What's new

Du ký tuyển tập

Người sơn cước (Mai Châu, Hòa bình, Việt Nam)
Ký sự của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

LTS: Nhà nghiên cứu mỹ thuật – hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng là tác giả chính của nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật tạo hình uy tín như Mỹ thuật của người Việt (viết chung với Nguyễn Quân), Điêu khắc cổ Việt Nam, Hoạ sĩ trẻ Việt Nam (viết chung với Lương Xuân Đoàn), Đồ hoạ cổ Việt Nam (viết chung với Cung Khắc Lược – Lê Quốc Việt), Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp... Đến Nghệ thuật ngày thường thì Phan Cẩm Thượng còn được biết đến như một cây bút tản văn có phong cách riêng. Là người thích làm một dòng sông vừa trôi vừa chiêm nghiệm về hai bờ của nó, văn phong của Phan Cẩm Thượng là sự phối ngẫu giữa văn nghiên cứu và tạp bút, cuốn hút còn vì ẩn sau cách diễn đạt dung dị của tác giả là sự uyên bác về văn hoá cổ.

Kỳ 1: Không gian văn hoá Mường

Người bạn vong niên của tôi, anh Vũ Hiếu đã lập bảo tàng tư nhân đầu tiên trong cả nước về văn hoá dân tộc Mường được cấp phép (hiện nay cả nước có mười bảo tàng tư nhân chủ yếu về tranh, đồ gốm, và một số đề tài khác). Gọi “bảo tàng” cho oai, chứ hiện nay cơ chế bảo tàng tư nhân vẫn chưa hoàn thiện, nên những người sưu tập tranh, cổ vật, mặc dù rất muốn, vẫn e ngại về vị thế bảo tàng tư nhân của mình. Vũ Hiếu gọi đó là không gian văn hoá Mường. Nơi này cách thành phố Hoà Bình 7km, đi về ngã ba dốc Cun, rồi rẽ vào đường Tây Tiến. Con đường cũng mới được đặt tên theo đề nghị của các lão chiến sĩ vệ quốc xưa; ngày trước khi chưa có công trình thuỷ lợi Hoà Bình, người ta có thể lên Tây Bắc bằng con đường này. Nay con đường chỉ có thể dẫn ta đến sát vùng hồ với nhiều bản làng của người Mường.

Tôi không rõ tình cảm với văn hoá và người Mường của Vũ Hiếu, mà bản thân văn hoá Mường cũng không có quá nhiều cổ vật có giá trị như những người chơi cổ vật thường quan niệm, nhưng có lẽ anh nghĩ đó là sự phong phú của cuộc sống ít vật chất, gần với tự nhiên. Công việc của một người phục dựng không gian văn hoá là đọc ra từ đó đời sống của một tộc người. Người Mường sinh hoạt trên nhà sàn, canh tác dưới ruộng, hái lượm trên rừng, với đời sống khá giản dị, không có nhiều di vật như các sắc tộc khác, ngay y phục cũng chỉ cạp váy là có hoa văn, và bây giờ thì cũng ít cô gái mặc y phục truyền thống dân tộc. Tất cả những đồ mà Vũ Hiếu sưu tập, chỉ là nhà sàn, nông cụ, đồ gia dụng mây tre đan, ít đồ gốm, vài đồ tín ngưỡng. Mỗi cái hom, cái giỏ, cái cày, cái bừa, đều có một đời sống nhất định, càng ở nơi ít hình thức vật chất chúng càng cô đọng nhiều vấn đề của con người.

Công việc này vô hình trung dẫn anh đi vào con đường đến bản Mường theo dấu chân của nhiều học giả, trong đó có bà Jeanne Cuisinier (1890 – 1964), người viết cuốn Les Mường xuất bản năm 1948, đã sống gần hết cuộc đời mình ở Đông Dương; và cô Madeleine Colani (1866 – 1943), nhà khảo cổ học, được gọi là “cô” vì không lấy chồng. Tại Thanh Hoá, tôi cũng mới gặp ông Hoàng Anh Nhân, một nhà nghiên cứu về văn hoá phi vật thể Mường, ông có hai cuốn ghi chép lại Mo Mường nổi tiếng là Đẻ đất đẻ nước và Mo lên trời, cùng hàng chục cuốn sách khác về văn hoá Mường. Đó có thể coi là những sử thi về cội nguồn của người Việt Mường. Cuốn Mo lên trời rất thú vị. Người chết trước khi vào Mường trời cần qua nhiều đợt chất vấn về công tội. Con gà kể tội anh ta cắt tiết, luộc chúng trong nước sôi, đánh chén lòng mề... Anh ta kể công làm chuồng gà, cho ăn thóc, nâng niu từng quả trứng. Con lợn kể tội anh ta giết thịt, băm hành xào xáo, mở cỗ bàn... Anh ta kể công nuôi nấng, làm chuồng, cho ăn cám, hót phân. Thế là công tội hoà nhau, và nhiều chất vấn như thế, rồi người tốt được vào Mường trời.

Khi viết những dòng cuối cùng của bản thảo cuốn Văn minh vật chất của người Việt, tôi chợt nhìn thấy gốc gác của những đồ nông cụ Việt có liên hệ sâu sắc với nông cụ Mường, nên muốn dành nhiều thời gian đi theo con đường Vũ Hiếu đang lựa chọn. Có một sự khác nhau căn bản giữa văn hoá Mường và Việt, là con thuyền không đóng vai trò gì với người Mường, nhưng lại rất quan trọng với người Việt: văn hoá Việt là văn hoá của sông nước. Người Mường không biết đóng thuyền, nếu có con thuyền đi trên sông, họ nhìn theo rồi lững thững đi, và đó có thể là con thuyền của người Thái. Còn ngoài cái đó ra, mọi cái khác như chung một gốc, tất nhiên trước tiên là ngôn ngữ và canh tác. Ông Phan Bảo, hoạ sĩ xứ Thanh, người rất quan tâm đến văn hoá dân tộc, cho người Mường và người Việt đích xác là một gốc. Ông nói người Mường có câu: mol miêêng hay mol chơ – người ta hay người chợ (tức người ở ta hay người kẻ chợ – là người Kinh). Chữ mol chỉ có nghĩa là “người”, không phải là tên riêng. Ông còn nói rằng người Mường có những đặc tính sau: không bao giờ nói tục, không chửi nhau, vợ chồng anh em lúc nào cũng hoà thuận, và không bao giờ đánh trẻ con. Người Mường và người Thái là hai sắc tộc hiền hoà, họ không có tam giáo Nho – Lão – Phật như những dân tộc khác, hay là vì họ không có những đạo ấy mà bình yên nhỉ?

(còn tiếp)
 
Người sơn cước (Mai Châu, Hòa bình, Việt Nam)
Ký sự của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Kỳ 2: Mai Châu mùa cơm nếp

Con người là một thực thể tâm linh, khi nào cái tâm linh ấy suy đồi, con người sẽ trở nên bấn loạn. Người ta sẽ không biết mình là ai, đang làm gì. Tâm linh không thể nhờ cậy vào một thiền sư hay một thầy pháp, một đạt ma nào đó, mà hoàn toàn là việc của cá nhân, chỉ do chính cá nhân ấy thực hành. Những bậc tu hành cùng lắm chỉ là người gợi ý, họ lo tâm linh của chính họ đã khó khăn lắm rồi.

Mai Châu, bản Lác từ lâu đã thành một địa điểm du lịch. Bản người Thái này vốn được quy hoạch vuông vức như một thị trấn nhỏ, có đường ngang, ngõ tắt và kênh mương chảy qua bản. Tất cả các nhà sàn được xếp ngay ngắn về một hướng và đồng ruộng bao quanh. Vẻ đẹp của bản Lác khiến nó nhanh chóng nổi tiếng và được nhiều du khách tới thăm, hiện thì có thể nói nó đã biến thành phố Lác, nhà nào cũng làm du lịch, cho thuê chỗ ở, bán đồ lưu niệm và hàng cơm. Hôm chúng tôi đến trong tháng ba, thấy cả một đoàn thiếu niên phương Tây đến trăm trẻ chạy nhảy nhốn nháo.

