What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 1

@ 2LuaMienTay, là bpk chụp cho bọn trẻ thôi chứ bpk không có chụp hình mình chung với bọn trẻ, từ ngữ lủng củng quá há, làm bạn hiểu lầm. Hình bpk á, đưa lên sợ xấu đến cháy nổ màn hình, rồi có người kêu công an bắt nữa (chỉ vì tội quá xấu thôi, không có mấy tội khác – cần nói rõ 1 tý kẻo hiểu lầm)… Nói vậy chứ bpk đi bụi 1 mình, tự chụp hình mình đã khó, lại chỉ ăn chơi nhảy múa với danh lam thắng cảnh, với bia bọt là chủ yếu…. nên ít có hình của bpk lắm. Nhưng nếu có dịp thì bpk cũng sẽ đưa lên thôi, để ra đường lỡ có va quẹt xe cộ còn đỡ bị oánh (!?). Cám ơn bạn đã quan tâm nghen(beer)!

P/S: Mà bạn có biết cái vụ đi một mình, đưa máy hình nhờ người khác chụp giùm, họ cầm chạy mất luôn không? Vụ này có lên báo, lên phim… luôn rồi đó.
.............................................................................



Trước khi tôi cùng bạn lang thang trôi trên sông Hằng một chiều đông muộn, chúng ta lướt nhanh qua lịch sử sông Hằng và thành Varanasi một tý nhé. Thông tin này cũng tích cóp từ net, L.P. các brochure du lịch…, sơ lược lại cho các bạn nào lười tìm hoặc lười đọc L.P.


Sông Hằng là một con sông quan trọng ở Ấn độ, dài 2510 km, bắt nguồn từ rặng Hymalaya, chảy vào Ấn độ qua Bangladesh và đổ vào vịnh Bengal, lưu vực sông có diện tích khoảng một triệu km². Tên của nó liên quan đến một vị thần của Ấn độ giáo – Ganga. Đây là là con sông phì nhiêu và có nhiều cư dân sinh hoạt đông đúc 2 bên bờ, trong đó đoạn sông chảy qua Varanasi được xem là dòng sông thiêng của đạo Hindu. Đoạn sông có nhiều huyền thoại khiến những đạo sỹ khổ hạnh, thường dân bá tánh… tụ tập ở đây cầu nguyện, tắm gội để tẩy rửa những tội nghiệp của cõi nhân gian. Hầu như cảnh quan và nghi thức sinh hoạt ở đây không có nhiều thay đổi suốt hơn 2.500 năm qua. Khi Đức Phật đến đây vào 2.500 trước đã như vậy, thế kỷ thứ bảy Ngài Huyền Trang thỉnh kinh đến đây vẫn vậy, đến ngày nay sinh hoạt xã hội và con người vẫn gần như vậy - và đó là nét hấp dẫn và làm kinh ngạc du khách toàn thế giới.


Varanasi, nằm dọc theo bờ sông Hằng, là 1 trong những thành phố lâu đời nhất trên hành tinh. Ra đời từ 3.500 năm trước, thành phố phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ VIII Công Nguyên, khi Hindu giáo, vốn rất cực thịnh thời bấy giờ đã chọn thành phố làm nơi thờ phụng thần Shiva. Sau đó, vào những năm 1.300, những người Afghan đã bắt đầu tàn phá thành phố. Tiếp đến, những cuộc chinh phục của các lãnh chúa Hồi giáo đã phá tan hầu hết những đền đài xưa cũ. Tuy giờ đây vẫn có thể thấy nhiều đền đài xưa, nhưng chúng cũng chỉ vài trăm năm tuổi (!) chứ những đền đài của thời vàng son Varanasi hầu như không còn nữa. Hơn một trăm tòa tháp dọc bờ sông, gọi là Ghat, được sử dụng làm nơi tắm rửa để gột sạch tội lỗi và cũng là nơi cầu nguyện của những nhà khổ hạnh, đạo sỹ, cư dân Varanasi cũng như ở khắp Ấn độ. Ngoài ra còn vài Ghat được dùng làm nơi hỏa táng. Từ lúc bình minh, các đạo sỹ cùng tín đồ của họ tụ tập tắm gội và cầu nguyện. Trong tất cả Ghat, Dasaswamedh Ghat là tráng lệ và đồ sộ nhất. Có Ghat dùng để làm bến tắm gội, có Ghat để thực hành Yoga, cầu nguyện, cũng để làm nơi bán trầu cau, tràng hoa, đấm bóp trị liệu, bơi lội, và cả hành khất xin ăn…


