What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek - Có chuyến đi dài hơn đất trời

Vậy là đoàn chúng mình đã vượt qua đèo Thorong La ko trượt đứa nào. Một ngày nắng phè phỡn ở Pokhara để viết vài dòng về mấy ngày lạnh tê tái vừa mới ngang qua trước mắt mà nổi da gà.
img_20191117_0933273809018423996607845.jpg

7 chúng tôi và Ganesh – guide

Ở nhà, khi đọc review chúng mình vẫn không lường trước được độ khó khăn đến như vậy. Bạn mình từng đi cung này bảo “cứ tưởng tượng đêm trước còn nói cười chơi bài với nhau, sáng ra bị trực thăng cẩu về”. Câu nói ám ảnh đó làm cả đêm trước khi vượt đèo khiến mọi người lao vào giấc ngủ tốt nhất.

Sáng hôm sau 4h30 chiến đấu với cái bánh nướng lót dạ đầy ngán ngẩm, đạp từng thớ tuyết bước đi trong câm lặng. Chỉ 4km qua đèo mà bước đi đông cứng, tay chân không còn là của mình, phổi một đống băng, nước uống váng đặc đá. Chẳng biết viết sao để mỗi bước chân lê lết đến đèo, chắc là giống mấy phi hành gia khám phá mặt trăng.

Khoảnh khắc thấy đèo hiện ra, mệt tan đi như băng tan một ngày mùa xuân. Cả đám hò reo vì đã không ai bỏ cuộc. Vì suốt 9 ngày trời leo lên từng độ cao, nước mũi chảy ra không gì thấm nổi.
img_20191117_091916-13034685320842559864.jpg


Chúng mình chỉ là những bánh bèo bánh chuối tầm thường leo lên một đỉnh cao mới trong cuộc đời mình. Vẫn biết, một đỉnh cao không chỉ là một con số hồn nhiên vô tư dễ dàng nói ra, nhưng hành trình chinh phục con số ấy đầy rẫy những câu chuyện vụn vặt mà tụi mình không thể nào tìm thấy trong những ngày lầm lũi ở Sài Gòn.

(Còn tiếp)
 
Tôi còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy, 23/12, sau khi lê lết chạy được 5km đầu tiên của cuộc đời, tôi và Nas lên xe bus số 19 về thành phố. Trên chuyến xe giữa trưa nắng, bỗng nhiên lão nói về chuyện chắc sẽ quay lại Nepal cuối năm sau (tức là năm nay), hỏi tôi có đi không.
Hẳn mọi người cũng biết tôi đã lỡ dại gật đầu. Cung đường chúng tôi chọn là Annapurna Circuit Trek.
20191110_134228-018561706631746764157.jpeg

Đoàn leo núi đã có 3 người: tôi, Nas và dĩ nhiên là anh Lộc nữa.
3 đứa thì ít quá, phải rủ thêm cạ cho vui. Thế là đi rủ ngay anh Tuấn. Sau chuyến đi Tà Năng thì lời nguyền trăm năm không gặp giữa hai anh em đã được phá bỏ. Anh Tuấn chỉ quan tâm đến thời gian nghỉ là bao nhiêu ngày, còn tiền anh đầy.

Mãi đến tháng 4 thì thành viên tiếp theo mới gia nhập đoàn là chị Quân. Ngẫm ra thì mắc cười, vì mình là đứa tính nết khó chiều. Kiểu chơi chơi cười cười thì vui, chứ bảo đi chung 1 chuyến dài ngày lại là một chuyện khác. Anh Tuấn bảo Quân manly lắm, có leo núi, chạy bộ đủ hết. Quan trọng là chị Quân cũng chưa có chồng. Thời điểm tháng 4 lẫn bây giờ đều không. Sau buổi “xem mắt” thành công thì nhóm chắc chắn có 5 thành viên.

