What's new

[Tổng hợp] Chuyên mục: Kỹ Năng Sinh Tồn.

SaleOff247

Phượt tiên
Chào các bạn,

Mình thấy bên trang genk có chuyên mục này bổ ích, search google chưa thấy có bài post bên phượt nên xin mạn phép mang sang đây share cùng ae có cùng quan tâm và sở thích.

Rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của mọi người.
Thân ái ! :)

* Tất cả những bài viết bên dưới đều có nguồn: genk.vn
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 1: Bị lạc nơi hoang dã

Các bạn độc giả thân mến, chuyên mục Khám Phá từ trước đến nay vẫn là nơi đăng tải những bài viết về chủ đề khoa học thường thức nói chung. Sau khi nhận được những phản hồi và góp ý tích cực về việc đưa ra những bài viết kiến thức thành những chuyên đề cụ thể để tiện theo dõi đón đọc. Tiếp nhận ý kiến đó của độc giả GenK xin bắt đầu loạt bài viết về chuyên đề kỹ năng sinh tồn dành cho các bạn muốn khám phá và hoàn thiện bản thân mình. Trong chuyên đề này, chúng tôi sẽ tập trung khai thác những khó khăn hiểm nguy gặp phải trong từng trường hợp cụ thể, ví dụ như bạn đi du lịch và bị lạc trong rừng sâu với một cô bạn đang run sợ, bạn phải tìm cách sống sót và tự bảo vệ mình cho tới khi có người tìm thấy vậy nếu là bạn của hiện tại thì các bạn sẽ làm gì? Tất cả sẽ có trong loạt bài về những kỹ năng sinh tồn trên chuyên mục Khám Phá của GenK.


Phần đầu tiên của chuyên đề, chúng ta sẽ bàn tới những kỹ năng cần thiết đề sinh tồn trong một số tình huống khó khăn như phải tự mình kiếm thức ăn nước uống phòng vệ để sống sót càng lâu càng tốt.

Ngày nay, có thể nói là các bạn đã gặp và tiếp xúc rất nhiều qua phim ảnh, sách truyện, game… những tình huống tai nạn, thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần hay chiến tranh, nạn khủng bố… bạn cũng đã thấy những tình huống thoát hiểm ngoạn mục hay những cái chết rất khủng khiếp cả trong phim và game.


Hầu hết trước đây mọi người đều cho rằng điều này là những tình huống giả tưởng được tưởng tượng ra cho mục đích giải trí. Nhưng càng gần đây, càng nhiều người cho rằng nó là quan trọng và thực tiễn. Ở Mỹ và Châu Âu có rất nhiều khóa học kĩ năng sinh tồn được mở ra và thu hút rất nhiều học viên, những khóa học này không chỉ đào tạo những kĩ năng sinh tồn mà còn đào tạo kinh nghiệm đối mặt với hiểm nguy, sự ổn định tâm lý và cách thức bảo vệ sức khỏe...


2012-933be.jpg


Ở đây tôi không có tham vọng tóm tắt cả khóa học đó lại trong chỉ một vài bài viết. Cái tôi muốn đưa ra ở đây đó là những kiến thức căn bản để bạn đủ tự tin để suy nghĩ mưu cầu đến sự sinh tồn: “Bạn sẽ sống sót trong mọi tình huống. Từ trong sa mạc, trong rừng thẳm, vùng băng tuyết, ngoài biển khơi, chiến tranh…hay thậm chí là cả nạn zombie…Chỉ với 1 con dao nhỏ hoặc không có gì. Với kinh nghiệm và sự tỉnh táo bạn có thể tự tin tìm ra cách để mình sống sót mà không buông xuôi một cách dễ dàng như đa số người khác sẽ làm”.


Ở Việt Nam không có băng tuyết, ở Việt Nam không có sa mạc, không có động đất hay sóng thần. Tôi không phủ nhận điều đó nhưng bạn có chắc là mình sẽ không một lần bị lạc, bị tai nạn khi đi du lịch, đi công tác xa hay thậm chí là bạn phải tìm kiếm một thứ gì đó ở một vùng đất xa lạ hoang vu mà bạn không hề biết. Bạn chắc chắn cả đời mình sẽ không lâm phải cảnh đó? Ở Nhật Bản khi động đất người ta sẽ tạm thời chui xuống gầm bàn nhưng ở Việt Nam có nên làm như thế không? Làm thế nào để bạn có nước, lửa và lương thực trong một tình huống bi đát và bất ngờ ? Hay “lãng mạn” hơn một chút khi đặt mình vào những nhân vật trong phim “Lost” hay “2012” bạn sẽ làm thế nào???


lost-73b7d.jpg


Trang bị cho mình những kiên thức về tự nhiên và kĩ năng sinh tồn sẽ làm bạn có tâm lý tự tin và luôn sẵn sàng để đối mặt với những tình huống hiểm nghèo mà tự nhiên và cả con người đem lại cho bạn. Bạn không muốn buông xuôi chứ?


Bị lạc


Đơn giản là bỗng nhiên bạn thấy mình bị lạc, thất lạc khỏi nhóm đồng hành ở một nơi hoang dã không có bóng người. Hay tệ hại hơn là bạn tự đi đến một nơi hoang dã và không thể tìm được lối thoát, không ai biết bạn mất tích để tìm kiếm. Trước tiên tôi xin nói đến trường hợp bất khả kháng bạn phải đi đến những nơi như thế và đã có sự chuẩn bị từ trước. Vậy bạn có thể và muốn mang theo những gì?


jungle2-96bd0.jpg


Bí quyết ở đây là phải xác định mục đích, nhu cầu và quan trọng nhất là địa thế và khí hậu nơi mà ta sẽ phải đến. Từ đó ta sẽ mang theo những đồ dùng cần thiết thích hợp chứ không phải là “cõng” theo bất kì thứ gì mà ta nghĩ đến. Một số vật dụng quan trọng tối thiểu phải có ở đây là:


- Y phục: quần áo,giày dép,mũ, găng tay, áo mưa, ba lô...phù hợp với khí hậu nơi mình muốn đến. Nếu địa điểm bạn sắp đến là vùng sa mạc thì đương nhiên hành trang chuẩn bị phải được lựa chọn khác biệt với vùng biển hay vùng băng tuyết.


- Đồ dùng cá nhân: tùy theo tình huống và tùy theo sức mang của bạn. Nhưng chắc chắn phải có bình nước, bật lửa, dao đa năng, xoong nồi cá nhân, túi cứu thương, túi mưu sinh, đèn pin, la bàn, bản đồ hay GPS … Điện thoại di động thì khỏi nói rồi nhưng còn pin hay có trong vùng phủ sóng hay không lại là chuyện khác.


do-57f32.jpg
Một số vật dụng nhỏ nhưng không thể thiếu.


- Thực phẩm: cực kì cần thiết nhưng lại rất khó mang theo và khó bảo quản. Ta nên mang những thức ăn khô, lương khô, gạo, gia vị, trứng hay đồ hộp là dễ dàng nhất. Ít nhất thì số lượng thức ăn đó có thể giúp ta sống sót cả tuần để chờ người đến cứu (Nhiều ý kiến cho rằng lượng protein trong một quả trứng gà có thể giúp ta sống sót trong 1 ngày).


- Dụng cụ cắm trại: lều bạt, võng, chăn màn...


- Dụng cụ cầu cứu: pháo sáng, còi, gương phản chiếu hay đơn giản chỉ là những đống lửa tạo khói dễ nhận thấy từ xa...


Được trang bị thật tốt những thứ như trên, chắc chắn bạn sẽ đủ tự tin để tìm được cách đối phó với những tình huống hiểm nghèo nhất. Phần còn lại là kinh nghiệm, sức khỏe và kiến thức căn bản mà tôi nói dưới đây sẽ giúp bạn là kẻ sống sót…
 
1. Bị lạc mà không có ai tìm kiếm


Đây là một tình huống khá bi đát và cũng không ít người mắc phải. Tâm lý hoảng sợ, suy sụp mất tự chủ sẽ đến một cách nhanh chóng với bất kì ai nếu không tìm được lối thoát sau vài ba ngày. Vì vậy mục tiêu hàng đầu trong tình huống này là phải thoát khỏi vùng nguy hiểm một cách nhanh nhất có thể. Bất kì khu dân cư,lán trại hay dấu hiệu sinh hoạt nào của con người cũng sẽ là chìa khóa dẫn đến lối thoát của bạn. Dưới đây là một số cách phát hiện phương hướng và di chuyển.


way-c5207.jpg


- Phương hướng: Bạn có trong tay la bàn hay bản đồ nhưng đôi lúc nó sẽ trở nên vô ích nếu bạn không thể xác định đi về hướng nào để gặp khu dân cư gần nhất. Hay tệ hại hơn là bạn chẳng có gì trong tay cả. Làm thế nào để bạn có thể xác định được phương hướng mà mình phải đi? Hãy trèo lên 1 cái cây hoặc mỏm đá cao nhất có thể. Quan sát thật kĩ mọi nơi mà bạn có thể nhìn thấy: ngọn tháp, đồng ruộng, khói, nhà cửa, đường mòn… bất kì dấu hiệu đời sống con người nào sẽ giúp bạn quyết định hướng mà mình phải đi tới. Nếu là ban đêm thì ánh đèn điện, ánh lửa cũng sẽ được nhìn thấy từ rất xa.