Năm bản khác xung quanh vùng không được vị thế như vậy, nhưng thực ra bản nào cũng đẹp. Con người cũng thật kỳ lạ, họ thích thám hiểm tò mò, nhưng không thể xa rời tiện nghi. Họ đến một vùng núi rừng, với dân tộc ít người nhưng phải có bánh pizza và nhà vệ sinh hiện đại. Ở dưới Hoà Bình, nhiều bản làng đang học tập mô hình du lịch của bản Lác, như một bản nằm không xa khu Không gian văn hoá Mường. Ở đây có bãi đỗ xe đầu bản, có các nhà sàn được giữ lại và mọi người dân đều niềm nở đón khách vào nhà, bán thổ cẩm hoặc đồ đan. Chương trình này hiện chưa được nhân rộng, có cái hay cái dở. Nhưng trước tiên người ta không bán nhà sàn chuyển xuống nhà gạch nữa và ý thức rất rõ ràng về giữ gìn văn hoá truyền thống và môi trường rừng núi xung quanh, đó cũng là cái mà du khách cần tới. Tuy nhiên văn hoá truyền thống vẫn suy thoái từ từ trong các bản làng đó. Phần lớn người dân không sản xuất đồ thủ công nữa, mà mua từ dưới xuôi, hay hàng Trung Quốc. Và cũng có vài khung dệt vải mộc và thổ cẩm có tính chất tượng trưng. Cô Hà, một hoạ sĩ phục trang tìm mua cho đủ một bộ y phục nữ Mường, chị chủ nhà đồng ý bán, nhưng bộ của chị lại thiếu mất cái yếm. Chị cười và nói bán mất cho ông Tây rồi. Một cuộc trình diễn thời trang đơn giản, và hoạ sĩ Hà nhất định phải có cái yếm, thế là chị gái Mường phải vay một cái yếm từ cô em gái cho đủ bộ.

Trong khoảng năm 1992 – 1997, và cũng nhiều đợt khác, một vài nhà tạo mốt đã vét sạch tất cả những bộ quần áo dân tộc ở Sa Pa, khiến cho tình hình y phục truyền thống vùng này, như một người dân nói: suy thoái hoàn toàn và còn lâu mới ngóc đầu dậy được. Thời gian đó, còn nhiều đồng bào tự làm lấy áo quần, thời gian cho một bộ y phục dân tộc theo kiểu thủ công rất lâu, không thể tái sản xuất nhanh. Người Trung Quốc và những thợ may, thợ thêu dưới xuôi nhanh chóng nhảy vào thị trường này, họ cung cấp đủ loại hoa văn thêu dệt sẵn cho người Dao và người H’mông. Có những phiên chợ ở dãy Hoàng Liên Sơn, người H’mông Hoa hoàn toàn mặc thổ cẩm thêu dệt sẵn. Tôi từng thấy một chiếc ôtô chạy qua vùng Hoà Bình – Mai Châu vét sạch hoa phong lan ở các chợ bán lẻ ven đường trong một ngày. Người dân tộc tuy bán được, nhưng cũng nói rằng "bác mua kiểu này thì vài năm sau rừng mới mọc được và chúng em mới có hàng để bán". Du lịch về bản chất cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến văn hoá, sự sưu tập theo kiểu tàn sát như trên là một đòn trời giáng vào đời sống miền ngược. Khác nào đem mìn đi đánh cá đâu.

Từ Hoà Bình đi Mai Châu, ta đi qua một chợ mía kỳ thú, đó là chợ mía Lồ, ở Mường Bi. Có lẽ nơi đây thường xuyên mua bán mía nên người ta cất những lều tạm hai bên đường bằng tre và lợp lá mía, có sạp ngồi như một hàng quán. Mái sạp rất cao và hướng mặt sạp ra lòng đường, các bó mía được xếp quanh đó. Mía tím rất giòn không thể ép kéo mật, do bị vỡ vụn nếu xay ép, nên chỉ có thể để ăn ngay. Người ta nói rằng xứ Mường này là một trung tâm của cây mía tím. Muốn đến Mai Châu phải vượt đèo Thung Khe, trên đỉnh đèo, nhiều người dân tộc và người dưới xuôi lập một dãy hàng quán cũng tạm thời, bán phong lan, cơm lam, hoa quả đặc sản. Cảnh vật núi rừng nhìn từ trên cao xuống rất ngoạn mục, dưới chân đèo là những bản làng mái nhà sàn lúp xúp quây quần vào nhau. Cảnh tượng đó đến nay vẫn như vậy, nhưng không biết còn được bao nhiêu lâu nữa. Tôi xuống những bản làng hỏi về khả năng và thời gian lưu giữ của những nhà sàn, mà phần lớn đã dựng lại bằng hệ cột vuông, tức là loại nhà sàn tiết kiệm gỗ (một cột tròn có thể xẻ thành bốn cột vuông). Người ta nói rằng chừng 20 năm nữa, vậy sau đó thế nào? Đó là câu hỏi chưa trả lời được. Và nếu người ta phải chuyển thành những nhà sàn bêtông, lợp mái tôn ximăng, thì thà xây nhà gạch còn hơn.

(còn tiếp)
 
Người sơn cước (Mai Châu, Hòa bình, Việt Nam)
Ký sự của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Kỳ 3: Cái cọn nước

Mấy ngày sau tôi đi vào Mường trong. Mường trong tức là xứ Mường ở phía tây Thanh Hoá, còn Mường ngoài chính là Hoà Bình. Chúng tôi đi đến huyện Bá Thước, xã Ban Công, theo lời của Phan Bảo tiên sinh nơi đây trước được coi là vùng quý tộc, nên các nhà sàn rất lớn. Song cảnh tượng ngoạn mục nhất là những dãy cọn nước (guồng đưa nước lên cao) bên một dòng suối lớn đã tương đối cạn, dòng suối này đổ ra thượng nguồn sông Mã, nếu nước lớn lưu vực của nó cũng khá mênh mông.

Hiện con suối rộng chừng 10m, nước ngang đến đầu gối, nhưng dòng chảy để lại vết tích cho biết suối còn thêm ra đến 20m nữa. Tôi ra mép suối, vớt chút nước rửa mặt, nước ở đây có vẻ không sạch lắm. Ở nơi gần như đầu nguồn mà như vậy thì các dòng sông về xuôi ô nhiễm đến chừng nào. Hiện nhiều bản Mường ở vùng hồ Hoà Bình, là nông dân, sống trong núi rừng hẳn hoi nhưng nước sinh hoạt hoàn toàn nhờ vào sự cung cấp của nhà nước. Người dân cho biết tiền điện chừng 35 ngàn đồng, tiền nước chừng 15 ngàn đồng/tháng. Rõ là không phải chỉ có thành phố mới dùng nguồn nước cung cấp. Tình trạng thiếu nước sạch xảy ra ở mọi nơi.

