What's new

Du ký tuyển tập

Cuộc trường chinh vào trong lòng đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của Đỗ Doãn Hoàng
(lược trích)

(tiếp theo)


Có nhiều người đã ngã xuống khi con đường chưa được hoàn thành, nhưng dọc đường làm đường ôtô chinh phục cao nguyên Đồng Văn, từng khúc núi được phá đá, anh em đã gọt đá tạo những tấm bia tạc tên đơn vị thi công, tạc tên quê quán anh em “phu đường”, đồng thời ghi rõ ngày khởi công ngày khánh thành cung đường khảm giữa đá. Đã có hàng trăm trang sử đá như thế.

Cũng có nhiều người đang buồn da diết vì cái nỗi đường rải nhựa ngày mới này, công nghệ làm đường thời mới của thế kỷ 21 đã nhẫn tâm xoá hết những dấu tích của con đường xưa, kể cả những tấm bia đá tạc. Một thái độ không phải tí nào với xương máu và mồ hôi của cha anh.
Có người lại uất ức vì thế hệ cán bộ tỉnh bây giờ thậm chí không cho các cựu Thanh niên xung phong nghèo một chuyến ôtô thăm lại chiến trường xưa. Hàng trăm người ở nhiều tỉnh, đề đạt mãi, xin xỏ mãi vẫn chưa một lần có kinh phí để được họp mặt anh em, để được trở lại Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn – Mèo Vạc mà họ đã oai dũng cống hiến một thời; để sống lại một lần nữa cái thời hào hùng “chân đi nát đá dạ còn ngẩn ngơ” ấy - trước khi về với ông bà tổ tiên.


Vừa rồi, tóc đã điểm sương, mấy chục Thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc của tỉnh Lạng Sơn có được tỉnh ưu ái cho kinh phí tổ chức một chuyến về nguồn ngược Đồng Văn, Mèo Vạc. Ông Đảm gặp đồng đội tại thị xã Hà Giang (chứ từ ngày nghỉ hưu, gần 20 năm qua, ông Đảm cũng chưa bao giờ có điều kiện lên đến Đồng Văn), ai nấy bật khóc. Tất cả đều đã lên ông lên bà. Và, quan trọng hơn là dâu bể của cuộc sống mới đã làm cho những “di tích” chứa đựng nhiệt huyết, mồ hôi và cả máu xương của nhiều nghìn lượt người trẻ xông pha trên cung đường Hạnh Phúc Đồng Văn - Mèo Vạc đã bị xoá sổ.

Điều vô cùng khó hiểu là tại sao người ta lại vô tình đến thế được? Làm đường thì cứ làm, sao lại hất bỏ sạch sành sanh bia đá, kè đá, vách đá từng hằn in vân tay hàng chục hàng trăm người trẻ tuổi kia xuống khe sâu? Có nhất thiết phải phá bỏ những cung đường chưa bao giờ hư hỏng như thế để “giải ngân” cho con đường mới không? Có tiền, nâng cấp được đường xá, là bằng chứng của một cuộc sống đi lên – nhưng có nhất thiết phải tận diệt hàng chục những tấm bia đá chứa trong mình cả trang sử hào hùng của nghìn nghìn người trẻ đi tiên phong đánh thức cao nguyên Đồng Văn kia không?

Cái quan trọng hơn là thái độ của ai đó với công quả mà cha anh mình đã đổ máu để dựng nên. Vấn đề không phải là cái bia đá khắc tên đơn vị thi công, hay vài khúc cua ghi dấu kỷ niệm về những người đã ngã xuống cho cuộc trường chinh vào trong lòng đá.

Với tư cách là Phó Ban Liên lạc Thanh niên xung phong xây dựng đường Hạnh Phúc, ông Đảm và ông Sùng Đại Dùng (đương kim Phó Chủ tịch mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Giang, kiêm trưởng Ban liên lạc TNXP xây dựng đường Hạnh Phúc) đã nhiều lần xin cơ chế, xin kinh phí để tổ chức lễ kỷ niệm ngày khởi công đại công trình đánh thức vùng mênh mông Đồng Văn – Mèo Vạc (sau nửa thế kỷ im hơi lặng tiếng); song mọi đề xuất vẫn không được đáp ứng. Điều này lý giải cho thái độ buồn bã rất... tiêu cực của ông Đảm khi kể với chúng tôi về những ngày “hồ dễ mấy ai quên” trong 6 năm trường kỳ phá đá kia.

Chẳng cứ gì những người cống hiến phần đời tươi đẹp nhất của mình cho công trường khổng lồ, kỳ vĩ ấy, bản thân chúng tôi, khi đi tìm tư liệu cho loạt bài này, cũng rất là ngậm ngùi. Bởi hầu như không tìm thấy những trang sách, bài báo nào đề cập đến hơn 2 triệu ngày công đổ xương máu làm nên kỳ tích đường Hạnh Phúc. Cả những thước phim, nghe nói ngày xưa có chụp, có quay và có chiếu, giờ hầu như bị quên lãng. Bản thân những người được coi là chủ đạo trong Ban liên lạc Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, hầu hết cũng chưa từng được xem.

Hầu hết hàng nghìn Thanh niên xung phong và công nhân nghĩa vụ mở đường Hạnh Phúc đều chưa từng được xem lại một bức ảnh, một thước phim hay hoài niệm cùng vài bài báo vài cuốn sách viết về sự hiến dâng vì cộng đồng của thế hệ chống chọi và chiến thằng điệp trùng đá tai mèo ấy. Họ không buồn và tiếc nuối sao được, nhất là khi những dấu tích cuối cùng của cuộc chiến với biển đá rợn ngợp kia đang biến mất dần dà.

Ông Đảm vẫn nghèo, vẫn buồn và vẫn ao ước có kinh phí để anh em họp mặt trước khi tuổi già khiến cho chẳng ai trong số họ còn đủ sức (và còn sống) đi tìm gặp nhau nữa. Ông ao ước có một chuyến xe, đi và nhớ lại cung đường vượt cổng trời, vượt Mã Pí Lèng “tôi sẽ nhớ từng điểm cua, từng vách đá một, chú ạ”

Ông ngồi lục tìm danh sách những người đã ngã xuống cho con đường khủng khiếp chờm nghịch trên đá kia được khai sinh. Có lẽ ông Đảm là người duy nhất có được bản danh sách này. Ông thẳng thắn: tôi ghi từ ngày làm đường, có ai ngã xuống, tôi lại ghi, chứ chả dám chắc bây giờ xương cốt anh em đang nằm giữa rừng hay là đã được gia đình chuyển cả về quê rồi. Tôi mấy chục năm qua mới có một lần vượt núi vào đến Yên Minh, chưa dám mơ thêm một lần vào Đồng Văn, Mèo Vạc. Ông ghi danh những người ngã xuống, cũng như ông và đồng đội dựng bia đá ghi đủ thứ thông số, kiêu hùng cắm trên mỗi cung đường khi thông xe...


Mỗi lúc, anh chị em đem chiến công oai hùng của mình ra kể với con cháu, các cháu lại hoài nghi thảng thốt: có thật không ông (bà). Khúc tráng ca kỳ diệu bậc nhất của lịch sử phá đá mở đường, “tiến vào rừng sâu làm giàu cho tổ quốc”, “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”… đã ít nhiều bị bỏ quên?

Câu chuyện này có cái gì đó thật bi hài, ỏn sót. Có cái gì đó khiến thế hệ sinh ra sau giải phóng miền Nam chúng tôi cảm thấy có lỗi với giọt mồ hôi, giọt máu của thế hệ cha anh đã đổ xuống cho đường Hạnh Phúc từ gần nửa thế kỷ trước...

Phía sau mấy cái cổng trời vòi vọi của cao nguyên cao nhất Việt Nam Đồng Văn là một thế giới nguyên sơ, đầy tiềm năng. Quan trọng hơn, vào thời điểm thông xe đường Hạnh Phúc cách đây gần nửa thế kỷ, phía sau những dãy núi ủ mây ấy có tới 8 vạn đồng bào lam lũ và mến thương của chúng ta đang nao lòng vẫy gọi. Con đường khảm trên đá sau hơn hai triệu ngày công của hàng nghìn thanh niên tình nguyện kia đã thực sự đem đến Hạnh Phúc cho cả mênh mông núi đá của bốn huyện vùng cao phía Bắc tỉnh Hà Giang hiện nay.

Giá trị nhân văn của đường Hạnh Phúc là không thể đong đếm. Con không chê cha mẹ khó/ chó không chê chủ nghèo. Sự hy sinh, sự dâng hiến cho lý tưởng của lực lượng Thanh niên Xung phong 8 tỉnh độ ấy cũng là không thể đong đếm. Chúng ta càng không thể nói rằng, con đường ấy to hay bé, dài hay ngắn, bây giờ đem sử dụng còn giá trị hay đã lỗi thời so với công nghệ làm đường với sự tinh nhuệ của máy móc hôm nay... để định giá sự hy sinh kể trên. Ngoài những người vĩnh viễn nằm lại với cả một nghĩa trang công trường ở Yên Minh, con đường Hạnh Phúc chính là Cuộc Đời, Số Phận của hàng nghìn người hùng trở về từ miền đá. Nó là một trang sử bằng đá. Là một sự tụng ca sức người, sự xả thân vì cuộc sống cộng đồng.

(còn tiếp)
 
Cuộc trường chinh vào trong lòng đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của Đỗ Doãn Hoàng
(lược trích)

(tiếp theo và hết)

Trò chuyện với ông Phạm Đình Dy, vị “Tổng chỉ huy” công trường Đường Hạnh Phúc

- Chúng cháu đã đi con đường Hạnh Phúc nhiều lần, đã chụp ảnh lại tất cả các cái huy hiệu thanh niên làm đường Đồng Văn (còn gọi là Đường Thanh niên Việt Bắc), cả những huy hiệu có vẽ hình Cổng trời Quản Bạ. Mong muốn của cháu là thế hệ nay và các thế hệ sau nên hiểu ngọn ngành về con đường bất hủ này. Chứ không nên, cứ mỗi một lần lên đấy, thấy những cung đường ngút ngàn trong mây và đá xám, thấy nó kỳ vĩ quá, bọn trẻ và du khách lại hỏi: ngày xưa làm đường này như thế nào mà giỏi thế. Rồi chẳng biết hỏi ai, chẳng ai biết mà giả nhời. Vả lại, những gì xúc cảm được, hiểu được từ đại công trường này có ý nghĩa giáo dục về thiên nhiên, lịch sử, đạo đức cống hiến rất tuyệt vời.
Thưa bác Dy, bác có nghĩ rằng: con đường Hạnh Phúc từ Hà Giang lên Đồng Văn, rồi vượt Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc là con đường mà việc “đẻ” ra nó vất vả nhất nước ta không?


- Nhất định là nhất Việt Nam rồi. Tôi cũng từng đi tham gia mở đường Bắc Sơn – Đình Cả rồi, biết bao nhiêu đèo dốc nổi tiếng ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã có mặt và thi công nhưng, nỗi vất vả, sự kỳ vĩ của công trình, những nơi kia không thấm gì so với đường Hà Giang – Mèo Vạc. Tuyến này đi qua biển đá, cao nguyên cao nhất Việt Nam, đến mức, lúc mở đường chúng ta đều phải nắn tuyến, phải đo đạc làm đường ở những nơi từ thuở trời đất sinh ra chưa có đường, chứ không dễ gì “lợi dụng” cơ sở vật chất của lối mòn của người bản xứ.

