happypack
Phượt thủ
Si Ma Cai - bài ca đỉnh núi… (Lào Cai, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Doãn Hoàng
Đứng ở thượng nguồn sông Chảy trên đất Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) huyền thoại, tôi chợt nhận ra rằng: có một cách để vẽ chân dung huyện lẻ, cụt, khuất nẻo Si Ma Cai - đó là đặt nó trong mối tương quan so sánh với thiên đường du lịch Sa Pa. Sa Pa và Si Ma Cai, tôi muốn ví "họ" như cặp nữ song sinh, cùng bánh đa bánh đúc, chơi ô ăn quan, đánh chắt đánh chuyền với nhau từ lúc miệng còn hơi sữa, rồi hai cô đều thảo hiền và rực rỡ với nhan sắc khuynh quốc đổ thành. Đến một ngày, Sa Pa may mắn hơn, vì nhà ở gần đường cái, nên một ngày chàng hoàng tử kiêu hùng nọ đi qua đã sớm rước nàng về làm… hoàng hậu. Si Ma Cai ở lại quê hương núi rừng, vẫn quyến rũ người ta chính bởi cái nét thậm hoang sơ "thơm tho ai biết/ ngát lừng ai hay" của mình.
Cái bụng con ngựa thồ
Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã phải lòng chốn tiểu thần tiên Sa Pa, và họ đã ngay lập tức quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp không khói (du lịch) ở nơi này. Với nguồn thu khổng lồ, với tốc độ phát triển chóng mặt, nay, Sa Pa trở thành thiên đường du lịch trên toàn cõi Việt Nam. Bản sắc, thiên nhiên ở Sa Pa bị khai thác đến cạn kiệt, cạn kiệt đến đáng sợ kiểu cô gái người Dao, người Mông xòe tay nói với khách Tây bồi "no money no photography" (không cho tao tiền, tao không cho chụp ảnh). Trong khi ấy, gần như giống hệt Sa Pa - cùng trong tỉnh Lao Cai, cũng ở giữa núi cao và mây mù, cũng ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, cũng sa mộc già gân guốc phác dáng đại bàng núi của mình lên nền trời đặc quánh mây, buốt giá gió lạnh; cũng sặc sỡ sắc màu thổ cẩm (với nhiều nét văn hóa đặc sắc của nhiều cộng đồng người biên ải) - thì Si Ma Cai hầu như bị người làm du lịch lãng quên. Không phải sự lãng quên nào cũng đã hằn là chuyện buồn. Vẻ chân chất quê mùa đó, trong nỗi niềm tái ông thất mã lịch duyệt, ai ngờ, đã tạo cho Si Ma Cai thật sự là bài ca khoáng đạt cất lên trên những đỉnh núi cao, núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy sông núi du mục bản làng nguyên sơ. Si Ma Cai...
Cả trên bản đồ, cả ở ngoài thực địa tột đất Việt Nam, Si Ma Cai đúng nghĩa là một bài thơ biên tái diệu vợi. Vòi vọi thành quách đá chồ ra mép đường đi. Si Ma Cai vốn tên một cái xã chỏm chòe lưng núi của huyện xa xôi Bắc Hà, đến lúc tách ra thành huyện mới, Si Ma Cai trở thành cái huyện hiểm trở đệ nhất miền đất mang hình cánh bướm vỗ cánh giữa điệp trùng mây núi (tỉnh Lào Cai). Chỉ mới cách đây dăm năm (xin nhấn mạnh điều này), đường lên xã Si Ma Cai vẫn bé bằng bụng ngựa thồ, bà con hơn chục xã khuất nẻo với 82% dân số là người Mông muôn đời chênh vênh trên vách đá. Dễ đến hàng tấn thuốc nổ mới khảm được một khúc đường ôtô lủi trong mây đặc quánh, bò quằn quại trên đá chênh vênh hôm nay. Nhiều khi mây đặc đến mức, cánh tài xế phải cho phụ xe đi đằng trước, tay huơ huơ một manh áo trắng vừa khuấy loãng mây ra, vừa làm hoa tiêu dẫn đường thì xe mới dũi mây mà đi được. Chệch nửa vòng bánh xe là đi đời nhà ma! Tầm nhìn xa đúng là chỉ còn… một mét, đỉnh núi cao nhất của Si Ma Cai nằm tại xã Quan Thần Sán, khoảng 2.800 so với mực nước biển. Nghĩa là chỉ thấp hơn nóc nhà toàn xứ Đông Dương có một tẹo. Ủ trong mây quánh, núi trầm mặc thò ra những thớt đá khía khấc lan man, tôi cứ ngỡ, núi trông như vừng trán nhiều nếp nhăn u uẩn của ông bố rừng già, người Cha bao dung suốt đời kể về khúc tráng ca của đá. Si Ma Cai như vầng trán bằng đồng bằng đá còn nhiều ưu tư của đất Mẹ.
