What's new

[Chia sẻ] Thông tin về thành lũy cổ ở Việt Nam

tungvk1781

Phượt thủ
Chào các bạn.
Mình mới tham gia diễn đàn, thấy mọi người có những chuyến đi thật tuyệt. Hôm nay mình sẽ gửi các bạn những thông tin về chủ đề " Thành lũy cổ Việt Nam " (Thông tin sử dụng nguồn từ internet). Các bạn đã đi hoặc có thêm thông tin, hình ảnh hãy cùng đóng góp nhé. Chúc các bạn thượng lộ bình an.

Theo từ điển tiếng Việt thì THÀNH là tường cao xây quanh nơi cần được bảo vệ. Còn LŨY là công trình bảo vệ một vị trí.

Thành lũy ở Việt Nam có thể chia ra làm 3 loại :
1- Thành lũy Champa
2- Thành lũy Việt Nam trước thời Nguyễn
3- Thành lũy Việt Nam thời Nguyễn
Thành Cổ Loa là tòa thành cổ nhất ở Việt Nam, nó được xây dựng từ thế kỷ III TCN.

Sau đây là danh sách các thành lũy cổ ở Việt Nam:
1- Thành lũy Champa
1-1 : Óc eo - Thế kỷ I - An Giang
1-2 : Thành Ninh Viễn - ??? - Quảng Bình
1-3 : Khu Túc - Năm 380 - Quảng Bình
1-4 : Kandapurpura - Thế kỷ IV - Huế
1-5 : Simhapura - Thế kỷ IV~V - Quảng Nam
1-6 : Thành Phước Thuận - Thế kỷ III - Bà Rịa Vũng Tàu
1-7 : Virapura - Năm 757 - Nha Trang
1-8 : Indrapura - Năm 875 - Quảng Nam
1-9 : Cổ Lũy - Thế kỷ IX~X - Quảng Ngãi
1-10: Thành Châu Sa - Thế kỷ IX~X - Quảng Ngãi
1-11: Vijaya - Năm 1005 - Bình Định
1-12: Thành Cổ Lũy - Thế kỷ XIII~XVI - Quảng Trị
1-13: Sri Banoy - Thế kỷ XIII - Bình Định
1-14: Thành Thuận Châu - ??? - Huế
1-15: Thành Hồ - ??? - Phú Yên

2 - Thành lũy Việt Nam trước thời Nguyễn
2-1 : Thành Cổ Loa - Thế kỷ III TCN - Hà Nôi
2-2 : Thành Đại La - Năm 757 - Hà Nội
2-3 : Thành Sông Lũy - Thế kỷ IX - Bình Thuận
2-4 : Thành Thăng Long - Thế kỷ XI - Hà Nội
2-5 : Thành Hóa Châu - Năm 1362 - Huế
2-6 : Thành Nhà Hồ - Năm 1397 - Thanh Hóa
2-7 : Thành Phao Sơn - Thế kỷ XIII - Hải Dương
2-8 : Thành Xương Giang- Năm 1407 - Bắc Giang
2-9 : Thành Nhà Mạc - Năm 1592 - Tuyên Quang
2-10: Thành Nà Lữ - Năm 1594 - Cao Bằng
2-11: Thành Nhà Mạc - Thế kỷ XV - Hải Phòng
2-12: Thành Nhà Mạc - Thế kỷ XVI - Lạng Sơn
2-13: Thành Nhà Bầu - Thế kỷ XVI - Tuyên Quang
2-14: Thành Nhà Bầu 1 - Thế kỷ XVI - Yên Bái
2-15: Thành Nhà Bầu 2 - Thế kỷ XVI - Yên Bái
2-16: Thành Nghị Lang - Năm 1527 - Lào Cai
2-17: Lũy Thầy - Năm 1630 - Quảng Bình
2-18: Thành Bản Phủ - Năm 1758 - Điện Biên
2-19: Thành Hoàng Đế - Năm 1774 - Bình Định
2-20: Thành Lương Sơn - ??? - Hòa Bình
2-21: Thành Đoàn Thành- ??? - Lạng Sơn
2-22: Thành Núi Thành - ??? - Hà Tĩnh

3 - Thành lũy Việt Nam thời Nguyễn
3-1 : Thành Phú Xuân - Năm 1738 - Huế
3-2 : Thành Bát Quái - Năm 1790 - Tp. Hồ Chí Minh
3-3 : Thành Diên Khánh - Năm 1793 - Khánh Hòa
3-4 : Thành Cao Bằng - Thế kỷ XIX - Cao Bằng
3-5 : Thành Hà Nội - Năm 1802 - Hà Nội
3-6 : Thành Vinh - Năm 1803 - Nghệ An
3-7 : Hạc Thành - Năm 1804 - Thanh Hóa
3-8 : Thành Nam - Năm 1804 - Nam Định
3-9 : Thành Đông - Năm 1804 - Hải Dương
3-10: Thành Bắc Ninh - Năm 1805 - Bắc Ninh
3-11: Thành Núi Bút - Năm 1807 - Quảng Ngãi
3-12: Thành Đồng Hới - Năm 1812 - Quảng Bình
3-13: Thành Vĩnh Long - Năm 1813 - Vĩnh Long
3-14: Thành Điện Hải - Năm 1813 - Đà Nẵng
3-15: Thành Bình Định - Năm 1814 - Bình Định
3-16: Thành Biên Hòa - Năm 1816 - Đồng Nai
3-17: Trường Lũy - Năm 1819 - Quảng Ngãi
3-18: Thành Sơn Tây - Năm 1822 - Hà Nội
3-19: Thành Quảng Yên - Năm 1826 - Quảng Ninh
3-20: Thành Quảng Trị - Năm 1827 - Quảng Trị
3-21: Thành Vĩnh Tường- Năm 1830 - Vĩnh Phúc
3-22: Thành Gia Định - Năm 1830 - Tp. Hồ Chí Minh
3-23: Thành Hưng Yên - Năm 1834 - Hưng Yên
3-24: Thành An Thổ - Năm 1836 - Phú Yên
3-25: Tân Thành Mỹ Quý- Năm 1860 - Tiền Giang
3-26: Thành Tân Sở - Năm 1883 - Quảng Trị
3-27: Thành Tây Ninh - Năm 1889 - Tây Ninh
3-28: Thành Đồng Hới - ??? - Quảng Bình
3-29: Thành Vĩnh Điện - ??? - Quảng Nam
3-30: Thành Mỹ Tho - ??? - Tiền Giang
3-31: Thành Kỳ Anh - ??? - Hà Tĩnh
vietnam.jpg
 
Last edited:
Em thấy còn thiếu thành Hoàng Đế - Bình Định, 1776 - 1814
và Lũy Bán Bich - TP.HCM, 1772 - 1915(?)
 
