What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Sunauli – Gorakhpur – Kushinagar, hành trình đến miền đất Phật – 5

(cont.)


Vì không rành về Phật giáo, cũng như đã có những bài viết rất sâu về Kushinagar trên diễn đàn này, nên tôi sẽ không đi chi tiết về các điển tích cũng như diễn giải về các sự kiện ở đây. Tôi chỉ chia sẻ góc nhìn của 1 người may mắn đến được những miền đất hằng mơ từ những ngày xưa nghe chuyện cổ tích.


Lúc tôi ra đường, chiều cũng đã hơi muộn ở Kushinagar rồi. Tôi lang thang trong chùa Linh Sơn, khuôn viên chùa cũng rộng lớn và đẹp nhưng tôi có 1 điều hơi băn khoăn là ở cổng chính của chùa không có bảng hiệu tiếng Việt, chỉ có ở trước gian chánh điện mà thôi (bạn xem hình). Từ chùa Linh Sơn, tôi đi lòng vòng viếng thăm chùa Myamar Mahasukhamdadachan vàng rực hoành tráng, điện thờ Tibet bé nhỏ do Đức Dalai Latma của Phật giáo Tây Tạng xây dựng, … trước khi hòa vào dòng người thành kính đi khấn nguyện vòng quanh chùa Mahaparinirvana, nơi có bức tượng Đức Phật từ TK V, mô phỏng tư thế lúc Ngài nhập Niết bàn. Phía sau chùa là 1 stupa lớn, mà mô hình của ngôi chùa và stupa này đã được thu nhỏ và được xây dựng ở nhiều ngôi chùa khác mà tôi đã được gặp về sau. Xung quanh chùa là những di tích của thời huy hoàng ngày xưa, giờ cũng là nơi tu tập của rất nhiều sư tăng trên toàn thế giới. Cạnh ngôi chùa này, có 1 chiếc chuông lớn, do Đức Dalai Latma và cộng đồng người Tibet dâng tặng.


PB170787.jpg

Chùa Linh Sơn nhìn từ bên ngoài – không thấy tiếng Việt

PB170786.jpg

Chỉ thấy tiếng Việt trước chánh điện


Các chùa khác trên đường lang thang chiều Kushinagar


PB170794.jpg

Chùa Myanmar rực rỡ trong chiều xám


PB170795.jpg

Điện thờ của Phật giáo Tây Tạng, tấm bảng nhỏ ở góc phải nói rằng do Đức Dalai Latma đóng góp năm 1981.


PB170821.jpg

“Tu viện Liên Hiệp Quốc” Japan - Srilanka trong chiều muộn


Vì chiều quê đã sẫm màu, tôi tranh thủ rảo bước ra trước chùa và đi tiếp. Có những ngôi chùa nhỏ khác nữa trên đường nhưng không có tên tiếng Anh nên tôi cũng không rành lắm. Đi tiếp nữa, gặp tu viện của Japan-Srilanka, chẳng hiểu sao 2 quốc gia này giờ lại xây chung 1 tu viện ở đây nữa. Nhưng giờ đã trễ nên tôi cũng chỉ lòng vòng bên ngoài, chưa được vào viếng bên trong.


PB170803.jpg

Chùa Mahaparinirvana và Stupa với hình dáng rất lạ phía sau


PB170817.jpg

Đoàn người hành hương Srilanka thành kính quanh chùa Mahaparinirvana


Cũng theo con đường độc đạo này, đi tiếp sẽ đến những cánh đồng rồi mới đến 1 điểm đến thú vị khác của Kushinagar, nơi có di tích của 1 stupa lớn, Ramabhar Stupa, cao 15m, được xây bằng gạch đỏ trên địa điểm cho rằng là nơi ngày xưa đã làm lễ hỏa táng Đức Phật. Nhưng giữa đường đi, trời đã tối sập xuống, đường quê Ấn đêm ngày đông tối đen mờ mịt sương bay là đà... ngày đầu tiên vừa đến còn nhiều lạ lẫm nên cũng có chút hoang mang, bèn quay về, hẹn sáng mai sẽ quay lại viếng.



(tbc.)
 
