What's new

[Chia sẻ] Trong gió cát sa mạc Gobi

Chào cả nhà: Thấy nhà vắng vẻ quá, thôi thì để bớt hiu quạnh, Châu bá thông tui làm con bò, "ợ" ra nhai lại chuyến đi cũ (năm 2005) chia sẻ với mọi người.

Bài : Đường đến “thế giới cát”…

Những câu chuyện về những đoàn lạc đà đi ngang qua hoang mạc cát mênh mông, cuộc sống của những người du mục Mông Cổ sinh ra giữa sa mạc, sống trong lều, uống sữa ngựa, vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung tên... một thời đã làm tôi mê mẩn và tưởng chừng như chỉ được biết qua sách báo, phim ảnh.
Vậy mà bây giờ tôi đang cưỡi lưng lạc đà trên sa mạc lớn thứ hai trên thế giới - sa mạc Gobi...


Sa mạc Gobi
untitled.jpg


Cửa ngõ sa mạc
Đất nước Trung Hoa thật bao la, phải đến chuyến “giang hồ” thứ ba tôi mới dám vạch ra cho mình một chặng hành trình dài 5.000 km để chinh phục sa mạc Gobi.

Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, tôi chọn phương tiện tàu liên vận quốc tế để sang Nam Ninh (Trung Quốc) và từ đó trực chỉ thành phố Lan Châu, theo tư liệu là một trong những cửa ngõ để vào sa mạc Gobi. Ông giám đốc công ty du lịch tại Lan Châu cứ hỏi đi hỏi lại về ý định vào sa mạc Gobi thuộc khu tự trị Nội Mông, xong ông lắc đầu: “Cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, hầu như chưa có du khách nào đi từ Lan Châu vào sa mạc cả. Nếu các anh muốn biết sa mạc thì nên đến Đôn Hoàng đi, cũng có sa mạc, du lịch lại phát triển nữa”.

Vốn đã quá dị ứng với những chuyến đi gọi là “du lịch” nên tôi cương quyết chọn Lan Châu - thủ phủ tỉnh Cam Túc (cách Hà Nội 2.500km) - làm điểm xuất phát. Thấy không thuyết phục được chúng tôi, ông giám đốc du lịch thở dài va dặn dò: “Nếu đi như thế thì nên tìm một “bảo tiêu” địa phương đi theo vì rất nguy hiểm. Sa mạc là nơi luật pháp khó vươn tay đến được”.

Bản đồ hành trình
MAPGOBI.jpg


Vừa rời thành phố Lan Châu chừng vài chục cây số đã thấy hàng cây xanh mướt bên đường dần biến mất, thay vào đó là những đụn cát khổng lồ cao cả trăm mét, anh lái xe cười bảo: “Chưa ăn thua gì đâu, còn xa lắm, đây chỉ mới là rìa sa mạc thôi, đi sâu vào bên trong có những đụn cát cao cả ngàn mét, khủng khiếp lắm!”.

Thật xứng danh tên gọi “thế giới cát”, màu cát nhờ nhờ phủ khắp mọi nơi: những căn nhà bằng cát, đất; những túp lều, con đường, thậm chí cả gió đều... đầy cát. Những hạt cát li ti bay lẫn trong không khí, lọt đầy vào áo quần, kẽ mắt, miệng. Cát tạo thành những đợt sóng nối tiếp “đuổi” nhau trên mặt đường.Trên tuyến đường cao tốc chúng tôi đi thỉnh thoảng lại bắt gặp một trạm thu phí... dọn cát! Không có dịch vụ dọn cát thì chỉ một ngày là cát lấp hẳn con đường. Gió thổi mạnh nhưng chẳng làm dịu được chút nào cái nóng hừng hực như muốn lột da. Phía đằng xa, trên triền cát, thấp thoáng vài con lạc đà đang đủng đỉnh gặm cỏ khô...

Mãi gần 1 giờ sáng ngày thứ tư của cuộc hành trình chúng tôi mới đến được Trung Vệ (phía tây khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc), nơi xuất phát của chuyến “thám hiểm” đi sâu vào lòng sa mạc. Gần sáng mà trời nóng hầm hập, mồ hôi ra nhớp cả người. Tìm được căn phòng trọ tồi tàn, bẩn thỉu, bà chủ nhà trọ phát cho chúng tôi một xấp giấy vệ sinh kèm lời dặn: “Xài nước ít thôi”. Chúng tôi nghe đã thấy rã rời, nhưng thôi, có chỗ ngả lưng là tốt rồi, ngày mai là cả một chặng đường dài. Anh Kim Sơn - bạn đồng hành - vừa nói: “Ngủ sớm lấy sức vào sa mạc” là lăn ra ngáy khò khò!

Sơn "Trung Quốc" (ngồi ở giữa-đừng lộn)-bạn song hành thân thiết và duy nhất của tôi trong những chuyến rong ruổi tại Trung Quốc
tronggiocatsamac31.jpg


Ngủ được vài tiếng, cả hai chúng tôi dậy sớm để chuẩn bị chuyến băng qua sa mạc bằng lạc đà. Nhiều người dân địa phương bảo với chúng tôi rằng nơi gần nhất để có thể đến được là thảo nguyên Thông Hồ, từ đây đến đó cũng mất hơn bảy tiếng cưỡi lạc đà, giữa đường tuyệt đối không có dân cư. Nhiều người can ngăn vì đang là mùa có bão cát, nếu trên đường gặp bão thì xem như không còn cơ hội để trở ra! Nghe hơi sợ nhưng chúng tôi đã quyết định rồi!