Last edited:
1-1 Óc Eo

Ở vùng Thoại Sơn – An Giang có một di tích rất nổi tiếng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến là khu di tích văn hóa Óc Eo – dấu vết của vương quốc Phù Nam xưa, vốn là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á cách nay khoảng 2000 năm.

1.jpg


Đến với Óc Eo (An Giang) du khách sẽ có cơ hội tham quan, khám phá một địa điểm du lịch lịch sử của một nền văn minh cổ, khác hẳn với những thắng cảnh thiên nhiên đẹp khác của An Giang như núi Sam, núi Cấm… nhưng cũng không kém phần đặc sắc và thú vị khi khám phá ra một nền văn minh đã vắng bóng từ lâu.

Di chỉ khảo cổ học cũng là nền văn hóa khảo cổ học, có trung tâm là khu vực núi Ba Thê, thuộc địa bàn thị trấn Óc Eo và các xã Vọng Thê, Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Di chỉ được phát hiện và công bố năm 1944 bởi một học giả người Pháp tên là Louis Malleret. Đây là nền văn hóa hình thành và phát triển trong vùng đồng bằng Nam Bộ khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Nền văn hóa này đã và đang ẩn chứa những thông tin quý giá về những sáng tạo kỳ diệu của cư dân bản địa thời kỳ Vương quốc Phù Nam.

Hiện tại Óc Eo nằm sâu trong đất liền hơn 20 km nhưng theo các nhà địa chất, vào khoảng đầu Công nguyên, Óc Eo là một cửa biển thông qua vịnh Thái Lan. Khu vực này nằm trên trục đường thương mại hàng hải giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, một bên là sông Mê Kông và Trung Quốc, do đó Óc Eo trở thành một địa điểm trung chuyển rất thuận lợi. Đến thế kỷ VI - VII, các thương thuyền có thể di chuyển ngoài khơi xa với khoảng cách lớn hơn mà không phải dừng lại khắp nơi hay đi dọc theo bờ biển. Óc Eo mất dần vị thế hấp dẫn, sức thu hút giảm dần vì hàng hóa không phu phú lắm. Sự trỗi dậy của Chân Lạp và thương mại vùng Mê Kông góp phần đẩy Óc Eo bước vào thời kỳ suy sụp.

Quá trình khảo sát

Vào thập niên 1920, nhà khảo cổ học người Pháp tên là Louis Malleret đã dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra khu vực quanh chân núi Ba Thê có nhiều khả năng ẩn chứa các di chỉ của một nền văn hóa cổ. Trước đó, năm 1913, người dân địa phương đã phát hiện tại đây một tượng Phật bốn tay có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Ngày 10-02-1944, nhóm chuyên gia khảo cổ do Louis Malleret chủ trì đã tiến hành khai quật khu vực Giồng Cát, Giồng Xoài chạy dài qua 2 huyện Thoại Sơn (An Giang) và Hòn Đất (Kiên Giang), trung tâm là xung quanh chân núi Ba Thê. Họ đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ cùng với nhiều hiện vật như: hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo....Khu vật tìm thấy hiện vật có diện tích khoảng 450 ha. Malleret nhận định đây có lẽ là một trung tâm thương mại lớn của Vương quốc Phù Nam, từng được miêu tả qua các thư tịch cổ Trung Hoa, ông đặt tên cho khu di chỉ là Óc Eo.

Óc Eo đã từng được nối bằng một kênh đào dài 90 km về phía Bắc với Angkor Borei, nơi có lẽ là thủ đô của Vương quốc Phù Nam. Từ kênh đào này, có các kênh đào nhánh tách ra xung quanh tạo thành các hình chữ nhật đều đặn. Bên trong các khu vực hình chữ nhật này còn sót lại những dấu tích của các khu sản xuất đồ nữ trang, thủ công mỹ nghệ, các móng nhà bằng gỗ và bằng gạch....Các viên gạch được trang trí bằng các hình sư tử, rắn mang bành, động vật một sừng và các động vật khác.

Oceo.jpg


Cuộc khai quật đầu tiên của Malleret đã tiến hành với 24 điểm. Cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Tính đến năm 1975, bộ sưu tập về văn hóa Óc Eo - Ba Thê đã có 3.969 hiện vật. Trong đó bao gồm: 498 đồ vàng, 137 đồ bạc, 4 chì, 83 thiếc, 149 đồ đồng, 2.749 đồ đá màu (trong đó có 2.522 chuỗi hạt, 79 đồ đá khác, 285 đất nung, 7 đồ gỗ và một số hiện vật không xác định rõ). Theo Louis Malleret, thành thị Óc Eo được thiết kế theo hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 1.500 m, chiều dài 3.000 m.

Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật tại hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ. Họ đã tìm thêm nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo ở các vùng Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam, vùng rừng sác Duyên Hải, vùng ven biển Đông, vùng Đông Nam Bộ. Năm 1983, phát hiện thêm di cốt động vật như: lợn, trâu bò, hươu, voi, rùa, chuột, cá các loại. Dấu tích hoạt động của các ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề kim hoàn… quan hệ thương mại, sự thịnh hành của tôn giáo… còn lưu lại qua các vật liệu kiến trúc, đồ trang sức, tượng thờ, và phế tích các ngôi đền, mộ đá hỏa táng tại các di chỉ này.