@ Anh bpk: giờ anh nhắc em mới nhớ, chứ hôm qua lúc ngồi đọc bài nhớ hoài mà không ra cái chuyến đi này của anh, hehe, sorry cái hén. Bây giờ em lại tiếp tục làm độc giả trung thành của anh :) nhưng mà vẫn chưa thấy anh khoe hình "bạn" nha.
 
Sunauli – Gorakhpur – Kushinagar, hành trình đến miền đất Phật – 6

@ congatau, "bạn" bây giờ già và xấu nên không được lên hình nữa rồi....
..................................................


(cont.)


Kushinagar vốn là 1 làng quê nghèo, bây giờ vẫn còn nghèo. Từ con đường tỉnh lộ đi vào làng chỉ có 1 con đường nhựa độc đạo, còn các ngả rẽ đều là đường đất. Ở đây chỉ có các ngôi chùa là to lớn hoành tráng còn nhà cửa của người dân vẫn lụp xụp, xiêu vẹo. Dịch vụ du lịch cho khách hành hương cũng chỉ kéo theo được 1 cái khách sạn, Pathik Niwas, nhìn bề ngoài to to, mới mới nhưng bên trong cũng đã xuống cấp – nhưng dù sao cũng cao cấp hơn tiêu chuẩn của tôi rồi. Điểm đặc biệt là khách du lịch đến đây hầu hết là từ các nước Châu Á, theo Phật giáo. Trên đường phố, tôi cũng có thấy vài bạn “tóc vàng hoe” nhưng rất hiếm hoi.


PB170790.jpg

Các kiến trúc mô phỏng 4 vùng đất Phật trong khuôn viên chùa Linh Sơn


Trên con đường, quanh các chùa, dân làng bày bán nhiều thứ trái cây rau quả, hàng hóa linh tinh… nhưng đặc biệt nhiều là các quà lưu niệm với những chiếc lá bồ đề, những postcard hình ảnh của ngôi chùa Mahaparinirvana, tượng Đức Phật đang nằm… và có rất nhiều ki-ốt kinh doanh dịch vụ gọi nhờ điện thoại, như ở Việt Nam một thời xa xưa lâu lắm.


PB180830.jpg

Chuông đồng trong khuôn viên chùa Mahaparinirvana, do Đức Dalai Latma và cộng đồng Phật giáo Tibet kính tặng


PB170793.jpg

Một ngôi chùa hay ngôi đền… tôi chỉ biết ký tự chữ “Om” trước cửa chùa, hay gặp ở Tibet & Nepal


PB180855.jpg

Tượng Phật trong 1 ngôi đền nhỏ, kế bên 1 khu phế tích, ngay ngã rẽ trái để đi đến Ramabhar Stupa


Ở đây, buổi tối không có quán xá gì hết, chỉ có mấy quán bên đường nhưng vì đường nhiều bụi quá nên tôi cũng không dám ghé vào. Chỉ đi lơn tơn ngó nghiêng và đi tìm mua cái sim điện thoại có chức năng sms quốc tế. Hỏi thăm mãi mới mua được cái sim của Vodaphone và nhờ anh chàng bán sim kích hoạt cho nó được national-roaming (rút kinh nghiệm từ Trung Quốc), nếu không qua bang khác sẽ không xài được. Xong xuôi đi kiếm internet để chia sẻ niềm vui với bạn bè ở quê nhà về hành trình mới, thông báo số ĐT mới qua email để lỡ khi có việc cấp bách… nhưng than ôi, cả cái làng chỉ có 1 tiệm duy nhất, có 1 cái máy duy nhất, xài internet dạng dial, nối kết qua điện thoại, chậm rì rì và liên tục rớt lên rớt xuống. Rồi còn không cho cắm USB vào máy nữa, sợ virus (!). Thế là tan tành luôn net, vỡ toang giấc mộng copy hình vào thẻ… Mà đâu phải đơn giản là tôi biết được thông tin đó ngay từ đầu đâu. Trước đó, có phải đến là được ngồi vào máy liền đâu, phải chờ chú nhóc trông hàng (kiêm luôn nhiệm vụ photocopy) đi kêu, cả hơn 30p, “kỹ thuật viên” mới đến và cho tôi sờ vào máy. Hơi buồn cười một tý cho cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin hén.


