What's new

Lắng nghe điều bình thường [Normally Listerning]

@dth8x: theo Chu Chu nghĩ "tự tìm niềm vui" là 1 khái niệm "open". Đồng ý rằng ta ý thức đc chuyện ta đang sống đã là 1 niềm vui, nhưng có khi, cũng cần hiểu "để ý nghĩa" hơn, thì cần phải tự hiểu và tự tạo, từ tìm, tự nhận ra nó vui. Tùy theo nhu cầu của mỗi con ng sẽ biết được niềm vui của mình như thế nào mà "cân, chia, đong, đếm" cho hợp lí, hihi ...
 
398951_10150724014692087_313636672_n.jpg


"Cafe nhà"

Bịch cà phê buổi sáng
Ma-mi chuẩn bị cho
Thiệt dễ thương dễ chịu
Thơm lừng và sóng sánh
Ngon không chỗ nào chê
Thương Mom iu mình ghê!

-by chuchu-
Sài Gòn, 02052012
 
7738398794_9c963e516d_z.jpg


Trưa gay gắt, cái nắng Đất Phương Nam nơi miền biển vốn cũng làm khó chịu dân du lịch bụi như mình, trèo cao lên cao 1 ngọn núi đá. Phóng tầm nhìn ra xa phía biển, vốn chỉ để tận hưởng chút hương vị biển miền Nam ... Và tôi lại bắt gặp một hình ảnh đáng phải suy nghĩ về cuộc sống, sự mưu sinh hay chỉ là lao động chân tay: bóng dáng hai con người đang "săn hàu" - đó là món ngon, của lạ, đắt tiền chốn thành thị.

Nơi nơi trên đất nước mình, mọi sự khốn khó đâu đâu cũng thấy, để nhận thức rõ hơn về ngành nghề, cuộc sống, tồn tại và phát triển, tôi cảm giác con người vốn nhỏ bé trước thiên nhiên và càng nhỏ bé trước những nhu cầu đòi hỏi của bản thân.

Tài liệu ghi:
"Cực nhọc nghề săn hàu"
- Bóng những con người lẻ loi giữa đại dương bao la, họ đục khoét những con hàu sữa trên những tảng đá giữa biển như thế. Bàn tay sần sùi, đôi chân nứt nẻ rướm máu, khuôn mặt sạm đen vì rám nắng, đó là hình ảnh của những thợ săn hàu.

"Đời thợ săn hàu khác gì con hàu trong hốc đá. Dầu dãi nắng mưa nhưng mấy khi được ngẩng mặt với đời."

ngày 10 tháng 04 năm 2011
Đảo Hòn Đá Bạc - tỉnh Cà Mau.

- chuchu -
 
22082012, thứ tư

7842964162_5a802fe0ba_z.jpg


8h15' sáng đang bon bon trên đường đi mần. Đoạn 3/2 giao Phú Thọ, chạy vèo ngang 1 cụ già dắt chiếc xe đạp treo đầy các thể loại chổi lông gà, lông nhân tạo, dụng vụ vệ sinh.

Nghĩ ngợi: Í, muốn mua cái chổi lông gà quá, nhờ ngày xưa quá, ở nhà Mami hay mua chổi để quét dọn, đủ các kích thước từ bè đến lớn, rồi chổi dài thườn thượt quét mạng nhện nữa chứ. Cái "ấp ủ" bấy lâu từ hồi dọn nhà cũ (ở Q.11 tầm chục năm trước) là mai mốt phải mua chổi lông gà, tự nhiên thích mấy cây chổi thủ công và ... nguyên liệu tự nhiên lại không mần hại con Gà sống nào, hehe, không giống thú vui tao nhã áo lông thú lột da động vật nhé!