Tuy nhiên, sự khắc nghiệt đến đáng sợ ấy cũng đã nhiều người lè lưỡi kể rồi. Tôi muốn nói về vẻ đẹp ngay trong sự khắc nghiệt chết người đó. Qua Mã Pí Lèng đi đường 9 khoanh uốn lượn qua 9 cái dốc. Đường Hạnh Phúc phải nắn sang tuyến như hiện nay để làm cho nó đỡ vất vả. Và con dốc cũ vẫn còn nguyên, rất là huyền thoại, thỉnh thoảng chỉ có vài người bản xứ đi nương đặt chân vào đó thôi. Đường của bà con nó hẹp đến mức con ngựa đi trước thì đá ngựa đi sau. Bụng con ngựa đi cứ chịn vào hai mép đá hai bên hẻm núi. Nó hẹp đến mức như thế cơ mà. Tôi rất tiếc, tôi đã mấy lần nói với cán bộ và bà con huyện Mèo Vạc, rằng các cậu nhớ giữ cái dốc 9 khoanh này để mà làm kỉ niệm nhé. Thế mà anh em nó nghe mình được mấy năm, năm ngoái năm kia tôi lên thì… chẳng còn hình dung đâu là dốc 9 khoanh nữa rồi. Có thể bà con người ta làm nương người ta cũng cuốc đường cũ người ta làm. Nhưng rõ ràng, tôi đã bảo làm ngô thì cứ làm còn cái dốc thì cố gắng giữ để kỷ niệm với tuyến đường đã gắn bó với bà con qua nhiều thế hệ này. Con dốc 9 khoanh nhìn vô cùng gợi cảm. Nếu mà còn, dân nhiếp ảnh các cậu có mà mê tơi (cười).

- Bác có nghĩ rằng, như các bác mà cháu phỏng vấn trước đây đều cho rằng sự tôn vinh con đường này cũng như chế độ đãi ngộ những người vất vả trực tiếp làm con đường này có rất nhiều bất cập? Ngày trước, khi chưa có cơ chế thì không nói, nay, việc tôn vinh là cần thiết và là một món nợ của chúng ta với lịch sử?

- Chả có cái gì, đừng có nói chế độ gì, chả có cái gì (bù đắp cho những cống hiến và hy sinh của cả nghìn thanh niên xung phong cùng hàng nghìn dân công) hết. Làm xong đường, hết 6 hoặc 8 năm trời “đồn trú” trên đá (với người làm đường vào Mèo Vạc) là về thôi. Như vậy đấy. Chứ không phải như bây giờ, hơi một tý là đòi huân chương huân chiếc. Ngày xưa, chúng tôi chả có cái huân chương nào hết. Cũng không có một cái gì, cứ đơn giản như vậy từ anh cấp trên xuống đến anh cấp dưới. Đường xong, khánh thành vui vẻ là xong thôi, lại xông pha đi làm việc khác.

- Cháu vừa mới đi một vòng cung Yên Minh – Mèo Vạc - Đồng Văn về, đi cả đường Hạnh Phúc, đường Mèo Vạc và đường Quyết Thắng lịch sử…

- Năm kia (2005), tôi có lên lại Hà Giang, tôi có yêu cầu Tỉnh ủy là cho tôi đi xem lại con đường này. Tôi thấy anh em có mở rộng con đường, có rải nhựa được - cái đó cũng là hoan nghênh - thế còn, nói chung, tuyến đường ngày xưa như thế nào thì nó vẫn y nguyên như thế không thay đổi. Về sau anh em nó có điều kiện hơn, nó có tiền hơn nó có mở rộng thêm.
Nghĩ lại, ngày xưa, vĩ đại nhất là người dân, cậu có biết ngày xưa người dân (hàng nghìn người) tham gia làm đường thì được cái gì không? Mỗi 1 ngày công quy vào cho 1 cân gạo, 1 ngày công cho có 1 cân gạo trong đó thì có 8 lạng gạo và 2 lạng tính vào thức ăn, rau riếc. Không có hơn một tí gì nữa. Mới lại thế này: không có lán trại vì nhà nước có tiền đâu mà làm. Dân giăng bạt giăng ni-lông, người ta tự làm rồi tự chui vào đó tá túc. Bây giờ nói không phải là kể khổ đâu nhưng phải nói là hoàn cảnh đất nước lúc đó cũng không thể khác hơn được, cậu bảo làm cái đường này ông Khu (tự trị Việt Bắc) ông ấy chỉ thêm cho được tý nào thì thêm, còn bản thân “anh” Hà Giang phải móc túi móc tiếc hò nhau mà làm chứ có tài trợ kinh phí gì đâu.

- Cháu tưởng kinh phí là khu rót xuống, bấy giờ còn bao cấp mà bác.

- Bấy giờ, có lẽ dồn tiền vào đi mua mìn là chính. Suốt 6 năm trời phá đá như thế, mà không có máy móc hỗ trợ gì. Khoan lót choòng hoàn toàn bằng tay. Đấy, cái vĩ đại của người dân là ở đấy. Tôi sang Hà Giang bây giờ, nói thật, tôi chỉ nhớ dân là chính, chứ chả nhớ “ông” nào hết. Dân vĩ đại là thế mà đến bây giờ mình ngồi xem lại những thước phim thấy dân vẫn khổ như vậy, mình đền đáp với dân như vậy có cái gì đó như là không thỏa đáng...

- Cháu có nghe cái khổ nhất hồi ấy không phải là cái đói mà là nước, nước thì cực kỳ thiếu, cái thứ hai là rau xanh…

- Cậu có biết Thanh niên xung phong mùa khô này rất khổ, một ngày nam giới có một ca nước sinh hoạt; còn nữ giới một ca rưỡi, một ngày giời, có ngần này, “chúng mày” muốn làm thế nào thì làm.

- Nước ở trong kho có một người chuyên phân phối?

- Ừ đúng rồi. Mà đi làm thế này đơn vị nào đóng gần sông suối ấy thì thằng ấy phúc nhất đấy - chứ còn thằng nào đi ngược phía trên kia thì khổ. Thế mà 6 năm trời!6 năm trời đấy. Phải nói là Thanh niên xung phong của 6 tỉnh cực kỳ anh hùng.

- Bác có ấn tượng gì đặc biệt về sự kham khổ ghê gớm của anh em thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc hồi đó?

- Kham khổ thì như vậy, nhưng sức lao động người dân bỏ ra mình thấy cực kỳ vĩ đại. Mà bù lại cái thiệt thòi vì sự cam go đó cho người ta thì rất khó. Tôi, nhiều lúc, ngồi nghĩ, giờ những kẻ tham ô tham nhũng mà báo chí đã phanh phui, tôi nghĩ phải bắn hết chúng nó ngay lập tức. Nghĩ đến người xưa người ta hy sinh như thế, người ta không đòi hỏi gì; lại nghĩ cái sự thoái hoá trong tham nhũng thì thật đau lòng!

- Bác có thấy, cho đến bây giờ chưa có một quyển sách, thước phim hay những tư liệu tham khảo nào nói về đại công trình đường Hạnh Phúc; thậm chí, cháu đọc Lịch sử đảng bộ tỉnh Hà Giang cũng thấy họ không hề nhắc đến….

- Nhắc thì có nhắc nhưng có mỗi cái câu tuyến đường như thế thôi, chứ không có kể lể tuyến đường ra làm sao, đầu cua tai nheo thì không có.

- Bác có nghĩ như thế là không đúng?
- Anh em thì có nhiều người nó nói với tôi là anh nên viết cái này. Nhưng tôi chưa/không viết được.

- Thay mặt độc giả VTO, xin chân thành cảm ơn cuộc trò chuyện khó có thể thẳng thắn hơn, khó có thể sinh động và chi tiết hơn của bác!
- Bây giờ, tôi nghỉ rồi chứ (nếu vẫn làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang, - PV) tôi sẽ bảo lực lượng Thanh niên xung phong cố gắng mà tổ chức lại kỷ niệm, chứ tôi chả thấy anh nào nói tới Thanh niên xung phong của tuyến đường Hà Giang vĩ đại kia cả./.
 
Vết sẹo trên cao nguyên đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của của Đỗ Lãng Quân
(khởi đăng trên Tuổi Trẻ Online từ 14.10.2010)

Của hiếm trên toàn cõi Đông Nam Á
Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện phía bắc tỉnh Hà Giang, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; rộng hơn 2.347km2 với số dân khoảng 250.000 người, thuộc 17 dân tộc anh em sinh sống.
Các nhà khoa học đã chỉ ra ở đây nhiều giá trị độc nhất vô nhị, làm sửng sốt giới nghiên cứu thế giới, như: có nơi độ dày các vỉa đá vôi có thể lên tới 4.000m (!), một của hiếm trên toàn Đông Nam Á, các hóa thạch cho thấy từ nửa tỉ năm trước, sinh vật đã xuất hiện ở cao nguyên đá với hơn 1.000 loài; thế giới có năm thời điểm các loài sinh vật bị hủy diệt thì hóa thạch cổ ở Đồng Văn đã chứa tới hai thời điểm, đây là cơ sở thú vị, hi hữu để nghiên cứu sự hình thành vỏ trái đất...
Tất cả những điều đó, thường thì người du ngoạn, thăm ngắm cao nguyên đá ít trông thấy, ít xúc cảm được. Dù vậy, chỉ tính riêng những vẻ đẹp địa chất, địa mạo độc đáo “hễ đi là gặp” của cao nguyên đá, đã đủ để bất kỳ ai cũng phải sững sờ.


TT - Ngày 3-10-2010 tại Hi Lạp, Tổ chức Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) đã trao quyết định công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên. Đây là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở VN.

Đúng là nhiều người yêu di sản địa chất, địa mạo tuyệt vời của cao nguyên đá đã phải nín thở chờ phán quyết mang tính vinh danh kể trên, sau ít nhất một lần bàn nghị sự của tổ chức được UNESCO bảo trợ “chưa” công nhận hồ sơ đề nghị miền đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu.
Nhận “báo hỉ”, ngay lập tức phía tỉnh Hà Giang đã tưng bừng mở hội, dự kiến một festival mang tên “Cao nguyên đá Đồng Văn” với sự tham dự của nhiều tỉnh thành trong nước, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan sẽ được tổ chức trong tháng 11-2010 tại “tân công viên địa chất” này.
Các kế hoạch đua thuyền trên sông Nho Quế, leo dây thám hiểm hang động, cưỡi ngựa vào các bản làng, lội bộ thăm Vú Cô Tiên... đồng loạt được lên dây cót. Phương án thoát nghèo cho bốn huyện phía bắc núi đá tỉnh Hà Giang nhờ đón khách trong và ngoài nước càng được đặc biệt chú trọng...
Người ta hi vọng nhiều cũng bởi từ lâu lắm, bất chấp các phán quyết mang tính giấy tờ hành chính của địa phương hay quốc tế, với nhiều du khách trong và ngoài nước, cao nguyên đá vẫn kỳ vĩ nằm đó, vẫn đẹp đến thảng thốt nơi cuối trời biên ải kia. Nó như một thứ men say nồng dễ gây nghiện cho nhiều người. Không thời sự, không ăn theo, từ bao triệu năm qua miền đá tưởng như bất tận và rợn ngợp này vẫn đẹp như vậy.

Những tượng đài địa chất
Nơi mà các nhà địa chất gọi là điểm ngoạn mục nhất, hội tụ nhiều sửng sốt nhất, xứng đáng là đệ nhất hùng quan của cao nguyên đá chính là đỉnh của cao nguyên, chóp mũi của đèo Mã Pí Lèng cao gần 2.000m so với mực nước biển, nơi phân chia hai vùng tiểu khí hậu, phân chia ranh giới hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ đỉnh đèo nhìn xuống, sông Nho Quế bé như một sợi chỉ. Núi quá lớn, hẻm vực quá sâu, dòng sông dữ dằn bậc nhất nước Nam chỉ như cái bấc đèn hiền lành.

Cũng đứng ở đỉnh Mã Pí Lèng, nơi các nhà khoa học Pháp từ một thế kỷ trước đã ngả mũ tôn vinh là “tượng đài địa chất” của loài người, ta còn được chứng kiến những hẻm vực Nho Quế kỳ lạ. Vách đá vôi Tu Sản được giới khoa học đánh giá là một trong những vách đá vôi cao nhất thế giới (gần 800m).
Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi vinh dự được sở hữu những con dốc, đèo uốn lượn ngoằn ngoèo nhất nước nhà. Chỉ nhìn đã sững sờ, chóng mặt, những cái tên như dốc chữ Em Mờ Ngược (W), “dốc Bắc Sum, hùm Làng Đán” đã đi vào nỗi kinh sợ của khách bộ hành suốt nhiều năm; nhưng nay là những kỳ quan được liệt vào thắng cảnh cần phải đến của công viên địa chất toàn cầu.
Trong hồ sơ công viên, trong tài liệu khoa học còn có nhiều địa danh quyến rũ như: hoang mạc đá Sảng Tủng, rừng hoa đá Khâu Vai, bãi hải cẩu đá Vần Chải, đá hình tháp kim Pả Vi, rừng măng đá, kim tự tháp đá Sà Phìn... Có lẽ đi tìm và lắp ghép các hồ sơ đó vào thực địa cũng hơi mệt, vì cao nguyên đá đi một nhát bổ dọc (chỉ đi trên trục đường chính) đã mất 200km đèo dốc rợn người rồi.
Song, những gì chợt gặp trên đường cũng đủ khiến người ta mềm lòng, ám ảnh, thán phục sự hữu tình của trời đất, của quá trình hình thành vỏ trái đất với bao nhiêu bí ẩn và thách thức. Ngây ngất để rồi thấy đau lòng...

“Đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian”
Tiếng đàn môi bên bờ rào đá là tác phẩm rất được yêu thích của nữ văn sĩ Đỗ Bích Thúy, người đã gắn chặt ngòi bút và sự nghiệp của mình với địa đầu Hà Giang (sau chuyển thể thành kịch bản phim nhựa nổi tiếng Chuyện của Pao) đã được sáng tác, rồi dựng phim ngay tại cao nguyên đá Đồng Văn. Bờ rào đá - không chỉ riêng ở cao nguyên đá Đồng Văn mà tại nhiều miền đá khác của nước ta, “sống trên đá chết vùi trong đá”, bà con ta đều có tập quán sử dụng đá, đập đá, nghiền đá làm đủ thứ công trình, phần việc...

Từ xửa từ xưa đã vậy. Nên đá và các công trình kỳ vĩ từ đá, những bờ rào, ngôi nhà, bản làng và tường thành đá xếp mênh mông kia đã trở thành điểm đến, thành một phần giá trị độc đáo của công viên địa chất toàn cầu.

Sức người nhỏ bé giữa miền đá rộng đến mức chỉ đi ngang qua mỗi bề đã đến cả trăm cây số đường chim bay, biết bao giờ mới “mòn” được núi! Trong kế hoạch du lịch công viên địa chất nay mai, người ta hoàn toàn có thể trình diễn nghệ thuật đập đá thủ công, xếp đá làm nhà, làm bờ tường thẳng tắp hay cong veo phục vụ du khách, đó vẫn là điều UNESCO không hề cấm đoán.

Tuy nhiên có một sự thật khác là chưa bao giờ hệ thống máy móc hiện đại được huy động để phá đá, nghiền đá nhiều như bây giờ. Người ta phá đá công nghiệp để giải phóng mặt bằng xây dựng nhiều lỵ sở, thị tứ, thị trấn, khu dân cư; người ta xây dựng tới ba cái thủy điện trên dòng sông Nho Quế ghềnh thác nhất VN đang vắt mình xuyên qua di sản địa chất cao nguyên đá kia, nước dâng lên sẽ chôn lấp nhiều phần rừng, núi non, hang động đẹp bậc nhất của cao nguyên cao nhất VN này.

Đấy là chưa kể hàng vạn, hàng triệu tấn bột đá sẽ được nghiền phục vụ xây dựng, nhiều dãy núi, bờ sông, bản làng sẽ bị biến mất để lấy mặt bằng, mở đường, làm hồ chứa, nâng bước cho các tổ máy, cỗ máy lớn chưa từng thấy vào với các bản làng, dòng sông biên giới.

Điều đáng sợ là để thuận lợi cho việc gọt đẽo các dãy đá kỳ quan, các ngọn núi thắng cảnh thành công trình, bột đá, người ta bao giờ cũng nghiên cứu “chọc tiết” các thế giới đá ở gần đường giao thông nhất, thuận tiện cho việc vận chuyển nhất. Và, đó cũng chính là “điểm ngoạn mục” (thăm ngắm) của du khách khi đến với công viên địa chất toàn cầu.

TSKH Vũ Cao Minh (nguyên phó viện trưởng Viện Địa chất), người từng bỏ nhiều năm nghiên cứu cao nguyên đá Đồng Văn, có lần đã lên tiếng kêu cứu: “Các giá trị mà tự nhiên đã phải mất hàng chục triệu năm, thậm chí hàng trăm triệu năm mới để lại dấu ấn cho cao nguyên Đồng Văn đang có nguy cơ mất đi vĩnh viễn. Bảo vệ và bảo tồn các giá trị quý báu kể trên là nhiệm vụ khẩn thiết hiện nay. Trên dọc tuyến đường ôtô từ Quản Bạ đi Yên Minh, Phó Bảng, Xà Phìn, Đồng Văn, Mèo Vạc, Khau Vai và Mèo Vạc, Lũng Phìn, Yên Minh... đâu đâu cũng thấy các chỏm đá vôi có hình dáng kỳ dị bị người dân đập phá làm vật liệu xây dựng, làm hàng rào”.

Trở lại Hà Giang trong mấy năm gần đây, chúng tôi luôn có cảm giác đi trong những dãy núi đá tật nguyền.

(còn tiếp)
 
Vết sẹo trên cao nguyên đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của của Đỗ Lãng Quân
(khởi đăng trên Tuổi Trẻ Online từ 14.10.2010)

(tiếp theo)

Đổi trăm triệu năm lấy một nhát... búa
TT - Thật ra từ trước khi cao nguyên đá được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, trong quá trình hội thảo, lập hồ sơ, nghiên cứu, thăm thú, vài năm qua tỉnh Hà Giang đã có những kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con đừng phá đá với tốc độ “tằm ăn rỗi” nữa.

Sự quyết liệt trên... giấy

Kế hoạch nâng cao nhận thức bảo vệ di sản địa chất cho cộng đồng 230.000 người sống ở khu vực cao nguyên Đồng Văn hiện đang được cơ quan chức năng triển khai làm ba giai đoạn, từ năm 2010-2015.

Các “phát ngôn” được đưa ra rất quyết liệt trên... giấy tờ, tuy nhiên khi chúng tôi đi dọc mấy trăm cây số cảnh quan mỹ miều đang bị đẽo gọt không thương tiếc của bốn huyện vùng cao núi đá phía bắc tỉnh Hà Giang, lúc được hỏi hầu hết bà con đều cho biết chưa nghe thấy “tuyên truyền bảo vệ” bao giờ.

Việc bảo vệ di sản địa chất này là cấp thiết, nhưng các hoang mạc đá tuyệt đẹp ở Cán Chu Phìn, Lũng Pù hay dọc đường từ thị xã lên Mèo Vạc vẫn bị phá trước mắt du khách.

Ngay bản thân ông Ma Ngọc Giang, giám đốc Ban quản lý công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cũng nói thẳng với nhà báo về quan điểm của “đơn vị chủ nhà” xung quanh việc khai thác đá tràn lan, rằng: “Nếu (tổ chức cá nhân) xin khai thác (đá) thì vẫn được (cấp phép) nhưng phải theo quy hoạch, trước mắt là xa đường giao thông, các điểm khai thác phải cách đường giao thông 2km để tránh làm ảnh hưởng đến mỹ quan của công viên khi khách du lịch nhìn vào”.

Đây là một quan điểm rất mập mờ và thiếu khoa học, bởi xa đường 2km thì không có nghĩa một trái núi trắng hếu, như cái dằm nhức buốt trong mắt người chiêm ngưỡng công viên địa chất, sẽ bị... che khuất. Vả lại, 2km xa tỉnh lộ, nhưng ở vị trí đó núi đá là một kỳ quan kiểu như núi Cô Tiên nức tiếng cả thế giới thì cũng được phá sao?

Quan điểm của các nhà khoa học là phải cấm triệt để hoặc phải có ban bệ xét duyệt cấp phép khai thác đá thật nghiêm khắc, ai ký thì người đó chịu trách nhiệm cụ thể, may ra mới bảo vệ được di sản địa chất triệu năm tuổi.

“Ăn thịt” di sản
Cuối tháng 9-2010 (một tháng trước khi UNESCO chính thức vinh danh cao nguyên đá là công viên địa chất toàn cầu) chúng tôi có một chuyến khảo sát. Ngay sát đường Hạnh Phúc (con đường lớn nhất, duy nhất xuyên suốt cao nguyên Đồng Văn), chúng tôi vẫn gặp cảnh phá đá ầm ầm.

Thậm chí ngay gần UBND xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc), nơi được báo cáo là đã họp dân và thống nhất quan điểm bảo vệ di sản địa chất toàn cầu, người ta vẫn ồ ạt đẽo đá. Trận địa đá bị phá tan hoang, trắng lốp.

Nơi đây đã được các nhà địa chất địa mạo cực kỳ chú ý với các rừng đá, hoang mạc đá, đàn thú đá hình thù kỳ dị. Đá được phá bằng máy, vận chuyển bằng ôtô, bị nghiền đóng thành gạch xếp chất ngất ven đường, ngay trong khuôn viên trường tiểu học xã, không thể nói là không ai nhìn thấy.
Ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, chúng tôi còn chứng kiến cảnh ngang nhiên phá đá, nghiền đá, vận chuyển bằng ôtô nhả khói đen kịt. Gần thị trấn Đồng Văn, cách tỉnh lộ 4D khoảng 100m, chúng tôi gặp các công trường phá đá mênh mông, máy nghiền đá mắc điện 3 pha, bà con bảo “phá đá thế này nhiều năm rồi, bỏ nghề thì lấy gì mà sống”.

Đoàn khảo sát choáng váng khi thấy các rừng thú đá, hoang mạc đá, rừng hoa đá xám đen mà tất cả đều được... viền trắng hoặc phần chóp mũi mỗi hình thù đều có màu trắng như đeo khăn tang. Lại gần thì ôi thôi, các “kỳ hoa dị thảo”, “muôn loài hội tụ” bằng đá năm ngoái mình vừa chụp ảnh, năm nay đã bị đẽo sạch.

Có lẽ nhiều bức ảnh lưu trong hồ sơ đề nghị công nhận “công viên địa chất toàn cầu” cho cao nguyên đá, bây giờ mà so lại thì cảnh vật bị biến dạng khá nhiều.

Bà con rất “hồn nhiên”, đá khối hàng triệu tấn từ thuở tạo sơn thì khó đẽo, đá ở xa đường thì khó khiêng về, thế là họ cứ tìm các chỏm chóp nhô lên, xinh xẻo, vừa một vác vai, lại thò ra rất tiện tay... để ghè đẽo. Thế là họ “chặt”.

“Bãi hải cẩu đá” và “rừng hoa đá” là nơi người đẽo đá thích nhất, vừa tay nhất, mỗi cái mõm, cái chân hải cẩu, mỗi cánh hoa đá là đủ để hai người khiêng ra, mang về làm vật liệu. Thế là tất cả đều bị loang lổ, vỡ đổ, sứt mẻ, đá xám ngoét khắp vùng biên cương bây giờ đều trắng lốp.

Đường đi Khâu Vai, Lũng Pù, Cán Chu Phìn, sang Đồng Văn, về Sà Phìn, ngược Lũng Cú, chỗ nào cũng tan hoang.

Có một bài học buồn bã thế này: không ai lên công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mà không mê mải với cổng trời Quản Bạ. “Đứng trên cổng trời Quản Bạ/ Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian”.

Từ Quản Bạ, phóng tầm mắt sẽ gặp núi Cô Tiên - Cặp Vú Cô Tiên. Tức là hai trái núi tròn, nhẵn, mơn mởn, đều nhau, so le, “mọc” ở vị trí rất hữu tình, không ai nhìn mà không liên tưởng tới “cặp tuyết lê” của tiên nữ, nhân thế ngàn đời qua bà con, du khách, các nhà khoa học mới đặt thành tên. Cổng trời Quản Bạ/ núi Cô Tiên là hai điểm nhấn “chiến lược” của du lịch công viên địa chất Đồng Văn.

Tuy nhiên, mới đây người ta đã làm đường, đã khoét, bạt, bới, đào ở một mỏm núi bên cạnh “cặp tuyết lê”. Núi trắng hếu, nham nhở, khiến ai đứng trên cổng trời Quản Bạ ngắm Vú Cô Tiên cũng nhăn mặt nhưng sai lầm kia vẫn không tài nào sửa được. Nếu không khéo quản lý, những bài học kiểu này sẽ còn nhiều nhiều nữa.