Con suối chảy qua xã Ban Công có đập ngăn nước và hồ dự trữ, nhưng hiện giờ đập khô cạn hoàn toàn. Bảy tháng nay chưa có mưa. Từng dãy cọn nước có cái quay dẫn nước, có cái đứng im, và dòng nước cũng chảy chậm chạp. Những cái cọn này được di chuyển tuỳ theo các thửa ruộng để người dân dẫn thuỷ nhập điền. Công cụ này có lẽ phổ biến trên thế giới vào khoảng thế kỷ 10 – 11 gì đó, cũng giống như cái cối xay gió thời trung cổ phương Tây. Một vài cuốn sách thời Minh ở Trung Quốc đã vẽ những chiếc guồng nước cổ, không ai xác định rõ guồng nước ra đời chính xác khi nào, nhưng chắc chắn nó là sản phẩm của thời trung cổ phong kiến. Người Mường và người Thái từ lâu biết tận dụng sức nước vào việc giã gạo với những chiếc cối giã nước và chiếc cọn dẫn nước này. Những chiếc cọn có thể to nhỏ khác nhau. Nhỏ thì đường kính chừng 2m, lớn thì đường kính tới 4 – 5m, một giàn ống bương được cài vào guồng, khi mặt guồng chạm nước, nước sẽ chui vào ống và quay lên cao đổ vào hệ thống máng dẫn đến nơi cần thiết. Người Thái trắng ở nơi đây đã có máy xay xát gạo để trong gầm sàn, họ cũng có máy bơm, nhưng không thể dẫn điện ra tận ruộng xa mà bơm nước được. Vả lại dùng điện quá tốn kém, nên cái cọn vẫn là công cụ dẫn nước đắc lực phổ biến ở Tây Bắc, ngay ở Kim Bôi cũng có nhiều cọn nước. Hình ảnh nông nghiệp cổ xưa này có vẻ thơ mộng không thể thay thế, chính vì vậy mà các nhà nhiếp ảnh cứ trông thấy cọn nước là xúm vào chụp lấy chụp để, như sợ rằng lần sau mình lên, những cái cọn không còn nữa. Thậm chí trong vài khu trưng bày dân tộc học, cọn nước vẫn là một hình ảnh nên thơ.

Chúng tôi vào một ngôi nhà sàn đẹp mắt ven đường. Vợ chồng chủ nhà rất niềm nở, con cái họ đi học ở xa, cả hai đều là cán bộ, vợ là giáo viên, chồng là y sĩ. Họ mời chúng tôi, nếu muốn có thể nghỉ qua đêm. Buổi chiều, chị chủ nhà đi chợ chuẩn bị bữa ăn tối, còn anh chồng dẫn chúng tôi đi thăm bản. Ban Công đang làm đường xuyên sang Hoà Bình, đường sá khá bụi, nhưng cảnh vật rất đẹp. Ở xã này có nhiều thôn xóm, tổng cộng chừng 800 hộ, với khoảng 4.000 người. Số lượng nhà sàn vẫn chiếm đến 90%. Trong đó có vài ngôi nhà rất lớn, mặt bằng chừng 16,5 x 8m, như vậy đến hơn trăm thước vuông. Đó là những ngôi nhà được xây cất rất cẩn thận, các hàng cột tròn đặt trên đá tảng như đình chùa, có hai dãy hoành thông suốt bằng một cây gỗ cũng dài tới 16,5m. Đó là gỗ của thời xưa, chứ bây giờ không lấy đâu ra.

(còn tiếp)
 
Người sơn cước (Mai Châu, Hòa bình, Việt Nam)
Ký sự của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Kỳ cuối: Con người và núi rừng

Thanh Hoá có cả rừng và biển, nhưng đồng ruộng cũng thẳng cánh cò bay. Vụ lúa chiêm đang phủ lên toàn xứ Thanh một màu xanh ngắt. Ở Ban Công, ruộng không nhiều và đang chờ các cọn đưa nước vào. Tôi hỏi anh y sĩ: “Nơi này có nhiều người bệnh tật không?” Anh đáp: “Không” – “Có ai nghiện không?” – “Cũng không”.

Chúng tôi ghé vào ngôi nhà ở một xóm đang lợp lại. Các mái cọ chĩa ngược lên trời tua tủa. Đám thanh niên ngồi trên nóc nhà cất tiếng mời chào. Người Thái rất thân thiện và rượu được rót ra, giống như miếng trầu của người Kinh. Nói chuyện về văn hoá truyền thống, ông chủ nhà buồn rầu đáp: “Lúc bé tôi biết rất nhiều trò chơi. Nay chẳng còn gì nữa. Không ai biết nữa”. Con trai cụ lấy ra hai cái chiêng núm nhỏ, giới thiệu rằng xưa kia nếu ai săn được thú rừng sẽ đánh cái chiêng này báo cho cả làng biết, nhưng hiện thì không có gì để săn bắn và cũng không được phép săn bắn nữa. Trong nhà này có một khung dệt cổ, nhưng ít dùng.

Hơn 4.000 người, nhưng chỉ lác đác vài bà già mặc y phục dân tộc. Tuy nhiên hầu hết các nhà đều có tivi, đôi nhà có vi tính và máy xay xát. Tiếng Thái ở đây cũng pha trộn nhiều tiếng Kinh, một ngôn ngữ rất gần với tiếng Tày, và anh y sĩ cũng nói rằng, người Thái thực ra cũng gọi là Tày. Anh cho biết có thể dùng tiếng Thái giao tiếp với người Lào gần biên giới và người Tày trong nước, còn những vùng Lào xa hơn thì hiểu khoảng 40%, với ngôn ngữ Thái Lan cũng như vậy. Còn lại vài người biết đan mây tre, vài người dệt thủ công, sắc thái văn hoá đọng lại chủ yếu ở ngôi nhà sàn và ngôn ngữ. Hiện khó khăn nhất là bộ mái nhà sàn. Trước đây tốt nhất lợp bằng tranh, nhưng tranh tự nhiên bây giờ không có, phải thay bằng lá cọ. Còn những nhà sàn lợp tôn và fibrô ximăng rất nóng, mùa hè ban ngày cả nhà chỉ còn cách chui xuống gầm sàn. Lợp ngói thì lại phải thiết kế rui mè thật khoẻ. Nhà sàn Tây Bắc đang là cái mốt của nhiều tay chơi dưới xuôi. Dẫu vậy những ngôi nhà sàn cũng biểu hiện những vùng miền thanh bình, không có trộm cắp, vì bản thân nó không kín đáo hoàn toàn.

Ở bản Lác, Mai Châu, tình hình khả quan hơn đôi chút. Hiện có một lớp học chữ Thái cổ, giống như chữ Phạn hình giun, một số khung cửi hoạt động cầm chừng và một đội múa luyện tập hàng ngày. Trong thời đại công nghiệp, sự thay đổi sâu sắc thực chất diễn ra ở mọi dân tộc, trong đó những nét văn hoá truyền thống đang mai một không gì cưỡng nổi. Nếu văn hoá chỉ là một phái sinh của kinh tế thì đời sống con người đang xuống rất thấp.

Chiều về bên những bản Mường vùng lòng hồ rất đìu hiu. Phần lớn những người già rời bỏ ngôi nhà sàn lớn, vào rẫy ở những ngôi nhà nhỏ như túp lều. Lý do rất đơn giản: chủ nhân của ngôi nhà sàn lớn phải chịu những khoản cho vay, mướn đối với xóm làng, nghĩa vụ giỗ chạp với gia đình, và các đóng góp xã hội. Hầu hết người già không có khả năng như vậy và tốt nhất là nhường nhà lại cho ai đó trong con cái, bản thân con cái cũng đùn nhau cái trách nhiệm này. Không ai muốn ở ngôi nhà sàn lớn là một thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở các bản Mường. Ghé chơi một gia đình, chỉ còn lại mấy chị em và đàn trẻ con, chập tối tất cả đã tề tựu bên bếp nhà sàn và luộc sắn mời chúng tôi. Họ nói hàng tháng chỉ đóng có 50 ngàn đồng tiền điện nước mà còn khó khăn, nếu lập gia đình thì phải có tối thiểu 20 triệu đồng cho một đám cưới.

Người Mường không phải là những người năng động làm kinh tế. Bản thân họ thích làm ăn vừa phải, sống thanh nhàn với thiên nhiên. Ông Phan Bảo nhận xét trong lịch sử, người Mường chưa bao giờ vượt quá bắc sông Hồng và nam sông Lam, cũng không ra phía đông, mãi mãi nằm giữa người Việt và người Thái một cách hoà thuận.

