What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
Re: Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.

Kolkata được cái kiến trúc và quy hoạch đẹp, quy củ. Có nhiều tòa nhà cổ thời thực dân Anh. Tiếc là để mai một nhiều quá. Nhiều chỗ cũng sơn phết để có cái mẽ ngoài hoành tráng nhưng bên trong chia ra để làm nơi ở nát bét cả. Nhớ nhà thờ Saint John-lần đầu tiên thấy vào cửa một nhà thờ có thu tiền vé-lại có cả anh trai chạy theo đòi tiền boa. Nhớ những chuyến xe điện cũ kỹ leng keng chạy lên phía bắc chạy xuống phía nam thành phố như Hà Nội của những năm 80. Và dù có đi đâu cũng nhớ một thứ đặc trưng không thể diễn tả bằng lời, bằng câu chữ đó là cái "Mùi Ấn Độ". Rồi con đường khổ ải từ thành phố chạy ra sân bay tắc kẹt và ngầu bụi mà trong thành phố thì hầu như không có Jickshaw...

Từ Kolkata chạy về phía nam, đến Orissa có cái Surya Temple Konark (là một trong những Di sản văn hóa Thế giới) cũng gần. Dù đã đến Kharujaho nhưng mình vẫn kinh ngạc bởi cái đền ngót ngàn năm này, những bức tượng, nhóm tượng theo phong cách Kama Sutra. Cứ mê mẩn ở đó mãi không buồn đi, không muốn đi. Không biết bạn có đến đó không? Nếu xuôi về Nam thì rất nên ghé qua.

Nhưng vượt lên trên hết, ai đã đến Ấn một lần thì đều muốn quay lại Ấn, muốn đến những nơi chưa đến. Mà Ấn thì rộng thế, biết ở lại bao lâu? Nhưng dù ở lại được bao lâu, thì nền văn hóa ấy, nền văn mình ấy vẫn khiến người ta phải nghiêng mình ngưỡng mộ. Ôi Ấn Độ...
 
03.09.2011 Một ngày khác trên dòng Chao Praya-1.

@ homeless man, cảm ơn bạn đã chia sẻ. Cung đường bpk đi chưa xác định nên không biết có đến được những địa danh bạn đề cập hay không. Còn "mùi Ấn Độ" hả, bpk không thấy gì hết, chắc là quen rồi!

.............................


03.09.2011 Một ngày khác trên dòng Chao Praya-1.


Lạc đề không? Ấn Độ thì bà con gì với Thailand? Có nhầm lẫn giữa Xiêm La và Simla thì cũng ở miệt Tây Bắc Ấn chứ dính dáng gì nơi miền Đông Bắc này. Rồi lại “khác” nữa? Sao lại “khác”, sông vẫn như mọi ngày, hay là sông mùa lũ khác sông mùa mưa?!


Không lạc đề, vì vài lý do. Thứ nhất là tôi đi đường bộ sang Thái để lên máy bay đi Calcutta. Lý do vì tôi mua vé cận ngày (cả 2 cung đường), giá vé từ Sài Gòn sang Bangkok đắt gấp rưỡi giá vé từ Bangkok đi Calcutta. Thôi thì đi xe bus cho nó tiết tiệm. Thư thả thời gian ngó nghiêng Phnompenh, Siemreap, Bangkok… nếu thích.


Thứ nữa là chỉ thấy ở Bangkok có đủ thời gian thăm thú, và kỳ này đi chỗ “mới”, nên mới gõ. Các điểm khác lần này không phát hiện được điều gì “mới” nên không gõ.


Và thêm một lý do nữa, khi đặt chân xuống Calcutta, mới nhớ Bangkok vô vàn. Tại sao nhớ thì bạn nào đi Ấn rồi đều biết, nhất là lúc vừa đặt chân đến miền đất lúc-nào-cũng-lạ này!