Thành viên nhiều drama nhất không ai cướp nổi danh hiệu là Bông. Mãi đến tháng 9 bả mới hỏi đi như thế nào, bao ngày bao tiền. Tháng 10 ẩm ương chuyển tiền mua vé. Tháng 11 vẫn có 98% vote cho bả là sẽ bỏ vé không đi được. Riêng Bông phải chuyển hẳn 8 triệu tiền đặt cọc tinh thần, số tiền này đoàn giữ dùm, đi sẽ được trả lại, không đi mọi người sẽ dùng tiền đó đi ăn nhà hàng. Bạn biết đấy, trong một đoàn tuyển chọn tân binh debut không khác gì thi hoa hậu, việc một thành viên tuyên bố rút vào giờ cuối sẽ ảnh hưởng đến mọi người còn lại rất nhiều. Càng thân thiết gắn bó thì nỗi hụt hẫng càng nhiều, nên phải dùng vật chất bù đắp lại phần nào.

Kỉ lục thứ hai thuộc về Dustin. Vào cái ngày mà đoàn đã ấn định 7 thành viên không thay đổi thì chúng tôi gặp Dustin – vào đúng những ngày anh đang vô định giữa cuộc đời, cần 1 chuyến đi, kiểu như chẳng cần biết đi đâu, ai rủ là đi. Xui quá, chuyến đi lại là Nepal. Sau 1 đêm tỉnh dậy, cứ ngỡ anh ấy sẽ quên hết mọi thứ, sẽ thấy chuyện đi leo núi thật hoang đường. Nas bắt trả lời thêm 10 vạn câu hỏi vì sao, kêu đừng đi nữa, mệt lắm, chẳng có wifi đâu, lạnh lẽo cô đơn nữa. Nhưng mà không thể nào ngăn nổi trái tim rỉ máu quyết tâm bứt phá ranh giới an toàn. Chuyển tiền, mua vé, xin nghỉ phép, đăng kí tập gym cấp tốc – những việc đó chúng tôi làm trong 1 năm trời nhưng Dustin chỉ làm trong 1 ngày.
Đến bây giờ thì đoàn leo núi của chúng tôi chính thức đầy đủ: 8 thành viên.

Nói có 1 năm chuẩn bị chứ ngày tháng cứ cuốn chúng tôi đi vèo vèo. Từ giữa năm, 3 trại tập huấn cuối tuần được tổ chức: Núi Chứa Chan, Tà Năng, Bà Đen bắt buộc tất cả mọi người tham gia.
Còn 1 tháng chuẩn bị cả team lao vào tập thể lực hùng hục như trâu. Tôi từ chối hết mấy kèo ăn chơi buổi tối, vác xác đi chạy bộ với bạn. Đến mức có đứa còn công nhận tôi đã đem sự siêng năng của cả đời dồn vào chuyến đi này.
Chuyến đi Bà Đen chỉ cách ngày bay 4 ngày, đi về đứa nào cũng đau bắp đùi. Kệ, đau cho quen, đến ngày đi là hết đau.
4h30 đoàn leo núi có mặt ở Sân bay. 7 người. Cuối cùng người tạo drama không phải Bông mà là anh Lương. Hơi buồn nhưng biết sao giờ. Cuộc sống mà!

img_20191108_0835113198108491504772189.jpg
 
Nepal – tôi biết đến Nepal là từ khi nào nhỉ?
20191120_161409.jpg

Quốc kỳ Nepal đặc biệt nhất thế giới – 2 hình tam giác chồng lên nhau chứ không phải hình vuông hay chữ nhật

Chắc cũng như đa số mọi người, vì nơi đó có đỉnh núi cao nhất thế giới với tất cả sự kì bí mà nhiều người mạo hiểm chinh phục bằng cả tính mạng. Còn chuyện ý định trek một cung đường ở Nepal chỉ có từ năm 2015, lúc Thái Việt gửi cho tôi những tấm hình từ Lang Tang, nói rằng hãy ít nhất một lần nhìn ngắm Himalayas trong đời.
dsc00864.jpg