PB170813.jpg

Chiều về trên những hàng cây sau chùa Mahaparinirvana


Xong xuôi (!) tôi lại ra đường nhưng chẳng có ai ngoài đường. Tôi ra cả đường cái chính nhưng cũng chẳng có ai bán buôn gì cả. Trời lại tối đen, đèn đóm chập chờn mờ mờ ảo ảo, chẳng biết làm gì cả, bia bọt thì không có chỗ nào bán, trừ trong cái khách sạn Pathik Niwas, lúc nãy có làm 1 chai nhưng giờ đóng cửa nhà ăn luôn rồi – đành về ngủ sớm. Đêm đầu tiên trên đất Ấn trôi qua nhẹ nhàng như vậy đó.


(tbc.)
 
Sunauli – Gorakhpur – Kushinagar, hành trình đến miền đất Phật – 7

(cont.)


Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm, vì ước muốn được đón bình minh trên đất Phật. Và tôi đã được toại nguyện, dù tôi có dậy trễ hơn nữa. Vì ở đây sương mù buổi sáng dày đặc nên khi mặt trời ló dạng (gọi là bình minh ấy mà) thì cũng đã ngang ngang ngọn tre rồi.



Tôi không biết nhà văn “chuyên trị” về Ấn Độ, Hồ Anh Thái có lấy ý tưởng gì về bình minh ở đâu đó để đặt tên cho các tác phẩm của mình hay không? Nhưng tôi tin chắc rằng tựa đề 1 tác phẩm của anh, “Trong sương hồng hiện ra”, nhất quyết là có lấy từ bình minh Ấn Độ. Bạn thử nhìn xem có phải không nhé.


PB180827.jpg

Chùa Mahaparinirvana trong sương hồng và không gian yên tĩnh – như trong một cõi nào đó khác.


Rất hạnh phúc đắm chìm trong sương hồng ban mai, tôi lại lang thang vào chùa Mahaparinirvana. Trong sáng sớm, chùa yên bình hơn chiều qua rất nhiều và không khí lặng yên vắng vẻ buổi sáng sớm đã trả lại cho ngôi chùa không gian thật trang nghiêm thanh tịnh. Ngay trong chánh điện, nơi bức tượng Đức Phật tọa lạc, lúc này chỉ có mình tôi. Tôi kính cẩn quỳ xuống trước Người, trong một không khí thật tinh khôi và thanh khiết ban mai, tôi cảm thấy thật yên bình, hạnh phúc. Và tôi cũng cảm thấy rằng mình đã thật may mắn đã được đến đây, để quỳ trước Người.


PB180845.jpg

Tượng Phật từ TK V trong chánh điện chùa Mahaparinirvana. Thật hạnh phúc được ở đây trong 1 sáng yên tĩnh.


Nhẹ nhàng rời khỏi chùa, tôi đi lang thang trong khuôn viên quanh chùa. Dù còn rất sớm và sương vẫn còn dày đặc, tôi thấy có rất nhiều vị tăng, sư nghiêm trang ngồi thiền trên các phế tích xưa quanh chùa. Trong sương hồng bãng lãng và trong cái im lặng không có cảnh mua mua bán bán lúc sớm, tôi yêu và kính làm sao hình ảnh những vị sư già nghiêm trang ngồi thiền trên những phiến gạch xưa cũ, dưới bóng bồ đề và sương nhẹ vây quanh… Không khí nơi đây giờ mới thoát tục làm sao.


PB180852.jpg

Những vị sư già ngồi tụng niệm trong sương sớm


Trong sương mờ, những ngôi chùa cũng hiện lên mờ mờ với những nét đẹp rất riêng, rất khác chiều qua trong nắng muộn hay lúc hoàng hôn xuống trời mờ buồn… Tôi cảm thấy mình rất may mắn được đến đây, có 1 buổi sáng thoát tục như thế này ở Kushinagar, rất khó có lần thứ 2…


PB180854.jpg

Thiện nam tín nữ của đoàn khách hành hương Srilanka chuẩn bị đến cúng dường ở chùa Mahaparinirvana


Tôi rời chùa, hướng về Ramabhar Stupa thẳng tiến. Trên con đường mai sớm, tôi lại gặp những thiện nam tín nữ Srilanka đang kính cẩn, nghiêm trang đi vào chùa để dâng lễ sáng. Tôi chân thành mong những điều tốt lành đến cho họ.