Trong những năm qua, Bảo tàng An Giang đã phối hợp cùng Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khảo cổ Hà Nội tiến hành khảo sát và khai quật một số loại hình tại khu vực núi Ba Thê và một số nơi khác trong tỉnh. Liên tiếp trong 3 năm, từ 1998 đến 2000, các nhà khảo cổ khai quật 2 di chỉ ở núi Ba Thê là khu kiến trúc, mộ táng nằm phía Nam chùa Linh Sơn và khu Gò Cây Thị nằm dưới đồng bằng. Kết quả cho thấy, đây là một dạng kiến trúc cung đình mang tính cách tôn giáo, được xây dựng rất xưa và tồn tại đến thế kỷ thứ IX. Đặc biệt, qua đợt khai quật cũng phát hiện mộ chum cải táng bằng gốm thô đường kính 0,67 m, cao 0,4 m, trong chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng và một mảnh chuỗi vỡ. Tỉnh An Giang đã xây dựng mái che cho 2 di tích này, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, nhằm phục vụ khách tham quan và công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tỉnh cũng đã cho xây dựng nhà trưng bày cổ vật Óc Eo trên núi Ba Thê. Từ năm 2004 đến nay, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật trên diện tích trên 400 m2, thu được gần 50.000 hiện vật đa dạng về chủng loại và phong phú về loại hình. Xét về chất liệu, số hiện vật này gồm đồ gốm, đá, kim loại và xương.

Các di chỉ tiêu biểu thuộc văn hóa Óc Eo

- Bình Tả
- Giồng Am
- Giồng Cá Vồ
- Gò Ba Động
- Gò Bảy Liếp
- Gò Bắc Bung
- Gò Bói
- Gò Chòi Tiên
- Gò Chùa
- Gò Công Éc
- Gò Hàng
- Gò Ô Chùa
- Gò Thành
- Gò Tháp
- Gò Xoài
 
Kết quả nghiên cứu

Kết quả khai quật đã đem về cho các bảo tàng ở Nam Bộ hàng vạn hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa, đa dạng về chất liệu cũng như nguồn gốc. Những hiện vật này cho thấy trình độ kỹ thuật khéo léo cũng như độ tinh xảo trong nhiều nghề thủ công của cư dân Óc Eo. Văn hóa Óc Eo đã hình thành và phát triển trên một cơ tầng văn hóa bản địa vững chắc. Các nhà khảo cổ học đã bước đầu lần tìm và chứng minh sự phát triển trực tiếp của văn hóa Tiền Óc Eo tới Óc Eo. Những kết quả nghiên cứu này đã bác bỏ ý kiến của các học giả nước ngoài cho rằng văn hóa Óc Eo hình thành từ các vùng đất thực dân của người Ấn Độ.

Hiện vật Óc Eo được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các hiện vật này, du khách có thể thấy được đời sống vật chất, đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân Vương quốc Phù Nam. Đồ gốm trong các di tích thuộc văn hóa Óc Eo rất phong phú về loại hình. Điểm nổi bật là có cổ và miệng hẹp, những chiếc ấm có vòi với nhiều loại nắp mang phong cách riêng, hoa văn khắc vạch được vẽ bằng loại bút nhiều răng. Cư dân Óc Eo đặc biệt ưa thích đồ trang sức bằng vàng và đá quý. Bộ sưu tập tiền với nhiều loại chất liệu: bạc, đồng, kẽm, có những đồng tiền được cắt tư, cắt tám để làm tiền lẻ khá phổ biến ở nhiều di tích ven vịnh Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Myanmar. Điều này cho thấy cả một dòng thương nghiệp nối liền Óc Eo với Ấn Độ Dương bằng đường biển thông qua vịnh Thái Lan và có thể có cả đường bộ theo đường nội địa.

Những nhận định của các nhà nghiên cứu

Có nhiều nhận định khác nhau về vai trò của thành thị Óc Eo trong vương quốc cổ:

- Nhà khảo cổ học người Pháp - Louis Malleret cho rằng Óc Eo “Là một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mối quan hệ giao thương Âu - Á khá rộng rãi. Đồng thời, đô thị Óc Eo xưa cũng là một di tích tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á”

- Nhà nghiên cứu Lê Xuân Diệm khẳng định: “Vùng di tích quanh núi Ba Thê với phạm vi rộng lớn tập trung nhiều di tích thờ cúng, lăng mộ, thật sự là một trung tâm lớn, đã quy tụ nhiều tinh hoa kỹ thuật - nghệ thuật các mặt của nền văn hóa này. Từ vị trí được xác định như vậy, chắc hẳn vùng này cũng là một trung tâm quyền lực"

Dù hiện nay các học giả trong nước và quốc tế còn đang cố gắng để xây dựng hệ tiêu chí chuẩn nhằm phân lập và định diện những đặc tính tiêu biểu cùng vòng ảnh hưởng của văn hoá Óc Eo, nhưng đại đa số các nhà nghiên cứu đều coi Óc Eo là nền tảng đồng thời là sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu của văn hóa Phù Nam và vương quốc Phù Nam.

Sức sống Việt trong văn hóa Óc Eo

Cư dân Óc Eo cổ cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo. Hình thức này được duy trì và phát triển trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 10 -12 .

Óc Eo đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Nơi đây minh chứng khả năng thích ứng cao của người dân đồng bằng sông Cửu Long cổ với điều kiện tự nhiên.

Cụm di tích này được phát hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20 do nhà khảo cổ học người Pháp L.Malleret khi ông dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra địa điểm này cùng với nhiều kênh đào và các thành phố cổ khác. Ông cũng nhận thấy một kênh đào đã cắt tường thành của khu vực này rất rộng. Malleret nảy ra ý định tìm hiểu các cấu trúc khu vực này. Ngày 10/2/1944, ông bắt đầu đào các hố khai quật và phát hiện được di vật cùng nền móng các công trình chứng minh cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn mà trong nhiều thư tịch của Trung Hoa cổ đã miêu tả về vương quốc Phù Nam.