Nhưng sao lại “Một ngày “khác” trên dòng Chao Praya”? Vì trong diễn đàn đã có 1 sub-topic có tên “Một ngày trên dòng Chao Praya” rồi, có sử dụng lại cũng nêm thêm chút muối. Lạt nhách hay mặn chát thì còn tùy khẩu vị. Với lại, đoạn sông Chao Praya này khác xa đoạn sông của sub-topic kia nên mới dùng nên tựa đề copy có chỉnh sửa này vậy.


DSCN0087.jpg



DSCN0048.jpg



DSCN0140.jpg

Ghe hàng của ngoại.


DSCN0101.jpg

Dập dềnh bữa trưa. Mỗi khi có ghe lớn chạy ngang, ngoại phải bỏ chén xuống chống chèo.​


Thực ra cũng chẳng có gì mới, Chao Praya có từ ngàn đời, khúc sông này cũng chừng đó tuổi. Có điều, nó có cái chợ nổi ở đó – không biết tuổi của nó thôi. Ở gần Bangkok có 2 chợ nổi, một chợ mọi người vẫn thường đi, và tour cũng hay đưa đi, có tên Dam…gì gì đó. Chợ kia ít người đi vì a/chỉ có vào cuối tuần, mà bà con mình mà ở Bangkok cuối tuần thì thiết tha gì chợ nổi chợ chìm, cứ lên chợ Chatuchak là gặp mặt hết; b/ giá tour của chợ này đắt hơn, 500baht thay vì đi chợ kia chỉ mất 250baht.


DSCN0059.jpg



DSCN0162.jpg

Sông đẹp nhờ hoa đẹp.​


Do vậy tôi đi chợ nổi Amphawa. Tự đi, tổng chi phí tất tần tật (không tính tiền bia he he he…) chỉ mất 210b. Do đó, phần còn lại tôi tự thưởng cho mình bằng cái gì đó, mà-không-nói-ra-thì-ai-cũng-biết!!!


P9030027.jpg

Chai bia của tôi.​


Thiệt tình mà nói, bản thân cái chợ nổi Amphawa này thua xa chợ nổi miền Tây nước Nam mình, nhưng nhờ người Thái, nó được tôn lên rất nhiều lần. Đó là lý do sao mọi người vẫn đổ xô đi Thái vậy, tôi không đề cập đến Bangkok – Pattaya đâu nghen!


....
 
03.09.2011 Một ngày khác trên dòng Chao Praya – 2.

03.09.2011 Một ngày khác trên dòng Chao Praya – 2.


P9030059.jpg

Đua không nào?


Nắng chát chúa. Người đông như kiến, chen chân không lọt, 99,9% là dân Thái Lan đi chơi cuối tuần. Trả lại chợ Chatuchak cho các bạn Việt thân yêu. Vì nghe theo lời xúi bậy của cô chủ GH (kỳ này đi tôi không đem LP Thái theo vì chỉ ở vài ngày) tôi đi bus lên Morchit (bến xe bắc BK), hỏi han lung tung, được cô hướng dẫn đòi bỏ việc đi chung, được dì kia đang ăn cơm bỏ bữa dắt tôi đi kiếm xe, để phải lộn về Saitaimai (bến xe nam BK), mới có xe đi Amphawa. Lòng vòng vậy, cộng đêm qua lang thang Khaosan khuya lắt, tôi đến Amphawa trưa trờ trưa trật, người lử đử lừ đừ.


DSCN0126.jpg

Đường đẹp ven sông.


