What's new

Du ký tuyển tập

Ba ngày đi săn “báu vật” sông xanh ở Cao Bằng (Cao Bằng, Việt Nam)

Ký sự của Đỗ Doãn Hoàng

Bài 2: Cuộc trò chuyện hiu buồn trên sông Gâm

Cá Trầm hương ăn rễ cây trầm hương nên thịt có mùi trầm hương kỳ lạ lắm. Hiếm lắm mới có thể bắt được một con. Còn những loài cá khác thì nhiều hơn... Khi đám cá chép vật đẻ cuồn cuộn lăn như những cục bùn tròn rọc rạch ra giữa sông, lũ người tàn nhẫn quăng chài giết các sản phụ cá cũng bỏ về sạch bách. Chỉ còn tôi và Khoa trên sông Gâm trong chiều nhọ tối ấy. Tôi đã xót xa khi thấy người ta trải tải xác rắn bẩn thỉu ven tỉnh lộ, bán những con chép “vật đẻ” to như cái quạt nan, bụng căng tròn, óng vàng, mỡ màng, toàn trứng. Có khi họ vứt được cả tảng trứng to bằng hai bàn tay người lớn đem bán ụ xoẹ, hí hớn đến tàn nhẫn.

Nghe đồn, kỳ vật đẻ là khi mà thịt của con cá ăn ngon nhất. Nửa tiếng quăng chài, thanh niên thị trấn Pác Miều khênh về cả tạ cá chép chửa kềnh, có con nặng 6kg về nấu lẩu. Con cá đựng trong cái khay lớn, gã trai tráng bê đi đã phải khệ nệ. Khoa bảo tôi: bọn cá chép si tình, nó dại lắm.

Cá anh vũ và cá chiên chỉ sống ở nước xiết và chỉ sống trong các hốc đá. Nên khi các hồ thuỷ điện lớn ra đời, cũng là ngày đám cá quý bắt đầu tuyệt chủng dần dà. Nhưng, trên dòng sông xanh, vì đặc trưng sống trong hốc đá, trong các dòng sông ngầm sâu hút bí ẩn, nên cá quý mới tồn tại được đến bây giờ. Dẫu số lượng chả còn là bao.

Khoa tiếc nuối:
“Cách đây độ bảy tám năm, bọn thợ dùng giã nhủi, xiết điện với những bình ắc quy lớn đi giết cá sông Gâm ghê lắm. Họ ném mìn ùm ùm, mìn đánh bật cả những tảng đá lớn ra khỏi vỉa núi. Đá ở đáy sông dường như cũng rung lên từng chặp. Rất nhiều loài cá, cả ba ba, rắn nước, cả những con dải lớn như cái mâm cùng chết, nổi trắng mặt sông. Nhưng cá anh vũ không chết, cá chiên không chết. Lũ cá chui cả vào các hang đá sâu”.

Dòng sông ngầm có khi xuyên qua thị trấn, xuyên qua vách đá cổng trời. Ở đó là vương quốc mà con người có thể không bao giờ đụng đến được. Dòng sông ngầm lấy nước từ cửa nhận phía tỉnh Hà Giang, đi miên man trong núi, có khi hứng chí lên, nó phun ra ào ạt ở phía tỉnh Cao Bằng, hoặc ngược lại. Loài người có thể chinh phục mặt trăng, nhưng chửa biết đến bao giờ bí ẩn về những hang núi hàng chục cây số nước chảy ào ạt giữa âm ti địa ngục kia được giải mã. Nghe đồn, ở đó cũng có đủ các loài “thuỷ tộc” như ở sông Gâm, sông Đà, sông Hồng - chỉ có điều khác lạ là: con vật nào cũng trắng bợt, trắng tinh, trắng toát và lành như cục bột. Bởi nó sống trong đá, trong nước, trong hang tối vĩnh cửu. Không bao giờ trông thấy ánh mặt trời.

-Thế đánh cá anh vũ bằng quăng chài có được không? Tôi hỏi.
- Ít được lắm – Khoa nói – Vì cá anh vũ khôn ranh, ít ra khỏi hang khi có những xung động lạ, như tiếng chân người lội nước, tiếng chiếc bè mảng rẽ nước. Chỉ có thể dùng lưới nhỏ. Cá anh vũ, cá tiến vua, ít khi có con nào nặng hơn 2kg. Giống cá này thon người, mảnh khảnh, ăn uống thanh bạch với rêu suối và chút bùn sạch sẽ do rêu suối cào đọng lại trên đá phiến. Cá há miệng cạo rêu, cặm miệng vào vách đá mà níu giữ thân mình trong dòng chảy xiết. Hãn hữu lắm nó mới bơi lượn kiếm ăn nhẹ nhàng. Đó là cơ hội để lưới nhỏ có thể “vướng” phải cá tiến vua. Phải biết chọn những hang nước sâu, hoang vắng. Rêu phủ trên bờ và dưới các gầm đá thật nhiều, nước trong vắt mà bủa lưới, thì mới mong đánh được cá mõm lợn. Trước, bọn em phải uống nước mắm, rồi cầm ống thở lặn xuống, dò tìm bắt cá anh vũ trong cách hang đá đáy sông. Nhiều thằng chết không kịp ngáp vì dính ngạt, vì bị các xoáy nước ngầm cuốn đi. Lặn như thế, có khi em dùng xiên đâm chết những con cá chiên to bằng con lợn tạ. Nó bơi như cái tàu ngầm, râu dài thượt, vắt vẻo, trông hãi lắm.

Là con thứ 5 trong gia đình nghèo gồm 7 anh chị em ở xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Quê Khoa là nơi ngã ba sông Gâm gặp sông Nho Quế. Hai con sông biên thùy xa ngái, chảy giữa điệp điệp đá núi hoang vu ấy đã dạy cho Khoa biết cách chiến thắng các loài cá tinh ranh nhất. Học xong Trung cấp nông lâm nghiệp dưới Quảng Ninh, về địa phương hỏi đâu người ta cũng đòi “lót tay” thì mới xin được việc. Nhà Khoa nghèo, thành thử ai cũng quầy quầy xua tay khi thấy mặt Khoa, rằng chỗ chúng tôi “chưa có chỉ tiêu”. Chán nản, Khoa xăm trổ thêm vài vệt xanh như rắn lục nữa ở bắp tay, hắn vận quần cộc xuống sông sinh sống.

Cá gì Khoa cũng bắt, từ đòng đong cân cấn cho đến những con cá chiên nặng ngót 50kg. Bán tất. Cánh lái cá khắp Bắc Mê (Hà Giang), khắp Cao Bằng, Việt Trì, Hà Nội đều tìm đến Khoa. Hắn giờ coi khinh các loài cá rẻ tiền khác, chỉ chăm chắm đòi làm giàu nhờ tài sát cá anh vũ và cá chiên. Khoa bảo, một con cá to, có thể mua được một cái xe máy Tàu. Một con anh vũ, bán cái mõm lợn của nó, có thể mua được cả con bò mộng, tội gì. Hắn coi cá anh vũ và cá chiên như cái lộc lá của trời. Hãy trân trọng và lành lẽ sống với sông, giăng câu bình tĩnh và sáng suốt là bắt được cá tiến vua.

Chợt một con anh vũ mắc lưới. Tôi và Khoa cũng rú lên sung sướng. Tôi rú lên vì tò mò là chủ yếu. Mắt Khoa sáng rực, vì cả triệu đồng, chống đói được trong cả tháng đã lọt vào tay hắn. Khuôn mặt sần sùi mụn nhọt và xanh lục những xăm trổ của Khoa khó nhọc nở một nụ cười: “Em chưa vợ, thành thử lang bạt tứ chiếng, đời lắm lúc cũng thấy nhàn”.

(còn tiếp)
 
Ba ngày đi săn “báu vật” sông xanh ở Cao Bằng (Cao Bằng, Việt Nam)

Ký sự của Đỗ Doãn Hoàng

(tiếp theo và hết)

Hắn nằm trên bè mảng như lão thi nhân đang du sơn du thuỷ:
“Cách đây mấy năm, em từng đi khắp các con sông vùng núi phía Bắc nước mình đánh cá. Quần đùi. Xe máy Tàu, khênh chài lưới đi. Nhớ mãi, năm ngoái lên đỉnh Lũng Pù, theo sông Nho Quế vượt sang vùng Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Vứt xe ở nhà người Mông, đi bộ nửa ngày mới tới con sông mà đứng trên bờ mình vẫn trông thấy nó xanh biếc trong mây. Bọn em phải dùng dao, đẽo cái thang gỗ dài, phải 19 lần bắc thang thì mới vượt qua được những vách đá ấy để xuống sông. Quăng chài chỗ nào cũng có cá. Đánh một buổi mà thu được gần 3 tạ toàn cá chiên to, phải thuê người trong bản xuống khênh cá lên đường nhựa, dùng xe máy chở về. Đi đến kiệt sức, nhưng cái giống tham lam của sông nước nó vậy, về đến nhà, cá chết sạch, ươn thiu, bán tống bán tháo hết”.

