What's new

[Tổng hợp] ROME - Thành đô vĩnh hằng

"Thành đô vĩnh hằng" (Eternal City) là tên mà người ta dành riêng gọi thành Rome. Cũng không có gì là quá, khi thành phố hùng vĩ này đã là Kinh đô của La Mã trong suốt 500 năm Cộng hòa, 400 năm Đế quốc, và là Kinh đô của Giáo hội lớn nhất trên thế giới cho đến tận ngày nay.

Đã từng đến thăm Rome, cũng chỉ trong ba ngày, quá ngắn cho một thành phố nổi tiếng đến thế, nhưng cũng muốn viết chút gì cho Rome, dù biết rằng viết về Rome thì cả chục cuốn sách cũng không đủ, và tìm trên mạng về Rome thì cũng vô thiên lủng.
 
Last edited:


Rome nằm ở Trung Italia, cạnh biển, nên có khí hậu ấm áp của biển cả, khí hậu rất tuyệt vời.
 
Rome, tên đúng tiếng Latin gốc là Roma. Thực tế hiện nay ở Italia người ta dùng Roma để chỉ thành phố cổ (nội thành), Rome để chỉ cả khu vực rộng lớn hơn bao quanh thành cổ.

Lịch sử Roma cũng là lịch sử của Roman (La Mã), của nền văn minh bao quanh Địa Trung Hải.

Truyền thuyết về Roma là một câu truyện cổ tích đậm màu sắc Hy Lạp, và người La Mã yêu truyền thuyết đó đến độ nó xuất hiện ở khắp nơi, không chỉ ở Roma mà còn khắp nước Italia.


Truyền thuyết Thành Roma


Truyền thuyết kế tục Thần thoại Hy Lạp về thành Troy huyền thoại, đô thành vĩ đại nhất châu Á. Khi quân Hy Lạp tấn công và tiêu diệt Troy, một vị vương tử là Aeneas, con một người em của vua Priam và Nữ thần Aphrodite đã mang cha già, vợ con, và đặc biệt là những bức tượng thờ thiêng liêng của tổ tiên dân tộc mình chạy sang vùng bán đảo Italia. Tại đây ông tạo dựng vương quốc của mình, đóng đô tại Alba Longa, kế thừa các đô thành Troy huy hoàng trong quá khứ.

Aeneas truyền được 13 đời, đến vua Numitor. Em trai của Numitor là Amulius đã cướp ngôi của anh, giam cầm anh mình. Được một lời tiên đoán rằng đứa con do con gái Numitor sinh ra có thể lật đổ mình, kẻ cướp ngôi buộc người con gái của Numitor, tên là Rhea Silvia trở thành thánh nữ hiến tế, giam cầm để giữ trinh tiết trong đền thờ.

Nhưng nàng công chúa Rhea Silvia đã được thần Ares (thần chiến tranh, tên Latin là Mars) yêu thương trong đền, nên sinh đôi hai đứa con trai. Chúng liền bị bỏ trong một cái giỏ để ra ngoài đồng trống cho chết. Nhưng nước sông Tiber dâng lên, cuốn cái giỏ ấy đến một bờ bụi. Và tại đó, một con sói cái đã cho hai anh em bú sữa lớn lên.

Đến ngày nọ một người chăn cừu phát hiện hai đứa trẻ trong ổ sói, đã đem về và đặt tên là Romulus và Remus, nuôi chúng trưởng thành, thành những chàng trai phi thường. Trong cuộc đấu thể thao tại kinh thành, Amulius nhận thấy đây không thể là con của một người chăn cừu, và hỏi cặn kẽ. Hai anh em sau khi biết được thân phận mình đã giết Amulius, giải phóng cho mẹ và lấy lại ngôi cho ông ngoại Numitor.
...
 
Last edited:
Thấy vùng Alba Longa của ông ngoại quá chật hẹp, hai anh em đã tìm đến nơi họ được con sói cái nuôi dưỡng, xây dựng lên thành phố của riêng, cùng nhau cai trị. Romulus chọn đồi Palatine để dựng thành phố, cạnh con sông Tiber.