Tôi vác chiếc balô nặng hơn 20kg bò lên đụn cát cao gần 100m, trước mắt là một biển cát mênh mông, không thể nhìn thấy đường chân trời. Tạt vào một trại của người Mông, chúng tôi tìm thuê lạc đà. Ông chủ nhanh chóng ra giá 600 tệ (khoảng 1,2 triệu đồng tiền VN) cho cả ba con lạc đà cùng với một người dẫn đường. Nhẩm đi nhẩm lại thấy cũng rẻ, chúng tôi thuê ngay.
Tiểu Trương - tên người dẫn đường - năm nay 25 tuổi và cũng gần ngần ấy năm... cưỡi lạc đà vì anh là dân Mông Cổ chính tông, sinh ra tại sa mạc và được nuôi lớn bằng sữa ngựa. Tiểu Trương khá e ngại khi biết chúng tôi muốn đi ngay: “Sợ không kịp đến thảo nguyên Thông Hồ trước khi trời tối, nhưng thôi các anh chỉ có 15 phút để chuẩn bị lên đường, nếu không muốn ngủ lại đêm giữa sa mạc”.

Trại lạc đà
samacbai1c.jpg


Ở Sài Gòn khi nhiệt độ lên đến 37 - 38 độ C là tôi đã thấy chịu không nổi, giờ đứng giữa sa mạc Gobi, nhiệt kế vượt quá con số 40 độ C - nắng nóng kinh hoàng! Tiểu Trương cười ra vẻ khoái trá khi chúng tôi than nóng: “Mát lắm rồi đấy. Mấy ngày trước còn lên đến 45 - 50 độ C nữa kìa !”.

Ngô Thừa Ân khi viết chuyện Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh phải mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến công chúa khi qua Hỏa Diệm Sơn, “lửa bốc ngùn ngụt 800 dặm, chung quanh không một ngọn cỏ, bốn mùa nóng bức…” có lẽ quá đúng với hoàn cảnh chúng tôi bây giờ.
Chưa hết, khi hỏi Tiểu Trương vì sao giá thuê lạc đà quá rẻ, anh thật thà cho biết: “Có ai thuê đâu, ai cũng muốn trốn chạy khỏi cái nóng thiêu đốt trong sa mạc, vậy mà các anh lại thuê lạc đà vào đó, có khùng mới không cho thuê!”.

Câu chuyện trên lưng lạc đà
Đoàn lạc đà lên đường! Lúc xuất phát, vì chủ quan thấy Tiểu Trương không dặn dò mua sắm thêm trang bị gì nên tôi cũng không nghĩ đến. Trong balô đầy đủ những thứ cho một chuyến bụi đời gió bụi, nhưng lại thiếu mất hai thứ tối cần thiết cho hành trình băng qua sa mạc: khăn choàng, giày cao cổ! Gió thổi càng lúc càng mạnh.

Lên đường
samacbai1j.jpg


Cát vàng bay mù mịt bắn tung vào mặt, tay, cổ, đau rát như bị kim châm. Chúng tôi phải rạp cả mình lên lưng lạc đà để tránh gió cát, vậy mà hai mắt phải căng ra nhìn hướng đi. Con lạc đà của Tiểu Trương đi trước có mấy bước mà nhiều khi tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ qua màn cát trắng xóa.
Chúng tôi hội ý để tránh tình trạng xấu nhất: lạc giữa sa mạc. Tiểu Trương dừng lại xỏ mũi cột thật chặt ba con lạc đà lại với nhau, khoảng cách đủ gần để khỏi đi lạc. Tiểu Trương hơi lo lắng: “Gặp bão cát thì mệt đấy. Hi vọng đêm nay chúng ta tới được Thông Hồ”.

Tiểu Trương kể anh đã nhiều lần bị lạc và gặp bão cát trong sa mạc. Những người can đảm nhất cũng không nên nghĩ chuyện đương đầu với nó, phương thức thoát hiểm duy nhất là nhanh chóng quay lưng về hướng gió và phải thật nhanh đào cho mình một “cái hang” trên cát, trùm khăn kín cả người và chui xuống đó chờ bão cát qua rồi tìm cách đào cát chui lên... Giữa trưa hè nắng như thiêu đốt, vậy mà câu chuyện của Tiểu Trương làm tôi lạnh xương sống!

samacbai1e.jpg


Cát nối tiếp cát. Đồi nối tiếp đồi. Dù đã đeo kính mát nhưng đôi mắt tôi vẫn bị rát bỏng và nặng như chì vì những hạt cát li ti bay vào…Gió rít từng cơn nghe rất khủng khiếp, và bàng hoàng hơn khi tôi nghe như có tiếng hát, lúc lại nghe như tiếng trống, tiếng réo rắt của nhiều thứ nhạc khí...

“...Anh ta nghe thấy những tiếng nói trên sa mạc giống giọng người bạn đồng hành nói chuyện với anh, có khi còn kêu tên anh nữa… Đôi khi giữa đêm khuya đoàn lữ hành bỗng nghe tiếng lanh canh nhộn nhịp như tiếng của cả một đoàn người, ngựa và lạc đà di chuyển trong đêm tối, nếu người lữ hành tưởng đó là tiếng động của chính đoàn người đang đồng hành với họ và yên tâm đi theo cho đến khi khám phá rằng mình đã bị những tiếng động ma quái ấy phỉnh gạt. Nhiều khách lữ hành đã bị lạc đường và bỏ mạng giữa sa mạc vì những tiếng động kỳ lạ ấy…”, đoạn ghi chép trong Những cuộc du hành của nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo từ thế kỷ 13 khi tiến vào sa mạc Gobi như đang sống dậy trong tôi.

Tôi đã nghe thấy thứ âm thanh kỳ lạ đến rợn người đó giữa trưa hè của thế kỷ 21!...

Tiểu Trương
tieutruong.jpg


Thông tin tham khảo:
Marco Polo không phải là người Châu Âu đầu tiên đặt chân đến sa mạc Gobi này (năm 1275). Mới đây, người ta đã đào được hàng trăm xác ướp còn nguyên vẹn của những gia đình người da trắng cách đây hơn 1000 năm. Với kĩ thuật ướp xác tuyệt hảo cộng với khí hậu nóng khô của sa mạc nên những xác ướp này hầu như còn nguyên vẹn cả mặt mũi, tóc tai…”.