Chợ nổi này chủ yếu là chợ ẩm thực cuối tuần trên sông, hay vì tôi đi trễ quá các ghe hàng đã về hết. Nhưng du khách vui vẻ cười nói ăn uống chụp hình tá lả. Người Thái rất sáng tạo. Quanh chợ hằng hà sa số những nhà nghỉ homestay dễ thương và đầy dẫy những hàng quán với những đồ vật lưu niệm về Amphawa với giá phải chăng (tôi cũng copy được vài ý, mai mốt về Việt Nam thất nghiệp mở quán, làm hàng bán chơi – nên không khai ở đây!). Rất nhiều món được đưa ra bày bán. Từ ẩm thực đến khô, đến mắm, đến cả những chiếc nón lá, mà tôi nói thiệt, nó bền và đẹp hơn chiếc nón có chữ “Huế thương!” chữ cắt vừa xấu, lại còn nằm thô bên ngoài chiếc nón mà cô khách Tây trên chuyến xe Siemreap – Bangkok cứ nâng niu (thường ngày trước thơ thẩn hay chim bướm gì… đều được chèn giữa các lớp lá, đưa lên nắng soi mới thấy, giờ chắc sợ người ta không thấy nên đưa ra ngoài luôn, rồi bọc thêm 1 lớp nylon nữa cho nó sang!). Giá cả mọi thứ ở đây rẻ bất ngờ. Bạn tưởng tượng đi, ở khu du lịch đông đúc như thế này, giá bia Chang đắt ghê quá! Đắt hơn giá ở 7 Eleven tới 1baht luôn đó! Chỉ 45baht/chai 640ml so với giá 44baht ở 7 Eleven. Mà bán cho “khách ngoại quốc” nữa đó. Chèn đét ơi, tôi nghĩ đến cái cảnh trái dừa lề đường hay bãi biển giá rẻ rề có 60 ngàn hay lon bia 3 con 3 ở cửa hàng lề đường phố Nhà Chung giá 20 nghìn trong khi Fivimart gần đó giá 8 nghìn,… mà nghĩ miết hổng ra…


DSCN0047.jpg

Gánh hàng bánh đẹp như hoa của chị.


Lang thang chợ nổi bia bọt chè cháo đã đời đã điếu, tôi mua cái tour giá 50baht (đã tính vào tổn thất ở trên). Chèn đét ơi, tôi tưởng quấy quá ghe chạy lạch tạch đâu chừng nửa tiếng là xong, té ra tour đi gần 3g đồng hồ, ghé thăm viếng 5 ngôi chùa. Mà ngôi chùa thứ 4 (chưa tra được tên, để khi nào về nhà tính sau) đúng là “Unseen in Thailand” – như tấm bảng nhỏ để trước chùa.


DSCN0066.jpg

Chùa đẹp bên bến sông.


P9030065.jpg

Tôi thích màu xanh và màu trắng. Thanh khiết.


P9030104.jpg



DSCN0200.jpg

Ngôi chùa “Unseen in Thailand”.


Ăn chơi nhảy múa đã đời, làm bể tan bao nhiêu kế hoạch kỳ thú khác nhưng không hề ân hận. Chỉ ân hận là lúc lên xe mưa như trút nước, làm kế hoạch đêm chia tay Khaosan bể tan như những bong bóng mưa ngoài kia…


Lẽ ra sẽ còn có thêm sub-topic “Bangkok đêm mưa” nữa, nhưng để dịp khác vậy!
 
04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 1

04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 1


P9070717.jpg

Tình cờ khi lang thang qua một góc tường bên sân vận động Calcutta. Hình chụp chiều ngày 7.9.2011.


Quá khứ? Không phải của ngày trước tôi đã một lần đến – và ngẫu nhiên thay, chuyến đi Calcutta ngày đó lại chính là chuyến đi nước ngoài lần đầu tiên của tôi. Những gì tôi còn nhớ lại về chuyến đi đó là ánh mắt của 2 ông cháu một nhóm diễn trò do người tổ chức thuê vào khách sạn, cho nhóm chúng tôi – những người khách mời xem. Những ánh mắt mà tôi không thể dùng từ nào để mô tả, vì từ nào cũng quá bất nhẫn, dù là nhẹ nhàng nhất. Và điều thứ 2 tôi nhớ là những tiếng kêu chát chúa ồn ào của bầy quạ, ngay cả trong khu vườn xanh đẹp của khách sạn 5* chúng tôi ở. Tình cờ, những ngày trước chuyến đi này, tôi đọc “Một mùa hè vắng bóng chim” của Hàn Tú Anh kề về những ngày thoáng qua Ấn Độ của bà gần 70 năm về trước. Bà kể về cảm giác của mình về bầy quạ Calcutta của những năm 1940 cũng giống như cảm giác của tôi sau bà nửa thế kỷ, những năm 1990. Còn chăng nữa chỉ là những ảo ảnh mờ mờ của những đoàn tàu, những chuyến xe chật cứng người bên trong và bên ngoài, con sông vàng đục mênh mang chảy, khu chợ New Market một ngày đông đúc với những cô gái điệu đà phốp pháp, những anh bán hàng bảnh trai dẻo miệng… nhưng thiệt tình mà nói, những thứ này chỉ là những ảnh mờ…