Tôi đi còn vì những bài blog về Nepal của anh mà tôi gọi là Idol – tôi đoán là anh không hề biết có người đi chỉ vì đọc blog của anh. Tôi nhớ rất rõ một câu mà anh trích đăng, cũng là câu mà tôi từng nghĩ đến rất nhiều lần “Over every mountain there is a path, although it may not be seen from the valley”.
Cũng như Nu – chị sẽ không biết có 3 đứa đã nhắc về chị cả hành trình trekking, nhắc về Nagarkot, về bầu trời sao, về những tấm bưu thiếp, và cái câu thần chú “Chưa bao giờ tôi thấy núi gần đến thế”. Tôi thấy mình may mắn, vì luôn có những thứ vô hình như thế đồng hành bầu bạn trong tâm trí qua từng đoạn đường.
Người ta không nhất thiết phải có một lí do gì đó để đến một vùng đất mới, để leo lên một ngọn núi. Ngay cả khi bạn chẳng vì lí do nào, chỉ đơn giản vì “the mountains are calling me” – giống như dòng chữ in trên những chiếc T-shirt bán đầy Kathmandu – thì việc bạn đến Nepal đóng 1 dấu mộc vào passport cũng đã đặc biệt rồi. Nhưng nếu bạn mang theo một lí do, thì chuyến đi của bạn sẽ rất đặc biệt, giống như cảm giác của tôi khi kết thúc chuyến đi, ngồi hỏi từng người bạn trong đoàn leo núi của mình “Vì sao anh/chị đến Nepal” và nghe họ trả lời, tôi biết rằng rồi những ngày tháng này sẽ trở thành hồi ức sống động của mỗi người.
dsc00815.jpg

Lần này, cung đường trek mà chúng tôi chọn là Annapurna Circuit Trek (ACT) – cung trek cổ điển thuộc loại khó, dài ngày và đẹp nhất ở Nepal. Khó là vì độ cao nhất mà cung đường chạm tới là đèo Thorongla Pass 5416m, các ngày trek đều up độ cao nhiều, nhiệt độ thấp… Nhưng đây cũng là cung trek đẹp nơi có thể chiêm ngưỡng nhiều ngọn núi: Annapurna II và IV, đỉnh Manasulu, đi qua những con đường mòn thơ mộng, những ngôi làng đậm chất Tây Tạng. Chúng tôi sẽ có 14 ngày sống với núi rừng, không wifi, chỉ nhìn mặt nhau và nhìn núi.
20191111_121211.jpg

Chẳng biết người ta đi thế nào, chứ đoàn chúng tôi chuẩn bị rộn ràng sương sương hết 1 năm. Đặt vé máy bay, lập team, đi các “trại tập huấn”, sắm đồ, tập thể lực. 1 năm cho 1 chuyến đi dài nhất, xa nhất, lâu nhất khỏi Sài Gòn.
1 tháng trước chuyến đi, đoàn off team lần cuối chia nhau mua đồ, phổ biến lịch trình.
1 tuần trước chuyến đi, đoàn leo Bà Đen lần cuối cho quen chân.
16:30 đoàn leo núi tập trung ở sân bay để gói đồ đạc chuẩn bị lên đường. Trước đó chúng tôi vẫn đùa nhau rằng, không có gì không thể xảy ra, nên phải chờ ngày ra sân bay mới biết chính xác đoàn có bao nhiêu người.
Thái Việt mua theo mấy chiếc túi, loại túi đi buôn để mọi người đựng chung đồ kí gửi. Tôi hay đùa, chưa bao giờ đi bụi mà nhìn sang sang được miếng, khi nào nhìn cũng hèn hèn. Tôi được giao nhiệm vụ mua và chiết 2 chai nước mắm quốc hồn quốc tuý – lật đật chạy từ công ty về mới chiết. Ra sân bay bày ra nào cá cơm rim, nào cá chỉ vàng, khô mực, 1 kg chanh, hạt tiêu, hột nêm, trà gừng. Ừ thì hèn hèn bần bần vậy chứ nhờ vào mớ này mà cả đoàn sống sót trên núi tuyết. Xui cái lần này đoàn đi trúng đợt dịch tả heo châu Phi, Malay cấm mang các thực phẩm từ thịt heo, nên đành tạm biệt với thịt kho mắm ruốc, chà bông gì đó không thể mang theo.
img_20191107_194113.jpg

20:30, máy bay cất cánh, mang theo 7 con người rời Việt Nam 20 ngày. Máy bay cất cánh, dấu xuất cảnh đóng trên passport đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tạm rời bỏ công việc, ai đó sẽ bỏ lại nỗi phân vân về trách nhiệm, ai đó sẽ dứt khỏi một nỗi thất tình.
dsc_3355.jpg