Nhát búa tạ phá trăm triệu năm
Tất nhiên, so với di sản thiên nhiên thế giới, các quy định quản lý công viên địa chất toàn cầu có chút ít “nới lỏng” hơn, cho phép khai thác có điều tiết, đồng thời quản lý sử dụng bền vững các sản phẩm địa phương phục vụ dân sinh và du lịch, nghiên cứu.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa để người ta tự do chặt đẽo đá, phá nghiền đá bừa bãi ở mức độ “ăn thịt” di sản như những gì đã và đang diễn ra.

Không phải chờ đến ngày các trái núi biến mất do phá đá bằng máy móc và thuốc nổ, chưa cần đến khi các thủy điện ồ ạt dâng nước vĩnh viễn nhấn chìm các vách núi, hang động, bản làng rộng lớn và kiều diễm của miền biên viễn đá xám kia; chỉ cần vài nhát búa tạ, vài người phu cầm búa ghè đẽo các bông hoa đá, các vườn thú và hoang mạc đá... chỉ chừng đó cũng đủ làm biến mất, biến dạng nhiều giá trị muôn một của trăm triệu năm kiến tạo vỏ trái đất, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cao nguyên đá.

Một cuộc ra tay hiệu quả, một cuộc thanh kiểm tra các dự án, công trình làm biến dạng, thay đổi cảnh quan, địa mạo cao nguyên đá (cả trong “công viên” và phụ cận liên quan), một sự rà soát các tác động môi trường do ba dự án thủy điện gây ra... là đòi hỏi cấp thiết lúc này.

(còn tiếp)
 
Vết sẹo trên cao nguyên đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của của Đỗ Lãng Quân
(khởi đăng trên Tuổi Trẻ Online từ 14.10.2010)

(tiếp theo và hết)

Vinh danh cho đá, làm gì cho dân?

TT - Khi phản ánh thực trạng phá đá ở Đồng Văn có nguy cơ làm biến dạng công viên địa chất toàn cầu, những người trong cuộc có trách nhiệm đã lên tiếng, cho thấy đằng sau danh hiệu “toàn cầu” kia, việc tổ chức đời sống cho người dân ở cao nguyên đá Đồng Văn vẫn còn nhiều khó khăn.

* Ông Phạm Quang Tân (chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang):

* Theo ông, làm sao để chấm dứt tình trạng khai thác đá gây ảnh hưởng đến mỹ quan, giá trị di sản của công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn?

- Địa phương đã tiến hành quy hoạch vùng khai thác đá, làm sao để công việc này không ảnh hưởng đến các giá trị của công viên địa chất toàn cầu. Phải tránh các vùng đã được khoanh vùng quy hoạch làm công viên, tránh các khu vực có hóa thạch cổ, cổ sinh địa tầng, các khu vực địa mạo đẹp... Chúng tôi cũng đã được quán triệt điều này và đã họp dân phổ biến.

Tuy nhiên, nếu bây giờ mà cấm toàn bộ việc khai thác đá cũng không nên. Bởi vật liệu xây dựng ở khu vực này không lấy đâu ra cả (ngoài bột đá). Chở gạch đá từ dưới xuôi lên thì không được, đường xa xôi, đèo dốc khiến giá bị đội lên rất nhiều. Thực tế thì bà con vẫn làm (khai thác đá).

* Nhiều người đặt vấn đề một trong những cách để tránh khai thác đá tràn lan, không quản lý được, gây mất mỹ quan công viên địa chất toàn cầu là tìm vật liệu thay thế đá và bột đá cho bà con bốn huyện vùng cao?

- Trên này (cao nguyên đá) không có đất để nung gạch (toàn đá); hai nữa, nhiều nơi có chút đất màu thì để sản xuất (bà con phải đổ từng vốc đất vào hốc đá để tra hạt ngô) và cũng không đảm bảo chất lượng (không phù hợp) cho việc nhào nặn rồi nung thành gạch. Chỉ còn cách là quy hoạch các vùng và cho phép bà con khai thác đá với sự cấp phép, xét duyệt mang tính khoa học của Sở Tài nguyên - môi trường và cơ quan hữu trách.

* Theo cá nhân ông thì việc ghè đẽo đá trên diện rộng như vậy có làm xấu cảnh quan không?

- Những chỗ gần đường giao thông, đá bị ghè đẽo, phá núi, “tai mèo” của đá tai mèo bị đập đi, chặt mất thì xấu cảnh quan là rõ rồi. Các thủy điện đang được thi công cũng vậy, họ mở đường, phá đá, nghiền đá, tác động đến cảnh quan là không tránh khỏi.

* Nước sông Nho Quế sẽ dâng cao lên bao nhiêu mét so với mặt sông lúc chưa làm thủy điện, sau khi các hồ chứa được hình thành, các tổ máy của ba công trình thủy điện trên 10km sông kia cùng phát điện? Nhiều cảnh quan, địa mạo, di sản bị chìm ngập dưới lòng hồ, điều đó có ảnh hưởng tới giá trị của công viên địa chất toàn cầu không?

- Sông Nho Quế có độ dốc sông rất lớn. Chỉ mấy cây số từ đỉnh Mã Pí Lèng vào xã Khâu Vai mà có ba thủy điện, hai cái đang thi công rầm rộ. Họ mở đường lấy luôn đá đó nghiền ra mà làm thủy điện.

* Ông Ma Ngọc Giang (giám đốc Ban quản lý công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn):

Không thể nằm trên đá mà không khai thác đá

Đối với người dân, việc khai thác đá đã có từ nghìn đời. Trước đây không ai cấm người dân đập phá đá cả, giống như trước đây người ta vẫn tặng bằng khen cho những người phát nương, phá rừng vậy. Phá đá là việc của họ, họ muốn canh tác, xây nhà, làm tường rào bắt buộc phải phá đá... Họ không biết là đã vi phạm đến cái gì cả.

Bây giờ dưới con mắt của các nhà khoa học, khách du lịch thì cao nguyên đá là di sản (công viên địa chất toàn cầu) mà chúng ta phải giữ, nhưng nói về góc độ di sản địa chất thì có rất nhiều yếu tố khác nhau, sự phá hoại do khai thác đá - chủ yếu đập đi cảnh quan là chính, còn sự hình thành kiến tạo của vỏ trái đất ở toàn bộ khu vực có những di sản rất lớn. Ví dụ: khe lún của Mã Pí Lèng sâu tới mấy trăm mét, bằng đôi tay dân có phá nghìn đời cũng không hết.

Không thể không cho người dân khai thác đá, nhưng thay vì để họ phá đá, ta phải tìm cho họ cách khác để phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa, mở rộng ruộng nương. Còn đối với những công trường xây dựng thì khai thác đá là điều tất yếu, không thể nằm trên đá mà không khai thác đá để xây dựng, không thể nào làm đường mà không phá đá. Trước đây tiện chỗ nào người ta khai thác chỗ đó. Nay ta phải quy hoạch những điểm khai thác lớn, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng đệm, vùng cho phép khai thác đá... làm sao để các công việc dân sinh kia không ảnh hưởng đến cảnh quan, không vi phạm các quy định (bảo vệ công viên địa chất toàn cầu).

* PGS.TS Trịnh Dánh (nguyên giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, người lập đề án các công viên địa chất, khu bảo tồn địa chất ở nước ta):

Di sản có giá trị thì nhất quyết bảo vệ

Muốn có công viên địa chất, đầu tiên phải có di sản địa chất. Ta cần xác định trong công viên địa chất kia di sản nào là quan trọng nhất, là cái cốt lõi của nó, nó tiêu biểu cho công viên địa chất đó.

Ở công viên địa chất Đồng Văn, nó là vùng công viên đá vôi, trong đó có di sản địa tầng cổ sinh, hóa thạch cổ, địa hình địa mạo - thế thì cái nào phải giữ tuyệt đối những chỗ trọng điểm. Một số nơi còn lại có thể cho người ta mở mang để phát triển kinh tế, nhưng trên nguyên tắc phải không xâm hại đến phần lõi kia. Việc xâm hại cảnh quan đôi khi đã đủ để giết chết cả di sản địa chất.

Ví dụ như khu vực Đồng Giao (Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), như đã biết, chúng tôi đã đề nghị công nhận là khu bảo tồn địa chất cấp quốc gia. Thế rồi địa phương ấy cho mở đường, phá đá, làm nhà máy ximăng, phá vỡ hết cảnh quan; thế còn các giá trị quý báu về địa mạo thì nó nằm tít ở bên trong lòng núi, trong khu vực khó tiếp cận, ai vào đó mà xem được! Dự án coi như bị xóa sổ.

Hay như các lớp rừng hóa thạch vô giá ở Na Dương (Lạng Sơn), giờ biến nó thành công trường tan hoang như thế thì có xây dựng công viên kiểu gì ở đó, đầu tư bao nhiêu đi nữa cũng chẳng ai thèm đến xem đâu. Tóm lại, vấn đề đặt ra là phải xếp loại các di sản địa chất cho kỹ, những di sản có giá trị thì nhất quyết phải bảo vệ.

ĐỖ LẴNG QUÂN thực hiện
 
NGƯỢC DÒNG SÔNG MEKONG THỜI HOANG DÃ 1866 - 1873 (Sông Mekong, Châu Á)
Ngô Thế Vinh

ABSTRACT: Only some one hundred years ago, the Western world did not know the source of the mighty Mekong river and the nature of its course. River Road to China, the Mekong River Expedition 1866-1873 by Milton Osborne is a book based on the explorers‘s own writings. It is not only a story but also a history. It traces the adventure of Doudart de Lagre’, Francis Garnier and their friends.These six Frenchmen headed a heroic expedition in an attempt to solve the Mekong mystery and to search for a navigable route from Saigon to China. They left Saigon in 1866, moved slowly forward, never knowing what lay ahead. Obstacles like falls, floods, forest fever, dysentery and death took their toll.

When the expedition ended in 1868, two long years after it had begun, the search for a trade route to China still unachieved. Francis Garnier was the dominant and fascinating figure of the French Expedition Team.For Garnier, the advance of France into the countries of the Far East for Mission Civilisatrice - was a cause to dream about, to sacrifice for and finally to die for.On June 29, 1868 by way of Shanghai Garnier returns to Saigon with Lagre’‘s coffin and with the disappointment of an incomplete mission.On October 11, 1873 Garnier left Saigon for Tonkin (North Vietnam).On November 20, Garnier captured the Hanoi Citadel. A century after the French Expedition, the Mekong river has not changed dramatically. However, the waning of war in Indochina brings about hope for regional cooperation and prosperity.This has consequently given rise to project of series of dams and reservoirs.The turbulent Mekong once again becomes a river with promises to keep.


Từ Tây Tạng tới Việt Nam, dọc theo suốt chiều dài của con sông Mekong (đứng hàng thứ 3 (7?) của Châu Á và hàng thứ 12 của cả thế giới) đang có những dự án xây dựng và phát triển các đập thủy điện đem lại hy vọng thịnh vượng cho các quốc gia trong vùng nhưng đồng thời cũng gây mối e ngại về những tác hại không thể lường trước được trên môi sinh.

• DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

Câu chuyện sông Mekong đã và đang ngày một gắn bó với tương lai vận mệnh của Việt Nam. Sắp qua rồi thời kỳ hoang dã của con sông dài hơn 4200 cây số chảy qua lãnh thổ của bảy nước (kể cả Tây Tạng) nhưng ngót một nửa chiều dài chảy ngang trên lãnh thổ Trung Quốc. Đã 6 năm (*bài viết 4/97) kể từ ngày Thomas O’Neill ký giả tờ National Geophaphics hoàn tất chuyến du hành xuôi dòng sông Mekong bắt đầu từ thượng nguồn cao nguyên Tây Tạng xuống hạ lưu sông Cửu Long ra tới cửa Biển Đông; và cũng đã hơn 130 năm kể từ ngày một nhóm nhỏ người Pháp khởi hành từ Sài Gòn ngược dòng sông ấy để đi tìm một thủy lộ mở đường giao thông với Trung Hoa. Cùng với Milton Osborne, tác giả “River Road to China_ The Mekong River Expedition 1866-1873” chúng ta thử tìm lại khoảng thời gian đã mất trong chuyến đi hào hùng nhưng không kém phần bi thảm của đoàn thám hiểm Pháp vào hậu bán thế kỷ thứ 19 trong bối cảnh từng bước thực dân Pháp tiến tới thuộc địa hóa toàn cõi Đông Dương. Tưởng cũng nên lưu ý bạn đọc tên tuổi viên sĩ quan hải quân Francis Garnier không chỉ là phó trưởng đoàn thám hiểm sông Mekong, cũng chính Garnier là người chỉ huy cuộc đánh chiêm Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 1873, áp đặt nền đô hộ của Pháp trên cả ba kỳ của Việt Nam.