Chưa kể, con nít ngày xưa, chuyên gia nghịch ngợm, thế là lúc nào cũng bị Ba Mẹ quát tháo hăm dọa: "Mày có nghe lời không, tao cho ăn chổi lông gà bây giờ!" - Nghe là muốn "té đái trong quần" luôn, hiz, lúc này, cây chổi thiệt hết dễ thương, nó phát huy 1 công dụng khác: vũ khí của người lớn răn đe bọn trẻ con. Lằn roi đỏ đỏ, rồi sưng sưng, haha, có ai còn nhớ cảm giác đau điếng này lúc nhỏ không nhỉ?!

Mãi nghĩ ngợi mà không chịu stop lại. Phải đợi đến qua cái ngã 4 kế tiếp mới vội quay đầu xe, vù vù hi vọng gặp lại ... cụ bán chổi. May quá, kia rồi, tấp vào ngay y như "Bồ câu" túm người phạm luật ấy!

"Cô ơi, bán con cái chổi lông gà, có loại bé không cô? Dạ, 15 ngàn huh, con gửi cô tiền..."
"Àh, mà cô ơi, con nói bạn con là con sẽ chụp hình chỗ con mua chổi, cô cho con xin tấm hình nha?!"

Vừa nói liến thoắng vừa mở cốp lấy máy compact chuẩn bị tác nghiệp, nhưng cụ không chịu ... huhu... "Thôi con, chụp mần chi, kì lắm ...". Tôi buồn thiu, thế nên chỉ xin chụp đám chổi ngay đầu xe của cụ vậy, cũng đúng, đó giờ toàn chụp lén, lâu lâu muốn làm liều xin xỏ thì đương nhiên người lao động đâu có điệu đàng như bọn tôi, không lẽ làm dáng cho chụp, hơ hơ...

Dù sao, cũng cảm ơn cụ rối rích. Rồi để cây chổi lông gà con vào cốp xe, bon bon đi mần tiếp. Vui quá, mai mốt có chổi quét dọn bàn làm việc rồi, haha.

- chuchu -
 
8055996601_69bdc9b1ed_z.jpg


04102012,
Một sáng thứ năm trời tối tăm, không khí như thế thật mát mẻ và dễ chịu cho chuyến đạp xe nhẹ nhàng, từ gần bến xe miền Tây ra trung tâm Sài Gòn nhâm nhi ly café trước khi chính thức vào giờ mần việc: không tám giờ ba mươi phút chẵn.

Tôi và con bạn chí cốt (aka YaYa) đến buổi hẹn Cafe sớm nhất: kém 10p nữa 7h - khi ghé mắt nhìn qua đỉnh đồng hồ cao trên Nhà thờ Đức Bà. Thôi, tấp vào Chân Mây Cột Điện chuẩn bị tìm thức ăn sáng là chuẩn nhất.

Tôi ngồi đây mấy lần, có để ý 1 cô già ngồi bán nui xào cho mấy em học sinh tiểu học, định mấy lần chụp mà chưa có dịp, hôm nay ngay tầm ngắm.
Tôi thích những đồng phục học sinh, nó khiến tôi nhớ lại ngày còn bé mình cũng có tuổi thơ đồng phục.

Đồng phục hồi lớp 1 đến lớp 5 bao giờ cũng “hưởng soái” từ chị họ bên Ngoại, may mắn lắm 1 năm học thì Mẹ dẫn đi may 1 áo sơ-mi hay 1 váy đầm, quần tây cho có đồ mới mặc với bạn với bè.
Lên cấp 2 thì đồng phục hơn, cũng áo sơ-mi nhưng váy đầm lại có dây chéo sau lưng quàng qua vai. Tôi còn nhớ như in, suốt 4 năm cấp II Chu Văn An, ngoại trừ 1 bộ đầm được mua từ trường (giá 75.000vnđ/bộ), tôi được Mẹ mua vải (giống giống màu đầm xanh dương sậm của trường, nhưng nhạt hơn), rồi đưa Dì 5 (cũng là thợ lành nghề) may cho tôi thêm 3 bộ nữa. Tôi có tổng cộng 4 bộ cứ thay phiên nhau qua 4 mùa học tập, và kèm 1 bộ đồng phục Thể dục quần màu xanh lá, áo thun màu trắng (tôi còn giữ cái áo đến giờ - nhi nhít chữ kí của đám bạn), cái quần thì vừa bỏ đi năm ngoái vì vải mục cả rồi.

