What's new

Lắng nghe điều bình thường [Normally Listerning]

Chu Chu

Phượt quái
15052012, 7h42' am thứ ba

7649118448_279f940fa8_z.jpg


Có thể chỉ ngày hôm nay nữa thôi, người phụ nữ với nghề nghiệp hiện tại là "bán báo vỉa hè" sẽ chuyển "công tác".
Chị mới bán báo ở đây được khoảng 10 ngày, người đàn ông "quản lí" chỗ báo vỉa hè này trước đây nhượng lại cho chị "mặt bằng" với giá 1 triệu 6 trăm ngàn đồng. Nhưng còn "mối" khách hàng thì có lẽ ông ta không dại gì nhượng, nên tình hình lượng khách của chị không mấy đông đúc.
Dạo đầu còn có Sạp gỗ kê báo lên đàng hoàng (chứ ko phải để dưới đất và mán lên cột điện như trên) nhưng 2 ngày trước "An ninh đô thị" đã "hốt" mất tiêu. Đã vậy hôm qua còn tính tiền báo bất cẩn thế nào lỗ mất 400.000vnđ.
Đó là tất thảy những lí do chị sẽ chuyển "công tác", có thể là nhận lời đi làm người giúp việc theo giờ ở một gia đình hay cũng lại bán báo một nơi khác.

Cafe Cột điện Chân Mây mà tôi thường đạp xe rồi ngồi lại nhâm nhi có những mảnh đời...
Cũng thương, tôi ghé đến mua tờ báo "Tuổi trẻ cười" (giá 6.500đ) sau khi viết xong vài dòng Nhật kí tay. Tôi thích tờ báo này vì Dad hay mua và tôi vẫn thường đọc ké lúc nhỏ. Chị hỏi tôi: "Em viết gì nãy giờ hen?!" - "Dạ .... nhật kí thôi chị!", tôi hơi ngập ngừng và ngẩn ngơ vì không ngờ chị lại bắt chuyện với mình.
Rồi chị và tôi mỉm cười nhau...

Cuộc sống chỉ đơn giàn là gửi nhau nụ cười, lời thắc mắc, thăm hỏi vu vơ. Dù trong hoàn cảnh khó khăn như nào, con người cũng có những niềm riêng, khoảnh khắc sống chia sẻ và quan tâm tuy nhỏ nhặt thôi nhưng rất đáng quý.
Chỉ mong ngày mai chị còn bán báo, bán được hơn hôm nay, hôm qua và hôm kia, để còn có chút hi vọng mưu sinh - đi kèm những điều hạnh phúc nhỏ không báo trước. — at Cafe Cột điện.
 
Được sống là 1 niềm hạnh phúc lớn, trao nhau nụ cười vô ngại như trẻ thơ, đồng cảm và chia sẽ với nỗi khó khăn của mọi người để lòng ta mở ra với tất cả mọi người, mở ra với chính mình, để ta còn yêu thêm cuộc sống này....
Cám ơn những dòng chia sẽ của Bạn.
 
03062012, 4:47’ pm

7649122734_f62042936e_z.jpg


Xập xệ chiều chủ nhật.

Tôi cùng chị bạn đang ngồi trên một lan can khá lí tưởng, nhâm nhi một ít bánh và trà cho bữa trưa muộn, muộn thật. Nhưng cũng không vì thế mà mất đi cái thi vị nhìn ngắm mọi thứ xung quanh từ trên cao, bên cạnh con đường Minh Khai vốn dĩ rất tấp nập kia.