“Bấy giờ ở vùng này ít người mua cá lắm. Mãi gần đây mới có đường vào, cá mới được giá nhờ lái buôn nó lùng sục. Chứ, độ em đi đánh cá bên Hà Giang, cá chiên to như thây người nằm sấp. Cá để trên yên xe, đi trên đường, cá quẫy mạnh một cái là tay mình lái không vững nữa. Ngã bổ nhào vì một con cá quẫy. Cá đem về, ăn không hết, ngâm nước muối, nước gừng, treo cả lên gác bếp. Con cá chiên to như khúc gỗ, da đen bóng, cứ treo ở đó. Thỉnh thoảng nó mục dây lạt, con cá lớn rơi xuống như quả mít đại tụt nõ. Con nào không khô thơm, bố mẹ em toàn cắt dây lạt đem xuống nấu lẫn rau chuối làm chất tanh cho lợn ăn!”.

Tôi hỏi:
“Cá chiên giờ thành đặc sản, cá anh vũ thành đặc sản từ thượng cổ. Mỗi con giờ tiền trăm tiền triệu cả, nhưng các cậu đã ăn no những loài cá quý này từ ngày còn bé, đúng không?”.

Khoa văng tục, rồi thật thà:
“Em ăn mãi cũng chán. Nhưng phải nói con cá anh vũ vô cùng ngon nghẻ. Cái bộ lòng cá chiên, thì đúng là tuyệt hảo. Cả con cá, không bỏ bất cứ cái gì. Con cá chiên bốn năm chục cân, đầu nó cứng như hòn đá tảng. Nó ở lâu trong hang, đá đóng cả vào đầu nó. Bố em thịt cá xong, toàn giữ lại cái đầu cá bóng như đồng, đen đặc như đá tai mèo ấy để làm đá mài dao! Nhưng bây giờ, bắt được cá anh vũ với cá chiên, chả tội đếch gì mà em phải... ăn. Em bán nó đi, số tiền ấy đủ mua vài con chó tơ về thịt, cả xóm cùng ăn, rõ ngon. Con cá mõm lợn bé tẹo, bõ bèn gì!”.

“Cá vùng này còn nhiều lắm. Cấm nổ mìn là cá sẽ ra. Cá ở trong hang của cái ngọn núi cao nghìn mét kia kìa. Nước ấm, trời hửng là cá lại kéo nhau ra. Nó là vô tận. Như 3 cái mó (mỏ) tôm nổi tiếng ở khu vực Bảo Lâm này này. Đây là mỏ tôm nhà Tâm Phượng, ông này nổi tiếng toàn huyện, gia đình ông bao “ăn lộc” ở cái mó tôm này. Sáng mở mắt ra là ông có rổ tôm đem đi bán. Nước ấm trong núi đá vôi điệp trùng hang hốc tuôn ra, kèm theo đó là tôm. Thứ tôm thịt thơm mà bùi kỳ lạ. Tôm sống trong đó cả núi, mỗi ngày nó ra một ít. Ông Phượng có 3 người con trai, ông chia gia tài cho các con ra ở giêng bằng cách chia 1 tháng ra làm 3 lần 10 ngày, mỗi thằng con “canh giữ và thu hoạch” mó tôm trong 10 ngày/tháng. Trước, cãi cọ nhau, thù hằn nhau, ai đó đã bỏ lá độc vào mó tôm nhà ông Phượng Tâm, nhưng, tôm bỏ đi ít ngày rồi tôm lại về, lại tràn ra cửa nước sông Gâm như cũ. Cá chiên, cá anh vũ cũng như tôm, nó ở trong hang, tốt với nó thì nó ra vài con. Chứ như người ta làm hệ thống kè đá quanh thị trấn này là giết chết các loài cá quý. Hết hang hốc, hết thức ăn, xả rác xuống sông, cá anh vũ, cá chiên bỏ đi sạch bách! Cá anh vũ, đánh mìn không giết được nó, nhưng nước lặng, nước bẩn và hết hang hố, là nó tự chết đi hết”.

Câu chuyện thời sự nhất trên thuyền của gã ngư phủ được học trung cấp nông lâm giờ chuyển sang... đầu gấu này là sự tuyệt diệt của các loài cá quý. “Em đọc trong sách, người ta bảo cá anh vũ đi vào sách đỏ. Rất quý, nhưng, điều đáng nói hơn, vào sách đỏ tức là sắp... tuyệt chủng!”. Giờ, công phu lắm mới bắt được một con anh vũ. Mà lái buôn đến ngay, họ chở đi Việt Trì, Hà Nội ngay. Cá chiên thì vẫn bắt được, nhưng cả năm mới được một con cá to. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Cá anh vũ có tên là Giả Ngư. Hằng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ”. Còn trong “Dư địa chí” của cụ Nguyễn Trãi, cá anh vũ được tôn xưng rất đáng mặt anh hào: “Cá anh vũ được dùng làm vật để cúng tế thần linh”, “để tiến vua”.

Có lẽ vì cái sự quý thật sự và quý trong sử sách ngàn năm này, mà anh vũ bị săn lùng ráo riết. Ai cũng muốn được ăn theo cái lối mà vua chúa từng ăn, bất biết mình đang bị đánh lừa ăn cá trôi, cá trắm hay cá dầm xanh gì đó. Họ ăn sạch bách sông ngòi. Đến mức, vừa qua, Bộ Thuỷ sản đã chính thức có lời kêu gọi người dần cần có ý thức bảo tồn, vì 4 loài cá quý của hệ thống sông Hồng đang bị tuyệt diệt, trong đó S.O.S đầu bảng là cá anh vũ. Thông tấn xã Việt Nam mới phát lên bản tin đáng sợ: 15 quán cá ở Việt Trì khá nổi tiếng, trung bình mỗi ngày có 500kg cá quý bị làm thịt ở đây. Sông ngòi phía Bắc bị lái cá săn lùng ráo riết. Cá anh vũ, cá lăng, cá chiên bị diệt từ khi còn... chưa nứt mắt.

Rồi, chúng ta sẽ vĩnh viễn không được nhìn thấy các cái của thời trân của sông ngòi đất Việt nữa, buồn thay. “Ngũ quý hà thuỷ”, là 5 loài cá quý, ngon, thiêng của sông hồ phía Bắc, trong đó đầu bảng là cá anh vũ, giờ đang trốn chạy khỏi sông ngòi, trốn chạy khỏi sự săn lùng tàn độc của những cái miệng phàm phu.

Khoa và Phe, hai thợ săn cá nổi tiếng của hơn 200km sông Gâm chảy trên địa phận Việt Nam cùng rượu với tôi trong gió lạnh bờ sông Gâm. Chúng tôi đều so ro. Rúc chân tay vào món lưới và những quả chì lạnh ngắt của bó chài tìm hơi ấm, Phe bất bình: “Bọn người ở đâu nó toàn đến khúc sông này bắt cá con, cá anh vũ con, cá dầm xanh con đi bán. Họ bắt đầu nuôi cá anh vũ trong ao. Mùa cá đẻ, người ta bắt cá mẹ, giết từng cục trứng cá tròn kỳ lạ (chứ trứng cá chiên không giống hình hạt vừng như cá chép). Sông này rồi sẽ hết cá”.

Tôi kể, tôi từng viết, từng sống nhà Giàng A Sềnh, người chuyên nuôi cá anh vũ ở xã Thuý Loa, Nà Hang, Tuyên Quang ở khúc sông Gâm cách chỗ tôi và Khoa, Phe ngồi cả trăm cây số “thuỷ lộ xanh rì”. Thứ cá anh vũ nuôi trong ao, cũng cần nước chảy xiết, cần có rêu và có cám cò để cho ăn thì nó mới sống được; nhưng ăn như cá... trắm cỏ. Viện Thuỷ sản cũng mua cá anh vũ nhầng nhầng về nuôi, nuôi vài tháng cá chết không còn con nào. Cá nhà A Sềnh ăn cả cám cò thay vì ăn độc một thứ rêu suối thanh tao trên sông Gâm như con cá mà tôi và Khoa đã bắt được, cá của Sềnh, nếu tiến vua thì có khi người “tiến” sẽ bị tru di cửu tộc.

Khoa, Phe sung sướng, đắc ý và kiêu hãnh nhảy chồm ra mặt nước. “Đúng! So với con anh vũ của em, thì có khác gì so thịt con gà công nghiệp với thịt gà rừng. So gà trống với con chim công!”. Cá anh vũ, cá chiên nó khoảnh tính thế, nuôi không được, đánh mìn không chết. Nhưng sự tàn độc của con người làm thay đổi dòng chảy của sông, làm nước dâng lên, sông không còn xiết nữa, làm môi trường ô nhiễm, cá quý sẽ tự “cắn lưỡi” tuẫn tiết mà thôi. Có thể, cũng vì cái sự mong manh đó, cá mới trở nên thiêng, nên quý? – tôi chua chát tự hỏi.

