What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek - Có chuyến đi dài hơn đất trời

Vậy là đoàn chúng mình đã vượt qua đèo Thorong La ko trượt đứa nào. Một ngày nắng phè phỡn ở Pokhara để viết vài dòng về mấy ngày lạnh tê tái vừa mới ngang qua trước mắt mà nổi da gà.
img_20191117_0933273809018423996607845.jpg

7 chúng tôi và Ganesh – guide

Ở nhà, khi đọc review chúng mình vẫn không lường trước được độ khó khăn đến như vậy. Bạn mình từng đi cung này bảo “cứ tưởng tượng đêm trước còn nói cười chơi bài với nhau, sáng ra bị trực thăng cẩu về”. Câu nói ám ảnh đó làm cả đêm trước khi vượt đèo khiến mọi người lao vào giấc ngủ tốt nhất.

Sáng hôm sau 4h30 chiến đấu với cái bánh nướng lót dạ đầy ngán ngẩm, đạp từng thớ tuyết bước đi trong câm lặng. Chỉ 4km qua đèo mà bước đi đông cứng, tay chân không còn là của mình, phổi một đống băng, nước uống váng đặc đá. Chẳng biết viết sao để mỗi bước chân lê lết đến đèo, chắc là giống mấy phi hành gia khám phá mặt trăng.

Khoảnh khắc thấy đèo hiện ra, mệt tan đi như băng tan một ngày mùa xuân. Cả đám hò reo vì đã không ai bỏ cuộc. Vì suốt 9 ngày trời leo lên từng độ cao, nước mũi chảy ra không gì thấm nổi.
img_20191117_091916-13034685320842559864.jpg


Chúng mình chỉ là những bánh bèo bánh chuối tầm thường leo lên một đỉnh cao mới trong cuộc đời mình. Vẫn biết, một đỉnh cao không chỉ là một con số hồn nhiên vô tư dễ dàng nói ra, nhưng hành trình chinh phục con số ấy đầy rẫy những câu chuyện vụn vặt mà tụi mình không thể nào tìm thấy trong những ngày lầm lũi ở Sài Gòn.

(Còn tiếp)
 
Buổi chiều hôm ấy chúng tôi hạ độ cao xuống được Muktinath. Một thị trấn nhỏ xinh đẹp và tấp nập. Muktinath nghĩa đen là Đấng cứu độ. Tại đây có một ngôi đền linh thiêng thờ thần Vishnu của đạo Hindu. Mình lê lết về Muktinath lúc nắng chiều còn vàng ươm, không khỏi bất ngờ khi ngắm nhìn thị trấn này.

dsc_4034.jpg
lết về Muktinath
img_20191117_164553.jpg
Muktinath vàng ươm nắng
Dọc đường những chiếc xe mô tô, xe jeep chạy xen lẫn với những con ngựa đi lang thang đầy phố. Nhà cửa xây kiểu cổ cổ, thấp thấp, đồ lưu niệm bán đầy hai bên đường. Jeten ra đón bọn mình – những đứa trẻ đã kiệt quệ sức lực sau một ngày thức dậy từ 4h sáng và có một bữa trưa chẳng ngon lành gì. Ơn giời buổi tối đã được vào bếp nấu cơm. Mình gội đầu, nước vẫn lạnh buốt, nhiệt độ đâu đó 0-3 độ. Leo lên mái nhà ngồi phơi nắng chút mà gió thổi sợ hãi quá lại xuống bếp cho ấm.

20191117_145502.jpg
Có ngựa đi đầy đường
img_20191117_151319.jpg
Nhưng có wifi free
Buổi tối hôm nay là ngày đầu tiên bọn mình có WIFI FREE để sử dụng sau 1 tuần cắt liên lạc. Cũng chẳng có gì đăc biệt, chỉ là thông báo cho gia đình, nhắn 1 cái tin chung chung cho bạn bè là tao còn sống khoẻ, nhan sắc hơi tàn nhưng đã bò qua được con đèo sừng sững tuyết trắng ở Nepal rồi đấy.
 
Bọn mình đến Marpha nhàn nhã với 20km ngồi ô tô vòng vèo uốn lượn thả đèo từ Muktinath về cộng với vài ki lô mét trek nhẹ nhàng cho biết thế nào là gió táp vào mặt. Marpha gây ấn tượng khá mạnh với cả đoàn bởi những cơn gió thốc xéo xắt, quật ầm ầm từ sáng đến đêm như bão cấp 7 cấp 8. Những vườn táo sai trĩu quả, những hàng cây liễu cây ơ gì ngả vàng bao xung quanh là những dãy núi tuyết, Marpha nằm giữa đó, lặng lẽ im lìm mà cất giấu một thứ đặc sản vạn người mê và 7 người sợ : rượu táo Marpha.

img_20191118_080336.jpg
Buổi sáng ở Muktinath, vẫn núi tuyết điệp trùng
20191118_090030.jpg
Trên chiếc xe mào xanh thả dốc không phanh
img_20191118_090622.jpg
Một toà thành cũ
20191118_090605.jpg

Buổi trưa bọn mình được ở một ngôi nhà ngay đầu làng, đóng kín cửa vẫn nghe gió rít ầm ầm bên ngoài, đến mức không sao ngủ được. Sau bao ngày ngán ngẩm với bò yak và gà, hôm nay Ganesh cung cấp cho bọn mình một con cá basa béo ú. Chị Quân lấy vài nhát làm món cá kho, có tiêu, có nước mắm và cả những quả ớt Nepal cay xé gió, một nhát đầu được cất lại để tối rim cà chua.

dsc00973.jpg
Táo Marpha và các sản phẩm làm từ táo, 2 chai rượu nữa ợ
dsc00977.jpg
Táo đóng gói thành từng bịch 5 10kg cho dễ bán
20191118_105442-1.jpg
Nhìn núi mà mắc ngán
20191118_100740.jpg
Vẫn buốt răng dù nắng chói chang
img_20191118_105258.jpg
Mấy con quỷ ô tô đi qua bụi mù
img_20191118_111239.jpg
Đi qua cái thung lũng này là tới Marpha. Ngọn núi tuyết xa kia nhìn như ghép vào
 
img_20191118_094924.jpg
Biển báo hề hước ghê
Buổi chiều cổ họng lão Việt vẫn sưng, ngây ngấy sốt. Bọn mình đã dốc hết thuốc đau đầu ho sốt gì mang từ VN qua để uống lúc trên đèo Thorongla, nên Dr Ganesh phải dẫn lão Việt vào làng lấy thuốc thêm. Từ đầu làng đi vào trong làng chỉ tầm 500m nhưng gió lạnh rất kinh. Vậy mà cả đám cũng không bỏ bạn bè, đi theo cho bằng được.