Khi Romulus đang xây dựng tường thành, thì người em Remus bước qua bức tường xây dở. Đó là điềm gở báo rằng thành phố sẽ bị xâm chiếm và sụp đổ. Trong cơn giận dữ, Romulus đã giết người em của mình, và trở thành vị vua duy nhất. Romulus chiêu mộ tất cả những người lưu lạc, tha hương, tội phạm, tù bỏ trốn..., đến vùng đất của mình.
Thành phố ấy từ đó mang tên ông là Roma, và quốc gia được xây dựng từ nó cũng mang tên Roman.

Rhea Silvia trở thành Tổ mẫu của La Mã, và Romulus cũng trở thành vị thần Quirinus của La Mã.

Như vậy, người La Mã cho rằng tổ tiên của họ có họ nội là thần Chiến tranh Ares - mà họ gọi là Mars, họ ngoại là vua đô thành vĩ đại nhất châu Á và thần Aphrodite - mà họ gọi là Venus.

Năm mà Roma được dựng, cũng là năm Remus bị giết là năm 753 TCN. Từ đó năm 753 TCN được coi là năm khai sinh của Roma và La Mã, trở thành năm gốc trong các hệ thống lịch La Mã, cho đến tận những năm 300 mới dùng năm sinh Jesus là năm gốc.




Bức tượng con sói cái cho Romulus và Remus bú có từ thời La Mã trở thành biểu tượng của thành Roma và La Mã. Bạn có thể gặp nó ở rất nhiều nơi tại Rome cũng như các thành phố khác ở nước Italia.
 
Last edited:
Sơ lược lịch sử Roma


1. Thời kì vương quốc Etrusca (753 TCN - 509 TCN)


Trước khi Romulus khai sinh Roma năm 753 TCN, đây là vùng đất của dân bản xứ. Dân di cư Etrusca đến từ Tiểu Á đã dựng lên vương quốc của họ. Đây chính là nguồn gốc của truyền thuyết Numitor đến từ Troy. Lúc ấy tại bán đảo Italia có cả người Hy Lạp di cư, người Latin bản xứ.

Vương quốc Etrusca xây dựng Roma trên 7 quả đồi, và truyền được 7 đời vua (con số 7 là số thần thánh, bắt nguồn từ văn minh Babylon).
Bảy quả đồi đó là: Palatium (Palatine) ở trung tâm, và 6 đồi Aventinus, Caelius, Capitolium, Esquiliae, Quirinalis, Viminalis bao quanh.
Năm 509 TCN, người Etrusca bị đánh đuổi, người Latin chiếm Roma, bắt đầu thời kỳ Cộng Hòa La Mã nổi tiếng

2. Thời kỳ Cộng hòa La Mã (509 TCN - 31 TCN)

Người Latin chiếm Roma năm 509 TCN, thiết lập nền cộng hòa, quyền lực thuộc về Viện Nguyên lão gồm 300 người, bầu ra một số vị Chấp Chính có nhiệm kỳ. Thời kỳ này La Mã mở rộng khắp quanh Địa Trung Hải, được gọi là thời Thái bình La Mã - Pax Romana, mặc dù họ phải chống trả với các cuộc chiến tranh với Carthage từ Bắc Phi tiến đánh.

Viện Nguyên lão họp tại một nơi gọi là Foro Romano, chính là từ gốc của Forum - Diễn đàn ngày nay.

Julius Ceasar là vị tướng danh tiếng, đánh dấu sự kết thúc của thời Cộng hòa La Mã. Ông chưa bao giờ là Vua La Mã, nhưng nhiều tài liệu gọi ông là Hoàng đế, và tên ông cũng mang nghĩa là Vua La Mã (Ceasar - Xêda - Hoàng đế).

3. Thời kỳ Đế quốc La Mã (31 TCN - 476)

La Mã trở thành Đế quốc, với sự cai trị của Hoàng đế chứ không phải Viện Nguyên lão nữa. Trong giai đoạn này Thiên Chúa giáo phát triển ở Roma, mà nổi tiếng nhất là sự kiện vụ cháy thành Roma dưới thời vua Nero, và sự tàn sát người Thiên Chúa giáo sau đó.

Năm 313, Hoàng đế Constantinope cải sang đạo Thiên Chúa, Roma trở thành Kinh đô của tôn giáo này. Đến năm 395 thì La Mã chia đôi, và năm 476 thì Tây La Mã sụp đổ.