Nhiệt độ sa mạc ban ngày có thể lên đến 55 độ C trong bóng râm còn ban đêm có thể lạnh xuống mức gần đóng băng. Sau sa mạc Sahara, Gobi là sa mạc có diện tích lớn thứ hai trên thế giới : 1,3 triệu km2 (gấp bốn lần nước Việt Nam), trải dài từ Đông sang Tây khỏang 1600km nằm trên Mông Cổ và Trung Quốc (khu tự trị Nội Mông).

Tại đây, các nhà nghiên cứu đã tìm được một trong những tàn tích hóa thạch của các động vật cổ đại thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Từ đó, họ có thể xác định được bức tranh toàn thể về sự tiến hóa của loài động vật có vú, cũng như về quá trình sinh sản của loài khủng long, cung cấp các chứng cứ cho việc hoàn thiện thêm về cây tiến hóa, bổ sung các nhánh và cơ sở để dẫn đến việc xuất hiện loài người”.
 
Last edited:
bài 2: Đêm sa mạc


Đoàn người và lạc đà vẫn lầm lũi đi giữa biển sa mạc, gió cát bắt đầu quất từng cơn thật mạnh vào đoàn lữ hành. Tôi hét to hỏi Tiểu Trương: “Bão cát à?”. Tiểu Trương vẫn giữ vai trò “hoa tiêu” đi đầu quay lại nói to: “Không, nếu bão cát thì anh không thể đi như thế được, chỉ là gió bình thường thôi!”
.

Ảo ảnh!
Đi trong sa mạc mới hơn ba giờ đồng hồ mà tôi có cảm tưởng dài như cả một ngày. Suốt chặng đường dài chẳng hề thấy một bóng người, một bóng cây, cho dù ẩn hiện từ phía đường chân trời. Dưới ánh nắng mặt trời, cả sa mạc như vàng cháy.

Thỉnh thoảng Tiểu Trương lại cho đoàn lữ hành dừng lại, anh ngó tới, ngó lui, tần ngần một hồi rồi mới thúc lạc đà đi tiếp. Tiểu Trương nói: “Để xem bóng nắng ấy mà, phải biết mình đang đi theo hướng nào chứ!”. Trời đất! Tiểu Trương không hề có bất cứ một thứ gì để định vị, tìm phương hướng giữa sa mạc mênh mông, cho dù đó là một cái la bàn be bé!

samacbai1h.jpg


Quá hào hứng với chuyến đi, tôi đã phó thác cả mạng sống mình vào tay một người xa lạ! Lấy lại bình tĩnh, tôi gợi ý với Tiểu Trương: “Hay chúng ta theo dấu chân lạc đà để quay về lấy la bàn cho chắc ăn?”. Chuyện hệ trọng vậy mà Tiểu Trương nghe xong cười lớn: “Làm sao mà về! Chỉ cần chúng ta đi qua là gió cát đã lấp ngay dấu chân lạc đà rồi, không thể quay về được!”.

Dù đã chuẩn bị mỗi người hơn 2 lít nước cho chuyến đi nhưng không ngờ cái nóng đã làm lượng nước bị tiêu thụ quá nhanh. Chiếc bình toong chẳng còn giọt nước nào. Tôi lo lắng nhưng cố bình tĩnh để nhớ lại một số kiến thức về cách tồn tại giữa sa mạc mà tôi đã từng đọc qua: “Những nơi có thể có nước là nơi có cỏ hay lau sậy mọc, chỗ có đất ẩm ướt... Nếu thấy cây chà là thì sẽ có nước ở độ sâu khoảng 1m dưới đất. Gặp cây cỏ mặn thì chắc chắn sẽ có nước trong khoảng 2m...”. Nhưng than ôi, nhìn quanh chỉ thấy toàn cát và cát…

Trời bắt đầu sụp tối, ánh nắng tắt dần, tôi nhìn đồng hồ đeo tay: 8g! Cũng may là ở vùng sa mạc này hoàng hôn đến rất trễ, nếu không chúng tôi gay go từ lâu rồi. Theo kế hoạch ban đầu, sau bảy giờ vượt sa mạc đoàn lữ hành đã đến được thảo nguyên Thông Hồ - một ốc đảo đầu tiên giữa sa mạc để trú đêm. Nhưng nhìn quanh cát vẫn mênh mông tít tắp. Có lẽ do chúng tôi liên tục dừng chân nghỉ ngơi quá lâu chăng, hay tại gió ngược nên tốc độ đi chậm lại?... Trong đầu tôi cứ đưa ra thật nhiều lý do để cố trấn an về một tình huống xấu nhất. Anh Kim Sơn - người bạn đồng hành gan góc của tôi - cũng căng thẳng ra mặt và im lặng suốt.

Màu xanh của sự sống như thế này lúc này chỉ là mơ (Ảnh chụp ở những bước chân đầu tiên vào sa mạc)
tronggiocatsamac24.jpg


Trời đã tối hẳn. Bốn bề mù mịt, gió vẫn chưa ngừng thổi, đàn lạc đà vẫn kiên nhẫn cất từng bước chân giữa sa mạc, đoàn lữ hành rã rời, kiệt sức lầm lũi bước trong đêm... Đầu tôi cứ nghĩ vẩn vơ... Bỗng nghe tiếng Tiểu Trương la lên: “Đến rồi!”. Dõi theo hướng đèn pin, tôi thấy một đốm lửa nhỏ leo lét ở tít đằng xa. Chưa kịp mừng thì tôi lại lo lắng: “Liệu có phải là hiện tượng ảo ảnh thường thấy trên sa mạc không?”.

