What's new

[Chia sẻ] Chuyện nhặt ở UK

Tớ Zorzo đăng ký tên ở Phượt đã lâu. Thậm chí ban đầu còn là Mod, cũng có dịp xóa được 1 bài (chả nhớ của ai khà khà) rồi thấy mất màu chả biết lúc nào. Cơ bản do tớ toàn vào đây hóng chuyện chả chịu hoạt động gì. Xem các bác Dudi, anh Già, anh Net, bạn Chit, bạn Toet, bạn Xu, em Black, em Rosy, bạn v.v. viết bài ác liệt mà tớ cắn rứt quá. Phần vì cũng thích viết bài, phần vì dữ liệu trong máy cũng lưng lưng mà chả biết để làm gì, tớ nghĩ đem chia sẻ chắc sẽ tốt hơn. Topic đầu tiên tớ mở ở Phuot này tự dưng thấy bỡ ngỡ ghê :)

Cách đây mấy năm khi công việc đang suôn sẻ, tớ chẳng có mảy may ý định đi Tây bao giờ. Đời nhiều khi xoay một cái không tính trước được, tự nhiên rũ toẹt mọi thứ ở nhà bay đi UK, may đến giờ vẫn sống. Thời gian như chó chạy, thoáng cái tớ đã ở UK ngót 1 năm. Cũng chả biết sẽ ở đây thêm bao lâu: 1 năm? 3 năm? 5 năm để xin cư trú? Hay lâu hơn nữa? Chịu.

Cái tính ham đi đủ cho tớ đi lên xuống, ngang dọc cái đảo này, thậm chí tiền tiêu cho đi đủ mua mấy đời máy ảnh, mà vẫn cứ phải dùng cái cũ. Cái nhìn của tớ chắc khác bạn Chit với cái đầu nghiên cứu, khác bạn Xu bạn Kẹo Mút như những người du lịch ngắn ngày. Tớ để mắt đến những gì tớ quan tâm, tớ lang thang chui rúc nhiều xó xỉnh, tiếp xúc với cả mặt trước và sau của UK, nên những câu chuyện nhặt có khi nhăng nhít không đầu không cuối, các bạn đừng cười.
 
Last edited:
Nữ hoàng (hoàng gia) có những đội lính danh dự, chuyên mặc những đồ lễ phục rất đẹp để .. cho đẹp. Nổi bật trong số đó là những lính (ngự lâm?) đội mũ lông rất đặc trưng và nổi tiếng. Đã lâu mọi người thường dè bỉu là mũ này quá tốn kém và làm hại môi trường. Mỗi con gấu đen Canada chỉ làm được một cái mũ như thế. Có lẽ những người lính phải bảo vệ cái mũ không kém gì bảo vệ nữ hoàng :p

Đội nhạc lễ cổ động trong một cuộc thi bán maraton tổ chức ở Hyde Park - Một công viên hoàng gia.

_MG_2692.jpg



Người lính thì có dao, sĩ quan thì đeo kiếm. Những người này đều rất cao to lực lưỡng, thêm cái mũ to nữa trông họ rất nổi bật

_MG_2698.jpg



Cái mũ lông gấu đen đắt tiền. Rất nhiều người xúm vào xin chụp ảnh cùng và họ đều vui vẻ chụp cùng (nếu rảnh):

_MG_2694.jpg
 
Ô thế ra cái mũ này là lông thật à?

Mà không hiểu mỗi người được 1 cái đến trọn đời như các anh bộ đội nhà mình, ra quân vẫn được giữ hay ra khỏi cái đội này thì phải gửi lại cho người tiếp theo dùng hả bạn Zo?

@ bạn Zo còn hứa mở topic TS nhá ;)
 
Canary wharf

@anhminh: tớ vẫn nhớ bạn, sau mười mấy năm học trường KT, hóa ra là cùng khóa ngày xưa. Ko biết bạn giờ ra sao.

@all: cám ơn các bác ủng hộ. Em có động lực sẽ chăm chỉ hơn chứ em dễ lười biếng bỏ bê lắm.

@baxu:tớ không rõ lắm, nhưng có lẽ lính không được đem mũ về đâu, nếu không thể nào trong các cửa hàng lưu niệm cũng có bán. Mà lông thật đấy, nữ hoàng Anh ai lại dùng lông giả, ít nhất là cho đến bây giờ.