4. Thời kỳ bị tranh giành (476 - 800)


Các thế lực tranh giành đất Italia và Roma, lúc thì đế quốc Đông La Mã Byzantine nắm giữ, lúc thì các tộc Goth, tộc Frank, German tiến đánh Roma. Các Giáo hoàng phải khéo léo để tồn tại, duy trì quyền lực và truyền đạo trong lòng các thế lực chiếm đóng.

Có lúc Giáo hoàng nắm được thế chủ động, quyền lãnh đạo tinh thần cả Đông La Mã, nhưng có lúc cũng chỉ là bù nhìn trong tay các vị vua quyền lực hơn.
 
Last edited:

5. Đế quốc La Mã thần thánh (800 - 1433)


Năm 800, vua Charlemange người Frank thôn tính Tây Âu, và Giáo hoàng vội vàng phong ông là Đại đế La Mã để ông bảo vệ mình, từ đó thiết lập Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire). Đế quốc này bị xâu xé, rồi thâu tóm bởi rất nhiều vua châu Âu. Các nước Đức, Phổ,..., cũng từ Đế quốc này mà tách ra sau này. Bán đảo Italia cũng bị chia cắt thành nhiều tiểu quốc. Giáo hoàng nắm giữ một vùng đất quanh Roma gọi là Lãnh địa Giáo hoàng (Papal State)

Đây cũng là thời kỳ của những cuộc Thập tự chinh đi đến Thánh địa mà tớ đã viết khá nhiều trong topic Jerusalem, và cũng là thời kỳ của Tòa án Trung cổ khủng khiếp tàn bạo.



6. Thời kỳ Phục hưng (1433 - 1798)


Lúc này quyền lực của Giáo hoàng đạt đến đỉnh cao, thời kỳ của sự phục hưng trong nghệ thuật, khoa học, nhưng chưa hề giải phóng trong tư tưởng, chính trị.

Các tiểu quốc Italia xâu xé bán đảo, Giáo hoàng giữ vững ngai vàng tại thành Roma, can thiệp vào các cuộc giao tranh, tranh giành chính trị ở cả châu Âu và các vùng thuộc địa của các nước. Đây là thời kỳ của các nhà truyền đạo đi khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ.

Những học thuyết cổ hủ của Roma đã lung lay và sụp đổ dưới sự phát triển của khoa học.

7. Italia thống nhất (1798 - nay)

Italia được thống nhất rồi bị chia cắt, cuối cùng chính thức trở thành một quốc gia hoàn toàn thống nhất vào năm 1870 dưới thời vua Emmanuel. Lãnh địa Giáo hoàng bị xóa bỏ, các Giáo hoàng chỉ còn một mảnh đất nằm lọt trong Roma, đến nối Giáo hoàng Pius IX tự gọi mình là "người tù Vatican".

Roma trở thành Thủ đô của đất nước Italia thống nhất cho đến ngày nay, và Vatican chỉ còn là một quốc gia nhỏ bé nằm trong lòng nó, một quốc gia kì lạ nhất thế giới nhưng đầy quyền lực.
 
Trước khi đến với Rome, tôi đã tìm đọc thông tin và tìm hiểu bản đồ Rome, cũng như những địa danh nổi tiếng.

Đi lại ở Rome có ba phương thức chính cho người ít tiền (vì nhiều tiền thì đi taxi):

1. Tàu điện ngầm: Trong khu vực nội thành Rome Tàu điện ngầm không thuận tiện, chỉ có hai tuyến chính bắt chéo nhau ở ga Termini, hai tuyến này không thuận tiện cho đi thăm các địa điểm lắm, vì các ga không gần các di tích nổi tiếng. Hệ thống ga và đường cũng không hiện đại đẹp đẽ như ở nước khác.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi bên dưới lòng đất Rome có quá nhiều công trình cổ, di tích cổ, mà nếu phát triển hệ thống tàu điện ngầm chắc chắn sẽ phá hủy chúng.

2. Xe bus: Xe bus ở Rome chạy khá gần các địa điểm du lịch, nếu có một bản đồ bus, ta có thể đi đến tất cả các điểm nổi tiếng. Tuy nhiên xe bus ở Rome thường xuyên quá tải, số người nhiều lúc đông chen chúc, phải đứng là chuyện thường.