20191118_165836.jpg
Marpha – thị trấn gió
Rất ít người và bài viết viết về Marpha. Thế nên bọn mình cũng chẳng biết ngôi làng nhỏ này có gì hấp dẫn để ghé thăm. Vậy mà khi bước qua cổng làng tự nhiên cả đám lại ao ước giá như buổi tối bọn mình được ở đây, con phố này khá là sầm uất tấp nập với những ngôi nhà san sát làm hoàn toàn bằng đá, xung quanh là bạt ngàn táo sai trĩu quả. Bọn mình reo lên khi nhìn thấy những quán bia, những tiệm bánh thơm nức mũi, nhưng phát hiện ra không đứa nào mang theo tiền, thật là hài hước. Thế nhưng chưa ngạc nhiên bằng việc vừa thấy vài dấu vết của cuộc sống hiện đại thì lại chứng kiến cảnh những chuồng ngựa nằm ngay cạnh đường. Chiều buông, người dân lùa ngựa về nhà đi ngang qua phố, “bom” rơi đầy đường. Bọn ngựa đi thong thả nhàn nhã trên con phố nhỏ, chẳng đoái hoài gì đám người lạ mặt đang ngơ ngác nhìn.

img_20191118_164911.jpg
Ngựa về nhà, hiên ngang giữa phố
img_20191118_165021.jpg
Bình yên Marpha
img_20191118_164751.jpg
img_20191118_164939.jpg
Phút lãng mạn của anh tôi
img_20191118_163914.jpg
3 cháu bé trước cổng làng
dsc_4097.jpg
dsc_4083.jpg

Gió lạnh, mặt trời khuất sớm, phố xá lại thiếu vắng những âm thanh huyên náo ồn ào, chúng tôi dường như là những du khách nước ngoài duy nhất ở Marpha. Những người phụ nữ túm tụm tám chuyện nơi đầu làng, vài cửa hàng bán đồ lưu niệm, rượu táo, chẳng ai buồn chèo kéo mời khách, còn chẳng nhìn thấy người bán hàng ấy chứ. Marpha dường như là một ngôi làng, một trấn nhỏ bị lãng quên trên con đường trở về Pokhara xinh đẹp. Thậm chí lúc gió nổi đùng đùng và bụi cuốn mịt mờ, mình cứ nghĩ Marpha xưa kia chẳng khác gì cái ốc đảo cho dân du mục dừng chân khi đêm vắng, như ở xứ ba tư, như ốc đảo với những hàng chà là và lạc đà trong nhà giả kim.

Từ Marpha, trekker có thể đi lên Dhaulagiri base camp ở độ cao 5200m theo lối Yakhara. Bọn mình dĩ nhiên giờ chả quan tâm đến cái camp nào núi nào nữa dù có bạc có vàng dát trên đấy, một Thorongla vừa vượt qua là quá đủ rồi.

img_20191118_165308.jpg
Xin đừng rủ tôi đi trek nữa
Buổi tối đó bọn mình được rủ “nhậu không ?”. Câu hỏi đánh trúng tâm lý của một đám đã rời xa đồ uống có cồn 10 ngày, bâng khuâng khó tả. Cơm no, cả đám 7 trekker Việt Nam và 5 porter Nepal kéo nhau vào phòng meeting room, nhưng thay vì họp phổ biến lịch trình như mọi khi, là tiết mục giao lưu văn hóa quốc tế bằng quốc hồn quốc tuý. Ganesh mang ra 1 chai rượu táo Marpha rót mỗi người một ly be bé, uống giao lưu sau màn cảm ơn khách sáo. Đoạn này như kiểu 2 phái đoàn ngoại giao tiếp đón nhau, bên này cảm ơn qua, bên kia cảm ơn lại. Túm quần gọn một câu là rất vui mừng vì đã cùng nhau vượt qua đèo an toàn.
 
20191118_194555-1.jpg


Marpha Brandy – Thủ phạm nè mọi người
Bọn mình uống cạn ly đầu tiên, bảo rượu cũng nhẹ và khá ngon nhỉ, thêm ly nữa nào. Ganesh nhìn mấy đứa tự rót thêm rượu, ngỡ ngàng. Còn đâu hình ảnh những cô gái Việt Nam dịu dàng với tà áo dài tung bay ở Manang? Còn đâu hình ảnh những cô bé ngày ngày cặm cụi lầm lũi trong bếp nấu ngàn món ăn ngon hú hồn? Giờ mấy cô bé ấy đang uống rượu táo như uống nước. Lại còn hùng hồn so sánh bảo là không bằng một góc của bàu đá quê chị Quân, không bằng rượu ngô mà bọn mình đã từng uống ở Hà Giang. Rồi còn bày khô mực khô bò ra làm mồi, cắt thêm những lát chanh, viền muối quanh ly điệu nghệ – như một thói quen khó bỏ những ngày ngồi Midway say sưa với Des với Corora và Tequila. Ôi đúng là bản tính thì khó dời mà, giấu không nổi, haha.

Mới đầu còn rụt rè e lệ, vài ly rượu vào bắt đầu nói năng loạn xạ cả lên, thêm vài bản nhạc Nepal high high, bọn mình ra nhảy nhót nhiệt tình. 1 chai, rồi 2 chai rượu nữa được gọi thêm. Càng uống càng vui. Mà cái vui ấy thường làm người ta say khướt lúc nào không hay.

dsc_4102.jpg
Gục ngã :))
Mình không nhớ cái đoạn giữa buổi tiệc đã diễn ra thế nào, chỉ nhớ được đoạn kết thúc khi mình đã nằm trên chiếc giường ấm áp trong phòng, nghe giọng con Bông gào thét tìm mình, đòi trả cho bằng được chiếc chăn nó đang đắp. Nó không chịu đắp chiếc chăn đó, quả quyết rằng đó là chăn “của Huyền”, phải trả cho Huyền ???. Đến mức mọi người phải mang cái chăn đó đi ra ngoài, rồi quay trở lại, giả vờ như lấy cho nó cái chăn mới. Chị Quân thì ôm cái xô, vừa nôn vừa bắt anh Lộc xoa dầu bóp chân, đòi ăn socola. Mình còn thảm hơn, vào ôm bồn cầu nhà vệ sinh ói tới mức té bật ngửa như 1 con ếch. Kinh khủng hơn tất cả cảnh tượng đó đều được anh Tuấn quay lại bằng điện thoại, sáng hôm sau mở ra cho 3 đứa xem, cười muốn chảy nước mắt.

Hình tượng cố công xây dựng sụp đổ cái rầm, phái đoàn này mà cử đi làm sứ thần công du thì có mà mất luôn đường về. May cho cả bọn là ngày hôm ấy chẳng còn phải chếch choác gì nữa, xe ô tô đón ngay trước cửa khách sạn. Cả đám nghẹn ngào nuốt mì gói muốn trào ngược hết ra, mình hên còn pha được ly sữa nóng uống cầm hơi, rệu rã bước lên xe. Nhưng mà ít ra thì cuộc sống công bằng, tụi mình vật vờ thì phái đoàn Nepal cũng vật vã. Chú Ganesh của tụi mình bình thường nói như chim hót, chỉ trỏ núi sông cây cỏ, thuyết minh nhiệt tình hơn cả sub phim, hôm nay cũng tựa đầu vào ô cửa kính nhắm mắt cố tìm giấc ngủ, dù cái cửa kính ấy giật đùng đùng sau mỗi cú nhồi nhún tung nóc. Không ai biết ngày hôm ấy phải đi chuyến xe dài 11 tiếng. Không ai biết hôm ấy phải đi qua đoạn đường lòng mề đảo như rang lạc. Không ai biết cả, thế nên mới có 1 đêm say túy lúy đất trời như thế.