Và hình ảnh tôi lại “lụm lặt” với những con người cũng “lụm lặt”. Hai người trong hình có thể là vợ chồng hoặc anh chị em, nhưng chắc chắn là họ quen nhau, đi cùng nhau và đang làm một việc có tính chất cũng tương tự nhau. Đó có phải gọi là cùng “kiếm sống”? Ừh, tôi biết là họ đang moi thùng rác. Nhìn qua công cụ mà họ mang theo (2 chiếc xe đạp với các loại bao, bị, bọc mán móc lung tung), bình dân gọi đó là nghề “mua bán ve chai” hay “lụm ve chai”, nôm na: chúng ta sẽ tái sử dụng các chất phế thải, bỏ đi … nhờ vào bàn tay gom góp của những nhân vật này. Đó là tiết kiệm, một phần “quốc sách”. Chị bạn nói: "Mà sao chúng ta không phân loại rác nhỉ?". Ừh, để khoa học hơn hay chăng vài con người thế này cũng đỡ vất vả hơn. Hihi, toàn chuyện "xã hội".

Mọi chuyện sẽ ngừng ở vỏn vẹn: “tái sử dụng”, “tiết kiệm”, "phân loại". Nhưng tôi cứ tiếp tục quan sát (ngoài xe qua lại và chị bạn ngồi đối diện - mà chúng tôi vừa mum hết 3 cái bánh, thì tôi biết nhìn gì đây), người phụ nữ moi ra được 1 bịch …bánh sandwich to, chị đưa lên cao ra hiệu và nói gì đó với người đàn ông. Sau cái lắc đầu của anh này, chị để nó qua một bên cùng thái độ tiếc nuối.

Lúc này tôi cũng vừa kịp nhận ra điều hay: chúng tôi đang ngồi ở tiệm bánh Paris Paguette – một thương hiệu bánh mì khá nổi tiếng của Nam Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam được hơn 3 tháng nay, lần đầu tiên tôi thử hiệu bánh này là ở Seoul xa xôi gần đúng 1 năm trước trong dịp công tác, phải nói lựa chọn cho bữa sáng ở xứ đắt đỏ ấy vậy là cực kì hợp lí tiết kiệm cho khoảng “hưởng thụ” nhẹ (1 Pumpkin cheese cake and 1 Cappucino. Total 4.500 won = $4,5).

Và tiệm bánh lớn thì lượng bánh dư, hết hạn, bỏ dở … cũng tương đối lớn. Hai người “lụm ve chai” kia cũng vì thế mà tranh thủ hi vọng vớt vác được vài món bánh còn dùng được, có ai đó nói “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nghĩa bóng thì cao siêu thăm thẳm quá, giờ cái nghĩa đen nó cứ hiện ra trước mắt mồn một.

Lại dạo mắt nhìn qua bàn đối diện (cặp tình nhân áo xanh vừa bỏ đi), tôi thấy 2 miếng bánh ngọt nằm chỏng chơ, bánh kem phủ trắng còn một nửa, cái còn lại chắc là chocolate kem thì chỉ xén 1 góc nhỏ. Họ vừa ăn dang dở phần bánh, đó sẽ là đồ “vứt đi”. Liệu có ai “tái sử dụng” chúng được không?

Lúc nhỏ, Ba Mẹ dạy tôi: “Không được để thừa đồ ăn trong phần của mình con nghen, hồi xưa, chiến tranh, nạn đói, nghèo khó, khổ lắm, con có hiểu không?!”, mà vì thiếu nhi tôi cũng bị suy dinh dưỡng nữa, ông bà sợ tôi kén ăn. Tôi vâng lời là giữ thói quen đến giờ, nên tôi cũng mập như giờ, haha, nhưng tôi không bao giờ hổ thẹn vì để thừa mứa thức ăn. Tôi dị ứng với những điều như vậy, tôi nghĩ đó là trong những phần “văn hóa tốt” mà may mắn tôi học – trụ được, không có nghĩa là không cảm thông cho những trường hợp khác, nhưng chỉ thấy vậy để so sánh…, để trân trọng hơn cái mình “có ăn, cần đói và đủ no”.

Chúng ta may mắn, không cần phải “ăn bữa sáng, lo bữa chiều”, nhưng mưu cầu của những con người bất hạnh rất đơn giản. Dù sao, lúc đó tôi ngốc quá, chậm quá, quên mất tại sao không mang 2 phần bánh còn thừa kia xuống cho người ta… Cứ lo nghĩ ngợi cao cao, xa xa, cái cần thì chưa làm được. Ôi!
 
