What's new

[Chia sẻ] Trong gió cát sa mạc Gobi

Chào cả nhà: Thấy nhà vắng vẻ quá, thôi thì để bớt hiu quạnh, Châu bá thông tui làm con bò, "ợ" ra nhai lại chuyến đi cũ (năm 2005) chia sẻ với mọi người.

Bài : Đường đến “thế giới cát”…

Những câu chuyện về những đoàn lạc đà đi ngang qua hoang mạc cát mênh mông, cuộc sống của những người du mục Mông Cổ sinh ra giữa sa mạc, sống trong lều, uống sữa ngựa, vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung tên... một thời đã làm tôi mê mẩn và tưởng chừng như chỉ được biết qua sách báo, phim ảnh.
Vậy mà bây giờ tôi đang cưỡi lưng lạc đà trên sa mạc lớn thứ hai trên thế giới - sa mạc Gobi...


Sa mạc Gobi
untitled.jpg


Cửa ngõ sa mạc
Đất nước Trung Hoa thật bao la, phải đến chuyến “giang hồ” thứ ba tôi mới dám vạch ra cho mình một chặng hành trình dài 5.000 km để chinh phục sa mạc Gobi.

Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, tôi chọn phương tiện tàu liên vận quốc tế để sang Nam Ninh (Trung Quốc) và từ đó trực chỉ thành phố Lan Châu, theo tư liệu là một trong những cửa ngõ để vào sa mạc Gobi. Ông giám đốc công ty du lịch tại Lan Châu cứ hỏi đi hỏi lại về ý định vào sa mạc Gobi thuộc khu tự trị Nội Mông, xong ông lắc đầu: “Cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, hầu như chưa có du khách nào đi từ Lan Châu vào sa mạc cả. Nếu các anh muốn biết sa mạc thì nên đến Đôn Hoàng đi, cũng có sa mạc, du lịch lại phát triển nữa”.

Vốn đã quá dị ứng với những chuyến đi gọi là “du lịch” nên tôi cương quyết chọn Lan Châu - thủ phủ tỉnh Cam Túc (cách Hà Nội 2.500km) - làm điểm xuất phát. Thấy không thuyết phục được chúng tôi, ông giám đốc du lịch thở dài va dặn dò: “Nếu đi như thế thì nên tìm một “bảo tiêu” địa phương đi theo vì rất nguy hiểm. Sa mạc là nơi luật pháp khó vươn tay đến được”.

Bản đồ hành trình
MAPGOBI.jpg


Vừa rời thành phố Lan Châu chừng vài chục cây số đã thấy hàng cây xanh mướt bên đường dần biến mất, thay vào đó là những đụn cát khổng lồ cao cả trăm mét, anh lái xe cười bảo: “Chưa ăn thua gì đâu, còn xa lắm, đây chỉ mới là rìa sa mạc thôi, đi sâu vào bên trong có những đụn cát cao cả ngàn mét, khủng khiếp lắm!”.

Thật xứng danh tên gọi “thế giới cát”, màu cát nhờ nhờ phủ khắp mọi nơi: những căn nhà bằng cát, đất; những túp lều, con đường, thậm chí cả gió đều... đầy cát. Những hạt cát li ti bay lẫn trong không khí, lọt đầy vào áo quần, kẽ mắt, miệng. Cát tạo thành những đợt sóng nối tiếp “đuổi” nhau trên mặt đường.Trên tuyến đường cao tốc chúng tôi đi thỉnh thoảng lại bắt gặp một trạm thu phí... dọn cát! Không có dịch vụ dọn cát thì chỉ một ngày là cát lấp hẳn con đường. Gió thổi mạnh nhưng chẳng làm dịu được chút nào cái nóng hừng hực như muốn lột da. Phía đằng xa, trên triền cát, thấp thoáng vài con lạc đà đang đủng đỉnh gặm cỏ khô...