Có nhiều cách lý giải cho cái tên Si Ma Cai. Có người chiết tự, Si Ma Cai có nghĩa là vùng đất của rồng ở. Thượng nguồn sông chảy trên đất Si Ma Cai là Pha Long, một xã sặc sỡ bản sắc của huyện Mường Khương – Lào Cai, nơi có cửa khẩu Lùng Cố Nhin nổi tiếng (sang Trung Quốc), nơi có ngã ba sông Xanh, sông Trắng gặp nhau. Pha Long, còn gọi là Phá Lùng, theo tiếng Quan hỏa, đó là con rồng hoa. Đánh vật với đá phiến, đá tảng dọc sông Chảy (bà mẹ sinh ra thủy điện đầu tiên của Việt Nam, thủy điện Thác Bà), chúng ta gặp vùng đất của các vị rồng ở. Không biết rồng có trú ngụ ở đó không, nhưng mây, núi, rừng nguyên sinh và những cộng đồng người vùng biên ải thương mến sẽ đưa gót lãng du của bạn tới một chốn bồng lai. Chốn ấy không hẳn là của riêng người trần tục nơi phố thị. Tôi đã từng đến và gắn bó với tả ngạn sông Chảy khúc thượng du ấy.
Bí thư huyện ủy Si Ma Cai, ông Tráng Seo Hùng, người Mông gốc gác Sín Chéng, thì nhất nhất phải cho rằng: Si Ma Cai là lối đọc chệch (bà con vùng cao thì phát âm cái gì cũng chệch so với người dưới xuôi) của cái tên Sín Mà Cái (hay Sín Má Cải), Sín là mới, vùng đất mới (như các địa danh Sín Chải, Sín Cái, Sín Thầu… vẫn thường gặp ở rất nhiều miệt rừng) theo tiếng quan hoả; còn Mà Cái là cái chợ bán con ngựa. Về chiết tự thì điều này rất đúng. Cũng lại hợp lý ở chỗ: bao đời nay, đến tận thế kỷ hai mươi mốt khi loài người hè nhau đi du lịch cung quế Mặt Trăng với lại Sao Hoả bỏng lửa rồi, đường lên nhiều xã của Si Ma Cai vẫn chỉ bé bằng bụng ngựa. Ngựa quẩy hàng xuống chợ, bụng ngựa còn chịn mòn nhẵn hai vách đá cao. Nên cái chợ ngựa có vai trò cực lớn và tuần nào cũng nhóm họp ở Si Ma Cai nghìn đời trước cũng là hợp lý. Dưới Bắc Hà, huyện cũ, huyện vốn chứa cả đất Si Ma Cai nay trong bụng mình, đã làm du lịch Chợ ngựa Bắc Hà quảng bá trên internet, trên các tài liệu hướng dẫn du lịch rồi đó ư? (Có gì là lạ nữa ru?). Xưa, đường không có, phương tiện duy nhất là ngựa. Sử cũ còn chép: trước đây, chợ ngựa họp trong khu huyện lị Si Ma Cai hiện nay, ở cạnh khu rừng cấm. Sau, dân đông mà đất chật ngựa nhiều, chợ ngựa mới tách một nửa sang cái chợ Si Ma Cai sặc sỡ thổ cẩm hiện nay, gọi là chợ ngựa mới (Sín Mà Cái) – cũng như chính sách dãn dân mà nhà nước ta vẫn làm. Từ bấy, bà con có một phong tục rất hay: trước mỗi phiện chợ ngựa (như chợ xe máy, chợ ôtô dưới xuôi), bà con tổ chức đua ngựa, chọn ngựa, định giá ngựa. Trai vùng cao đi chọn ngựa, có lẽ phải kỹ càng như nhiều người đi chọn vợ. Họ "thử" ngựa bằng cách đua từ chợ mới sang chợ cũ. Lẽ ra, khi có Chợ Ngựa Mới rồi, thì con đường nối hai chợ (nay trải nhựa) phải được gọi là "Trường đua" tiếng quan hỏa thì mới đúng.