Nói đến London và UK, rất nhiều người hình dung một đất nước/ thành phố cũ kỹ già nua. Đã từng là một đế chế trong quá khứ, thành phố được xây dựng từ sớm và vẫn giữ nguyên cho đến giờ bởi cái tính bảo thủ cố hữu của người Anh, hoặc áp lực về dân số không quá căng thẳng.

Nhưng nhu cầu về chỗ làm việc thì không thế. Khu City là khu tài chính cũ, chỉ chừng một dặm vuông trong vòng của London Wall đã quá chật chội cho cái thành phố vẫn đứng hàng đầu về hoạt động tài chính này. Canary wharf là chỗ mở rộng, nơi những tòa nhà cao tầng mọc dày đặc như một thể hiện sức mạnh về công nghệ, nhưng cũng là chỗ những người bảo thủ rất phiền lòng vì thành London cổ kính lại mọc lên một lũ quái vật bằng thép và kính như vậy.

Cách trung tâm London khá xa, thuộc Zone2, Canary wharf, nằm trong khu Docklands, nối với London bằng nhiều tuyến Bus, đường sắt nhẹ (Light Train) và đường xe điện ngầm Jubilee. Từ thế kỷ 15, nơi đây là một bến cảng, và trở nên rất sầm uất vào thế kỷ 19. Nó từng bị đánh bom nặng nề trong chiến tranh thế giới 2. Những năm 1970 đánh dấu ngày tàn của những bến cảng từng hoạt động gần 500 năm, Docklands được chuyển sang xây dựng thành khu tài chính bắt đầu từ năm 1982. Canary wharf khởi công năm 1988, bắt đầu hoạt động từ năm 1991, rất trẻ nhưng nhanh chóng kín chỗ. Đến nay, những hoạt động xây dựng ở đây vẫn đang tiếp diễn.
Đêm, Canary wharf rực rỡ ngồn ngộn trong ánh đèn:

_MG_2197.jpg




.
Tòa nhà One Canary Square có cái chop bằng thép, là tòa nhà cao nhất ở đây:

_MG_2185.jpg




.
Chụp những cái ảnh này, tớ đi bằng tầu du lịch đêm trên song Thammes:

_MG_2215.jpg



.
Bạn (là con) gái đi cùng:

_MG_2201.jpg
 
(hóa ra không được post quá 7 ảnh)


Ga Tube, chui lên giữa Canary wharf:

IMG_0051.jpg



.
Ga đường sắt nhẹ:

IMG_0057.jpg




Con quái vật đáng ghét:

IMG_0049.jpg




Nhưng chúng nó lại làm ra tiền với các trung tâm tài chính:

IMG_0056.jpg




Bonus cái ảnh, chỉ là quảng cáo cho tạp chí, dòng chữ ở góc ghi: Chúng ta sống trong thời đại kim tiền.

IMG_0059.jpg
 
Last edited:
Mặc dù đi lại nhiều thành phố ở Đảo, tớ vẫn thích London nhất. Có thể gọi đây là chỗ tập trung mọi thứ của nước Anh.

Kinh tế: nó được ví như cỗ máy in tiền. Năm nay, dù trong cơn bão tài chính toàn cầu, London vẫn được xếp hạng là trung tâm tài chính mạnh nhất thế giới, cùng Tokyo và NewYork làm thành 3 đỉnh tài chính luân phiên hoạt động phủ mọi múi giờ.

Văn hoá: theo cảnh sát London, có khoảng 300 thứ tiếng được sử dụng ở đây. Có ước chừng 12 triệu dân sống và khoảng gần 2 triệu hàng ngày đến và về (làm viêc - du lịch), mật độ dân cư giảm gần như đột ngột từ trung tâm ra các vùng lân cận. Thành phố này văn hoá cực kỳ đa dạng nên cũng là một vấn đề xã hội ở đây. Trong London, có thể dễ dàng tìm đến những khu mà đặc trưng văn hóa rất đậm đặc, như những khu Trung Quốc, khu Ý, Thổ, Ấn, Nam Mỹ, châu Phi. VN dù ít nhưng cũng có hai khu có tương đối ng Việt sống. Bạn có thể chỉ bằng đi chơi LD mà cũng tìm hiểu phần nào văn hoá đa dạng của thế giới. Tớ khoái nhất là có dịp ăn đủ kiểu đồ ăn. Ngoài ra còn các lễ hội, các kiểu trang trí nhà cửa, quần áo… nữa cũng là thứ thú vị để ngó nghiêng.