19052012, 6:23' am saturday

7649119618_afa8291366_z.jpg



Cách Sài Gòn 200km, tôi đang trên đường tiến đến Vườn Quốc Gia Tràm Chim thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp.

Người phụ nữ "bán xôi dạo" đã ngoài Lục tuần, cái tuổi đáng lý ra phải "an gia" để con cái chăm sóc và lo lắng thay. Nhưng cuộc sống là những guồng xoay bất định... Với thúng xôi phồng gồm 2 loại: đậu đỏ và đậu xanh kèm chút dừa nạo, đường cát trắng, gói gọn bên ngoài miếng bánh phồng mềm mềm xốp xốp, trông cũng ngon lành lắm, người phụ nữ già đã bương chải 6 năm nay cùng thúng xôi đó. Mỗi ngày đi bộ dọc theo con đường Quốc lộ 844 này cũng tầm 2km đi về để mong bán cho hết chỗ xôi. Ở nhà còn 3 đứa cháu nheo nhóc đang đợi bà.

Tôi mua 2 gói xôi định sẽ vào Tràm Chim vừa ngồi canh chụp hình chim vừa ngấu nghiến cho bữa sáng đạm bạc cùng anh bạn đồng nghiệp, nhưng thấy cũng thèm con mắt nên cô ấy vừa bán xong gói thứ 2 tôi nhanh nhảu bảo: "Cô lấy con 3 gói đi" - Cô ấy ngạc nhiên hỏi: "3 gói ăn hết không con?" - "Dạ, ăn từ từ đến chiều cũng hết ấy mà...", tôi cười mím chi cọp.

Chỉ với 3000vnđ một gói, mua 3 gói, tôi đã có thể ăn từ sáng đến chiều luôn, thiệt ngầu! Lúc này chỉ mới 6 giờ rưỡi sáng, nhìn vào thúng xôi cũng vơi đi 1/2, vậy nếu đẹp trời, cô ấy đi bộ thêm 1km nữa sẽ bán hết.

Những lời cô ấy trải lòng mình với tôi (mà cũng chẳng hiểu sao không hỏi gì cũng được nghe), không phải vì cần sự thương hại hay giúp đỡ mà theo tôi nghĩ: chắc thấy có ngườii từ phương xa đến, muốn nói chuyện chia sẻ nỗi niềm để nó vơi đi, rồi lại thôi, lại quay về cuộc sống bộn bề lo toan ngày mỗi ngày.

Mua xôi xong rồi cũng đi. Tôi và anh bạn mỗi người 1 gói cho bữa sáng, 1 gói còn lại mang về tận Sài Gòn (vẫn không hư) đưa Mami nói: "Xôi Đồng Tháp- Tràm Chim đó nha, hehe, ngon, ăn đi Mom" - "Ừh, để đấy!". Tưởng sao, Mami chỉ ăn 1/2 do cơm chiều làm no bụng quá, tôi "quất" luôn phần con lại, thế là không bỏ phí!
 
25052012, 8h28' am thứ sáu

7649121242_38d22b6fc6_z.jpg


Đạp xe cafe sáng trước khi đi "mần", rẽ từ Nguyễn Du qua Trương Định, bắt gặp "cặp đôi hoàn hảo" cứ thế nhích nhích trước mũi xe tôi. Thật ra thì tôi không muốn tăng tốc qua mặt, cứ thế mà chầm chậm theo sau ... Cũng chẳng vì mục đích gì, đôi khi chỉ thích nhìn bất cứ ai đó từ phía sau.