Núi Ba Thê, một địa điểm nằm trong quần thể di chỉ Ốc Eo. Theo L.Malleret, khu vực này rộng chừng 450 ha. Cuộc khai quật đầu tiên của ông đã tiến hành với 24 điểm. Cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Các đợt khảo sát, nghiên cứu khai quật tại Óc Eo từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay chủ yếu do Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP HCM phối hợp với Bảo tàng An Giang, Kiên Giang và Trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện.

Quần thể di tích phân bố trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo. Cánh đồng Óc Eo, phẳng và thấp, trải rộng trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Khu vực này có hình tứ giác, mỗi cạnh khoảng 15 km, với đường biên phía Bắc chạy từ núi Sập đến vùng núi Ba Thê, phía Tây từ núi Ba Thê (An Giang) đến khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang), phía Nam từ khu di tích Nền Chùa đến di tích Đá Nổi (Kiên Giang).
Núi Ba Thê là đỉnh cao nhất trong nhóm núi tạo thành từ hoa cương. Gò Óc Eo cách chân núi Ba Thê khoảng hơn 1km về phía Tây Nam. Dấu vết của con kênh cổ, gọi là Lung Lớn (đường nước trung tâm của thành thị Óc Eo), nối liền hai di chỉ Óc Eo và Nền Chùa vẫn còn đậm nét trên hiện trường.

091229-oc-eo.jpg


Xưa kia, Óc Eo là một thương cảng nằm trên bờ Lung Lớn, có vòng thành bằng đất, hào nước xung quanh dạng chữ nhật, dài 3 km (hướng Đông Bắc - Tây Nam), rộng 1,5 km. Lung Lớn chạy xuyên qua trục dọc của thành phố theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, với tiền cảnh là Nền Chùa, cách 15 km về hướng Tây Nam, và đổ ra Vịnh Thái Lan.

Các di vật văn hóa Ốc Eo

Hiện, ở Nam Bộ còn lại các kiến trúc cổ đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch và trên các giồng gò cao giữa đồng bằng (nhiều nơi đã thành phế tích)... Các cuộc khai quật đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng tứ giác Long Xuyên. Các kênh đào này được coi là thành quả nhân tạo đầu tiên về lịch trình mở mang kênh đào ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hệ thống kênh đào này tiện lợi cho giao thông đường thủy vừa là hệ thống thủy lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật quý giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần tồn tại ngay trong địa tầng văn hóa (in-situ)... Đặc điểm nổi bật của cư dân văn hóa Óc Eo là lối cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác. Cư dân cổ đã duy trì và phát triển cuộc sống này, trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 10 - 12.

Gần đây, trong ba đợt khai quật liên tiếp từ năm 2004 đến nay, trên diện tích trên 400m2, các nhà khảo cổ đã thu được gần 50.000 hiện vật đa dạng về chủng loại và phong phú về loại hình. Xét về chất liệu, số hiện vật này gồm đồ gốm, đá, kim loại và xương. Những hiện vật đó thuộc nền văn hóa Óc Eo. Qua khảo sát và nghiên cứu địa tầng, cổ vật cho thấy: Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Óc Eo - điển hình là tại tiểu vùng thượng châu thổ - đã tạo dựng một lối sống thích hợp với những điều kiện đặc thù, biết và dám chấp nhận khai thác những mùa nước nổi, nước lên theo chu kỳ hàng năm để mang lại nguồn lợi cho mình.

Đồng Tháp Mười (phần đất thuộc Đồng Tháp và Long An) có những địa danh nổi tiếng đều bắt nguồn từ tên gọi một khu di tích phân bố trong vùng trung tâm như: Gò Tháp thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo. Gò này cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3,8m, diện tích chừng 4.500 m2. Từ những cuộc khảo sát của L.Malleret đã phát hiện trên gò có nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, cột... (như 3 cột lớn bằng đá hoa cương mặt cắt ngang hình vuông cạnh 0,48 m, dài 1,56 m, 1,10 m và 1,42 m, một đầu có chốt đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao). Dấu tích rõ ràng nhất là kiến trúc gạch dài 17,30 m theo hướng Đông - Tây, rộng 12 m (Bắc - Nam), cạnh bẻ góc, đối xứng hai phần Bắc - Nam, cho thấy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số mảnh vỡ của Yoni, tượng Visnu, khuôn đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu rất đẹp tuy không nguyên vẹn. Ngoài những phát hiện của các học giả Pháp, có những nghiên cứu mới từ sau năm 1975. Nhiều cổ vật của Văn hóa Óc Eo còn được phát hiện tại di chỉ cư trú Gò Minh Sư, đã được các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật 3 lần. Dấu tích cư trú phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng thấp xung quanh. Người ta tìm thấy trong di chỉ nhiều di vật đá, đồ đất nung gồm mảnh ngói, tượng khỉ, dấu ấn, mảnh phù điêu, vòi yoni... Đồ gốm khá phong phú. Tại đây có tới hơn 18.000 mảnh, gồm các loại bình, vò nồi, nhiều mảnh lớn có thể phục nguyên được, có lẽ đây là những hiện vật nguyên vẹn đã bị sụp vỡ. Nhóm hiện vật vàng ở Gò Tháp có đến 321 mảnh, chạm khắc hình tượng các vị thần, linh vật, hoa văn... Từ các cứ liệu C14, văn khắc và tiếu tượng học những mảnh vàng này đã cho biết niên đại của chúng không đồng nhất, thể hiện ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ trong thời gian khá dài, từ TK 4 - 5 trước Công nguyên đến TK 5 sau CN.
2.jpg
 
Khu di tích Gò Tháp nổi tiếng với các pho tượng Phật bằng gỗ - di vật đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Tuy phần lớn tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng nhưng số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bàn địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ 6 - 7 là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng.