Những câu chuyện về hiện tượng ảo ảnh trong sa mạc cứ thế ùa về, khi đã kiệt sức những người lạc lối trong sa mạc thường hay thấy trước mắt họ là những hồ nước mát lạnh, những ngôi làng sung túc, những rừng cây ăn trái ngọt ngào, họ cố chạy, cố lết đến nhưng cái “ốc đảo” kia ngày càng lùi xa hoặc biến mất, cát vẫn hoàn cát mênh mông, người ta đã chết dần chết mòn giữa hi vọng và tuyệt vọng, một cái chết thật kinh khủng!... Tôi quay sang anh Sơn thì thấy anh cung reo lên: “Đúng rồi! Có đốm lửa, có ngôi nhà nữa kìa”. Đốm lửa không rời xa và ngày một rõ dần, lớn dần. Đúng rồi, một ngôi nhà từ từ hiện ra trước mắt...

... Đặt lưng xuống chiếc giường rơm, đồng hồ đã chỉ quá nửa đêm. Tôi bây giờ chỉ còn lại một tấm thân rã rời, một đôi chân như tê dại mất cảm giác, khổ sở nhất là cái “bàn tọa” cứ đụng nhẹ là đau vì phải “nảy tưng tưng” giữa hai bướu của con lạc đà suốt cả một ngày. Tối đó tôi phải nằm sấp mới ngủ được!


Ngôi làng “chết”

Tong Gu Nao là ngôi làng nhỏ, chỉ vài trăm người Mông Cổ sinh sống. Khi chúng tôi đến, cả làng vắng hoe, chỉ có vài con lừa, con dê đang thong thả gặm cỏ, thấy người lạ đến chúng be be toáng cả lên. Một cụ bà người Mông Cổ đội nón trắng theo truyền thống đạo Hồi đang cho dê ăn, ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi lạ lẫm.

langMongCO17.jpg


Người hướng dẫn đốt tẩu thuốc rồi trịnh trọng đưa mời. Cụ bà hút vài hơi và trả chiếc tẩu lại người mời, hai người nhìn nhau cười nói ra chiều thân thiện lắm. Người dẫn đường giải thích: “Đó là cách thức làm quen của người Mông Cổ. Họ đặc biệt coi trọng cách mời thuốc. Hai người cùng hút chung một tẩu thuốc là biểu thị chúc phúc lẫn nhau. Đừng dại dâng tẩu thuốc đã tắt lửa, đó là có ý chửi mắng họ, có thể dẫn đến đổ máu”.

Cụ bà Mông Cổ cho biết người trong làng đã đi cả tháng rồi. Trong làng chỉ còn người già thôi. Mỗi khi mùa hè đến, dân du mục thường dẫn theo hàng đàn lạc đà, dê, ngựa đi thật xa tìm nguồn nước, tìm những thảm cỏ xanh mới làm thức ăn cho chúng. Họ cứ đi, đi mãi đến khi mùa đông mới quay trở về. Mà thật ra còn có lý do khác khiến làng Tong Gu Nao vắng tanh đến rợn người này.

Rất nhiều người ra đi để kiếm sống và không quay về nữa. Họ đi vì làng nghèo quá. Ngoài vài cái nhà gạch cũ kỹ, hầu hết đều là nhà làm bằng đất nện và bằng... phân lạc đà! Một cô gái đang thả gàu xuống cái giếng gần cạn múc nước, cô buồn bã nói: “Trước đây làng cũng đông vui lắm, nhưng nước càng ngày càng thiếu, đồng cỏ đã biến mất nhiều, xung quanh bây giờ toàn cát là cát. Vùng này sắp biến thành sa mạc rồi. Sớm muộn gì chúng tôi cũng phải ra đi”.

Cái giếng đã gần cạn khô nước
samac2a.jpg


Chúng tôi vào thăm nhà bà Amalan, một người cao tuổi của Tong Gu Nao, khi đang trò chuyện thì có khách đến. Đó là ông hàng xóm tên Mãn Ba Hợp, ông sang trả con ngựa cho bà Amalan mà ông mượn để đi công việc. Thấy có khách phương xa đến, ông cụ Mông Cổ đã 86 tuổi này rất vui, cố nài nỉ chúng tôi sang chơi nhà ông. Nhìn cảnh người đàn ông Mông Cổ đến con ngựa cũng không có, người khô đét, lụm cụm lê từng bước nặng nề trên con đường làng mấp mô tôi thấy xót xa.

Đâu rồi hình ảnh mạnh mẽ của những chiến binh Mông Cổ oai hùng; đâu rồi một thời vó ngựa Mông Cổ dẫm nát cả châu Âu và hoàng đế Thành Cát Tư Hãn đã từng tuyên bố về lãnh thổ bao la của mình: “Từ trung tâm phi ngựa về phía đông hoặc phía tây suốt một năm cũng chưa tới được biên giới”...

Ông Mãn Ba Hợp
2j.jpg


Nhà ông Mãn Ba Hợp một phần làm bằng gạch, một phần bằng phân lạc đà trộn rơm. Cửa vào chỉ là một tấm bạt dày phủ xuống, tấm bạt này không chỉ giữ nhiệt trong mùa đông mà còn cản những trận gió cát phần phật suốt ngày đêm. Tuy nghèo lắm nhưng ông cố mời chúng tôi ở lại ăn chiều. Trên bàn có một đĩa thịt dê khô và một đĩa bánh bột gạo được cắt lát.

“Món mái mù đấy, cái này chiên lên dùng chung với hồng trà”. Rồi ông đi vào nhà, một hồi mang ra một bình lớn mời chúng tôi: “Uống thử rượu sữa ngựa đi. Nó tượng trưng cho sự thuần khiết, may mắn và hạnh phúc. Chỉ khi có khách quí người Mông Cổ mới đem rượu sữa ngựa ra mời thôi”. Rượu sữa ngựa hơi đặc, màu vàng đục, mùi hơi nồng nhưng có “hậu” tuyệt vời.

