FULL LỊCH TRÌNH VÀ KINH NGHIỆM ĐI CUNG ANNAPURNA CIRCUIT TREK (ACT - 2020)
Hôm đi về ít ngày, có một anh gọi điện cho mình hỏi lịch trình và kinh nghiệm đi cung Annapurna circuit trek xong bảo “Nghe em nói rất nhẹ nhàng nhé!”. Mình bảo vâng, trải qua rồi thì cái gì cũng là nhẹ nhàng hết anh ạ. Chứ dọc đường trek đã hơn một lần em nghe đám bạn chung team bảo “Dẹp, dẹp hết về Việt Nam không trek choác gì nữa!”. Thế nhưng mình biết chuyến đi này sẽ là một phần gia tài tuổi trẻ – những trải nghiệm mua bằng tiền bạc nhưng là vô giá.
1. Thông tin cơ bản về Nepal và Himalaya
Nepal, đất nước vẫn được đa số người biết đến vì là nơi có nóc nhà cao nhất thế giới – đỉnh Everest (hay còn gọi là Chomolungma) – người Nepal gọi là Sagarmatha có nghĩa là Trán của Trời. Nepal có diện tích chỉ bằng khoảng ½ Việt Nam, nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng. Quốc kì Nepal có hình dáng độc nhất vô nhị trên thế giới: 2 hình tam giác xếp chồng lên nhau, chứ không phải hình vuông hay chữ nhật như các quốc gia khác. Thêm một điều đặc biệt nữa về Nepal là dù đây là nơi Đức Phật sinh ra (ở Lumbini) nhưng phần lớn người dân Nepal theo đạo Hinđu (Ấn Độ giáo), chiếm khoảng hơn 80%.
Dãy Himalaya là nơi hội tụ 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, trải dài khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanma và Afghanistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của 3 hệ thống sông lớn trên thế giới, đó là lưu vực các sông như sông Ấn, sông Hằng-Brahmaputra và sông Dương Tử.
2. Các cung trek ở Nepal
Bất kể bạn là ai, đều có thể lựa chọn cho mình 1 cung trek phù hợp ở Nepal về mặt thời gian, sức khoẻ, tài chính. Nghĩa là bạn không cần đến 20 ngày hay 2000USD cho 1 cung trek ở Nepal, nhưng vì đằng nào cũng phải luyện tập, chuẩn bị, mong chờ thì cứ trek một cung nào đó dài ngày cho đã.
Ở Nepal có thể chia ra 10 khu vực trekking, trong đó phổ biến nhất là khu vực Annapurna, khu Everest. Người ta thường biết đến các cung trek nổi tiếng thế giới như Everest Base Camp 5364m (EBC), Annapurna Base Camp 4130m(ABC), Annapurna Circuit Trek 5416m(ACT) mà ít để ý đến những cung như Lang Tang 4773m, Pool Hill, Khopra Danda, Mardi Himal… Để hiểu kĩ hơn về Nepal, các cung trek các bạn có thể tham khảo bài viết của anh
The travel loner ở đây.
3. Thông tin cơ bản về cung Annapurna circuit trek
Annapurna Circuit Trek (ACT) – cung trek cổ điển thuộc loại khó, dài ngày và đẹp nhất ở Nepal. Khó là vì độ cao nhất mà cung đường chạm tới là đèo Thorongla Pass 5416m, các ngày trek đều up độ cao nhiều, nhiệt độ thấp… Nhưng đây cũng là cung trek đẹp nơi có thể chiêm ngưỡng nhiều ngọn núi: Annapurna II và IV, đỉnh Manasulu, đi qua những con đường mòn thơ mộng, những ngôi làng đậm chất Tây Tạng.
Để hoàn thành cung đường trek này bạn cần 10-12 ngày (chưa kể thời gian bay và đi xe bus), nền tảng thể lực tốt.