Này thì “dăm ba chai rượu táo Marpha”, từ nay xin chừa !

dsc_4117.jpg
Đã xa còn kẹt xe do núi lở :)))
dsc_4115.jpg
Cũng đẹp đấy, mà mắc ói quá huhu
 

Nghề Porter ở Nepal​

Đi cùng đoàn trekking 14 ngày lên đèo Thorongla Pass cao 5416m của chúng mình ở Nepal có 3 Porter, 1 trợ lý phụ trách các bữa ăn, lo chỗ ngủ, hỗ trợ dọc đường, 1 guide dẫn đường. 5 người Nepal tận tuỵ hiền lành, chưa bao giờ làm chúng mình phải lăn tăn bất cứ vấn đề gì suốt dọc đường, chỉ chăm chú tận hưởng cảnh núi non.

Họ là những cư dân sống ở vùng quê dưới chân dãy Manaslu – đỉnh núi cao thứ 8 của thế giới, hàng xóm của Ganesh – guide của chúng mình. Công việc thường ngày của những người đàn ông này không phải là ở trên núi mà là buôn bán nhỏ hoặc làm nông nghiệp ở quê. Khi nào có khách gọi thì Ganesh mới tập hợp họ lại và di chuyển xuống thủ đô Kathmandu theo đoàn với công việc chính là gùi hàng.
Những porter người Nepal rất ít nói nhưng thân thiện. Mỗi sáng thức dậy chúng mình có nhiệm vụ phải đóng gói lại gói hàng lý rồi mới ăn sáng, vì họ xuất phát trước chúng mình. Và dĩ nhiên, họ cũng đến điểm nghỉ chân trước chúng mình với một tốc độ kinh ngạc.
hc3acnh-3_cc3a1c-porter-chue1baa9n-be1bb8b-khe1bb9fi-hc3a0nh-sc3a1ng-se1bb9bm.jpg
Porter đóng gói hành lý chuẩn bị cho một ngày trek mới
Cách gùi hàng của họ nhìn rất khắc khổ, đó là gùi đồ trên lưng nhưng cố định bằng một sợi dây tì vào trán, vòng qua đầu. Kiểu như mới nhìn vào đã thấy rất đau đầu ấy. Nhưng ở đây, tất cả porter đều làm như thế, cách này giảm rất nhiều áp lực trên lưng và vai.
hc3acnh-2_porter-gc3b9i-hc3a0ng-trc3aan-c491c6b0e1bb9dng-trekking.jpg
Mỗi porter ở Nepal vác từ 20-40kg hành lý cho khách
Cũng như chúng mình, họ nghỉ bất cứ đoạn nào trên đường cảm thấy mệt. Ở những đoạn nghỉ cùng nhau, chúng mình hay mời họ ăn khô gà, kẹo socola đoàn mang theo. Bữa ăn của họ khác với chúng mình nghĩ, vô cùng đơn giản, chỉ là hầu như bữa nào họ cũng ăn món cơm Dal Bhat truyền thống trong đó bao gồm ít đậu, ít rau, vài miếng gà nhỏ, nước sốt. Họ không ăn cùng chúng mình mà ăn riêng.
20191115_105950.jpg
Các bác tranh thủ nghỉ trưa ngồi phơi nắng ấm
Bữa nào cũng thế, Jeten – người trợ lý sẽ đi nhanh ở chặng cuối để book phòng tốt nhất cho đoàn, rồi có khi đi ngược trở lại vài km đón mọi người. Đến nơi, do đoàn chúng mình không ăn được món Nepal hay đồ ăn nhanh có trong menu nên tự vào bếp, nấu nướng ăn uống. Bọn mình ăn xong chán chê thì những poter mới bắt đầu nấu cơm ăn. Ăn xong cả đoàn sẽ có một cuộc họp ngắn, guide sẽ phổ biến về cung đường ngày hôm sau, tình hình thời tiết, dặn dò mang các quần áo phù hợp. Đó cũng là người lo cho bọn mình về sức khoẻ, dặn uống đủ nước tránh say độ cao, uống thuốc cảm…
Những người porter này cũng nghỉ ngơi bình thường và không mất quá nhiều thời gian hồi phục như bọn mình. Thậm chí lúc được nghỉ 1 ngày ở làng Manang chuẩn bị cho những ngày lên cao hơn, cứ tửng họ sẽ ở nhà ngủ thì tất cả porter đều theo tụi mình đi up độ cao. Dĩ nhiên ngày này họ không phải khuôn vác gì nên đi băng băng như đi chơi. Hỏi mới biết hầu như họ đều là những người lần đầu đi làm porter, cho nên rất háo hức tham quan, vui chơi. Bữa đó mấy anh porter rủ bọn mình chụp rất nhiều hình, dùng mấy cái app ảo diệu tới mức đứa nào cũng đẹp hết hồn.
20191114_111318.jpg
Một ngày đi chơi thảnh thơi cùng nhau
Nepal là đất nước có diện tích chỉ bằng ½ Việt Nam nhưng có tới trên 10 đỉnh nú cao nhất Thế giới. Người dân Nepal sống chủ yếu dựa vào núi và nông nghiệp. Những người yêu núi đều ít nhất một lần quay lại Nepal, hoặc rất nhiều lần nữa. Vì cảnh quan. Vì sức hấp dẫn ở từng cung leo núi. Vì cả những người dân Nepal rất thân thiện, hiền lành.
“Nếu không đi núi, anh sẽ làm gì?”, mình đã nhiều lần hỏi Jeten câu đó và nhận thấy nhiều đắn đo ở người thanh niên trẻ này. Ở Nepal, mùa leo núi đẹp nhất bắt đầu từ tháng 10- tháng 12 và từ tháng 3– tháng 5. Khoảng thời gian tháng 1, tháng 2 tuyết rơi dày, các cung đường leo núi sẽ đóng cửa. Thời gian mùa mưa cũng rất ít người leo. Khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt này rất dài, nên không thể chỉ trông chờ vào các ngọn núi. Những người đàn ông Nepal đa số chọn con đường xuất khẩu lao động sang các nước như Malaysia, Dubai… Trên chuyến bay từ Kuala Lumpur sang Kathmandu, bọn mình gặp rất nhiều người lao động Nepal về thăm quê, hành trang về nhà của mỗi người là 1 chiếc tivi Sony và 1 va li chăn mền, tất cả luôn, ai cũng y như nhau. Có lẽ đó là món quà cho gia đình sau một thời gian lao động ở xứ người.
Lúc bọn mình chuẩn bị về, cũng có vài lần nói chuyện với Jeten. Jeten là một anh chàng đẹp trai, tốt bụng, tinh tế. Kiểu người mà hay để ý nên biết ngay người khác đang cần gì, đang muốn gì ấy. Jeten theo Ganesh từ khi mới mười mấy tuổi, xuất phát điểm cũng chỉ là 1 Porter đi vác hành lý cho khách. Sau đó ổng tự học tiếng Anh giao tiếp với khách, viết được câu cú rất okie luôn. Thế nên bây giờ đã lên tới chức trợ lý của Ganesh. Nhưng Jeten bảo, có lẽ anh ấy sẽ đi xuất khẩu lao động ở một nước nào đó. Công việc với những ngọn núi đã bắt đầu làm anh chán, và hơn cả, nó không đáp ứng được một cách ổn định, thường xuyên.
Những người porter và guide của bọn mình đều không phải của công ty tour. Họ gom nhóm và tự làm. Nên phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách quen giới thiệu cho nhau. Ganesh không biết quảng cáo trên website, có dùng facebook nhưng chẳng biết đăng những bức ảnh mời gọi hay bất cứ chiêu trò Marketing gì. So ra thì họ thua nhiều bạn Porter trẻ bên mình, vào facebook thấy ngập tràn hình đẹp, rồi lên tour các thứ chào mời khách… Tất cả đều chỉ dựa vào sự lan truyền về sự uy tín của các nhóm khách từng đi trước đó giới thiệu. Mà đâu phải ai cũng chọn đi với guide, với porter.
Tháng 4 -2015, một trận động đất mạnh khủng khiếp xảy ra ở ngay trung tâm thủ đô Kathmandu và vùng núi Everest ngay đúng mùa leo núi khiến con số tử vong lên tới hơn 3000 người. Trận động đất này phá huỷ gần như toàn bộ những đền đài xưa cũ khu quảng trường Kathmandu, cơ sở vật chất và nhiều phần cung đường Langtang mà năm 2016 bạn tôi có đi trekking và kể vẫn còn thấy nhiều đổ nát. Ganesh bảo năm đó nhà ông bị sập, may mắn không ai bị gì. Giọng kể cũng nhẹ tênh như đó là 1 điều hiển nhiên ở đất nước ngước mặt lên là thấy núi như thế này.
20191125_090827.jpg
Một phần còn lại của Durbar Square chưa bị trận động đất tàn phá
20191125_102506.jpg
Một công trình đang được phục dựng
Nói để thấy, ở đất nước này, nghề Porter chưa bao giờ là dễ dàng và cũng đầy rẫy nguy hiểm. Nhưng vì sinh ra ở núi, nên họ mới chọn núi làm nơi kiếm sống, để nương tựa. Mình không rõ họ có chán núi như Jeten từng nói chưa, chỉ mong rằng họ sẽ luôn mạnh mẽ, lạc quan, luôn giữ được nét hồn hậu, thân thiện của dân tộc mình.
Còn chúng mình, chắc chắn sẽ quay lại Nepal để chinh phục nhiều cung đường núi khác nữa – một phần vì quý mến chính những người Nepal ấy.
 