Nghĩ mà cũng hay, hồi nhỏ sao “đẹt” thế không biết, 4 năm trời mà quần áo cũng rứa, chẳng thay đổi nhiều trừ chiều cao không đáng kể. Và cũng chẳng quan tâm chuyện quần áo, ăn mặc xinh đẹp gì, có mặc là được, tươm tất và giản đơn như chính những gì mình thể hiện bề ngoài.

Chuyện đồng phục chưa phải là chính trong những suy nghĩ miên man lúc này. Tôi nghĩ đến thức ăn nhiều hơn, vì bụng đang đói mà, vừa thức dậy lúc 5h45’ chưa ăn gì đã đạp gấn 15km . Thấy đám nhóc hay mua nui, còn được bỏ thêm gì vào, tôi khá thắc mắc nên hỏi cô bán café. Cô bảo đó là Nui xào và Gà chiên “Rẻ lắm con, có tám ngàn một hộp àh, con mua ăn thử đi!”. Tôi và Yaya quyết định “hóa thân” thành bé con đi học và tiết kiệm xem nào. Mon men ra mua thử, oa, thịt gà xé đầy nhóc luôn, lại còn thêm mấy miếng gà rán nhỏ nhỏ trông cũng khá. Đầy cả hộp to mà chỉ có 8000vnđ, quá rẻ, quá nhiều nữa, làm sao mà mấy đứa bé tiểu học ăn hết phần này nhỉ?

YaYa tình nghi bảo “chắc là gà Trung Quốc đó mày!”
“Uh, gà nào cũng được, lâu lâu cứ xực, giờ ăn gì cũng chết, hehe”, tôi vừa nói vừa ngấu nghiến hộp nui của mình ngon lành.Tôi và Ya đều là những đứa dễ “nuôi”, cho gì ăn cũng được, không thiu là được. Nhưng cũng biết ngon biết dở, không ngon như nui trong nhà hàng (chắc 80.000/phần) là cái chắc. Vẫn cảm thấy ngon, nước chấm tuyệt nhất, gà hơi khô và cứng – vẫn nhai rào rào. Xong 1 phần ăn sáng gồm 1 hộp nui 8000vnđ và ly nước cam gấp đôi giá (15000vnđ).

23.000vnđ cho bữa sáng với đồ ăn thức uống dinh dưỡng đầy đủ, tôi còn khuyến mãi thêm cho Yaya gói xôi sầu riêng trị giá 5000vnđ mua gần khu công nhân nhà tôi.

Haiz, nhớ hộp nui 6000vnđ chiên trứng và cải xanh thời cấp III Mạc Đĩnh Chi mà 1 tuần có khi 5 bữa sáng đều ăn. Nhớ gói xôi mặn thời cấp II Chu Văn An, cô bán xôi ngay bùng binh Đầm Sen trước tiệm bánh Đức Phát to thật to, chỉ 1500vnđ/gói, hôm nào thích nhiều chả mỡ thì xin thêm sẽ tăng lên 2000vnđ. Ôi, cái thời học sinh nghèo nhưng cái gì cũng rẻ bèo. Vậy mà còn không có tiền ăn, phải cần kiệm lắm cơ! Giờ thì tương đối đầy đủ rồi, ăn sang ăn ngon ăn món Tây món lạ khắp. Nhưng không bao giờ quên được những dư vị “rẻ bèo” ngày nào, bụng đói meo và món gì cũng trở nên hấp dẫn.
Con người phát triển, thức ăn cũng phát triển, ăn không hết thì vứt, tội nghiệp cái sự phát triển.

-chuchu-
with YaYa at Cafe Cột điện.
 