(tbc.)
 
Last edited:
Sunauli – Gorakhpur – Kushinagar, hành trình đến miền đất Phật – 8

(cont.)


Càng đi xa chùa, tức là đi vào làng, nhiều cây cối, ven đường, 2 bên là cánh đồng mía cao rậm rì nên sương càng nhiều hơn, càng dày hơn. Mặt trời lúc này cũng đã lên cao, sương càng hồng thắm hơn, rực rỡ hơn. Tôi đi vào con đường sương, như vô định, như tự trôi về cõi nao thâm nghiêm huyền bí. Con đường sương vắng tanh, tôi lang thang một mình, chỉ có những chiếc xe đạp của những người dân, chầm chậm lướt qua, đi vào trong màn sương, rồi như tan biến vào trong sương…


PB180859.jpg

Con đường chạy hun hút trong sương hồng. Một mình tôi lang thang trên đó. Cô đơn nhưng hạnh phúc.​


Tôi đến Ramabhar Stupa lúc chưa có đoàn khách nào đến, dù tôi phải đi bộ gần 20p, còn khách hành hương thường đi theo xe đoàn. Trong khu vườn quanh stupa chỉ có những vị sư đang trang nghiêm ngồi thiền, tụng kinh... Nhẹ bước một vòng quanh stupa, tôi chọn 1 góc vắng, khẽ khàng ngồi trên đám cỏ xanh mềm còn lung linh sương sớm. Ngồi xuống, chẳng nghĩ gì, thật lâu.


PB180870.jpg

Stupa yên tĩnh trong nắng sớm – chỉ có các vị tăng sư nghiêm trang ngồi thiền và tụng niệm.


Stupa này được xây bằng gạch đỏ, trên vị trí được cho là nơi ngày xưa đã làm lễ hỏa táng Đức Phật, sau khi ngài nhập cõi Niết Bàn. Không đọc được ở đâu là ngôi stupa này được xây dựng từ năm nào nhưng cũng đã cổ xưa lắm rồi. Những viên gạch đỏ cũng đã nhẵn mòn vết thời gian, đẹp lạ thường trong sương sớm.


PB180875.jpg

Những đoàn khách hành hương bắt đầu làm lễ quanh stupa


PB180877.jpg

Những sắc màu đơn sơ nhưng phối nên một một bức tranh đẹp thuần khiết


Khu vườn quanh stupa có 1 góc trồng nhiều cây bồ đề. Nơi góc vườn tôi đang ngồi bỗng dưng có vài chiếc lá, vẫn còn xanh, chao nghiêng là đà và rơi xuống, cùng sương, khi một cơn gió mai lành lạnh ùa về. Tôi nhặt lấy những chiếc lá bồ đề, còn lóng lánh những giọt sương mai li ti, trong khu vườn thiêng, nhẹ ép vào cuốn L.P, để chúng đi cùng tôi suốt cuộc hành trình – và cả đến hôm nay.


(tbc.)
 
Last edited:
Sunauli – Gorakhpur – Kushinagar, hành trình đến miền đất Phật – 9

(cont.)


Tôi rời Ramabhar Stupa khi sương đã tan và những đoàn khách hành hương đã bắt đầu kéo đến. Trên đường lang thang đi bộ về, khi đang ngó nghiêng 1 cái quán tre nho nhỏ bên đường, thì có một bác gái người Ấn đã chân tình chạy ra nắm tay tôi, dắt vào quán, kêu tôi ngồi trên chiếc sạp tre cũ kỹ, dọn dẹp cho tôi mấy món nho nhỏ ăn sáng, rót trà sữa cho tôi, chăm sóc tôi như 1 đứa trẻ bơ vơ. Lúc đầu tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng sự chân tình đã làm tôi mạnh dạn hơn, nhưng rất tiếc là tôi chỉ biết cười và giao tiếp bằng tay thôi. Sau đó, bác có tính cho tôi 1 số tiền, rất ít, tôi chẳng nhớ, đâu chừng 20-30Rp, nhưng sự ấm áp của buổi sáng hôm đó, bây giờ tôi vẫn nhớ.


