What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Delhi của một thời vang bóng – 18

(cont.)


Humayan là đời thứ 2 của các các vị vua triều Mughal, những vương triều đã một thời hùng cứ các vùng đất Afganishtan, Pakistan và một phần Ấn Độ ngày nay. Shah Babur, vị vua đầu tiên của dòng Mughal cho rằng ông mang 2 dòng máu của Thành Cát Tư Hãn và vị quốc vương Timur lừng danh.


Humayan kế thừa di sản vĩ đại từ vua cha vào năm 1530. Vì đam mê thanh sắc (giống tui quá!?) đến năm 1538, Humayan đã bị đánh bại bởi một nhà quý tộc Afganishtan, Sher Shah. Vua Sher Shah đã đẩy lùi Humayan đến tận Ba Tư xa xôi. Ông lưu vong ở đó mãi đến khi vua Sher Shah qua đời vào 1545, triều đình xảy ra nhiều biến động do tranh giành quyền lực của các quan lại trong triều…Lúc này, vua Humayan mới trở về đánh chiếm lại thành Purana Qila và cả vương quốc Ấn Độ thời bấy giờ. Vào năm 1556, ông qua đời sau một cú té ngã tại thư viện Sher Mandar trong thành Purana Qila ở tuổi 48.


PB231480.jpg

Cứ tưởng sau cái cổng này là đến lăng Humayan


PB231481.jpg


PB231487.jpg

Cái cổng thứ 2, cứ tưởng là lăng Humayan, vì nó cũng đẹp hoành tráng… nào ngờ​


Tiếc thương cho chồng sớm đoản mệnh, hoàng hậu Hamida Banu Begum (còn có tên khác là Haji Begum, người gốc Ba Tư) đã cho dựng nên lăng mộ Humayan để tưởng nhớ chồng. Đây được xem là kiến trúc Mughal vĩ đại đầu tiên và cũng là tiền đề gợi cảm hứng cho việc xây dựng ngôi đền Taj Mahal diễm lệ sau này.


PB231491.jpg

Đây mới chính là lăng Humayan lừng danh nè!


(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 19

(cont.)



PB231493.jpg

Lăng Humayan nhìn gần hơn



PB231494.jpg

Rồi gần hơn một tý nữa



Nằm trong khuôn viên rộng 12.000m2, có chiều cao lên đến 47m, đây cũng là tác phẩm có ảnh hưởng kiến trúc Ba Tư đầu tiên tại Ấn Độ, cũng là kiến trúc Mughal tiêu biểu đầu tiên. Đây cũng là kiến trúc lần đầu sử dụng đá sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng, bắt đầu cho việc sử dụng 2 chất liệu này trong các công trình to lớn khác của các vương triều Mughal sau này. Được hoàn thành vào năm 1571, lăng mộ vua Humayun giờ còn sừng sững trường tồn với không gian, với đất trời. Nét diễm lệ thanh tân của nó không hề bị phai mờ mà càng trở nên hấp dẫn hơn khi đã bàng bạc khoác lên một lớp áo thời gian.


PB231499.jpg

Rồi qua một góc



PB231504.jpg

Rồi đi lùi lại sâu hơn nữa



Quả thực là chúng tôi rất choáng khi chỉ vừa đến cổng lăng mộ này. Thấy cánh cổng đẹp rực rỡ thôi là chúng tôi đã tưởng đó là lăng mộ, nhưng nào ngờ lấp ló sau cánh cổng đó là một tuyệt tác đẹp rực rỡ trong nắng chiều. Trong nắng vàng Ấn Độ một chiều đầu đông, tòa cung điện (dùng từ này có vẻ chính xác hơn là lăng mộ) Humayan càng hồng rực sắc đá đỏ và ngời sáng lộng lẫy sắc trắng của cẩm thạch trong một khu vườn xanh mát với những hồ nước lấp lánh càng góp phần nhân lên bội phần nét kiều diễm của toà cung điện kiến trúc đẹp đẽ này.