Vợ ông Hợp đi tới đi lui lăng xăng tiếp khách. Hai vợ chồng đã gần 90 tuổi, sống lủi thủi nhờ vào đàn dê. Khi tôi hỏi thăm về gia cảnh, về hình ảnh những đàn ngựa kiêu hùng và những túp lều rộng mênh mông giữa thảo nguyên như thường thấy trong phim ảnh giới thiệu về người Mông Cổ, bà Hợp lắc đầu buồn bã:
“Tôi có hai đứa con, nhưng từ rất lâu rồi chúng nó đều bỏ lên thành phố kiếm sống rồi ở trên đó luôn, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Chúng bây giờ đâu còn là người Mông Cổ nữa, tôi không trách chúng, có được công việc ở thành phố là cả một tương lai. Cuộc sống du mục từ thuở xa xưa nơi đây đang đến hồi kết thúc, có cái nhà đất để ở là may mắn lắm rồi, tiền đâu mà sắm nhà lều, nhà bạt...”.

Vợ chồng già
2d.jpg


Những dự định đầy háo hức của chúng tôi về cái cảnh được sống, được ăn, được cùng phi ngựa với người Mông Cổ trên thảo nguyên bao la giờ đã tan biến. Người Mông Cổ ở sa mạc Gobi bây giờ đang dần kiệt quệ, làn sóng thị trường đã len lỏi vào tận ruột gan của sa mạc. Trên đường về, cách Tong Gu Nao không xa lắm, tôi bắt gặp hàng đàn gia súc đang nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng cỏ xanh mướt. “Của người Hán đấy, người Mông Cổ làm gì có vốn liếng mà tạo dựng đàn gia súc lớn như vậy!” - người dẫn đường nói.

Tôi chợt nhớ đến phim Anh hùng xạ điêu, cũng vào một buổi chiều vàng mênh mông và vắng lặng như vậy, hai người đàn ông, một già một trẻ đứng luận anh hùng. Người già tướng mạo oai phong, ngồi trên lưng ngựa, cầm ngọn roi chỉ ra khắp Đông Tây Nam Bắc: "Ta là anh hùng. Ta sẽ biến cả thế giới này thành bãi chăn ngựa của người Mông Cổ". Người trẻ ước chừng 18 tuôỉ, tướng mạo hiền lành, cãi lại: "Anh hùng là đem trả lại tất cả những gì thuộc về họ". Ông già đó chính là hoàng đế Mông Cổ vĩ đại Thành Cát Tư Hãn, cuối cùng cũng thực hiện được tham vọng bá chủ thế giới của mình. Chỉ tội nghiệp cho chàng trai trẻ Quách Tĩnh, ước vọng "của ai trả về nấy" có lẽ maĩ mãi chỉ là điều viễn vông...

Góc phòng trong nhà
2f.jpg
 
Last edited:
Không có gì là tuyệt đối an toàn. Nhưng mình phải làm tất cả có thể. Đó là một số take notes về kinh nghiệm đường xa của tui. Bữa nào có điều kiện sẽ nói dài hơn :) Trong này tui biết toàn là "dân thứ dữ", có gì sơ sót xin...cứ cười (rồi bỏ qua), hén! (beer)

Không đâu bạn Trâu, để có những kinh nghiệm như thế này là phải trả một cái giá đắt có khi bằng cả sự nguy hiểm đến bản thân mình, nếu ai đó có trải qua cảnh ngộ tương tự sẽ có thể dùng đến nó hoặc ít ra phải lường trước được nó - tớ nghĩ thế :), thanks for sharing (c)
 
Bạn Chaubathong giỏi quá, chắc bạn cũng thạo tiếng Tầu nữa đây. Tớ qua Lan Châu không thuê được ks ở trước cửa ga vì cứ xông vào thấy mình ú ớ là họ đuổi luôn. Vào đến chục cái mà phải bỏ đi chịu chết... Vậy là ở Lan châu đi cáp treo qua sông Hoàng Hà rồi bắt bus lên cửa ngõ cao nguyên Thanh Hải xem thủy điện và về đi Gia dụ quan. Đi Gôbi ở cả TQ lẫn Mông cổ, nhưng cưỡi lạc đà xem hoa. Lên lạc đà được tiếng đồng hồ thì xuống lầm bầm, ê mông với lại xóc bỏ xừ... vậy là thôi.
Dân Mông cổ nhiều gia súc, đàn vài ngàn con nhưng trởi cho chẳng biết thế nào...cạch đây vài năm một trận dịch cho số gia súc ra đi hơn chục triệu con... ( người Mông cổ chỉ khoảng 4 triệu ) môi trường sau đó cũng hủy hoại nặng nề...

Bạn CBT viết tiếp đi...
 
Bạn Chaubathong giỏi quá, chắc bạn cũng thạo tiếng Tầu nữa đây. Tớ qua Lan Châu không thuê được ks ở trước cửa ga vì cứ xông vào thấy mình ú ớ là họ đuổi luôn. Vào đến chục cái mà phải bỏ đi chịu chết... Vậy là ở Lan châu đi cáp treo qua sông Hoàng Hà rồi bắt bus lên cửa ngõ cao nguyên Thanh Hải xem thủy điện và về đi Gia dụ quan. Đi Gôbi ở cả TQ lẫn Mông cổ, nhưng cưỡi lạc đà xem hoa. Lên lạc đà được tiếng đồng hồ thì xuống lầm bầm, ê mông với lại xóc bỏ xừ... vậy là thôi.
Dân Mông cổ nhiều gia súc, đàn vài ngàn con nhưng trởi cho chẳng biết thế nào...cạch đây vài năm một trận dịch cho số gia súc ra đi hơn chục triệu con... ( người Mông cổ chỉ khoảng 4 triệu ) môi trường sau đó cũng hủy hoại nặng nề...