Hơn nữa, tình trạng ăn cắp ở Rome rất phổ biến. Nhiều người đã là nạn nhân ở Rome, do đó không nên thường xuyên tham gia vào những chỗ chen chúc ở Rome, vì có thể bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Tại Rome có loại vé chung cho Metro và Bus, giống như các thành phố lớn ở châu Âu khác.

3. Phương tiện tốt nhất là đi bộ.

Khu trung tâm của Rome không quá rộng, nếu sắp xếp lịch trình khéo léo, hoàn toàn có thể đi bộ giữa các điểm. Hơn nữa, từng con phố, từng công trình nhỏ ở Rome đều mang đậm dấu ấn lịch sử, đi bộ dọc phố sẽ có cơ hội ngắm nhìn những tòa nhà, những quảng trường, những đài phun nước, những nhà thờ, những cung điện, những phế tích,..., mà nếu đi bus ta sẽ dễ dàng bỏ qua.

Rome có rất nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ chỉ đi vừa 1 xe ôtô, cùng những quán ăn, cafe chiếm diện tích ngay trên những con phố đó. Khá gần gũi và quen thuộc với Việt Nam.
 
Last edited:
Bác chitto cho em hóng hớt một câu.

Em mới đi Rome về, cảm giác là thất vọng, hay em ở đây ít quá, chỉ 2 ngày 2 đêm, một đêm ngủ ngoài sân bay không tính.

Dẫu biết rằng Rome - Eternal City - Lifetime is not enough. Nhưng thật sự vẫn thất vọng với những gì Rome trình diễn, ngoài những công trình đổ nát đã có tuổi vài nghìn năm.

Lý do em muốn tới Rome là do lịch sử của nó, một đế chế kéo dài nhất lịch sử nhân loại, sự ảnh hưởng của Rome lên phần còn lại của thế giới và là nơi nên cộng hoà đầu tiền (thể chế chính trị tiến bộ nhất cho đến giờ) trên thế giới.

Nhưng những gì Rome thể hiện không toát lên được điều này (theo cái em cảm nhận) từ đường phố, kiến trúc, văn hoá, con người.

Em ở một thành phố mà hiện giờ người dân da màu nhiều hơn dân bản địa Paris. Thế nhưng muốn tìm một hàng bánh, một quán cafe, một nhà hàng, một con phố, hiệu sách mang đậm chất Paris lúc nào cũng có thể thấy. Ở đây chính là sự giữ gìn và phát triển.

Em tới Collosseum, côn trình được đánh giá là vĩ đại, thật to, nhưng không còn vẻ hoành tráng, mà đầy những hàng rào, khu vực vào thăm quan cũng cực kỳ hạn chế. Qua Forum des Rome cũng thế, các chỗ khác cũng có cảm giác tương tự.

Rome là cái nôi của văn hoá/văn minh Phục Hưng, nhưng đáng buồn thay, không thấy điều gì thể hiện đậm chất phục hưng, không có sự mềm mại. Một số công trình to, hoành tráng, nhưng trông nó khá thô.

Nhưng bù lại thì capuchino của Rome cực ngon, em chưa thấy chỗ nào làm một ly capuchino ngon đến như thế. Nó khiến em se quay lại Rome nếu có thể, nhưng là để uống ly capuchino đậm chất Ý, không chỗ nào có.

Em có vài dòng loãng topic của bác, nếu cần thì em sẽ xoá.
 
Em mới đi Rome về, cảm giác là thất vọng,
Dẫu biết rằng Rome - Eternal City - Lifetime is not enough. Nhưng thật sự vẫn thất vọng với những gì Rome trình diễn, ngoài những công trình đổ nát đã có tuổi vài nghìn năm.
Nhưng những gì Rome thể hiện không toát lên được điều này (theo cái em cảm nhận) từ đường phố, kiến trúc, văn hoá, con người.
Rome là cái nôi của văn hoá/văn minh Phục Hưng, nhưng đáng buồn thay, không thấy điều gì thể hiện đậm chất phục hưng, không có sự mềm mại. Một số công trình to, hoành tráng, nhưng trông nó khá thô.

Tôi cũng định sẽ viết về điều này, nhân đây viết luôn.
Lúc ban đầu khi đi bus từ sân bay về ga Termini, tôi cũng có cảm giác thất vọng về một thành phố nổi tiếng như thế, mà sao lại tệ thế?