PB231514.jpg

Rồi cận cảnh ngay “chánh điện”



PB231523.jpg

Rồi cận cảnh ngay góc

Tất cả các hình chụp, dù xa hay gần, góc hay thẳng, máy xịn hay cùi bắp… đều ngời ngời sáng vẻ diễm lệ của lăng Humayan, nhất là khi ánh nắng chiều cuối ngày phủ lên lăng đỏ một màu vàng ấm huyền hoặc… Cũng như những lần khác, tôi lại lặng lẽ chọn một góc vắng ngồi nhìn ngày đi chầm chậm trên dấu tích vàng son của một Ấn Độ, ngày càng trở nên huyền hoặc bí ẩn và quyến rũ mê hồn…


(tbc.)
 
Ngõ nào bpk cũng đã qua rồi, muốn quay lại nữa à?
----

Đọc lịch sử của đế quốc Mughal trên wiki http://en.wikipedia.org/wiki/Mughal_Empire thấy toàn là chiến tranh, tranh giành quyền lực nhưng những gì họ đem đến và để lại ở Ấn Độ ngày nay thật đồ sộ. Cứ tưởng tượng Islam và những dân tộc hiếu chiến ở Trung Á chưa từng bao giờ vào Ấn Độ thì một Ấn Độ ngày nay chắc sẽ có nhiều di tích giông giống Angkor Wat.

Nói thêm về Aurangabad, mặc dù ngày nay chỉ là điểm du lịch nhỏ nhưng lại từng là thành phố trấn thủ biên giới của Mughal. Được đặt tên của hoàng đế Aurangzeb khi Aurangzeb đánh về phía nam để mở rộng bờ cõi.

Di tích Dautalabad fort được xây từ năm 1187 bao gồm hào sâu và nhiều vòng thành bằng đá nối liền với một ngọn núi tạo cho nó một thế đứng rất vững.

DSC06399.jpg


DSC06401.jpg


DSC06410.jpg


DSC06413.jpg


Bibi ka Maqbara là một copy của Taj Mahal nổi tiếng. Tuy nhiên nó nhỏ hơn (do đó còn đuợc gọi là mini-Taj) và bằng chất liệu rẻ hơn (nên dân gian còn gọi là the poor man's Taj). Được một cháu nội của Shah Jahan (người xây Taj Mahal) xây để tưởng nhớ người mẹ của mình.

DSC06415.jpg
 
Last edited:
Delhi của một thời vang bóng – 20

@ oilman, với bpk, đôi lúc được trở về chốn xưa, tìm lại cái cũ, để trải nghiệm những cái mới trên những điều xưa cũ là điều bpk rất rất thích. Huống chi, nhiều vùng đất mà oilman đề cập mình chưa từng đặt chân qua, sao mà không “ham muốn”! Mà cũng thuộc dạng “em mơ vậy thôi!” chứ biết “bao giờ cho đến tháng Mười”…!
____________________________________


(cont.)


PB231511.jpg

Thích cái góc nhìn trời xanh ngăn ngắt qua cầu thang tối bên lăng mộ đỏ này.
Bpk ngồi trong cầu thang tối, vừa ngắm lăng, vừa canh chừng gần 30p mới không có người đi lên đi xuống.



PB231517.jpg

Bên trong lăng Humayan


PB231516.jpg

Mộ đá bên trong lăng Humayan


So với Purana Qila có rất đông các nam thanh nữ tú Ấn Độ chọn như là nơi đi picnic trong khu vườn xanh mát, lăng Humayan tràn ngập các du khách nước ngoài, và chúng tôi là một trong những nhóm khách cuối cùng đến đây. Lý do là cả đám không chịu đi xe mà lội bộ lôi thôi lếch thếch từ Purana Qila sang, nhìn bản đồ thấy gần không ngờ nó lại quá xa. Đến lúc nắng chiều đã bắt đầu nhàn nhạt cả lũ mới bắt đầu hối hả kêu xe rickshaw nhảy lên thì mới hay mình đã đến thật gần. Thế là vừa tốn thời gian vừa phí tiền. Nếu đi từ Purana Qila, bạn nên đi rickshaw đến đây, để dành thời gian quý báu cho việc chiêm ngưỡng di tích diễm lệ này nghen.