P9070650.jpg

Calcutta của quá khứ -Nghĩa trang hơn 200 năm tuổi một sáng quạnh quẽ.


P9060479.jpg

Calcutta của quá khứ – Những đền đài đẹp soi bóng ven dòng Ganges


P9070679.jpg

Calcutta của quá khứ - Lộng lẫy Victoria Memmory

Những thứ nhỏ nhoi tồn tại trong trí nhớ mọn hẹn của tôi đó thì có ý nghĩa gì với Calcutta, thành phố nhiều ngàn năm tuổi, thành phố mà bây giờ quá khứ vẫn đang chảy song song và tan chảy vào hiện tại. Một quá khứ hào hùng mà chuyến đi trong tháp ngà ngày trước tôi nào có hay. Ngay cả dòng Hoogly chảy dọc thành phố, tôi cũng có hề biết đó chính là đoạn cuối của sông Hằng linh thiêng – dù trong các bài viết sau này tôi vẫn tha hồ cóp nhặt đâu đó rồi gõ lại không chút tìm hiểu suy tư,… đại loại như “sông Hằng linh thiêng… đổ về biển lớn vào vịnh Bengal”...


P9050337.jpg



P9040217.jpg

Những góc hình của Calcutta hiện nay - những con đường và những phận người


P9050410.jpg

Những góc hình của Calcutta hiện nay - Saree đẹp trong ngõ đẹp.


Mà có đúng là tôi đã chạm được vào quá khứ của Calcutta!?


.....
 
04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 2

04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 2


Vì với tôi, với Calcutta, quá khứ và hiện tại sao cứ hoài lẫn lộn!


Hiện tại là gì. Khi thế giới đã bước qua thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ III, vẫn nhọc nhằn trên phố những chiếc xe người kéo. Ngồi trên một chiếc cyclo hay một chiếc tricycle đã cảm thấy bất nhẫn – dù biết không ngồi lên thì càng bất nhẫn vì họ không có thu nhập. Nhưng nói thật, có mấy lần tôi đã ngồi trên đó!? Còn ngồi lên một chiếc xe kéo, với chiếc bánh xe đã cao gần bằng người đó, và chiếc yên xe cao ngất ngưỡng, và đến hai hay ba người béo tốt (hầu hết người Ấn qua tuổi hoa niên là béo), để một người nhỏ thó đen đúa gầy gò áo quần rách rưới kéo – giữa cái nắng Calcutta, cái nắng oi nồng mà chỉ ở không trong bóng râm cũng đã chịu không nổi, có phải là câu chuyện của thời đại đã có người lên mặt trăng du lịch, ở một cường quốc về tin học, cũng đầy đủ tàu sân bay, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh…


P9070665.jpg

Một góc Calcutta hiện đại – Những chiếc xe kéo như thế này không chỉ là một góc Calcutta.


P9040239.jpg

Một góc Calcutta hiện đại. - Phút thư giãn chuyện trò hiếm hoi.


P9040241.jpg

Một góc Calcutta hiện đại – Cũng không chỉ là một góc Calcutta.


Hiện tại là gì. Là những “con phố hớt tóc” nơi cả thợ và người hớt tóc đều ngồi giữa đất trời Calcutta những ngày tháng gió mùa mưa nhiều hơn nắng. Là những bến ghat ven sông người thành tâm vẫn khấn nguyện cùng rác rưởi, dù con sông Hoogly, sông Hằng linh thiêng ở đoạn cuối đổ ra biển cả này đã mênh mang rộng, đã nhận thêm những nguồn nước khác để không còn những xác người trôi nổi chập chờn trên sông như đoạn ngang qua thành Varanasi….