Chúng tôi nói với Vũ Hiếu rằng bảo tàng không chỉ nắm những hiện vật chết, mà cần phải biết tất cả những nghệ nhân đang sống, ai dệt được thổ cẩm, ai chế tạo được nông cụ, ai đan khéo léo và luôn mời người ta về thao tác và trả lương, hay bán chính sản phẩm của họ. Vũ Hiếu cho biết người thì có và cũng biết, nhưng đa phần họ sống theo lối cũ, không quá trọng công việc. Dệt thì cả tháng vài thước cũng được, đan vài hom giỏ rồi lại đi uống rượu, về thăm nhà! Bản thân những sản phẩm đó không đủ trang trải lại thù lao nếu có, nhưng không làm thì những con người nắm giữ công nghệ của một dân tộc cũng mất đi, đem theo cả những bí quyết truyền đời.

Người Choang ở Quảng Tây – Trung Quốc, người Tày Nùng ở Đông Bắc và người Thái ở Tây Bắc nước ta, người Lào và người Thái bên hai quốc gia trong vùng và vài sắc tộc khác đều có chung gốc gác ngôn ngữ. Họ đã dịch chuyển như thế nào ở châu Á trong lịch sử là một câu chuyện rất đáng tìm hiểu. Người Mường nằm giữa hai khối Thái và Việt, nhưng chưa bao giờ bị hoà tan, vẫn giữ được bản sắc văn hoá cho đến tận bây giờ, lại là một câu chuyện thú vị khác.

Thoạt tiên những người phụ nữ vùng cao này quấn ba miếng vải lớn, một cái trên đầu, một cái quanh ngực, và một tấm lớn che thân dưới. Tấm vải che ngực và khăn thắt lưng kết hợp với nhau trở thành giang trên, giang dưới có hoa văn trong cái váy cao của người Mường. Chúng tôi đã thấy vài bức ảnh cổ do người phương Tây chụp lại có những nơi còn quấn nguyên ba tấm như vậy trong các sắc tộc Nam Á. Khi trở thành cái váy cao Mường Thái, nó thể hiện một phong độ sống thong thả lành mạnh, vì với tấm váy đó người phụ nữ không thể mang vác nặng hay đi nhanh và luôn uyển chuyển trong dáng thẳng đứng. Điều ấy chỉ có thể thực hiện trong một cuộc sống biết thế nào là đủ và không quá lam lũ. Và sự lam lũ cũng là lý do khiến người ta thay đổi những trang phục có tính văn minh này.

hết
 
@ everybody: mời mọi người chia sẻ những bài ký hay cho topic thêm xôm tụ nhé :) vì sức đọc của một người chắc chắn không bằng nhiều người gộp lại rồi!
có ai biết cách tạo mục lục cho từng bài giống anh cvn đã làm ở trang đầu vui lòng hướng dẫn mình với! xin cảm ơn!
 
Khúc hát lên đường

Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư



Có lần, giữa lưng đèo ở núi rừng Tây Bắc, xe bị mắc lầy, kẹt giữa con dốc dài, trong đống bùn nhão, bụng thì đói khủng khiếp, bên đường chỉ vài căn nhà lúp xúp của đồng bào, mà họ cũng đóng cửa đi nương. Đoàn người ngồi lê ngồi lếch, vạ vật dưới chân núi, chờ xe chuyên dụng đến gạt bùn giải cứu.

Em kéo tôi đi dạo, em nói ở đó nhăn nhó cũng vô ích. Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ xuống thung lũng, bên những cái rào hờ hững là vạt cải đang lên, mầm xanh nhuốt dưới mưa sương. Có một chòm nắng quét qua thung lũng, làm những rặng cây dưới kia cũng đổi màu. Em chắc lưỡi, hít hà, đẹp quá chừng ta ơi. Tôi gật đầu, và trong cái khoảnh khắc đó, tôi quên mình đang đói và chiếc xe đang nằm ì trên đống bùn. Tôi chỉ biết mình đang đứng trước vẻ đẹp chưa từng có trong đời. Một cậu bé từ trong con đường mòn trơn ướt từ dưới thung nhấp nhô hiện ra trong mưa lay phay, mắt cậu đen sâu hút, cây rựa cong cong vung vẩy trong tay, và trên vai là con gà trống ung dung đậu. Cậu đi qua, mắt hơi cười, và khi người khuất sau rặng cây rồi, tiếng gáy của con gà vẫn còn đọng từng giọt trên những dấu chân nhỏ. Em ngó tôi, hỏi, “cứ ngồi than thở trên kia thì làm sao thấy được những cái đẹp tình cờ này, hả chị?”

Tôi không trả lời, ngượng nghịu vì mình đã mất nửa giờ gắt gỏng, lo âu. Tôi tự hỏi, trong ba mươi phút đó, mình đã mất bao nhiêu cơ hội để khám phá vùng đất này. Tôi day qua định cảm ơn em, nhưng em đã phăm phăm đi đằng trước, cái ống quần kaki rất ngầu quệt vào cỏ, bê bết nước và bùn.

Chính em rủ tôi đi chuyến này. Lúc em gọi điện, tôi đã hỏi, sao đi được hả nhỏ ? Em nổi quạu, dễ lắm, chỉ cần xếp vài bộ đồ, nhịn nhậu nhẹt vài cữ, với chút tiền dành ra ấy, quảy ba lô lên vai, là tụi mình có thể tới bất cứ đâu bất cứ lúc nào. Không biết đường đi, thì hỏi. Sợ gì.

Lâu lắm tôi đã không đi, mất cảm giác. Bởi đi không phải là nhu cầu tối thiểu, như ăn, ngủ. Hôm nay đi không được, thì mai, thì mốt. Mà, lần khân tới khi già khú đế, không đi được cũng chết vì bệnh tật chứ không phải chết vì không đi. Vậy nên, tôi luôn bỏ lỡ những chuyến đi của cuộc đời mình. Đôi lúc, đã lên kế hoạch đi đâu đó, ừ, ngày mai đi. Quãng thời gian chờ sáng, tôi ôm cái gối ôm của mình, nghĩ, trời ơi, mai đi rồi, mình sẽ xa cái chỗ nằm quen, quán cafê quen, những bạn bè quen. Xuất hiện cái rào đầu tiên, sự quen thuộc bị xáo trộn. Rào thứ hai: đường xa, sông sâu cách trở. Rào thứ ba: nhớ nhà. Rào thứ tư: không ai đưa rước con đi học (hay lý do tương tự, không ai cho đàn gà ăn). Rào thứ năm: tiếc tiền. Và rào thứ sáu, thứ bảy thứ n quây kín tôi lại. Chuyến đi vào lúc sớm mai trở nên tuyệt vọng, mù mịt xa.

Và sự khao khát khám phá thế giới chung quanh đã không đủ mạnh để thôi thúc tôi lên đường. Nhưng nếu tôi vượt qua tất cả những cái rào đó, lúc bước chân lên xe, trong tôi sẽ xuất hiện một cái rào khác, khiến tôi trùng trình, nơi mình đến, có cái gì hay không ta? Mình đi xa vậy, mắc công vậy, tốn tiền vậy mà không có thu hoạch gì thì tiếc. Tiếc lắm.

Tôi cũng hỏi câu đó khi em sắp gác máy, em cười “có ai mà gặt được trước khi gieo hôn, hở chị?”. Tôi cũng cười. Em chuyên viết ký du khảo cho báo địa phương, đi nhiều, căn phòng em trong cơ quan ít khi mở cửa. Nghe nói có hồi em định lấy chồng, má em khóc quá chừng, “tội nghiệp con nhỏ, rồi phải chôn chân ở nhà”. Trong ý nghĩ của người mẹ, nếu con gái mình không đi lang thang điều đó đau khổ ngang bằng… chết. Nhưng có một vài trục trặc khiến đám cưới không diễn ra. Em đi rong để quên buồn, rồi sau này đi rong vì nghiện, không đi bứt rứt không yên. Những lần em chuẩn bị lên đường, tôi hay dặn, đi về nhớ kể cho nghe. Em cười, coi đó như một lời hẹn hò, khi về, sẽ có bữa ăn nhậu gì đó nho nhỏ, gọi là tiệc đón.

Không hiểu tại sao em chẳng nghĩ câu nói đó theo đúng nghĩa của nó. Việc đi để kể lại là không thể sao? Tôi tự hỏi khi xốc hành trang lên vai, đi cùng em.