PB231515.jpg

Một đền đài trắng toát xa xa nhìn từ lăng Humayan


PB231528.jpg

Một lăng khác trong khu vườn


Thực ra, trong khuôn viên lăng Humayan, ngoài di cái lăng đẹp đẽ hoành tráng này ra thì vẫn còn rất nhiều những di tích khác, là những đền đài hay nhưng lăng mộ, mang kiến trúc khác kiến trúc Mughal, ví dụ như cái lăng hình bát giác của ngài Isa Khan, lại theo kiến trúc Lodi. Isa Khan là một quý tộc trong triều vua Sher Shah và lăng mộ của ông được xây trước lăng Humayan 20 năm nhưng lại mang một kiến trúc rất khác, kiến trúc Ấn Độ cũ.


(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 21

(cont.)


PB231513.jpg

Chiều đã muộn, từ lăng Humayan nhìn ra cổng thấy ngày đã vội đi


Trong khuôn viên còn rất nhiều những thánh đường Hồi giáo nhỏ và nhiều đền đài lăng mộ khác, nếu có nhiều thời gian bạn có thể tha thẩn mà nhìn mà ngắm mà xuýt xoa. Tiếc là bọn tôi không có nhiều thời gian nên một số nơi tôi đã phải lướt qua. Tuy nhiên, tôi vẫn lang thang được nhiều hơn các đoàn khách tour, họ chỉ chủ yếu vào thăm lăng chính mà ít có thời gian lang thang các ngóc ngách. Nhờ tọc mạch gí mũi khắp các hẻm hóc, tôi đã phát hiện ra một góc vườn nhỏ, bên cạnh những phế tích không trùng tu những chú công xinh đẹp đang thơ thẩn. Rất ngạc nhiên rằng đây là chim trời và chúng rất dạn người, chỉ bay đi khi tôi đến thật gần. Ôi trời ơi, mấy cái con chim công mà bọn trẻ con Việt chỉ có thể thấy trong sở thú một cách hiếm hoi, thì ở cái xứ Ấn nghèo này chúng lại đi lềnh khênh trong các công viên, khu vườn (sau này tôi còn gặp nhiều). Chẳng hiểu nữa, lại một nghịch lý Ấn hay nghịch lý Việt.


PB231540.jpg

Cửa dẫn vào khu vườn lạ nhiều lăng, đền đài nhỏ hoang vắng


PB231536.jpg

Công hồn nhiên trong vườn rong chơi trong vườn


PB231531.jpg

Bạn đếm được có mấy chú công?


PB231539.jpg



PB231538.jpg

Lại một cụm lăng vắng khác. Thực tình bình thường chúng cũng rất đặc sắc nhưng khi ở bên cạnh lăng Humayan chúng trở nên nhỏ bé


Những tia nắng cuối ngày đã tắt dần trong khu vườn mênh mông quanh lăng. Chúng tôi cũng muốn ở lại đây đến khi đêm xuống để được nhìn lăng Humayan trong ánh đèn đêm như thế nào nhưng thời gian đã không còn cho phép, giờ ra ga để đi Amritsar đã cận kề. Thế là cả lũ cuống cuồng leo lên autorickshaw chạy về nhà nghỉ, chất balo lên xe đi tiếp đến ga Nizamuddin (chứ không phải ga New Delhi) để chờ chuyến tàu đêm đi đến vùng đất thánh Amritsar.


PB231547.jpg

Lăng bát giác theo kiến trúc Lodi của Isa Khan, nơi chúng tôi luyến tiếc tụ tập cuối cùng trước khi rời khuôn viên lăng Humayan.