Mãi gần 1 giờ sáng ngày thứ tư của cuộc hành trình chúng tôi mới đến được Trung Vệ (phía tây khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc), nơi xuất phát của chuyến “thám hiểm” đi sâu vào lòng sa mạc. Gần sáng mà trời nóng hầm hập, mồ hôi ra nhớp cả người. Tìm được căn phòng trọ tồi tàn, bẩn thỉu, bà chủ nhà trọ phát cho chúng tôi một xấp giấy vệ sinh kèm lời dặn: “Xài nước ít thôi”. Chúng tôi nghe đã thấy rã rời, nhưng thôi, có chỗ ngả lưng là tốt rồi, ngày mai là cả một chặng đường dài. Anh Kim Sơn - bạn đồng hành - vừa nói: “Ngủ sớm lấy sức vào sa mạc” là lăn ra ngáy khò khò!

Sơn "Trung Quốc" (ngồi ở giữa-đừng lộn)-bạn song hành thân thiết và duy nhất của tôi trong những chuyến rong ruổi tại Trung Quốc
tronggiocatsamac31.jpg


Ngủ được vài tiếng, cả hai chúng tôi dậy sớm để chuẩn bị chuyến băng qua sa mạc bằng lạc đà. Nhiều người dân địa phương bảo với chúng tôi rằng nơi gần nhất để có thể đến được là thảo nguyên Thông Hồ, từ đây đến đó cũng mất hơn bảy tiếng cưỡi lạc đà, giữa đường tuyệt đối không có dân cư. Nhiều người can ngăn vì đang là mùa có bão cát, nếu trên đường gặp bão thì xem như không còn cơ hội để trở ra! Nghe hơi sợ nhưng chúng tôi đã quyết định rồi!

Tôi vác chiếc balô nặng hơn 20kg bò lên đụn cát cao gần 100m, trước mắt là một biển cát mênh mông, không thể nhìn thấy đường chân trời. Tạt vào một trại của người Mông, chúng tôi tìm thuê lạc đà. Ông chủ nhanh chóng ra giá 600 tệ (khoảng 1,2 triệu đồng tiền VN) cho cả ba con lạc đà cùng với một người dẫn đường. Nhẩm đi nhẩm lại thấy cũng rẻ, chúng tôi thuê ngay.
Tiểu Trương - tên người dẫn đường - năm nay 25 tuổi và cũng gần ngần ấy năm... cưỡi lạc đà vì anh là dân Mông Cổ chính tông, sinh ra tại sa mạc và được nuôi lớn bằng sữa ngựa. Tiểu Trương khá e ngại khi biết chúng tôi muốn đi ngay: “Sợ không kịp đến thảo nguyên Thông Hồ trước khi trời tối, nhưng thôi các anh chỉ có 15 phút để chuẩn bị lên đường, nếu không muốn ngủ lại đêm giữa sa mạc”.

Trại lạc đà
samacbai1c.jpg


Ở Sài Gòn khi nhiệt độ lên đến 37 - 38 độ C là tôi đã thấy chịu không nổi, giờ đứng giữa sa mạc Gobi, nhiệt kế vượt quá con số 40 độ C - nắng nóng kinh hoàng! Tiểu Trương cười ra vẻ khoái trá khi chúng tôi than nóng: “Mát lắm rồi đấy. Mấy ngày trước còn lên đến 45 - 50 độ C nữa kìa !”.

Ngô Thừa Ân khi viết chuyện Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh phải mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến công chúa khi qua Hỏa Diệm Sơn, “lửa bốc ngùn ngụt 800 dặm, chung quanh không một ngọn cỏ, bốn mùa nóng bức…” có lẽ quá đúng với hoàn cảnh chúng tôi bây giờ.
Chưa hết, khi hỏi Tiểu Trương vì sao giá thuê lạc đà quá rẻ, anh thật thà cho biết: “Có ai thuê đâu, ai cũng muốn trốn chạy khỏi cái nóng thiêu đốt trong sa mạc, vậy mà các anh lại thuê lạc đà vào đó, có khùng mới không cho thuê!”.