Trong trường hợp mà bạn không thể nhìn thấy hay nghe thấy gì. Cách tốt nhất là cố gắng xác định vị trí một con suối, một con sông từ trên cao. Ở trên cao bạn nhìn thấy những khoảng rừng cây xanh mướt hơn những khoảng rừng khác thì chắc chắn ở gần đó có sông suối . Công việc tiếp theo chỉ là đi xuôi theo hạ lưu (theo dòng nước chảy) và tỉ lệ gặp khu dân cư hay thoát khỏi “vùng nguy hiểm” là rất cao. Cách trên cũng hoàn toàn có thể áp dụng nếu bạn ở hoang mạc hay sa mạc tuy nhiên tỉ lệ thành công thấp hơn.


look-c5207.jpg


- Di chuyển: trong phim ta hay thấy những người di chuyển trong rừng thường bị quay trở lại chỗ cũ hay vô thức đi theo một đường tròn. Đây là việc hoàn toàn có thật do bước chân của bạn không đều nhau (chân trái bước dài hơn chân phải chẳng hạn). Và rất nhiều bước chân không đều nhau đó sẽ đưa bạn đi theo đường vòng cung thậm chí là đi theo đường tròn. Vì vậy xác định rõ phương hướng, đánh dấu mục tiêu bằng mặt trời, mặt trăng, núi , hướng gió so với hướng di chuyển…hay bất kì những gì có thể, đó là cực kì quan trọng. Và khi gặp phải trường hợp trên không được hoảng loạn hay có tâm lý buông xuôi, đây là một điều rất tối kị. Khi mà nghị lực và khát vọng sống không còn thì chẳng có cách nào có thể cứu được bạn.


2. Bị lạc mà có người tìm kiếm (lạc khỏi nhóm hay có ai đó biết chắc chắn bạn mất tích)


Tuy đây cũng là một cú sốc đối với bạn nhưng mọi việc lại đơn giản hơn so với trường hợp ở trên rất nhiều. Việc đầu tiên là nên bình tĩnh xác định địa hình xung quanh, nghiên cứu tìm hiểu nguồn nước, thực phẩm và ở lại đó chờ người đến cứu. Cách thức để tìm kiếm nguồn nước, thực phẩm hay sinh tồn tôi xin phép được nói trong những kì sau. Ở đây tôi chỉ xin các bạn nên thực hiện theo những lời khuyên sau đây :

- Ở nguyên tại chỗ chờ người đến cứu: ở nguyên tại chỗ tránh di chuyển làm tiêu hao năng lượng, thú dữ tấn công, tai nạn hay bệnh tật …


- Tìm hiểu môi trường xung quanh để tìm kiếm nguồn nước, thực phẩm, chỗ trú ẩn, củi, cây quả …


- Tạo ra các dấu hiệu dễ nhận thấy: ở trong rừng thì đốt lửa tạo khói, vùng băng tuyết hay sa mạc thì xếp đá sẫm màu theo chữ SOS , căng những tấm vải màu sắc, quần áo lên cao, tạo ra âm thanh (nếu có thể).


group-c5207.jpg


- Giữ lửa luôn cháy để giữ nhiệt, xua đuổi thú dữ và cả tạo sự an thần.


- Yên tâm chờ người đến cứu: Con người có thể sống 3 ngày mà không có nước, 3 tuẩn nếu không có thực phẩm. Kể cả việc bạn bị thương không thể di chuyển,bạn hoàn toàn có thể hi vọng trong thời gian đó bạn sẽ được cứu thoát .


3. Bị lạc theo nhóm


Việc này xem ra còn dễ thở hơn tình huống trước nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh hơn nhiều. Ganh ghét, nghi kị, trộm cướp,mất trí, ảo giác, chán nản,bất cần… thậm chí là giết hại lẫn nhau là điều hoàn toàn có thể .Nhưng nếu tạo thành một nhóm có tổ chức và đoàn kết thì mọi việc lại đơn giản hơn rất nhiều. Vì vậy việc bầu chọn một người kinh nghiệm và được tin cậy làm Leader là điều cần thiết. Người leader này sẽ là người hỏi ý kiến mọi người nhưng mình sẽ là người đưa ra quyết định. Tránh trường hợp lạm dụng biểu quyết vì nhiều lần như thế rất dễ dẫn đến việc chia bè phái và nghi kị lẫn nhau.


bear-57f32.jpg
Không cần phải tài giỏi như Bear Grylls nhưng bạn sẽ sống sót như anh ấy.


- Người leader này phải biết phân công công việc theo nhóm một cách hợp lý tùy theo sở trường của từng người. Củng cố tinh thần từng người và giải quyết linh động những trường hợp đau ốm, bệnh tật …


- Quyết định và dám quyết định : điều này là cực kì quan trọng. Một ví dụ ở đây là một tình huống hiểm nghèo: Một toán người bị mắc kẹt trong một hang động do sụt lún, có người đã chết và mọi người đang gắng sức đào bới tìm lối ra. Lương thực thì đã cạn kiệt mà trong nhóm có phụ nữ và trẻ con. Là một đội trưởng bạn sẽ đưa ra những quyết định như thế nào?


Đạo đức hay bản năng sinh tồn, chôn cất hay “xử lý” những xác chết của người bạn đồng hành xấu số kia vì tập thể. Đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn và bạn phải chịu trách nhiệm về điều đó. Và nếu bạn dẹp vấn đề đạo đức qua một bên bên thì nên chia sẻ trách nhiệm đó với 1 vài người khác ( không phải toàn bộ phụ nữ, trẻ con ) để đi đến quyết định cuối cùng. Và “món ăn” kinh khủng này sẽ “chế biến” như thế nào ? Tôi đang xem xét việc có nên viết về nó vào các phần sau hay không.


ber-06f25.jpg


Nói chung nếu bị lạc theo nhóm thì việc cần thiết nhất là tạo bầu không khí lạc quan, tinh thần đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là sức mạnh để giúp nhóm tồn tại thoát khỏi hiểm nguy .


Cuối cùng điều tôi muốn nói ở đây là những kiến thức căn bản phía trên hoàn toàn không quá xa vời. Nó nằm trong tay bạn và bạn hoàn toàn có thể làm được, thậm chí là tốt hơn. Biết đâu một lúc nào đó nó sẽ làm cho những người xung quanh bạn khâm phục và chính bạn cũng tự tin về khả năng ứng biến và những sự hiểu biết của mình…


Ở kì sau tôi sẽ nói chi tiết hơn về những tình huống đi lạc, bạn phải lênh đênh trên dại dương mênh mông, lạc trong sa mạc nóng bỏng hay trong rừng già ẩm ướt. Bạn bị thương, bị rắn cắn hay đơn giản chỉ là muốn vượt qua sông suối, đầm lầy, núi cao. Bạn phải làm thế nào? Hi vọng bài viết vào kì tới sẽ giúp bạn phần nào giải quyết những câu hỏi này.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 2: Giành lấy sự sống nơi đầm lầy và sa mạc

Tiếp tục quay lại với loạt bài viết về chuyên đề kỹ năng sinh tồn đã được GenK đăng tải hôm qua. Ở phần trước, các bạn đã có được một chút kiến thức nền về những thứ cần chuẩn bị cũng như công việc phải làm khi lạc ở một nơi hoang vu nào đó. Ở phần 2 này, các bạn sẽ được tìm hiểu cụ thể hơn những đặc điểm của từng loại môi trường và lần này các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm và kiến thức khi bị lạc ở những nơi có điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt như đầm lầy ẩm ướt hay sa mạc khô cằn. Hy vọng phần 2 này có thể giúp các bạn hiểu thêm một chút về kinh nghiệm sinh tồn.


Bạn nằm dài trên giường, ôm laptop và xem một bộ phim kể về những kẻ sống sót sau tai nạn máy bay (Lost) một cách thích thú. Hay phấn khích khi theo dõi cách mà Grylls Bear đối đầu với những tình huống nguy hiểm và khắc nghiệt nhất của thiên nhiên. Bạn học hỏi được rất nhiều điều từ anh ấy. Vâng, tôi không phủ nhận điều này, anh ấy cũng là một trong những thần tượng lớn của tôi.


Nhưng tôi nói thật, ngoài hoang dã chẳng phải những tình huống hiểm nguy là thứ giết chết bạn đâu. Sự cô độc, hoảng loạn, chán nản và đặc biệt là sự thiếu kinh nghiệm sẽ làm điều đó trước tiên. Bạn vớ được một cây dừa trĩu quả, bạn sẽ làm gì với nó? Tôi cá là 90% những người ở đây không biết cách lấy nước từ 1 quả dừa tươi bằng tay không. Bạn bắt được 1 con thú nhưng bạn không có lấy một thứ công cụ nào để chế biến và dự định ăn sống nó như Bear. Xin lỗi nhé, bạn sai rồi, tôi có cách tốt hơn đấy.


1-e6431.PNG
Bear à, tôi rất ấn tượng với những gì anh làm được nhưng rõ ràng là có cách tốt hơn đấy.