Chào nhé Delhi! Khi vừa thương mến nhau thì lại phải chia xa! Có bao giờ khác?!
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 1

Amritsar!



Cái tên tôi chưa hề nghe nói đến bao giờ lúc còn lụi cụi cày cấy ở quê nhà. Trên đường phiêu du trước khi vào đất Ấn, cầm cuốn L.P đọc mê mải, mờ mịt, choáng váng với lượng thông tin đồ sộ về Ấn Độ… tôi đã nhiều phân vân, lưỡng lự nhưng rồi cuối cùng đã quyết định chọn sẽ đến thăm Amritsar. Tôi muốn đến tận mắt nhìn xem nơi những người anh em ngày xưa một nhà Ấn Độ và Pakistan giờ tuy đã đoạn tuyệt nhưng vẫn còn giữ mối giao hảo tốt đẹp. Từ một đất nước rồi bị chia cắt nhau, hận thù nhau bởi tôn giáo, bởi tranh chấp các rẻo đất biên cương… Ấn Độ và Pakistan giờ vẫn còn chiến tranh liên miên trên vùng biên giới Kashmir, rồi thỉnh thoảng lại đùng đoàng ầm ầm tại Delhi, Mumbai… nhưng ở nơi xa xôi này, những người lính canh gác biên cương giữa 2 bên vẫn giữ được mối thâm tình như ngày nao xa xưa còn chung tổ quốc. Những buổi lễ đóng cửa biên giới, hạ cờ giao lưu giữa 2 bên đã được tiến hành ở đây mỗi chiều, từ những năm 1947 cho đến hôm nay, bất chấp việc gì đang xảy ra giữa 2 nước, ở ngay barie biên giới Ấn Độ - Pakistan tại Amritsar này.


Tuy không là thủ phủ nhưng Amritsar là thành phố chính của bang trù phú Punjab, bang đã đau thương chịu sự xẻ chia thành 2 phần cho 2 đất nước, bang chứng kiến cuộc di dân tôn giáo khổng lồ nhất và cũng chứng kiến cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu... Năm 1947, khi đường biên giới Ấn Độ và Pakistan được phân lập chạy ngang qua bang Punjab, cắt thành phố Lahore đưa về nhà nước Hồi giáo Pakistan và Amritsar cho nhà nước Hindu Ấn Độ. Những chuyến tàu lửa chở người Hồi Giáo từ Ấn Độ di dân ngang qua đây để sang Pakistan, khi đến nơi đã trở thành những con tàu ma tang thương chở đầy những xác chết câm lặng đẫm máu. Ngược lại, những con tàu chở người theo đạo Hindu và đạo Sikh từ Pakistan sang đông trở về Ấn cũng bị trả thù như vậy. Một số tài liệu cho rằng khoảng nửa triệu người đã bị giết chết trong cuộc di dân tôn giáo này! Thật khủng khiếp! Nhân danh hoà bình – điều mà các tôn giáo luôn hướng đến – máu đã chảy thành sông, không phải ở 2 quốc gia hận thù nhau, mà là giữa những người anh em trong cùng một đất nước mới ngày nào còn chung sống hoà bình, còn chung vai sát cánh đấu tranh để thoát khỏi ách đô hộ mấy trăm năm của Anh quốc…