Bạn CBT viết tiếp đi...

Tiếng Tàu em chỉ biết vài từ lỏm bỏm thôi. Tất cả những giao dịch đều nhờ người bạn đường của em là anh Sơn "Trung Quốc". Ông này cũng là một "lão giang hồ" rành Tàu còn hơn người Tàu (dù ổng là người Việt chính tông. (Bữa nào viết một bài về ông này chơi).:)
 
Nhà của người Mông Cổ ở làng Tong Gu Nao

Coi vài hình chụp bằng máy cùi để hình dung hơn cuộc sống của người dân Mông Cổ (khu tự trị Nội Mông- Trung Quốc) hen.

Đường vào làng
langMongCoTOngGuNao19.jpg



Ngõ vào nhà
langMongCoTOngGuNao20.jpg


Trước cửa nhà ông Mãn Ba Hợp bay phất phới một lá phướn lớn in những dòng kinh chi chít, có đính những mảnh lụa nhiều màu. Ông bảo người Mông Cổ thích mượn màu sắc để gửi gắm tình cảm. Lụa đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, thắng lợi; màu lam: trung thành, vĩnh hằng ; màu trắng: thuần khiết, chân thành (Do đó, khăn ha ta trắng là lọai khăn mà người Mông Cổ và Tây Tạng thường dùng để tặng khách quí); màu vàng : sự kính trọng… Họ tuyệt đối không sử dụng màu đen vì đó là điềm gở, bất hạnh, tai họa.
2h.jpg



Nhà ông một phần làm bằng gạch, một phần bằng đất trộn rơm. Cửa vào không có cánh mà chỉ là một tấm bạt dày phủ xuống (chính tấm bạt này sẽ giữ nhiệt cho cả nhà. Nó cản những trận gió, cái nóng, lạnh khắc nghiệt của thời tiết). Phòng trong để đồ ăn, thức uống và những thùng đừng bao gạo và thịt sấy khô. Một ít khoai tây và củ hành dại . Góc nhà, một đống chăn mền được gấp lại để chuẩn bị mùa đông. Nhà nào cũng có ống khói, dấu vết xa xưa của người Mông Cổ. (Ngày xưa họ dùng thân cây nhỏ làm nhà, hình tròn, cao ngang tầm người đứng. xung quanh bọc bằng da thú. Phía trên có lỗ thông hơi cho khói bếp được gọi là cửa sổ trời).

Lò để đun nước (chất đốt là phân lạc đà) có ống khói nối liền với lò
2e.jpg



Bà hàng xóm mới đi chăn dê về, mang theo bên mình cái bình to khủng hoảng. Khi tiển chúng tôi ra cửa , bà thì thào bảo: “Cách nhà bà hai căn, cô con dâu của người hàng xóm mới đẻ. Đừng nên đi lại trước nhà họ, đó là phong tục người Mông Cổ đấy”. Phụ nữ khi sinh thì trước cửa nhà luôn được làm dấu hiệu Sinh con trai thì dùng cành cây du hay cành liễu vót thành hình mũi tên , dùng khăn Ha-Ta trắng quấn các mũi tên nhọn lại rồi treo bên phải cửa . Sinh con gái sẽ dùng dây vải đỏ treo bên trái cửa . Mọi người nhìn thấy dấu hiệu trên thì phải tự giác tránh xa.

Bình nước đại tướng
langMongCoTOngGuNao29.jpg



Nước hứng từng giọt
2k.jpg



Đếm thời gian
langMongCoTOngGuNao26.jpg
 
Last edited:
Rời!!!!. Cũng một kiếp người:(
Lúc xưa mơ ước tung hoành giang hồ lắm nhưng số phận đưa đẩy thế nào rơi vào một nơi biến mình vòng 2 luôn to hơn vòng 1.
Hoàn cảnh thật là trớ trêu, lúc có răng thì không có thịt, lúc có thịt rồi lại chả còn răng.
Thật là gato vơi bác.(c)
 
Bạn CBT viết hay quá.
Tuyến đường này cũng nên được liệt vào những con đường nguy hiểm nhất thế giới giống như ở Nam Mỹ nhỉ? Ở nơi chẳng có vực sâu suối cao, hai con lạc đà mù không thể va vào nhau mà vẫn có thể mất mạng như chơi.
Tớ hơi thắc mắc một tí, kinh nghiệm phòng bị của bạn ở những nơi nguy hiểm như thế mang tính "chữa" là chính, chắc là khỏi cần "phòng" nhỉ?
 
Bạn CBT viết hay quá.
Tuyến đường này cũng nên được liệt vào những con đường nguy hiểm nhất thế giới giống như ở Nam Mỹ nhỉ? Ở nơi chẳng có vực sâu suối cao, hai con lạc đà mù không thể va vào nhau mà vẫn có thể mất mạng như chơi.
Tớ hơi thắc mắc một tí, kinh nghiệm phòng bị của bạn ở những nơi nguy hiểm như thế mang tính "chữa" là chính, chắc là khỏi cần "phòng" nhỉ?

Thật ra, tui không nghĩ là nguy hiểm như bạn nói đâu. (Dĩ nhiên không bao giờ có thể đòi an toàn tuyệt đối 100% nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, tui nghĩ tui đã chuẩn bị hết mức có thể :) ). Dĩ nhiên, nếu bây giờ có đi lại có lẽ cách "phòng" tốt hơn là kiếm cái GPS định vị hoặc cái điện thoại vệ tinh. Thời điểm tui đi, 2005, những thứ đó có lẽ là xa xí phẩm (đối với tui). Nguyên cả chuyến đi khoảng gần 3 tuần, tổng chi phí từ sài gòn cho 2 người chỉ khoảng 2000 usd. (bao gồm cả vé máy bay,tàu, ăn ở, di chuyển...) nên mọi thứ đều phải tiết kiệm tối đa.