10851209376_2916cf40dd_z.jpg


Always still "one day"!
14112013
Đó là một buổi sáng như bao ngày, nó nằm dài trên giường và đợi những tia nắng đầu tiên rọi chiếu vào chân, rồi từ từ vào gương mặt đang rất lười biếng của nó. Haiz, tháng này là nắng cứ hướng vào lúc 7h kém vậy đó!
Nó uể oải và không biết nên mặc gì cho ngày hôm nay, vì là 1 ngày đặc biệt, nó quyết định là chính phong cách vốn dĩ phải-nên-là-tốt-nhất: năng động và đầy sắc màu.
Dad & Mom vẫn như thường ngày và vẫn như mọi năm: họ sinh hoạt như thế và không hề nhớ hôm nay là ... sinh nhật nó, haha. Thật ra nó không lấy làm lạ và "phiền hà", vì đó cũng là một điều dễ thương trong gia đình, một gia đình không cầu kỳ, đơn giản và thế là đủ.
Nó đòi chở Mom đi tái khám tay mà Mom ko cho lại còn hỏi "bị gì hả", oài, thì ... thích thì mần, Mom ko cho thì thôi dzậy!
Mom đi trước, còn mình nó với cả căn nhà to và nói chuyện lảm nhảm với chú cún tên Sói.
Ngày nắng, đường vắng. Nó phải ghé ngân hàng làm vài chuyện trước khi bắt đầu "one day".
Nó lang thang ngoài Nhà thờ Đức Bà rồi quyết định ngồi vỉa hè ghế "xúp" tám chuyện với cô hàng nước quen thuộc. 1 ly cam vắt 15k như ngày trước.
Lâu rồi cô không gặp "nhóm" nó và nó phải giải thích qua loa. Hai bên hỏi thăm nhau cứ như ng thân quen, chỉ là những câu hỏi qua lại cho qua thời gian, đơn giản là thấy yên ắng trong lòng.
Nó biết tin là mình vừa nhận được quà ở công ty.
Nó ngồi đọc sách.
Rồi reply tin nhắn của bạn bè từ 00h đến 9h00' sáng nay mà chưa có time đọc kĩ.
Quyết định ghé hội sách giảm giá trước khi đi mần. Nó muốn tậu vài cuốn sách tự thưởng cho hôm nay và cho những người thương yêu nữa. Nó thích sách!
Vẫn là 1 ngày, và nó thích cái cách để "cảm nhận", để "trải qua" mọi thứ nhẹ nhàng hơn, đôi khi là "một mình" hơn. Chẳng sao cả. Vẫn là những thói quen tốt và vun đắp niềm hi vọng mới.
Chúc mừng sinh nhật nó, today, "one day"!