Chuyện về cuộc chiến tranh sắc tộc còn rất dài, mãi đến những năm cuối thế kỷ XX và đến giờ, tôi không tiện chép lại ở đây, chỉ nêu một sự kiện rất quan trọng nữa trong lịch sử Ấn Độ, cũng liên quan đến tôn giáo, liên quan đến Amritsar, đến Ngôi đền Vàng, thánh địa của đạo Sikh tại đây, đó là cái chết của thủ tướng Indira Gandhi. Vào năm 1984, bà Indira Gandhi quyết định đưa quân tấn công vào Ngôi đền vàng của đạo Sikh, nơi một lực lượng phiến quân ly khai (Khalistan, đòi tách Punjab thành 1 quốc gia riêng biệt) đang ẩn náu và cuộc tiến quân đó đã giết chết 5 giáo sĩ cấp cao của đạo Sikh, đang ở trong đền lúc đó. Việc này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của những người theo đạo này nên sau đó, bà Indira Gandhi đã bị chính những người cận vệ của bà, theo đạo Sikh, sát hại ngay trong khu vườn của dinh thủ tướng. Và việc chính quyền Ấn Độ đưa quân vào Ngôi đền Vàng thiêng liêng nhất của người theo đạo Sikh cũng đã làm dấy lên một cuộc chiến tôn giáo đẫm máu khác giữa người theo đạo Hindu và người theo đạo Sikh. Hơn 3.000 người, chủ yếu là người đạo Sikh, đã bị giết trong cuộc chiến tranh tôn giáo này.


PB241604.jpg

Qua bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu người đã ngã xuống,
Ngôi đền Vàng vẫn lộng lẫy đón chào ánh dương mỗi ngày? Tôn giáo?! Sao không thể có bình yên?


(tbc.)
 
Tuyệt quá ............. Thức đến 4h sáng để theo hành trình của bác ..............................:">
Cho e hỏi bác vẫn đang trên cung đường Ấn Độ đó ạ ??? Những phút nghỉ ngơi này chắc bác ghi lại trực tiếp cho ae từ bên đó ạ ???
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 2

@ Rockxuyentheky, cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi. Bpk đã về quê nhà lâu rồi và đang chuẩn bị cho chuyến đi Ấn mới (?!). Hy vọng lúc đó sẽ có cập nhật “online”, còn bây giờ thì chỉ ngồi nhai ký ức thôi…
____________________________________________


(cont.)


PB241562.jpg

Lượm được một mảnh trăng muộn vẫn còn vấn vương khi đêm gần tàn​



Chuyến tàu đêm xộc xệch cũ kỹ lọc cà lọc cọc đưa lũ chúng tôi đến Amritsar lúc 5.20am trời còn tối đen mờ mịt, dù nó đã rời ga trễ gần 2h so với dự định. Rất nhiều gia đình đi hành hương cũng lục tục xuống tàu hướng về Ngôi đền Vàng thiêng liêng. Ngay trong ga tàu, có ngay một mô hình Đền Vàng đặt ngay vị trí trung tâm như chào đón quý khách.


PB241557.jpg

Đền Vàng trước bình minh, những đèn đuốc nơi đây phản chiếu ánh vàng làm sáng một góc trời
(những lúc này tôi lại tự “nhiếc móc” mình vì cái tội không mua máy chụp hình mới – Hận!!!).




PB241559.jpg

Đoàn người thành kính vẫn làm lễ và đi cầu nguyện nguyên đêm



Gửi đồ đạc tại ga, lưu ý là bạn phải có vé tàu, hoặc đi hoặc đến gì cũng được người ta mới cho gửi, cả đám nhảy lên chiếc xe rickshaw hướng về Ngôi đền Vàng. Trời vẫn còn tối mờ mịt, chiếc xe lọc cọc chạy qua những phố vắng tênh đèn xanh ngắt hắt hiu hướng về nơi chân trời đang hừng hừng sáng. Nhưng đến nơi mới biết là mặt trời vẫn mê mải ngủ vùi, quầng sáng mà chúng tôi thấy nãy giờ là ánh sáng từ Ngôi đền Vàng!