Cung đường nguy hiểm tui nghĩ là chặng đường bộ từ Tân Cương đi Lhasa (tui nghe nói phải qua hai cái đèo hơn 6000m). hoặc là chặng đường bộ từ Côn Minh đi Lhasa. Chặng đường này, tui chưa nghe thấy ai đi cả. (Có lẽ bữa nào có dịp cũng ráng thử xem :) )
 
Bài 3: Vạn lí trường thành: huyền thoại và sự thật

Người Trung Quốc có câu: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (chưa đến Vạn lí trường thành chưa phải là hảo hán). Đến Bắc Kinh tôi cũng bở hơi tai trèo lên Vạn lí trường thành để nhận được “cái bằng hảo hán” đem về hớn hở “khoe” với mấy đứa bạn. Nhưng tôi khá “quê độ ”khi người bạn cười cười bảo: “Bát Đạt lãnh chỉ là một đọan trường thành“mới”, được xây từ thời nhà Minh (1368-1644) và hầu hết được phục chế lại bởi kĩ thuật hiện đại. Trường thành nguyên thủy ở xa lắm. Mày đến được đó mới là hảo hán !!!”


Truy tìm dấu vết trường thành cổ
Trước ngày đi, tôi đọc được một thông tin : “Các chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện ra một đoạn tường thành đổ nát, 30 tháp báo hiệu, hai thành quách vững chắc và hai toà nhà phụ từ thời Hán (206 trướcCN- 220 sau CN) được khai quật tại tỉnh Cam Túc. Theo họ, từ thời Chiến quốc (475-211 trước Công nguyên), các phần của Vạn lý Trường thành đã được tiến hành xây dựng ở tỉnh Cam Túc, Ninh Hạ”. Câu chuyện “hảo hán” leo trường thành năm nào chợt bùng lên. Tôi chẳng muốn làm “hảo hán” nữa, nhưng sự tò mò về Vạn lí trường thành vẫn còn…

Theo sự hướng dẫn của dân địa phương, chúng tôi “mò” từ Lan Châu vượt khỏang 300km đến Trung Vệ thì trường thành gần như mất dấu. Hỏi nhiều người chẳng ai biết Trường thành nằm ở đâu. Cuối cùng một ông già chủ tiệm ăn cho biết: “ở Long Cung miếu, có một đọan thành nhưng không biết có phải Vạn lí trường thành không. Mà mấy chú đến đó làm gì, chỉ là một đống đất thôi”.

Long Cung miếu nằm ở ngọai ô Trung Vệ. Con đường vào đất cát, bụi bay mù mịt. Xa xa hai bên đường lèo tèo vài nóc nhà bằng đất nện…Nếu không có tấm pano giới thiệu có lẽ tôi sẽ không biết cái bờ đất cao chừng ba mét, kéo dài vài cây số nằm lẫn giữa đất cát và những bụi cỏ dại này chính là Vạn lí trường thành , một trong bảy kì quan vĩ đại nhất của nhân lọai thời cổ đại. (Về mặt tầm vóc và sự nổi tiếng có lẽ nó chỉ xếp sau Kim tự tháp ở Ai Cập). Nói cho đúng, đọan trường thành này cũng được “bảo vệ” bởi hàng kẽm gai và cái quầy bán vé nhưng chẳng có “ma” nào đến nên quầy bán vé cũng bỏ không.

vanlitruongthanhcoLongCUngMieuTRung.jpg


Các nhà khoa học nước ngòai đã đến đây khảo sát và chứng minh những đọan trường thành bằng đá hùng vĩ đều được làm từ thời Minh trở đi. Còn cái “đống đất hoang tàn” này là một trong những đọan trường thành “thật”, được làm từ thời Tần (cách đây hơn 2000 năm). Vì làm bằng phương pháp thủ công thô sơ (đóng cây xung quanh để làm “cốpha”, đổ đất bùn trộn rơm… vào rồi dùng đầm gỗ nén chặt) nên chỉ vài trăm năm, bức tường thành lại bị hư hoại theo thời gian và người dân lại tu sửa, tái tạo lại bằng cách đó.

Vạn lí trường thành: Ngày ấy, bây giờ…

Tôi leo lên bức tường thành đã bị phong hóa bởi thời gian lặng im đứng nhìn ra xa. Quá khứ, hiện tại cứ xen lẫn vào nhau…
Hồi đó, Tần Thủy Hoàng nằm mơ thấy rợ Hung nô vượt biên giới qua xâm lăng đất Tần. Giật mình, tỉnh dậy ông ra lệnh cho quân dân đắp Vạn lí trường thành để ngăn chặn chúng. Thật ra, nhiều đọan trường thành đã được các nước Yên, Triệu, Ngụy xây cất từ thời trước, nhưng ông là người nối lại, kéo dài, củng cố thêm để thành một thành duy nhất dài mấy ngàn cây số.

Bây giờ, giữa trưa mà gió vẫn rít ào ào mang theo cái nóng ghê gớm của sa mạc. Xung quanh chẳng có ai ngòai cát, nắng, gió và …chúng tôi. Đứng một chút đã thấy khó chịu, vậy mà dưới cái nóng khắc nghiệt thế này, ba trăm ngàn chiến sĩ với rất nhiều dân đinh phải làm khổ sai quần quật từ năm này sang năm khác. Mùa đông buốt giá, hạ thì nóng như nung, hàng vạn người đã bỏ mạng.

VLTTphuot4.jpg


Chuyện kể rằng, có nàng Mạnh Khương vượt mười ngàn dặm thăm chồng đang bị bắt xây trường thành. Đến nơi thì bíêt chồng đã chết vì đói. Xung quanh chỉ tòan là rừng núi và đá, không biết tìm xác chồng nơi đâu. Nàng tuyệt vọng khóc mấy ngày đêm cho đến tường thành cũng phải mủi lòng…sụp xuống (?!) Anh Kim Sơn , bạn đồng hành cùng tôi, lẳng lặng, chầm chậm đi quanh bức tường thành, bất giác anh cất giọng ngâm:

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”
.