Từ Việt Nam sang Nepal không có chuyến bay thẳng, bạn có thể lựa chọn quá cảnh ở Malaysia hay Thái Lan. Đoàn chúng tôi chọn quá cảnh ở Malaysia 1 đêm, chặng 1 bay Air Asia, chặng 2 Malindo air. Chi tiết về săn vé, lịch trình đi, kinh nghiệm, tips… mình sẽ note ở phần cuối cho các bạn cần tham khảo.
Đêm quá cảnh ở KLIA1 thật sự là một đêm dài, hành khách chờ nối chuyến, bay sớm, quá cảnh đông như hội. Tìm được một góc trống trải, 7 anh chị em mệt nhoài nằm chợp mắt, xếp lớp như cá mòi. Đêm anh Tuấn tỉnh dậy chụp lại cảnh này.
dsc_3360.jpg

Lúc ngủ lương thiện
20191108_073809.jpg

Tỉnh dậy hổ báo liền
Tuy chuyến bay của chúng tôi 9h mới cất cánh, nhưng vì muốn thảnh thơi nên vẫn vào check in rất sớm. Đến quầy thì gặp 1 hàng dài các anh người Nepal cũng đang gửi hành lý về nước. Điều thú vị là các anh này, ai cũng gửi 1 chiếc vali to kèm 1 chiếc tivi Sony chắc cỡ 40 inch. Sau này tìm hiểu thì bọn tôi mới biết, người Nepal sang Malay xuất khẩu lao động làm công nhân rất nhiều, chủ yếu toàn thanh niên trai tráng, bởi nếu ở lại quê hương cũng chẳng có gì để làm ngoài chuyện nếu có sức khoẻ thì đi làm porter trên núi. Nhìn cảnh mấy anh bị quá số kg hành lý, phải mở vali ra vứt lại bớt đồ mà thương. Cũng có thứ gì quý giá mang về quê đâu, toàn là chăn mền bánh kẹo.
20191108_064236.jpg

Hoà vào dòng Nepal kiều về quê ăn Tết
20191108_070949.jpg

 
Chuyến bay 6 tiếng dài từ Malay đến Nepal, tôi ngủ từ khi máy bay chưa cất cánh. Tỉnh dậy giữa lưng chừng trời vì bạn tiếp viên gọi lấy đồ ăn. Lúc đó mới biết vé mình đặt có đồ ăn, món ăn đầu tiên đậm đà mùi cà ri Nam Á. Ngó sang hàng ghế kế bên của bạn chung đoàn, có một cậu thanh niên da trắng bóc cũng đang ngó sang nhìn mình. Đó là một chàng trai Nepal, nhìn rất khác so với đa số thanh niên gốc Nepal khác mà mình biết. Chắc cậu này là người lai, cậu ý bị say máy bay, nhìn đến tội.
2h chiều chúng tôi hạ cánh ở sân bay Tribhuvan – thủ đô Kathmandu- Nepal. Sân bay nằm cách trung tâm Thamel khoảng 5km, khiêm tốn như một cái bến xe liên tỉnh. Trước lúc đi Thái Việt dặn bọn tôi photo hộ chiếu, chụp hình thẻ sẵn để xin visa tại sân bay nhưng không cần dùng đến. Hiện tại, sân bay Tribhuvan đã áp dụng công nghệ nhập cảnh hiện đại, tự động bằng máy, bạn không cần đem theo gì hết, chỉ cần đem tiền thôi.
20191108_131025.jpg

Công nghệ nhập cảnh tự động cho khách du lịch ở sân bay Tribuvan – Nepal
Bước 1 đến máy nhập thông tin, scan passport, kiễng chân lên cho máy chụp hình. Bước 2 tiến đến quầy đóng tiền dài lê thê, 15 ngày đóng 40USD, 40 ngày đóng 50USD. Bạn có thể ở tới 90 ngày ở Nepal. Đến bước 3 thì bọn tôi đã thấu hiểu phần nào lối sống chậm rãi của Nepal từ ngày bước chân vào cửa. Chậm chạp, rề rà, lan man, slowmotion – tất cả những gì tôi có thể diễn tả về việc nhập cảnh ở Nepal. Đến mức là người ta còn đóng nhầm dấu thu tiền cho chị Quân và anh Tuấn, đóng tiền 15 ngày, mà đóng dấu có 1 ngày.
20191108_131842.jpg

