danh thế giới của Xiêng Khoáng. Tản bộ một vòng trong lòng Phonesavanh, tôi phát hiện ra ở đây còn một đặc sản thứ nhì nữa: bom !
Thật vậy. Không ít thì nhiều, nhà nào cũng có sự hiện diện thứ của nợ nầy. Ở khách sạn ST tôi đã thấy cả chục quả bom bi, bom, ổi có, bom dứa có, bom lựu cũng có ... chúng được dùng làm gạt tàn thuốc lá hay làm chân nến. Đương nhiên là thuê vàng tôi cũng không dám gạt tàn thuốc lá vào đó, biết đâu người ta sơ ý chưa gỡ hết thuốc nổ ... Ngoài sân khách sạn có dựng nguyên một quả bom cao hơn thước, bự cũng tròn một vòng ôm người lớn, không xa là cái giàn bắn rocket. Quanh tôi, nhà nào có rào y như rằng các trụ chính là vỏ bom, nguyên có, sẻ đôi có, cao cũng phải 2 thước trở lên. Nhà nầy treo bom bi tòng teng trên cành cây trông như cây thông mùa Giáng sinh. Nhà kia hai cột chính chống cái ban công phía hướng ra đường là hai quả bom khổng lồ, được kê trên hai trụ đá. Tôi chưa sống với chiến tranh 1 giây 1 phút nào nên không biết đó là thứ bom gì, hỏi một ông qua đường, thay vì trả lời ổng lại vuốt vuốt, đập đập hai bàn tay vào nhau như xóc bài cào: B-52 !


(còn tiếp)
 
Quỳ lạy một nền văn minh đã mất ở Cánh Đồng Chum (Phonsavan, Lào)
Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng
(tiếp theo)

Mật ngôn của những viên đá được gọt đẽo thành chum

Điều làm tôi sửng sốt là: em Sabine mắt xanh như nước biển đã lạy những chiếc chum đá. Chum đá ngơ ngác nằm miên man trên cỏ, cỏ và chum dài mãi, như là dài tới tận cuối chân trời. Bất giác tôi nhớ anh nhà thơ làm báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên), anh viết tặng Tây Bắc: “Núi như ngàn vò rượu/ xếp ngổn ngang bên đường”. Tôi nghĩ, cái men say với thơ, với cảnh sắc ấy mà gán cho tình yêu Cánh Đồng Chum thì hợp hơn. Đúng như ngàn vò rượu/ nằm ngổn ngang bên đồi. Quả là không thể hiểu nổi. Tôi đã đi, đã gặp rất nhiều dáng núi, dáng đá được tạo tác kỳ lạ, nhưng kỳ lạ đến như những tác phẩm đá của người ngoài hành tinh tạc đẽo bên thảo nguyên gì đó của nước Anh, thì tôi vẫn nguỵ biện rằng: vô tình, trời sinh ra thế. Đến như bãi đá cổ Sa Pa với những nét vẽ nguyên thuỷ mà Việt Nam và thế giới chưa tỏ tường nổi; thì nhiều người vẫn có thể coi là vớ vẩn, đó là nét vẽ nghịch (cả vẽ dương vật và âm hộ) của trẻ mục đồng tục tĩu. Việt Nam cứ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bãi đá cổ Sa Pa Di sản văn hoá thế giới, tôi vẫn cãi bừa được. Nhưng đến thế giới của những chiếc chum nghìn nghìn năm tuổi ở Xiêng Khoảng, tôi, cũng như người đẹp mắt xanh như giấc mộng Sabine, tôi phải sụp lạy đất trời và một vương triều xa xôi nào đó. Kỳ bí, kỳ bí đến mức không thể cãi chày cối kiểu AQ được. Trời không thể làm ra được những cái chum khổng lồ, đích thị là những cái chum cao tới gần 3m, lòng chum đựng vừa cả con trâu mộng, được tạc bằng đá tự nhiên nguyên khối, chứ không phải là viên đá hình cái chum có từ thuở tạo sơn được. Các thiên tướng của Ngọc Hoàng và các cung nữ do bà Vương Mẫu quản lý, chưa bao giờ tham gia đẽo chum đá kiểu này!