Đúng rồi! bài Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Đường đây mà. Trường phái Biên tái rất nổi tiếng thời Thịnh Đường qua các tác giả Lí Bạch, Đỗ Phủ, Đỗ Mục… chuyên viết về chinh chiến, quan ải, chia li. Hồi đó, trường thành được coi là biên giới của người Hán và rợ Hung Nô. Đi chinh chiến tức là vượt trường thành đi đánh giặc. Trường thành đã chứng kiến bao nhiêu cuộc chia li, bao nhiêu người ra đi mà không trở về?

Cạnh ngay bức tường thành có một ụ đất ngang khoảng vài chục mét cao mười mét. Không ai có thể nghĩ cái ụ đất “tầm thường” này lại chính là phong hỏa đài một phương thức truyền tin nhanh và hiệu quả nhất thời bấy giờ. Khi có giặc, họ phát tín hiệu như đốt rơm hoặc phân súc vật trên tường thành để báo động có người lạ xâm nhập. Một cột khói đen có nghĩa là có một toán cướp tấn công bất ngờ, bốn cột khói nghĩa là có một vạn lính đang tiến vào thành. Tại phong hỏa đài (luôn có người trực) kế cận sẽ nhận ra và gởi quân đến tiếp viện hoặc tiếp tục báo về kinh đô để sẵn sàng ứng cứu.

Phong hoả đài ngày nay chỉ còn là đống đất thế này
VTTTphuot2.jpg


Hẩm hiu trường thành cổ
Tôi đến nhà những người dân xung quanh để hỏi thêm về trường thành. Dân ở đây nghèo quá. Nhà bằng đất, trong nhà chỉ có mấy con dê là tài sản quí nhất. Vừa cho dê ăn, bà Hà Linh vừa nói: “ Người ta nói bức tường thành được làm từ thời Tần nhưng thời gì cũng vậy vì nó không đem đến ngô, dê, sữa … cho chúng tôi”?!. Dẩu sao thì họ cũng chỉ than thở thôi , chứ những nông dân ở ngôi làng Biên Tương Hạo (Mông Cổ) còn đào hang tại một trong những đọan cổ nhất của Vạn Lí TRường thành xây từ đời Triệu (453-222 trước Công nguyên) làm vựa chứa ngũ cốc, chuồng gia súc. Thứ bùn khô của quá khứ đầy hào quang trở thành nguồn vật liệu qúi giá cho họ để… làm nhà!

Theo dấu trường thành cổ, từ Trung Vệ tôi đến cao nguyên Alashan thuộc Nội Mông. Đọan trường thành thất lạc nằm ẩn trong lớp cát sau nhiều thế kỷ này mới được phát hiện nằm ngay biên giới của tỉnh Ninh Hạ và Nội Mông có độ dài khoảng 80km, cao bảy mét (tính từ móng), và rộng sáu mét rưỡi. Tại đây, số phận của nó còn đáng buồn hơn. Một phần bị đập bỏ không thương tiếc để làm con đường xuyên tỉnh nối Nội Mông và Ninh Hạ. Phần còn lại chạy dọc theo sườn núi Hạ Lan cũng không có được “ một hàng rào kẽm gai sơ sài để bảo vệ”.

Đoạn trường thành leo dọc triền núi lên mãi tít trên cao bị đập bỏ một phần làm con đường xuyên tỉnh nối Nội Mông và Ninh Hạ
VLTTCotaibiengioiNinhHavaNoiMong46.jpg


P1040487a.jpg


Ngòai sự xâm hại nặng nề của khí hậu và sự sa mạc hóa của Gobi, cách đây ba năm, ở Nội Mông, các nhà xây dựng đường cao tốc 110 chạy từ Đông Trung Quốc đến Tây Tạng đã phá một chòi gác 2.200 năm tuổi. Hiện nay, Quỹ Bảo tồn Bảo tàng thế giới đã liệt Vạn lí trường thành này vào danh sách đỏ "những khu vực có khả năng biến mất".Chỉ 1/3 trong tổng số 6.350m chiều dài của Vạn Lý Trường Thành còn được giữ vững. 1/3 đang phải chịu những xâm hại tàn tệ nhất, còn 1/3 cuối cùng thì đã biến mất từ lâu. Tiếc thay, những di tích cổ xưa hiếm hoi còn sót lại ở những vùng này không được người ta xem trọng. Phải chăng chỉ vì nó không thể trở thành “máy kiếm tiền” như đọan trường thành Cư Dung quan, Bát Đạt Lãnh tại Bắc Kinh?

vanlitruongthanhcoLongCUngMieuTR-1.jpg


Box : Bắt đầu xây dựng khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 5 trước Công nguyên. Đến đời Chiến Quốc (khỏang 2500 năm trước đây) Vạn lí trường thành được tiếp tục tu bổ để chống rợ Hung nô và các bộ lạc Tây Vực. Sau đó, Tần Thủy Hoàng (năm 221 trước Công nguyên) cho xây dựng Trường thành trở nên một dãy liền lạc dài trên 5000 km trải dài đến sa mạc Gobi. Đời nhà Minh (năm 1368 ->năm 1644), vua Chu Nguyên Chương đã huy động trên 1 triệu nhân công tu bổ, xây lại Trường Thành từ năm 1386 đến năm 1530 mới xong. Ngày nay, Trường thành dài khoảng 6.700 km, xuất phát tại Gia Dụ Quan ở Cam Túc tới Sơn Hải Quan trên bờ Vịnh Bohai ở phía đông chạy qua Hồ Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Tây, Nội Mông, Ninh Hạ, Thiểm Tây, và Cam Túc.

"Xẻ" cả phong hoả đài để làm cầu thang bước lên
VLTTphuot.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,028
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top