Varanasi là 1 trong những thành phố cuốn hút du khách nhất của Ấn Độ, bởi những đền đài xưa cũ, bởi những ghat cũng cũ xưa, bởi cuộc sống nhiều màu sắc và đặc biệt bởi dòng sông Hằng linh thiêng chạy ngang qua. Thành phố còn có các tên khác như Benares, thành phố của thần Shiva… Nổi tiếng như Taj Mahal,… nhiều người nói rằng, đến Ấn Độ mà chưa đi thuyền trên dòng sông Hằng để chiêm ngưỡng Varanasi soi bóng bên sông thì cũng xem như chưa đến Ấn Độ vậy.


Ngoài ra, có những điều tôi ít đề cập, tuy cũng đã có nhắc nhẹ đến ở đầu hành trình, là ở Varanasi cũng như ở nhiều nơi trên đất Ấn, mọi việc không yên bình, nhẹ nhàng như trong loạt bài này đâu. Tôi cũng có nhắc đến những chuyện giựt dọc, lừa gạt… nhưng rất nhẹ, vì sau chuyến đi này, tôi đã nhìn Ấn Độ với một cách nhìn khác. Còn chuyện “tệ nạn” ở Ấn Độ, của mỗi ngày, nếu kể, tôi sẽ phải kể miệt mài. Do vậy, chỉ nhắc các bạn là nên hết sức cẩn thận, tỉnh táo, cảnh giác và cố gắng hạn chế tiếp xúc với những người làm dịch vụ du lịch mà nên tiếp xúc với người dân thường. Có gì cần, các bạn cứ hỏi thăm mấy anh cảnh sát hoặc mấy bác lớn tuổi… thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Có điều là, khi bạn đến Ấn, nhìn thấy cuộc sống của người dân ở đây… bạn sẽ phần nào hiểu và thông cảm cho họ.


(tbc.)
 
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 2

(cont.)


Tôi leo lên chiếc đò chậm rãi trôi ra giữa dòng sông Hằng lúc trời chiều đã chập choạng. Vì không đoán trước việc kẹt xe ở Varanasi nên tôi đã về đến bờ sông trễ hơn dự định. Cũng chẳng sao, vì cả chiều hôm nay có thấy mặt trời đâu nên việc ngắm hoàng hôn bên sông chắc chắn là không thể. Với lại, mặt trời sẽ chìm xuống bên này sông, tức là phía các ghat, cũng như thành Varanasi, do vậy muốn ngắm hoàng hôn trên sông Hằng thì phải qua bên kia sông. Thôi, đi đò trên sông chiều là được lắm rồi – được xem như là đã đến Varanasi rồi còn gì.


PB191087.jpg

Sông Hằng huyền thoại đã bị làm ô nhiễm đến mức này đây!


PB191056.jpg

Tôi lên đò rời bến lúc sông đã lên đèn nhưng vẫn còn chút ráng muộn trên thành xưa.


PB191059.jpg

Nhiều những con đò của những gia đình, bạn bè vui vẻ trên sông, đò tôi chỉ riêng mình tôi…​


Đò lặng lẽ trôi trên sông chiều chập choạng. Ông lái đò cũng đã già lắm rồi nhưng vẫn còn mạnh khỏe và vui tính, nhiều lúc cứ ngân nga những bài dân ca Ấn Độ nho nhỏ trong lúc chèo đò làm không khí càng thấm đẫm hương vị Varanasi.


PB191073.jpg

Ông lái đò trên sông Hằng


PB191057.jpg

Đò bắt đầu đi vào sương khói chiều lan man trên sông


Bờ sông nhiều bùn và rác bẩn, ra giữa sông thì đỡ hơn nhưng sông vẫn đùng đục, lại càng tối màu hơn trong chiều tắt nắng. Có 2 hướng để đi thuyền trên sông từ Dasaswamedh Ghat, rẽ phải đi xuống hướng Assi Ghat, rẽ trái đi về hướng Manikarnika Ghat, nơi hỏa táng người nhiều lớn nhất ở Varanasi. Tôi chọn hướng đi Manikarnika vì hướng này ngắn, hướng kia dài hơn sẽ để dành cho chuyến đò ngày mai đi trong bình minh. Và tôi chọn hướng này vì muốn có 1 cái nhìn khác về Manikarnika Ghat, từ giữa sông nhìn về, thay vì từ trên bờ sông.