Dẫn đoàn, đóng vai trò “cục đường” kéo mấy con kiến đằng sau là một anh nghệ sỹ nhiếp ảnh. “Cục đường” thường ngồi ở một ngọn đồi nào đó tiễn mặt trời chìm xuống dòng sông và sáng sau luôn dậy sớm chờ mặt trời lên. Tôi hay bước lên xe với cái mặt ngái ngủ. Một người viết văn thì cần những khoảnh khắc đó làm gì, tôi nghĩ. Em thì khác, xăng xái, nôn nao, em nói, “ba trăm sáu mươi lăm ngày mặt trời mọc ba trăm sáu mươi lăm kiểu khác nhau, thì như hôm qua em bị nhức đầu, nên mặt trời lên thấy khác, bữa nay đúng lúc mặt trời lên, biết đâu sẽ có đàn chim bay qua...”. Có lần, chúng tôi đi đón bình minh. Tôi ngủ gà gật, lâu lâu mở mắt nhìn thấy đang đi trên con đường nhỏ, lướt qua những ngôi nhà nhỏ, cái miếu thờ cũng nhỏ. Mở mắt ra lần nữa thấy mình đứng trước một cây cầu ọp ẹp bằng tre bắc qua kinh trên con đường dẫn ra một vùng đầm phá. Mùi rêu tanh nồng. Một cái chợ nhỏ họp bên bờ đầm. Mấy bà cụ bán khoai, bán xôi cười khoe hàm răng đen bóng, giọng Huế trên môi có vần có điệu, có ngằn có ngữ, nói như hát. Ngồi cạnh là mấy chị phụ nữ với những cái rổ con con cùm nụm cùm nịu ít cá tôm. Vài tia nắng lên xiên qua làn sương mỏng. Trẻ con xoắn quần đi lại dưới đầm, chân chìm vào mặt nước dày đặc rong tảo, thong dong như đi trên bộ. Đứa bé gái bồng em nhỏ đã ngủ say trên tay, như mèo con ì ạch tha chuột, đi về phía xóm.

Tôi đứng đó, ngây dại trước một bình minh trong vắt. Nhìn người dân thong dong lội lỏm bỏm dưới đầm, tôi hỏi, “ủa, đất ở đây không lún sao ta?”. Em cười, xoắn quần, tháo giày lội xuống. Một cách trả lời. Tôi làm theo, dầm chân vào buốt lạnh của nước và cát, thảng thốt nghĩ mình từ nay không còn thản nhiên, hài lòng với những bộ phim quảng bá du lịch chiếu trên ti vi.

Bởi cái vị nồng của biển, cái rộn rã ban mai, cái không khí trong lẻo này, hay sự buốt lạnh truyền lên từ gan bàn chân không ai kể cho ai được. Những năm dài quẩn quanh nhàm chán từ nhà tới cơ quan, từ cơ quan tới quán café, lười nhác đến nỗi chỉ ngồi ở một góc quen, với cái bàn quen, tôi khoe khoang là mình đã biết Huế với những bộ phim, những cuốn sách, với lăng tẩm cung điện, và vào một buổi sáng không hẹn, tôi đứng nhìn sự biết của mình tan đi trước cái đẹp của một miền quê.

Em thì đang hăm hở lội tuốt đằng kia, chào hỏi một chị mua nước ngọt chở ra căn chòi nhỏ giữa đầm khơi. Đó những người dịu dàng, em kể khi quay lại, vì họ ít khi nào để nước sánh ra khỏi những cái thùng.

Tinh tế đến từng chi tiết. Bỗng dưng tôi nhớ những lần dặn “về nhớ kể nghe chơi”, bản thân việc đó gây buồn, cho em và cho tôi. Sẽ không khó khăn gì, nếu em thuật lại, ngày thứ nhất đến đâu, nơi ấy có những cảnh đẹp nào, món ăn gì, cùng vài chuyện đáng nhớ nho nhỏ. Tiếp theo là hành trình của ngày thứ hai, thứ ba… Dĩ nhiên, những bức hình chụp bằng cái máy ảnh cà tàng của em cũng là một cách kể. Thác nước, khúc sông trôi, hoa phượng tím, bên bờ rào thưa có đứa trẻ chăn bò… Tôi gật gù gật gù, ừ đẹp quá, mắc cười quá, dễ thương quá.

Nhưng em đã mang về một dòng suối, cánh rừng, dòng sông… câm lặng. Em không thể xê dịch không gian và thời gian để đưa tôi tới cảm giác tan đi dưới dàn đồng ca rền rĩ, buốt nhức của những con ve mùa hạ, lẫn trong nó là cái âm thanh trong lẻo thanh thoát của dòng nước chảy lỏn lẻn qua khe đá. Và gió và nắng, chúng lung linh, sống động đến nỗi, ở trong nó người ta không bắt kịp bằng tất cả các giác quan của mình.

Sau vài chuyến đi rong, tôi nói tôi phải bắt đền em, vì mỗi sáng ra đường đúng lúc máy bay cũng ngang qua, tôi chênh chao quá. Bởi với tôi, nó là biểu tượng xê dịch, là bài hát lên đường. Em cười, lại rủ rê, “vài bữa xuống Rạch Gốc nè, xách ba lô đi cho vui”. Cái xã ven biển tôi đi công tác cả chục lần, nhưng đi với em mới thấy nó… đẹp đến giật mình. Em khiến tôi từ bỏ thói mặc cả, kiểu như nếu tôi đi thì tôi sẽ được gì, tôi “hy sinh” nhiều vậy thì tôi “có” gì? Đông Bắc hứa có núi và rừng. Dãi đất miền Trung hứa hẹn cát trắng và biển cả. Tây Nam Bộ hứa bằng những con người tử tế, dễ thương. Nhưng em chứng minh được một điều, nếu không nhận được lời hứa nào, tôi cũng thấy mình có nhiều. Đi là tới, là được, là có. Chẳng thể hứa một buổi trưa nóng rẫy, chúng tôi nhìn thấy bụi cỏ bên đường nở hoa trắng muốt, dù lá cỏ bị giẫm nát bởi những dấu chân trâu. Chẳng ai hứa, những gì chúng tôi sẽ nhìn thấy, cảm nhận suốt cuộc hành trình, tổ chim sẻ chon von trên vai pho tượng Phật, bài hát của những người yêu nhau trên những ngọn núi cao, những cụ già mót khoai bên rẫy, nụ cười của em bé Simacai khi một tay cầm chim đứng đái, tay kia vẫy khách không ngừng. Ai mà hứa được những cái đẹp, cái chua xót, xốn xang không ngừng tuôn chảy trên mỗi bước đường?

Và cứ mỗi lúc tôi đứng ngây ra trước vẻ đẹp bình dị của vùng đất nào đó, em kín đáo ngó tôi cười tinh quái, “mê rồi hả chị?”. Trong ba lô em có cái bản đồ xếp làm tám, mỗi khi em chỉ vào một chấm nhỏ nào trên đó, “chiều mai mình sẽ tới đây nè”, bỗng dưng tôi cảm giác có sương rơi.

Nhưng không phải lúc nào cũng có sương, có hoa, có nắng, có những cái đẹp rạng ngời. Luôn xảy ra những trục trặc không lường trước. Chẳng nhằm nhò gì, em biết thiền theo kiểu của mình. Không thèm nôn nóng hay cáu giận bởi những bất trắc, chiếc xe chết máy, bể bánh, hay khi lỡ chuyến tàu, hoặc thời gian chờ đò quá lâu… em sẽ rảo quanh, trò chuyện với người dân ở đó, tìm hiểu tên gọi của một loại hoa cỏ lạ. Có lần xe dừng trước đèn đỏ, em chỉ vào những người nhăn nhó sốt ruột đi xe máy đứng quanh, khều tôi “mắc gì phải vậy. Để dành ba mươi giây chờ đèn đỏ để nhớ tới một đứa bạn đã xa, hỏng phải tốt hơn sao?”.