Những tình huống bên trên không phải là những câu đố. Nó chỉ đơn giản là một trong những tình huống nhỏ mặt mang tầm vi mô nhưng lại là phán quyết cho cuộc sống của ban. Trang bị cho mình cái thứ gọi là kinh nghiệm thì dù là trong cuộc sống hiện tại hay phải đối mặt với những tình huống hiểm nghèo tương tự như thế, bạn luôn cảm thấy tự tin và sẵn sang ứng phó.


Ở đây tôi xin phép đưa ra một cái tên. Anh không hề nổi tiếng nhưng là một người tôi quen biết và rất khâm phục. Anh ấy là Ben Mackie , giảng viên trường đại học Latrobe tiểu bang Victoria - Australia. Anh ấy còn làm nhiều công việc khác nữa như hướng đạo sinh, vận động viên đua thuyền, hướng dẫn viên…Tôi đã được học một khóa thực tập kĩ năng sinh tồn do anh giảng dạy. Đó cũng chính là cảm hứng cho tôi viết lên seri chuyên đề “Kỹ năng sinh tồn” này (cũng vì vậy mà các bạn có thể yên tâm là những thông tin tôi đã và sẽ đưa ra hoàn toàn rất khoa học chứ không phải là chém gió không có cơ sở).


Anh cũng không quá đặc biệt, không quá cơ bắp nhưng lại tháo vát và nhanh nhẹn kinh khủng. Dường như chẳng có điều gì có thể làm khó được anh. Không phải là tôi quá thần tượng hóa anh ấy đâu, một vài câu chuyện rất hay về Ben tôi xin phép được kể ra trong những kì sắp tới. Còn bây giờ ta trở về với chủ đề chính.


Hôm nay tôi sẽ nói chi tiết hơn về kĩ năng sống sót ở 2 loại vùng đất khác nhau. Đó là rừng nguyên sinh và sa mạc.


1. Rừng nguyên sinh - Đầm lầy:


Đầm lầy - kỹ thuật thoát hiểm:

2-e6431.PNG


Rừng thì ở bất kì nơi đâu cũng có. Ở Việt Nam cũng không hề ít những khoảng rừng nguyên sinh như thế. Bị lạc vào những khu rừng như thế này thì có vô vàn những điều hiểm nguy có thể đe dọa đến tính mạng của bạn. Vấn đề này tôi xin phép có một bài viết riêng mang tên “ Hiểm họa từ thiên nhiên” để nói chi tiết hơn.


Ở đây tôi xin phép được nói đến một trong những cái bẫy chết chóc nhất của tự nhiên đó chính là đầm lầy. Những người không có kỹ thuật thoát hiểm khi rơi xuống đầm lầy tỉ lệ mất mạng gần như là 100%. Cái chết gây ra bởi đầm lầy rất khủng khiếp. Bạn rơi xuống vùng sình lầy, dù là đứng yên hay cố gắng vùng vẫy thì cái chết cũng sẽ mau chóng đến với bạn. Chân không có điểm tựa, mọi nỗ lực “bơi” hay di chuyển đều là vô vọng. Chẳng mấy chốc bạn bị đầm lầy nuốt chửng. Khi không còn có thể nín thở được nữa thì bùn và cát sẽ tràn đầy phổi, dạ dày bạn. “Đúc” bạn từ trong ra ngoài trước khi bạn chìm xuống phần lỏng hơn phía đáy của đầm lầy. Vĩnh viễn nằm lại dưới đó mà không một ai biết.


Vậy đầm lầy là cái gì ?


Cấu tạo của đầm lầy như sau : Phía trên là lớp đất, bùn, cát, lá khô thậm chí là những cây cỏ mọc rất bình thường khiến bạn khó có thể phân biệt được sự khác nhau của nó với vùng đất cứng xung quanh.Nhưng lớp bùn đất ấy chỉ “lơ lửng” bên trên nhờ có mạch nước ngầm phun trào từ dưới lên. Lớp bùn đất này rất mềm và xốp, có thể dày từ 1- 5m, khi con người và động vật sa chân xuống thì sẽ mau chóng bị “hút” xuống phần nước lỏng dưới đáy và mau chóng bị dìm chết.


3-e6431.PNG
Thận trọng và di chuyển theo nhóm là điều hết sức cần thiết.


Tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề. Khi rơi xuống đầm lầy (và cả những vùng cát lún mà bạn hay thấy trong phim) bạn phải xử lý như thế nào ?


Đang di chuyển trong rừng, bỗng nhiên bạn bị hụt chân và sa vào một cái đầm lầy. Thông thường trong những trường hợp này bạn sẽ ngã sấp về phía trước và tự đứng lên theo bản năng hoặc rơi xuống theo hướng thẳng đứng. Dù là trường hợp nào thì bạn cũng sẽ đứng lên và quay lưng về phía bờ . Lúc này, nếu bạn thực hiện tốt những kỹ thuật sau đây thì khả năng bạn quay lại được bờ là rất cao.


- Bình tĩnh, không được vùng vẫy, không cố gắng rút chân lên. Mọi cố gắng vùng vẫy chỉ khiến bạn tiêu hao sức lực và quan trọng hơn là khiến bạn lún sâu hơn một cách nhanh chóng.


- Cởi bỏ ba lô, quần áo nhưng không được vứt đi, nếu bạn nghĩ nó khá nặng và kéo bạn xuống nhanh hơn thì bạn nhầm rồi đấy, sử dụng chúng như những cái phao, điểm tựa để đẩy bạn lên hết mức có thể. Sình lầy không phải là nước nên cố gắng tăng diện tích tiếp xúc chừng nào hay chừng đó.


- Nhanh chóng ngả người ra đằng sau (ngửa mặt lên trên, đầu hướng về phía bờ ) 2 tay dang rộng để tăng diện tích tiếp xúc. Cái kiểu giơ tay vẫy vẫy như trong phim thực sự là rất ngu ngốc trong trường hợp này. Không hiểu sao hầu hết các tình huống trong phim nhân vật nào rơi xuống đầm lầy cũng giơ tay lên trời vẫy vẫy để rồi cuối cùng chỉ nhìn thấy mỗi cái bàn tay trước khi chìm nghỉm (Hay đây là một loại phản xạ tự nhiên?).


- Từ từ rút từng chân một lên cao hết mức có thể. Khi hai chân đã tự do thì chậm rãi phối hợp tay chân để đẩy người về phía trước. Động tác này cũng không hề khó, tay với lên đầu và quạt sang ngang đẩy mình lên. Nếu với được những gốc cỏ, gốc cây nào mọc trên bùn thì lấy nó làm điểm tựa để vươn mình về phía trước.


- Tay và chân thực hiện kỹ thuật trên còn thân người cố gắng mô phỏng động tác trườn của rắn (thực tế không khó như bạn nghĩ).


- Dù bạn biết mình đang bị lún xuống thậm chí là bùn lầy đã lún qua mặt bạn, bạn vẫn có thể chắc chắn là mình vẫn đang di chuyển. Phải biết rằng khoảng cách từ bờ đến chỗ bạn ngã xuống không quá xa, bạn hoàn toàn có cơ hội để đến đó.


Trên đây chỉ là một vài kĩ thuật ngắn gọn dễ nhớ mà ai cũng có thể làm được. Chỉ cần đã đọc qua bài viết phía trên, lúc lâm phải hiểm cảnh như thế, tôi đảm bảo bạn có thể thực hiện được nó thậm chí là làm tốt hơn. Không quá khó phải không nào?
 
Kỹ thuật cứu người thoát khỏi đầm lầy:


Bạn nghĩ đây là vấn đề đơn giản. Chỉ việc đưa gậy hoặc ném dây kéo nạn nhân ra khỏi đầm lầy là xong. Thực ra đúng là nó khá đơn giản. Nhưng bạn vẫn phải thực hiện đúng những kỹ thuật sau đây nếu không muốn là nạn nhân tiếp theo của đầm lầy :


- Không được liều lĩnh hay mất bình tĩnh lao về hướng đó cứu người ngay. Việc đó sẽ giết chết bạn đấy.


- Cẩn thận thăm dò từng bước chân, cẩn thận dùng gậy dò đường thăm dò phần đất trước mặt. Chỉ khi nào chắc chắn nó là vùng đất cứng có thể đặt chân lên được thì hãy bước lên.


- Tình thế bắt buộc: phần đất trước mặt không phải là đất cứng. Vậy bạn hãy nằm xuống và bò theo đúng động tác bò trườn mà bạn đã được học trong buổi hướng dẫn lăn, lê, bò, trườn mà các giờ học quân sự đã chỉ dạy. Động tác này y hệt như thế kể cả với gậy dò đường. Khi đến gần nạn nhân hết sức có thể thì cố gắng đưa nạn nhân về phía mình và phải chắc chắn là mình đang không bị kéo về phía trước.


5-e6431.PNG
Bear Grylls cũng rất thành thạo kỹ thuật này.


- Nếu có sẵn dây thừng hay các loại dây dợ tương tự thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Buộc nó vào một gốc cây chắc chắn và ném đầu kia cho nạn nhân. Buộc vào ngang lưng của mình rồi đi cứu nạn nhân cũng là một cách.