Ai đến Lào cũng hỏi thăm Cánh Đồng Chum, và tỉnh Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng cũng đã bàn thảo, xúc tiến mở tuyến du lịch TP Vinh - cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn - Kỳ Sơn – Xiêng Khoảng, trong đó, trọng điểm bên phía bạn Lào, dĩ nhiên là Cánh Đồng Chum. Theo số liệu chính thức của các nhà khảo cổ đã công bố, có tới 700 chiếc chum đá kỳ lạ được ghi trong hồ sơ quản lý (kỳ quan thế giới). Điều đặc biệt ở những chiếc chum này là ở khối lượng và kích thước chưa từng có của của chúng. Những chiếc chum được làm từ đá cẩm thạch, đá ong, đá vôi với hình dạng khác nhau: miệng lồi, miệng tròn, chiếc vẹn nguyên như chum đựng thóc của bà con Bắc bộ Việt Nam, chiếc tan hoang chẻ ra từng miếng đá lớn do bom Mỹ đánh trúng giữa từ hồi nơi này còn là chiến trường cách đây gần nửa thế kỷ. 700 chiếc chum, mỗi chiếc nặng trung bình 6 tấn, đường kính 0,8m và cao tới 2,5m. Sau khi được đo cac-bon (giám định niên đại), số chum khổng lồ này được xác định có tuổi cách ngày nay khoảng 3.000 nănm (niên đại tương đương hoặc cổ hơn cả nền văn hoá Đông Sơn của Việt Nam). Người ta, ai cũng phải sững sờ khi đứng trước những cái chum đá liền khối được khoét một cách khó hiểu, mà đường kính của nó tới 3m; chiều cao hơn 3m. Đám trẻ con công kênh nhau leo lên miệng những chiếc chum rồi lại công kênh nhau xuống như là… leo núi đá. Dễ đến chục đứa trẻ chơi ú tim có thể ngồi vừa trong đó. Chúng ngồi trên miệng chum, như con mèo nằm trong cái nong phơi thóc.

Chất liệu đá tự nhiên, cổ kính, chum tạc nguyên khối đứng sững sững giữa trời đất mấy nghìn năm qua, một vẻ đẹp bể dâu quyến rũ. Các nhà khoa học, từ đầu thế kỷ 20, đã dày công nghiên cứu và đặc biệt, kể từ khi UNESCO công nhận Cánh Đồng Chum là di sản văn hoá thế giới, thì những câu hỏi về nguồn gốc của những chiếc chum ngày càng trở nên day dứt, thách thức hơn bao giờ hết. Hệ thống chuyên gia hàng đầu của loài người, đã khảo sát 65 trên tổng số 109 địa điểm được phát hiện có sự xuất hiện của những chiếc chum cổ. Hầu hết chúng nằm bí ẩn trong rừng sâu hoặc những quả núi, cánh đồng hẻo lánh. Vì bom đạn còn quá nhiều trên đất Lào nói chung và Cánh Đồng Chum nói riêng, cho nên, đến bây giờ, đất Triệu Voi mới chỉ cho voi kéo bom ra, dọn làm khu du lịch có thể an toàn phục vụ du khách được ở 3 địa điểm phân bố di sản… chum đá. Địa điểm thứ nhất là Bản Ang, cách Phôn Sa Vẳn 12km; địa điểm thứ hai là bản Lắt Sén, địa điểm thứ ba là Bản Sua (đều cách Phôn Sa Vẳn khoảng 20-30km). Chưa biết, đến bao giờ người Lào mới tháo hết bom mìn phục kích tiếp tục giết người do thằng Mỹ “gài” lại để du khách có thể đến với cả thảy 700 cái chum đá khổng lồ, kỳ bí kia? Điều thú vị là: không phát hiện thấy bất cứ cái chum đá dạng Cánh Đồng Chum nào ngoài tỉnh Xiêng Khoảng của Lào.