Chúng tôi khao nhau bằng cách làm thịt một cá anh vũ mõm lợn. Bộ lòng khổng lồ của con cá chiên, là giấc mơ của vua chúa phong kiến, rồi cũng nằm trên cái bàn gồ xù xì mốc thếch mà chúng tôi đang cụng chén “ngưu ẩm”. Mừng một “phường săn” ghềnh thác đã cập bến an toàn. Nhưng, các “báu vật lòng sông xanh” đang không được an toàn. Việc chúng bị huỷ diệt là nhãn tiền, nếu chúng ta không có phương kế gì hữu hiệu hòng bảo vệ. Ai đó vẫn hằng bảo “bóng chim tăm cá”, “cứt cá lá rau” – chim cá là những vưu vật của Trời, biết thế nào mà chiếm hết được, biết nó ở đâu để mà bảo vệ. Nhưng, với cá anh vũ và cá chiên, hình như câu nói này chưa hẳn đúng.

Cao Bằng – Hà Nội, xuân 2008.
 
Tôi cũng có cái thú sưu tập ảnh đẹp thể loại du lịch và các bài bút ký du hành, xin góp vui cùng bác happypack...

---


Nền văn minh Inca, đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thế kỷ 15-16, với lãnh thổ trải dài 4.000km từ bắc xuống nam bao gồm các quốc gia hiện nay là Peru, Ecuador, một phần các nước Colombia, Bolivia, Argentina và Chile.

Peru ngày nay mang trong mình những kỳ quan huyền bí có sức hút mạnh mẽ với du khách: thành phố đá Machu Picchu, cung đường Inca, những hình thù bí ẩn rộng 500km2 trên sa mạc…
Mời bạn đọc cùng phóng viên Tuổi Trẻ du hành đến các di sản huyền bí này.


Peru - Những kỳ quan huyền bí

Kỳ 1: “Con cháu thần Mặt trời”

Hơn mười giờ bay từ Mỹ, tôi đặt chân đến Peru đã gần 1 giờ sáng. Để tiết kiệm 30 USD thuê khách sạn, tôi tìm một góc nào đó tại sân bay rồi ngả lưng chờ trời sáng. Sáu giờ sáng, tôi đón taxi vào trung tâm, tìm đường lên Puno - điểm khởi đầu của cung đường lang thang - cách thủ đô Lima hơn 1.000km.

“Bãi rác của xe hơi”

Người ta nói Peru là bãi rác của xe hơi quả thật chính xác. Peru rất hiếm xe máy, chỉ toàn xe hơi nhưng hầu hết là xe đời cũ từ thế kỷ trước. Chiếc taxi chở tôi móp méo và đầy “sẹo”, cửa kính quay bằng tay nhưng quay mãi không chịu lên. Qua ổ gà, cả xe và người cứ rung lên bần bật. Gần tay lái có treo lủng lẳng một chiếc giày trẻ em bé xíu, cũ kỹ. Người tài xế giải thích bằng thứ tiếng Anh bồi pha Tây Ban Nha: “Bùa đấy! Nếu trên đường bắt được một chiếc (không phải đôi) giày của trẻ con mới biết đi, đó là điều cực kỳ may mắn. Người Peru tin rằng những bước đi của trẻ con sẽ dẫn họ những bước đi đúng đắn, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra” (trong suốt gần hai tháng lang thang, thỉnh thoảng tôi vẫn thường thấy điều này trên các chuyến xe khắp Peru).

Những tưởng chiếc taxi này chiếm ngôi vô địch xe “cùi” ở Peru rồi nhưng chạy ra đường mới thấy nó vẫn còn tốt chán so với các xe khác. Đường nhỏ, có dải phân cách nhưng xe cứ chạy tán loạn, vượt cả đèn đỏ. Kinh khủng nhất là tình yêu âm nhạc của ông tài xế. Trên xe mở nhạc ầm ĩ, vừa lái ông vừa lắc lư, hát theo một cách hào hứng. Đến đoạn cao trào, ông bỏ cả tay lái, vỗ tay, vỗ đùi, lắc hông nhún nhảy theo bài hát… Cũng may là đoạn đường từ sân bay đến trung tâm không xa.

Những gương mặt khắc khổ

Vị thần tối cao của đế chế Inca chính là thần mặt trời Inti. Vì thế, người Peru vẫn tự xem mình là con cháu thần mặt trời. Thế nhưng con cháu thần mặt trời, hậu duệ của đế chế Inca hùng mạnh ngày nào, bây giờ cũng phải mưu sinh gian khó. Tại quảng trường trước phủ tổng thống ở thủ đô Lima, nhan nhản em bé, thanh niên, bà già cầm những bịch kẹo rẻ tiền, những cuộn giấy vệ sinh tính luôn vốn giá chỉ khoảng nửa sol (đơn vị tiền tệ Peru, 1 sol = 6.000 đồng Việt Nam). Trong khi đó, một bữa ăn trung bình tại Lima giá 4-5 soles. Họ rao, mời mọc nhưng không chèo kéo, toàn những gương mặt khắc khổ.

Peru có rất ít trạm điện thoại công cộng, thay vào đó ngay mỗi góc đường đều có những cô gái, thanh niên cầm sẵn vài cái điện thoại di động để khách qua đường thuê gọi năm hào/phút (3.000 đồng VN). Vanessa, cô điện thoại viên 15 tuổi, cho biết: “Tôi bắt đầu làm từ 7g sáng và kết thúc vào 20g30, một tuần bảy ngày được trả lương 300 soles (khoảng 100 USD/tháng)”. Đó là may mắn, có người phải đạt chỉ tiêu có khách gọi đủ 400 soles/ngày mới được tiền lương là 8-10 soles/ngày (khoảng 60.000 đồng VN). Không đủ chỉ tiêu thì chỉ được bao cơm, không có lương. Nhẩm một phép tính đơn giản, nếu trung bình mỗi người gọi một cuộc hai phút (tương đương 1 sol) thì một ngày họ phải mời được 400 khách gọi. Những điện thoại viên di động như vậy nhiều vô kể ở mỗi góc đường.

Cuộc bạo động lúc nửa đêm

Đoàn chúng tôi có bảy người: tôi và ba đôi tình nhân từ Anh, Bỉ và Canada. Theo lịch, sáng 8-7 chúng tôi sẽ lên xe buýt đến điểm xuất phát đầu tiên từ km82 ở độ cao 2.600m để bắt đầu con đường Inca huyền thoại. Tuy nhiên, 19g30 tối trước ngày xuất phát, tôi bỗng nhận cú điện thoại triệu tập bất ngờ: “Ngày mai cả nước biểu tình, mọi ngả đường đều bị chặn. Cả đoàn phải xuất phát ngay trong đêm nay, lúc 23g đêm”. Tức tốc lên mạng, hàng loạt đại sứ quán các nước đều thông báo khẩn: “Bạo động có thể xảy ra, mọi người không nên ra đường vào hai ngày 8 và 9-7”. Không phải chỉ riêng đoàn tôi, những nhóm ở đoàn khác cũng lên xe buýt đến điểm tập kết trong đêm.

Hướng dẫn viên đã nói sai. Mọi ngả đường không phải bị chặn vào ngày mai, mà ngay trong đêm chúng tôi khởi hành. Vừa ra khỏi trung tâm thành phố Cuzco không xa đã thấy những đống đá to trên đường. Xe chạy thỉnh thoảng phải dừng lại, mọi người xuống xe, dẹp đá vào vệ đường rồi tiếp tục.
Tuy nhiên, mọi việc trở nên căng thẳng khi gần đến điểm xuất phát. Đường mỗi lúc một nhỏ, đất đá đổ ra đường ngày càng nhiều. Đang cặm cụi dẹp đá thì một nhóm người với gậy gộc trên tay, mặt mũi đằng đằng sát khí bước đến: “Ai cho tụi mày dẹp?”. Hướng dẫn viên người Quechua chạy đến giải thích. Hồi lâu, chúng tôi - những khách du lịch nước ngoài - được đi tiếp nhưng phải đi bộ. Xe buýt, hướng dẫn viên cùng những người khuân vác phải ở lại vì “tụi mày là người của chính quyền”.