Những lúc mệt quá, ngước lên nền trời cao, tôi đã gặp hình ảnh những lá cờ Lungta bay phấp phới. Những lúc chỉ biết cắm mặt lầm lũi bước đi, tay tôi vẫn theo thói quen, xoay hết những chiếc chuông chuyển kinh luân bên đường. Những hàng chuông dài vô tận, những dải cờ nhiều màu nằm chơ vơ nơi đỉnh đèo heo hút gió – chúng ở đó gửi lời nguyện cầu theo gió bay đến một miền thăm thẳm hư vô.

Mỗi khi xem xong một bộ phim, đọc xong một quyển sách, trong lòng tôi lại nảy sinh một mong muốn mãnh liệt về một nơi phải đến trong đời. Càng là những nơi có một chút gì đó huyền bí, ma mị, kì lạ thì càng muốn đến. Ngày nhỏ muốn đến Ai Cập vì bộ truyện Nữ hoàng Ai Cập, sau này tâm hồn vẫn thường hướng về Nepal, Tây Tạng. Trong những giấc mơ, còn đôi lần mơ mình có thể xuyên không về quá khứ, đi qua một thời đại lịch sử thần thần bí bí. Nhưng tỉnh dậy cũng không khỏi e ngại, sợ rằng 1 chút kiến thức lịch sử cũng không thuộc, sẽ sớm chết trong chốn hậu cung, hay phơi xác ngoài sa mạc. (Phải đọc lại Đức Phật và nàng, tôi rất thích Ngải Tình).

Tôi đang đọc Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, có đoạn Shimamoto và Hajime đi rải tro cốt cho người thân ở một dòng sông. Cô gái Shinamoto đã tự hỏi liệu chúng có hoà tan vào sông, bốc thành hơi nước và hoá một cơn mưa hay không. Tôi chợt nghĩ, nếu bản thể trở thành tro bụi, tôi vẫn mong mình nhập vào sông trên ngọn núi tuyết, thanh khiết nhất, trong sạch nhất, cũng lãng du rong chơi qua đủ mọi chân trời góc bể, từ khe sâu núi thẳm, thảo nguyên bát ngát, thị thành cổ trấn, rồi mới ra đến biển. Tôi muốn hành trình của mình ở 1 vùng đất linh hồn khác cũng phải là 1 cuộc phiêu lưu.

Thật nhiều điều kì lạ về đất nước Nepal, ví dụ như đây là quê hương của Phật giáo nhưng lại có tới 90% dân số theo Hindu giáo. Tuy vậy thì dọc đường đi khắp những ngọn núi, thứ bạn thấy nhiều nhất lại chính là những tháp chuông chuyển kinh luân và những lá cờ Lungta đầy sắc màu biểu trưng của Phật giáo.

dsc00743.jpg

“Lungta nghĩa là Ngựa gió vì thế còn được gọi là cờ phong mã (Lung – Phong, Gió ; Ta – Mã/ Ngựa, Lung Ta là Ngựa Gió – phong mã). Ngựa gió giống như người vận chuyển vậy đó, vừa mang những lời cầu nguyện lên trời, mà còn mang những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.

Lungta thường được làm bằng vải hình vuông màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ. Cờ được trang trí bởi những hình ảnh, thần chú và các lời cầu nguyện. Thông thường tại tâm của lungta là ngựa gió là đại diện cho Tam Bảo của Phật Giáo. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú là Garuda, rồng, hổ và sư tử tuyết. Bốn linh thú đại diện cho: Trí tuệ, quyền năng, sự tự tin và vô úy.

Người Tây Tạng tin rằng, khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện và minh chú được ghi trên lá cờ sẽ mang những thiện ý và sự từ bi lan tỏa khắp không gian. Vì vậy, cờ Lungta được tin là đem lại lợi lạc cho tất cả muôn loài.
Khi treo cờ Lung Ta ở trên cao, những lời cầu nguyện trên lá cờ sẽ mang những ân phước gia trì tới tất cả chúng sinh. Khi những ngọn gió lướt trên bề mặt của những lá cờ vốn rất nhạy cảm với sự chuyển động của không khí, không gian sẽ được các minh chú tịnh hóa và trở nên tràn đầy phúc lành.

Treo lungta vì thế trở thành cả một nghi thức tâm linh, vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng. Tuy nhiên, nếu cờ được treo sai ngày, chúng sẽ chỉ đem lại những kết quả tiêu cực. Và càng được treo lâu bao nhiêu, thì chướng ngại được sinh ra sẽ lớn hơn. Cờ cũ được thay bởi cờ mới thường niên vào Tết của Tây Tạng.”

Đoạn này tôi chép từ blog của chị Ngọc, không viết lại nữa vì chị viết quá hay.