Xếp hàng chờ đóng tiền phí Visa
20191108_144925.jpg

Xin hẳn 30 ngày bõ công 1 lần đi

Chúng tôi xong xuôi tất cả thủ tục, bước ra sảnh trước sân bay thì Ganesh đã đứng chờ từ bao giờ. Ganesh là người dẫn đường cho Thái Việt cung Lang Tang năm 2015. Tôi sẽ không gọi chú ấy là Tourguide- dù đó chính xác là cái danh xưng của chú, mà sẽ chỉ gọi là người dẫn đường – một người bạn Nepal chân thành, nhiệt tình như cách chú ấy hay gọi chúng tôi “my friends”. Ganesh chuẩn bị sẵn những vòng hoa xâu bằng cúc vạn thọ tặng chúng tôi. Ở đây, quà gặp gỡ hay chia tay thường là vòng hoa hoặc 1 chiếc khăn đeo cổ – 1 lời chúc may mắn, cầu bình an – tôi đoán thế.

img_20191108_141633.jpg

Chúng tôi và Ganesh sau khi gặp gỡ trao hoa
Buổi chiều ở Kathmandu, Ganesh dẫn chúng tôi đi thăm đền Khỉ ngắm hoàng hôn. Cũng là một bước sương sương khởi động cho những ngày đi bộ miệt mài sắp tới. Khỉ ở đây hiền chán so với bọn khỉ ở Cần Giờ quê ta. Từ ngôi đền này bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ thung lũng Kathmandu chiều tà giữa bốn bề núi.

20191108_181443.jpg

Kathmandu nhìn từ đền Khỉ
img_20191108_163252.jpg

Lũ khỉ đông đen như kiến
20191108_170420.jpg

Khỉ gác đền
20191108_165533.jpg
Kathmandu không nhiều nhà cao tầng, toàn nhà cửa nhỏ nhỏ, thấp thấp nằm san sát nhau, bao trùm bởi một lớp bụi bặm từ mùa này sang mùa khác, trở thành một đặc trưng luôn. Để vào Kathmandu, xe từ các ngả đường phải nối đuôi nhau trên những con đèo dài thường xuyên ùn tắc.

20191109_093917.jpg

Xe thường xuyên kẹt nối nhau trên đoạn đèo này để vào Kathmandu
Kathmandu, Thamel… cổ kính, bụi bặm, kẹt xe, nhỏ bé… tất cả những gì từng đọc, từng xem trong Doctor Stranger đang hiện hữu trước mắt, sống động, đầy âm thanh. Chúng tôi dành buổi tối đầu tiên ở đây để ăn thử Momo – một món ăn phổ biến hàng đầu của người Nepal, giống như há cảo, chấm với thứ nước chấm dậy mùi cà ri và uống bia Everest.

20191108_222847.jpg

Thử chút bia Nepal
Vì vẫn còn quay lại Thamel nên tôi sẽ dành những dòng viết riêng về nhịp sống, con người Thamel, về Durbar Square, về những ly trà sữa và sữa chua lassi ngon lành trong những post sau.
 
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi gặp lại Ganesh và các anh porter, rời Kathmandu đi Jagat – nơi bắt đầu hành trình trekking cung đường Annapurna Circuit Trek (ACT) bằng đôi chân. Ở Nepal chúng tôi đúc rút được kha khá kinh nghiệm tính toán, đi lại mà một trong số đó là: đi đâu cũng mất 1 ngày, đi gần hay đi xa :)).

img_20191109_081949.jpg

Các porter vận chuyển hành lý lên xe
Hành trình Kathmandu – Jagat (200km) chia làm 2 chặng: Kathmandu – Besisahar (170km) bằng xe khách, Besisahar – Jagat (30km) bằng xe jeep. Chặng 1 khá may mắn khi được đi trên một chiếc xe khá mới và đường cũng khá đẹp. Đẹp ở đây có nghĩa là dọc đường đi bạn vẫn có thể thoải mái ngủ, ăn uống trên xe, ngắm ruộng bậc thang lúa chín vàng ươm Tây Bắc Hà Giang quê nhà, ngắm con sông xanh biếc uốn lượn bên đường chứ chưa phải lắc lư như giật điện.