Cánh Đồng Chum là tên dịch từ tiếng lào Thôồng Háy Hín; tiếng Pháp: Plaine des Jarres ; tiếng Anh: Plains of Jars. Theo truyền thuyết, truyện cổ của người Lào thì, chiếc chum đã được đẽo gọt từ đá tảng nguyên khối từ hơn 3000 năm trước. Bộ tộc người của nước Lào (bộ tộc Puon) đã tổ chức đẽo gọt ra những chiếc chum sau này thành Di sản văn hoá cho thế giới văn minh của thế kỷ 21 chỉ việc làm hồ sơ công nhận ấy. Chuyện khác lại kể, các nghệ sỹ điêu khắc làm chum đến từ một bộ tộc người khổng lồ. Bước chân của họ đi thành ao hồ vùng Xiêng Khoảng mênh mông, nhiều trái núi do người khổng lồ bốc đất đá dựng nên vẫn sừng sững cùng non cao của những dãy núi Bắc Trường Sơn hiện nay. Và trong một trận chiến chống ngoại xâm để bảo vệ nòi giống, khi chiến thắng, họ đã đẽo đá làm chum làm coóng đựng rượu, làm ché uống rượu khao quân. Các chum bé chum lớn đều có thể làm chén uống rượu của người khổng lồ. Theo đó, nhiều cái chum vỡ là do người khổng lồ tuý tửu (say rượu), “quẳng chén làm hiệu” giết kẻ thù. Truyền thuyết khác lại kể, bộ tộc đẽo chum là bộ tộc Lao Thoeng. Tất nhiên, câu chuyện vơ với mù mịt hơn cả sương khói này sẽ bị khoa học tỏ ý chưa tin tưởng (!). Dân tộc nào, bộ tộc nào, bản làng nào chả có truyền thuyết, truyền thuyết sử thi có giá trị nhân văn không thể thay thế của nó, nhưng nó rất ít có giá trị với các nhà khoa học quen đi đào mồ đếm xương đem vào phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học bảo: làm gì có người khổng lồ. Mà ai lại khao quân bằng cách đẽo chum đá khổng lồ? Mà đẽo cả chục năm trời với lực lượng là hàng vạn chiến binh có kỹ nghệ tạc đá điêu luyện may ra mới được ngần ấy cái chum lớn. Đấy là chưa kể, đá ở để tạc đẽo chum cổ không phải là thứ đá có phân bố ở vùng Cánh Đồng Chum. Phải đi cõng về từ rất xa. Nếu đẽo ở chỗ có đá hoặc đẽo ở ngay trên cánh đồng nơi thế giới chum vại đang tồn tại thì kiểu gì cũng phải có hàng vạn con voi làm nhiệm vụ vận tải chum về rải khắp các cánh đồng, trên diện tích mấy chục cây số vuông. “Cần cẩu” lấy ở đâu ra nhỉ? Sao lại phải kỳ công như thế để phục vụ cho việc khao quân? Đấy là chưa kể, nếu là khao quân, thì phải khao ngay, chứ sao lại đợi đẽo nhiều năm xong ngần ấy cái chum đựng rượu rồi mới khao thì có mà “nguội” hết cái nóng hổi của khúc ca khải hoàn? Các nhà khảo cổ mải mê bác bỏ “truyền thuyết” người khổng lồ nhưng cũng chẳng đủ để thuyết phục trí tưởng tượng hồn nhiên đến nguyên sơ, nguyên thuỷ bên bếp lửa của những người “trị vì” bộ tộc. Cụ cười móm mém “khốp cháy la la” (cảm ơn rất nhiều, tiếng Lào) các nhà khảo cổ đã thương yêu bộ tộc chúng tao, rồi vị tộc trưởng vuốt râu cười lớn: đã bảo người khổng lồ mà, họ dẵm chân thành ao hồ, vứt đá thành núi cao của Xiêng Khoảng mây mù, thì có gì trong một ngày, một chiến binh chả đẽo được một cái chum. Cũng như người hiện đại chúng ta bỏ một buổi sang chặt sọ dừa làm cái gáo dừa uống rượu với nhau ấy mà, bảy trăm cái gáo dừa thì “mỗ” (tao, tôi) làm trong mấy nả. Thế là khao quân thôi (hề hề - các cụ cười.

(còn tiếp)
 
Quỳ lạy một nền văn minh đã mất ở Cánh Đồng Chum (Phonsavan, Lào)
Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng
(tiếp theo và hết)