Tại di tích Linh Sơn Nam (Ba Thê - An Giang) trong cuộc khai quật của trường Viễn Đông bác cổ và Trung tâm Khảo cổ học Viện Khoa học Xã hội TP HCM cũng xuất lộ vò chứa than tro nhưng đơn lẻ và có tính chất khác biệt về hình thức chôn cất cũng như niên đại so với di tích mộ táng ở Gò Minh Sư.

Hình thức cư trú theo mùa của cư dân xưa thể hiện khá trên các đồi gò thấp bên cạnh các lạch trũng nhỏ và quá trình bồi đắp để mở rộng diện tích sử dụng là một đặc điểm phổ biến của giai đoạn văn hóa Óc Eo ở đây. Bên cạnh các di vật Óc Eo điển hình, một số di vật ngoại nhập còn có những mảnh gốm có đặc điểm của thời tiền sử, cho thấy di tích này trong khu di tích Gò Tháp không chỉ là một trung tâm văn hóa Óc Eo phát triển, có mối quan hệ rộng rãi với thế giới bên ngoài mà còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn những gì đã biết đến nay.

Ngoài di chỉ cư trú ở chân Gò Minh Sư, trong khu di tích Gò Tháp còn có một số di chỉ khác như Miếu Bà chúa Xứ, Đìa Phật, Đìa Vàng, khu mộ Đốc Binh Kiều, một vài gò nhỏ xung quanh... Trong các di chỉ này tìm thấy vết tích bếp lửa, mảnh gốm ám khói, than củi, phế thải bếp núc, xương trâu bò, vỏ dừa, hạt lúa, trái cây, gỗ có vết gia công, nhiều cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này... Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ Tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Óc Eo. Cùng với những di chỉ cư trú khác trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, nhóm di chỉ cư trú ở khu di tích Gò Tháp đã mang lại nhiều tư liệu mới để tìm hiểu về chủ nhân văn hóa Óc Eo.

Các cuộc điều tra và khai quật còn ghi nhận dấu tích của nhiều con kênh đào cổ từ khu vực di tích này tỏa đi nhiều nơi trong Đồng Tháp Mười như: Gò Đế, Gò Hàng, Gò Bảy Liếp, Đìa Tháp, Gò Vĩnh Châu A. Gần đây, qua các đợt khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều khu đất giồng có lưu trầm ẩn tích nhiều di chỉ, hiện vật thời văn hóa Óc Eo ở Giồng Nổi (Bến Tre) và một số nơi khác. Trên địa bàn Long An có tới 100 di tích văn hóa Óc Eo với 12.000 hiện vật, đặc biệt là quần thể di tích Bình Tả, gồm ba cụm di tích: Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước. Ở Tiền Giang, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật văn hóa Óc Eo ở Gò Thanh (huyện Chợ Gạo). Di tích này được Bộ VHTT công nhận Di tích quốc gia (Quyết định số 3211 QĐ/BT ngày 12-12-1994)...

Theo nhà nghiên cứu khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, nhiều thế kỷ qua, dù có những thay đổi về kinh tế, xã hội từ thế kỷ 7 nhưng sau đó, cuộc sống của cư dân cổ ĐBSCL vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hóa Óc Eo.

Đây là toàn bộ di tích nhìn từ trên cao:
3.jpg


Số 1:
4.jpg


Số 2:
5.jpg


Số 3:
6.jpg


Số 4 (Khu khảo cổ di tích Óc Eo):
7.jpg


Tổng thể gần hơn:
8.jpg


Từ hình trên các bạn có thể thấy quy mô, hình thể bố trí của thành Óc Eo xưa. Trải qua hàng nghìn năm vẫn giữ lại được một số di tích có diện tích khá lớn.
Có thể hàng nghìn năm trước nó có hình dạng thế này chăng?
9.jpg

Mời các bạn cùng khám phá nhé.
 
1-2 Thành Ninh Viễn

Mặc dù tồn tại qua rất nhiều tên gọi (thành Lồi, thành Chàm, thành Uẩn Áo, thành nhà Ngo/Ngò/Ngô, Ninh Viễn thành...) nhưng tên gọi phổ biến là thành Ninh Viễn.

vitri.jpg


Các thư tịch cổ đều chép Ninh Viễn thành được xây dựng bên nhánh sông Ngô Giang ở cách huyện Lệ Thủy 10 dặm về phía Nam. Phủ Biên Tạp Lục nói đó là con sông nhỏ Quy Hậu, nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí có sự phân biệt khá rõ “sông Quy Hậu ở phía Tây Nam huyện Lệ Thủy, nguồn ra từ núi An Trạch chạy quanh co về phía Bắc chừng một dặm rồi đổ vào vực An Sinh”. Thực tế, sông (hói) Uẩn Áo, Quy Hậu hay Ngô Giang là một, nay chính là con hói Mai). Đây là khu thành mà các cuộc Nam chinh thời Lý, Trần, Lê thường hạ trại trú quân. “Thành Ninh Viễn một mặt dựa núi ba mặt cách sông hình thế hiểm trở thật là bức dậu của Hóa Châu”.

Tòa thành nằm trong phạm vi làng Uẩn Áo (xã Liên Thuỷ, Lệ Thủy), phía Tây - Bắc giáp làng Cổ Liểu, phía Nam giáp làng Trạm (Mỹ Trạch, Thuận Trạch), phía Đông là cánh đồng lúa, phía Tây - Nam là sông Ngô Giang. Tòa thành xây dựng trên vùng đất bằng, không bị phụ thuộc vào địa hình mà hoàn toàn có thể chủ động trong việc thiết kế quy mô, cấu trúc thành.

1-2-1.jpg


Trong không gian lớn, ba mặt giáp sông: phía Tây Bắc là sông Kiến Giang (Bình Giang), phía Đông Nam là cả một vùng đồng trũng rộng lớn (trước là đầm nước, tục gọi là xứ Đầm), phía Đông Bắc là hói (sông) Chợ Mai, chi lưu của sông Kiến Giang chảy về Đông Nam, đổ vào Bàu Sen rồi ra biển, kích thước ở vị trí cầu bắc qua hói dẫn vào thành là 22m; lũy Tây Nam được dựng lên trong thế dựa vào núi (tục gọi là Xóm Rậy [xóm núi]). Ô Châu Cận Lục mô tả “một mặt dựa núi ba mặt cách sông” là vậy.