Có thể tự đi không? Câu trả lời là được và mình đã đọc nhiều topic trên phuot.vn, gặp nhiều bạn trekker dọc đường đi một mình một balo. Dọc đường có nhiều bản đồ chỉ đường và cũng dễ gặp các đoàn trek nên không sợ lạc.
4. Tour Annapurna Circuit Trek
Đây là
full lịch trình đi cung Annapurna Circuit Trek của bọn mình từ ngày 6-26/11/2019.
Day 0: Fly to Malaysia
Day 01: Arrive in Kathmandu.
Day 02: Drive to Jagat 1,290 m via Beshsisar 800 m – 08 hrs.
Day 03: Trek to Dharapani 1,920 m – 05 hours.
Day 04: Trek to Chame 2,670 m – 05 hours.
Day 05: Trek to Pisang 3, 230 m – 05 hrs.
Day 06: Trek to Manang Village 3,450 m – 05 hrsDay 07: Rest day at Manang for local hikes and acclimatization.
Day 08: Trek to Yak Kharka 4,110 m – 04 hours.
Day 09: Trek to Thorong High Camp 4,600 m – 04 hrs.
Day 10: Cross Thorong-La 5,416 m to Muktinath 3,800 m – 07 hrs.
Day 11: Trek to Jomsom 2, 715 m – 04 hours.
Day 12: Drive to Pokhara – 7hrs
Day 13: Rest day in Pokhara
Day 14: Drive from Pokhara to tour guide’s home in Gorkha
Day 15: Visit tour guide’s home
Day 16: Visit tour guide’s home
Day 17: Back to Kathmandu
Day 18: Rest day in Kathmandu
Day 19: Rest day in Kathmandu
Day 20: Back to Malaysia
Day 21: Go home.
Bọn mình đi tour không phải của Acency nổi tiếng hay chuyên nghiệp, mà của
Ganesh – một hướng dẫn viên lâu năm người Nepal đã từng dẫn đoàn bạn mình đi Langtang 2015.
Tour bao gồm: đưa đón từ sân bay và take care xuyên suốt thời gian trek, hostel, bữa ăn cả hành trình, giấy phép leo núi (ACAP, TIMS), porter (2 người 1 porter), chăm sóc y tế… nói chung là mọi thứ, bạn chỉ việc đi thật vui khoẻ.
Giá: 675 USD/người
Thông tin của Ganesh cho các bạn cần liên hệ:
*Facebook:
https://www.facebook.com/ganeshbahadur.khanal
*Email:
[email protected]
Đánh giá tour: tốt. Tour guide nhiệt tình, chăm sóc bọn mình kĩ. Porter người bản địa chăm chỉ và hiền. Ganesh nói tiếng Anh tốt và khá “quen thuộc” với thói quen sinh hoạt, thể trạng các bạn Việt Nam. Nghe nói chú ấy sắp mở công ty, cũng hi vọng chú làm ăn phát đạt, tạo thêm công ăn việc làm cho người bản địa.
5. Chuẩn bị trước chuyến đi
–
Tiền: Full chuyến đi 20 ngày bọn mình chi hết 32tr/người.
–
Vé máy bay: Mua càng sớm càng tốt. Không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Nepal nên bạn có thể chọn nối chuyến ở Malaysia hoặc Thái, có mua cả hành lý kí gửi luôn vì mang đồ khá nhiều. Bọn mình chọn nối chuyến ở Malaysia, vé bay 2 chặng như sau:
Chặng 1: Từ TPHCM – Kualalumpur bay Air Asia: 1tr9
Chặng 2: Từ Kualalumpur – Kathmandu bay Malindo Air: 7tr
Tổng 9tr/vé/khứ hồi. Vé có thể rẻ hơn nếu bạn mua sớm hơn và canh. Nói chung hên xui lắm, có bữa thấy 8tr chẳng buồn mua, bọn mình canh mãi mà nó cứ đắt mãi, cuối cùng mua luôn để còn đi làm việc khác.