Người phụ nữ tay ôm cái rổ, tay vịn vào hông người đàn ông. Chắc họ là người buôn gánh bán bưng rồi, nhưng bán gì, ở đâu thì tôi cũng không rõ. Chỉ thấy cái tình cái nghĩa bao giờ cũng có thể "luồn lách" được vào cuộc sống mưu sinh dù hoàn cảnh nào. Hơn nửa cuộc đời người, có chăng họ hay chúng ta, cũng chỉ cần thế thôi. :)

Trước khi "cặp đôi hoàn hảo" rẽ phải, tôi đi thẳng, vội 1 tay cầm lái, 1 tay rút camera và click click ... Hay nhỉ, những người chung quanh họ, rất "độc lập", rất vội vã ... đều chỉ cuốn theo dòng đời, không bơi sẽ bị bỏ lại.

"Có khi nào giữa dòng đời tấp nập
Chúng ta vô tình cứ đèo nhau thế kia" ^.^

— at Cây xăng Lý Chính Thắng by Chu Chu -
 
Chỉ có 1 tâm hồn trong sáng, sâu sắc mới có thể lắng nghe được điều" bình thường" của cuộc sống.
Đừng nghĩ rằng điều" bình thường" đó ai cũng làm được nha, vì tâm lý chung của con người thường thích những điều phi thường và khi vỡ mộng họ lại buông lơi sống 1 cách tầm thường như con cá chết để dòng nước cuốn đi đâu cũng được và Tôi từng có những mộng phi thường và sống tầm thường như vậy, bây giờ tôi có gắng sống 1 cuộc sống bình thường, cố gắng "sống đong đầy trong từng khoảng khắc, sống trọn vẹn từng phút từng giây" và xin được cảm ơn những người đã vô tình hay cố ý đã gợi nhắc cho tôi để quay về với thực tại với nụ cười nhẹ nở trên môi.
 
10062012, 06:13’ pm

7649123446_6646a24c0c_z.jpg


Chiều chủ nhật trước cổng nhà.

Bưng tô mì bò kho từ trong bếp ra trước hiên, tôi ngồi ngay băng ghế đá một mình với con Sói (cún bé xiu iu iu) mum mum cho mát mẻ, sáng giờ toàn trốn trong nhà.

Nhìn xéo qua vệ đường phát hiện sao hôm nay chỗ nhà mình có tiếng râm ran nhỉ? Thường tan tầm giờ này ai nấy cũng về ăn cơm hết mừh. Giữa lòng đường vắng vẻ, đám trẻ con năm đứa chừng 8-12 tuổi rủ nhau lang thang xóm làng, chúng ngồi bệt xuống đất thành vòng tròn như hội nghị, còn ngồi giữa lòng đường xe chạy, thiệt có “xì-tai” ghê nha!

Nhớ cái thời trẻ con ngày xưa, loanh quanh xóm đi rong là chuyện nhỏ, dù là trẻ con thành thị, nhưng ở xóm lao động nghèo nên tôi tha hồ chân đất, quần áo xộc xệch, mặt mũi lấm lem y như mấy thằng con trai, tha hồ “bắn bi, bắt cướp, tạt lon, oánh bài…ect…”, sau đó thì về chờ … ăn đòn, haha, tội ham chơi. Con nít thành thị bây giờ thì không được vậy, chúng toàn phải “được” trong nhà vì ngoài đường có quá nhiều nguy hiểm (?!), hơ hơ, không cần phải giải thích thì các bạn cũng hiểu. Đó là lí do bỗng dưng thấy bọn nhóc ngồi đó cũng vui vui, chúng đang tự tụ tập mà không cần bố mẹ cho phép (ngồi rong giữa đường vậy là đủ biết), điều hiếm thấy ở trẻ con bây giờ (thích chơi một mình hơn, cái “tôi” bự hơn, gọi chung chung bằng từ phổ biến sai lệch là “tự kỉ”, àh bệnh này thì ở Việt Nam hiện đại không chừa lứa tuổi nhé!)