Không đỉnh đèo nào ở Nepal không có những lá cờ Lungta. Kể cả những đỉnh đèo heo hút nhất, những chốn hoang vu nhất. Phải dừng chân vào một ngày nắng đẹp, ngước lên trời xanh thăm thẳm in hình những ngọn núi tuyết phía xa, thảng hoặc 1 áng mây trắng trôi lững thững, nghe tiếng cờ Lungta bay phần phật – tôi nhớ cái cảm giác đó, từng giác quan của tôi đều nhớ âm thanh, màu sắc ấy.

Bạn xem thêm 1 đoạn video clip nói về cờ Lungta – ừ thì MC là tôi :)))


20191115_105136.jpg
Cờ Lungta dưới nắng và gió, trên nền trời xanh ngắt quả là cảnh tượng không thể nào quên
dsc00926-2-1.jpg
Lungta trên đèo Thorongla- dĩ nhiên rồi
Om mani padme hum
– câu thần chú mà người Việt hay đọc là Om mani bát mê hồng :))). Mỗi lúc xoay chuông chuyển kinh luân, bọn tôi hay đọc câu này như tất cả những người Nepal hay Tây Tạng vẫn đọc rầm rì. Nó tựa như câu tụng “Nam mô a di đà Phật” của người Việt, nghĩa nguyên thuỷ là “Ngọc báu trong hoa sen”.

Để tích công đức một cách đơn giản nhất thì đó chính là xoay kinh luân, trong những chiếc chuông cầm tay xinh xắn, hay trong những tháp chuông dài đặt cạnh lối đi, thường nằm trước những đền thờ, đầu làng hay cuối làng. Bên trong chuông kinh luân chứa những mảnh giấy ghi cầu thần chú Om mani padme hum Bạn xoay chuông theo chiều kim đồng hồ, xoay bao nhiêu chuông cũng là đã tụng niệm bấy nhiêu lần, tích bấy nhiêu công đức.

img_20191111_145549.jpg
Xoay những vòng chuông chuyển kinh luân như 1 thói quen
Điều mà tôi quan tâm dĩ nhiên không phải công đức mà chính là niềm tin của các tín đồ Phật giáo dành cho tín ngưỡng của mình. Được sống và tôn thờ tín ngưỡng ấy có lẽ rất hạnh phúc, dù là ở một nơi heo hút hẻo lánh tận cùng thế giới, dù chẳng mấy sung túc. Tôi đoán thế!

dsc00744.jpg

Thật ra tôi vẫn không hiểu lắm, tín ngưỡng mà tôi nhìn thấy ở Nepal là Phật giáo nguyên thuỷ hay là Lạt ma giáo -tên gọi của Phật giáo của người Tây Tạng nói riêng và người dân dưới chân dãy Himalaya nói chung, thờ Đạt lai lạt ma – người được nhắc đến trong 7 năm ở Tây Tạng. Tôi vẫn nghiêng về Lạt ma giáo hơn vì dẫu sao cũng rất ít nhìn thấy tượng phật, chỉ những câu chú, những gò đá như chất chứa cả một câu chuyện tâm linh. (Thật sự mong được nói chuyện với một ai đó đạo hạnh cao một chút, kể cho tôi nghe câu chuyện về những đất nước này, lí giải cho 10 vạn câu hỏi vì sao của tôi, dù tra google thì cũng ra nhưng tôi thích cảm giác mình há hốc mồm nghe người ta nói cơ).

Không đâu như ở những vùng đất dưới chân Himalaya, một hòn đá ven đường cũng có linh hồn. Tôi xem Mekong ký sự, có một tập những người phụ nữ đang khôi phục lại 1 gò đá bị phá vỡ khi làm đường. Tôi chú ý tới cái tên gọi đặc biệt: gò đá Manidoi – gò đá Mã ni: những hòn đá nhẵn nhụi được khắc những câu chú, những hình vẽ đặc trưng, xếp chồng lên nhau dọc đường, trên đỉnh dốc. Có khi chỉ đơn giản là 1 viên đá khắc đơn giản, có khi được sơn phết màu sắc công phu, xếp cao, phủ lên cả xương động vật, rất kì dị.

img_20191114_120642.jpg
1 gò manidoi trong 1 nghĩa trang
img_20191112_075100.jpg
1 gò manidoi khác bên đường đầy màu sắc


Có 2 phần mà tôi rất thích của một chuyến đi, dĩ nhiên đã ngoại trừ cái cảm thức phiêu lãng trên đường, đó chính là phần chuẩn bị cho chuyến đi và phần dư vị sau khi kết thúc. Cái dư vị ấy có khi là 1 tháng 2 tháng, có khi là vài năm, có khi là cả 10 năm sau, lúc đang đứng dưới một góc trời mây xứ khác, lúc đang trong một cuộc lãng du khác, bất chợt nhớ lại, bất chợt bồi hồi.

20191111_080504.jpg

Giống như tôi của những ngày này, không thể đi đâu, đành coi lại rất nhiều hình ảnh, video của chuyến đi trong mơ đã kết thúc, xem thêm rất nhiều ký sự, phim liên quan, bỗng vỡ lẽ ra rất nhiều điều. Chuyến đi ấy là điều đúng đắn và đáng giá của cuộc đời.

Mong một ngày gặp lại, những lá cờ Lungta bay trong gió, những chiếc chuông chuyển kinh luân, những gò đá Manidoi ở vùng đất linh hồn: Tây Tạng, Lasha, ở Bhutan, hay vẫn là Nepal – hẹn gặp lại!
 
Thỉnh thoảng mình rất nhớ Pokhara. Pokhara với mặt hồ Phewa yên ả, với không khí trong lành và những hàng quán rực rỡ sắc màu, nơi bọn mình dừng chân sau biết bao ngày rong ruổi trên những sườn núi tuyết.

Mất đúng 12 tiếng ngồi xe từ Marpha về Pokhara – chuyến xe kinh khủng nhất, dài nhất mà mình phải đi ở Nepal. Chuyến xe mà ruột gan mình cứ gọi là nhào lộn, nhất là sau 1 đêm uống dăm ba ly rượu táo Marpha say ngất ngây, thì trải nghiệm đi xe thực sự là kinh khủng. Con đường men theo sông, gập ghềnh, khúc khuỷu, lộn nhào, thỉnh thoảng phải dừng lại vì đá lở, núi lở tắc đường.

dsc_4117.jpg
Một đoạn đường tắc do có đá lở phía trước
Thiệt, đường nào ở Việt Nam quê ta cũng không tuổi gì mà so sánh. Dù nhiều khi nhìn ra cũng thấy cảnh đẹp đấy, nhưng giời ạ, tâm trạng nào mà thưởng thức nữa.