Một số người quá khích nhảy lên xe la hét um sùm, họ lôi cái bánh xe dự phòng trong xe đem ra đốt. Hướng dẫn viên nói nhỏ: “Xin các anh im lặng mà đi. Bất cứ kháng cự nào sẽ dễ xảy ra chuyện lớn”. Cũng may điểm tập kết chỉ cách gần 1 giờ đi bộ. Chúng tôi đi mà lòng cứ lo ngay ngáy, vừa lo cho những người khuân vác ở lại, vừa lo không biết sẽ ngủ ở đâu vì những người khuân vác giữ hết lều, túi ngủ. Hơn 3g sáng, những người khuân vác đến. Họ phải đi ngược lại, kiếm đường vòng băng qua suối để đến nơi tập kết.

Giấc ngủ muộn, chập chờn chuẩn bị cho con đường Inca sắp đến.

(Nguyễn Tập - Nguồn: Tuổi Trẻ Online)



Lima (Perú). Palacio de la Unión. by josemazcona, on Flickr


Lima antigua. Peru. Jiron Ancash que lleva a la Iglesia San Francisco. by Bracani....Antonio, on Flickr

--- còn tiếp...
 
Peru - những kỳ quan huyền bí

Kỳ 2: Cung đường Inca huyền thoại

Chưa đến 100 năm, với bàn tay và công cụ thô sơ, người Inca đã làm nên một kỳ tích: xây dựng một hệ thống đường với tổng chiều dài gần 23.000 km (hơn một nửa chiều dài đường xích đạo).

Trong hàng ngàn con đường được xây dựng thời kỳ tiền Columbo tại châu Mỹ, cung đường Inca đáng được chú ý nhất. Tuy nhiên, nổi tiếng và được giới balô chuyên nghiệp ao ước có cơ hội được đi nhất là đoạn đường từ Ollantaytambo (ở km 82) đến Machu Picchu - một trong bảy kỳ quan thế giới mới. Tuy chỉ dài 45 km nhưng đoạn đường này đi qua rất nhiều công trình kiến trúc có một không hai còn sót lại của nền văn minh Inca.

Kho lương thực trên đường

Đoàn chúng tôi xuất phát từ km 82 ở độ cao 2.600m, ngày đầu tiên chỉ như bước khởi động nhẹ nhàng: 12km đường núi để tập kết ở độ cao 3.000m, gấp đôi Đà Lạt. Chúng tôi vượt qua sông Urubamba bằng chiếc cầu treo để chính thức bước vào con đường Inca. Chỉ vào hai trụ bêtông to đùng và mấy sợi dây thép to bằng ngón chân cái của chiếc cầu treo, Henry - người dẫn đường người Quechua - giải thích: “Chiếc cầu treo này đã được phục chế để đảm bảo an toàn cho 500 lượt người mỗi ngày. Cầu treo nguyên bản của người Inca được làm từ các sợi dây thừng (bện từ cuống hoa khô của loại cỏ q’oya) đường kính đến 20cm, rồi căng ra các trụ đá hai bên sông. Ở phía tây Cuzco, kinh đô cũ của người Inca, có chiếc cầu treo bắc qua sông Apurimac dài đến 60m. Tiếc là đến nay không còn nữa”.

Con đường Inca như con rắn khổng lồ len lỏi qua những khe núi bên cạnh dòng sông Urubamba đang cuồn cuộn chảy xiết qua các ghềnh đá, để trườn lên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng trước mặt. Đi chừng vài giờ, từ xa đã thấy hiện ra sừng sững những ruộng bậc thang với hàng chục bậc, những khu nhà lớn “cắn” thẳng vào một góc núi (tất cả được xây bằng đá): Llactapata. Đây chính là một trong 2.000 kho lương thực, trạm nghỉ do nhà nước Inca tổ chức dọc hệ thống đường Inca 23.000km. Nhìn vào sự đồ sộ của Llactapata, tôi mới thật sự tin những gì đã đọc trong sách: “Dọc tuyến đường Inca có những kho lương thực có thể đáp ứng cho 25.000 người cùng một lúc. Vì thế, quân của đế chế Inca có thể tiến lên, xâm chiếm các bộ tộc khác mọi lúc, mọi nơi”.

Leo đỉnh “Người đàn bà chết”

4g30 sáng, chúng tôi được đánh thức bằng một ly trà coca nóng (nấu từ lá coca, loại dùng để sản xuất cocain). Henry cười động viên: “Uống đi! Nước tăng lực của người Inca đấy! Uống để có sức vượt đèo”. Đúng như lời Henry cảnh báo, đây chính là ngày kinh khủng của hành trình: vượt qua đèo “Người đàn bà chết” cao 4.215m so với mực nước biển (do hình dáng ngọn núi bên cạnh đèo nhìn xa giống như một người đàn bà xõa tóc nằm chắp tay trước ngực nên người ta gọi như vậy). Hàng ngàn bậc thang bằng đá cứ thế nối tiếp nhau lẫn vào mây lên cao, lên cao mãi…

Henry dừng lại giữa đèo, đưa cho những người thồ hàng trong đoàn một vốc lá coca. Họ vui ra mặt. Người thồ hàng trịnh trọng mặt ngửa lên trời, thổi nhẹ vào mấy chiếc lá coca cầm trong tay để thể hiện sự kính trọng, cảm ơn đối với núi, trời rồi bỏ vào miệng nhai. “Nhai lá coca sẽ giúp họ không cảm thấy đói khát, mệt mỏi”, Henry giải thích rồi đưa tôi thử. Chẳng có mùi vị gì đặc biệt, nhưng tôi cảm thấy phấn chấn hơn, leo dốc đỡ mệt hơn (sau này tôi mới biết lá coca giúp tạo sự thăng bằng cho cơ thể khi thiếu ôxy ở độ cao hơn 4.000m).

Cách nay hơn 500 năm, người Inca không biết đến ngựa, họ cũng chẳng biết đến bánh xe, vì thế mọi phương tiện giao thông, liên lạc đều bằng đôi chân. Họ truyền tin bằng cách chạy tiếp sức. Khi nhận được thông tin, người truyền tin sẽ chạy hết tốc lực đến trạm kế tiếp cách đó khoảng 1-2 km. Tại đây một người khác sẽ nhận thông tin và tiếp tục chạy đến trạm tiếp theo. Bằng cách này, mọi thông tin được truyền đi đến mọi miền đất nước với tốc độ đáng kinh ngạc: 400 km/ngày. Ngày nay, trên con đường này, chúng tôi cũng “lết” lên được đến đỉnh “Người đàn bà chết” cao 4.215m lúc gần 1g trưa. Sáu giờ đồng hồ cho 9km!

Trước khi rời khỏi đèo, Henry và những người thồ hàng yêu cầu chúng tôi nắm tay nhau, kết lại thành vòng tròn: “Đây là vòng tròn tình thương. Chúng ta hãy cùng gửi sự tôn kính đến thần núi Veronica, ngọn núi cao 5.800m phủ tuyết trắng xóa trước mặt. Chính ngài sẽ tiếp thêm sức mạnh, phù hộ cho chuyến đi chúng ta được bình an”. Rồi không ai bảo ai, Henry và những người thồ hàng cùng cất lên những lời cầu nguyện bằng tiếng Quechua với vẻ rất thành kính. Chính trong khoảnh khắc này, tôi mới chợt nhận ra Tây Ban Nha đã thất bại trong nỗ lực đồng hóa Peru, thuộc địa của mình. Sau hơn 500 năm, dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ tại Peru, dù những công trình kiến trúc ở Peru đều ít nhiều mang phong cách Tây Ban Nha nhưng bản sắc văn hóa, những lễ nghi, niềm tin vào thần linh trong thiên nhiên của người xưa vẫn luôn trường tồn. Peru mãi là Peru!

Những người hùng thầm lặng

Chẳng có điều gì nghi ngờ, người hùng trên con đường Inca chính là những người thồ hàng cho các đoàn du khách. Chính họ phải cõng trên vai lều, bạt, thức ăn cho cả đoàn. Cùng đi, nhưng họ phải đến trước để nấu ăn, căng lều cho khách. Khi khách đi ngủ, chính họ phải lụi cụi xuống suối rửa chén bát, sửa soạn đồ ăn cho bữa tiếp theo…

Leo dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn. Đường đèo hẹp tí, dốc dựng đứng. Vừa qua cơn mưa, hàng ngàn bậc đá phủ rêu trơn như bôi mỡ, sơ hở một tí là có thể trượt chân lăn xuống vực bên cạnh. Vậy mà những người thồ hàng với túi đồ khổng lồ nặng vài chục ký trên lưng chạy xuống dốc như đang làm xiếc với tốc độ kinh hồn. Henry cho biết: “Trong một cuộc thi chạy gần đây từ km 82 đến Machu Picchu do chính quyền Peru tổ chức, một người thồ hàng người Quechua chỉ mất 5 giờ 45 phút để hoàn thành con đường mà chúng ta mất gần 4 ngày!”.