Thôi thì tôi cũng rảnh, nghe lóm chuyện tụi nhỏ từ tầm xa … 5 mét, hehe. Và bất ngờ với con nít hiện đại luôn. Hồi 8-12 tuổi tôi hay bàn chuyện gì nhỉ, thì chắc cũng là: “Tao học dốt bị bà cô bắt ở lại dò bài”, hay “Trò oánh bài dễ bị mẹ la, t thích trò xổ số hình hơn mày ơi, mà không có tiền, hehe”, hoặc “Mẹ tao không cho mua cái đèn trung thu, mai tụi mình lụm lon đục lỗ làm đèn nha!?”…. Ôi, chuyện trẻ con.

Thời nay, các em nhỏ ngồi đó, hội nghị “bàn tròn”, có một em trai lanh lợi nhất nói những chuyện như sau: “Mày nghĩ thử coi, người nghèo không lẽ nghèo hoài, giàu thì không lẽ giàu hoài. Đâu có dễ vậy, phải có cách nào đó thay đổi, thì người nghèo người ta cố gắng làm tùm lum tà la, tao cũng không biết nhưng mà… bla bla bla…”

Nói chung là trình “nghe lóm” của tôi không được tốt lắm hay vì nghe đến đó tôi bị ù tai rồi cũng nên. Chỉ biết rằng bọn nhóc khá “serious” một vài vấn đề và cần “thảo luận”, cần đưa ra vấn đề để học hỏi hay đúc tỉa gì đó, hiz … Cao siêu hơn cục muối tiêu luôn.
Tự nhiên thấy mình hạnh phúc vì có tuổi thơ “dữ dội” y khuôn truyện của chú Nguyễn Nhật Ánh viết. Thời nào cũng có cái hay của thời đó, nhưng con nít giờ, tiến bộ quá, biết đứa nào ngây ngô, đứa nào lí sự?! Trẻ con như tờ giấy trắng àh…
 
28042012, 4h37' pm

7743814102_3bf9198319_z.jpg


Sài Gòn - Đà Lạt bằng xe đạp và ... niềm tin

Những ngày mòn mỏi
Tháng năm qua đi
Là những câu hỏi
Trải dài muôn cõi

Cái có ngó lơ
Cái không mông lung
Nào biết cõi mơ
Rồi sẽ bơ vơ

Thưởng thức hiện tại
Hiểu rằng rất quý
Không gian còn lại
Ung dung tự tại

Hoa Cúc Xuyến Chi thật khiến lòng người xao xuyến, dù mệt mỏi nhưng vẫn vội ngừng lại đèo Phú Hiệp - Đức Trọng mà chụp vội.
Loài hoa hoang dại ấy luôn di chuyển theo gió, động vật hay con người, gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi và phát triển.

Chu Dung Cơ - Thủ tướng thứ 5 của Trung Hoa (từ 1998 đến 2003), hậu duệ đời thứ 18 của Chu Tiện, con trai thứ 18 của Minh Thái Tổ - hoàng đế khai quốc nhà Minh, đã có một bài tổng kết về "Hiểu đời" rất đáng để suy ngẫm, xin trích dẫn 1 phần:

"Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình “Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư”, biết đủ thì lúc nào cũng vui “tri túc thường lạc”.

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui."
 
Khi tự tìm niềm vui là lúc đó mình chưa có niềm vui!!! Nếu cảm nhận và ý thức được rằng "sống đã 1 niềm vui lớn" thì ta sẽ không còn tìm kiếm thêm bất kỳ niềm vui nào nữa, còn khi ta tìm kiếm, mong cầu,ước muốn cái gì đó thì chỉ là trò hề của trí tưởng tượng, chỉ có sống trọn vẹn với hiện tại thì mới cảm nhận được cuộc sống thực sự, cuộc sống thực sự ở đây là cảm giác như thế nào, suy nghĩ như thế nào thì "BIẾT" nó như vậy, không tô vẽ thêm thắt bất kỳ điều và tuyệt vời làm sao khi ai đó nhận ra rằng
"Thưởng thức hiện tại
Hiểu rằng rất quý
Không gian còn lại
Ung dung tự tại"
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,709
Bài viết
1,135,824
Members
192,460
Latest member
vickeyseidel
Back
Top