-chuchu-

 
Last edited:
12168366033_1de0f4b674_z.jpg


Về làng hoa đâu phải chỉ chụp hoa - hương sắc một mùa xuân. Mà còn là những số phận với biết bao mùa xuân không hương sắc, không hoa.
Tôi không biết tên cô. Cô lẳng lặng, ít nói và cũng ít để ý đến cuộc đời. Đó là một sự thanh thản của trí óc hay là một sự cam chịu, hoặc đơn giản đó chỉ là cuộc sống vậy thôi.
Cô có một gia đình, là một người chồng cũng già, cũng cằn cỗi như cô và không có mụn con nào. Nghề nghiệp chính qua mấy chục năm lao động cho đến nay là: làm bánh tráng. Tôi không rõ có được gọi: ngành nghề lao động truyền thống hay không, nhưng chung quang xóm thì không ai làm. Chỉ một mình nhà cô, và nhà cô thì chỉ mỗi cô là lao động chính. Ông chồng có vẻ nhàn rỗi hơn với phong thái ung dung. Thấy chúng tôi "hì hục" chụp hình cô thì cũng mon men lại gần: "cô chú chụp tôi và vợ tôi với...", người ông ngà ngà men say.
Tôi vẫn chụp họ và cô thì không mỉm cười trong tất thảy các hình, dù là đang lao động, dù là đi ra ngoài theo lời chồng để đứng chụp chung. Tôi không nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt cô, và tôi cũng không nhận định được rằng đó có phải là nỗi buồn hay chăng? Cô vẫn trả lời những câu hỏi ngắn mà tôi nêu ra...
- Cô làm nghề này bao nhiêu năm rồi?
- Cô có người nối nghề không?
- Cô bán bánh giá sao hen cô? Giao sỉ hay bán lẻ? Người chung quanh có mua nhiều không?
Tôi hỏi ít, không biết vì sao nữa. Mà thấy buồn cho cuộc đời của người phụ nữ này. Vì cô đơn? Vì vất vả? Hay vì tôi nghĩ thế. Chứ thật ra, họ chỉ cần sống đơn giản để đời thanh thản, dù có nhiều rào cản? Mà thế nào là rào cản, là do tự con người bày ra, rồi cố vượt. Thực chất... bản ngã và sân si là khó lòng khống chế.
Trong lúc chúng tôi "tác nghiệp", có cụ hàng xóm nón lá, khăn rằn, áo bà ba đúng chất Nam Bộ qua nhà cô bánh trán chơi, cụ hỏi: "chụp nhiều vậy có cho bả tiền không?".
Tôi nói rằng chúng tôi là sinh viên chụp làm bài, tham khảo, chứ không phải phóng viên. Nhưng sau khi đồng bọn hội ý: tôi quyết định gửi cô 30 ngàn đồng. Tôi nghĩ cho nhiều thì hư người nông dân, ít thì không đáng.
Cô cũng biếu chúng tôi vài cái bánh tráng nướng và 1 ít bánh tráng vừng dẻo mang theo. Sau, tôi biết giá bán 1 chục bánh tráng là 15 ngàn. Hihi, vậy là xem như chúng tôi mua bánh tráng. Cũng vui vui.
Vậy đó, cũng là 1 ngành nghề lao động chân tay ở miền Tây. Vẫn còn những số phận không có nhu cầu cần ai biết đến, họ sống một cuộc sống ngày ngày như thế. Những mùa xuân qua cũng chì là những ngày bình thường trôi.
-chuchu-
Sa Đéc ngày 19 tháng 01 năm 2014
 
Sờ tiền

12491228115_6088e8a1dc.jpg


February 12, 2014 at 10:50am
Như mọi người biết, tiền tệ được quy định, được đặt ra, được tạo nên là do sự quy đổi chung về một giá trị tương ứng nhất định để có thể so sánh hơn kém giữa những "vật" khác không cùng "thể". Nghĩa là tiền đôi khi trở nên vô giá trị, vì làm sao biết các "vật thể" khác cái nào là lớn nhất? Vũ trụ àh? Tiền có mang ra đong đếm so với vũ trụ được không?

Quay về chuyện thực tế của đồng tiền. Giá trị của nó đúng ra được định đoạt bởi người sở hữu và sử dụng. Ví nhưng có vài người sẵn sàng bỏ ra 1 số tiền lớn để đi du lịch, thay vì để sở hữu 1 vật chất nhất định như túi xách, điện thoại, xe máy... Nó có thể quy ra "tiền" bằng số, nhưng về giá trị, chỉ người có được rồi, mới thẩm định được cái nào hơn cái nào. Àh, ví như tôi có thể bỏ ra 40 chục ngàn tiền mua 3 tờ vé số, để mất đi một ly cafe cappucino ngon lành. Tôi nói thế vì tôi nhận ra giá trị của 2 lần mua vé số, là giống như trợ giúp 2 mảnh đời bất hạnh. Còn ly cappucino, lúc vui hay thèm thì nhấm nháp, nhưng để đánh đổi lấy niềm vui tinh thần khác thì cũng hay phết. Nói vậy không phải để nâng cao tình thương hay tâm thiện, chỉ là mỗi người, mỗi giá trị nhìn nhận khác nhau. Miễn tự thân thấy vui và không mần hại ai thì quá đẹp cuộc đời này, không cần đẹp hơn.