Trong một không gian hẹp, ngoài lũy thành hướng Tây Bắc và Đông Bắc, được bao bọc bởi con Hói Mai và sông Kiến Giang, dưới chân lũy thành Tây Nam và Đông Nam là những con mương nhỏ. Ở lũy Tây Nam (nay chỉ là dải đất) có một con mương nhỏ (rộng 6m), bị cắt ngang bởi đường liên thôn qua thành, gọi là hào Điền, nay là ruộng lúa. Mương ở lũy Đông Nam (rộng 5m), nối hào Điền với hói Mai, nay cũng là ruộng lúa. Ở góc Bắc thành, là nơi vị trí hồ trũng: Cồn Sói. Người dân cho biết hồ được tạo nên bởi sự xâm thực của sông Kiến Giang. Về sự xuất hiện các địa danh, được biết nó hoàn toàn mang tính dân gian, không lý giải rạch ròi được.

Thành có dạng cấu trúc hình chữ nhật không cân, theo trục Tây Nam - Đông Bắc. (Chiều ngang Đông Nam được mở rộng ra so với chiều ngang Tây Bắc do địa thế phía Đông). Kích thước đo được ở lũy thành hướng Đông Nam khoảng 370m (± 10m), và Đông Bắc (ở lũy thành Đông Bắc) là 480m (± 10m).(Có ý kiến cho rằng đây chính là thành cũ xưa nhất của Chiêm Thành, xây toàn bằng đá ong, thành có hình chữ nhật, ngang khoảng 300m, dọc khoảng trên 100m. Những người già trong làng Uẩn Áo cho biết xưa giữa thành có một tháp Champa, trước 1945 nền đất chân tháp còn khá cao, cùng với những khung nền xung quanh có thể là di tích các dinh thự).

- Mặt thành Tây Bắc không còn, nhưng không có nghĩa là thành chỉ có ba mặt như một số nhận định. Có lẽ, qua quá trình tồn tại, cùng với thời gian là sự xâm thực của sông Kiến Giang làm lũy bị xói lở, cho dù có sự gia cố ở những thời kỳ sử dụng tiếp theo (còn lại nhiều tảng đá lớn kè móng).

- Ngoài cửa thành phía Nam theo như mô tả của Đại Nam Nhất Thống Chí và một số tư liệu cổ: “phía cửa Nam thành có đá khắc chữ: Ninh Viễn Trấn thành”.

Có nhiều giả thuyết về chức năng và vai trò của Ninh Viễn thành trong quá trình bành trướng của đế chế nhà Hán và sự tranh chấp của vương quốc Lâm Ấp. Dù chưa có sử liệu để làm sáng tỏ vai trò chủ nhân của tòa thành trong từng giai đoạn lịch sử nhưng sự tồn tại của Ninh Viễn thành qua hàng nghìn năm đã cho thấy sự phát triển về tri thức quân sự và tài năng của con người Lệ Thủy xưa trong việc thiết kế và tổ chức xây dựng những công trình quân sự - dân dụng để làm nơi đồn trú và bảo vệ cho cuộc sống bình an của cộng đồng dân cư trên mảnh đất này.

Qua mô tả trên theo tôi có thể tạm thời có thể hình dung quy mô và vị trí như sau:
1-2-2.jpg

Mọi người cùng đóng góp ý kiến nhé.
 
1-3 Thành Khu Túc

Khu Túc là một thành cổ của vương quốc Lâm Ấp, là thành lớn thứ 2 sau kinh đô Kandapurpura trong thời kỳ Lâm Ấp trong lịch sử Chăm Pa

Dựa theo ghi chú của sách Thủy Kinh chú do Lịch Đạo Nguyên viết vào thế kỷ 5, các nhà khảo cổ người Pháp như R.A.Stein, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh đã xác định được vị trí của thành Khu Túc nằm ở khu vực ngày nay tại làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phía bắc là sông Gianh, phía tây là sông Con, phía đông là đồng bằng.

1-3-1.jpg


Theo ghi chép trong Thủy Kinh Chú, thành có chu vi 6 lý 170 bộ, chiều đông tây 650 bộ. Thành xây gạch cao 2 trượng, trên thành có tường gạch cao 1 trượng, có mở nhiều lỗ vuông. Trên tường gạch có dựng ván, trên ván lại dựng 5 tầng gác, trên gác có nóc, trên nóc dựng lầu, lầu cao 7,8 trượng, lầu thấp 5,6 trượng. Thành mở 13 cửa, phàm các điện đều quay về hướng nam. Nhà ở có hơn 2100 cái. Xung quanh thành có chợ. Địa thế hiểm trở cho nên binh khí của Lâm Ấp chứa hết ở đó,..

1-3-2.jpg


Theo sách Lâm Ấp ký viết vào cuối thế kỷ 5, Năm 248, Lâm Ấp tấn công ra phía bắc, đánh bại chính quyền cai trị Giao Châu của nhà Đông Ngô, chiếm được vùng đất từ sông Gianh vào tới dãy Bạch Mã. Sau khi mở mang lãnh thổ ra miền bắc, Lâm Ấp thường phải thường xuyên bảo vệ trước các cuộc tấn công giành lại lãnh thổ của các chính qưyền Giao Châu, thậm chí có lúc Lâm Ấp không còn kiểm soát được vùng này. Mãi tới năm 369, người Chăm mới thực sự kiểm soát được.