PB191076.jpg


PB191075.jpg

Đền đài xưa bên sông chiều


Con đò cứ lặng lẽ trôi chậm chạp, từ từ lướt qua những lâu đài theo nhiều kiến trúc xưa cũ đa dạng khác nhau. Trong bóng chiều quá cũ, những toà lâu đài này không tỏa nổi bóng xuống dòng sông cũng sẫm màu, dường như chúng cô đơn đến mức không có chiếc bóng để làm bạn?! Trên dòng sông còn có nhiều di tích giờ nằm dưới lòng sông tuy đã cũ xưa nhưng vẫn cho thấy dáng kiêu hãnh của ngày nao lầu đài thành quách còn kiêu hãnh soi bóng trên cao.

(tbc.)
 
Last edited:
@ 2LuaMienTay, là bpk chụp cho bọn trẻ thôi chứ bpk không có chụp hình mình chung với bọn trẻ, từ ngữ lủng củng quá há, làm bạn hiểu lầm. Hình bpk á, đưa lên sợ xấu đến cháy nổ màn hình, rồi có người kêu công an bắt nữa (chỉ vì tội quá xấu thôi, không có mấy tội khác – cần nói rõ 1 tý kẻo hiểu lầm)… Nói vậy chứ bpk đi bụi 1 mình, tự chụp hình mình đã khó, lại chỉ ăn chơi nhảy múa với danh lam thắng cảnh, với bia bọt là chủ yếu…. nên ít có hình của bpk lắm. Nhưng nếu có dịp thì bpk cũng sẽ đưa lên thôi, để ra đường lỡ có va quẹt xe cộ còn đỡ bị oánh (!?). Cám ơn bạn đã quan tâm nghen(beer)!

P/S: Mà bạn có biết cái vụ đi một mình, đưa máy hình nhờ người khác chụp giùm, họ cầm chạy mất luôn không? Vụ này có lên báo, lên phim… luôn rồi đó.
.............................................................................



(tbc.)

Thanks Bpk. Mình hiểu ý của bạn.
Tuy nhiên, đừng bao giờ tự nhận mình là xấu cả, mỗi người có 1 nét đẹp riêng mà. Không ai hoàn hảo cả, mỗi người có thế mạnh và yếu điểm khác nhau. Quan trọng là mình tự tin vui vẻ thoải mái là được. Chuyện "nhan sắc" không quan trọng. Vì vậy mong một ngày đẹp trời nào đó được diện kiến dung nhan của bạn. (c)

Vụ đi 1 mình, không dám dưa máy nhờ người khác chụp, vì gặp kẻ xấu nó ôm máy chạy luôn. Dĩ nhiên, tụi này đi cả đám mà còn sợ nữa kia, huống chi đi 1 mình. Nhưng mình nghĩ, có những nơi cao ráo để đặt máy auto, hay chỗ vắng người mình có thể đặt chân máy. Thì chuyện tự chụp ảnh cho mình không phải là không thể. :)
 
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 3

(cont.)


Trên bờ, những gia đình vẫn tụ tập tắm sông lần cuối trước khi đêm về. Trên những bệ đá ven bờ sông những gia đình vừa làm lễ hỏa táng xong cho người thân vẫn nghiêm trang ngồi khấn nguyện, những chiếc áo đỏ vàng của các đạo sĩ giờ là những điểm nhấn rực rỡ cho dòng sông đã gần sang đêm.