Trên đường về lại, tôi cũng có ngang qua khu Chùa Thái, có kiến trúc rất đa dạng và đẹp dù chỉ nhìn từ xa xa bên ngoài, nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì thấy cách quản lý ở đây khác hẳn những ngôi chùa khác trên đất Thái mà tôi đã từng viếng thăm – hầu như luôn rộng mở cửa cho khách thập phương bất cứ giờ nào. Ở đây, chùa có giờ đóng, mở cửa rạch ròi và giờ mở cửa buổi sáng là 9.00g. Giờ còn rất sớm, tôi không thể đợi đến mãi 9g, nên tôi đi tiếp và cũng không chắc là mình sẽ quay lại sau 9 giờ.


PB180879.jpg



PB180884.jpg

Học sinh trong vườn chùa Linh Sơn


PB180885.jpg

Mô hình các Di tích Phật giáo trong chùa Linh Sơn, cái tháp màu hồng là mô phỏng Đại Bảo Tháp ở Bodhgaya, nhưng tháp gốc thì màu trắng chứ không phải hồng​


Trở về Kushinagar, tôi đi lang thang viếng thăm lại một số ngôi chùa, rồi lang thang phố xá, nhưng chẳng có gì mới vì phố chỉ là con đường ngắn, đâu hơn 500m. Tôi lại quay về Linh Sơn, lang thang trong chùa chụp hình chùa và các trẻ em mà chùa đã tài trợ cho việc học hành, đang có buổi học ngoài sân ở đây. Tôi cũng không gặp được sư cô Trí Thuần, trụ trì chùa – hình như sư cô đã đi công việc Gorakhpur. Anh Minh Tâm của tôi thì giờ đã biến mất, chắc cũng ngại gặp tôi.


PB180896.jpg

Thông tin về hoạt động của chùa Linh Sơn


PB180895.jpg

Trong chánh điện của chùa Linh Sơn


Tôi vào chánh điện vắng vẻ, thành tâm khấn vái rồi nhẹ nhàng rời chùa, ra đường đón xe về lại Gorakhpur.


Nắng sớm đã lên ngập tràn con đường cây xanh của Kushinagar. Tôi chia tay vùng đất Phật thiêng liêng và mang theo mãi cảm giác yên bình thanh thoát của 1 buổi sáng Kushinagar chợt trở lại thoát tục, tinh khôi, như ngày xưa, trong sương hồng ban mai, bồng bềnh...
 
Varanasi - Bình minh tan sương trên sông Hằng – 1

Như vậy, tôi vừa đặt chân xuống miền đất huyền thoại Varanasi khi ngày mới vừa sang được 10p, lúc 12.10pm.


Rời Kushinagar trong 1 sáng nắng vừa lên ngập tràn phố phường, tôi về lại Gorakhpur ồn ào náo nhiệt người đông mà bò cũng đông. Đến nơi, tôi vào ga, nhờ dì người Ấn mua giúp vé chuyến tàu gần nhất, lúc 2.30pm, cho dù dì ấy nói là “mày không nên đi tàu đấy vì nó hơi phức tạp”. Nhưng vì đó là chuyến tàu gần nhất, hơn nữa là nếu đi chuyến tàu này tôi sẽ đến Varanasi vào khoảng 8-9 giờ tối nên sẽ thuận tiện cho việc tìm nhà nghỉ ở khu bờ sông… nên tôi vẫn nhất định sẽ đi chuyến tàu này. Có điều tôi hơi ngạc nhiên khi giá vé chỉ có 33Rp # 11.000VND cho đoạn đường 6 giờ đồng hồ (có cộng thêm 20Rp phục vụ phí, ghi rõ ràng trên vé), trong khi đó giá thấp nhất theo LP là khoảng 70Rp. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ đó.


Gần tới giờ khởi hành, tôi đến chào dì người Ấn, lấy cái balo đã gửi và lên đường. Trước khi đi, tôi quay lại hỏi dì là vé này sao không ghi toa nào và sao không có số ghế. Dì cười và bảo, “mày muốn ngồi bất cứ chỗ nào thì ngồi”. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nhưng cứ nghĩ đây là cách của tàu Ấn Độ, vì đây là chuyến đi đầu tiên của tôi bằng xe lửa trên đất Ấn mà. Thế là cười thật tươi, cám ơn dì lần nữa, tôi thẳng tiến, hòa cùng đoàn người đang rầm rập trên ga, tiến về phía con tàu của mình, đang nằm chen chúc với cả mấy con tàu khác trên cái sân ga có đến mười mấy cái đường ray này.