PB241584.jpg

Dòng người thành kính đông đặc kiên nhẫn nhích từng bước để vào trong Đền Vàng



Vài thế kỷ gần đây, người ta mới biết nhiều đến Amritsar nhờ vào Ngôi đền Vàng nhưng thực ra Amritsar, Punjab đã có 1 lịch sử văn hóa rất lâu đời, từ hơn 4.000 năm trước. Những di tích khảo cổ cho thấy ở đây đã từng xuất hiện nền văn minh Ấn Hà (Indus), của người Harappan vào thời xa xưa đó. Những di tích của giai đoạn Phật giáo hoàng kim thời vương triều Mauryan, những năm 321-184 trước CN, cũng được tìm thấy ở Sanghol, bang Punjab. Sử thi Ấn Độ lừng danh Mahabharata cũng nhắc đến vùng đất này. Cả Alexander Đại Đế dũng mãnh trên đường chinh phục phương Đông cũng đã từng đến vùng đất này, trước khi quân sĩ của ông bắt đầu kiệt quệ vì cái nóng ẩm kinh người, những cơn mưa nhiệt đới kéo theo muỗi mòng bệnh tật ê hề nơi đây… dẫn đến sự thất bại, cuộc rút lui trên đường chinh phục phương Đông của người. Nói chung Punjab là một vùng đất giàu tính lịch sử, vậy mà giờ chúng tôi mới biết. Đúng là càng đi càng thấy mình càng dốt.


PB241574.jpg



PB241579.jpg

Đền vàng lúc chân trời hơi ửng sáng, bình minh vẫn chưa lên.



Nằm cách cách thủ đô New Delhi 428 km, Amritsar có cái tên bắt nguồn từ Amŗit - Sarovar có nghĩa "Pool of Nectar" – Hồ Mỹ Tửu (tạm “dịch” hạch), bắt đầu được biết đến trong vài thế kỷ gần đây bởi Ngôi đền Vàng, thánh địa của đạo Sikh. Được bắt đầu xây dựng năm 1577, bởi vị Giáo sĩ (Guru) thứ 4 của đạo Sikh, Ramdas, Đền Vàng là thánh địa của những người theo đạo Sikh. Trong đền lưu giữ văn bản gốc của kinh thánh Guru Granth Sahib mà nó được 4 vị giáo sĩ suốt ngày đọc qua hệ thống loa của đền.



(tbc.)
 
Lúc ở Ấn bọn tôi vẫn hay chọc các bạn đạo Sikh "cho tớ xem bảo bối". Theo đúng thông tục thì một anh đạo Sikh phải có 5 thứ bảo bối: có búi tóc (không bao giờ cắt tóc), một cái lược, một con dao găm, đeo vòng đeo tay màu bạc, mặc quần trong có dây thắt. Người đạo Sikh nói riêng hay người Punjab nói chung có thể rất nóng nảy, chỉ bạn bè biết nhau mới giỡn vậy. Do hoàn cảnh lịch sử, dân Punjab phải liên tục chống chọi với ngoại xăm để sống còn, họ trở thành những warriors cừ khôi ở Trung Á. Ngày nay có thể thấy rất nhiều người Punjab trong quân đội Ấn và họ giữ những chức vụ cao. Người Sikh cũng có ý chí chịu khó nên họ là những người kinh doanh, tài phiệt công nghiệp thành công ờ Ấn.
 
Ánh vàng rạng ngời rực rỡ Amritsar – 3

(cont.)


Đúng vậy oilman. Bạn có cả bạn là người Ấn theo đạo Sikh nữa hả, vui hén! Có lẽ đạo Sikh còn xa lạ với nhiều người Việt, nhưng thực ra chúng ta rất dễ nhận biết những đàn ông Ấn theo đạo Sikh, đó là chiếc khăn quấn trên đầu họ mà một số bạn trẻ hay dùng từ vui vui để mô tả là “bắp cải”. Đó là 1 trong 5 quy định của người theo đạo này. Cụ thể các quy định này như sau: Kasha: không cắt tóc, cạo râu suốt cả đời; Kangha: luôn mang theo bên người lược chải đầu bằng gỗ hoặc bằng ngà; Kacha: mặc quần ngắn, thoải mái; Kara: có đeo vòng đeo tay bằng bạc hay sắt; Kirtipan: luôn mang theo bên mình kiếm hoặc dao găm. Nói chung là có nhiều lý do dẫn đến các quy định này, tôi kể ra hết chắc sẽ có bạn sẽ cải sang đạo này mất thôi (!?). Chỉ ví dụ đơn giản là người theo đạo Sikh có quan niệm sống tôn trọng sự phát triển tự nhiên của mọi vật nên họ không cắt tóc, cạo râu, cứ để chúng mọc tự nhiên và vấn lên thành búi, sau đó quấn khăn lại đội lên đầu. Còn mặc quần ngắn và thoáng là vì để dễ… các bạn cứ gõ gu-gồ là ra hết à.