Peru đang vào đông, trời lạnh ngắt, mấy người trong đoàn ai nấy đều đứng run lập cập, miệng xuýt xoa dù áo ấm sù sụ, giày đến 3-4 lớp vớ. Trong khi đó, những người thồ hàng chỉ mặc hai chiếc áo thun cũ mèm, đôi chân trần nứt nẻ, đen đúa, móng chân hãy còn vết phèn, chỉ mang độc một chiếc dép lốp. Trong nắng chiều, tôi thấy có người thồ hàng già khuân trên lưng đống đồ to đùng, cặm cụi bò lên dốc. Ông nói không nhớ hết bao nhiêu lần đã đi trên con đường này...

(Nguyễn Tập - Tuổi Trẻ Online)


--- còn tiếp...
 
Peru - những kỳ quan huyền bí

Kỳ 3: Thành phố đá Machu Picchu

Ngày thứ tư của hành trình, khi trời hãy còn tối mịt, tiếng của người thồ hàng đã ồm ồm ngoài cửa lều: “Xin chào, trà coca đây!”. Chúng tôi rời điểm cắm trại từ 4g45 sáng, đi thật sớm để đón bình minh tại cổng Mặt trời Intipunku - cửa ngõ bước vào kỳ quan thế giới Machu Picchu.

Chúng tôi đến cổng Mặt trời Intipunku khi sương mù còn dày đặc. Té ra chúng tôi chẳng phải là người đầu tiên, cả trăm khách bộ hành trên đường Inca đủ mọi màu da gần như tề tựu đông đủ tại đây để ngắm Mặt trời mọc. Khi ánh bình minh đầu tiên vừa ló dạng, mọi người bỗng im bặt, nín thở dõi theo từng bước đi của ánh mặt trời. Kỳ quan thế giới Machu Picchu dưới thung lũng từ từ hiện ra giữa lớp mây mù, như đang vươn vai bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài.

Khi ánh mặt trời thật sự chan hòa xuống thành phố đá Machu Picchu, mọi người chẳng ai bảo ai cùng vỗ tay, nhún nhảy la hét như trẻ con được quà, rồi bất kể quen lạ, họ lao vào ôm hôn nhau... Henry - người dẫn đường - chỉ vào hai tảng đá khổng lồ ở cổng Mặt trời Intipunku: “Vào ngày đông chí và hạ chí, Intipunku được Mặt trời chiếu sáng bởi những chùm sáng như tia laser nhìn cực kỳ hấp dẫn”. Chúng tôi đến đây vào đầu tháng bảy, đã qua hạ chí (21-6) nên chẳng thấy được “chùm sáng mặt trời như tia laser” hấp dẫn thế nào, nhưng đón ánh bình minh đầu tiên tại kỳ quan thế giới cũng đủ là một kỷ niệm khó quên.

Thánh địa Machu Picchu

Không vĩ đại như Vạn lý trường thành của Trung Quốc, cũng chẳng có tuổi thọ hơn 4.000 năm như công trình đá Stonehenge (Anh), nhưng Machu Picchu - thành phố nhỏ nằm lẩn khuất trong rừng già trên dãy núi Andes - đã lần lượt vượt qua những “đối thủ sừng sỏ” như quần thể Angkor (Campuchia), Stonehenge (Anh), những pho tượng trên đảo Phục Sinh (Chile)… để trở thành một trong bảy kỳ quan thế giới mới.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 100 triệu lượt bầu chọn của mọi người trên toàn thế giới cùng hội đồng tuyển chọn là những kiến trúc sư hàng đầu của năm châu lục lại chọn Machu Picchu là một trong những di tích khảo cổ đẹp và bí ẩn nhất trên thế giới. 140 công trình tại Machu Picchu gồm nhà ở, đền đài, công viên, nơi thờ cúng trên diện tích 5km2 này đều được xây dựng bằng đá. Tương tự kim tự tháp Cheops (Ai Cập), Machu Picchu được dựng lên từ những tảng đá nặng hàng tấn (có khối nặng đến 50 tấn). Những tảng đá này xếp lên nhau mà không dùng bất cứ loại hồ vữa kết dính nào.

Đặc biệt hơn, các tảng đá này đều có hình dạng và khối lượng khác nhau hoàn toàn, có tảng có đến 30 góc. Dù vậy, tất cả được mài nhẵn đến độ không thể nào lách nổi lưỡi dao vào giữa các mối nối! Và một điều bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng là người Inca không sử dụng bánh xe, làm sao họ có thể đặt những phiến đá lớn lên nhau một cách chính xác đến thế? Người Inca không có chữ viết để lưu trữ, truyền đạt thông tin, họ có hệ thống các nút thắt Quipu. Đáng tiếc các nút thắt Quipu cũng chính là một trong những bí mật làm đau đầu các nhà khoa học trên thế giới.

Henry nháy mắt chỉ vào đỉnh núi cùng tên Machu Picchu trước mặt: “Trên đó thiêng lắm, dám leo thử không?”. Bốn ngày bộ hành trên con đường Inca đèo núi đã vắt kiệt sức của chúng tôi. Cả đoàn chẳng ai lên tiếng. Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi lẫn trong mây, không cưỡng được sự tò mò, tôi đồng ý. Hai giờ rưỡi trôi qua, khi đầu gối muốn long ra cũng là lúc tôi bò đến đỉnh núi. Lên mới thấy ngợp, gió thổi ào ào như muốn bạt cả người xuống vực. Có quá nhiều giả thuyết cho rằng Machu Picchu là nơi phòng thủ cuối cùng của người Inca, là cung điện của vị vua vĩ đại Pachacuti (người được sánh với Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ khi thống lĩnh một đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thế kỷ 15)…

Tuy nhiên, tôi nghiêng về giả thuyết Machu Picchu là thánh địa, nơi thực hiện các nghi lễ cúng, tế thần của người Inca hơn. Từ đỉnh núi nhìn xuống, cả thành phố đá nằm lẫn trong mây, lọt thỏm giữa núi rừng, vách đá dốc đứng hàng trăm mét như tấm áo giáp che chở. Hai ngọn núi Machu Picchu (cao 3.140m) và Huayama Picchu (2.743m) và hai khe núi bao quanh thành phố chỉ chính xác bốn hướng đông, tây, nam, bắc không sai một tí. Và đặc biệt, dãy núi phía sau lưng Machu Picchu có hình dạng y đúc gương mặt của người đàn ông ngửa lên trời.

Henry đưa tôi cầm ba chiếc lá coca và yêu cầu tiến gần đến mấy đống đá nhỏ được xếp vun lên cao ngay trên đỉnh núi. “Làm gì thế?”, tôi thắc mắc. Henry ra hiệu im lặng, rồi yêu cầu tôi tự ước ba điều ước và bắt chước theo hành động của anh ta. Henry đứng thẳng, vẻ mặt trang nghiêm khác thường, rồi ngửa mặt lên trời thổi nhẹ vào ba chiếc lá cầm trên tay, miệng lầm rầm bằng tiếng Quechua. Xong, anh đặt ba chiếc lá coca lên đống đá và chèn một viên đá khác lên trên.

Đợi mọi người xong, anh mới chậm rãi giải thích: “Người Inca quan niệm có ba “thế giới”: đại bàng biểu tượng cho thế giới trên trời; báo biểu tượng cho thế giới trần gian và rắn biểu tượng cho thế giới dưới lòng đất. Mỗi chiếc lá coca tượng trưng một lời ước nguyện cho mỗi thế giới. Họ tin rằng ước nguyện trên đỉnh núi cao sẽ dễ thành hiện thực vì gần với trời nên trời dễ nghe hơn”.

Khai thác tối đa kỳ quan

Nói đến Peru là nói đến Machu Picchu. Vì biết thế, chính quyền Peru ra sức khai thác tối đa kỳ quan thế giới này. Ngoài bộ hành trên đường mòn Inca, muốn đến Machu Picchu chỉ có duy nhất đường xe lửa nên nhà ga tha hồ hét giá. Nếu như người dân Cuzco mua vé tàu khứ hồi đến Machu Picchu chỉ khoảng 5 USD thì khách nước ngoài phải trả đến 96 USD/người, chưa kể phải trả thêm tiền xe buýt 14 USD từ ga đến Machu Picchu. Du khách muốn tham quan Machu Picchu phải tốn ít nhất 170 USD/người.

Làm một phép tính đơn giản, chỉ riêng Machu Picchu chính quyền đã thu được gần nửa triệu USD/ngày. Lợi nhuận khổng lồ! Đó là chưa kể một bữa ăn trưa buffet có giá hơn 30 USD, một chai nước suối nhỏ giá gần 4 USD (trong khi mua tại Cuzco giá chưa đến 0,5 USD), cái hamburger đáng giá chừng 2 USD, Machu Picchu bán 11 USD… Du khách bị “chém” bằng lưỡi dao bén ngót, có bực cũng ngậm bồ hòn làm ngọt vì không có sự lựa chọn nào hơn.