Ông lơ xe hổ báo nhất hành tinh, cửa xe nằm bên tay trái sát mép vực, ổng cứ đu ở đó bằng 1 tay, thò đầu ra nhìn đường rồi huýt sáo ra hiệu cho tài xế. Lúc đầu bọn tôi còn sợ quíu càng khi nhìn qua cửa kính xe, thấy cái bánh xe chênh vênh mép vực. Tôi dùng hết sức bình sinh quơ điện thoại ra quay được vài cảnh rồi cũng ngồi vật. Hồi sau, phần vì mệt, phần vì sóc lộn ruột, bọn tôi cố nhắm mắt mặc kệ cái đầu lắc tưng tưng. Ganesh ngày thường say sưa thuyết minh cho tôi về núi này sông kia, hôm nay cũng tựa cửa nhìn xa xăm cố tìm một giấc ngủ. Đêm qua chúng tôi đều quá high
1f642.png
:))) Đã thế cứ vài km lại có 1 trạm check point kiểm tra giấy tờ của mấy đứa “nước ngoài” đi leo núi (công nhận Nepal làm việc này rất nghiêm túc), có khi công an lên xe đếm người luôn cơ. Anh Jeten nhà tôi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trợ lý xuống xe trình giấy tờ cho các chú police, dù đêm qua anh cũng bê xê lết không thua kém gì “Sếp” Ganesh của anh.

Chuyến xe này đa phần là người địa phương đi, có 1 bà cụ đeo vàng trĩu cả tai thỉnh thoảng nhìn chúng tôi cười ra chiều thông cảm. “Tội mấy đứa nước ngoài này ghê, tụi nó chắc chưa quen đi xe như mềnh”- Bà không nói nhưng chúng tôi hiểu được. Lạy thần thánh dù bất đồng ngôn ngữ, xin hãy cho bọn con toàn mạng về Pokhara xinh đẹp. Bữa trưa xe dừng ở trạm dừng chân ven đường, Ganesh thấy cả đám tội nghiệp còn mua cho đứa 1 quả chuối to như bắp tay mà đứa nào cũng ngao ngán không nuốt trôi, đã thế còn phải ăn cơm Dalbhat bằng tất cả sức lực còn sót lại. Bọn tôi bình thường cà khịa nhau, đấu hót ồn ào không ngớt miệng, vậy mà hôm nay cũng nhất loạt tắt đài. Tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa.

Về đến Pokhara đúng 7h tối, đứa nào đứa nấy người nát nhừ như xác không hồn. Má ơi, tưởng được ngồi xe không leo trèo gì là sướng, ai ngờ khổ quá khổ. Bọn mình gần như là những khách cuối cùng xuống xe. Ganesh đưa bọn mình vào một khách sạn nguy nga không khác nào cái lâu đài, khách sạn xịn nhất hành trình, như 1 hình thức bù đắp cho bao nhiêu ngày sống trong mấy teahouse lạnh ngắt bao quanh bằng đá.

Thế nhưng cái làm mình nhớ ở Pokhara không phải cái khách sạn ấy, mà là hồ Phewa. Là buổi chiều đi dạo quanh hồ, nhìn người ta chèo sup rồi để lỡ điều mình thích nhất. Chẳng ai chèo với mình cả, các bạn mình đều mệt, chỉ muốn ngồi nhìn nắng tắt sau núi. Mình thì tiếc ngẩn ngơ.

20191120_154931-1.jpg

Pokhara không lạnh như Manang, không bụi và hỗn loạn như Kathmandu, không gió tung váy như Marpha. Pokhara mát mẻ, trong lành, đường phố dễ thương, hàng quán đẹp mắt, trả giá đam mê.

Lần sau quay lại, sẽ chơi ở Pokhara lâu chút, sẽ đi uống cafe hết mấy quán bờ hồ, chiều sẽ đi chèo sup đến rã tay, tối uống bia ăn thịt nướng . Lần sau, ý là vẫn sẽ quay lại Nepal í :)))

20191120_152946.jpg
20191120_0923140.jpg
20191120_164802.jpg
20191120_170647.jpg
Thèm phở Việt Nam quá nên phải đi sưu tầm bằng được quán Phở 99, mà cha mẹ ơi nó dở, phở khô, thịt bò Yak, huhu
20191120_161653.jpg
Bờ hồ
20191120_161915.jpg
1001 quán nhậu chill
20191120_161921.jpg
 

Nagarkot và lời ước thề chưa trọm​


“Mình muốn đến Nagarkot như Radio của Nu!” – Đó là câu trả lời của anh Lộc trong phỏng vấn hậu trường chuyến đi Nepal cho câu hỏi “Vì sao anh/chị lại đến Nepal?”. Dĩ nhiên thì đoàn người này có những người đến Nepal vì lý do khác: vì nhớ núi, vì một người nào đó, vì một lời hẹn “cùng nhau”… Có những người chưa từng leo đỉnh núi nào quá 1000m, nhưng đã đi là phải đi một phát 5000m. Vậy nó mới thanh xuân rực rỡ nông nổi.

Hôm nọ mình đi uống beer với một bạn chưa từng gặp, nói chung là người lạ ấy, kể linh tinh về vài chuyến đi. Mình luôn như vậy, thích trò chuyện với người lạ, trong những cuộc gặp bất ngờ chứ đừng hẹn ngày mai, ngày mốt. Bạn đột nhiên hỏi mình đến Nagarkot thế nào. Mình cười cay đắng kể bạn nghe về việc đã lỡ hẹn với “người tình Nagarkot” ra sao. Con Bông bảo, sao mày không nói là mình có đến, đến qua 1 tấm bưu thiếp mua ở Kathmandu :)))

Sau cuộc dạo chơi thăm thú ngôi làng của ông trưởng bản Ganesh, bọn mình lên chuyến xe đường dài về thủ đô. Ôi mắc ngán xe đò lắm rồi mà vẫn phải đi. Ngồi trên xe, mình, anh Lộc, Bông vẫn bảo nhau về kế hoạch đi Nagarkot.
Trên bản đồ, Nagarkot chỉ cách thủ đô Kathmandu chưa tới 40km, tưởng tượng cứ như Sài Gòn xuống Biên Hòa hoặc đi Củ Chi, chiều đi tối về còn được. Rõ ràng khi ấy, Nagarkot là một nhiệm vụ khả thi. Chính Ganesh cũng gợi ý bọn mình đi chơi Nagarkot vì nó “very nice”, ngay khi chưa nghe dự định của bọn mình. Thế nên cả chuyến xe dài, bọn mình vẫn cứ vin vào điểm đến này để mà hi vọng, để mà trông ngóng.

Thế nhưng, một lần nữa, Bộ giao thông vận tải Nepal lại biết cách làm bọn mình bất ngờ. Lần này không phải vì đường xấu. Con đường nhựa trải mịn màng đã gần về thủ đô lắm rồi. Thế nhưng bỗng nhiên con xe khách lăn ra hư giữa đoạn đường vắng bụi mù mịt. Khách bị lùa xuống đường. Phụ xe, tài xế ra sức vẫy xe để bán khách. Bọn mình là người ngoại quốc, khả năng bon chen có hạn, nên cuối cùng trở thành những vị khách sau cùng bắt được xe. Lúc đó đã là 3h chiều. Lão Việt bảo giờ về thủ đô đã là 5h chiều rồi.
“Bọn mày nghĩ đi, với cái tình hình giao thông, đường xá Nepal, đến được Nagarkot của chị em mày chắc đã nửa đêm”.
Lẽ ra nếu yêu đương cuồng nhiệt thì ba đứa mình phải mạnh mẽ kiểu “Muộn thì cũng đi, nửa đêm cũng đi”.
Nhưng không. Bọn mình như lũ trẻ trâu bảo yêu đương thề nguyền sống chết, nhưng ba má mới đe mấy câu đã im re chẳng có lấy một lời bảo vệ tình yêu.