P9070712.jpg

Chiều trên dòng Ganges, Baboo Ghat thành Calcutta - Chụp thuận chiều nắng sẽ còn rất xám màu.


Hiện tại là gì. Là những chuyến xe bus cũ đến nổi không thể nào cũ hơn, nhét chật người đến nổi không thể nào nhét được nữa (tôi đã ở trên rất nhiều chuyến xe này), là con đò cũng nhỏ bé chòng chành chật ních người vượt qua dòng Ganges những ngày mưa lũ, khi dưới sông cuồn cuộn nước và trên đầu xám xịt mây, gió vần vũ vờn hù dọa sẽ đưa những cơn sóng dữ về… (và tôi hôm ấy cũng đã trên con đò thót tim đó!).


P9050374.jpg

Calcutta của quá khứ, sao lộng lẫy những ngôi đền.


Quá khứ xưa cũ đây sao? Là vàng son lộng lẫy. Là trắng trong tinh khiết lấp lánh ngọc ngà. Là lung linh đền đài, lấp lánh cung điện… Quá khứ đây sao? Là những đường phố xưa dù phủ màu thời gian, tàn phai bởi con người, chiến tranh tôn giáo… nhưng vẫn thấy dấu xưa rạng ngời. Đã xa lắm những hào quang ngày đó, nhưng cũng rất gần những lấp lánh vừa qua… Tuy nhiên sự tương phản quá tàn nhẫn giữa những giá trị xưa cũ đẹp lung linh và một phần bức tranh hiện tại xám màu,… làm lòng người buồn sao là quá buồn!


P9050297.jpg

Hiện tại hay quá khứ?


Nhưng, bâng khuâng làm gì, nghĩ suy làm gì, cũ và mới là gì, thắc mắc về hiện tại và quá khứ để làm gì...! Tìm kiếm hiện tại, tôi lang thang từ phố đông đến xóm vắng, từ đô thị hào ngoáng đến những khu phố lều ổ chuột nơi vỉa hè rách nát, bên cống rãnh, kế những toilet lộ thiên… nơi lũ trẻ con nheo nhóc đen đúa vẫn tiếp tục được / hay bị sinh ra và lăn lóc sống… tôi thường tự hỏi mình đang kiếm tìm gì? Mong chạm được quá khứ, tôi lặn lội đây đó, chỉ khi tình cờ gặp một mảng tranh đã phai mờ trên tường cũ, mà tôi ngẩn ngơ chẳng biết đây là quá khứ hay hiện tại, hay quá khứ và hiện tại đang hòa tan vào nhau – như Ấn Độ huyền bí!!! Giờ tôi chẳng cần. Chỉ cần biết mình đang ở đây, đã đến được thành Calcutta, đã trở lại được Calcutta đã là người may mắn! Và để được đến thăm căn nhà xưa của Mẹ Theresa tôi hằng kính trọng. Để một sớm phố đông, người đen, bụi đô thị, rác cuộc sống chao chát bên ngoài, chỉ cách một bức tường không gian bên trong mới bình yên làm sao. Được ngồi lặng trước ngôi mộ đơn sơ của Mẹ Theresa, được biết thêm những điều Người đã làm, về cuộc sống giản dị thanh cao của Người…. chỉ muốn lòng mình được yên, vậy thôi!


DSCN0247.jpg

Buổi sáng trong nhà Mẹ Theresa.


À, mà thôi, cũng để chia sẻ chút thông tin về Nam Á, về Calcutta những ngày lá vẫn chưa vàng chứ. Hãy để quá khứ cứ tan chảy vào hiện tại… như sông Hằng đến Calcutta để về biển…



Gõ trong lúc chờ chuyến tàu đêm “Thư tín Darjeeling - Dajeerling Mail” lừng danh. Calcutta 07.09.2011.​


_______________________

* Tôi vẫn thích dùng từ Calcutta hơn tên gọi Kolkata của thành phố này bây giờ. Để luôn nhớ những gì là lần đầu!
 