Có cảm giác em không để trống bất cứ giây phút nào. Em luôn trong trạng-thái-sống. Em nói, còn sức thì đi rong ruổi xa xôi, đến khi ngồi xe hết nổi, em lội bộ lòng vòng ngắm tất cả những hẻm hóc, ngóc ngách trong thành phố. Và khi chân quá mỏi, em cũng bắc cái ghế ngồi trước cổng để nhìn mấy bà bán phở, bán tàu hủ, bán trái cây… mưu sinh trên đường.

Cả những vẻ đẹp bình thường quen thuộc đó, cũng phải biết khao khát, tìm kiếm và trải nghiệm mới có. Em nói vậy mặc dù không nói vậy.
 
“Sỏi đá buồn tênh” (đảo Jeju, Hàn Quốc)

Nguyễn Ngọc Tư

Những ngày đi dưới mưa thu ở Jeju, tôi thường nhớ người bạn vong niên ở Cần Thơ. Tôi với ông đều đam mê đá. Lý do có lẽ khác nhau. Tôi mê đá bởi nhìn thấy một chút mình trong đá, tồn tại tự nhiên, cứng cỏi, thô mộc phơi mình trước nắng mưa miên viễn, nhưng người yêu đá sẽ nhìn thấy ở nó sự dịu dàng. Và đó là tri âm. Ý nghĩ này đeo đẳng khi tôi nhìn thấy núi lần đầu. Giờ thì yêu đá hơn hoa. Mà, Jeju thì toàn đá và đá, muôn trùng đá. Ở giữa bữa tiệc đá, trong cơn say ngây ngất, tôi ước gì bạn cũng ở đây.

Hình thành sau đợt núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, nên Jeju được cấu tạo từ dung nham và tro bụi, đá trên đảo thẳm một màu đen. Màu đá gợi lên sự huyền bí, dịu dàng, và một chút gì đó buồn bã, hắt hiu. Ngồi trong quán ăn bên đường, ngó mưa miên man nhỏ xuống một bờ rào đá, tôi có cảm giác, chỉ chút nữa thôi đá sẽ mềm nhão ra như đất ở quê mình.

Nhưng mưa đã triệu năm rồi, đá vẫn vĩnh cửu trên hòn đảo xinh đẹp này. Đâu cũng đá, mở mắt ra chưa thấy người đã thấy đá. Đá xếp làm rào quanh những vườn quýt trĩu quả, đá hờ hững gá lên nhau ngăn những thửa đất cây cỏ xanh mầm, đá quây lấy những đồng cỏ chăn thả ngựa. Đá xếp làm tường nhà, làm biển hiệu quán ăn, làm cọc tiêu những con đường dọc bờ biển và cả một công viên đá rộng hơn 2 hecta… Jeju “đãi” người yêu đá đến no căng, ngây ngất. Trong những khu phố sầm uất vẫn thấy đá nằm ở chân tường và những bức tượng Hareubang, mà anh bạn Ha Jae Hong chuyển qua Việt ngữ rất nôm na là “ông bác đá” làm cả đoàn cười nôn ruột. Ở đâu cũng thấy “ông bác đá” này, ven đường, bãi biển, trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm… miệng cười bí hiểm, mắt to, mũi to, hai tay đặt trước bụng, an nhiên.

Trông bức tượng vị thần đá rất hiền hậu. Sự hiền hậu toát ra từ đường nét đục đẽo giản dị, từ cái màu trầm mặc của đá. Góp phần cho một Jeju yên ả, thơ mộng và sâu lắng, đá làm dịu lại sắc vàng quýt chín, sắc đỏ rực của rừng cây đang trút lá, sắc xanh rờn của những thảm cỏ mùa thu…

Màu đá, trong một liên tưởng bất chợt, tôi nghĩ tới màu máu đã khô rồi. Hòn đảo này sinh ra từ tro than, bắt đầu sự sống từ hủy diệt nên suốt chiều dài lịch sử của mình, đôi lúc lại từ hủy diệt, Jeju hồi sinh. Ngày 3 tháng 4 năm 1948, chính quyền Nam Triều Tiên đã đưa quân đội đến Jeju tiến hành cuộc thảm sát được coi là một trong bốn cuộc thảm sát lớn nhất thế giới. 130 làng bị đốt cháy, 12.000 người được chính thức ghi tên trong nhà tưởng niệm. Nhưng người Jeju nói con số thường dân thiệt mạng lên đến 30.000, nghĩa là sự thật chỉ là một phần ba sự thật. chỉ vài phút đứng trước phần bia của một ngôi làng, tôi đếm được 109 người họ Lee. Trong những tác phẩm của giới họa sỹ đảo Jeju về cuộc thảm sát, họ vẽ những gương mặt vùi trong đá, những hình người vắt chông chênh trên đá.
Và trên nấm mộ của những em bé vô tội, đá vẫn một gam màu xám đen u uất, như những giọt nước mắt của trời đã đông đặc lại, khóc cho sự nhẫn tâm không hiểu nổi của con người. Nhưng niềm hy vọng nơi con người lại lấp lánh ngay trong nỗi thất vọng. Tôi nghĩ tới người bạn vong niên không vì đá gợi nhớ, mà vì lời ông nói trong một bữa trà nào, người viết luôn nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh sự thật. Bài học về sự thật tôi được nghe lại ở đây, khi thông tin cuộc thảm sát đảo Jeju bị bưng bít, những nhà văn, nhà thơ của đảo đã viết, tranh đấu cho đến khi bi kịch được phơi bày. Vài người đã qua đời sau những tháng ngày bị tù đày, bạc đãi. Người kể lại câu chuyện này, tiếp tục cuộc đấu tranh này cũng là một nhà văn kiêm huấn luyện viên bóng đá. Khoát cánh tay ngắn và chắc nụi về phía biển, anh gửi lời xin lỗi về miền Trung, nơi mà người lính Nam Hàn đã gây nên những cuộc thảm sát. Anh nói về cuộc hàn gắn bằng văn học nghệ thuật, và cả bóng đá nữa, nếu có thể, giữa hai vùng đất mang nhiều nỗi đau này.

Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữ lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình.

Tôi rời Jeju trong cảm giác yêu lần nữa cái công việc chữ nghĩa mà tôi đang theo đuổi. Tôi mang theo một Hareubang nhỏ. Mỗi khi nhìn bức tượng, tôi lại nhớ “bữa tiệc đá” Jeju, nhớ vẻ đẹp mạnh mẽ của sự phục sinh, vẻ đẹp mãnh liệt của sự sống, và vẻ đẹp tinh tế của nỗi buồn…
 
Về loạt bài của ông Trần Đại Sĩ ở trên, tôi có ý kiến thế này

1. Các quan điểm của ông bác sĩ Trần Đại Sĩ - từ khi xuất hiện - chỉ được coi là một ý kiến riêng, và chưa có bất kỳ nhà sử học nào chính thức công nhận. Thảo luận về quan điểm này đã sôi nổi khá lâu và rồi chìm đi, mà cuối cùng cũng không có công trình khoa học chính thức nào công nhận. Những chuyện kiểu này trước kia trên box Lịch sử văn hóa của TTVN (tôi đã từng làm Mod bên đó) đã nói nhiều lắm rồi, và người phản bác ông Sĩ cũng nhiều lắm.

2. Loạt bài trên chủ yếu là minh họa cái quan điểm của riêng ông ấy, không thuộc phần Du ký, mà cũng chẳng phải Lịch sử chính thống. Việc truyền bá tư tưởng của riêng ông Trần Đại Sĩ ở Du lịch thiết nghĩ là không phù hợp. Những cái này nằm ở diễn đàn Lịch sử thì hơn (nhưng nhiều diễn đàn lịch sử nhìn thấy bài của ông Sĩ là tẩy chay rồi).

3. Vì vậy, đề nghị bạn cho biết rõ mục đích của bạn khi đưa loạt bài này vào topic "du ký tuyển tập". Nếu không có lý do thuyết phục, tôi sẽ xóa loạt bài này.
 