Theo sách Tấn thư, vào đời vua Thái Khang nhà Tấn (280-290) vua Lâm Ấp là Phạm Dật sang Trung Quốc cống tiến, Phạm Dật có người nô lệ là Phạm Văn đi theo, qua Trung Quốc học được kỹ thuật xây thành, sau cái chết của Phạm Văn, Phạm Dật cướp ngôi lên làm vua Lâm Ấp, đến thời cháu là Phạm Hồ Đạt (380-413) đã cho xây thành Khu Túc vừa thủ phủ vùng đất phía bắc vừa là nơi đồn trấn nhằm chống lại các cuộc tấn công từ Giao Châu

Thành Khu Túc được nhắc đến lần cuối cùng trong văn thư là trong cuốn Tùy thư, nói tới cuộc nam chinh của tướng Lưu Phương vào Lâm Ấp năm 605, trước sức mạnh của nhà Tùy, người Lâm Ấp bại trấn. Cùng với kinh đô, thành Khu Túc cũng bị hạ

Vào thế kỷ 11, sau cuộc nam chính của vua Đại Việt Lý Thánh Tông, Chiêm Thành đã phải cắt đất 3 châu phía bắc cầu hòa. Dựa theo các khảo cổ được phát hiện, sau khi tiếp tiếp quản vùng đất mới, quan quân người Việt đã dùng lại nền cũ của thành Khu Túc để xây dựng trị sở nhằm cai trị và bảo vệ vùng đất mới, tuy nhiên hiện nay người ngành khảo cổ và sử học chưa xác định được việc người Việt bỏ phế không sử dụng thành Khu Túc nữa vào thời gian nào.

Đây là một số hình ảnh tôi thử dựng lại, mời các bạn:
1-3-3.jpg


1-3-4.jpg


1-3-5.jpg


1-3-6.jpg


1-3-7.jpg
 
Last edited:
1-4 Kandapurpura

Kandapurpura (đô thị Phật) (các tên gọi khác của người Việt, người Trung Quốc là: Phật Thệ, Phật thành, Thành Lồi, Điển Xung) là một trong hai kinh đô của nước Lâm Ấp, kinh đô còn kế tiếp là Simhapura. Kandapurpura được xây dựng và sử dụng trong khoảng 1 thế kỷ từ đầu thế kỷ 4 đến cuối thế kỷ 4 (sau năm 380) trong thời kỳ phật giáo tiểu thừa (Thevada) và Ấn Độ giáo ảnh hưởng nhiều tới Lâm Ấp.

Theo các ghi chép trong Thủy Kinh chú và những khảo cổ phát hiện ra nhứng di tích còn sót lại, các nhà nghiên cứu kế tiếp nhau như L.Aurousseau, Đào Duy Anh, Ngô Văn Doanh...đã xác minh được vị trí của kinh đô Kandapurpura nằm ở vị trí mà ngày nay là xã Thủy Xuân, Huế, phía bắc và phía tây là sông Hương chảy vòng bao bọc, phía nam và phía đông là đồng bằng.

Thành được người Chăm xây dựng vào thời vua Phạm Dật với sự giúp đỡ của Phạm Văn học được kỹ thuật xây thành từ Trung Quốc vào đầu thế kỷ 4, theo nghiên cứu sau khi chiếm được miền bắc mà khu vực ngày nay là từ đèo Ngang tới đèo Hải Vân của Giao Châu, lãnh thổ Lâm Ấp kéo ra đến dãy Hoành Sơn, vua Phạm Văn đã dời thủ phủ từ phía nam thuộc Tượng Lâm (Quảng Nam ngày nay) ra thành phố Huế

Sau các cuộc tấn công từ Giao Châu bởi Ôn Phóng Chi - thứ sử Giao Châu, Lâm Ấp đã phải dời đô về vùng Trà Kiệu với tên gọi kinh đô mới là Simhapura, tuy nhiên các triều đại Chăm Pa sau này vẫn sử dụng thành Kandapurpura như là một trong những trọng trấn ở miền Bắc

Vị trí-cảnh quan:

Thành Lồi hiện nay toạ lạc trên địa phận 2 xã Thuỷ Xuân, Thuỷ Biều và một phần của phường Đúc (thành phố Huế), cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng tây. Toà thành này được xây dựng trên đồi Long Thọ, phía tả ngạn sông Hương. Về mặt hình thể, quả đồi này uốn cong hình móng ngựa mở ra hướng sông Hương. Con đường Huyền Trân Công Chúa được mở cắt ngang và chia toà thành ra làm hai nữa, tính trên phương vị tây-đông. So với nửa hướng đông, nữa hướng tây còn khá quy chỉnh.

1-4-1.jpg


Chếch về hướng tây bắc của toà thành, bên kia sông Hương là chùa Thiên Mụ, xây dựng trên ngọn đồi Hà Khê. Long Thọ Cương-Hà Khê được các nhà địa lý học xem là toả khẩu thứ nhất của sông Hương-đoạn chảy qua thành phố Huế.

1-4-2.jpg


Phía tây thành Lồi là khe Long Thọ chảy cặp theo luỹ thành hướng tây và đổ ra sông Hương. Bao bọc góc thành đông nam và luỹ thành hướng đông là khe Đá, cũng uốn khúc đổ ra sông Hương ở địa phận phường Phường Đúc. Nhìn trên tổng thể, đây là 2 khe nước chảy theo mùa, mùa mưa thì đầy ắp nước, mùa khô thì lại khô cạn chỉ còn lại những đoạn của dòng chảy nông, sâu khác nhau. Xa hơn về phía Tây là làng Nguyệt Biều. Ba mặt của vùng khu vực này được sông Hương bao bọc như là con hào tự nhiên, tạo nên địa thế thuận lợi về giao thông đường thuỷ và chiến lược phòng ngự.

Cấu trúc


Trên tổng thể, thành Lồi được xây dựng trên địa phận làng Dương Xuân Thượng (xã Thuỷ Xuân-thành phố Huế), có hình dạng gần vuông, các luỹ thành nằm đúng theo phương vị tây-nam-đông-bắc . Vùng đồi Dương Xuân Thượng có độ cao từ 30m-50m, thoải dần từ nam xuống bắc, sát với giới hạn xâm thực của sông Hương.