Câu chuyện trên lưng lạc đà
Đoàn lạc đà lên đường! Lúc xuất phát, vì chủ quan thấy Tiểu Trương không dặn dò mua sắm thêm trang bị gì nên tôi cũng không nghĩ đến. Trong balô đầy đủ những thứ cho một chuyến bụi đời gió bụi, nhưng lại thiếu mất hai thứ tối cần thiết cho hành trình băng qua sa mạc: khăn choàng, giày cao cổ! Gió thổi càng lúc càng mạnh.

Lên đường
samacbai1j.jpg


Cát vàng bay mù mịt bắn tung vào mặt, tay, cổ, đau rát như bị kim châm. Chúng tôi phải rạp cả mình lên lưng lạc đà để tránh gió cát, vậy mà hai mắt phải căng ra nhìn hướng đi. Con lạc đà của Tiểu Trương đi trước có mấy bước mà nhiều khi tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ qua màn cát trắng xóa.
Chúng tôi hội ý để tránh tình trạng xấu nhất: lạc giữa sa mạc. Tiểu Trương dừng lại xỏ mũi cột thật chặt ba con lạc đà lại với nhau, khoảng cách đủ gần để khỏi đi lạc. Tiểu Trương hơi lo lắng: “Gặp bão cát thì mệt đấy. Hi vọng đêm nay chúng ta tới được Thông Hồ”.

Tiểu Trương kể anh đã nhiều lần bị lạc và gặp bão cát trong sa mạc. Những người can đảm nhất cũng không nên nghĩ chuyện đương đầu với nó, phương thức thoát hiểm duy nhất là nhanh chóng quay lưng về hướng gió và phải thật nhanh đào cho mình một “cái hang” trên cát, trùm khăn kín cả người và chui xuống đó chờ bão cát qua rồi tìm cách đào cát chui lên... Giữa trưa hè nắng như thiêu đốt, vậy mà câu chuyện của Tiểu Trương làm tôi lạnh xương sống!

samacbai1e.jpg


Cát nối tiếp cát. Đồi nối tiếp đồi. Dù đã đeo kính mát nhưng đôi mắt tôi vẫn bị rát bỏng và nặng như chì vì những hạt cát li ti bay vào…Gió rít từng cơn nghe rất khủng khiếp, và bàng hoàng hơn khi tôi nghe như có tiếng hát, lúc lại nghe như tiếng trống, tiếng réo rắt của nhiều thứ nhạc khí...

“...Anh ta nghe thấy những tiếng nói trên sa mạc giống giọng người bạn đồng hành nói chuyện với anh, có khi còn kêu tên anh nữa… Đôi khi giữa đêm khuya đoàn lữ hành bỗng nghe tiếng lanh canh nhộn nhịp như tiếng của cả một đoàn người, ngựa và lạc đà di chuyển trong đêm tối, nếu người lữ hành tưởng đó là tiếng động của chính đoàn người đang đồng hành với họ và yên tâm đi theo cho đến khi khám phá rằng mình đã bị những tiếng động ma quái ấy phỉnh gạt. Nhiều khách lữ hành đã bị lạc đường và bỏ mạng giữa sa mạc vì những tiếng động kỳ lạ ấy…”, đoạn ghi chép trong Những cuộc du hành của nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo từ thế kỷ 13 khi tiến vào sa mạc Gobi như đang sống dậy trong tôi.

Tôi đã nghe thấy thứ âm thanh kỳ lạ đến rợn người đó giữa trưa hè của thế kỷ 21!...

Tiểu Trương
tieutruong.jpg


Thông tin tham khảo:
Marco Polo không phải là người Châu Âu đầu tiên đặt chân đến sa mạc Gobi này (năm 1275). Mới đây, người ta đã đào được hàng trăm xác ướp còn nguyên vẹn của những gia đình người da trắng cách đây hơn 1000 năm. Với kĩ thuật ướp xác tuyệt hảo cộng với khí hậu nóng khô của sa mạc nên những xác ướp này hầu như còn nguyên vẹn cả mặt mũi, tóc tai…”.