Machu Picchu, Peru by szeke, on Flickr


Machu Picchu by Grabby Walls, on Flickr

--- còn tiếp...
 
Peru - những kỳ quan huyền bí

Kỳ 4: Quần đảo nổi Uros

“Đảo chúng tôi ở phải buộc vào một tảng đá thật lớn để neo lại. Bữa nọ gió to quá bứt dây neo, nguyên cái đảo trôi qua tận Bolivia”, với vẻ mặt nghiêm trang, Javier - hướng dẫn viên trẻ người Peru - kể về nơi anh ta ở một cách say sưa. Không chỉ riêng tôi, những người bạn nước ngoài cũng háo hức và sốt ruột chờ xem “đảo biết trôi” của Javier.

Thì ra nó nằm ngay trên hồ Titicaca - nơi phát nguồn của đế chế Inca hùng mạnh, một trong những cái nôi của nền văn minh Nam Mỹ nổi tiếng.

Những hòn đảo trôi

Giữa mặt hồ xanh thẳm, rộng ngút tầm mắt, hòn đảo Javier nằm lẫn giữa đám lau sậy um tùm, cao quá đầu người. Vừa đặt bước chân đầu tiên từ thuyền xuống đảo, bàn chân tôi bỗng bị lún xuống. Quá bất ngờ, tôi loạng choạng muốn té. Đoán trước, Javier nhanh nhẹn đưa tay đỡ lấy: “Đừng sợ, sẽ còn nhiều điều bất ngờ chờ đợi anh tại quần đảo Uros này”.

Quần đảo Uros (khoảng 43 đảo) có một không hai trên thế giới này được hình thành từ những lớp lau sậy chết đóng thành từng mảng dày. Sau đó, người dân phủ xen kẽ những lớp lau sậy mới lên cho đến khi bề dày đạt 1-2m rồi dựng nhà sinh sống trên đó. Vì thế, cả hòn đảo như một cái bè nổi khổng lồ bằng lau sậy, bước chân đi cứ xốp xốp, nhún nhún như đi trên nệm bông. Ông trưởng đảo Marcos kể: “Những ngày gió mạnh thổi bứt dây chằng, sáng sớm mở mắt tỉnh dậy thấy mình ở Bolivia. Vì thế, người Uro chúng tôi phải cột đảo thật chắc vào một tảng đá lớn để cố định vị trí”.

Ông Marcos dẫn tôi vòng quanh giang sơn của ông. Nói là đảo song thật ra nó nhỏ như cù lao, bề dài mỗi chiều không quá 300m. Mỗi đảo khoảng trên dưới 10 hộ sinh sống chủ yếu nhờ vào việc đánh cá trên hồ. Với tay bẻ một cây sậy non mọc sát mép nước, ông Marcos bỏ vào miệng ăn ngon lành rồi đưa tôi thử: “Ăn thử món ăn truyền thống của người Uro xem nào”. Món lõi sậy non của người Uro giòn giòn, nhạt nhạt, chẳng ngon tí nào nhưng công dụng của nó làm tôi ngạc nhiên: lều ở, thuyền đánh cá trên hồ đều làm bằng cây sậy; sậy khô làm chất đốt; rễ sậy còn là vị thuốc khá hữu hiệu chữa đau bụng, đau răng...

Vẫn còn giữ những nét văn hóa đặc trưng, nhưng người dân đảo nổi Uros cũng khá văn minh. Lênh đênh trên mặt hồ nhưng dân Uros cũng có trường học, nhà thờ (dĩ nhiên đều được dựng bằng cây sậy), có điện sử dụng từ pin năng lượng mặt trời. Chưa kể họ làm du lịch cũng khá bài bản: bán những món đồ lưu niệm làm từ cây sậy, làm hẳn mô hình thu nhỏ của đảo để giải thích cặn kẽ cho du khách. Chỉ cần bỏ khoảng 10 đôla, khách sẽ được sống cùng dân bản xứ một ngày, cùng ăn, ở, tối khuya cùng đi câu cá…

Kiếp nghèo trên đảo Amataní

Thời hoàng kim của đế chế Inca chấm dứt khi người Tây Ban Nha xâm lược Peru vào giữa thế kỷ 16. Một số người Inca lui về nơi họ sinh ra là hồ Titicaca, ẩn tích trên hai hòn đảo Amataní và Taquilé, gần như đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài. Vì thế, dù chỉ cách thị trấn hiện đại Puno hơn hai giờ đi tàu thủy, nhưng cuộc sống trên đảo Amataní bây giờ vẫn như 100 năm trước. Mặc dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ tại Peru, nhưng người dân ở đây vẫn sử dụng tiếng Quechua - ngôn ngữ cổ thời Inca. Đàn ông vẫn còng lưng trên những mẫu ruộng bậc thang trồng khoai tây, lúa mì để có miếng ăn. Phụ nữ vẫn cặm cụi xe sợi, đan len để có cái mặc. Họ vẫn sống cuộc sống tự cung tự cấp như cha ông mình cách nay hàng trăm năm (có chăng là thêm chút tiền từ khách du lịch đến đảo ngủ lại).

Không gian ở đây yên tĩnh lạ lùng. Không xe hơi, không nước nóng, không điện thoại, chỉ có những đàn cừu thong thả gặm cỏ. Những ồn ào, tiện nghi hiện đại của cuộc sống hối hả bên ngoài dường như bị nước hồ Titicaca làm đóng băng lại cả. Amataní không có khách sạn, du khách ở chung với gia đình dân địa phương.

Tôi và anh hướng dẫn viên ở chung nhà với Vanessa (19 tuổi) cùng mẹ cô. Khi tôi đến, Vanessa và mẹ hãy còn trên rẫy, hàng xóm phải chạy đi gọi về. Phòng tôi ở có nệm ba lớp (cũng làm từ cây sậy như quần đảo nổi Uros), có điện (dù chỉ là một bóng tù mù chạy bằng máy phát điện cổ lỗ sĩ). Phòng của Vanessa và mẹ chỉ có một cây đèn cầy lờ mờ. Nhà vệ sinh cũng có hai cái riêng biệt: cái cho dân làng chỉ là một cái hố, cái cho khách du lịch có hẳn bồn cầu.

Một ngày chúng tôi đi bộ rã cả người nên lu nước lớn để sẵn trong phòng tắm chỉ một loáng là cạn. Vanessa và mẹ lẳng lặng xuống núi, một hồi lâu thấy khệ nệ khiêng thùng nước lên. Nước ngọt ở đảo phải hứng từng thùng dưới chân núi mang lên. Mẹ Vanessa cho biết: “Muốn khách du lịch đến ở, mỗi gia đình chúng tôi phải đạt được một số tiêu chuẩn nhất định về vệ sinh, điều kiện sinh hoạt. Điều đó quá xa vời với điều kiện hiện tại của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải vay mượn rồi trả từ từ”.

Buổi tối làng tổ chức văn nghệ, nhảy múa giúp vui cho khách, chủ nhà cũng phải mặc đồ đẹp để cùng vui. Ban nhạc là những bạn trẻ, ban ngày làm nương, đi học (ngay tại đảo), ban đêm trông chờ vào những đồng tiền tip từ khách du lịch. Cesar, nhạc công 14 tuổi, khoe: “Mùa này là mùa du lịch nên khách đến nhiều. Tuần trước chơi nhạc bốn lần, tiền tip mỗi đứa được 20 sol (khoảng 7 đôla)”. Khách nhảy nhót vui vẻ, mua bia uống, mời cả dân làng. Họ uống hết nhanh chóng vì như thế có nghĩa là họ lại bán thêm được một chai nước. Thấy tôi ngồi một mình, Vanessa đến bên mời nhảy. Tôi lắc đầu, mặt cô buồn hẳn: “Chúng tôi phải làm tất cả để khách vui, vì đó là nguồn thu nhập lớn của gia đình”. Vanessa cho biết mẹ cô cũng mặc đồ đẹp mời mọi người nhảy múa. Chân vẫn nhảy, miệng vẫn cười nhưng sao họ vẫn không giấu được nỗi buồn trong khóe mắt. Vanessa thổ lộ: “Ba tôi mới mất cách đây mấy ngày”.

Đảo Amataní còn sót lại những di tích đổ nát từ thời Inca trên hai đỉnh núi Mặt Trăng và Mặt Trời, nơi mà du khách nào đến cũng cố trèo lên để cầu xin sự sung túc cho bản thân và gia đình. Vanessa nói hai đỉnh núi đó thiêng lắm nhưng tôi không tin. Vì nếu thiêng thì mỗi khi khách du lịch đến, bà mẹ già của cô đâu phải cặm cụi leo lên theo chỉ với hi vọng bán được chút đồ thổ cẩm tự dệt của mình.