Với một vài cá thể như tôi, đồng tiền có thể mua được niềm vui, quan trọng là cách tôi mua như thế nào, tôi mua như cách vừa kể. Tôi thấy nhẹ lòng một chút. Nhưng với nhiều mảnh đời trái ngang, giống như họ bị đồng tiền mua... Là vì cái phận, cái không may, cái hư hao của cuộc sống.

Có nhiều lần tôi thấy nhiều người khác nhau, ở nhiều ngã tư không giống nhau. Nhưng họ có cùng 1 động thái: dắt 1 người đàn ông trung niên bị teo não (là cả nghĩa đen và bóng, tôi gọi ông ấy bằng "Người sờ 1"), họ làm cùng 1 việc: xin tiền người qua đường.
Một lần đợi đèn đỏ ở ngã tư 3/2 và Lê Đại Hành, tôi lại nhìn họ, tôi thấy Người sờ 1 tay mò mò xuống làn đường, tìm kiếm gì đó. Hôm ấy lá rụng như lá mùa thu, lá úa, héo và bị xe cán nát nhừ. Người sờ 1 phát hiện ra thứ mỏng mỏng, bay là là trên mặt đất, ông rung rung nhặt trong vô thức, tay nhặt mà mắt không nhìn, rồi cho nó vào cái ca xin ăn trước mặt. Người đàn bà ngồi kế bên nhận ra hành động này, bà ta đổ thứ Người sờ 1 vừa nhặt ra khỏi, và đánh đánh vào bàn tay đang tiếp tục lần mò kia, như kiểu người lớn khẽ tay trẻ con khi nó lầm lỗi. Lúc này tôi nghĩ: tiền mang một giá trị như chiếc là mùa thu, rụng rơi và có người cần nhặt. Một thói quen? Một quán tính? Một sự đầu độc vô ý thức? Giá trị một chiếc lá hư hao có thể quy ra tiền được không? Chắc chỉ có Người sờ 1 mới trả lời được, nếu như bạn nghe được ông ấy.

Vẫn là ngã tư 3/2 và Lý Thường Kiệt, tôi từng hứa sẽ quay trở lại mua vé số giúp cụ bà run rẩy, tôi gọi bà là Người sờ 2. Đèn đỏ, 26 giây, tôi bị mắc kẹt bởi 1 xe phía trước cũng tấp sát lề, tôi không thể đứng kế bên Người sờ 2. Đèn xanh, tôi có chỗ như ý, mở cốp, vừa lục lọi tiền lẻ 20 ngàn vừa nói:
- Lấy con 2 tờ nha bà!
- Cô xem giùm tờ này tờ bao nhiêu? 50 ngàn đúng không cô? - Người sờ 2 mắt luôn không nhìn rõ, lúc nào cũng sờ sờ mấy tờ vé số và những tờ tiền lẻ 10k -20k, nhẩm nhẩm hoài gì đó. Lúc này cụ đang cầm vé số kèm tờ 100k.
- Dạ tờ 100 ngàn.
Tôi không tìm thấy tiền lẻ, chỉ còn tờ 50 ngàn.
- Con lấy 2 tờ vé số 10 ngàn, con đưa 50 ngàn, cụ thối giùm con.
Người sờ 2 lôi ít tiền lẻ trong bị vải ra, 3 tờ, 2 tờ 10k và 1 tờ 20k, vẫn sờ sờ từng tờ rồi đưa tôi 2 tờ trị giá 30 ngàn.
Tôi nhận lấy tiền thối và nhận cả lời cảm ơn. Mà lòng có chút gì đó xúc động.
Có những người, phần lớn thời gian họ dành để "sờ tiền". Theo nghĩa nào đó thì tôi không tiện nêu, nhưng như Người sờ 1 và Người sờ 2, đó là việc vô tình hay cố ý cũng phải làm. Giá trị của tờ tiền được hiểu qua cách họ sờ.