Re: 04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 2

Bác đã trở lại !

Tiếp tục cho tôi chinh phục (qua net) miền đất Nam Á, sau những Bali, Trung Á, Tháiland...(beer)

04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 2


Vì với tôi, với Calcutta, quá khứ và hiện tại sao cứ hoài lẫn lộn!


Hiện tại là gì. Khi thế giới đã bước qua thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ III, vẫn nhọc nhằn trên phố những chiếc xe người kéo. Ngồi trên một chiếc cyclo hay một chiếc tricycle đã cảm thấy bất nhẫn – dù biết không ngồi lên thì càng bất nhẫn vì họ không có thu nhập. Nhưng nói thật, có mấy lần tôi đã ngồi trên đó!? Còn ngồi lên một chiếc xe kéo, với chiếc bánh xe đã cao gần bằng người đó, và chiếc yên xe cao ngất ngưỡng, và đến hai hay ba người béo tốt (hầu hết người Ấn qua tuổi hoa niên là béo), để một người nhỏ thó đen đúa gầy gò áo quần rách rưới kéo – giữa cái nắng Calcutta, cái nắng oi nồng mà chỉ ở không trong bóng râm cũng đã chịu không nổi, có phải là câu chuyện của thời đại đã có người lên mặt trăng du lịch, ở một cường quốc về tin học, cũng đầy đủ tàu sân bay, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh…

Bác làm em nhớ đến nhà văn Ryszard Kapuscinski trong "Du hành cùng Herodotus", khi lần đầu tiên đến Ấn độ những năm 60s. Được giáo dục dưới chế độ XHCN, đến 1 nước XHCN anh em, tại sao lại "bóc lột" đồng chí mình bằng cách đi xe kéo?? Nhưng ông cũng hiểu ra rằng, không làm thế, có lẽ còn bất nhẫn hơn vậy..

Hóa ra, ngay cả bây giờ, vẫn thế..

Và bộ phim "Triệu phú ổ chuột", cũng không chỉ là phim..

Ngóng post mới của bác...
 
Re: 04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 2

* Tôi vẫn thích dùng từ Calcutta hơn tên gọi Kolkata của thành phố này bây giờ. Để luôn nhớ những gì là lần đầu!

Bác backpackervn có hứng thú khác với người Ấn ở đoạn này ạ :D mấy bạn Ấn làm trong cty e thì đều gọi Calcutta là Kolkata, Bombay là Mumbai vì mấy tên này mới thực là tên cổ (suy ra từ ký tự gì đó xa xưa mà e cũng ko hiểu), sau khi người Anh-Bồ chiếm đc Ấn Độ thì đổi lại tên nhiều thành phố nên sau giai đoạn dành độc lập từ 1947, Ấn Độ đổi lại tên cũ để lấy lại tự hào và muốn quên đi quá khứ bị đô hộ của họ, coi như "tan chảy vào hiện tại" ^^
 
Re: 04-07.09.2011 Calcutta, chạm khẽ quá khứ. – 2

dù con sông Hoogly, sông Hằng linh thiêng ở đoạn cuối đổ ra biển cả này đã mênh mang rộng
Hình như sông Hoogly chỉ là sông phụ của Ganges. (Giống như sông Đuống so với sông Hồng). Dòng chính của Ganges hoà với sông Bramaputra đổ ra vịnh Bengal hiện trong lãnh thổ Bangladesh.

@Bpk: Bác có ngao du Sundarban không ?
 
08-09.09.2011 Mù sương Darjeeling - 1.

@ all, cảm ơn các bạn đã đọc và chia sẻ.

@ yilka, Calcutta được đổi tên thành Kolkata vào năm 2001. Có lẽ, sau hơn nửa thế kỷ nghĩ suy, lòng yêu nước của người Ấn mới trỗi dậy!