Các nhà khảo cổ lại hì hụi đào bới và kiếm tìm. Họ tìm thấy truyền thống chôn người trong chum của bộ tộc Puon (thật ra, ngay tại Việt Nam ta, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều vùng có truyền thống chôn người trong mộ chum), rồi họ lại đào được xương người, răng người; những chiếc vòng đeo tay làm bằng đồng thau, những hạt chuỗi bằng thủy tinh và bằng cả đá quý carnelian ... trong những chiếc chum khổng lồ. Lại tìm thấy cả những nồi đất đựng xương người chôn chung quanh những chiếc chum đá. Đúng như nhà khảo cổ học Colani miêu tả, ở Bản Ang, nơi có những chiếc chum lớn và nổi tiếng nhất, có một cái hang lớn, tôi (người viết bài này) cũng đã vào trong lòng hang đó. Trong hang có ban thờ, hoa cúng vẫn tươi, lòng hang ám khói, và có hai lỗ tròn như hai họng súng lớn nhằm thẳng lên nền trời. Cuối cùng, bà Colani phỏng đoán rằng, các cái chum đá lớn kia là những cái mộ chôn người chết. Thi thể người ta được táng ở chum đó, còn cái hang kia là nơi đốt xác người về trời, khói vẫn bám trong lòng hang đen ngòm, hai lỗ thông thiên tròn vo kia là cái ống khói của lò hoả thiêu (kiểu như đài hoá thân Hoàn Vũ ở ta?).

Cá nhân người viết bài này, thì thấy rằng, giả thuyết trên có lý ở chỗ: người khổng lồ thì không có rồi, nhưng người ta, nếu đã kỳ công tạc những cái chum mà thế giới phải nghiêng mình kính nể vì nghệ thuật và sự công phu thế này thì không thể là “chế tác” để phục vụ người sống được. Phải là chế tác cho người chết. Phải là một tín ngưỡng thì người ta mới có mãnh lực đến thế để thực hiện (đấy là giả sử, thế giới chum đá kia đã thật sự đã được chế tạo bởi bàn tay người của hành tinh thuộc hệ mặt trời mà chúng ta đang sống này). Tôi tin nữa là bởi vì tôi vô cùng ngưỡng vọng, kính trọng bà Madeleine Colani, bà làm việc cho trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole Française d'Extrême - Orient). Bà, dường như đã hiến dâng đời mình cho công việc tìm tòi và tôn vinh nhiều giá trị tuyệt vời của Việt Nam cùng nhiều nơi trên thế giới. Nhiều vùng miền ở Việt Nam, người ta đã và sẽ tạc tượng bà trong các công trình hàn lâm, trang trọng nhất.

Sau cả nghìn năm tồn tại và được giải ảo (hay vun đắp sự ảo) bằng truyền thuyết người khổng lồ khao quân, đến một ngày của năm 1923, một nhân viên thu thuế người Pháp (xâm lược Lào) tên là Vinet đã tình cờ đến và sửng sốt (không biết có lạy chum như Sabine) nhận thấy sự kỳ lạ không thể lý giải của Cánh Đồng Chum. Vị khách tò mò này đã đủ sắc sảo để nhận ra một Di sản Văn hoá thế giới, thay vì mê đắm tin vào bước chân của người khổng lồ đẽo gáo dừa (bằng đá, đường kính tới 3m) khao quân. Giới khoa học trên thế giới đã giật thột từ bấy. Đến năm 1930, bà Colani bắt đầu công việc nghiên cứu lao tâm khổ tứ của mình trên Cánh Đồng Chum. Tôi càng kính trọng bà Colani hơn, khi mà, dẫu sống chết bảo vệ quan điểm khoa học của mình, song, trong 2 cuốn Mégalithes du Haut - Laos (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào, xuất bản năm 1935) bà Madeleine Colani một mặt cho rằng, chum là một loại mộ, chôn người trong chum là một táng thức. Nhưng, một mặt, bà cũng sòng phẳng chấp nhận đưa câu chuyện bước thụt (tiến?) một nửa trở lại với đám mây huyền thoại về những người khổng lồ khao quân bằng chum rượu đá – khi mà bà thú nhận: khi phân tích các-bon thì tuổi xương người tìm thấy gần cái chum lại còn cao hơn cả tuổi của những cái chum. Vậy là sao? Là người ta đã chết từ rất lâu rồi, vô tình hay hữu ý bộ xương ấy mới “lạc” vào trong chum? Không thể gọi là “cải cát” bỏ từ quan tài gỗ vào tiểu sành như người Việt Nam (sau ba năm) được, vì khoảng cách tuổi của chum và tuổi (niên đại) của bộ xương quá xa nhau. Cách lý giải: chum đá là sản phẩm của một táng thức từ đó bị nhiều người bác bỏ. Song, gì thì gì, đến giờ phút này, nó vẫn là cách hiểu được nhiều người đồng tình hơn cả. (Cá nhân người viết bài này, xin nhắc lại, dù rất kính trọng người phụ nữ Pháp mỏi mòn lang thang, hiến thân cho lý tưởng – bà Colani, nhưng vẫn thiển nghĩ rằng: lò thiêu xác, khói ám, hay những di vật gợi cho người ta suy nghĩ về tục táng người trong chum đá chưa… thuyết phục. Đó là một cách hiểu áp đặt. Mộ chum tìm thấy ở Việt Nam bé như cái tiểu sành, chứ đâu có cao hơn 3m, đường kính 3m như hệ thống chum đá “độc nhất vô nhị” trên toàn thế gian của Cánh Đồng Chum? Câu chuyện về bộ tộc Puon chôn người trong chum đá, nếu có, cũng chỉ là… truyền thuyết. Chúng ta hãy cứ bình tĩnh chờ đợi, một lúc nào đó, khoa học sẽ mời được những trang sử đá cất lên tiếng nói mến thương và thuyết phục hơn. Di sản văn hoá thế giới kia, chắc chắn, sẽ không vì đám mây huyền ảo kia mà bớt phần quyến mời). Ngay cả khi đem khoa học ra đọ với truyền thuyết người khổng lồ phủ đầy sương khói cổ tích của người Lào, khoa học cũng vạch ra một điều “đá” lại lý lẽ của vị tộc trưởng bên bếp lửa: tuổi của những chiếc chum đá bí ẩn, nó còn “già” gấp đôi tuổi của truyền thuyết. Hoá ra, truyền thuyết và khoa học, chưa ai thua, cũng chửa ai thắng.