img_20191109_150004.jpg

Điểm danh phát rồi lên đường nào các anh em!
20191109_110839.jpg

Những đứa trẻ đam mê cafe ngày nào cũng thử uống ở xứ bạn rồi ngày nào cũng tự thề sẽ không bao giờ thử thêm ly nào nữa
20191109_100618.jpg

Bản Phùng quê ta đây chứ đâu
20191109_162414.jpg

Một đoạn lòng hồ thuỷ điện xanh biếc
Bữa trưa đầu tiên dọc đường là một buffet hết hồn chim én. Khi nghe nói sẽ ăn Buffet cả đám chúng tôi ồ lên, rồi khi nhìn thực tế lại ồ phát nữa, vì không biết ăn gì cả. Người Nepal ăn uống khá đơn giản, 80% dân số theo đạo Hinđu giáo. Họ không ăn thịt bò, coi bò là con vật linh thiêng, không bị cấm ăn thịt heo nhưng cũng không ăn và rất ít bán (tôn giáo lớn thứ 3 ở Nepal là Hồi giáo, không ăn thịt heo).

img_1715.jpg

Hoa vạn thọ – không ăn được nhưng bán đầy Kathmandu
20191109_063425.jpg

Một sạp bán thực phẩm ở chợ
Thành ra, nói về ẩm thực của người Nepal, quanh đi quẩn lại chỉ có phổ biến nhất là gà, dê, cừu, ít thịt trâu và hiếm hải sản (không có biển, chỉ có vài loại cá nước ngọt). Trong hành trình leo núi dài ngày, tôi quan sát bữa ăn của các anh porter, thấy họ ăn đơn giản, chủ yếu là rau cải xào, đậu lăng, khoai tây xào, 1-2 miếng thịt gà… những nguyên liệu trong 1 phần cơm Dal Bhat – món ăn truyền thống mà bạn sẽ gặp ở bất kì vùng nào ở Nepal.

20191114_192540.jpg

Cơm Dal Bhat – món truyền thống của người Nepal
Thôi thì ta nói, nhập gia tuỳ tục, chưa thể nấu nướng nên cố ăn dằn bụng. Bọn mình cũng không khó khăn gì trong ăn uống, chỉ là không chịu nổi mùi cà ri quá nhiều trong món ăn.

Những ngày phải di chuyển bằng xe trong hành trình quả thực dễ làm người ta nản lòng, vì đường quá dài, chẳng biết làm gì mà giết thời gian, ngủ rồi vén rèm ngắm cảnh, ngắm chán lại ăn vặt, rồi lại ngủ. 170km mà đi mất hẳn 7 tiếng. Nhưng chưa thấm vào đâu so với những cuộc phiêu lưu sau này dọc ngang đất Nepal, tôi sẽ kể sau.

Chiều sớm khi nắng còn vấn vương, xe cho chúng tôi xuống ở Besisahar – một trấn nhỏ, điểm có thể bắt đầu của cung trekking ACT. Nhiều khách du lịch có thời gian rảnh rỗi sẽ bắt đầu trekking từ đây. Nhưng vì có ít thời gian hơn và cảnh sắc cũng chưa thật xuất sắc nên Ganesh bố trí cho chúng tôi điểm bắt đầu ở Jagat – lịch trình bảo vậy :))).

20191109_170100.jpg

Besisahar – một trấn nhỏ nơi có thể bắt đầu cung trek ACT
 
Vào một khách sạn rửa mặt mũi cho tỉnh táo, chúng tôi chuyển đồ đạc sang một chiếc xe jeep có thùng xe khá rộng. Ganesh bảo ghế trước có thể ngồi 5 người thôi, nên 2 bạn nào chịu khó ngồi thùng xe. Đoạn này tự nhiên máu anh hùng nổi lên, chúng tôi bảo sẽ ngồi cả 7 đứa trong thùng xe. Ganesh và các anh porter, cả thảy 5 người nhìn chúng tôi như thú lạ. Mãi lúc đi rồi tôi mới hiểu hết ý nghĩa cái nhìn và nụ cười ấy. Chứ lúc bước vào thùng xe ngồi, tôi còn đang bận nghĩ lại một cảnh trong phim Hậu duệ mặt trời, buổi chiều ở Uruk, 2 anh chị ngồi sau thùng xe hôn nhau lãng mạn.