• VỚI NHỮNG TÊN KHÁC NHAU

Do con sông chảy qua những vùng dân cư nói bằng nhiều ngôn ngữ, có ít nhất 5 ngôn ngữ chính: Hoa, Miến, Thái (gồm cả Lào), Cam Bốt và Việt Nam; đó là chưa kể những thổ ngữ của các sắc dân thiểu số sống rải rác trong vùng. Các học giả cũng đã từng tranh luận về ý nghĩa những tên khác nhau của con sông. Ban đầu vì không biết được thượng nguồn, người ta gọi tên bằng lãnh thổ nó đi qua, như người Pháp đã dùng tên le Cambodge để gọi khúc sông chảy qua nước này. Riêng người Trung Hoa khi thì gọi là Lan Thương Giang, người Lào có tên Mea Nam Khong hay sông mẹ, người Cam Bốt có tên riêng Tonle Thom có nghĩa là con sông lớn, hay người Việt Nam có tên Cửu Long để chỉ con sông của họ. Nhưng rồi do ảnh hưởng của Anh Pháp và Thái Lan, tên sông Mekong được giới chức ngoại giao chấp nhận trên bản đồ, có lẽ bắt nguồn từ một tên gốc Thái, theo cách phiên âm của người Bồ đào nha, với tên gọi Mecon, Mecom hay Mekong_ có ý nghĩa thơ mộng là “ø mẹ của các con suối.”

Từ nay và trong suốt bài này Mekong sẽ là tên gọi của con sông từ thượng nguồn xuống tới cửa Biển Đông.

• MỐI QUAN TÂM TỪ SÀI GÒN

Năm 1860, Pháp đã thiết lập được nền hành chánh bảo hộ ở Sài Gòn. Nhưng theo báo Courrier de Saigon lúc ấy thì cuộc sống những người Pháp ở đây đã chẳng sáng sủa gì: họ luôn luôn bị đe dọa bởi các bệnh miền nhiệt đới, nhiều người chết rất trẻ ở cái tuổi mới ngoài ba mươi vì những loại bệnh sốt, sốt rét và kiết lỵ. Một số người sống sót thì có thái độ chịu đựng; nhưng một số khác thì tỏ vẻ bất mãn về giá trị thương mại của thuộc địa Nam Kỳ lúc đó nên muốn tìm tới một triển vọng làm ăn khá hơn cho chính họ và cho cả nước Pháp và họ bắt đầu quan tâm tới khả năng khai thác con sông Mekong.

Cũng thời gian đó đã có những cuộc thảo luận về điều mà họ gọi là “ý tưởng lớn ”. Người khởi xướng và hướng dẫn các cuộc thảo luận đó không ai khác hơn là Francis Garnier lúc đó mới 24 tuổi đang giữ chức vụ đô trưởng Chợ Lớn. Là một sĩ quan hải quân trẻ tuổi vóc người thon nhỏ nhưng lại đầy tham vọng nên được các bạn đồng sự gán cho biệt danh “cô gái Nã Phá Luân_ Mademoiselle Bonaparte.” Garnier không chỉ đam mê với viễn tượng các cuộc phiêu lưu tới “những vùng chưa biết không thể cưỡng lại được ấy”, nhưng anh ta còn có niềm tin rằng “một quốc gia như nước Pháp, mà không có thuộc địa là một quốc gia chết.” Tới năm 1865, ước muốn khám phá sông Mekong hầu như được chấp nhận rộng rãi từ giới chức thuộc địa Nam Kỳ lẫn phía bên Pháp. Và kết quả những cuộc họp ấy đã đưa tới sự hình thành một đoàn thám hiểm. Họ gồm sáu người, tuổi trẻ rạng rỡ và có học thức, sống giữa thế kỷ 19_ thế kỷ của chịu đựng và khắc kỷ. Họ có chung tham vọng về mở mang thêm thuộc địa, tranh giành ảnh hưởng với người Anh và cả tin về chức năng khai hóa_ mission civilisatrice, của nước Pháp đối với các dân tộc Á Phi mà họ cho là còn bán khai.

Điều ngạc nhiên Garnier không phải là trưởng đoàn mà là một người khác: Doudart de Lagrée, 42 tuổi, một con người trầm tĩnh, tốt nghiệp trường Bách Khoa, cũng là sĩ quan hải quân, lúc đó đang là đại diện của Pháp ở triều đình Nam Vang từ hai năm. Francis Garnier, cá tính đối nghịch với Lagrée, đam mê sôi nổi, tin tưởng mạnh mẽ ở tiềm năng sông Mekong như một thủy lộ dẫn tới sự trù phú của miền nam nước Trung Hoa, phó đoàn. Louis Delaporte, sĩ quan hải quân, 24 tuổi nhạc sĩ tài tử và là một họa sĩ ký họa mới tới Nam Kỳ một năm, với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh sinh hoạt của đoàn thám hiểm. Clovis Thorel và Lucien Joubert không chỉ là hai bác sĩ trong đoàn, Thorel là nhà nghiên cứu thực vật còn Joubert giữ vai trò chuyên viên địa chất. Louis de Carné, người trẻ tuổi nhất được nhập đoàn với tư cách đại diện bộ ngoại giao Pháp do gốc gác là cháu của La Grandière đang là thống đốc Nam Kỳ lúc đó. Dĩ nhiên phải kể tới con số 16 người được tuyển mộ làm thông ngôn và phu phen tháp tùng theo đoàn trong đó có 7 người Việt Nam. Ngoài vàng bạc thỏi, đô la và tiền Thái dùng làm lộ phí cho đoàn, họ còn mang theo 150 kiện đồ dùng và thực phẩm, dĩ nhiên có cả rượu gồm 700 lít rượu vang cộng thêm với 300 lít rượu mạnh khác. Họ khởi hành từ Sài Gòn trong bước đầu của một cuộc hành trình hoàn toàn êm thấm và đầy ắp lạc quan tới thủ đô Nam Vang, bắt đầu một sứ mạng lớn lao mà Đô đốc hải quân Pháp Paul Reveillère cho là: “Có tầm vóc xứng đáng với đam mê của thế kỷ.”

(còn tiếp)
 
Last edited:
NGƯỢC DÒNG SÔNG MEKONG THỜI HOANG DÃ 1866 - 1873 (Sông Mekong, Châu Á)
Ngô Thế Vinh

(tiếp theo)

• SAMBOR THÁC GHỀNH ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT MIÊN

Năm 1866: ngày 05 tháng 06, đoàn rời Sài Gòn trên một chiến hạm có võ trang, khởi đầu đi Kompong Luong ngay phía bắc Nam Vang, họ cũng đến thăm khu đền đài Angkor trước khi tới Nam Vang . Ngày 07 tháng 07, đoàn từ Nam Vang đi Kratié theo hướng đông băéc. Trước mắt không xa là thị trấn Sambor với một vùng ghềnh thác đầu tiên rõ ràng không thể vượt qua bằng tàu. Họ phải cần tới 2 ngày ròng để chuyển đồ từ tàu lên bờ rồi chất xuống những chiếc thuyền độc mộc, phương tiện duy nhất để đưa đoàn thám hiểm ngược dòng về hướng bắc. Chỉ là những thuyền nhỏ không có động cơ, sức đẩy chỉ là do người chèo chống nhưng rồi họ cũng tới gần được chân thác Sambor. Đó là một con thác mênh mông chảy siết vào mùa nước lũ nhưng vào mùa khô thì chồi lên những cồn bãi giữa vô số những con thác nhỏ. Bây giờ là giữa tháng 7 đang mùa lũ, con sông trải rộng tới hàng dặm, nước dâng cao hơn thêm năm mét so với mức thấp bình thường, ngập hết cồn bãi, chỉ còn thấy nhô lên từ mặt nước là những chòm cây vật vã trong gió. Sức nước thì chảy siết, thuyền chỉ chậm chạp nhích tới được bằng sức kéo của đoàn người đi dọc theo bờ sông phía đông.

Chưa ý thức được những khó khăn khác đang chờ họ ở phía trước; tại thác Sambor, Garnier vẫn lạc quan tin tưởng rằng khúc thác có thể vượt qua với tàu có mã lực lớn. Nhưng chỉ cần sang tới ngày hôm sau, họ đã tới khúc thử thách nhất của con thác. Họ chẳng còn thấy giới hạn đâu là bờ bãi, đâu là dòng chính, chỉ thấy những đoạn nông sâu thật bất chợt. Không có cả bãi nghỉ, đoàn phải ở lại trên thuyền qua đêm không ngủ trong sấm sét và mưa bão. Qua bao nguy hiểm, cuối cùng họ cùng vượt qua được 50 cây số của thác ghềnh để tới được Stung Treng. Tại đây trong khi Lagrée trưởng đoàn muốn thám hiểm phụ lưu Se Kong, thì Garnier lại chọn cuộc phiêu lưu khá kỳ cục là xuôi trở lại theo con thác bên phía hữu ngạn với hy vọng tìm cho được thủy lộ an toàn đi từ thị trấn Sambor tới Stung Treng. Một ý muốn mà những người Miên tháp tùng giàu kinh nghiệm cho là điên khùng nên đã không tuân lệnh cho dù được hứa hẹn trả công gấp đôi. Cuối cùng Garnier phải rút súng hăm dọa nên họ phải miễn cưỡng đi theo. Sau đây là mấy dòng nhật ký của Garnier ...trên dòng nước chảy siết và đã quá trễ để quay trở lại. Con nước lao tới như mũi tên bắn, giận dữ cuồng nộ sủi bọt khi gặp sức cản của những ngọn cây hay mô đá. Chỉ một sơ xuất con thuyền chúng tôi có thể vỡ tan ra thành từng mảnh vụn. Và bấy giờ thì Garnier ý thức được rằng chẳng có tàu bè nào có thể vượt qua được con thác Sambor ấy.

Khi Garnier trở lại được Stung Treng thì cuộc hành trình đã kéo dài gần hai tháng, và bao nhiêu hy vọng ban đầu gần như là tiêu tán. Nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc khảo sát và tiến tới. Trong không khí chẳng mấy lạc quan ấy, thì Garnier và Joubert bắt đầu ngã bệnh. Không phải kiết lỵ mà là bệnh “sôt rừng_ forest fever”, trong khi Joubert may mắn hồi phục trong mươi ngày thì Garnier bị hôn mê kéo dài suốt ba tuần lễ. Cho dù Garnier trong tình trạng tính mạng bị đe dọa, Lagrée trưởng đoàn quyêt định tiếp tục cuộc hành trình mang theo người phó đoàn trên thuyền dù còn đang bất tỉnh. Bốn ngày sau đoàn tới gần chân thác Khone và cũng là ngày Garnier bắt đầu tỉnh lại nhưng sức khỏe thì suy kiệt với tóc rụng da bong và chân trái hầu như bị liệt. Garnier chỉ thực sự hồi phục sáu tháng sau bằng tất cả sức mạnh của ý chí và lòng ham sống. Bản tường trình của đoàn thật vắn tắt không chút xúc cảm gửi về cho thống đốc Nam Kỳ La Grandière với dòng chữ cuối như sau “Tình hình sức khỏe đoàn nói chung là tốt so với điều kiện mà chúng tôi hiện sinh sống.”