(Nguyễn Tập - Tuổi Trẻ Online)


--- còn tiếp...
 
Peru - Những kỳ quan huyền bí

Kỳ 5: Bí mật ở sa mạc

Chỉ là một sa mạc nhỏ bé, khô cằn nằm ven biển Peru, Nazca có lẽ sẽ chẳng mấy ai biết đến nếu không có một ngày vào năm 1920, những hành khách trên máy bay phát hiện hàng trăm hình vẽ khổng lồ trên sa mạc Nazca trải rộng 500km2.

Các nhà khoa học đổ về, họ không chỉ bất ngờ khi những hình vẽ khổng lồ đã có hơn 2.000 năm tuổi mà còn sửng sốt với những phát hiện mới từ những xác ướp của người Peru cổ được khai quật tại đây. Dưới lớp cát sa mạc Nazca, từng bí mật từ từ được hé mở.

Lịch thiên văn hay sân bay của người ngoài hành tinh?

Đi trong mùa du lịch cao điểm, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Giá vé máy bay đi xem những đường vẽ kỳ lạ tại sa mạc Nazca tăng từng phút. Trước đó tại Cuzco, Lima giá vé đặt trước được báo 60 USD, tôi còn đang chần chừ vì giá cao quá (giá bình thường chỉ khoảng 40 USD), ngày hôm sau giá đã là 80 USD. Buổi chiều cùng ngày, quay về khách sạn lấy tiền chạy ra giá đã lên 95 usd. Ghét mấy đại lý “làm giá”, tôi quyết định mua vé trực tiếp tại Nazca.

Chuyến xe buýt 14 giờ chạy thâu đêm từ Cuzco đến Nazca lúc 6g30 sáng. Vội vã đón taxi chạy đến phi trường đã thấy xếp hàng đông nghẹt. “Mấy ngày nay sương mù nhiều quá, không cất cánh được, có người chờ 3-4 ngày vẫn chưa bay được. Vé 110 USD. Nếu đồng ý, tôi sẽ để anh vào danh sách chờ”, cô tiếp viên lạnh lùng trả lời. Vừa may, một khách du lịch Pháp nhường vé nên tôi được leo lên chuyến bay cuối cùng trong ngày. Cầm chiếc vé với giá 120 USD trong tay (mắc gần ba lần giá bình thường), tôi thở phào tự an ủi dù sao mình cũng còn may mắn hơn nhiều người chờ đợi đến 3-4 ngày vẫn chưa bay được.

Chiếc máy bay nhỏ chở năm người khục khặc khục khặc cuối cùng rồi cũng cất cánh. Gió giật ầm ầm, tiếng động cơ muốn điếc lỗ tai, chợt nhớ đến lý do nhường vé của người bạn Pháp: “Tháng mười hai năm ngoái, hai chiếc máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp vì trục trặc động cơ. Tháng tư năm nay, một chiếc máy bay mang năm khách người Pháp cùng phi công đã tử nạn”.

Ngồi trên chiếc máy bay nhỏ xíu lắc đùng đùng này, bất giác tôi rùng mình. Nhưng nỗi sợ chợt qua mau khi thấp thoáng giữa sa mạc mênh mông, những đường vẽ hình con khỉ có đuôi xoắn ốc, người ngoài hành tinh, nhện, cá voi... hiện ra sống động lạ thường. Sa mạc bây giờ như một bức tranh khổng lồ (Nazca là một trong những sa mạc khô nhất thế giới, cộng với bề mặt đầy đá sỏi đã làm giảm thiểu ảnh hưởng của gió nên những hình vẽ có từ hơn 2.000 năm trước tồn tại được đến ngày nay).

Thật ra, những hình vẽ khồng lồ như thế không phải chỉ có ở Peru, mà còn có ở Hi Lạp, Mỹ… Nhưng đặc điểm, số lượng và kích thước của những hình vẽ tại sa mạc Nazca gây ấn tượng mạnh nhất. Nhà nữ toán học người Đức Maria-Reiche - người dành trọn cả đời nghiên cứu những hình vẽ kỳ lạ trên sa mạc Nazca - cho rằng đó chính là lịch thiên văn của người xưa.

Dựa vào sự dịch chuyển của các chòm sao, thổ dân lúc bấy giờ sẽ dự đoán thời tiết, phục vụ việc trồng trọt của họ (hình con nhện khổng lồ chính là sự liên tưởng đến tinh vân của chòm sao Orion). Tuy nhiên, theo truyền thuyết, sa mạc Nazca là sân bay của người ngoài hành tinh, khi rất nhiều phi thuyền vũ trụ đã cất - hạ cánh tại đây. Và chính những người thổ dân địa phương (từ năm 200 trước Công nguyên đến năm 600) đã vẽ lại những hình ảnh họ chứng kiến. Trên sườn núi gần đó có hình vẽ một người khổng lồ có cái đầu kỳ lạ đang giơ tay chào càng làm truyền thuyết này đáng tin cậy hơn.

Tạp chí National Geographic đã giải thích: “Lớp sỏi, đá trên bề mặt của sa mạc Nazca có chứa Fe0, qua hàng thế kỷ nó trở nên đen bóng. Khi lớp sỏi được quét đi, nó tương phản với màu bên dưới. Bằng cách này, những đường vẽ khổng lồ được hình thành bởi những đường rãnh rộng khoảng 20cm, đào sâu khoảng 35cm trên sa mạc”. Cách tạo ra những đường vẽ này quá đơn giản, ai cũng có thể làm được, nhưng làm sao để tạo được những đường thẳng gần như tuyệt đối, làm sao để phóng to những hình vẽ (vốn chỉ có thể quan sát được hoàn chỉnh từ trên không) theo đúng tỉ lệ một cách chính xác? Ai đã tạo ra và có ý nghĩa gì thì đến nay vẫn là một trong những bí mật lớn nhất của loài người.

Xác ướp lên tiếng

Cũng trên sa mạc Nazca, cách thị trấn khoảng 30km, Chauchila - nghĩa trang của người tiền Inca - với những xác ướp, xương sọ, đồ gốm hơn 1.500 tuổi phát hiện tại đây đã làm các nhà khoa học ngỡ ngàng và kinh ngạc về nền văn minh của người Inca và tiền Inca.

Thật bất ngờ, Chauchila lại được phát hiện bởi… những kẻ cướp mộ, đến khi nhà nước có biện pháp ngăn chặn thì một số lượng khổng lồ những hiện vật quý giá đã bị đem bán. Tuy vậy, Chauchila hãy còn khá ấn tượng với hơn 10 hầm mộ mở cho khách tham quan, có nhiều xác ướp còn lọn tóc dài quấn quanh, có cả xác ướp của trẻ em được dùng để tế thần… Ông Juan Tohalino Vera - một trong những hướng dẫn viên kỳ cựu nhất Nazca, người nói thông thạo 4-5 thứ tiếng - cúi xuống dùng tay khỏa lớp cát ngay dưới chân rồi nhặt lên một mảnh xương nhỏ: “Cũng may những kẻ cướp mộ chỉ quan tâm đến vàng nên xác ướp, xương sọ chúng không thèm mang đi, vứt vương vãi khắp nơi”. Tôi không tin nên bắt chước làm theo và cũng nhặt được một mẩu xương như thế.

Ngày nay, khi y học đã tiến bộ vượt bậc, phẫu thuật não hãy còn được liệt vào những ca khó. Vậy mà cách nay hơn 500 năm, từ những xác ướp, xương sọ này, người ta phát hiện người Inca có hiểu biết khá chi tiết về giải phẫu học và đã biết phẫu thuật não! Theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí National Geographic, chỉ với lá coca và một số loại dược thảo tự nhiên làm thuốc tê, người Inca đã đục hộp sọ của những chiến binh bị thương ở đầu để chữa và tỉ lệ sống sót sau những ca phẫu thuật ghê rợn này có lúc lên đến 90%.

Ra về, ngay trước nghĩa địa Chauchila, tôi giật thót mình khi thấy người ta bày bán nhiều cây sáo được làm từ những khúc xương chạm khắc khá công phu. “Xương người?”, tôi rụt rè hỏi. Juan cười lớn: “Vua Inca ngày xưa dùng đầu lâu của thủ lĩnh đối phương làm chén đựng rượu, lấy xương chạm khắc, đục thành những ống sáo để dằn mặt kẻ thù. Nhưng cậu đừng sợ, những cây sáo này chỉ làm từ xương con llama và alpaca (một loài lạc đà không bướu) thôi mà”. Hết hồn!



--- còn tiếp...
 