– Bảo hiểm du lịch: Bọn mình không tiếc tiền cho khoản này và chọn loại 1tr3 cho 20 ngày. Bọn mình mua của AIG, cover vụ trực thăng cấp cứu mà đoàn ai cũng lo.
–
Ảnh thẻ passport để làm TIMS (Trekkers’ Information Management System), Permit ACAP (Annapurna Conservation Area Project): có Ganesh làm cho nên bọn mình chỉ việc gửi ảnh chụp qua email. Nếu bạn tự đi thì chuẩn bị mấy tấm theo.
–
Giày leo núi: quan trọng. CỰC KÌ QUAN TRỌNG. Bạn phải hiểu rằng suốt mười mấy ngày ròng rã thứ nâng niu bạn, thay bạn hứng chịu gạch đá chính là đôi giày. Nên cũng đừng tiếc tiền cho nó. Mình đeo đôi của The North Face, cổ cao, 1tr5. Một vài “kinh nghiệm” chọn giày đi núi tuyết.
- Nếu bạn đi vào mùa đông và có tuyết, lạnh như mình thì nên chọn cổ cao, chống thấm nha. Các bạn đoàn mình thì đa số đi của Jack Wolfskin. May mắn là cả 7 người đều chọn được đôi giày phù hợp với mình.
- Bạn không nên mua trước quá lâu, vì lâu mà không đeo nó sẽ khô keo, dễ bong. Nên mua trước tầm 1 tháng, lấy ra đi bộ mỗi ngày cho nó mềm giày ra và quen chân bạn.
- Nên mua rộng 1-2 size so với giày thể thao bình thường. Lí do là vì bạn sẽ phải đeo vớ dày khi đi lạnh. Và chân bạn sẽ ngày càng nở ra (có khi còn phù ra) khi đi trek nhiều ngày. Mình nè, bình thường chân bé tí đi giày size 36, mua giày size 38 đi vừa in.
- Mua ở đâu? Mình không bán giày, và tìm chỗ mua cũng vất vả. Cũng không quan tâm lắm giày fake hay real, chỉ quan tâm là nó “chất” không. Team mình mua ở 2 shop, đều có facebook, bạn tự tìm nha chứ mình không PR. 2 shop này đều khuyến khích tự ra thử giày, và đúng là phải thử mới chọn được đôi vừa chân vừa ý:
*Hà Nội: 9stores – chuyên giày outdoor, giày thể thao chính hãng
*Sài Gòn: Tsu Corner
–
Áo khoác: 2 cái. 1 cái The north face 2 lớp, 1 áo phao. Áo mua ở trung tâm Taka Plaza Phạm Ngũ Lão. 1 cái mặc hằng ngày, 1 cái áo phao đủ chống lại thời tiết âm độ.
–
Quần áo giữ nhiệt: 2 bộ mặc bên trong khi ngủ còn đi trek khỏi cần. Mua của Uniqlo, Deathcalon… hay mua ngoài chợ tuỳ bạn.
Quần áo mặc đi trek: cứ quần dài, áo dài tay là được.
–
Mũ, nón, kính: quan trọng. Nên đội nón vải rộng vành, có dây vì gió nhiều dễ bay. Có thêm nón len giữ ấm, nón lá cho mát và thời trang
))
–
Balo: Balo nhất định phải có trợ lực, mình mượn được cái 40 lít.
–
Thức ăn: Quan trọng lắm. Bọn mình xác định ngay từ đầu là chỉ ăn đồ ăn Nepal cho vui chứ không thể ăn no, vì không thể chịu nổi mùi cà ri. Đoàn tự mang theo gia vị, đồ ăn khô theo: 2kg chanh, gia vị nấu ăn 1 túi gồm bột nêm, tiêu, dầu hào, 2 chai nước mắm 600ml,khô mực, tôm khô, cá cơm kho khô, khô gà, cá chỉ vàng tẩm ướp sẵn, gói rong biển để nấu canh. Thời tiết lạnh nên bảo quản không bị hư, tất cả món ăn đều dễ nấu hoặc có thể ăn ngay, chế biến cùng thức ăn địa phương. Nói chung nếu bạn không thể ăn hãy mang theo hương vị quê nhà.