PB241571.jpg



PB241573.jpg

Trời đã sáng xanh cái ánh sáng dịu dàng đầu ngày, nhưng mặt trời vẫn chưa chịu lên


Ra đời từ thế kỷ XV bởi vị giáo sĩ đầu tiên Guru Nanak (1469-1539), bắt nguồn từ sự phản kháng lại tính hình thức và sự cuồng tín của Ấn giáo và Hồi giáo. Đạo Sikh có thể được xem là sự trung dung giữa 2 đạo này, chú trọng truyền bá sự khoan dung, xây dựng cuộc sống thật thà và làm điều tốt. Khác biệt căn bản với đạo Hindu là đạo Sikh không phân chia đẳng cấp và chủng tộc. Sách kinh của đạo này là bản kinh Granth Saheb, gồm trước tác của 10 giáo sĩ đạo Sikh cùng với những bản kinh của đạo Hindu và Muslim. Trong khi các đền thờ Hindu hướng về phía đông, đền thờ Hồi giáo hướng về phía tây, thì Đền Vàng Hari Mandir tại Amritsar lại hướng về khoảng giữa của hai phương này. Giống đạo Hồi là không thờ cúng tượng nhưng đạo này lại cho phép việc lưu giữ hình ảnh của các vị giáo sĩ thần thánh… Nói chung, đến đây là tôi bắt đầu sắp tẩu hỏa nhập ma rồi nên sẽ chuyển sang chuyện khác.


PB241586.jpg



PB241581.jpg

Ánh dương đã dần lên


Ngôi đền Vàng này được làm bằng vàng thật chứ chẳng chơi. Mái vòm của ngồi đền dát đến 750kg vàng sáng lấp lánh (làm sao mà mình gỡ được một miếng đây ta?). Mái vòm này có hình bông sen úp ngược, tượng trưng cho sự thanh cao của người theo đạo Sikh tu hành chân chính. Tên của ngôi đền là Hari Mandir Sahib hay Darbar Sahib, thực ra là một ngôi đền cẩm thạch trắng 2 tầng, chỉ có mái vòm là dát vàng, nhưng tên Đền Cẩm Thạch sao “sang” bằng Đền Vàng. Thế là ngôi đền có tên mới sang trọng. Ngôi đền nằm giữa một cái hồ vuông vức. Con đường đá cẩm thạch trắng từ bờ hồ đến ngôi đền giữa hồ lúc nào cũng ken chật người thành kính chờ đợi để được vào trong đền cầu nguyện. Nhìn hàng người đông đặc nhích chầm chậm từng milimet và việc là có vào bên trong cũng không được chụp hình nên tôi chỉ ngồi ngoài. Cái hồ thiêng này có tên là Amrit Sarovar, từ đó mới có tên của thành phố.


Xung quanh ngôi đền chính, thật ra còn có nhiều kiến trúc lộng lẫy khác nhưng do Ngôi đền vàng quá lấp lánh nên thiên hạ mờ mắt đi chứ theo tôi chúng cũng rất đẹp. Những thánh đường cũng giông giống Hồei giáo với những mái vòm củ hành, rồi những toà tháp thanh nhọn cao vút giữa trời xanh, soi bóng xuống hồ thiêng… theo tôi, tất cả những kiến trúc đó đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của hồ thiêng và Ngôi đền Vàng.


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,127
Members
192,341
Latest member
Hb88compro
Back
Top