• THÁC KHONE, LẠI MỘT THỬ THÁCH TRÊN ĐẤT LÀO

Họ đã nghe nói tới thác Khone, họ đã từng tưởng tượng đó như một Niagara thứ hai, nghĩa là một thác nước duy nhất đổ trút xuống từ trên cao. Nhưng rồi đó chẳng phải một Niagara, mà lại là một chuỗi những ghềnh và thác trải dài gần 14 cây số đan móc vào với nhau từ bờ bên này tới bờ kia. Cảnh tượng thật ngoạn mục với vang ầm tiếng nước đổ sủi bọt tung tóe trên các ghềnh đá xa gần khác nhau. Qua chuyến thám sát sơ khởi, Lagrée nhận định rằng không thể nào di chuyển theo dòng chính, các con thác cao nhất thì ở bờ phía tây, chỉ còn bờ phía đông là khả dĩ đoàn có thể dùng thuyền nhỏ di chuyển. Sức mạnh của con nước có thể thấy rõ từ chân thác với xác chết của cá và cả cá sấu từ trên cao bị cuốn đập vào những khe đá. Họ còn phải đương đầu với cả những hiểm nguy chết người khác: như cọp dữ và các loại ác thú, riêng Delaporte cũng đã suýt chết vì nạn cát lún, đó là chưa kể nỗi kinh tởm hầu như hàng ngày của muỗi và đỉa vắt. Như dự tính, đoàn men theo bờ đông tiến một cách chậm chạp ngược dòng nước chảy siết; và phải mất hơn một ngày trời để vượt một đoạn đường chỉ có vài dặm để tới được đảo Khong ở phía trên con thác. Tại đây đoàn được tiếp đón nồng hậu, lần đầu tiên lại được ăn thịt bò tươi sau hơn hai tháng rời Nam Vang. Họ tiếp tục đi thêm 5 ngày theo đường sông để tới được Bassac. Đó là một thị trấn khá lớn ở phía tây ngạn của con sông.

Từ đây Garnier dẫn một đoàn nhỏ đi khảo sát phụ lưu Se Don chảy vào sông Mekong phía bắc Bassac. Họ cũng cố tìm mỏ bạc ở đây theo lời đồn nhưng không có. Khảo sát sinh hoạt dân cư ở Bassac, người Pháp đã ghi nhận nếp sống nhàn nhã mà họ cho là “lười biếng” của người Lào tại đây. Tưởng cũng nên ghi nhận là đoàn thám hiểm luôn luôn phải tách ra thành các toán nhỏ do nhu cầu khảo sát thực tế và vẽ bản đồ từng vùng. Lagrée phụ trách thám sát cao nguyên Bolovens ở phía đông sông Mekong, rồi Attopeu. Nay đến lượt đến lượt Lagrée bị ngã bệnh nặng. Lại vẫn bệnh sốt rừng đáng kinh sợ của xứ Lào khiến Lagrée rũ liệt cả tay chân. Sau hơn 4 tháng kể từ ngày rời Sài Gòn, ngày 25 tháng 12, đoàn rời Bassac đi Ubon thuộc vùng đông bắc Thái Lan.

Cho tới giai đoạn này, ngoài sự quyết tâm, lòng can đảm và sức chịu đựng của đoàn thám hiểm, hình như họ vẫn chưa chịu chấp nhận một sự thật rõ ràng là con sông Mekong không thể là một thủy lộ để trao đổi thương mại giữa Nam Việt Nam và Trung Hoa.

Năm 1867: ngày 10 tháng 01, Garnier tách đoàn đi Angkor, trở lại Nam Vang trong nỗ lực kiếm giấy thông hành cho đoàn để có thể vào Trung Quốc. Ngày 20 tháng 01, đoàn rời Ubon đi Uthen. Ngày 10 tháng 03, sau 2 tháng rời đoàn, Garnier đã vượt qua chặng đường hơn 1500 cây số phần lớn bằng đường bộ trong những điều kiện ngặt nghèo. Garnier trở lại nhập đoàn tại Uthen để cùng đi Vạn Tượng. Sau hơn 9 tháng Delaporte đã ghi chú được mấy trăm bức ký họa tuyệt đẹp bằng bút chì và màu nước, để sau này chuyển vào bản khắc gỗ như những trang ký sự bằng hình sống động nhất về thành quả hoạt động của Đoàn Thám Hiểm Sông Mekong vào giữa thế kỷ 19. Ngày 02 tháng 04, đoàn tới Vạn Tượng, chứng kiến dấu vêát tàn phá của người Thái trong quá khứ trên thủ đô tráng lệ này; nhưng riêng ngôi chùa Phật Wat Phakeo của hoàng gia vẫn còn đó, duy ngọc xá lợi đã bị lấy mất, có lẽ bị đưa về Thái Lan. Đoàn thám hiểm Pháp cũng đã tự ý lấy đi những bộ sách cổ quý giá trong thư viện chùa Si Sakhet với lý do biện minh “vì lợi ích khoa học.” Cuối cùng họ tới thăm That Luong, ngôi đền nổi tiếng nhất của Vạn Tượng được dựng lên từ thế kỷ 16_ là niềm hãnh diện và cũng là biểu tượng của nước Lào; (ngay cả với người cộng sản Pathet Lào sau này cũng đã in hình That Luong trên đồng bạc mới của họ bên cạnh hoạt cảnh các chiến sĩ chống máy bay Mỹ trên Cánh Đồng Chum.)

Ngày 04 tháng 04, đoàn rời Vạn Tượng trở lại với đường sông từ Pak Lay đi Luang Prabang. Nhưng hơn 150 cây số dọc theo con sông là đồi núi trắc trở không có ngả vào, con sông thu hẹp lại với những thác ghềnh chạy giữa những khe núi đá và nếu vào mùa lũ thì vô phương di chuyển. Bây giờ đang còn là tháng 4 mùa khô, di chuyển cũng đã thật là chậm chạp và khó khăn, chỉ trông vào sức người kéo. Ròng rã suốt 3 ngày họ chỉ mới nhích tới chưa được 20 cây số với giày dép thì rách bươm do bờ sông đầy sỏi đá. Tiếp đến là khúc bờ sông cỏ mọc trên bùn lầy với nhung nhúc bầy đỉa đói nhưng rồi cuối cùng đoàn cũng tới được Chiang Khan, danh giới phía nam của Luang Prabang. Đoàn thám hiểm Pháp cũng đang tiến gần tới vùng ảnh hưởng của người Anh từ phía Miến Điện, với nơm nớp nỗi lo ngại sẽ bị người Anh phỗng tay trên tất cả công lao như những người đầu tiên khảo sát vùng thượng nguồn sông Mekong và vùng ảnh hưởng chính trị của họ. Lagrée trưởng đoàn phải trấn an các bạn đồng sự là
chính họ sẽ làm hơn đối thủ người Anh bằng cách hoàn tất cuộc khảo sát con sông Mekong lên tới ngọn nguồn bên cao nguyên Tây Tạng.

Thời gian sau này đã chứng tỏ lời tuyên bố của Lagrée chỉ là lời hứa xuông. Sang đến ngày 23 tháng 04, đoàn lại phải đối đầu với một khúc ghềnh thác nữa. Một lần nữa họ lại phải rỡ đồ xuống khỏi thuyền để có thể tiếp tục cuộc hành trình cho dù vô cùng chậm chạp. Nhưng rồi cuối cùng họ cũng tới được Luang Prabang, một thị trấn đang phát triển về thương mại, được bảo hộ bởi cả Thái Lan và Việt Nam nhưng lại khá xa 2 kinh đô Bangkok và Huế. Sau 4 tuần lễ lưu lại thị trấn này mà thời gian như những ngày hội_ en fête, sinh lực của đoàn như được hồi phục nhưng đồng thời con đường trước mặt là đầy những bất trắc.

(còn tiếp)
 
NGƯỢC DÒNG SÔNG MEKONG THỜI HOANG DÃ 1866 - 1873 (Sông Mekong, Châu Á)
Ngô Thế Vinh

(tiếp theo)

• CỬA VÀO TRUNG QUỐC

Từ ngày rời Sài Gòn, đoàn hầu như bị cô lập với mọi nguồn tin tức. Những hướng dẫn mà họ nhận được từ đô đốc La Grandière đã cũ từ một năm trước ngày khởi hành. Nghĩa là cũng rất mù mờ, khiến Lagrée với tư cách trưởng đoàn chọn thái độ “phản ứng theo hoàn cảnh”. Trước mặt tình cảnh hiện giờ ra sao họ không được biết. Họ chỉ nghe nói có phong trào người Hồi giáo nổi loạn dai dẳng ở tỉnh Vân Nam từ năm 1855; nay nếu đoàn tiến vào vùng tranh chấp ấy với giấy thông hành từ triều đình Bắc Kinh cấp thì quả là điều thiếu khôn ngoan. Đã thế sức khỏe của Lagrée ở cái tuổi 43, đã bị suy giảm trầm trọng qua cuộc hành trình đầy gian khổ, lại thêm bị các căn bệnh nhiệt đới hành hạ, khiến đưa tới câu hỏi là liệu Lagrée còn đủ sức lãnh đạo đoàn thám hiểm hay không, bên cạnh một Garnier đầy tham vọng và cá tính cũng rất khác. Khởi đầu Lagrée muốn chọn một lộ trình khác nhưng rồi cũng phải theo ý kiến Garnier là vẫn tiếp tục cuộc hành trình dọc theo con sông Mekong. Và đoàn đã để ra 2 tuần lễ chuẩn bị ngày lên đường với số hành trang thật tối thiểu. Các mẫu đất đá và tài liệu sưu tập bây lâu vẫn mang theo đoàn thì nay được đóng thùng gửi về trước qua ngả Bangkok. Nhìn lại chuyến đi đã kéo dài gần một năm với bước tiến triển chậm hơn xa mức dự trù và số tiền vàng dự trữ đem theo cũng sắp cạn.

Ngày 25 tháng 05, đoàn rời Luang Prabang đi Chiang Kong, Mong Lin, Mong Yawing, Keng Khang, Keng Hung. Sau hơn 5 tháng gian khổ tưởng như đến kiệt sức, ngày 18 tháng 10 đoàn thám hiểm qua được biên giới Trung Hoa vào Tư Mao_ Ssu-mao.

Sau 15 tháng rời Sài Gòn, có lẽ họ là nhóm người Âu đầu tiên thành công vào “đất hứa Trung Hoa” qua ngả biên giới này. Cả đoàn cảm thấy nhẹ nhõm cho dù tình hình tại địa phương cũng không sáng sủa gì: vụ người Hồi giáo nổi loạn vẫn còn, lại thêm bệnh dịch tả đang hoành hành khắp tỉnh Vân Nam. Từ đây, Lagrée quyết định tiếp tục đi Nguyên Giang_ Yuan-Chiang trên đường tới Côn Minh, thủ phủ củaVân Nam. Bất hòa với trưởng đoàn, Garnier thì lúc nào cũng nung nấu với ý muốn tìm cho ra cội nguồn con sông Mekong đồng thời làm sao tìm cho được một thủy lộ để tới Vân Nam. Ngày 16 tháng 11, đoàn tới Nguyên Giang, một thị trấn nằm bên bờ của một con sông khác. Sau hơn một giờ vượt lên một con dốc cao, cả đoàn bất ngờ đứng trước một khung cảnh hùng vĩ: trong khí hậu rất giống miền nhiệt đới, cả một dòng sông lấp lánh dưới nắng chảy cuộn từ tây bắc về hướng đông nam mà họ biết rằng đó là con Sông Hồng chảy vào miền Bắc Việt Nam.

Tại Nguyên Giang đoàn được tặng quà và tiếp đón nồng hậu. Sau đó là chặng đường tới Côn Minh. Ngày 26 tháng 11, đoàn xuống thuyền xuôi dòng tới Pa-Y. Từ đây đoàn phải chuyển sang đường bộ đi Kiến Thủy_ Chien-Shui. Từ Kiến Thủy còn phải mất 3 tuần lễ nữa để tới được Côn Minh. Riêng Garnier được sự đồng ý của Lagrée, thì vẫn tiếp tục suôi dòng mở cuộc thám sát Sông Hồng. Chưa bao lâu họ đã phải đi vào một vùng vách đá cao, rồi tiếp theo là những ghềnh thác mà theo Garnier thì vào mùa lũ vô phương có thể đi qua được bằng thuyền. Như vậy niềm hy vọng tràn trề ban đầu là không có cơ sở. Nhưng bây giờ không phải mùa lũ nên Garnier quyết định tiếp tục xuôi dòng Sông Hồng trong khi đám phu tháp tùng hoàn toàn không muốn. Lý do rất dễ hiểu là ngay sau đó, họ tới gần khúc sông chảy thật siết trước khi đổ vào một thác ghềnh vây quanh bởi những vách đá cao ngất. Garnier hiểu rằng bây giờ chẳng có tiền bạc hay đe dọa nào có thể bắt đám phu tùy tùng phải đi tới.