(còn tiếp)
Bút ký của Đỗ Doãn Hoàng
Đứng ở thượng nguồn sông Chảy trên đất Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) huyền thoại, tôi chợt nhận ra rằng: có một cách để vẽ chân dung huyện lẻ, cụt, khuất nẻo Si Ma Cai - đó là đặt nó trong mối tương quan so sánh với thiên đường du lịch Sa Pa. Sa Pa và Si Ma Cai, tôi muốn ví "họ" như cặp nữ song sinh, cùng bánh đa bánh đúc, chơi ô ăn quan, đánh chắt đánh chuyền với nhau từ lúc miệng còn hơi sữa, rồi hai cô đều thảo hiền và rực rỡ với nhan sắc khuynh quốc đổ thành. Đến một ngày, Sa Pa may mắn hơn, vì nhà ở gần đường cái, nên một ngày chàng hoàng tử kiêu hùng nọ đi qua đã sớm rước nàng về làm… hoàng hậu. Si Ma Cai ở lại quê hương núi rừng, vẫn quyến rũ người ta chính bởi cái nét thậm hoang sơ "thơm tho ai biết/ ngát lừng ai hay" của mình.
Cái bụng con ngựa thồ
Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã phải lòng chốn tiểu thần tiên Sa Pa, và họ đã ngay lập tức quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp không khói (du lịch) ở nơi này. Với nguồn thu khổng lồ, với tốc độ phát triển chóng mặt, nay, Sa Pa trở thành thiên đường du lịch trên toàn cõi Việt Nam. Bản sắc, thiên nhiên ở Sa Pa bị khai thác đến cạn kiệt, cạn kiệt đến đáng sợ kiểu cô gái người Dao, người Mông xòe tay nói với khách Tây bồi "no money no photography" (không cho tao tiền, tao không cho chụp ảnh). Trong khi ấy, gần như giống hệt Sa Pa - cùng trong tỉnh Lao Cai, cũng ở giữa núi cao và mây mù, cũng ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, cũng sa mộc già gân guốc phác dáng đại bàng núi của mình lên nền trời đặc quánh mây, buốt giá gió lạnh; cũng sặc sỡ sắc màu thổ cẩm (với nhiều nét văn hóa đặc sắc của nhiều cộng đồng người biên ải) - thì Si Ma Cai hầu như bị người làm du lịch lãng quên. Không phải sự lãng quên nào cũng đã hằn là chuyện buồn. Vẻ chân chất quê mùa đó, trong nỗi niềm tái ông thất mã lịch duyệt, ai ngờ, đã tạo cho Si Ma Cai thật sự là bài ca khoáng đạt cất lên trên những đỉnh núi cao, núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy sông núi du mục bản làng nguyên sơ. Si Ma Cai...
Cả trên bản đồ, cả ở ngoài thực địa tột đất Việt Nam, Si Ma Cai đúng nghĩa là một bài thơ biên tái diệu vợi. Vòi vọi thành quách đá chồ ra mép đường đi. Si Ma Cai vốn tên một cái xã chỏm chòe lưng núi của huyện xa xôi Bắc Hà, đến lúc tách ra thành huyện mới, Si Ma Cai trở thành cái huyện hiểm trở đệ nhất miền đất mang hình cánh bướm vỗ cánh giữa điệp trùng mây núi (tỉnh Lào Cai). Chỉ mới cách đây dăm năm (xin nhấn mạnh điều này), đường lên xã Si Ma Cai vẫn bé bằng bụng ngựa thồ, bà con hơn chục xã khuất nẻo với 82% dân số là người Mông muôn đời chênh vênh trên vách đá. Dễ đến hàng tấn thuốc nổ mới khảm được một khúc đường ôtô lủi trong mây đặc quánh, bò quằn quại trên đá chênh vênh hôm nay. Nhiều khi mây đặc đến mức, cánh tài xế phải cho phụ xe đi đằng trước, tay huơ huơ một manh áo trắng vừa khuấy loãng mây ra, vừa làm hoa tiêu dẫn đường thì xe mới dũi mây mà đi được. Chệch nửa vòng bánh xe là đi đời nhà ma! Tầm nhìn xa đúng là chỉ còn… một mét, đỉnh núi cao nhất của Si Ma Cai nằm tại xã Quan Thần Sán, khoảng 2.800 so với mực nước biển. Nghĩa là chỉ thấp hơn nóc nhà toàn xứ Đông Dương có một tẹo. Ủ trong mây quánh, núi trầm mặc thò ra những thớt đá khía khấc lan man, tôi cứ ngỡ, núi trông như vừng trán nhiều nếp nhăn u uẩn của ông bố rừng già, người Cha bao dung suốt đời kể về khúc tráng ca của đá. Si Ma Cai như vầng trán bằng đồng bằng đá còn nhiều ưu tư của đất Mẹ.