Con đường chạy giữa những dãy nhà 5 tầng phơi đầy quần áo, sân nhà ngập rác, lốp xe, đồ cũ..., những dãy nhà lộn xộn, không có quy hoạch chuẩn như Paris, khách du lịch thì đông vô kể khiến cho nhìn người cũng lộn xộn. Xe ôtô xen với xe máy vè vè, phố cong queo, nhà nhấp nhổm.

Lại khi đến các công trình nổi tiếng, nhìn chỗ thì điêu tàn, chỗ thì nhuôm nhoam. Các tòa nhà nổi tiếng thì bên ngoài trông đều bình thường, một màu ương ương, mái thảy đều chéo chéo đơn điệu. Nhìn ra thì độ cổ kính còn thua xa các lâu đài, nhà thờ Gothic ở Anh, lại thiếu hẳn độ duyên dáng như ở các thành phố Châu Âu khác.

Tôi lại gặp cả đám người bán hàng rong bày đồ đầy đường, rao tướng lên như đấm vào tai người ta. Khi xe cảnh sát đến thì họ ôm đống hàng chạy tung tóe, mặt mũi dớn dác chờ khi xe police đi thì lại bày ra. Xe bus thì chặt như nêm, chả ai tỏ ra lịch thiệp cả, chỉ cốt lên xe đến nơi cần đến...

Thực ra cảm giác đầu tiên của tôi khi đến Rome là : Sao mà nó giống Việt Nam thế !!?? Tôi thấy như đang ở nhà của mình vậy !!!
 
Last edited:
Nhưng rồi chỉ ngay ngày đầu tiên, cách nhìn của tôi về Rome đã khác. Cũng rất khó nói rõ nó là thế nào. Tôi tìm thấy một Rome thủ đô cổ và một Rome thủ đô hiện đại đang cố chen nhau trong một khung đất chật hẹp, nhưng vẫn hòa hợp. Rome ấy khiến người ta có thể ngắm nghía, có thể cáu kỉnh, có thể trầm ngâm, có thể cười toác chỉ trong một ngày.

Có thể tôi may mắn hơn bạn, vì một đêm trước được xem một đêm nhạc rock của hàng nghìn thanh niên trước cửa ga Termini, và sáng hôm sau được xem một thánh lễ trong nhà thờ ở Vatican, được đi thăm toàn bộ khu Forum không trừ chỗ nào suốt cả một buổi chiều (vắng lặng và chỉ có tôi + 1 người bạn đồng hành).

Một điều tôi nhận ra là những tòa nhà ở Rome không bộc lộ ra bên ngoài, mà hình như dấu tất cả những cái gì đẹp và quý vào hết bên trong, khiến bên ngoài chỉ còn là một lớp vỏ đôi khi thô kệch, nhạt nhẽo. Những đường phố của Rome chồng chéo qua thời gian từ cổ đại, trung đại đến cận đại, nên thiếu hẳn sự hoành tráng của nhiều nơi khác, các ngôi nhà phải tránh né, chen chân nhường chỗ nhau, nhưng tại mỗi góc đều có chứa một điều gì đó thú vị.

Nó khác hẳn với Paris, nơi mà người ta quy hoạch nó mấy trăm năm nay, nên hoàn chỉnh, hoành tráng, hoa lệ thể hiện lồ lộ ra bề mặt. Từng tòa nhà, góc phố, vườn hoa ở Paris dường như đều được tính toán chi tiết sao cho thật đẹp, thật quy chuẩn. Paris cái đẹp thể hiện ra bên ngoài quá nhiều.

Như vậy, Rome không phải là một thành phố Trình diễn (như cách dùng từ của bạn) Rome là thành phố để người ta phải tìm hiểu.

Rất tiếc là tôi cũng có quá ít thời gian ở Rome để có thể tìm hiểu hơn về Rome. Tôi cũng không có nhiều thời gian ở Paris, nhưng với những gì mình trải qua, thì tôi thích Rome hơn Paris, vì với Rome, tôi phải tìm hiểu mới thấy cái đẹp, còn với Paris thì cái đẹp thể hiện ra hào phóng quá mất rồi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,346
Bài viết
1,175,312
Members
192,061
Latest member
sunwinrepublican
Back
Top