Cuộc khảo sát suôi dòng Sông Hồng tới đây kể như chấm dứt. Nhưng cũng chỉ rất sớm sau này Garnier được biết răng nếu xuống xa hơn nữa đến Lào Cay thì từ đây khúc sông Hồng sẽ là đường thủy thuận tiện để giao thông đi lại. Garnier sau đó quay trở lại Kiến Thủy và vẫn không ngừng bàn tán về tiềm năng của con Sông Hồng. Bắt nguồn từ kiêu căng và lòng yêu nước quá khích, khi đề cập tới vấn đề này, Garnier chỉ nghĩ tới quyền lợi đem về cho nước Pháp và cho rằng “đó thuần túy là vấn đề của riêng nước Pháp.” Đến lúc này thì Lagrée không thể không đồng ý với người phó trưởng đoàn nên trước khi chết, trong bản tường trình cuối cùng gửi về Sài Gòn, Lagrée lại nhắc tới Sông Hồng trong triển vọng thương mại từ Bắc Kỳ vào Trung Hoa. Có lẽ chính cả Lagrée và Garnier đều không biết rằng cùng lúc đó con buôn Jean Dupuis_ có tên Việt Nam là Đồ Phổ Nghĩa cũng đang thám sát khả năng lưu thông của Sông Hồng đi từ Bắc Việt lên Vân Nam. Vậy ai là người đầu tiên có “ý tưởng lớn” đó? Sau này thì chính Jean Dupuis lên tiếng nhận đó là phần công lao của mình.

Ngày 23 tháng 12, đoàn tới Côn Minh, đó là thị trấn lớn nhất mà họ đặt chân đến từ ngày đoàn rời Sài Gòn. Tại đây cũng là lần đầu tiên họ được gặp lại đồng hương là linh mục Potteau và phái đoàn truyền giáo Pháp. Vẫn theo Garnier thì “chinh phục thuộc địa hay truyền đạo Kitô đều chỉ là những ngả đường khác nhau dẫn tới sự vinh quang cho nước Pháp”. Năm 1868: ngày 08 tháng 01, đoàn rời Côn Minh và cũng biết rằng họ chỉ cách con sông Dương Tử vĩ đại khoảng hai tuần lễ đường bộ. Nếu xuôi theo con sông này đoàn sẽ nhanh chóng đặt chân tới Thượng Hải ở bờ biển phía đông Trung Hoa. Chọn lựa hấp dẫn đó có nghĩa là đi ngược lại mục tiêu ban đầu: thám hiểm miền viễn tây chưa biết của Châu Á. Sức khỏe của Lagrée lúc này hoàn toàn suy xụp đến mức không thể ngồi võng mà phải cáng đi theo đoàn; di chuyển chậm chạp trên khung cảnh cao nguyên trơ trọi đầy gió lạnh. Mãi tới tuần lễ thứ ba, với chặng cuối đi bằng đường sông, đoàn tới Hội Trạch_ Hui tse. Tại đây bằng những cố gắng phi thường, Lagrée vẫn gắng gượng ngồi dậy để tiếp xúc với giới chức địa phương với tư cách trưởng đoàn. Cùng một lúc bị viêm họng, sốt rét và nhất là bệnh kiết lỵ gây biến chứng ápxe gan, gần như kiệt sức, Lagrée phải làm việc với đoàn ngay tại giường bệnh. Lagrée nghe theo ý kiến Garnier để đoàn đi Đại Lý Ta-li tiếp tục cuộc khảo sát lên thượng nguồn sông Mekong. Và có lẽ đây là tài liệu cuối cùng mang chữ ký Lagreé với tư cách trưởng đoàn.

Ngày 30 tháng 01, đành lòng phải bỏ rơi Lagrée tại Hội Trạch cùng với bác sĩ Joubert; Garnier dẫn đoàn lên đường đi Đại Lý. Riêng Lagrée cho dù với một cơ thể đang chết dần ấy vẫn không nguôi khắc khoải về sự thất bại tìm một thủy lộ trên sông Mekong “không lẽ thời gian và nỗi chịu đựng của chúng tôi là hoàn toàn lãng phí chẳng đem lại lợi lộc gì cho nước Pháp.” Để bù đắp lại, Lagrée không ngừng nhắc tới con Sông Hồng như con đường dẫn vào Trung Hoa. Chứng kiến giữa cái sống và cái chết trước mắt của người trưởng đoàn, Joubert không còn chọn lựa nào khác hơn là đem Lagrée lên bàn mổ trong những điều kiện làm việc thô sơ nhất về dụng cụ và vô trùng. Vùng gan ápxe được rạch ra với nửa lít mủ và máu trộn lẫn, với kết quả tức thời Lagrée bớt hẳn các cơn đau và mấy hôm sau đã gượng dậy đi lại được. Nhưng thực ra trong lá gan Lagrée còn một ápxe thứ hai mà Joubert không biết và không đụng dao tới. Vì vậy mà sang tháng 3, bệnh tình Lagrée mau chóng suy xụp trở lại và kết thúc bằng cái chết không thể tránh. Khi giảo nghiệm tử thi, Joubert mới tìm ra ổ ápxe thứ hai bị bỏ sót. Xác Lagrée được mai táng tạm gần một ngôi chùa ngoài vòng thị trấn Hội Trạch.

(còn tiếp)
 
NGƯỢC DÒNG SÔNG MEKONG THỜI HOANG DÃ 1866 - 1873 (Sông Mekong, Châu Á)
Ngô Thế Vinh

(tiếp theo và hết)

Mãi tới ngày 2 tháng 4, Garnier mới nhận được tin Lagrée chết. Khi tới Đại Lý, tuy được gặp chức sắc Hồi giáo nhưng họ không tin đoàn đích thực là người Pháp mà là người Anh. Với Garnier thì đó là một sự xúc phạm cùng cực. Tin xấu tiếp theo là đoàn bị vị sultan_ vua Hồi từ chối tiếp kiến, đồng thời buộc đoàn phải rời Đại Lý ngày hôm sau. Không còn chọn lựa nào khác hơn, Garnier ra lệnh cho đoàn rời Đại Lý từ sáng tinh sương và phải mãi 11 ngày sau họ mới thực sự thoát ra khỏi vùng kiểm soát của người Hồi giáo. Trở lại Hội Trạch, sau cái chết của Lagrée, cuộc thám hiểm sông Mekong tới đây kể như thực sự chấm dứt. Đoàn còn lại 14 người rời Hội Trạch, đem theo quan tài Lagrée; ngày 20 tháng 04, họ xuống thuyền trên một phụ lưu của sông Dương Tử. Ngày 09 tháng 05, đoàn tới Hán Khẩu, tại đây lần đầu tiên Garnier gặp Jean Dupuis, một tay thương lái Pháp ở cái tuổi 40 với 8 năm sống ở Viễn đông, mặc y phục Á đông và thong thạo tiếng Trung Hoa. Lúc đó Jean Dupuis chuẩn bị xuống Vân Nam thương lượng cuộc buôn bán lớn về vũ khí. Mãi 5 năm sau Garnier và Dupuis mới gặp lại nhau lần thứ hai ở Hà Nội.

Từ Hán Khẩu đoàn đi Thượng Hải rồi xuống tàu về tới Sài Gòn ngày 29 tháng 06 năm 1868 với chiếc quan tài của người trưởng đoàn sau cuộc hành trình đầy gian khổ kéo dài hơn 2 năm 24 ngày với kết luận rõ ràng là sông Mekong không thể nào là thủy lộ giao thương từ Nam Việt Nam tới Trung Hoa.

Năm năm sau, Garnier từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ và đích thân chỉ huy cuộc đánh chiếm Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 1873.

• SẮP QUA ĐI THỜI HOANG DÃ

Thời gian tuy qua đi hàng trăm năm_ giữa hai chuyến đi, một của đoàn thám hiểm Pháp vào giữa thế kỷ 19, và một chuyến đi mới đây của ký giả Thomas O ùNeill cuối thế kỷ 20_ xen vào đó là ngót một nửa thế kỷ chiến tranh và bom đạn, vậy mà con sông Mekong hầu như vẫn di chuyển với nhịp độ của thủa xa xưa ấy: qua mùa khô rồi tới mùa mưa lũ, với con nước lên xuống và không ngừng đem phù sa tô bồi cho các vùng đất đai và nuôi sống những người dân sống quanh đó. Theo suốt chiều dài 4200 cây số của con sông ấy cũng chỉ mới có một thành phố lớn là thủ đô Nam Vang, cộng thêm vài con đập, một cây cầu mới Hữu Nghị Mittaphap nối thủ đô Vạn Tượng với thị trấn Nong Khai Thái Lan và bắt đầu có một khu kỹ nghệ Vân Nam sau con đập Man Wan.

Bây giờ thì các cuộc chiến tranh đã tạm qua đi và “Những Cánh Đồng Chết” vẫn chưa phôi pha trong ký ức người sống, nhưng rồi người ta cũng phải cố mà quên đi những đau thương và thù hận để nghĩ tới hợp tác và phát triển. Đó cũng là bắt đầu giai đoạn chấm dứt thời hoang dã của con sông Mekong. Con sông ấy sẽ được khai thác biến đổi song song với sự biến đổi của các chế độ chính trị và của chính đám dân cư trong vùng. Nhưng là biến đổi thế nào? Đem lại hạnh phúc điều hòa chung cho toàn vùng hay phát triển cục bộ của nước này lại là phá hoại sự cân bằng môi sinh của những nước khác. Câu trả lời đòi hỏi mối quan tâm và nhiều công sức không phải chỉ ở những thành viên của Ủy Hội Sông Mekong, các nhà lãnh đạo mà còn là của tất cả những người Việt chúng ta bên trong cũng như ngoài nước.

NGÔ THẾ VINH
(04/97)

Tham Khảo:

(1) Louis Delaporte / Francis Garnier. A Pictorial Journey On The Old Mekong: Cambodia, Laos, Yunnan. The Mekong Exploration Commission Report(1866-1868)_ Volume 3. White Lotus Press 1998, Bangkok Thailand

(2) River Road to China, The Mekong River Expedition 1866-1873, Milton Osborne, Liveright New York 1973.

( 3) The Mekong River, Thomas O’Neill, National Geographics, Feb.93.

( 4 ) The Mekong Currency, Lives and Times of a River,Liesbeth Sluiter,International Books, The Netherlands 1993.

Nguồn: http://mekongriver.org/
 
Góc tăm tối ở thiên đường du lịch Sa Pa (Lào Cai, Việt Nam)
Phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng
(đăng blog ngày 13/11/2006)

Sabine, một cô gái 27 tuổi đến từ Israel xa xôi đã viết thư cho nhiều tổ chức nhân đạo từ thiện kêu gọi giúp đỡ cho những cặp vợ chồng nghiện sống “dưới mức chịu đựng của con người” trong hang núi; những đứa trẻ 6-7 tuổi đã và đang sử dụng ma túy ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Giữa thiên đường du lịch Sa Pa, xứ sở mù sương dường như được tạo hóa sinh ra chỉ để những người yêu gặp những người yêu ấy, không lẽ lại có tới hàng chục người sống trong hang núi? Không lẽ bé Dung đẹp như búp bê kia lại ở trong hang đá, nghiện ma túy khi mới tròn 7 tuổi?

Ngày 31/10/2006, tôi và Sabine trở lại Sa Pa. Tiếc thay, những thông tin rùng mình kể trên lại… cơ bản là sự thật. Trưởng công an thị trấn Sa Pa, cũng xác tín với chúng tôi nhiều câu chuyện lạ buốt lòng.

Da trắng, tóc bạch kim, mắt xanh như nước biển, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Quản trị kinh doanh, thay vì đi làm, Sabine tự nhủ, phải đi khắp thế giới đã. Cô đến Việt Nam, dự định thăm nốt địa đầu Sa Pa rồi sẽ sang Nhật làm việc, vì người yêu cô ở đó. Không ngờ, những cảnh đời ở hang núi cao nhìn xuống thị trấn náo nức du khách của Mường Tiên (tên gọi khác của Sa Pa) đã khiến Sabine phải khóc thật nhiều, cô quyết định xin thêm hạn cho hộ chiếu!