Nhiệt độ sa mạc ban ngày có thể lên đến 55 độ C trong bóng râm còn ban đêm có thể lạnh xuống mức gần đóng băng. Sau sa mạc Sahara, Gobi là sa mạc có diện tích lớn thứ hai trên thế giới : 1,3 triệu km2 (gấp bốn lần nước Việt Nam), trải dài từ Đông sang Tây khỏang 1600km nằm trên Mông Cổ và Trung Quốc (khu tự trị Nội Mông).

Tại đây, các nhà nghiên cứu đã tìm được một trong những tàn tích hóa thạch của các động vật cổ đại thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Từ đó, họ có thể xác định được bức tranh toàn thể về sự tiến hóa của loài động vật có vú, cũng như về quá trình sinh sản của loài khủng long, cung cấp các chứng cứ cho việc hoàn thiện thêm về cây tiến hóa, bổ sung các nhánh và cơ sở để dẫn đến việc xuất hiện loài người”.
 
Last edited:
Sắp tới em đi Marrakesh cũng sẽ cưỡi lạc đà ra sa mạc nên học hỏi bác vụ này..hehe.. thanks (beer)
 
Last edited by a moderator:
Ở Sài Gòn khi nhiệt độ lên đến 37 - 38 độ C là tôi đã thấy chịu không nổi, giờ đứng giữa sa mạc Gobi, nhiệt kế vượt quá con số 400C - nắng nóng kinh hoàng! Tiểu Trương cười ra vẻ khoái trá khi chúng tôi than nóng: “Mát lắm rồi đấy. Mấy ngày trước còn lên đến 45 - 50 độ C nữa kìa !”.

Giật cả miền...tưởng nhiệt độ lên đến 400 độ :)), bạn Trâu còn trẻ mà đã đi Đông đi Tây rồi, khâm phục thật. Bạn viết chi tiết hơn về chuyến đi được không, viết theo kiểu báo thì ít thông tin cho du lịch :), he he...nghĩa là viết càng nhiều càng tốt, cho bọn tớ hóng mới (c)
 
Giật cả miền...tưởng nhiệt độ lên đến 400 độ :)), bạn Trâu còn trẻ mà đã đi Đông đi Tây rồi, khâm phục thật. Bạn viết chi tiết hơn về chuyến đi được không, viết theo kiểu báo thì ít thông tin cho du lịch :), he he...nghĩa là viết càng nhiều càng tốt, cho bọn tớ hóng mới (c)

Tại tui viết ko được dấu hiệu độ C. Đã sưả lại thành chữ. Bác nói viết chi tiết hơn tức là về giá tiền, chỗ ăn, ở...? Nói thật với bác là những ghi chép cụ thể như thế nằm trong sổ ở VN rồi. Hơn nữa, chuyến này đi cũng hơn ba năm trước rồi, nên thông tin cũng quên nhiều, lại không update nên bây giờ mà đi thì những điều đó chưa chắc chính xác nữa. :shrug:. Thôi thì có súng xài súng, có gươm xài gươm, còn cái lai quần ta cũng đánh, bác nhỉ :D.
Bác có câu hỏi nào cụ thể, trong khả năng tui biết gì sẽ trả lời nấy!
Cám ơn bác nhiều!
 
eh he...chả có câu hỏi rì cả...thấy chuyến đi của bạn hay quá, nên muốn bạn viết nhiều hơn bài đã đăng báo :D. Nhưng cũng có thắc mắc đây, thường bạn chuẩn bị thế nào cho những chuyến đi xa và "nguy hiểm" như thế này, có bao giờ nghĩ đến cần có những biện pháp gì nếu gặp rủi ro hay không.
 
Chèm chẹp, cứ thấy topic mới của bạn Châu là mìn lại phải nuốt nước bọt để vào xem :Dam :Dam :Dam.
Mấy ảnh này bạn chụp bằng máy PnS mà đẹp quá (c)
 
Phóng viên báo Tuổi Trẻ mà lại. CBT đúng là CBT (beer)

Anh đang đọc để nghiên cứu để về Việt Nam năm tới cũng đi một chuyến cho nên cần hóng hớt. Likemoon hỏi mấy câu hỏi rất hay, quan trọng nhưng tiếc là CBT lại không có thông tin nhưng không sao, đằng nào về cũng cần update lại thông tin mới nhất .