–
Bình giữ nhiệt: nên mang theo pha trà gừng, cafe uống dọc đường cho ấm bụng.
–
Nước: dọc đường trek có các điểm refill nước miễn phí. Có nơi có bình lọc, có nơi là nước tự nhiên. Bọn mình uống hoàn toàn bằng nước này, bình thường, không ai gặp vấn đề gì. Bạn có thể mua nước dọc đường, tuy nhiên càng lên cao nước càng đắt, trung bình 100-200 rúppi/chai 1,5 lít.
–
Thuốc: Tour có chuẩn bị cho bọn mình, nhưng thứ mang theo nhiều nhất vẫn là Panadol, cao Sao vàng, cao Salonpas, nước muối nhỏ mũi và xịt mũi (7 đứa đều bị vấn đề với mũi, nước mũi auto chảy, chảy đã thì nghẹt).
–
Miếng dán nhiệt: cứu bọn mình rất nhiều trong chuyến đi. Bọn mình mua miếng dán có bột nhôm bên trong khi tiếp xúc với không khí sẽ toả nhiệt lên tới 50 độ C, loại của Nhật nên khá nặng, chủ yếu dùng để dán 2 bàn chân trước khi ngủ ở độ cao từ 3800m.
– Đồ skin care: Nam nữ đều nên dùng, nếu không muốn cháy da, bóc da sau khi trở về từ núi. Cần có:
+ kem chống nắng spf 50+, trưa bôi lại 1 lần
+ dưỡng ẩm: 1 chai dung dịch của Hadalabo, kem dưỡng ẩm Pond’s
+ tẩy trang, sữa rửa mặt: bôi rồi nhất định phải tẩy, không là hứng trọn mụn đầu đen.
+dưỡng da tay chân: lotion nào mà bạn hay dùng, vì lạnh da rất khô.
Nhờ chăm chỉ mà bọn mình chỉ bị bong da nhẹ khi về vùng nắng dưới thủ đô, còn lại ai cũng trắng trẻo xinh đẹp.
–
Bản đồ Maps.me: Một app nên tải để theo dõi đường đi, bạn chỉ cần tải trước vùng Nepal, còn trong chuyến đi app này không cần có wifi.
6. Tập thể lực trước chuyến đi
Mình không phải đứa khoẻ mạnh đặc biệt, cũng hay ốm vặt, hay đau lưng mỏi gối. Nhưng mình thích vận động, thích leo trèo. Ngắn gọn là hơi tăng động á, nên chuyện tập để leo núi không phải gánh nặng của mình.
Bạn phải khoẻ, khoẻ để có sức chụp hình, ngắm núi vì đã bỏ một đống tiền ra để đi cơ mà. Thế nên là, hãy dành 1-2 tháng trước chuyến đi tập luyện chăm chỉ, ăn uống đủ chất.
–
Chạy bộ: mình thích môn này nhất. Bạn mình tập với mình 1 tháng trước khi đi, mình có thể chạy được 15km rồi. Quan trọng là nó giúp mình điều hoà hơi thở tốt, chân khoẻ hơn.
– Leo cầu thang: nên tập và rất dễ để tập hằng ngày.
– Bộ môn khác: bơi lội đạp xe gì đấy tuỳ bạn.
Bọn mình có thêm 3 kì “tập huấn” sương sương trong năm để đoàn làm quen nhau: đi leo Chứa Chan, đi Tà Năng và chốt lại bằng cú leo Bà Đen 1 tuần cuối khi xuất phát.