Từ kết quả khảo sát, căn cứ vào những diễn tiến của các luỹ đất cao và các dấu vết gạch vỡ có đặc điểm Chàm phân bố không định hình trong từng đoạn tường thành, chúng tôi đo được kích thước các luỹ thành như sau:

- Luỹ thành hướng tây dài 350m, nơi rộng nhất 12m, nơi hẹp nhất 8,5m, cao 3m-3,7m, bề mặt ken đầy dây dại và tre gai, phần lớn được dùng làm đất canh tác và trồng cây công nghiệp. Phía bên ngoài là khe Long Thọ rộng chừng 2,2m-2,5m, sâu 1,8m, chảy cặp sát chân luỹ thành, đổ ra sông Hương. Bên trong luỹ thành, gần góc thành tây-bắc có một hồ nước nhỏ mà nhân dân địa phương gọi là hồ Điện. Cách hồ Điện 5m về hướng Bắc là điện Voi Ré, từ hồ Điện có một khe nước nhỏ chảy cắt ngang luỹ thành đổ ra khe Long Thọ. Hướng đông của hồ Điện là khu Hổ Quyển.

- Luỹ thành hướng nam dài 550m, nơi rộng nhất 14m, nơi hẹp nhất 4,5m, cao trung bình 2,3m-2,5m. Luỹ thành này chia làm 2 nửa bởi đường Huyền Trân Công Chúa:

* Nửa hướng tây, dọc theo bên trong là khu mộ táng, xen lẫn một số khu vườn của dân địa phương. Đạo gần đường Huyền Trân Công Chúa bị cắt xẻ, san bạt làm sạt lở, biến dạng (đất được san bạt dùng để đắp bồi nấm mộ của các khu mộ táng). Bề mặt luỹ thành, cách góc thành hướng Tây-Nam chừng 150m là nơi đóng cột mốc bảo vệ di tích của Tổng cục Địa chính Việt Nam.

* Nửa thành hướng đông bị san bạt nghiêm trọng, Bên trong gần góc đông-nam là nhà máy vôi thuỷ Long Thọ, bên ngoài là nhà máy thuốc sát trùng. Trên mặt luỹ thành trồng nhiều cây công nghiệp, đoạn thành gần đường Huyền Trân Công Chúa bị san bạt, chỉ cao còn 0,8m-1m. Tường thành được đắp bằng đất, cách mặt thành 0,5m là lớp đá sa thạch xen lẫn gạch vỡ dày hơn 1m. Trong quá trình đào móng để xây dựng hai nhà máy này, một số hiện vật được phát hiện như vòng bạc, các mãnh gốm và đá vỡ có khắc chữ. Tuy nhiên, do tín ngưỡng của dân địa phương, các hiện vật này đều được chôn trở lại.

Bên ngoài luỹ thành còn dấu tích của một hào nước rất đẹp, rộng khoảng 5m nối từ khe Đá đến khe Long Thọ, chảy cặp sát chân luỹ thành (nơi hiện nay DNTN Hồng Lợi đã san bạt làm nhà xưởng).

Cách luỹ thành khoảng 50m về hướng bắc là miếu Quốc vương Chiêm Thành (miếu bà Chăm theo cách gọi dân gian) (195) -nằm trong khu mộ táng nhưng ngày nay đã được dời đi nơi khác, thay vào đó là một Đài Phật Địa Tạng cao gần 1,8m, xung quanh Phật Đài và rải rác trong khu mộ táng là những tảng đá lớn có dấu vết gia công, dài 50cm, rộng 40cm, cao 20cm. Có lẽ trước đây là đá kiến trúc dùng trong miếu Quốc vương Chiêm Thành.

- Luỹ thành hướng đông dài 370m, chạy uốn khúc theo dòng chảy của khe Đá, lấy khe Đá làm hào nước tự nhiên. Dọc theo luỹ thành này là khu dân cư, góc đông-nam là khu mộ táng lớn, trong khu vực này có nhiều miếu Âm Hồn. Từ góc thành đông-nam nhìn ra xa là khu ruộng trũng của nhân dân địa phương.

- Luỹ thành hướng bắc dài 750m, sát với giới hạn của sông Hương-khi nước cạn sông Hương cách luỹ thành 50m-100m, khi nước cường có thể tiến sát đến chân luỹ. Luỹ thành này nay đã bị san bạt hoàn toàn làm nhà ở, bên trong có một bàu nước nhỏ, nước dẫn từ hồ Điện qua một khu ruộng trũng nối với bàu và từ bàu nước này đổ ra sông Hương ở chổ gần Dòng tu Thánh Tâm/Nhà thờ Trường Đá.

Dựa vào một số đoạn tường thành bị cắt xẻ, san bạt làm nhà ở của nhân dân địa phương, trong điều kiện không thể cắt thành, cũng có thể nhận biết được cấu trúc luỹ thành: được đắp bởi hai lớp đất, ở giữa có kè đá và gạch vỡ.

Thành Lồi được đắp dựa và lợi dụng triệt để địa hình tự nhiên, vì thế lớp đất đắp thêm tạo nên tường thành chỉ cao độ 5m, bên trong có gia cố thêm gạch vỡ lẫn đá cuội lớn (rõ nhất là ở luỹ thành nam và tây). Lớp gạch được gia cố thêm này thường cách mặt luỹ thành từ 1,8m-2,0m, dày trung bình 30cm-50cm, có một số nơi lên đến 1m. So với các toà tành khác, kỹ thuật xử lý móng chống sụt lở như ở thành Lồi là điểm khác biệt.

Ngoài hệ thống bàu và hào nước trong và ngoài thành, bàu Nguyệt Bàu ở hướng Tây và bàu Vá ở hướng Đông được xem là nơi dự trữ nước, điều tiết cho hệ thống mương hào bao quanh thành.

Đây là hình tôi vẽ lại, các bạn cùng tham khảo nhé:

1-4-3.jpg


1-4-4.jpg


1-4-5.jpg


1-4-6.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,698
Bài viết
1,135,513
Members
192,441
Latest member
noyonkhepi
Back
Top