Giá trị của tiền là vậy đó. Bạn có phải là người sờ tiền hay không? Cũng có khi. Bị ảnh hường vào nó không phải là điều lạ. Nhưng nên hiểu giá trị nhận được là những gì, 2 Người sờ tiền, họ bị khuyến tật hình thể, chứ không phải khuyến tật tâm hồn. Tiền, vẫn là vô giá, tùy cách bạn "sờ".

-chuchu-
 
Cô bé bán đèn ước Hội An

12515288693_35fb0aa076_z.jpg


02042014,
Cô bé bán đèn ước Hội An.
Tôi vẫn chưa biết tên em. Chiều nhá nhem, phố cổ lúc này rất đông đúc, chúng tôi nhóm 6 người phải mon men nhìn nhau cho khỏi lạc. Tôi hơi choáng ngợp vì không thích đông đúc, bị cuốn theo dòng người và đồng bọn đến chiếc cầu quen thuộc không tên bắt ngang qua con sông nhỏ.
Nơi đây nhiều xuồng, giá 1 người lên xuồng là 10.000vnđ cho việc bơi qua bơi lại ngắm, cũng có cái hay, nên thử, vì tôi đã từng đi rồi. Ngồi trên xuồng có thể đốt đèn cầy rồi cho vào "hoa đăng" giấy, 1 bộ là 1 điều ước trôi theo dòng sông, đến nơi nào để ai nhận được thì không phải suy nghĩ. Điều này có ở Huế trước, ở dòng sông Hương huyền thoại và nên thơ. Sau này du nhập vào Hội An, nơi nhánh tẻ từ con sông Thu Bồn cũng bắt đầu có đèn hoa đăng, có cái hay hay khác.
Đang lóng ngóng cố soi cảnh để chụp một bức ành ưng ý, thì em gái mời tôi mua đèn thả. Tôi do dự một tí, sau lại quyết định mua vì để... làm điệu chụp hình vui vui. Em mừng rỡ, thân thiện:
- 10 ngàn 3 cái đó chị. Hôm nay chị là người đầu tiên mở hàng cho em luôn đó nha!
- Ola, vậy huh? Vui thế... Chắc là em sẽ bán đắt đây.
Tôi loay hoay chuẩn bị lấy đèn cầm lên, thì em lại nói tiếp:
- Hôm qua e nghỉ 1 ngày đi chơi, nay mới bán lại.
- He he, nghỉ Tết đi chơi hả em?
- Vâng, e nghỉ có 1 ngày chứ cũng không phải nghỉ Tết, ngày nào em cũng bán không có nghỉ.
- Dzậy hôm qua đi chơi với bạn trai đúng không?
- He he, được nghỉ vui lắm chị.
Tôi lại lo loay hoay mang đèn đi chụp hình điệu, mà có vẻ em cứ muốn nói chuyện với tôi nhiều, bé này vui ghê. Không thì tôi cũng tám thêm nhiều rồi. Sau khi hướng dẫn chúng tôi thả đèn, em còn xé bọc bim bim mời tôi, em nói:
- Chị mở hàng, mời chị ăn bánh nè, ngon lắm!
- Bánh này em bán hay của em? (vì nếu bán tôi sẽ mua luôn)
- Bánh của e mới xé bao đó, chị ăn đi, Tết mà!
- Uh, Tết nên được mời bánh hen, cảm ơn em...

Tôi thấy ở em có gì đó là một sức sống nhẹ nhàng, dù lao động bán buôn, nhưng vẫn là sự trong sáng của đứa trẻ mới lớn. Thân thiện và dễ thương. Tôi còn nhiều câu hỏi muốn hỏi em, nhưng không kịp và chắc chưa phải lúc. Tôi chỉ lén chụp em từ xa như thế, trời nhá nhem, thiếu sáng, hơi tòe nhòe... Nhưng có vẻ em vẫn sáng giữa dòng người qua lại, bên nhánh con sông êm đềm. Những cuộc sống mưu sinh, luôn có nhiều nét đẹp mà chỉ khi hiểu hơn, ta mới có thể tự tin bắt lấy khoảnh khắc đó .