Kỹ thuật di chuyển trong vùng rừng đầm lầy:


Đầm lầy là một khu vực thực sự tồi tệ. Nếu bạn muốn thăm quan hay du lịch ở đây thì nên bỏ ý định đó đi.Khí hậu vừa ẩm vừa lạnh, quang cảnh tối tăm, “cư dân” ở đây hầu hết là rất nguy hiểm và không thân thiện. Vùng đầm lầy nhiệt đới có khi rộng đến cả nghìn hecta và tính chất cũng chẳng khác là mấy. Ngay ở Việt Nam vùng rừng U Minh thượng - hạ đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều khu vực đầm lầy nguy hiểm. Hệ sinh thái ở nơi này khá phong phú gồm: trăn, rắn, cá sấu ,các loại chim...


Quay trở lại với chủ đề chính. Giả sử bạn phải di chuyển qua hay thậm chí là sinh sống tại nơi “khỉ ho cò gáy” này, bạn cũng không phải quá bối rối đâu. Dưới đây là một số cách thức sinh hoạt tại vùng đầm lầy :


- Cầm theo gậy dò đường, nhẹ, dài và đủ cứng. Ai từng đi rừng rồi cũng sẽ biết tác dụng to lớn của cây gậy này. Vào vùng đầm lầy nó còn có thêm tác dụng là bám víu, với, cản nếu bạn chẳng may sa chân xuống đầm lầy.


- Đi men theo vùng đất có cây to. Nếu là vùng cỏ rậm thì hãy bước lên những bụi cỏ mà đi vừa khô ráo vừa an toàn (nhưng phải đề phòng trăn rắn). Nếu thấy vùng cỏ đó lún xuống hoặc chuyển động ngay lập tức phải dừng lại kiểm tra.


6-e6431.PNG

- Những nơi mặt đất cực kì bằng phẳng có rêu mọc phía trên có thể là đầm lầy. Chẳng cần phải thử, hãy đi vòng qua nó.


- Nhưng cũng vì phải tránh những vùng đầm lầy hay chướng ngại này. Bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề mất phương hướng do phải di chuyển lung tung. Trong vùng đầm lầy tối tăm nếu không thấy mặt trời hay các cột mốc để định hướng. Bạn có thể định hướng bằng hướng gió, bốc một nắm cát hoặc cỏ, thả nó theo chiều gió và xác định góc độ hướng di chuyển của mình với hướng gió. Điều này cần phải làm liên tục.


- Nếu di chuyển theo nhóm. Tốt nhất hãy cột các thành viên lại với nhau bằng một sợi dây. Đây hoàn toàn không phải là một việc thừa thãi.


- Tuyệt đối không di chuyển trong vùng đầm lầy vào ban đêm, lúc mưa to hay có sương mù. Lúc này kiếm một nơi khô ráo để trú ẩn là tốt nhất.


- Tuyệt đối không uống nước trong đầm lầy. Đây là loạt nước ứ đọng rất nhiều năm mang trong nó nhiều mầm bệnh, chất độc … dù có thể trông nó khá sạch. Loại nước duy nhất có thể uống được trong rừng là nước mưa hoặc nước từ các nguồn có dòng chảy mạnh.


- Giữ cho mình được khô ráo vì vùng đầm lầy thường ẩm và lạnh. Nếu bạn bị cảm sốt ở vùng này thì khả năng “bay về nhà không cần vé” là cực cao.


- Nếu phải ở lại vùng đầm lầy hãy tự tạo cho mình một nơi trú ẩn vững chãi. Quan trọng hơn là đánh dấu và tạo cho mình những con đường bằng các tấm ván, thân cây, cành cây...


7-e6431.PNG
Để tồn tại được ở vùng đầm lầy đòi hỏi bạn phải “bá đạo” một chút.


Nói chung vùng rừng nguyên sinh - đầm lầy là những nơi nguy hiểm dù là ngày hay đêm, mùa nắng hay mùa mưa. Nó tiềm ẩn nhiều yếu tố chết chóc vô hình nên nếu có thể thì đừng tìm đến những nơi thế này mà thăm thú. Trường hợp bất đắc dĩ phải đến, bạn có thể tham khảo những kỹ năng tôi đưa ra ở trên.


Chúc bạn sống sót!
 
2. Sa mạc cát - Sa mạc núi đá - Hoang mạc:


Không giống như vùng rừng và đầm lầy. Sa mạc lại đòi hỏi bạn một thứ mang yếu tố “con người” hơn. Đó là sự thích nghi. Bạn kinh nghiệm và sành sỏi, bạn khỏe mạnh cường tráng đến mấy nhưng không tập cho mình được sự thích nghi thì bạn nhanh chóng bị sa mạc bẻ gẫy ý chí sinh tồn ngay lập tức.


8-e6431.PNG


Sa mạc thì vốn đã khá nổi tiếng trên phim ảnh sách báo rồi, những cồn cát dài mênh mông đến vô tận, những cơn bão cát đáng sợ. Những bộ lạc kì bí tồn tại trên sa mạc vài thế kỉ, những kho báu dưới lớp cát ngàn năm. Bỏ qua mấy tư tưởng lãng mạn đó và ta hãy đối mặt với vấn đề thiết thực nhất: Sức nóng khủng khiếp!


Sức nóng trên 40 độ sẽ làm bạn suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần một cách mau chóng. Bạn đã nghe thấy hội chứng “sợ hãi khoảng không” ,“hội chứng ảo ảnh” và “hội chứng mù khoảng cách”? Có rất nhiều thứ nảy sinh khi bạn bỗng nhiên lạc vào sa mạc. Nếu không có ý chí phấn đấu sinh tồn và quan trọng là không tuân theo những phương cách sinh hoạt trong sa mạc dù là nhỏ nhặt nhất. Bạn sẽ chết rất nhanh chóng.


Vậy trước hết tôi sẽ nói về phần chuẩn bị. Bạn sẽ mang gì vào sa mạc, máy bay của bạn rơi, xe của bạn hỏng và bạn sẽ mang theo cái gì. Đừng nói là khuân theo cả một container vật dụng nhé.


Trang phục trong sa mạc:


Quần áo:


Trong sa mạc, trang phục đóng vai trò cực kì quan trọng. Che chắn cơ thể, chống nóng, chống lạnh, chống lại tia mặt trời, côn trùng, điều tiết mồ hôi...


- Trong sa mạc nên mặc áo quần sáng màu ( tránh tia bức xạ nhiệt), ko mặc đồ quá dày mà mặc nhiều quần áo mỏng hoặc quần áo nhiều lớp.


- Quần áo phải che kín toàn bộ cơ thể (từ vùng cổ trở xuống ) tránh cho cát lọt vào trong cơ thể mình. Dùng một chiếc khăn trùm quấn vùng cổ để gió khỏi thổi cát vào cơ thể cũng tốt.


- Ban ngày ở sa mạc rất nóng nhưng ban đêm lại lạnh. Bạn phải biết cách tận dụng tốt y phục của mình.


Giày:


Quan trọng không kém quần áo. Bạn đi chân trần trên vùng cát nóng 50-60 độ thì chỉ cần vài bước chân là bạn sẽ chẳng còn nhận ra chân mình nữa đâu. Giày giúp chân bạn không bị bỏng, không bị côn trùng độc tấn công, tránh khỏi bị thương bởi cát đá …


- Nên dùng giày có cổ cao, ủng cao cổ. Nếu không có thì hãy quấn vải và thắt thật chặt làm thế nào để cát không lọt vào trong giày và quần.


9-e6431.PNG
Trang phục bình thường khi vào sa mạc.


- Dùng vớ (tất) dày để giảm sức nóng từ cát.


- Nếu trường hợp thậm chí bạn còn không giữ nổi cho mình đôi giày. Hãy tự tạo cho mình 1 chiếc từ vỏ chai nhựa, vải bạt, lốp cao su một cách đơn giản nhất có thể.


Kính râm:


Mắt của bạn sẽ mau chóng bị tổn thương bởi tia mặt trời, gió và cát sa mạc, một chiếc kính râm là lựa chọn tốt nhất khi di chuyển ở nơi đây. Trong trường hợp bạn không thể kiếm cho mình một chiếc kính râm bạn có thể tạo cho mình một cái từ bìa hoặc nhựa. Chiếc kính này không có mắt kính nên bạn sẽ đục lỗ hoặc tạo một cái khe hẹp phần mắt. Khuyết điểm của loại “kính” này điểm nhìn sẽ rất hạn chế. Chỉ là lỗ nhỏ hoặc qua khe hẹp,nhưng trong sa mạc thì bạn cũng không cần thiết phải có góc nhìn quá rộng đâu. Bảo vệ đôi mắt mình là điều quan trọng nhất.


Mũ nón: Mũ cối và trùm khăn lên kiểu mấy bác thợ hay mũ trùm của người ả rập đều được. Điều quan trọng ở đây là nó bảo vệ được đầu càng kín càng tốt.


Sát thủ nơi sa mạc: tia nắng, gió và cát.


Trong sa mạc, sức nóng là đáng sợ nhất nhưng cái gì đem sức nóng đến cho bạn. Đó chính là bởi 3 nhân tố chính: Tia nắng, gió và cát.


- Tia nắng gay gắt làm bạn nóng, đây là điều hiển nhiên.


- Cát nóng phản xạ tia mặt trời và sức nóng vào bạn.


- Gió nóng mang cả cát nóng thổi liên tục.