20191109_155802.jpg

Đấy, cái xe mà bọn tôi ngồi gần 3 tiếng trong thùng phía sau, ngu ngục!
Chúng tôi háo hức chui vào thùng xe, còn chẳng đủ để duỗi cái chân ra cho thẳng, chưa kể còn phải ngồi khép nép không đè bẹp nước mắm với đồ ăn. Xe vừa rời con đường nhựa lao vào con đường đất thì tất cả lòng mề của bọn tôi được dịp chào hỏi nhau nhiệt tình. Chiếc xe như nhảy ngựa trên con đường lổn nhổn đá. Quãng đầu chúng tôi còn ngắm cảnh trò chuyện tíu tít, quãng sau chỉ biết câm nín, mở bản đồ xem từng km, từng mét được rút ngắn lại khi đêm dần buông.

20191109_164632.jpg

Sương sương cây cầu treo bằng gỗ thử sức bền của tim
Con đường càng ngày càng thu hẹp lại, dốc đứng, cua gắt. Đầu tôi đụng vào thanh sắt mấy phát, đau điếng. Có những đoạn xe phải dừng hẳn tránh cho xe đi ngược chiều xuống dốc, chơi vơi bên mép vực. Chúng tôi la hét chí chóe khi xe dựt dựt lại gài số lên dốc mà ngỡ như bị mất thắng. Lúc Thái Việt bảo bản đồ tới Jagat rồi, chúng tôi hét lên, còn chiếc xe thì không dừng lại. Jagat rất đông vui, những tea house đông đúc khách du lịch đang ngồi tán gẫu, uống bia, ăn tối, đèn đuốc sáng trưng. Xe vẫn chạy, trái tim ai cũng vụn vỡ, nó sẽ chạy đến đâu đây?

Bản đồ chỉ ngôi làng gần nhất có điểm dừng chân là Chamje, cách 3km. Và chúng tôi tự hiểu số phận của mình. Hẳn là Jagat đông đúc quá, hoặc đi thêm để ngày mai trek ngắn lại… Sao cũng được, lúc này quá mệt, quá đói, quá mỏi mông mỏi chân, chúng tôi ngồi hát vang trời. Tôi nhớ hôm ấy trăng chợt hiện sau núi, cả bọn còn đối thơ rồi cười bò. Hát chán chê đến Cô gái mở đường thì đến Chamje. Ngôi làng này nhỏ hơn, vắng hơn Jagat, teahouse chúng tôi dừng lại chỉ có vài khách. Ngồi xe lâu đến mức các anh porter phải bê con Bông xuống vì chân nó đã tê dại.

Chia nhau ra team đi tắm, team đi nấu ăn vì không thể ăn cơm local nữa rồi. Chị Quân và Bông xông pha bữa đầu với trứng chiên, rau luộc và cá cơm kho sẵn. Vậy mà cả bọn ăn như cao lương mĩ vị. Ganesh cứ đứng nhìn bọn tôi mà cười.

img_20191110_064159.jpg

3 chị em đang hội thảo xem ăn gì
Sau bữa tối muộn màng nhưng ngon miệng, chúng tôi có cuộc gặp gỡ làm quen với Ganesh, Jeten và các anh Porter mà chúng tôi gọi vui là meeting. Từ đó meeting trở thành hoạt động truyền thống của đoàn sau bữa tối – nơi phổ biến lịch trình ngày sau, giải đáp thắc mắc, cấp phát thuốc miễn phí cho các bánh bèo.

20191109_210009.jpg

Cuộc meeting đầu tiên
Ngoài Ganesh là người dẫn đường chính, đoàn có 1 Assistant là Jeten phụ trách ăn ở hậu cần, 3 anh porter giúp vác đồ. Tất cả họ đều là người Nepal, là hàng xóm thân thiết của Ganesh.