-chuchu-
 
Trẻ con đi học

12608948833_705c6bd81c_z.jpg


06022014,
Chúng tôi vừa vượt đèo Hải Vân để tiến vào Lăng Cô. 12h15' trưa, các em học sinh chắc vừa tan học đâu đó... Nếu ko lầm thì hôm nay là mùng 7, thứ 6, các em đi học sớm nhỉ!
Dọc con đường theo chiến mã sắt và đồng bọn từ Đà Nẵng đến Huế, trưa và chiều tan tầm, tan học. Tôi nhớ mãi hình ảnh những em học sinh vai đeo cặp, đứa xe đạp, đứa dắt tay nhau đi bộ từ trường về nhà.
Những hình ảnh đó làm dâng lên trong tôi một cảm giác hạnh phúc của những đứa trẻ phố huyện, tỉnh lẻ, vùng xa, nơi quê chân chất.
Hồi nhỏ, tôi cũng đi bộ từ trường về nhà, mà ít. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng. Mẹ kể rằng bà hay đèo tôi đi học Mầm non bằng xe đạp. Rồi cấp 1 thì đón đưa bằng con Charly, mà lúc đó mẹ phải bận trông thằng nhóc em mới sinh, nên tôi cứ ngồi chờ hoài, có khi cả trường còn có mình tôi ở băng ghế đá trước cổng. Trẻ con ngày đó chỉ biết đợi chờ, không games, không truyện tranh (giáo viên cấm mang đến trường), không 1 thú vui tiêu khiển nào. Tôi không nhớ mình đã nghĩ những gì, làm những chi, đương nhiên là không thể lấy bài ra học, tôi lười học. Và tôi cũng không có nhiều bạn bè lúc bấy giờ. Tôi hay lủi thủi, mẹ nói thế vì tôi kể vậy. Nhà cũng không có điện thoại mà gọi, chỉ biết trông ngóng...
Trẻ em ở vùng sâu, xa thì thoải mái hơn, đường làng rộng, chúng có thể đi bộ hoặc đạp xe. Trong tất cả những hành trình xuyên suốt bằng xe 2 bánh, xe máy lẫn xe đạp, tôi đều có thể ngắm nhìn điều dễ thương đó. Tôi thích cái nắm tay của các em tiểu học, chúng dắt tay nhau đi, nói chuyện gì đó. Có khi chạy thật nhanh đuổi bắt, rồi rớt nón, rớt cặp, phải quay lại nhặt.
Tôi nghĩ rằng: khi đi bộ, trẻ con có thể tận hưởng thời gian tuyệt vời vì những gì mà chúng trải qua trên đường về nhà hoặc là khi vội vã đến lớp vì ngủ muộn. Có nhiều câu chuyện, có nhiều cảm nhận, có nhiều kỉ niệm. Lớp cấp 2, tôi đã được tung tăng xe đạp cùng cô bạn thân. Tôi đã có sự thay đổi vượt bậc về mối quan hệ, thể thao và tư duy năng động. Đó thực sự luôn là kỉ niệm đẹp, không phải với games, với điện thoại thông minh, với những nỗi tự kỉ riêng biệt mà thời công nghệ thông tin ngày nay mang lại.
Điều gì cũng trái ngang 2 mặt. Nhưng ngày hôm nay đây, vẫn còn thấy những điều dễ thương như vậy ở bất cứ vùng đất nào ở trên Việt Nam mình, cũng là 1 may mắn còn sót lại. Các em có 1 tuổi thơ hơi vất vả, nhưng đó là giá trị nhận thức nhân văn tồn tại lâu dài, chứ không sáo rỗng thực tế từ những thứ kiến thức hiện đại du nhập chóng đến và chóng đi.
Hi, tuổi thơ ơi, bình dị ơi, không phải ai cũng dễ có và dễ nhận ra. Thôi ai có thì cứ nhớ nhung, cứ trân trọng, vì sẽ không quay trở lại lần thứ II đâu, kể cả thế hệ sắp tới .
-chuchu-
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,018
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top