Peru - những kỳ quan huyền bí

Kỳ 6 (cuối): Bùa chú và những tập tục

Tôi ghé thăm chị Dao, du học sinh tại Nga, theo chồng định cư hẳn tại Juliaca (một tỉnh miền núi cách thủ đô Lima hơn 1.000km, nằm ở độ cao 3.825m so với mực nước biển) đã mười năm. Tôi đến cũng vừa thấy trước cửa tiệm ăn của chị Dao đầy muối trắng. Chị cuống quýt quét dọn sạch đống muối với vẻ mặt lo lắng, sau đó vào nhà lấy lọ đường lớn ra rắc trước cửa.

Bùa chú

Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chị Dao giải thích: “Chị bị đối thủ cạnh tranh ếm bùa. Họ đổ muối trước tiệm ăn để trù đồ ăn mình nấu luôn bị mặn, thực khách sẽ không muốn vào ăn nữa. Chị phải rắc đường để khử bùa muối đấy”.

Trong khi tôi ngồi đợi chị Dao lau nhà thì có một bà khách bước vào, do trơn nên trượt chân té. Thế là bà ta nằng nặc yêu cầu chị Dao phải hốt đất ngay tại chỗ bị té để bà mang về nhà nhờ thầy cúng niệm chú và chôn đi. Làm như vậy sau này bà mới không bị bệnh tật. Khổ nỗi, sàn nhà chị Dao là gạch bông, lại mới lau, đất làm gì có, vậy mà bà ta cứ quét đi quét lại, cố gắng để lượm được chút xíu bụi đất gói trong miếng giấy rồi mang về.

Người Peru, đặc biệt là các tỉnh miền núi, rất tin vào tâm linh nên họ cũng sử dụng rất nhiều loại bùa. Trước cửa tiệm ăn, buôn bán, nếu để ý sẽ có thể thấy ngay hai móng sắt của hai con ngựa: một đực, một cái. Một cái hướng ra, một cái hướng vào. Họ hi vọng sẽ có nhiều khách vào cửa hàng mình nhiều hơn (cửa hàng chị Dao cũng có hai móng ngựa sắt này). Có bùa “ếm” cũng có bùa “khử”, vì thế trước cửa nhà họ thường treo tỏi đực để khử bùa ếm của người xấu.

Ông Hugo Apaza Quispe, giáo sư sử học ở thành phố Puno, cho biết: “Để tự bảo vệ bản thân, dân Peru miền núi thường có bùa đựng trong một lọ nhỏ, luôn mang theo bên mình. Lọ bùa đó gồm hạt Cuti màu đỏ có chấm đen để tránh những ghen tị, hiềm khích; cây Murachi được khắc thành hình một đôi vợ chồng có tác dụng bảo vệ hạnh phúc gia đình; một miếng nam châm để hút những kim loại như tiền, đồng, vàng, bạc vào gia đình. Cạnh đó, còn có bảy loại gỗ khác nhau để tránh bảy loại điềm gở như bệnh tật, sa sút trong làm ăn...”.

“Bác sĩ” cuy và cánh tay trẻ sơ sinh

Khi mệt mỏi mà không biết nguyên nhân, đi bác sĩ cũng tìm không ra, nhiều người thường tìm con “cuy” (một loài họ chuột) màu đen tuyền để chữa bệnh. Vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần (đối với người Peru đó là những ngày “phù thủy”, mọi chuyện liên quan đến tâm linh phải thực hiện vào ngày này mới linh nghiệm), họ cầm con chuột sống xoa khắp người bệnh nhân để nó “hút” hết những bệnh tật của họ ra. Sau đó, họ chặt phăng đầu, thấy máu đen sì tức là độc đã ra khỏi bệnh nhân và vào máu con cuy.

Điều này chính bà Karin Muller - người đi dọc dãy núi Andes qua các nước Chile, Ecuador, Brazil, Peru - cũng mô tả cách chữa bệnh bằng con cuy trong quyển sách nổi tiếng Along the Inca road: “Ông thầy lang cầm con cuy đập vào lưng và đầu của bà ấy, rồi sau đó chẩn bệnh dựa trên chất lượng bộ ruột của nó”.

Rùng mình hơn, người Peru miền núi tin rằng cánh tay của trẻ sơ sinh có tác dụng mời gọi khách hàng. Vì thế, tại rất nhiều cửa hàng ăn họ luôn bí mật buộc cánh tay của trẻ sơ sinh vào bó hoa Ruda (một họ hoa cải). Vừa mở cửa hàng, bao giờ họ cũng quét dọn sạch sẽ và vảy nước hoa Ruda trước cửa, trong nhà bếp, khắp nơi trong nhà ăn… để hi vọng một ngày đắt khách.

Những cánh tay trẻ sơ sinh thường được mua chui từ bác sĩ hoặc các phòng nạo thai với giá khoảng 100 USD/cái. Dù điều này họ luôn giữ bí mật nhưng dân buôn bán không ai không bết. Tôi hỏi nhỏ chị Dao: “Hỏi thật, chị có cánh tay trẻ sơ sinh nào không?”. Chị nhăn mặt: “Mình thấy dã man quá nên không sử dụng”. Cách nay không lâu báo chí Peru đăng tin rầm rầm về vụ có một chiếc xích lô tông vào một xe bán nước Chicha (một loại nước giải khát lên men từ ngô hoặc từ hạt Kinoa). Thùng nước vỡ toang, lòi ra một bàn tay trẻ sơ sinh.

Trả nợ đất mẹ

Tiệm ăn của chị Dao khá đông khách nên tôi ngồi luôn ở quán nói chuyện với chị cho tiện. Sàn nhà mới lau sạch bóng hồi nãy chỉ vài giờ đã vương đầy thức ăn, nước. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ có lẽ tiệm ăn gần chợ, khách chủ yếu là người lao động chân tay nên hơi dơ. Tuy nhiên, có điều lạ là từ bà già bím tóc bận bộ đồ truyền thống cho đến ông khách vận complet, xách cặp samsonite trước khi ăn uống đều rải xuống đất một ít thức ăn.

Tôi thắc mắc với chị Dao: “Sao chị không để dưới bàn cái thau để họ đổ thức ăn vào đấy?”. Chị Dao cười lớn: “Bậy! Tập quán của người Peru đấy. Họ quan niệm sinh ra, lớn lên, rồi chết cũng từ đất mẹ. Vì thế, rải thức ăn xuống đất trước bữa ăn là để cảm ơn đất mẹ”.

Người Peru có lễ trả nợ đất mẹ (Paga Santa tiera pachamama) vào tháng tám hằng năm, vì người ta cho rằng thời gian này đất mẹ “đói”, luôn muốn “ăn” lễ vật nhất. Ngày xưa, người Peru thường trả nợ đất bằng các loại gia súc thân thiết trong cuộc sống hằng ngày như alpaca, llama (một loài thuộc họ lạc đà)… Ngày nay, điều đó được “giản tiện” hơn là chỉ cần cúng trả nợ đất bằng bào thai của chúng (bán nhan nhản ngoài chợ).

Đất mẹ đối với người Peru cực kỳ thiêng liêng nên lễ trả nợ đất luôn là những phẩm vật, món ăn ngon nhất. Và một số người Peru (nhất là đối với dân đào vàng) tin rằng bào thai trẻ sơ sinh chính là món ăn ngon nhất. Vì thế, họ trả nợ đất cũng bằng bào thai trẻ sơ sinh hoặc thậm chí cả trẻ con, nhất là con trai. Trẻ con ở đây quá đông, đẻ ra rất nhiều nhưng không có khả năng nuôi nên chuyện xin trẻ con hoặc bỏ số tiền nhỏ là có thể mua được.

Dĩ nhiên, những điều này là phạm pháp, nhưng tại những vùng núi hẻo lánh, xa xôi chính quyền ít kiểm soát được. José, một người dân vùng Saman (huyện lỵ của Puno), cho biết làng anh ta có tục lệ trả nợ đất bằng người sống. Một lần, chính José đã chứng kiến người dân trong làng trả nợ đất bằng cách đẩy một người vào một cái hố lớn đầy củi, than để thiêu sống!

Những tập tục từ ngàn xưa của người Peru vẫn còn giữ cho đến ngày nay.

NGUYỄN TẬP - TUỔI TRẺ

ImageView.aspx

Bào thai con alpaca, llama dùng để cúng trả nợ đất bán nhan nhản tại các chợ ở Peru - Ảnh: N.TẬP

ImageView.aspx

Có thể mua những lọ bùa chú mọi nơi ở Peru - Ảnh: N.TẬP

HẾT
 
chào anh Chitto,

Vâng, sau khi xem ý kiến của anh về vấn đề "chính thống hay không chính thống" và xem thêm một số thông tin khác, em thấy rằng những vấn đề còn đang gây nhiều tranh cãi như trong loạt bài "Hành trình tìm lại biên giới cổ của Việt-Nam" đúng là không phù hợp với topic.

Vậy em xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm!

Cảm ơn anh đã góp ý.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,120
Members
192,041
Latest member
yyuten
Back
Top