Thanks for sharing! (beer)
 
eh he...chả có câu hỏi rì cả...thấy chuyến đi của bạn hay quá, nên muốn bạn viết nhiều hơn bài đã đăng báo :D. Nhưng cũng có thắc mắc đây, thường bạn chuẩn bị thế nào cho những chuyến đi xa và "nguy hiểm" như thế này, có bao giờ nghĩ đến cần có những biện pháp gì nếu gặp rủi ro hay không.

À, ít ra là nhiều hình hơn (dù chỉ là hình minh họa chụp bằng máy cùi).
Trả lời câu hỏi của bác, để chuẩn bị cho những chuyến đi xa và hơi "nguy hiểm", theo kinh nghiệm của bản thân, tui thường làm thế này:

1) Đọc càng nhiều càng tốt về nơi mình sắp đến. Kiếm người đã có kinh nghiệm ở vùng mình sắp đi hoặc tương tự để thỉnh giáo thêm. Cụ thể, trước khi đi chuyến này, bên cạnh đọc tài liệu từ nhiều nguồn, tôi có liên lạc với cựu đại sứ Nguyễn Lê Bách. Ông này dù chưa bao giờ đi hoặc ở sa mạc Gobi, nhưng ông ta từng là đại sứ hơn 10 năm ở các nước vùng sa mạc, nên những kinh nghiệm của ông ta chắc chắn sẽ hữu ích. Đừng nghĩ là tại tui "quen biết" nên người ta mới chỉ dẫn, lạ cũng sao, cứ mạnh dạn hỏi, tui nghĩ ai cũng sẵn lòng thôi (trừ khi họ quá bận, nhưng ít ra, họ cũng sẽ có vài lời khuyên hữu ích.)

2) Bất cứ khi nào có thể, liên lạc với bạn bè hoặc người thân để thông báo mình đang ở đâu, lộ trình sắp tới có thể là thế nào, bao lâu...

3) Đến tại địa phương đó, hỏi dân địa phương. Lưu ý là phải hỏi nhiều người, nhiều "dạng người" để phối kiểm thông tin. Thí dụ hỏi người đi đường, hỏi người chủ phòng trọ, hỏi anh chạy taxi, hoặc thậm chí chạy vào đồn cảnh sát hỏi thăm cũng tốt. (Mình đàng hoàng mà, sợ gì ;) ).

4) Càng bớt để lộ người khác biết mình "là ai" càng tốt. Mình càng lộ vẻ amateur, xác suất bị "làm thịt" càng cao.

5) Cụ thể, trước khi tui vào sa mạc, tui đã "dằn mặt" giả bộ cho thằng chủ trại biết rằng tui có thằng bạn cũng ở ngay thị trấn đó, nó cũng biết tui đi chỗ này, nhưng tại nó bận nên nó không đi được...Làm điều này để phòng thằng chủ trại lạc đà có muốn "thịt" mình thì nó cũng ngại.(Thật sự là vào trong sa mạc rồi, lại là khu của nó, nó mà đã có ý định xấu thì mình có chạy đằng trời). Cạnh đó, tui cũng tip cho chỗ trọ 1 tí, và nhắn với nó chỗ, thời điểm xuất phát của tui...

Không có gì là tuyệt đối an toàn. Nhưng mình phải làm tất cả có thể. Đó là một số take notes về kinh nghiệm đường xa của tui. Bữa nào có điều kiện sẽ nói dài hơn :) Trong này tui biết toàn là "dân thứ dữ", có gì sơ sót xin...cứ cười (rồi bỏ qua), hén! (beer)

@anh Netwalker: em đã trả lời câu hỏi của Likemoon rồi đó :)
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,001
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top