PB191077.jpg

Tẩy trần lần cuối trước khi đêm về


PB191061.jpg

Đạo sĩ vẫn còn bên bến sông


PB191081.jpg

Đền đài xưa trong bóng chiều chập choạng


Trên dòng sông, ngoài những chiếc đò bé cô đơn dập dềnh như chiếc đò tôi đang đi còn có những chiếc thuyền lớn hơn, có những gia đình Ấn đi làm lễ hay tham quan. Họ thả xuống dòng sông những ngọn nến khấn nguyện nằm trên những đóa sen giấy nhỏ xinh, những hoa đăng. Những đốm lửa cứ chập chờn trên sông theo sau những lọn sóng nhỏ từ con thuyền, rồi dần tản ra thành những đóa hoa lửa li ti nhấp nháy trên dòng sông phẳng lặng. Trên dòng đã dần tím sẫm, đôi lúc những đóa sen nguyện cầu mang nến tập trung thành một thảm hoa lửa li ti, vừa đủ tạo nên 1 vầng sáng mờ ảo huyền hoặc trên những vùng sông xa xa, tạo cho sông Mẹ một vẻ đẹp huyền bí của lúc ngày tàn.


PB191060.jpg

Hoa đăng bé nhỏ dập dềnh trên sông


PB191067.jpg

Manikarnika Ghat lúc chiều muộn, lửa rực sáng góc sông, khói vấn vương bay là đà trên sông như khói sóng…


Đi tiếp lên nữa, gần Manikarnika Ghat, nơi giờ đây những đốm lửa hoa đăng giờ như lụi tàn hoặc quá mờ nhạt nên chúng đành bỏ đi tan thân theo sóng. Những ngọn lửa rừng rực từ các hỏa đàn bên sông đã làm chúng đã quá mong manh lại càng trở nên quá nhỏ bé. Trong chiều muộn, từ ngoài sông nhìn vào các đống lửa đang rực cháy đốt thiêu thân xác của những kiếp người vừa rời cõi tạm, cứ phừng phực, phừng phực như quấn quíu hồn ai đang bay cao. Trong đám tro bụi đang bay tít mù quẩn quanh trên cao kia, có còn chút gì của ai đó còn vương vấn, có ai nào biết? Chỉ biết là những con thuyền đi qua đây đều lặng lẽ nhẹ nhàng chầm chậm trôi, để người ngồi trên thuyền có chút yên ắng, chút thời gian để suy ngẫm về thân phận, về kiếp người, về cuộc sống, về con sông nào có thể rửa trôi, có thể mang đi những tội nghiệt của một kiếp người. Có con sông nào?


(tbc.)
 
Bpk viết duyên quá, những nhận xét rất tinh tế, hóm hỉnh.
Đồng hành với bạn này chắc thú vị lắm đây
Mình thích các chuyến đi của bạn
 
Bpk viết hay quá, hik mình là dân từng ăn nằm ở đậu India tới 5 năm liền, cũng đã đi 4 thánh tích về Phật nhưng thực sự là đọc các bài viết của bạn mình thấy thật xấu hổ vì chả biết gì cả hik hik, nhưng đây cũng là động lực để có 1 ngày quay lại chốn xưa. Bạn chắc là con trai mới dám đi 1 mình chứ thực sự mà nói nếu là nữ thì du lịch 1 mình ở India là điều hết sức nên tránh, có thể sẽ challenging nhưng rủi ro nhiều hơn. Khi nào bạn có kế hoạch đi lại Nepal India có thể lên đây rủ bạn đồng hành được không?
Mình thì không đóng góp được gì cho bài viết của bạn vì đã 9 năm rồi kể từ ngày thăm các di tích của Phật ở India (chỉ dám ngồi im và chờ đợi các bài của bạn thôi), nhưng có một ý kiến nho nhỏ cho các bạn nếu có ý định đi đất phật, về chuyện ở mình recommend ở chùa Thái, không phải vì mình không yêu Việt nam nhưng không hiểu sao các chùa VN mình ở bên Ấn độ mặc dù là toàn tâm toàn ý theo Phật mà sao vãn bị vướng bận chuyện chính trị này nọ, do vậy nhiều khi không thoải mái lắm. Cánh đây đúng 9 năm, mình nhớ mình đến chùa Linh Sơn nhu bpk có kể ở trên, có 1 cô sư rất dè chừng khi biết mình là dân Hà nội (dân bắc cơ), rất chi tủi thân. Chùa Thái vừa sạch sẽ, người Thái cũng rất thân thiện và chi phí theo mình nhớ cũng rẻ (ngày xưa tầm 200rp/ đêm).
Hope this helps

thanks bpk again nhé.
 
Sông Godavari

Góp vui với bác bpk.
.........