10-e6431.PNG


Vậy điều đầu tiên cần phải làm trong sa mạc là phải phòng tránh được những yếu tố trên. Phòng tránh bằng những vật dụng mà tôi đã liệt kê ở trên đã là tạm đủ. Tuy nhiên bạn cũng nên tìm hiểu thêm về một số vấn đề sau đây. Hiểu biết không bao giờ thừa thãi :


- Tuyệt đối không được nhìn lên mặt trời (đoán giờ, xác định phương hướng) , dù là trực tiếp hay gián tiếp nó cũng sẽ làm bạn tổn thương thị giác nghiêm trọng.


- Phơi nắng ở sa mạc 5 phút sẽ khiến da bạn bị phỏng nắng, cực kì đau rát.


- Gió và cát ở sa mạc cũng có thể làm bỏng da, môi nứt nẻ. Mắt cũng có thể bị viêm giác mạc do bụi cát và nóng.


11-e6431.PNG


- Bão cát sa mạc thì nhiều người đã biết đến độ khủng khiếp của nó. Nhưng bạn có biết gió xoáy mang theo các hạt cát có thể cắt làm xây xát phần da không được bảo vệ. Và để nó lọt vào mắt hay mũi thì rất thảm họa. Chưa kể bão cát có thể vùi lấp bạn một cách nhanh chóng. Đối phó với nó như thế nào tôi sẽ nói thêm ở phần sau.


- Lốc xoáy: hoàn toàn khác với bão cát. Nó được hình thành do các luồng không khí đối lưu chênh lệch nhiệt độ. Đôi khi nó vô hình nhưng có thể lôi bạn lên khỏi mặt đất vài chục mét trước khi quẳng ra xa vài trăm mét khỏi vị trí của nó. Trường hợp gặp lốc xoáy ở sa mạc thì hiếm hơn nhưng không phải không có.


- Cát lún: Khá giống trong phim ảnh mà bạn đã chứng kiến nên tôi không cần miêu tả thêm. Chỉ muốn nói là bạn quá đen khi lâm vào cảnh này vì nó cũng khá hiếm thấy trên sa mạc. Xử lý chúng như thế nào xin xem lại : “Kỹ thuật thoát hiểm khỏi đầm lầy” phía trên.
 
Nước trong sa mạc:


Tôi muốn nói rõ kĩ năng tìm kiếm nước, lửa, thức ăn ở các vùng đất khắc nghiệt vào một bài riêng (nó thực sự dài và khá phức tạp ) nên ở đây tôi sẽ nói sơ qua một số phương thức tìm nước chỉ ở riêng sa mạc.


12-e6431.PNG


Dù là sa mạc thì tất cả mọi sự sống của nó đều tùy thuộc vào nước.Nó là nhu cầu số 1 và đơn giản là bạn phải có trách nhiệm tìm kiếm hay bảo quản nó nếu muốn sống. Có quá nhiều kiến thức ở đây. Một số là từ thổ dân Australia bản địa nhưng nhiều thứ mình thấy phi thực tiễn và chưa được kiểm chứng rõ ràng. Tôi xin phép đưa ra những điều căn bản nhất nhưng không phải ai cũng biết. Đầu tiên là cách sử dụng nước:


- Dù là ở sa mạc nhưng chúng ta cũng phải uống trên 3 lít nước 1 ngày.


- Uống nước phải uống từng ngụm nhỏ, chia ra làm nhiều lần (cái này chắc nhiều người biết tác dụng của nó rồi)


- Bảo quản trong bình, can riêng biệt nơi thoáng mát. Tránh nhầm lẫn các loại chất lỏng.


- Mang đủ nước cho các đoạn lộ trình từ điểm này sang điểm khác.


- Có dấu hiệu hết nước dự trữ thì phải đi tìm ngay. Kiếm được nước không phải là quá trình một sớm một chiều.


Tìm nước trong sa mạc:


Bạn hết sạch nước dự trữ và phải lang thang trong sa mạc khô cằn để tìm nước. Đây là một quá trình gian khổ nhưng thực sự thì cũng khá thú vị. Trong sa mạc tồn tại những ốc đảo, giếng nước hay thậm chí là sông suối. Nếu bạn bắt gặp chúng còn đang đầy tràn nước thì quả thật bạn đã trúng xổ số. Chẳng còn gì để nói thêm. Ngoài ra bạn có thể tìm thấy nước thậm chí là tạo ra nước bằng một số phương pháp sau:


- Một số cây cỏ báo hiệu có sự xuất hiện của nước trong vùng nó mọc. Cây cỏ mặn, cây chà là, cây bông và cây liễu đều cho ta thấy là quanh nó (dưới độ sâu từ 2-3 mét) có nguồn nước.


13-e6431.PNG
Cây chà là báo hiệu khu vực có nước.


- Những lòng sông, rạch tuy đã cạn khô nhưng khả năng có nước phía dưới rất lớn. Hãy bỏ công đào xuống khoảng 1-2 mét, có lẽ bạn sẽ không phải thất vọng.


- Khu vực có nhiều dấu chân thú. Đi theo những dấu chân đó, sẽ có nước.


- Bạn gặp 1 con rùa trong sa mạc. Chắc chắn 100% cách đó không xa có nước, rất nhiều là đằng khác.


- Xương rồng sống không phụ thuộc vào nước, đừng cố công đào bới xung quanh nó nhưng bản thân cây xương rồng lại rất mọng nước. Phần lõi của cây xương rồng hoàn toàn ăn được và mùi vị của nó không đến mức quá khó ăn.


14-e6431.PNG
Đi theo dấu chân thú hoang cũng dễ tìm được đến khu vực có nước.


- Tự tạo ra nước bằng phương pháp chưng cất. Đây là phương án cuối cùng, không đến mức khó khăn nhưng cũng có thể tạo cho mình 1 nguồn cung cấp nước nho nhỏ từ bùn đất, thân cây cỏ, lá xanh…Như đã nói ở phía trên, bạn đọc nào quan tâm tôi xin phép đưa ra bài viết chi tiết hơn vào những kì sau.


Di chuyển và sinh hoạt trên sa mạc:


Để sinh tồn trong sa mạc, bạn cần phải nắm vững những thứ gọi là “chìa khóa của sự sống”. Nó khá đơn giản, bao gồm cả những thứ bạn đã biết và chưa biết:


-Nước, vẫn là nước. Đó là một trong những chìa khóa quan trọng nhất của sự sống. Hãy vứt lại hòm vàng bạn vừa tìm thấy trong kho báu của Xin-bát và mang theo nhiều nước nhất có thể.


-Chỉ di chuyển vào lúc sáng sớm và chiều tối. Đừng làm tương tự như trong phim, các nhân vật luôn di chuyển vô tội vạ vào cả những lúc nắng nóng nhất. Lúc đó hãy tìm lấy một chỗ để trú ẩn giữ sức cho cuộc hành trình vào buổi tối. Bạn sẽ tốn ít năng lượng và nước hơn nhiều.


- Cố gắng tìm thấy một “con đường mòn sa mạc” nơi có người hay đi qua. Những nơi này thường có dấu vết con người hay đi qua như rác, vết chân gia súc, vết bánh xe. Đây là cách dễ dàng nhất để cứu lấy bản thân bạn.


- Sử dụng con đường đi nào ít tốn sức nhất (không cần nhanh nhất) không nên trèo qua các gò cát, đụn cát cao nếu ko muốn bị chôn vùi.


- Chú ý những hố cát, vùng cát trôi và cát lún.


- Cố gắng tìm được nơi có thể cung cấp nước


- Chú ý trên sa mạc có rất nhiều hồ tạm chứa nhiều nước muối, nước muối cũng là nước (nếu biết cách tận dụng).


- Thiếu thực phẩm thì phải săn bắn. Thực sự thì hệ sinh thái động thực vật ở sa mạc cũng khá là phong phú. Nên săn bắn vào buổi đêm vì lúc đó vừa ít tốn sức mà cũng vì đêm chúng mới xuất hiện.


15-e6431.PNG
Chiều tối là thời điểm tốt nhất để bắt đầu chuyến du hành qua sa mạc.


- Nhận thấy có dấu hiệu của một cơn bão cát, ngay lập tức dừng mọi công việc đang làm lại và tìm kiếm chỗ trú ẩn. Có thể là sau đụn cát hoặc tảng đá. Tự bảo vệ lấy mình vì trong trường hợp này muốn chiếu cố đến người khác cũng là một điều rất khó khăn. Nếu đông người thì hãy buộc mọi người lại với nhau bằng một sợi dây.


- Tuyệt đối không di chuyển trong bão cát. Sau bão cát thì địa hình xung quanh bạn gần như thay đổi hoàn toàn. Bạn sẽ hoang mang do mất phương hướng. Có một cái mẹo ở đây là xếp những tảng đá nhỏ dọc theo hướng mà bạn muốn xác định. Sau bão cát bạn vẫn có thể xác định lại phương hướng đang di chuyển.


- Trong không gian mênh mông của sa mạc. Mọi sự ước lượng về khoảng cách đều là sai lầm. Không ngạc nhiên khi bạn thấy 1 cái cây mà đi mãi không gặp nó.