@ trekasia, đúng vậy, nhưng nói trớt hướt làm sao hấp dẫn!!! Là biên giới tự nhiên giữa India và Bangladesh, sang đến BLD, Hằng Hà có tên là Padma, nhận nước từ nhánh sông Jamuna của dòng Brahmaputra, sau đó còn nhận thêm nước từ dòng Meghna… nữa và đổ ra vịnh Bengal, hình thành Delta Ganges, lớn nhất thế giới. Còn về Sundarban ở tận Bangladesh hạ hồi phân giải.



-------------------------------------


Gấp gáp gõ về Calcutta sẽ rất phiến diện. Nhất là trong mấy hôm vừa qua, tôi đã mất 2 buổi sáng cho việc xin permit vào Sikkim và đi mua vé tàu, nên dù cố gắng mấy cũng là cỡi ngựa xem hoa với thành phố từng là thủ phủ văn hóa của tiểu lục địa này. Nên đành khất lại cho ngày từ “đâu đó” trở lại Calcutta vậy.


08-09.09.2011 Mù sương Darjeeling - 1.



Chuyến tàu Darjeeling Mail, rời Calcutta lúc 10.05pm và đến NJP lúc 8.20am Chỉ mất 259Rs, đã tính 20Rs phục vụ phí cho quãng đường gần 600km, với giường nằm tầng 3, non AC. Giá rẻ bất ngờ. Từ NJP, phải nhảy jeep đến Siliguri, lại lên tiếp shared-taxi để đi Darjeeling… đường dài thật lắm chông gai!


6135437813_30fac3f776_b.jpg



6135437817_86a96c8a48_b.jpg

Đường lên Darjeeling, đường vào mù sương.


Thật ra, dù chuyến tàu tôi đi từ Calcutta có tên là Darjeeling Mail, cũng được nhắc đến trong nhiều sách báo, hình như trong cuốn “Di sản của mất mát” gần đây cũng có đề cập, nhưng đó không phải là chuyến tàu Darjeeling nổi tiếng đã đi vào danh sách Di tích văn hóa Unesco. Con tàu Toy-train Dajeeling đó, chạy bằng hơi nước, từ những năm 1881, trên đường sắt rộng chỉ 2feet mới chính là con tàu huyền thoại. Con tàu đó chỉ chạy từ NJP lên Darjeeling, muốn đi phải mua vé từ rất sớm và mất 8g cho đoạn đường khoảng 80km (!). Nên tôi không đi!


6135437823_114718ecbd_b.jpg

Bác tài: Không biết sương dzầy làm sao chạy! Bên phải là đường sắt Darjeeling hổi tiếng.


Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, nếu tôi biết Darjeeling mù sương như vậy, chắc tôi sẽ mua vé chợ đen để đi trên con tàu huyền thoại, vì có lên Darjeeling sớm cũng chẳng làm gì. Nói nào ngay, tôi cũng chỉ định ghé ngang Darjeeling, thăm thú đường đi nước bước để hôm nào quay lại đi đứng cho thuận tiện. Lý do là vì hôm tôi đi xin Sikkim Permit, anh ku ở Sikkim House căn dặn là mầy phải chắc chắn đi ngày nào thì điền vào ngày đó, không được để sớm hay trễ, người ta cho vào không tao không biết đâu. Già đầu rồi, nhưng nghe người có chức có quyền dọa vẫn hoảng như thường. Tính toán dư mấy ngày, quay qua quay lại mới thấy còn là ngày hôm sau quay lại nhận được permit mới chắc chắn, rồi mới đi mua vé, còn là chỗ này chỗ kia cần ngó nghiêng, cuối cùng tôi chỉ còn một ngày cho Darjeeling – nằm trên đường lên Gangtok, Sikkim. Vậy thôi, có nhiêu chơi nhiêu. Nhưng, may mà tôi chỉ có 1 ngày cho Darjeeling đợt này.


6135437837_8456167eeb_b.jpg

Welcome to Darjeeling!

....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top