Sau 12 ngày trên núi. Sau 3 chặng xe dài dằng dặc như diễn văn. Sau tất thảy mệt mỏi vì đường xá, xe cộ và các thể loại bất trắc, bất ngờ. Chúng mình ngậm ngùi nói lời tạm biệt show lưu diễn NAGARKOT.

Thế mà mình đã bảo đến Nagarkot chỉ thuê khách sạn thiệt đẹp, thiệt mộng mơ. Rồi chỉ ngồi đó ngắm sao, uống beer mà tận hưởng cảm giác “chưa bao giờ tôi thấy núi gần đến thế“. Không đi chếch choác gì cả. Không có thăm thú, mua bán gì cả.
Mình có tiếc không? Có chứ. Tiếc lắm. Bọn mình đã nghe hàng trăm lần cái radio của Nu, nghe cái nhạc nền và nhắm mắt tưởng tượng cảnh mình đứng gần bầu trời và những vì sao.
86026466.jpg
Tính book phòng chỗ này ở nè
– Tôi chưa bao giờ thấy nhiều sao thế này. – Tôi nói khẽ.
– Còn tôi thì đã từng một lần. An trả lời, giọng nhẹ và mỏng. Ở Nagarkot, Nepal.
– Cô đến Nepal rồi ư? – Tôi ngạc nhiên không giấu nổi thán phục.
– Phải. – An đáp. Đó là chuyến hành hương lớn nhất đời tôi. Từ Trung Quốc băng qua Tây Tạng, vào Nepal rồi sang Ấn…
– Vậy rồi sao? – Tôi hỏi, sau một hồi lâu lắng nghe những kỷ niệm miên man của cô gái về chuyến đi dài.
– Rồi sao ư? – Cô gái khẽ cười. – Tôi trở về, ngỡ mình đã được vùng đất ấy cảm hóa. Nhưng rõ ràng tất cả những điều còn lại, cho đến bây giờ chỉ còn là những mảng màu ám ảnh và một thứ cảm giác trống rỗng không diễn tả được. Tôi tự hỏi, thật ra sau mỗi chuyến đi chúng ta vơi đi hay đầy lên?”
Đôi khi em nghĩ đến anh
Mình nhớ đến show Twogether xem trên Netflix gần đây. Nhiệm vụ của Lee Seung Gi và Lưu Dĩ Hào ở Nepal là chụp được 1 bức ảnh dãy Annapurna vào một ngày nhiều mây mà mọi người dân ở đó đều bảo rằng “không thể”. Thế mà cuối cùng thần may mắn lại mỉm cười với họ. Dãy núi Annapurna đã hiện ra sau những đám mây chỉ vài phút rồi biến mất. 2 chàng trai đã reo hò rồi đứng ngây ra ngắm núi.
103395100_3583010375062148_2486750893876248399_o.jpg
Lưu Dĩ Hào và Lee Geung Gi đứng trước dãy Annapurna – view từ Porkhara
9ib6mtj.jpg
Vui như nhặt được vàng
Bọn mình chia tay Nepal khi đã quá ngán ngẩm với các thể loại bò Yak, thèm đồ ăn Việt Nam đến hao gầy. Mình sút 3kg sau chuyến đi. Thế nhưng đứa nào cũng day dứt khi nhắc về Nagarkot. Riêng mình thì còn day dứt với cả Porkhara, cái ngày mà ai cũng mệt, cũng uể oải lười biếng, chẳng ai chèo thuyền ngắm hoàng hôn với mình.
Nhưng thôi, có lẽ đó là định mệnh.
Như việc mình đã không đến được Mã Pí Lèng vào lần đầu đến Hà Giang. Cũng chưa đi thuyền trên sông Nho Quế vào lần thứ 3 đến đây.
Như việc mình đã không đi trekking xuyên VQG Côn Đảo vào buổi sáng rảnh rỗi chỉ vì một chị mới quen bảo chị từng đi rồi, xa lắm. Ủa, sao mình lại nghe lời người khác thế nhỉ. Nếu mình chỉ có một mình, mình đã đi như một con bé ngây thơ hớn hở rồi đấy. Nghĩ lại, thấy mình ngốc nghếch dễ sợ.
Bây giờ nghĩ lại có khi việc bọn mình không đến Nagarkot chỉ đơn giản là vì: rồi bọn mình sẽ còn trở lại Nepal. Bọn mình. Mình. Anh Lộc. Hoặc Bông. Ai đó trong bọn mình chẳng hạn.
Rồi có khi ngày đến Nagarkot mây che kín trời, khuất cả núi non, mưa giông, gió giật, chẳng có sao, cũng chẳng thấy trăng.
Ủa mà có khi lại thấy anh người yêu mình đang đứng đó, dưới một đám mây thì sao?
 
Kathmandu – anh từng nghe về nơi này rồi chứ? Nơi hội ngộ và bắt đầu chạm đến những giấc mơ tuyết trắng. Nơi bắt đầu và kết thúc của những chuyến hành trình tính bằng tháng bằng năm.

Em đến Kathmandu một chiều tháng 11 trời se lạnh, rất thích thú, rất vui, rất hào hứng. Bực bội mỗi chuyện nhập cảnh lâu phát hờn, điền giấy tờ tự động rồi mà đóng tiền thì vẫn xếp hàng, sợ bọn tao không biết đút tiền vô máy hay quẹt thẻ hay gì? Gỡ gài được chút ấn tượng quốc gia, khi anh nhân viên hải quan hỏi đi leo núi hả em, chúc vui nhé. Vậy mà từ lúc nghe lời chúc, đến khi đặt được mông vào phòng khách sạn mất đúng 2 tiếng. KẸT XE. Những chiếc xe khói bụi, cũ kĩ, đường phố bám đầy bụi, màu xám đục của bầu trời. Em không nghĩ cách đây vài trăm km đường xe là những rặng tuyết sơn vĩnh cửu và bầu trời trong lành, không nghĩ nổi.

Bọn em rất đói, cơm trưa trên máy bay nóng hổi nhưng sực mùi cà ri, vậy mà còn phải trải qua một màn trekking làm quen và một màn rối trí xếp đồ cho các bác porter rồi mới đi ăn tối. Bây giờ ngồi viết lại em mới nhận ra khái niệm về thời gian, khoảng cách của người Nepal thật là…amazing. Ganesh – guide của bọn em bảo là đi lên một ngôi đền “gần đây” ngắm hoàng hôn. Bọn em đứa nào cũng khoác áo choàng thướt tha, chẳng hề chuẩn bị cho một cuộc leo trèo sấp mặt. Em tưởng bọn em đã đi ra tút ngoại thành luôn rồi. Cái đền toàn khỉ khiếp đảm thực sự, em không thích gì bọn tinh quái này, dù đó là tuổi của em. Em cũng không thích ngôi đền này nhưng dẫu sao đó cũng là địa điểm đầu tiên bọn em ghé thăm khi đến nước bạn, thì đi thôi. Đường về bọn em lột áo ra cầm tay, nóng bỏ mie, huhu.