Động vật trong sa mạc:


Tuy hiếm hoi nhưng cũng không phải là ít. Chúng đã tự thích nghi với môi trường sa mạc nên chúng khá tinh quái và cẩn trọng.Chúng thường hoạt động về đêm để tránh cái nóng gay gắt ban ngày. Các loài động vật trong sa mạc chủ yếu là :


- Các loài thú : Báo núi, dê núi, cáo sa mạc, sóc đất, chuột túi (?),dơi...


16-e6431.PNG
Cáo sa mạc - loài vật rất nhanh nhẹn và cẩn thận trên vùng đất khô cằn này.


- Các loài côn trùng: Nhện, rết, đa túc (có họ hàng với rết), bọ cạp. Một đặc điểm “thú vị” của loài này là hay chui vào giày dép, chăn chiếu của ta. Bị chúng đốt cũng không phải là chuyện đơn giản đâu. Cho nên ta cần phải kiểm tra kĩ chăn màn đặc biệt là giày. Các loại rết hay bọ cạp rất thích coi chiếc giày của con người là tổ của mình, đây là điều rất thường hay gặp ở sa mạc. Xỏ chân vào giày thì phải chú ý nếu không muốn nằm lại sa mạc vài ngày do chân bị sưng vù.


- Các loài chim: Sẻ sa mạc, kền kền, chim tước xương rồng, gà lôi sa mạc…


- Các loài bò sát: Rùa sa mạc, các loại thằn lằn, các loại rắn . Các loại bò sát ở sa mạc chiếm thành phần đông đảo và hầu như là có thể ăn được (kể cả những loài có độc).


Chúng đều là thức ăn cả đấy nhưng bạn có đủ trình độ để biến nó thành đồ ăn của mình hay không thì lại là chuyện khác. Tôi không có tham vọng tóm tắt tất cả nghệ thuật săn bắn trong tài liệu viết tay của Ben vào một bài viết, tôi cũng không hi vọng đào tạo được các bạn thành những thợ săn chuyên nghiệp. Nhưng biết đâu có lúc bạn lại thấy những thứ kiến thức thiếu thực tế mà tôi đề cập ra ở đây lại là rất cần thiết và nó sẽ cứu sống bạn. Nếu thực sự quan tâm bạn có thể đón đọc chuyên mục “Thực phẩm - Săn bắn - Đánh bắt” tôi sẽ viết sau đây ít lâu.


17-e6431.PNG


Ở đây tôi xin nói sơ qua cách thức săn bắn ở sa mạc nói riêng. Nghệ thuật săn bắn vào ban đêm cũng như ban ngày gồm có 4 bước chính:


- Phán đoán.
- Phát hiện.
- Tiếp cận.
- Hạ gục.


Ngoài ra chế tạo dụng cụ săn bắn thô sơ, dùng các loại bẫy hay sử dụng chất độc trong săn bắn cũng là điều mà các bộ lạc thổ dân trên sa mạc hay dùng. Tôi xin phép được đề cập đến vấn đề này rõ hơn trong chuyên mục “Thực phẩm - Săn bắn - Đánh bắt” của những kì sau.


Tổng kết:


Bạn thấy không, ở những nơi khác nhau, vùng miền khác nhau việc sinh hoạt hay thậm chí là những tiểu tiết đơn giản như ăn uống, nghỉ ngơi cũng hoàn toàn khác nhau. Đó đều là những bài toán nan giải mà bạn phải nhanh chóng tìm ra đáp án đến muốn tồn tại. Chúng ta may mắn là có một cuộc sống khá thanh bình nên đã vô tình quên đi những kiến thức nguyên thủy quý báu.


Giới trẻ ngày nay cũng thế: 3 tuổi đã biết chơi ipad, 4 tuổi đã học ngoại ngữ và không hề biết đến những sinh hoạt ngoại khóa, những trò chơi dân gian. Đứa cháu 6 tuổi của mình thậm chí không thể tượng được trò chơi chuyền ngày xưa nó như thế nào. Và chúng thực sự quá mong manh khi phải rời xa môi trường sống quen thuộc hàng ngày. Chúng sẽ ra sao khi đối mặt với những biến cố bất ngờ?


Dòng chảy của thời gian vẫn cứ tiếp tục trôi. Chúng ta đang được dẫn đến một tương lai hiện đại và cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều. Có thể những kiến thức bên trên bạn sẽ không có cơ hội nào để sử dụng nhưng tôi khẳng định một điều là nó sẽ làm bạn lanh lợi và tháo vát hơn trong cả cuộc sống hiện đại. Đây chính là mối liên hệ mà trung tâm nghiên cứu và thực hành sinh tồn (CEPS) đặt tại Pornichet, Pháp đã nghiên cứu và khẳng định.


Kỳ sau tôi xin bàn về phương thức sinh tồn khi trôi dạt trên biển và lạc vào những vùng đất băng giá không sự sống. Trôi dạt trên biển thực tế với phim ảnh khác nhau như thế nào? Một giấc ngủ không đúng cách nơi băng giá sẽ là một giấc ngủ ngàn thu. Bạn biết gì về điều này?

Tất cả những thắc mắc trên sẽ tiếp tục được GenK giải đáp trong phần tiếp theo của loạt bài viết về chuyên đề kỹ năng sinh tồn vào thứ 7 tới đây, các bạn chú ý theo dõi.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 3: Đương đầu với biển cả

Ở kỳ trước các bạn đã được tìm hiểu những kinh nghiệm khi phải đi trong đầm lầy và sa mạc, cả 2 đều có thể dẫn tới những cái chết khó ngờ tới. Còn ở kỳ này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách để sống sót khi bị mắc kẹt giữa biển cả mênh mông.


Trôi dạt trên đại dương


Cha tôi vốn là một hải quân, ông đã trốn nhà đi bộ đội từ năm 17 tuổi. Hồi còn chiến tranh ông đã đi khắp nơi, Lào,Campuchia, Thái Lan, Băng La Đét, đến tận Srilanka, tàu của ông cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Chiến tranh tạm kết thúc ông còn tiếp tục tham gia những trận đánh chống nạn diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia gần 3 năm.


12-3e476.jpg


Tôi có đề cập đến ông bởi kinh nghiệm đi biển của ông cực kì phong phú, cũng đôi ba lần đắm tàu. Những kiến thức thực tế về đại dương ở dưới đây chủ yếu là lấy từ ông và Ben người anh rể mà tôi có nhắc đến nhiều ở phần trước. Đôi lúc 2 bên có những bất đồng và tôi sẽ để nó là đề tài cho các bạn bàn luận.


Ngày nay thì tàu biển là một phương tiện di chuyển khá an toàn. Gió bão hay sóng to, thậm chí đụng phải đá ngầm, băng trôi cũng không phải là vấn đề to tát lắm. Tuy nhiên hiểm họa trên biển cũng không ít hơn trên đất liền là bao: gió bão, hỏng hóc, đi phải vùng chiến sự, trúng thủy lôi, cướp biển … Những thứ trên một khi đã xảy ra thì rất nguy hiểm, nguy cơ đắm tàu là cực kì cao.


Khoan hãy nói đến việc lênh đênh trên biển. Hãy tự cứu lấy mình khi tàu bị đắm đã. Và bạn sẽ làm thế nào?


1.Đắm tàu

image05-46d5e.jpg


Tàu titanic đang dần chìm xuống đáy đại dương lạnh ngắt, vì đây là một con tàu siêu lớn nên thời gian chìm rất chậm. Thuyền trưởng là một người đàn ông ga lăng, ông ra lệnh bắn tất cả những kẻ nào là nam giới mà không nhường xuồng cứu hộ cho phụ nữ và trẻ em. Đại sảnh của thuyền thì đang khá ấm áp và sáng sủa, Jack đành phải vào đó ngồi chờ và để mặc số phận của mình cho may rủi quyết định. Bạn hãy yên tâm rằng có thể Jack vừa có một quyết định đúng đắn. Ben nói với tôi phim Titanic ẩn chứa rất nhiều điều phi lý không đúng với thực tế. Đầu tiên là trong phim có nói đến những con thuyền cứu hộ bằng gỗ mỏng manh đó chứa 40-50 người ( quá rất nhiều so với quy định) , chở quá quy định thì không sao nhưng vấn đề ở đây chính là hành khách đã đứng sẵn trong khoang thuyền và thuyền được thả từ trên cao xuống. Ben nói chẳng cần phải tính toán trọng lượng số người ở đó. Đảm bảo nếu không phải ở phim trường thì những con xuồng cứu hộ bằng gỗ đó sẽ gẫy làm đôi cùng lượng người đó ngay khi vừa được thả xuống mặt biển. Thực tế thì Jack có thể đã chết sớm hơn nếu ở trong cùng một con thuyền với Rose. Trong phim thì mình thấy họ thả xuống biển ùm ùm như thế còn không rõ thực tế nó diễn ra như thế nào.
image15-1407a.jpg