Chào anh Chitto,

1. Vấn đề bên box Lịch sử của TTVN thì em chưa từng được biết vì em không có tham gia trong box Lịch sử.

2. Đây là bài phát biểu của ông Trần Đại Sỹ nên dĩ nhiên là thể hiện quan điểm của ông ấy. Em chưa hề có ý định truyền bá tư tưởng của ông Trần Đại Sỹ vì em chỉ mới đọc bài này và cũng không có nhiều thông tin về ông ta.

3. Lý do em đưa bài này vào đây vì thấy trong ấy cũng kể đến quá trình đi tìm kiếm sử liệu (các địa danh, di tích) để chứng minh cho luận điểm mà ông ấy đưa ra, chứ không chỉ đưa ra lý thuyết suông. Đi đến nhiều nơi để nghiên cứu quan điểm lịch sử rồi viết bài sau chuyến đi, cũng có thể xem là du ký phải không ạ! Mục đích duy nhất của em chỉ đơn giản là chia sẻ thông tin.

"Các quan điểm của ông bác sĩ Trần Đại Sỹ - từ khi xuất hiện - chỉ được coi là một ý kiến riêng, và chưa có bất kỳ nhà sử học nào chính thức công nhận. Thảo luận về quan điểm này đã sôi nổi khá lâu và rồi chìm đi, mà cuối cùng cũng không có công trình khoa học chính thức nào công nhận."
Theo em thấy, quan điểm của ông ta ngay từ đầu đã không được xem là chính thống nên hẳn là không có nhà sử học nào bận tâm nghiên cứu và chứng minh là đúng hay sai???

Vài dòng trao đổi, chờ ý kiến của anh!
 
Ba ngày đi săn “báu vật” sông xanh ở Cao Bằng (Cao Bằng, Việt Nam)
Ký sự của Đỗ Doãn Hoàng

...Rêu xanh rì, tràn ngập trong bụng nước, rêu bám theo đá và các hang hốc núi. Vì sông xanh toàn rêu tảo như thế, nên cá ăn rêu nó mới sống được, cá chỉ ăn có nhõn một thứ rêu đá, ấy là cá anh vũ, cá tiến vua. Vì hang hốc thế, nên sông mới cho đời được những con cá chiên bốn năm chục ký lô, trôi từ hang núi thăm thẳm bí ẩn trôi ra; bác cá chiên già nua, lừ đừ, đen trũi, như một quả bom tấn...
Con sông ấy bé nhỏ, xanh biếc cái màu xanh kỳ lạ lắm. Sông như được trời đất nghiền tỉ tỉ chiếc lá xanh ra, phết cái màu diệp lục vào trong nước, xanh như nước rau ngót tươi người ta hay vò cho sản phụ uống. Nhà văn Nguyễn Tuân gọi “chết danh” sông Gâm này, với cái màu xanh như “màu nước hến”.


Điều này chỉ đúng với một khúc vùng hạ du của Gâm giang thôi. Sông Gâm thượng nguồn vùng Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội 550km), trước khi nó nhập với sông Nho Quế ở Lý Bôn, sông xanh như lá núi. Đá chồm hổm dọc sông trắng toát tinh khôi. Sông có một tẹo nước, sông miệt mài húc vào đá mà tung bọt trắng xoá. Chỗ đá mà sông không chồm lên, sông xanh như hương rừng sắc núi vậy.
Mấy gã “lục lâm thảo khấu” sống bằng nghề đánh cá dọc ghềnh thác sông Gâm thì cứ phân chất cái màu xanh nước hến mơ mộng của sông Gâm một cách... rất khoa học: sông xanh vì nó có nhiều rêu. Rêu xanh rì, tràn ngập trong bụng nước, rêu bám theo đá và các hang hốc núi. Chứ múc ca nước sông lên uống, đếch thấy sông xanh nữa đâu mà. Vì sông xanh toàn rêu tảo như thế, nên cá ăn rêu nó mới sống được, cá chỉ ăn có nhõn một thứ rêu đá, ấy là cá anh vũ, cá tiến vua. Vì hang hốc thế, nên sông mới cho đời được những con cá chiên bốn năm chục ký lô, trôi từ hang núi thăm thẳm bí ẩn trôi ra; bác cá chiên già nua, lừ đừ, đen trũi, như một quả bom tấn.Thế là tôi đang nhập hội săn cá quý, những báu vật dòng sông xanh của nước Việt.

Bài 1: Thưởng thức cá tiến vua và chúa tể lòng sông!

Các cụ có câu: nói sai thì nó phải tội cái miệng. Vu cho miệng mình cái “tội” được ẩm tửu với các sơn hào hải vị, tôi nghĩ còn phải tội cái mồm hơn nữa. Nên tôi không bao giờ dám viết sai về cái việc đã diễn ra ở bờ sông Gâm hôm nọ: tôi đã ăn thịt cá anh vũ, cá mõm lợn kỳ lạ; rồi ăn thứ cá chiên nặng gần hai chục ký lô, thịt vàng rượi như nghệ tươi, riêng bộ lòng của nó, tôi mua lại của dân chài vừa móc từ bụng cá khổng lồ ra đãi bạn bè, đã được 2 đĩa tây!

Sở dĩ tôi phải khoe một chút, ý là để cho nó thuyết phục. Chứ đọc nhiều người viết về cá anh vũ, cá chiên khổng lồ, tôi thấy bảy thực ba hư quá. Hình như họ chỉ nghe “giang hồ đồn thổi” rồi viết. Không một tấm ảnh đính kèm, không ai được nhìn thấy cái mõm lợn của con cá mõm lợn (“tên tục” của cá anh vũ). Thứ cá được vua chúa ra chỉ dụ cấp quốc gia, bắt phu phen các vùng phải đổ mồ hôi, đổ máu, xương trắng dưới đáy sông sâu hòng đi tìm về cho vua đánh chén rồi lấy sức hầu hạ phi tần. Cá anh vũ được Việt Nam và thế giới ghi trong sách đỏ cần bảo tồn bởi quý giá vô biên ấy – bà con vùng Bảo Lâm mà tôi đang có mặt cứ đơn giản gọi là con cá mõm lợn. Đơn giản có cái mõm trù trụ, sậm sựt thịt da và sù sù các vết sần trai bám đá như mõm lợn ỉ. Cái mõm ấy là thứ thời trân quý giá nhất của con cá. Cá chỉ sống ở những dòng sông nước xiết như sông Gâm, sông Lô, sông Thao khúc ngã ba Hạc; giờ các địa chỉ đỏ kia đã thất lạc mất cá tiến vua, duy có sông Gâm vẫn kiêu hùng ôm trong bụng mình loài cá quý. Chả trách, giờ đây, ngày lại ngày, vượt vài trăm cây số, cánh lái cá quý vẫn lượn lờ ven sông Gâm khúc Bảo Lâm, Bảo Lạc. Hễ ai bán cá mõm lợn là chúng a-lê-hấp, đắt bằng nào cũng mua, hỉ hả đem cá tiến vua thả vào thùng nước, cắm thêm cái sục điện sủi tăm ùng ục độn ôxy vào nữa, thế là xe máy “tay lái lụa”, bọn chúng bon thẳng về Hà Giang, Hà Nội, Việt Trì bán cho thực khách muốn “nhất dạ (hoặc nhất nhật) đế vương” nhờ ăn... cá. Giá cá anh vũ ở bờ sông Gâm đã lên tới 800.000 VNĐ/kg là vì thế.