Quyền lực: khỏi phải nhắc đến khi Downing Street đại diện cho văn phòng thủ tướng, Buckingham Palace là nơi ở của nữ hoàng, Paliament House với tháp BigBen nhà nghị viện, Westminster Abey, St Paul Cathedral tiêu biểu quyền lực của Anh Giáo - Thiên chúa... Những công trình này thực sự khiến người ta khâm phục về cái đế quốc già cỗi này.

Có quá nhiều thứ để nói về London. Từ những đỉnh cao về quyền lực và tài sản đến những người cùng đinh lang thang ngủ gầm cầu, từ những công viên/ lâu đài tráng lệ đến những công viên/ công trình hoang hóa mấy chục năm nằm chìm trong cây cỏ, từ những dãy phố thương mại hào nhoáng rực rỡ đèn màu đến những khu nhà tồi tàn rác rưởi, những lễ nghi hoàng gia xa hoa cổ kính đến những buổi tổ chức vui chơi cho trẻ em của một khu chung cư dân da đen lao động, rồi nhạc kịch, công trình, bảo tàng, sự kiện...

Tớ dù có ý thức đi và nhìn lắm, mà vẫn thấy như chim chích lạc rừng.
 
Vì vậy người Anh có câu : "When a man is tired of London, he is tired of life" !

Tuy vậy, giao thông ở London thật mệt mỏi. Mãi rồi thì cũng quen, nhưng sau khi đi ra nơi khác mới thấy nhẹ cả người.
 
Tube

Có rất nhiều người Việt, và cả người Anh nữa, có ít khái niệm về không gian đô thị của London. Ban đầu, khi chưa mua phương tiện giao thông cá nhân, tôi cũng có cảm giác đấy. Đó là vì đa số người, nhất là vùng trung tâm thường dùng phương tiện công cộng quan trọng nhất của London: tầu điện ngầm. Quan trọng nên những khu nhà, ngôi nhà gần ga tàu thường có giá cao hơn những cái ở xa. Hay khi giới thiệu nhà ở đâu, họ thường nói tên cái ga gần nhất.

Ở London, thành phố duy nhất ở Đảo có tầu điện ngầm, nó không được gọi bằng những từ tiếng Anh thông thường như Metro, Subway hay Underground, mà là Tube (cái ống?). Đi Tube, bạn sẽ phải tra trên bản đồ (internet) xem chỗ bạn định đến gần ga nào nhất. Dùng cái bản đồ Tube 12 đường, 2 chiều và hàng trăm ga, bạn sẽ phải tìm xem đi đường nào, đổi sang đường khác ở ga nào, đi tiếp đến đâu sẽ chui lên. Mọi thứ nằm trong lòng đất nên thực tế họ chẳng có khái niệm về đường từ A đến B đi qua những đâu, có phố nào, công trình nào, cảnh quan ra sao, có chợ búa siêu thị cửa hàng gì không. Tất cả là những cái ga và những mã bưu điện (post code).

Phức tạp không kém, là hệ thống tàu nổi (đường sắt – train) và xe Bus.

Vì phức tạp như vậy, hệ thống hướng dẫn trên web làm việc rất tốt, nó hướng dẫn chi tiết để đi từ A-B gồm đi bộ mấy phút, bắt xe bus nào hướng nào, xuống ga nào, đổi ở đâu, hôm nay đường nào bị trục trặc, ga nào bị sửa chữa… Tất nhiên khi đã quen đường rồi, đôi lúc tôi vẫn nhận thấy hệ thống hướng dẫn này hơi… ngu

Trong ga Tube, camera nhiều như nấm, không có bất kỳ thùng rác nào, thường không có nhà wc, ai để quên đồ (túi) sẽ bị dọn ngay, tất cả là để… chống khủng bố bằng mìn. Hệ thống này quá nhạy cảm vì nó luân chuyển nhiều triệu lượt người hàng ngày. Vào những giờ cao điểm, người đông kinh hoàng, thang máy và băng chuyền chạy cật lực, nhất là những ga lớn giao của nhiều đường như Baker Street, King’s Cross, Liverpool Street… Chi phí cho chiếu sáng, thông gió, thông báo – quan sát và điều khiển dòng người khoa học có lẽ là tốn.