7. Kinh nghiệm trong chuyến đi
– Vé máy bay, đặt phòng khách sạn, hộ chiếu, thẻ visa: tất cả in ra cất kĩ vào túi luôn mang theo bên mình.
–
VISA: Visa vào Nepal là dạng visa on arrival nên xin rất dễ dàng, có tiền là có visa. Năm 2019, tại sân bay Tribhuvan thủ đô Kathmandu đã có các quầy cho khách tự chụp hình, điền thông tin, scan passport. Sau khi hoàn tất các bước bạn xếp hàng đóng tiền là xong: 15 ngày đóng 40USD, 40 ngày đóng 50USD.
–
Đổi tiền Nepal: Trước khi đi bạn cần đổi USD là được. Sang Kathmandu quầy đổi tiền đầy đường, tỉ giá như nhau hết, bao nhiêu cũng đổi được.
–
Mua sim: Bọn mình không mua, lên núi gọi cho ai, online làm gì. Không cần thiết.
–
Tea house dọc đường: Wifi: có, điện: có, nước nóng: có, nhà vệ sinh, nhà tắm, hostel: có hết. Mà trừ điện ra thì tất cả đều có thể tốn tiền, nên nhớ hỏi trước khi sử dụng.
–
Mua sắm ở Kathmandu: bạn sẽ dễ chi tiền cho rất nhiều món đồ leo núi tại đây như quần áo giày dép. Tuy nhiên, nhớ lời mình, trả giá hăng say và đam mê vào, nói thì hơi quá chứ hầu như giá nào cũng có thể bán cho bạn được. Cái khăn nói 3000 mua 500 là chuyện bình thường. Dù gì bọn mình cũng rất thích ủng hộ cho sản phẩm du lịch của Nepal, dù ở thủ đô hay ở dọc đường.
–
Say độ cao: bạn có thể chóng mặt nhức đầu, nôn ói, khó thở… đó là biểu hiện của say độ cao. Mình có viết kĩ ở
đây, bạn tham khảo. Nhớ uống nhiều nước mỗi ngày, bổ sung viên uống vitamin C, ăn no, ngủ đủ giấc, bạn sẽ khoẻ.
–
Giấy vệ sinh rất quan trọng. Nghe vô lý ha, làm gì thì làm hãy nhớ bỏ ít giấy vệ sinh vào túi áo túi quần để… hỉ mũi, đi vệ sinh. Trời ơi, bí kíp sinh tồn đó.
– Nếu bạn đi tour và porter vác đồ cho như mình thì cũng nhớ tự bỏ vào balo quần áo thay của buổi tối, áo ấm. Porter có thể đến điểm nghỉ chân trễ hơn bạn. Và bạn nên có quần áo để tắm rửa sớm.
-Đừng bao giờ tính toán giờ giấc trên mỗi tuyến đường ở Nepal, bất kể là đường trek hay đường ô tô, nó là ẩn số và bất ngờ. 120km đi hết 8 tiếng là chuyện bình thường. Và đi xe ô tô chưa hẳn là sướng hơn đi bộ.
– Nếu bạn có điều kiện, hãy đặt chuyến bay từ Pokhara hoặc các điểm kết thúc trekking về Kathmandu. Vì đường xá Nepal cũng như xe khách chất lượng rất tệ, đi thử cho biết 1 lần là được.
8. Tài liệu, thông tin nghiên cứu trước khi đi
– Nepal của Lonely Planet
– Xem vài bộ phim lấy cảm hứng: 7 năm ở Tây Tạng, Into the wild, Wild – Hoang dã.
– Đọc blog của anh
The travel loner – idol của mình. Cung trek không cần xem hay nhớ kĩ quá, tránh vỡ mộng hay hình dung quá chi tiết về điểm đến, hết bất ngờ.
Tạm hết rồi thì phải, nhớ ra thêm điều gì mình sẽ bổ sung hoặc các bạn có thể inbox qua page
Chuyện kể từ những chuyến đi mình sẽ trả lời.