Kathmandu buổi tối rất nhộn nhịp, nhất là khu Thamel vừa cổ kính vừa hiện đại, như kiểu phố cổ Hà Nội mix với phố Tây Bùi Viện. Một đứa chẳng mấy thích mua sắm như em nhưng cũng bị mê hoặc khi nhìn những cửa hàng bán dụng cụ trekking rực rỡ sắc màu.


Bọn em loanh quanh mãi giữa những nhà hàng Âu Á, cuối cùng chọn Thái Lan, dẫu sao cũng là một cái tên quen thuộc với tất cả. Nhà hàng Thái Lan này khá ổn, nếu không nói là ấm cúng và lãng mạn, lịch sự, có nến có hoa, ánh sáng dịu dàng thích lắm. Em nghĩ không gian này hợp cho cuộc chuyện trò của hai người đang trong một mối quan hệ chưa xác định. Chứ nếu là người xa lạ, gặp nhau trong không gian lãng mạn thế này lại quá trang trọng và gần gũi. Thực ra em là đứa rất chú trọng đến không gian gặp gỡ, như em đã từng viết hoàn cảnh nào uống rượu loại đó, cùng một quán nhưng em sẽ hẹn người này chứ không phải người khác, và em không bao giờ chọn đại một nơi để hẹn, em không làm được chuyện đó. Có “đại” đi chăng nữa, cũng là một chốn có cảm hứng một chút, kể cả để nói một lời chia tay. Em đã không bao giờ quay lại một nơi, chỉ vì nơi đó thật tệ khi nói lời chia tay với một người, không nên là ở đó, sau này em mới biết.

Beer ở Kathmandu siêu to khổng lồ anh ạ, bọn em chưa biết mặt mũi chai lọ nhà người ta thế nào đã kêu mỗi đứa một chai. Beer mang ra cả đám xỉu ngang xỉu dọc, 650ml, vỏ chai nào cũng in hình núi tuyết lạnh ê cả răng. Nói về đồ nhắm thì, èo, không được ngon như Zũng Tào quê ta đâu, haha. Fish and chips là thứ dễ tìm, dễ ăn nhất rồi đó. Momo thì đậm vị cà ri và quá dầu mỡ. Em vốn không phải đứa khó nuôi, sầu riêng, khổ qua, mắm tôm gì em đều ăn, thậm chí rất biết thưởng thức. Nhưng có lẽ em là một đứa khó chiều, nên chỉ ngồi uống beer không, đắng ngắt!

Beer Nepal, nhìn đậm đà bản sắc chưa
Nhiều khi em nể sự nhiệt tình của chính mình, khi có thể thức dậy giữa cái lạnh để rủ mọi người… đi chợ. Bọn em lúc đó dĩ nhiên không biết 20 ngày sau sẽ còn cả đống thời gian thừa thãi ở chốn này. Nhưng giờ đó, phút đó, thứ em muốn là đi chợ lúc 5h sáng. Phố xá còn đóng cửa im lìm, cất hết cái nhộn nhịp của đêm qua. May quá, khu chợ sớm ở Ngã 5 chuồng chó lại vô cùng sống động. Anh có thể mua những vòng hoa vạn thọ để dâng lễ, treo trước cửa nhà. Chiều qua Ganesh cũng tặng bọn em mỗi người một vòng khi gặp gỡ ở sân bay. Em và mọi người sà vào một hàng bán trà sữa đông người. Lạ một nỗi là ở đây đàn ông đi uống trà sữa nhiều hơn phụ nữ nhé, thấy bọn em vào, họ đứng lên nhường chỗ. Món trà sữa phổ biến như trà đá, cafe ở nước mình vậy, nhưng em nghĩ ly trà sữa đầu tiên mà em uống ở khu chợ đông đúc ấy là ly ngon nhất.

20191109_062035-1.jpg

20191109_062324-1.jpg


20191109_064110-1.jpg
20191109_065043-1.jpg

20191108_160528-1.jpg

Chị em đang trả giá rồi tám chuyện đam mêQủa cân trong truyền thuyết nè, bển phổ biến lắm nha, không dùng cân điện tử
 
Kathmandu đã dạy chúng em bài học vỡ lòng về bộ môn trả giá trên nước bạn bằng tất cả đam mê và sự nhiệt huyết, từ những món đồ lưu niệm nhỏ bé nhất như cái vòng tay, móc khóa, đến những món “hàng hiệu” như khăn Kashmiere bày bán ê hề như đầm Ngọc Chinh chăm rưỡi chăm sáo xứ mình. Trả nửa giá mà thấy bán ngay là biết hố hàng, trả xong bỏ đi mà bị gọi lại vẫn cứ là hố, nay trả giá này không bán mai rảnh quá quay lại trả giá khác rẻ hơn nhiều khi lại bán, zị đó. Hài nhất là chuyện thằng cha bán táo tài lanh, tí nữa gạt mất của em tờ 1000 rúp. Đưa tờ 1000 xong đứng tám chuyện à ơi ầu ơ ví dầu, chả lơ lơ giả bộ quên thối tiền để em vui vẻ nhận táo rồi đi. Ơ không bạn ơi, mình đẹp gái chứ không có bị khùng, chống tay lên kêu trả tiền cho tao mài. Lúc cần dữ phải dữ, nhưng yên tâm, em sẽ luôn dịu dàng với anh còn hơn cả mẹ anh.
  • 20191125_111710.jpg
  • 20191125_112857.jpg
  • 20191125_112235.jpg
    20191125_112302.jpg
20 ngày sau, em quay trở lại Katmandu, tàn tạ xác xơ sau khi vượt qua một con đèo cao diệu vợi, sau một trận say rượu táo sấp mặt, một chuyến đi điền dã quê hương chú Ganesh và phát ốm với những chuyến xe đường dài. Em ốm đâu chừng 3kg, da mặt tróc từng mảng dưới nắng ấm, như miếng thịt phơi rút mỡ, kinh dị anh nhỉ.

Kathmandu với em giờ đây đã bớt đi phần hấp dẫn. Bởi cuối cùng, em đã bỏ lỡ Nagarkot. Anh biết Nagarkot vô tình đã trở thành lý do để em đến Nepal mà đúng không? Một lý do lãng mạn.

Bọn em ở Kathmandu tận 2 ngày, đi bộ hết phố phường từ sáng đến đêm, tiêu hết số tiền còn lại vào việc mua sắm, ăn uống, tham quan. Em thầm cảm ơn sự hào phóng của bản thân đã kiên quyết mua vé tham quan trước quảng trường, dù nơi ấy đã đổ nát rất nhiều sau động đất 2015, còn anh Lộc thì bảo “sẽ không bỏ tiền ra xem một đám khói bốc lên”, khi bọn em hội ý việc đi xem đốt xác. Bây giờ thì em tiếc. Em không biết mình có còn cơ hội quay lại đất nước này không. Chắc anh Lộc cũng đang ngồi tưởng tượng đốt xác sẽ như thế nào.

Quảng trường thời đại nè =)))Dubar Square nhìn từ trên cao
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,677
Bài viết
1,171,064
Members
192,339
Latest member
Buyoldgmailaccounas
Back
Top