Ga ở sâu, có cái tôi ước lượng khoảng 25-30m dưới mặt đường, và nhiều cái rất rộng, lên xuống chồng chéo, chỉ có thể đi đúng chỉ dẫn nếu không lạc không thoát ra nổi. Có những ga rất cổ như Padington, có từ những năm 184x (kì diệu thật) đẹp vì những vật liệu xây dựng rất cũ. Có những đường rất hiện đại như Jubilee, có vách che đoàn tàu và khách đứng đợi.

Gía đi lại đắt. Hệ thống GTCC của London là một hệ thống hiếm hoi làm ăn không phải trợ giá của chính phủ. Một tờ lá cải đã tính toán, nếu mua vé lẻ 1 lượt, đi trong khoảng 2 ga cạnh nhau, chia cho km, đắt gấp hàng trăm lần bay từ London sang New York. Ví dụ vé lượt tube trong zone 1-2 là 4 GBP, bus là 2 GBP. Mua vé ngày, tuần, tháng hay dùng thẻ sẽ rẻ hơn. Ví dụ vé tháng Zone1-2 khoảng 100 GBP. Ai có ý định đi chơi London, việc tìm hiểu hệ thống này có lẽ là cần thiết nếu không dư dả tính đi taxi.

Ngay cả người London cũng ít dám đi xe ô tô vào trung tâm vì đông, và phải trả phí vùng chống ùn tắc (8 GBP/ ngày, tiền đậu xe cao (thường 3GBP/ giờ, hoặc 12 GBP/ lượt nếu có chỗ).

Dù hàng tháng sau mới quen nổi với hệ thống đáng mệt mỏi này, bây giờ tôi đi chủ yếu bằng phương tiện cá nhân: xe đạp và đi bộ. Vì thế, cảm thấy enjoy bầu trời, ánh nắng và không gian hơn rất nhiều.
 
Bài viết của bạn về London đưa đến một cái nhìn rất thú vị và bổ ích! Xin chờ những bài tiếp theo về những điểm đến khác trên nước Anh.

Ở London, thành phố duy nhất ở Đảo có tầu điện ngầm, nó không được gọi bằng những từ tiếng Anh thông thường như Metro, Subway hay Underground, mà là Tube (cái ống?).

Phức tạp không kém, là hệ thống tàu nổi (đường sắt – train) và xe Bus.

À, ở Glasgow cũng có tàu điện ngầm, gọi là Glasgow Subway. Nhưng cái này nhiều người Anh cũng chưa chắc biết. :)
 
Cảm ơn bạn Bé Saigon nhắc. Quả thật hỏi bác gúc cũng ra Glasgow subway với 1 đường hình tròn 12 ga.

London cũng có đường vành đai, mà vòng M25 dường như là biên giới, cũng có đường hướng tâm, là các đường A. Thực chất London là tập hợp của rất nhiều các đô thị nhỏ. Nó giống như một cái chiếu trúc lắm mảnh to nhỏ khác nhau, nối chằng chịt. Vùng trung tâm thì ranh giới các “mảnh” bị xóa nhòa, nhưng các vùng xung quanh nó vẫn có thể dễ nhận. Tự dưng có một đoạn 1-2 km nhà cửa thưa thớt, vườn rộng, lại đến một trung tâm đông đúc. Một cái thị trấn như thế thường dựa trên 3 điểm: nhà thờ, nhà ga và trung tâm thương mại hoặc highstreet (nói đến đây lại nhớ những highstreet rất xinh đẹp ở York). Ngay trong khu trung tâm vẫn thấy cấu trúc cũ như các hight street, các nhà thờ nhỏ. Nhìn rộng ra chính cả London cũng “tựa” vào những điểm như vậy.

Ealing là một trong 8 đô thị vệ tinh lớn như vậy trong vòng M25. Thực ra Ealing không có gì thu hút du lịch cả, nhưng nó có cấu trúc rất đặc trưng Anh như thế.

Vài khu phố thương mại. Những tòa nhà thời George đứng cùng các tòa nhà thời Victotia:

Ealing1.jpg



Nhà thờ:

Ealing2.jpg


Ealing3.jpg




Tòa thị chính:

Ealing4.jpg




Sân trong đông đúc của trung tâm thương mại:

Ealing5.jpg




Một cái nhà cổ rất xinh là quán ăn:

Ealing6.jpg




Ngựa đồng cho đủ 7 ảnh nhé:

Ealing7.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,768
Bài viết
1,137,715
Members
192,664
Latest member
m8winac
Back
Top