Có nhiều cách lý giải cho cái tên Si Ma Cai. Có người chiết tự, Si Ma Cai có nghĩa là vùng đất của rồng ở. Thượng nguồn sông chảy trên đất Si Ma Cai là Pha Long, một xã sặc sỡ bản sắc của huyện Mường Khương – Lào Cai, nơi có cửa khẩu Lùng Cố Nhin nổi tiếng (sang Trung Quốc), nơi có ngã ba sông Xanh, sông Trắng gặp nhau. Pha Long, còn gọi là Phá Lùng, theo tiếng Quan hỏa, đó là con rồng hoa. Đánh vật với đá phiến, đá tảng dọc sông Chảy (bà mẹ sinh ra thủy điện đầu tiên của Việt Nam, thủy điện Thác Bà), chúng ta gặp vùng đất của các vị rồng ở. Không biết rồng có trú ngụ ở đó không, nhưng mây, núi, rừng nguyên sinh và những cộng đồng người vùng biên ải thương mến sẽ đưa gót lãng du của bạn tới một chốn bồng lai. Chốn ấy không hẳn là của riêng người trần tục nơi phố thị. Tôi đã từng đến và gắn bó với tả ngạn sông Chảy khúc thượng du ấy.
Bí thư huyện ủy Si Ma Cai, ông Tráng Seo Hùng, người Mông gốc gác Sín Chéng, thì nhất nhất phải cho rằng: Si Ma Cai là lối đọc chệch (bà con vùng cao thì phát âm cái gì cũng chệch so với người dưới xuôi) của cái tên Sín Mà Cái (hay Sín Má Cải), Sín là mới, vùng đất mới (như các địa danh Sín Chải, Sín Cái, Sín Thầu… vẫn thường gặp ở rất nhiều miệt rừng) theo tiếng quan hoả; còn Mà Cái là cái chợ bán con ngựa. Về chiết tự thì điều này rất đúng. Cũng lại hợp lý ở chỗ: bao đời nay, đến tận thế kỷ hai mươi mốt khi loài người hè nhau đi du lịch cung quế Mặt Trăng với lại Sao Hoả bỏng lửa rồi, đường lên nhiều xã của Si Ma Cai vẫn chỉ bé bằng bụng ngựa. Ngựa quẩy hàng xuống chợ, bụng ngựa còn chịn mòn nhẵn hai vách đá cao. Nên cái chợ ngựa có vai trò cực lớn và tuần nào cũng nhóm họp ở Si Ma Cai nghìn đời trước cũng là hợp lý. Dưới Bắc Hà, huyện cũ, huyện vốn chứa cả đất Si Ma Cai nay trong bụng mình, đã làm du lịch Chợ ngựa Bắc Hà quảng bá trên internet, trên các tài liệu hướng dẫn du lịch rồi đó ư? (Có gì là lạ nữa ru?). Xưa, đường không có, phương tiện duy nhất là ngựa. Sử cũ còn chép: trước đây, chợ ngựa họp trong khu huyện lị Si Ma Cai hiện nay, ở cạnh khu rừng cấm. Sau, dân đông mà đất chật ngựa nhiều, chợ ngựa mới tách một nửa sang cái chợ Si Ma Cai sặc sỡ thổ cẩm hiện nay, gọi là chợ ngựa mới (Sín Mà Cái) – cũng như chính sách dãn dân mà nhà nước ta vẫn làm. Từ bấy, bà con có một phong tục rất hay: trước mỗi phiện chợ ngựa (như chợ xe máy, chợ ôtô dưới xuôi), bà con tổ chức đua ngựa, chọn ngựa, định giá ngựa. Trai vùng cao đi chọn ngựa, có lẽ phải kỹ càng như nhiều người đi chọn vợ. Họ "thử" ngựa bằng cách đua từ chợ mới sang chợ cũ. Lẽ ra, khi có Chợ Ngựa Mới rồi, thì con đường nối hai chợ (nay trải nhựa) phải được gọi là "Trường đua" tiếng quan hỏa thì mới đúng.
(còn tiếp)