Khách sạn Family ở Sa Pa, Sabine qua lại thăm bọn trẻ nhiều đến mức cô đã quen thân với tất cả các lễ tân. Mỗi lần lên, cô ở đó cả chục ngày. Rất Tây, du lịch rất chuyên nghiệp, ăn với tôi một bữa cơm, khi tôi mở ví trước, Sabine cũng chém tay ra giữa không trung nói bằng tiếng Anh đòi “cưa” đôi tiền thanh toán. Song, cô đã nhiều lần bỏ nhiều tiền cưu mang bọn trẻ sống trong hang núi kia - bằng cách mua quần áo, giày ủng (khi mưa, đường leo núi lên nhà các cháu ngập ngụa bùn), khăn khố, cho ăn, cho bố mẹ chúng tiền. Cô đưa chúng về Family Hotel tắm rửa, dạy dỗ. Sabine gọi đám trẻ là con, chúng quyện cô hơn quyện cha mẹ chúng trong hang đá. Dần dà, bố mẹ đám trẻ qua khách sạn chơi, Sabine hiểu, họ đều là người nghiện thuốc phiện. Họ nói tiếng Anh bồi phe phé.

Đến một đêm, sau khi xin phép cái “gia đình sống trong hang núi” cho phép bé Dung (khoảng 7 tuổi, vì không có khai sinh) ngủ lại tại khách sạn với mình, Sabine thấy suốt đêm cô bé không ngủ. “Nó vật vã, nóng sốt, suốt đêm, nó không thể chợp mắt một giây. Lúc đầu tôi tưởng “con gái” bị ốm, đang tính đi tìm bác sĩ thì bố mẹ cháu xuống núi tìm. Họ bảo rằng, cháu lên cơn nghiện thuốc phiện”. Nhiều cảnh lạ mắt về cuộc sống tăm tối, về cảnh vướng vào ma túy của các gia đình trong hang núi, Sabine đã thận trọng chụp ảnh lại, kể chuyện với nhà báo, viết thư kêu gọi lòng hảo tâm.

Hôm 31/10, khi tôi và Sabine trở lại Phố Cầu Mây, cách trụ sở UBND huyện Sa Pa độ hơn một cây số đường nhựa, vẫn gặp lại bé Pan (7 tuổi) đi lang thang. Hai mẹ con Pan cùng kể, bạn cháu là Dung, 7 tuổi nghiện ghê lắm, răng sún, đen xì hết cả. Lúc thèm thuốc, nó chửi cả bố mẹ để đòi. Chị La và anh Ký (bố mẹ cháu Pan) cũng bảo: Dung nó nghiện lâu rồi.

Anh Ký (SN 1974) nghiện ma túy đã 13 năm, chị La cũng xấp xỉ chục năm dính phải nàng tiên nâu. Nhà cửa, ruộng nương trong xã Tả Giàng Phình bán sạch, họ kéo ra mấy cái hang núi thuộc khu vực danh thắng Hàm Rồng sống chui sống nhủi đã ngót… chục năm. Hai lần đẻ, chị La đều vượt cạn trong… hang núi. Hang núi thấp đến mức chị phải đẻ… ngồi, lom khom. Anh La cầm kéo cắt cuống rốn. Đẻ xong, 5-6 ngày lại phải xuống thị trấn bán vòng vèo, sợi thổ cẩm buộc cổ tay (đồ lưu niệm) cho du khách kiếm ăn (và kiếm thứ hút cho cả hai vợ chồng). Có lần, thiếu thuốc, anh Ký vác cả súc gỗ lớn đánh vợ. Chị La kể: “Tôi gẫy mấy cái xương sườn (chị vạch áo ra, bắt tôi phải sờ vào mấy cái xương sườn sứt sẹo). Tôi ngất đi, mấy tiếng sau tỉnh dậy, vẫn thấy con bé Pan nằm trên ngực tôi nhoay nhoay đòi bú”. Vừa kể chuyện, chị vừa tiếp tục vạch vú cho con bú, thằng cu này (tên là Cai) lại mới ra đời. Cai ở truồng, bò lóc nhóc trên nền lều ẩm sướt, nhòe nhoẹt đất.

Bệnh sản hậu làm chị La xanh xao, chân tay lúc nào cũng run lẩy bẩy. “Tôi cũng định ăn lá ngón chết cho xong. Nhưng, có hai đứa con rồi, mình chết đi, chúng nó biết làm thế nào. Vậy là phải sống”. Cái mà anh chị gọi là nhà, nó được bịt bốn bề túi nilông, đồ phế thải, dựng trên đất của người ta, người ta đuổi lúc nào phải chạy lúc ấy. Thế vẫn còn hơn là nằm trong hang đá trên đỉnh núi, công an người ta đi đẩy đuổi, các đồng chí cứ mang theo một can dầu, vận động “hạ sơn” xong là phóng hỏa đốt hang. Cách đây mấy tháng, ông anh trai cùng mẹ khác bố với Ký (năm nay 45 tuổi) cũng phải chạy dạt từ một cái hang núi trên Hàm Rồng xuống tá túc căn lều làm bằng phế liệu của vợ chồng con cái nhà Ký. Ông này nghiện thuốc phiện và ốm o còn nặng hơn cả Ký. Ký thở dài hom hem: “Mấy hôm nay hết thuốc rồi, phải chẻ ống tẩu ra, luộc lên lấy nước sái, vợ chồng chia nhau húp”. Sabine hỏi tôi, anh ta (Ký) nói gì, tôi không nỡ dịch chuyện đau lòng cho người bạn phương xa nghe; đành im lặng bảo “NO” (không), lòng đau như có ai cứa xé.

Thiếu tá Vũ Ngọc Dũng, Trưởng Công an thị trấn Sa Pa, với thâm niên gần 30 năm công tác tại địa bàn, cho biết: lúc cao điểm, ở trên núi ven thị trấn du lịch có tới vài chục đối tượng sống vật vạ trên các vách, hang đá. Thống kê sơ bộ, hiện, có ngót chục người sống chui nhủi trong các hang núi quanh khu vực thị trấn.

Nhưng, khổ đến tận cùng số phận phải kể đến gia đình anh Cu, chị Chỉnh (cách phố Cầu Mây khoảng 2 giờ đi bộ vượt núi). Không có ngôn từ nào hơn gọi là: ăn hang ở lỗ. Vợ chồng Cu nghiện oặt, mặt xanh lét, răng… vàng ruộm. Nhà của họ là một cái hang đá theo đúng nghĩa đen, trần hang cao độ 90cm, lòng hang chỗ phình nhất, tôi đo được 1,3m. Tức là, vợ chồng cu cùng hai đứa con chỉ có cách nằm bẹp trong hang, bên cạnh bếp lửa, thì mới vừa. Trong 3 năm nay (kể từ khi chuyển từ hang cũ đến “hang mới” này) họ chưa bao giờ được đứng trong nhà mình, chắc chắn thế! Kiếm được cái gì ăn cái nấy, nước thì đi bưng ở dưới suối, chứ cái can nhựa múc nước rách mất phần quai, chả xách được. Cũng may, người nghiện ở trong hang núi này, họ không có nhu cầu tắm giặt hay đánh răng rửa chân gì sất. Trong túi không có một xu. Trong bếp không có gì ngoài cái kiềng, cùng một lô xích xông những ống bơ dùng để đun thuốc phiện (xem ảnh), tất cả các ống hút đã được luộc đi luộc lại nhiều lần để “mót sái”. Ngoài cửa hang, kim dùng để tiêm chính vứt ngổn ngang. Núi đá tai mèo đen xì làm mặt họ càng xám ngoét đi, Cu bảo: “Mình hút mới có 10 năm, ở các hang trên núi này mới có… 6 năm. Vợ mình nghiện 13 năm rồi mà. Con bé Dung, sau khi uống nước sái từ hôm qua, giờ vẫn chưa được thêm tí thuốc (phiện) nào” (trích băng ghi âm).

Xin hãy thương xót bé Dung!

Bé Dung có nghiện hay không? Bằng lương tâm của mình, tôi tin, bé gái 7 tuổi đi lang thang ở Sa Pa với tôi như đứa con gái nhỏ ấy đã lỡ bị ả phù dung nhẫn tâm tóm cổ. Thiếu tá Dũng, Trưởng công an thị trấn Sa Pa tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe chúng tôi thông báo tình hình này. Bởi công tác đẩy đuổi, đem dầu đi đốt lều của người nghiện trong hang núi, cả việc báo cáo tình hình lên UBND huyện vẫn được các đồng chí công an thực hiện đều đặn. Bé Dung, khi bị hỏi cháu có nghiện không, chỉ khóc. Tài liệu của Sabine về việc cháu sử dụng ma túy khá thuyết phục, bởi cô đã chứng kiến cảnh cháu lên cơn, nghe bố mẹ cháu thú nhận rằng cháu nghiện thuốc phiện. Bố mẹ cháu cũng nói với tôi (nhà báo) rằng con họ nghiện mới chỉ… 1 năm. Rất nhiều những người biết bé Dung, kể cả nhiều nhân viên khách sạn, đều cho biết bé Dung đã mắc nghiện. Ông Chu, 49 tuổi, người hàng xóm sống ở rông núi cạnh rông núi có hang đá nhà bé Dung, kể: Dung nó nghiện lâu rồi, nó không biết ngượng đâu, có lần vật quá, nó hút thuốc tại nhà tôi! “Một ngày mà không có thuốc phiện là nó khóc ghê lắm”, vợ ông Chu bổ sung: có nhà hảo tâm muốn cho nó đi Hà Nội học nghề gì ấy, bố mẹ nó không dám cho đi vì thương con khổ quá, “về Hà Nội không có thuốc hút thì khổ quá đấy”. Anh Cu nói như thanh minh khi thấy Sabine buồn rầu ngồi trong vách đá: “Dung nó chỉ hút có 5.000 VNĐ (tiền mua thuốc phiện) một ngày thôi mà, muốn bỏ thì sẽ bỏ được”. Tôi lại không dám dịch câu thú nhận này cho Sabine nghe. Vẫn giọng Cu: “Trước, nó trèo vách đá gẫy tay. Không đi viện được, nằm trong hang nó (Dung) khóc suốt đêm, mình thương quá phải cho con nó hút thuốc phiện cho đỡ đau. Rồi nghiện”. Việc bé Dung (khoảng 7 tuổi) đã sa vào ma túy thật hay chưa, xin cơ quan chức năng trả lời bằng những “phép thử” được luật pháp công nhận. Có một điều chắc chắn, các nhân chứng đều khẳng định. Tôi đã nghe tận tai; Sabine đã nhìn tận mắt cơn vật thuốc của bé Dung.

Tôi ngắt lời Thiếu tá Vũ Ngọc Dũng:
- Theo anh, cả bố mẹ cháu, cả nhân chứng nói như thế, đủ kết luận bé Dung nghiện chưa?
Ông Dũng đồng ý, đó là những tài liệu thuyết phục, có lẽ cháu đã nghiện thật. Nếu đúng thế, ông mong muốn nhiều ngành, nhiều cấp phải sớm vào cuộc giải quyết một cách thật sự hiệu quả sự tăm tối kể trên.


Chia tay chúng tôi ở chân núi Hàm Rồng, Pan và Dung chỉ vào con gà luộc đòi ăn một bữa no. Ăn xong, chia tay, đi một đoạn chúng tôi lại thấy Dung và Pan nhò ra từ bụi rậm. Đi một đoạn, chúng lại ngoái nhìn, lại chạy theo, leo lên vai tôi như những con con khỉ nhỏ thân thương. Sabine khẽ khàng, “tôi sẽ không bao giờ quên được chúng”. Sabine về trời Tây; tôi về thủ đô; Pan, Dung về căn lều tăm tối, ám đen khói thuốc phiện. Không lẽ, lòng tốt của Sabine cũng lại như gió bay đi giữa xứ sở đã có quá nhiều mây và sương mù Sa Pa?

Đ.D

http://www.vtc.vn/phongsu/10620/index.htm
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,116
Members
192,041
Latest member
yyuten
Back
Top