Về mặt tôn giáo, thứ hai sau sông Hằng là sông Godavari. Godavari chảy từ bang Maharashtra sang Andra Pradesh, từ đông sang tây miền trung Ấn, và dài gần 1500km. Cũng như các con sông lớn khác ở Ấn, Godavari có ý nghĩa quan trọng đối với đạo Hindu và dọc theo sông người ta xây những ngôi đền thờ các vị thần khác nhau. Cứ mỗi 12 năm, hàng triệu người đổ về bên bờ sông để tham gia hội Pushkaram và tắm rửa tội trên con sông này.

Hình chụp ở Rajamundry, Andra Pradesh.

DSC06204.jpg


DSC06210.jpg
 
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 4

@ Aces, ôi trời đất quỷ thần ơi, bạn ở Ấn Độ đến 5 năm trời, hình như lúc đó còn là sinh viên nữa, vậy chắc bạn đi nát tan hết Ấn Độ rồi. Tiêu bpk rồi, may mà bữa giờ chưa có “cưa bom, quăng lựu đạn” chứ nếu không bị bạn bắt giò nát tan rồi. Ừ, bpk là nam, lại thuộc dạng “no thing to loose” nên cứ đi lơn tơn chẳng ngại gì hết, chỉ ngại là xài hết tiền luôn rồi không còn đường dzìa quê thôi. Bpk cũng có mấy người bạn nữ, đi bụi Ấn Độ một mình, cũng gặp vài khó khăn, lừa đảo nhưng cuối cùng cũng chẳng sao. Còn chuyện ở các chùa á, bạn nói rất đúng, bpk cũng không nên nói thêm. Nhưng ngoài ra, bpk có gặp vài sư cô ở các nước khác về đây hành hương thì các cô rất dễ thương. Lúc nào rảnh rỗi, bạn lục lọi lại ký ức và vào đây chia sẻ cho thay đổi không khí nghen. Cám ơn bạn!


@ oilman, cảm ơn bạn nhiều nhiều. Bpk chưa biết nơi này vì bpk đi theo 1 cung đường dự định, có nhảy ngang nhảy dọc nhưng cũng chỉ bám theo cung đó. Mà trên cung đường đó thấy LP không nhắc đến con sông này. Hy vọng đây sẽ là điểm đến cho lần đi Ấn Độ kế tiếp. Bạn chia sẻ thêm thông tin về nơi này và về các nơi khác trên đất Ấn đi nhé!
..........................................................................................


(cont.)


PB191080.jpg



PB191079.jpg

Chiều muộn lắm, những con đò từ từ trôi vào trong khói sương


Sông dần chìm vào trong sương, những đốm lửa hoa đăng, những vạt lửa hoa đăng giờ càng chập chờn huyền bí. Những chiếc thuyền lặng lẽ đi vào màn sương, biến mất trong sương. Từ xa phía sau, những ánh lửa hừng hực của Manikarnika Ghat giờ chỉ đủ sức làm màn sương khói vây quanh, tạo thành một khối hồng hồng nơi xa xa. Những chiếc bóng đèn cao áp rọi sáng bên bờ sông giờ sương ôm ấp vây quanh, chỉ tỏa ra những quầng sáng mờ mờ, vừa đủ cho những con thuyền biết được là đang đi không quá xa bờ. Cái lạnh của hơi nước đã bắt đầu theo những cơn gió nhẹ bay lên sông đêm, cái màn sương khói quẩn quanh quấn quíu, cái ánh sáng mờ mờ từ những chiếc đèn bên sông,… rồi những con thuyền đi vào trong sương như chợt tan biến, chợt tiếng quạ chao chát vang lên trong sương mờ… làm tôi chợt rùng mình, co ro ôm gối thu mình lại thật nhỏ bé trên con đò, dù biết con đò đã gần về đến bến. Đêm chưa lạnh sao tôi bỗng thấy lạnh.


PB191089.jpg

Những đèn hoa bé nhỏ này rồi sẽ lênh đênh trên sông, như những kiếp người lênh đênh trong cuộc dâu bể.