Mấy chục cái địa điểm có chum cổ, chum vẫn khổng lồ, vẫn kiêu hãnh trơ gan thách thức loài người và trêu đùa cả hoá công. Chum thách thức Trời và Người bằng thứ đá triệu năm tuổi, và bằng sự bí ẩn của mình. Tôi lạc vào những khu rừng hoang, ở đó chum đá lớn bị bom Mỹ đánh vỡ, rồi cây rừng húc lên như muôn ngón tay bóp nát đá sỏi. Bom Mỹ chưa nổ vẫn hăm hia phục kích dưới tán rừng đòi giết người sau khi đã đánh gục những cái chum. Cuối cùng, nhân loại vẫn nợ nhau một câu hỏi: ai đã đẽo chum đá, đẽo để làm gì, đẽo bằng cái gì mà tài thế? 77 năm trôi qua, kể từ khi bà Colani chính thức sang sống mái với bí ẩn của Cánh Đồng Chum, thế giới vẫn bó tay với cái Di sản văn hoá nổi tiếng mà Loài người đã phải nghiêng mình công nhận. Trí tuệ của 7 tỷ người của quả đất còn chào thua những chiếc chum của người khổng lồ, thì gã lãng du như tôi, Sabine - cô gái còn quá trẻ mắt xanh như nước biển trong một cơn mơ vắng vẻ kia làm sao lý giải nổi.

Cánh Đồng Chum còn bí ẩn hơn cả tiếng gió rít trong đêm cao nguyên Phôn Sa Vẳn. Khó hiểu hơn cả việc Sabine mắt xanh, tóc bạch kim nức nở lạy cái chum ba nghìn tuổi, cái chum nằm ngâm một nửa mình cổ kính xuống đất sâu và cỏ mướt. Cái chum nằm nghiêng bên miệng hố bom lớn có cắm biển bằng chữ Lào loằng ngoằng như những cọng giá đỗ, không biết chữ ấy chiết tự ra nó có nghĩa rằng khéo ngã xuống hố bom sâu, hay là khéo khéo dưới hố còn bom chưa nổ. Khó hiểu như khi chàng trai Lào thốt nhiên dặn ra được câu tiếng Anh, rằng từ khi gặp Sabine, cậu ấy mới ngộ được rằng thì là mà, sao người ta có thể chết vì một ánh mắt đẹp. Thôi, Chăn Tay à, cậu tán là Hắc ti sút đi, tiếng Lào nghĩa là yêu đến giọt cuối cùng rồi còn gì nữa. Mà đêm Phôn Sa Vẳn bình yên, chẳng cần phải nói gì đâu, cứ im lặng như cao nguyên rải rác bảy trăm cái chum đến từ thời thượng cổ, thế có khi lại là tốt hơn hết…

Nhớ Phôn Sa Vẳn, rạng sáng 24/5/2007
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,749
Bài viết
1,136,887
Members
192,576
Latest member
NathanBond
Back
Top