Hỡi ôi, sau khi chìa cái vé ra và hỏi đúng có phải đây là con tàu đi Varanasi không, với 3 người, cho nó chắc. Tôi bắt đầu leo lên tàu, dù còn hơn 30p nữa mới tới giờ tàu chạy. “Pà Mẹ Việt Nam anh hùng ơi!”, các toa tàu chất cứng người ngồi nằm la liệt. Thôi chết rồi, tôi đi phải tàu chợ rồi. Nhưng sao bây giờ, cùi thì đâu còn sợ lở, tôi chơi luôn. Thế là vác balo đi hết toa này đến toa khác, nơi đâu cũng chen kín người. Tôi cũng đã bắt đầu tính đến chuyện trải báo xuống sàn ngồi thì đến toa gần cuối, gặp 1 băng ghế còn thưa, bèn hỏi. Té ra là ghế kín rồi, nhưng mấy ku con trai trong nhà đang đi lòng vòng đâu đó, còn lại các dì đang giữ chỗ cho con cái. Mệt quá tôi đứng thở một tý rồi tính đi tiếp thì mấy anh trai trong nhà kêu tôi lại và bảo tôi ngồi xuống. Mừng quá trời đất luôn, cám ơn rối rít xong, tôi ngồi ngay xuống, sợ họ đổi ý!?



(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi - Bình minh tan sương trên sông Hằng – 2

(cont.)


Tàu khởi hành, đúng giờ khi trên vé làm tôi mừng thầm. Nó đi đúng giờ như vậy, chắc tới nơi cũng đúng giờ thôi. Thế là yên tâm vụ nhà trọ nghỉ ngơi ở Varanasi rồi, bắt đầu lôi sách ra đọc. Toa tàu bây giờ đã chật kín người ngồi nằm, cả đứng bên cửa toa xe nữa… Vấn nạn kế tiếp của tôi là vấn đề đi “xì trum”. Bạn nào đi tàu Ấn Độ rồi thì biết toilet của nó như thế nào, chưa kể đây là toilet của tàu chợ. Nhưng vấn đề của tôi không phải ở đó, mà là cái balo của tôi ai sẽ trông khi tôi đi vào nơi ấy. Không lý mỗi lần đi lại vác cái balo đi, rồi nếu vác cái balo đi người ta tưởng mình đi luôn, xí chỗ của mình thì sao…? Thế đành tiến hành 2 việc, nhịn là việc đầu tiên, việc thứ 2 là lúc nào nhịn hết nổi phải tranh thủ lúc nào tàu đang chạy nhanh vội vã chen lấn chạy tọt đến toilet rồi nhanh chóng quay về. Vì hy vọng tàu đang chạy nhanh thì sẽ không ai ôm cái balo mình nhảy tàu được… Thật khổ cho những người đi bụi một mình là vậy đó.


Tiếp đến là tàu chạy chậm rì rì, dừng lại ôi thôi là nhiều chỗ, mà nào tôi có dám rời khỏi chỗ ngồi đâu. Cứ ngồi chết gí một chỗ nhìn thiên hạ đi lên đi xuống mà thèm. Nhưng việc đó không quan trọng bằng việc đã hơn 8pm rồi 9pm… mà Varanasi đâu vẫn chưa thấy. Hỏi thăm thì biết là còn xa lắm. Tôi cứ thấp thỏm bồn chồn, đến ga nào tôi cũng hỏi có phải là Varanasi hay không, cho mãi đến gần 12 giờ đêm, khi con tàu bắt đầu tiến vào nơi đèn đuốc bắt đầu xanh xanh đỏ đỏ thì mới yên tâm chút chút, Varanasi đây rồi!