Tôi chuếch choáng leo lên bờ, ngay Dasaswamedh Ghat, nơi sắp có nghi lễ cúng Mẹ sông Hằng hàng đêm lúc 7pm, định thần một lúc trước khi đi tiếp. Tôi quay về nhà trọ để gột rửa bụi trần và chắc còn nhiều thứ bụi khác đã vấn vương của 1 ngày dài Varanasi.


PB191092.jpg



PB191093.jpg

Chuẩn bị làm lễ ở Dasaswamedh Ghat


Đêm Varanasi không yên tĩnh. Ngoài phố vẫn đông đúc và ồn ào. Bên bờ sông, khi đi dọc các ghat theo hướng ngược về Assi Ghat để tìm xem có gì mới, tôi chẳng tìm thấy được điều gì mà còn bị quấy rầy rất nhiều bởi nhiều thanh niên Ấn bán buôn gạ gẫm đủ thứ. Tôi quay về ghat cũ, leo lên ốc đảo mà sáng nay tôi cũng đã “lẩn trốn” Varanasi ở đó. Những ly Kingfisher hôm nay sao mau làm tôi lưng tưng hơn mọi bữa.


PB191095.jpg

Bia một mình bên dòng Ganges


Về khuya, phố bờ sông vắng tanh vắng ngắt, tôi vẫn lặng ngồi, cô đơn ôm gối nhìn xuống sông xa bên dưới. Khi không còn những ồn ào nhộn nhịp, không còn những con đò ngược xuôi, không còn những đám người tới lui ồn ã… khi những con đò nhiều màu sắc giờ tụ tập về nằm im lìm bên bến sông, khi sương đầu đêm đã tan, mang theo nhiều bụi bặm để lại bầu không khí trong trẻo hơn, khi những cơn gió đêm nhẹ về khơi gợi những nỗi niềm riêng, chút hương hoa đêm quen thuộc thoảng nhẹ từ 1 góc quán chợt gợi nhớ… sông Hằng bỗng mang một vẻ quyến rũ khác, của dòng sông đêm huyền hoặc, của 1 dòng sông như không có thật trên cõi trần gian nhiều tội nghiệt chỉ muốn rũ hết cho sông mang đi...


PB191097.jpg

Bờ sông Hằng về đêm vắng vẻ, tĩnh mịch, những con đò nhiều màu sắc ngoan ngoãn ngủ ngon,
đem lại cho dòng sông một vẻ đẹp rực rỡ khác hẳn ban ngày.



Đêm nay có thật không, sông Hằng?



(tbc.)
 
Bkp viết thật hay, mình cảm giác phiêu lãng qua từng dòng viết của bạn. Khâm phục và mơ ước lắm sự tự do "lơn tơn" như bạn vậy , nhưng biết chắc cũng chỉ là mơ ước! thôi đành du lịch theo câu chữ và hình ảnh của bạn, cảm ơn bạn nhiều!
 
@bpk: oilman chỉ tình cờ tới vài nơi ở Andra Pradesh nên mới biết sông Godavari. Varanasi trên sông Hằng luôn là trung tâm của các lể hội Hindu hàng năm. Khi ở thành phố nhỏ bên bờ Godavari, hỏi người lái xe rickshaw (mà họ còn gọi là three wheels) ở đây có phong cảnh gì hay thì anh ta chở oilman ra bờ sông nơi có hàng chục ngôi chùa Hindu cũ có mới có và giải thích con sông này quan trọng ra sao đối với họ. Hành trình của bpk thật tuyệt, đi được nhiều nơi và cảm nhận được cái thú chu du thiên hạ.

Ở Ấn nên thưởng thức cơm biryani. Món cơm này bắt nguồn từ các nước hồi giáo ở trung đông nhưng tới Ấn Độ nó trở nên màu mè và nhiều hương vị hơn. Có khá nhiều kiểu nấu khác nhau nhưng nhiều người Ấn mà oilman đã nói chuyện cho là cơm biryani nấu theo kiểu Mughal (kiểu Afghanistan) ở Hyderabad mới là số một. Nếu có dịp tới đó, nhớ thưởng thức món đó.

Phục vụ món biryani ở nhà hàng Paradise Persis, Hyderabad.
DSC06903.jpg


Charminar là cổng có bốn tháp theo phong cách hồi được xây bởi một trong các vua Mughal ở Hyderabad

DSC06890.jpg


Họp chợ nhỏ buổi tối

DSC06889.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top