Ở đây ta rút ra được một bài học khi sử dụng xuồng cứu hộ: Thả xuồng xuống từ từ, bỏ vào đó một ít đồ đạc, trang thiết bị cho đằm. Khi thuyền đã chạm mặt nước thì từng người một mới xuống. Nếu xuống một lúc nhiều người quá rất dễ cái kiểu người nọ làm mất thăng bằng người kia, bấu víu vào nhau dẫn đến thuyền bị lật ngang.
- Nếu sử dụng thuyền cao su thì an toàn hơn nhưng phải chú ý ném xuống nước thì phải có dây chằng hay cố định lại với mình. Đừng có cái kiểu lẳng xuống là lẳng đi luôn vì thuyền cao su rất nhẹ, vài con sóng là có thể đem nó ra xa mãi mãi :)
- Không được chen lấn xô đẩy dẫn đến lật xuồng. Xuồng cao su thì không sao chứ thuyền gỗ như trong titanic thì việc chen lấn xô đẩy dễ dồn người sang một trong 2 mạn thuyền. Thuyền có hình dáng như thế này rất dễ bị lật úp từ 2 bên nếu bị mất cân bằng.
- Bắt chước hành khách trong Titanic, bơi xuồng ra xa nơi tàu đắm ngay lập tức để tránh bị hút xuống xoáy nước do tàu lớn chìm tạo ra. Sau đó hãy quanh quẩn ở khu vực bị đắm ( Trường hợp bạn đi trên tàu khách lớn thì chắc chắn sẽ có tàu cứu hộ đến cứu )
- Nếu có nhiều xuồng cứu hộ thì liên kết lại với nhau bằng dây, máy bay cứu hộ vừa dễ nhận ra lại vừa chắc chắn hơn khi phải đối đầu với những con sóng lớn. Nếu thấy bóng dáng của máy bay hay tàu khác thì cầu cứu bằng gương hay khói, pháo sáng, áo quần hay bất cứ thứ gì có màu sắc nổi bật ( Xem thêm ở những kì sau : Cầu cứu – Cấp cứu )
- Cố gắng mang theo đủ thức ăn nước uống cho vài ngày. Nếu có thể thì hãy mang theo : Dây chắc ( cực kì cần thiết) , đèn pin, gương, pháo sáng ( để báo hiệu) , dao và cuối cùng là mái chèo. Mấy thứ này cũng không nhiều nhặn gì và chúng khá là dễ kiếm .
- Tránh xa những vết dầu loang từ tàu, dù là ở trên biển thì những đám cháy từ dầu loang vẫn lan rất nhanh.
- Điều cuối cùng là đoàn kết, an ủi động viên, giúp đỡ lẫn nhau cùng qua cơn hoạn nạn.
image04-46d5e.jpg
Đưa xuồng cứu hộ ra xa và ổn định vị trí tránh bị lật úp khi có sóng to.


Quay trở lại chàng trai Jack của chúng ta đang ở trên boong tàu Titanic. Không có bất kì chỗ nào cho anh trong các con xuồng cứu hộ, tàu đang nghiêng đi với một góc độ kinh khủng và sắp chìm xuống làn nước lạnh như băng. Tôi hỏi nếu Ben là Jack thì anh sẽ làm gì. Anh ấy trả lời :
- Tàu bắt đầu nghiêng, rung lắc, đổ vỡ mạnh. Cẩn thận từng bước chân để không làm mình bị thương.
- Sau đó là tìm cách phát tín hiệu cầu cứu bằng bất kì phương tiện gì. Điện thoại di động, máy phát tín hiệu vô tuyến ( mã morse SOS) hầu như trên thuyền nào cũng có cái này, nó rất đa tác dụng.
- Sử dụng tất cả các máy bơm nước để bơm nước ra ngoài. Nhiều con tàu tuy bị nước tràn vào nhưng khoảng thủng nhỏ , lượng nước bơm ra cũng tương đương lượng nước tràn vào nên vẫn có thể chạy tốt rất nhiều hải lý cho đến khi máy bơm ngừng hoạt động.
- Cố gắng xác định một hải đảo, đất liền gần nhất và chạy đến hướng đó gần nhất có thể ( cái này thì tùy thuộc vào kinh nghiệm, tôi xin nêu ra vài cách tìm hướng của hải đảo, đất liền mà không thể nhìn thấy được bằng mắt thường ở ngay sau đây. Cách mà cả bố tôi lẫn Ben đều cho là đúng )


12-67796.jpg


- Những thuyền lớn thì thời gian chìm xuống sau tai nạn là khá chậm. Có thể là cả giờ đồng hồ.Trong thời gian đó hãy chuẩn bị cho mình tất cả những gì có thể trước khi rơi xuống dòng nước lạnh giá đó. Ít nhất cũng phải kiếm được cho mình một cái áo phao, phao bơi, ván gỗ,thùng, can nhựa (không chứa nước), túi lilon (kiểu gì chẳng kiếm được vài cái). Có thể thổi phồng nhiều túi lilon nhỏ buộc lại với nhau thành 1 phao nổi khá tốt. Khuyết điểm của loại này là sức bền không cao, nhảy từ trên cao xuống thì phải bảo vệ nó cẩn thận đừng để nó xịt, nổ.


- Đến đây thì Ben nói là sẽ quyết định xuống nước nếu không muốn xuống luôn lòng đại dương cùng với con tàu.
 
2. Xuống nước

image16-46d5e.jpg

- Vẫn là Titanic, nước thì lạnh như băng ở 0 độ C, đông cứng ý chí sinh tồn của bất kì nạn nhân xấu số nào rơi xuống đó. Điều cần làm trước khi nhảy xuống nước là hãy mặc thật nhiều quần áo nhất có thể. Dù sao thì nó cũng tránh được cho ta sự mất nhiệt đáng kể đấy. Giày, tất, mũ và quan trọng là phải có phao cứu sinh. Mặc nhiều đồ như thế khiến ta chuyển động khó khăn nhưng đã có phao bơi nên ta cũng không mất quá nhiều sức để nổi. Còn nếu không kiếm được phao bơi hay miếng ván nào trợ sức thì thôi tôi không muốn nói đến kết quả nữa
.
- Phao cứu sinh có nhiều loại. Có loại phải thổi bằng hơi, có loại sử dụng khí nén ( giật dây 1 cái là tự phồng lên ấy ) ,có loại làm bằng vật liệu nổi. Nói chung là nó đều không khó sử dụng. Bạn chẳng cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng ở mặt sau đâu. :)

- Nhảy xuống nước theo phương thẳng đứng, bịt mũi cũng được nhưng phải ôm phao thật chắc trước ngực, rơi xuống nước thì đè lên phao. Cái kiểu nhảy chúc đầu xuống nước là của vận động viên, khá hay nhưng không dành cho bạn.

jack-d07e4.jpg


- Chọn hướng gió để nhảy : Hãy chú ý vì việc này cực kì nguy hiểm.Ben kể cho tôi nghe một trường hơp : có 1 người nhảy từ tàu xuống biển trong khi tàu đang thả neo. Để làm gì thì không biết nhưng đây là một thủy thủ khá kinh nghiệm. Lần đó anh ấy đã mắc phải cái lỗi sơ đẳng là nhảy xuống biển ngược chiều gió. Cơn gió mạnh hôm đó đã thổi anh ngược về phía tàu, đập vào mạn tàu và rơi xuống ngay phía trước chân vịt. Sau cùng là anh ấy bị cái chân vịt cuốn vào và bị nó xé ra làm đôi. Hãy chú ý rằng những chiếc tàu lớn sau khi vừa thả neo thì chân vịt vẫn quay chầm chậm. Với những cái chân vịt khổng lồ sắc và cực mạnh,thân thể của bạn không là gì với nó cả. Cá mập, cá voi vẫn thường xuyên bị mất 1 mảng lớn thân thể khi bị nó phạt qua.

- Cũng như trên, chọn xuôi chiều gió để nhảy trong trường hợp gió mạnh (gió biển thì không có chuyện nhẹ đâu) nếu bạn bị gió thổi vào sát mạn tàu quá bạn sẽ bị hút xuống ngay lập tức theo xoáy nước của tàu đang chìm tạo ra mặc cho việc bạn đang mặc áo phao hay không, chuyện này dễ tưởng tượng thôi.

- Bơi ra xa nhưng phải quanh quẩn khu vực tàu chìm để tiện cứu hộ, cố gắng tìm kiếm xung quanh thứ gì có thể tận dụng được (lương thực, nước uống. phao … ) có thể là một tấm ván đủ to để bạn nằm lên giống trong titanic thì rất tốt.

- Nếu quanh đó có xuồng cứu hộ thì bơi lại gần để dc hỗ trợ. Dù không được lên thì ta cũng có thể bám nhẹ vào đó và tiết kiệm được rất nhiều năng lượng để di chuyển.

- Tránh xa khu vực dầu tràn trên mặt biển (nếu có ). Rất dễ xảy ra hỏa hoạn, chết cháy cũng chẳng dễ chịu gì.