Ở băng ghế kế bên có 1 anh là bác sĩ, rất tử tế hỏi han tôi đi đâu, về đâu. Khi biết rằng tôi sẽ đến khu nhà nghỉ ở gần bờ sông anh ta rất lo ngại và cho tôi số điện thoại, nói là “mày có rắc rối gì hay không kiếm được chỗ ở thì gọi lại cho tao”. Mà ai chẳng biết là khu gần bờ sông đó nổi tiếng phức tạp trên toàn cõi Ấn Độ….


Cám ơn anh trai Ấn, sửa sang lại y trang, hành lý, tôi nhảy xuống tàu theo dòng người ùa ra cổng, đi qua cái sảnh của nhà ga, nơi dân tình Ấn Độ đang nằm la liệt mà tôi bùi ngùi thương cảm. Có đâu ngờ, mai mốt tôi cũng như họ, la lết ở sân ga. Không biết lúc đó có ai thương cảm cho tôi không?


Ra khỏi ga lúc đã gần 12.30 giờ đêm, tôi rẽ trái đi ra xa xa ga để kiếm một chiếc xe lôi đạp. Mấy anh ku Ấn Độ đón khách ở gần ga chặt chém ghê quá nên tôi đi xa hơn nữa, gặp 1 bác già già, có vẻ tử tế hơn. Cũng may là từ chiều tôi đã gọi điện thoại đặt chỗ ở 1 nhà nghỉ ở đây (Yogi Lodge) nên giờ móc điện thoại, gọi anh chủ nhà nghỉ, rồi đưa điện thoại cho bác xe lôi xí lô xí là. Xong, leo lên xe ngồi thẳng tiến về khu bờ sông.


Bạn nghĩ sao khi ngồi trên xe lôi lóc cóc chạy giữa đêm lành lạnh, vắng tanh vắng ngắt, đường phố đèn đuốc chập chờn ở 1 thành phố xa lạ vốn nức danh vì sự phức tạp. Thú thật là ban đầu tôi cũng hơi rờn rợn khi thấy chẳng có ai trên đường phố. Mà tôi cũng không nghĩ Varanasi nó vừa hoang vắng vừa cũ kỹ xập xệ như vậy, vì cứ tưởng ít ra nó cũng cỡ Calcutta ngày xưa tôi đến chứ. Nhưng lòng cứ nghĩ mình “nothing to loose” nên chơi luôn. Đến khu bờ sông, mọi việc đỡ hơn vì đèn đuốc sáng choang nhưng lại bị chèo kéo bu níu trên mức nhiệt tình của các cò nhà nghỉ, cho dù bác tài xe lôi đã nói rõ với họ là tôi đã có nơi nghỉ. Thấy đám cò bu đông đông, cũng hơi hãi, tôi nhờ bác tài cùng tôi đứng chờ đến lúc anh chủ nhà trọ ra đón. Mãi lúc sau anh ấy mới ra và tôi lại lóc cóc vác balo đi theo anh ấy vào con hẻm nhỏ, vòng vèo quanh co (mà sáng hôm sau tôi đã lạc khi đi ra phố) để đến nhà nghỉ Yogi Lodge.


Leo lên cái phòng dormitory 6 giường nhưng chỉ có 1 mình tôi, tôi vật ra, lăn đùng xuống giường và chìm sâu vào giấc ngủ nhiều mộng mị của ngày đầu tôi đến bên “sông Hằng mẹ tôi”!


(tbc.)
 
Last edited:
Backpack ơi,
Cảm ơn thật nhiều bài viết của bạn. Mình đang nóng lòng chờ những bài viết tiếp của bạn về Ấn độ. Đầu tháng 11 tới mình cũng bụi đời qua Ấn rồi Nepal trong vòng một tháng bạn à. Mong đọc bài của bạn để học thêm chút kinh nghiệm.
 
Backpackervn thân mến,
Bạn có thể mô tả thêm về chùa Linh Sơn được không, vì dụ như địa chỉ, đường đi... Mình rất quan tâm về ngôi chùa này và dự định có kế hoạch đi chùa VN trên đất bạn mà bạn đã mô tả.

Cám ơn bạn nhiều nhiều, đọc bài của bạn hay tuyệt vời và lý thú, vừa thương mến vừa kính nể bạn đi bụi một mình trong thời gian dài. bạn có cảm thấy cô đơn khi đi một mình không?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,032
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top