Theo như nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: cá anh vũ (cá mõm lợn, cá tiến vua) nhờ thụ hưởng tinh hoa của đất trời, nhờ ăn rễ của cây chiên đàn nghìn tuổi trên đó có đàn chim hạc đậu để ngắm kỳ sơn thuỷ tú tại ở vùng ngã ba Bạch Hạc huyền sử (đất tổ vua Hùng) mà nên thiêng nên quý. Cá anh vũ chỉ ăn rêu suối, nên thanh sạch vô cùng, chỉ sống ở nước xiết, nên thịt săn chắc vô cùng. Nhờ nữa: vì sống ở nước xiết, nên cá phải có cái miệng cực khoẻ để há ra, bám vào vách đá cho khỏi bị trôi đi, để cái miệng ấy hằng ngày hằng giờ cạo vào rêu đá, bóc rêu ra ăn. Cái “mồm” quá vất vả, nên cái mồm phát triển, bành ra như mõm lợn. Nói theo lối của dân thuyền chài, thì cái mõm lợn của con cá, thật ra là cái chục sần chai u mấu lên, dày bì lên vì cái miệng phải làm việc quá vất vả. Nó như bàn tay vâm váp của người lao động, như bàn tay chân có cục thịt đệm để nhảy nhót leo trèo của con mèo con gấu. Cục mõm lợn ấy là chỗ tinh tuý nhất mà vua chúa phong kiến thèm ăn nhất, thèm đến nỗi họ phải có chỉ dụ cho quốc dân đồng bào đi kiếm cá anh vũ.

Giờ đây, người ta thi nhau ăn cá anh vũ. Thứ cá này đắt tới mức hơn 1 triệu đồng/kg. Cá anh vũ đã làm thời thế ăn nhậu thay đổi nhiều, bởi nơi tiêu tốn nhiều tiền chùa nhất hiện nay, nghe nói là các quán cá. Câu được một con cá, số tiền ngư phủ thu lại nhiều hơn bán một con trâu mộng. Và một số “hàn nho” ưu thời ở Phú Thọ đã từng mách nước cho cánh nhà báo muốn điều tra về tệ ăn nhậu phung phí quá thể của “quan tham” rằng: muốn biết người ta ký kết, xin - cho trên bàn tiệc thế nào, cứ đến các quán cá có bán anh vũ ở Việt Trì. Một nón mê, một cây gậy ăn mày ngồi cửa quán, bạn sẽ thấy rõ người ta xả tiền ra cho cái thú ăn thứ mà nghe đồn vua chúa từng ăn dữ dằn tới mức nào. Tuy nhiên, đám ngưu ẩm và tục tằn đòi ăn hết cả của ngon vật lạ của thiên hạ kia rất hay bị lừa. Lý do: cá anh vũ có hình dáng và màu sắc hơn giống cá dầm xanh. Phe cá toàn cho khách ăn dầm xanh rồi nói là anh vũ, thì phàm phu tục tử, ăn gì chả giống nhau. Giữa lúc ấy, cánh “thảo khấu” săn cá sông Gâm đưa ra cao kiến: đừng gọi anh vũ là cá tiến vua, cứ gọi nó là cá mõm lợn. “Mày đi ăn cá, gọi con cá nào có mõm giống lợn ra mổ, gắp cái mõm lợn ăn luôn, thì có trời mà đánh lừa được”. Hoá ra, những kẻ thích màu mè bao giờ cũng là những nạn nhân của thói “treo đầu dê bán thịt chó” nhất.

Bỏ tiền, bỏ công thuyết phục, cuối cùng thì Hoàng Văn Khoa, một “rái cá” lão luyện của sông Gâm đã cho phép chúng tôi đi theo đánh cá quý. Chiếc mảng bé tẹo, nó gồm 8 cây nứa khô ghép lại, hai thằng nặng ngót tạ rưỡi, chưa kể mấy chục triệu tiền dụng cụ máy móc của tôi – gã nhà báo, và ba chục ký lô chì sắt của chài lưới mà Khoa mang theo. Con mảng run rẩy ngược ghềnh thác sông Gâm trong chiều chạng vạng.

Vách núi đá Pác Miều, cũng là bờ hữu sông Lô nó cao tới mức, tôi, Khoa và chiếc mảng chỉ bé như con kiến bò quanh chiếc bánh ga tô khổng lồ. Không tìm thấy đường chân trời, mảng hút vào một vách nước sâu. Sương phủ trên dòng sông xanh tịch mịch. Xung quanh là những cuộc giao hoan kỳ lạ, đầy nhục cảm và thần bí. Bởi bây giờ đang là mùa mà trời ấm dần lên, mưa lây rây, cá chép nín chờ suốt mấy đợt rét đậm rét hại, giờ túa lên cùng “vật đẻ”. Rất là xuân tình. Con cá chép nặng tới 6 ký lô, vàng ruộm như con cá trong ông lão đánh cá và con cá vàng. Chép ta vật đẻ. Nước đục ngầu. Tiếng hò hét của chúng tôi, bóng đèn pin soi thẳng vào mặt cá, mặc! Cá vẫn vật đẻ ào ào. Bọn cá cái đi đến đâu là nước sông đục ngầu tới đó, như có muôn loài thuỷ tộc đang tấn công vò nát các bãi cỏ, mép rừng ven sông vậy.

Văng vẳng, cuồng liệt, đục ngầu, hoang dại. Mấy tay phàm ăn ở Bảo Lâm chỉ quăng chài một cái, vồ được 70kg cá chép vật đẻ với hàng triệu triệu quả trứng bé xíu trong bụng cá. Cơn say nhục dục và thiên chức làm mẹ thật hãi hùng. Có cái gì đó hùng thiêng nữa. 70kg cá nằm trong chài, gã kia không dám nhấc chài lên, cứ nằm ườn ra mặt nước sâu chỉ hai gang tay mà giữ cá. Bắt dần. Mặc, các con cá đực cá cái khác vẫn xông vào bãi cỏ ven bờ để “vật đẻ” như thiêu thân. Khi cá dầm xanh vật đẻ, người Bảo Lâm chỉ việc đem cái màn tuyn ra, trải trước màn xuống vũng nước mà năm nào cá cũng vào đẻ. Cá đi như một đàn ong bay là là mặt nước, lưng cá xanh rì, đen thẳm lúc nhúc. Bà con người Tày gọi theo tiếng bản địa, ấy là hiện tượng “khỉn coong”, nghĩa là đàn cá bay lên hình chum vại tròn, tức là cá cứ cuốn nhau bay lập lờ trong nước, thành những cuộn cá đục ngàu, tròn như cái chum. Cái chum ấy lăn vào bờ, bà con chỉ việc nhấc cái màn tuyn lên, bắt toàn bộ những con cá béo mẫm. Họ ăn thịt hàng triệu trứng cá, những con cá con chưa kịp ra đời.

Bạn Khoa, gã Tuấn (vợ là Tuỳ), vợ chồng nhà Yên Nông xông vào bắt cá vật đẻ, Khoa cười khẩy đi tít hút lên đầu thác thượng nguồn. Hắn bắt đầu giăng lưới săn cá anh vũ. Một con anh vũ tiền triệu, tội gì. Hôm qua, tôi với thằng Phe đi bắt ở khúc sông trên, được con cá chiên 18kg, trị giá bán gần 4 triệu đồng, tội gì mà đi săn cá vật đẻ cho phải tội đàn cá con. Khoa rất đắc chí với “sự tử tế” này, lưới buông rồi, hai con át bích đen trũi xăm trên hai bắp tay hắn sun lại một chút. Mặt hắt sứt sẹo, mụn nhọt đến nỗi tôi và hắn ngủ chung một khoang thuyền rồi, tôi vẫn không thể xoá bỏ ý nghĩ về sự bệnh tật và cướp bóc đã và đang tại trong hắn. Khoa bảo: bắt cá dầm xanh, cá chép vật đẻ như thế là ác với dòng sông. Chẳng thà cứ để hàng triệu con cá nhỏ ra đời rồi bắt dần có phải tốt không.

Riêng cái khúc chảy qua thị trấn Bảo Lâm, mỗi năm sông Gâm nuốt mất dăm ba mạng người, có khi cũng xuất phát từ cái sự xử ác của người ta với dòng sông xanh bí ẩn?

Cuộc đi săn vẫn đang hứa hẹn nhiều kỳ thú...

(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,121
Members
192,041
Latest member
yyuten
Back
Top