- Điều quan trọng nữa là phải biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau ( tôi thấy trong sổ tay của Ben hình như mục nào cũng có cái dòng này :) )
Sau khi đã xuống nước, dù có trong phim Titanic hay không thì nước biển cũng rất lạnh. Hiện tượng mất nhiệt sẽ ngay lập tức xảy ra. Mùa hè nước biển ấm áp nhất thì cũng tầm 20 độ C. Ngâm loại nước này liên tục trong 8 giờ bạn sẽ bất tỉnh và mất dần tri giác. Nếu nước giảm đi 5 độ bạn sẽ mất đi tiếp 1/2 khoảng thời gian đó. Tức là còn 4 giờ, tương tự với các mốc còn lại. Việc mặc nhiều quần áo, giày, mũ nón sẽ làm tăng những con số tử thần này lên. Nếu có phao bơi thì ôm thật chặt lấy và cuộn tròn thân thể lại hết mức có thể để giảm thiểu phần thân thể tiếp xúc với nước. Nếu là một nhóm người thì có thể ôm chặt lấy nhau, cách này giữ nhiệt rất tốt và rất hay được làm.
Trên đây là những kiến thức quan trọng mình đã tính toán, tổng hợp chi tiết hết mức tất cả những trường hợp có thể xảy ra. Mình nghĩ không còn sơ hở nào có thể khai thác được nữa ,có thể các bạn sẽ may mắn hơn khi không phải áp dụng tất cả những điều ở trên. Tuy nhiên trường hợp xấu nhất xảy ra khi bạn đã đợi rất lâu mà không có ai đến cứu hoặc không có ai biết mà đến cứu thì những kiến thức và kinh nghiệm ở trên sẽ là cứu cánh cho bạn khiến bạn tự tin hơn mà thực hiện bước tiếp theo, một nước đi liều lĩnh đầy chông gai : tự bơi vào bờ.


“ Người đàn ông chân chính là người không chịu từ bỏ cho đến giây phút cuối cùng.” - Ben Mackie
 
3. Bơi vào bờ


Thật lòng mà nói, biển cả mênh mông không phải là cái hồ gần nhà bạn. Bơi vào bờ thì cũng chỉ là một ý tưởng ngớ ngẩn. Nhưng bạn không còn lựa chọn nào khác. Thực chất bạn cũng nên xác định tư tưởng rằng tình thế đã bi đát lắm rồi khi bạn không có nổi 1 cái bè, không lương thực, không nước ngọt, bị mất nhiệt, mất nước, kiệt sức dần trong làn nước lạnh giá và quan trọng nhất : không ai cứu bạn cả … chết trong chưa đầy 1 ngày là điều sẽ xảy ra với bất kì ai. Còn nhắc đến lũ sinh vật biển ăn thịt như cá mập thì xa vời quá.
Nếu ai ngại mệt thì có thể buông tay để có một cái chết đỡ nhọc nhằn. Jack cuối cùng cũng thì đã chết.
Còn ai là mẫu “ người đàn ông chân chính” của Ben thì có thể đọc tiếp những dòng dưới đây :)

- Hải lưu – sông trên biển ( các bạn có thể tra google để biết thêm đặc tính của nó ): nó có rất nhiều trên biển nhưng với sự rộng lớn của đại dương thì gặp được nó cũng là điều rất khó khăn. Nếu thực sự bạn may mắn gặp được nó hãy lập tức nương theo dòng chảy của nó. Cũng dễ đến được hải đảo hay đất liền. Bất kì dòng hải lưu nào cũng đi qua 1 hoặc nhiều lần những nơi như thế. Tuy đây là phương án của số phận nhưng cũng là một trong những chiếc chìa khóa cho sự sống của bạn. Nương theo dòng hải lưu cũng ít tốn sức hơn rất nhiều. Một số dòng hải lưu có nhiệt độ khá cao.


robot-emily-78659.jpg


- Sự giao nhau của các dòng hải lưu khiến cho màu sắc biển thay đổi: Có thể dễ dàng nhận ra dòng hải lưu hơn bằng cách quan sát màu nước biển. Thực sự thì ở trên biển nhận ra được dòng hải lưu bằng mắt thường cũng khá khó khăn ngay cả khi bạn ở trên tàu.


- Tận dụng hướng gió để bơi: Không hi vọng nó thổi mình vào đất liền nhưng tiết kiệm được năng lượng. Chú ý là hải lưu thì thôi gió mà gió thì thôi hải lưu. Điều này chắc cũng chẳng cần phải nhắc vì bạn sẽ sớm nhận ra chúng vốn không đồng hành với nhau.


- Nhìn mây tìm đất liền: Tỉnh táo nhìn tất cả những đám mây xung quanh bạn. Chú ý tất cả những gì có thể nhìn thấy. Các đám mây thường bị gió thổi trôi đi với tốc độ giống nhau rất dễ nhận ra. Nhưng bỗng nhiên bạn nhìn thấy một đám mây đứng yên ở 1 vị trí trong khi những đám mây khác đang chuyển động thì hãy nhằm hướng đó bơi tới. Đó chính là hải đảo.


Điều này được giải thích như sau : gió mang hơi nước và mây thổi liên tục trên biển. Khi gặp hải đảo là phần nhô cao hơn mặt nước biển, thậm chí là cao hơn nữa nếu hải đảo có núi non (rất thường gặp ) thì dòng hơi nước ẩm này bị cản lại và bốc lên trên cao. Lên cao chúng gặp khí lạnh và ngưng tụ lại thành mây, gió ẩm liên tục thổi đến và bị cản lại. Lại liên tục cung cấp hơi nước lên trên, tiếp tục gặp lạnh và ngưng tụ lại khiến cho đám mây phía trên hải đảo ngày một dày đặc hơn. Chúng sẽ đứng yên và tồn tại như thế hàng năm trời nếu gió vẫn thổi và cung cấp hơi nước liên tục. Những đám mây trên đảo này thường cao hơn các đám mây khác nhưng đây là điều không có giá trị lợi dụng khi ta nhìn từ dưới lên.


- Tìm đất liền bằng chim biển: Ben có nuôi một con nhạn trắng châu Úc. Bạn nào đã đến Úc rồi thì chắc cũng biết giống nhạn này rất thân thiện và không sợ người, nó sẵn sàng đậu trên tay người mà ăn thức ăn trên đó. Điều quan trọng là nó có thể xác định được hướng của đất liền khi ở trên biển. Trên tàu của bạn có 1 con nhạn, khi mất phương hướng, bạn thả chim ra và để nó bay đi. Nếu thấy đất liền nó sẽ bay thẳng về phía đó, nếu không thấy nó sẽ bay đi một lúc và buộc lòng bay trở lại tàu. Con nhạn của Ben thì vô dụng rồi bởi nó dạn người quá, thả ra là nó bay về luôn và Ben cũng chưa cần phải định hướng bởi cái cách nguyên thủy như thế bao giờ.


Điều tôi muốn nói ở đây là hầu hết tất cả các loài chim trên biển đều có thể xác định chính xác hướng của đất liền. Chim báo bão (Albatross) có thể gặp ở cách xa đất liền tới 160km, các loại chim khác như hải âu, nhạn trắng từ 60 - 100km, chim cốc biển trong khoảng 40km và bồ câu biển từ 10km đổ lại, lúc này thì đã có thể nhìn thấy bờ bằng mắt thường.


image17-46d5e.jpg


Nếu bạn đang trôi dạt trên biển mà gặp một chú chim biển thì hướng bay của nó là hướng đất liền. Chỉ là không xác định được nó đang “bay ra” hay “bay vào” thôi. Nếu trời gần tối thì hướng mà nó bay tới chính là đất liền.


- Bạn may mắn gặp được những dấu hiệu của đất liền, hãy sử dụng tất cả sức lực còn lại của mình để di chuyển đến đó. Chú ý một điều là bơi trên biển không dễ như bơi ở sông hồ, vài con sóng có thể làm mọi nỗ lực tiến tới của bạn thành công cốc.


- Bơi sau lưng và bám sát những ngọn sóng, đây là cách bơi đỡ tốn sức nhất.


- Nếu sóng từ ngoài đánh về phía bạn dù ở đằng trước hay đằng sau. Hãy lặn một hơi tạm thời chìm xuống để nó đi qua rồi mới trồi lên bơi tiếp, bạn sẽ không bị nó tác động.


- Cá mập tấn công: Nếu bạn bị thương và chảy máu thì rất dễ kéo loài cá sát thủ này đến. Chúng ngửi thấy mùi máu và ngay lập tức bị kích động. Đấy là lý do mà tôi khuyên các bạn giữ cho mình lành lặn khi tàu đang hỗn loạn. Tuy nhiên Ben nói với tôi loài cá này cũng có những điểm nhạy cảm mà khi ta tấn công vào đó khiến chúng sợ hãi và bỏ chạy. Đó chính là hai mắt, hai bên mang và hai lỗ mũi. Tấn công vào đó bằng ngón tay, bàn tay của bạn (không nên dùng dao hay các đồ vật sắc nhọn làm nó chảy máu, điều đó chỉ làm nó hăng tiết hơn thôi). Hi vọng là nó thấy bạn là đối thủ đáng gờm và bỏ đi.
Bình thường thì chúng rất hiền và không hề tấn công con người nếu không quá đói hoặc nhầm tưởng con người với một chú hải cẩu. Hàng năm số người chết bởi sét đánh còn nhiều hơn là bởi cá mập tấn công.

image00-46d5e.jpg


Bạn thấy không, hoàn toàn có những cơ sở hết sức vững chãi cho việc tin tưởng: bạn có thể bơi được vào bờ khi bỗng nhiên phải đầm mình trong làn nước đại dương lạnh giá. Khả năng quan sát, óc tưởng tượng và những kinh nghiệm quý báu sẽ là vũ khí lợi hại của bạn trong công cuộc đấu tranh giành lại sự sống này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,100
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top