Thời tiết Chamje ngày đầu làm quen không quá lạnh, ai cũng háo hức với việc sẽ “được đi bộ” vào ngày mai sau mấy ngày bay như chim trên trời và ngồi xe muốn liệt mông.

img_20191110_081514.jpg

Đoạn đường ngày mai
 
NGÀY 3 Con đường rực rỡ cỏ hoa

Ngày 3 ở đất Nepal nhưng mới là ngày đầu tiên được trek bằng chân. Sáng sớm bọn mình tỉnh dậy soạn đồ lên đường. Các chú porter sẽ vác bao đồ lớn còn cả bọn sẽ mang balo nhỏ đồ cá nhân cần dùng trong ngày. Nói là nhỏ chứ cái nhẹ nhất 5kg, nặng nhất của anh Tuấn cả 7kg: nước, đồ ăn vặt, quần áo mặc buổi tối… Ăn sáng nhanh chóng với cơm còn dư của tối qua chiên cháy tỏi với cá cơm, canh rong biển, vậy mà ngon hú hồn, vét tới hạt cuối cùng.

Trời còn sớm, Ganesh chỉ cho cả bọn đi thăm 1 ngọn thác gần chỗ nghỉ, thác rất cao, rất đẹp. Đêm qua chúng mình cũng ngủ ở teahouse ngay cạnh một thác nước lớn, tiếng nước đổ ầm ầm cả đêm. Dọc đường trek những ngày sau chúng mình đi qua rất nhiều thác nước như thế, đổ xuống từ tít cao, chả biết đầu nguồn nó ở đâu, có khi chảy đến đêm thì đóng băng do lạnh quá.


img_20191110_082410.jpg
dsc_3452.jpg


Đoàn đi theo con đường trek men theo dòng sông nước xanh ngắt, song song với con đường cho ô tô chạy. Buổi sáng hôm nay gặp rất nhiều nhóm trek, chủ yếu là nhóm nhỏ 2-4 người, hình như nhóm chúng mình là đông nhất, ồn ào nhất.

20191110_081043.jpg
img_20191110_081514-2.jpg
Soi bóng dưới lòng sông
img_20191110_081443.jpg


Namaste – đó chắc chắn là câu chúng mình nói nhiều nhất trong hành trình bên cạnh những câu cảm thán tiếng việt “Lạnh quá”, “Mệt quá”. Namaste là câu chào thân thiện của người Nepal, kèm theo cả lời chúc bình an may mắn. Trekker gặp nhau dọc đường, lúc còn khoẻ mạnh tràn trề đều chào nhau câu này. Lúc mệt thở còn không ra hơi thì cắm mặt mà bước thôi.

20191110_084530.jpg
1 chú trekker cô đơn ngồi một mình ở khung cảnh rất đẹp

Bọn mình gặp 2 cô khá lớn tuổi đi trek cùng nhau, 2 cô vui lắm, đứng nói chuyện với bọn mình một hồi. Mình và con Bông còn chụp chung với hai cô, bảo rằng mong khi tụi mình già, đây sẽ là phiên bản của hai đứa.

20191110_102801.jpg
Phiên bản già của 2 bọn mình?

Con đường trek ngày hôm nay rất đẹp. Bầu trời tháng 11 xanh ngắt 1 màu. Màu xanh bạn không cần tưởng tượng đâu, chỉ cần nhìn bức ảnh chụp thôi. Màu xanh ấy bạn chắc đã từng gặp nhiều lần ở Tây Nguyên, Tây Bắc tháng 11, xanh như ai photoshop kéo màu quá tay. Xanh không một gợn mây bay lang thang nào lọt vào nổi.

20191110_084842.jpg
Bầu trời năm ấy cứ xanh mãi – màu thật chụp Note 10 mình chả rảnh để sửa ảnh
 
Thời tiết hôm nay cũng không thấy lạnh lẽo gì, ai cũng áo thun cộc tay, màu mè thì thêm tí găng chống nắng. Cả team đội nón lá, ngầu phết. Hôm nay up độ cao 700m, cũng ghê phết chứ chả đùa, nhiều đoạn cũng lầm lũi bước đi chẳng buồn trêu hoa ghẹo bướm. Jeten đi đường mở chiếc loa nhỏ, phát mấy bài nhạc Nepal gì đó rất hợp không khí núi rừng, mình hay đi sau ổng nên rất khoái nghe.

20191110_090846.jpg
20191110_090952.jpg
Loài hoa không nhớ tên

Chúng mình gọi con đường mình đi buổi sáng đó là đường rực rỡ cỏ hoa. Hoa mọc ven đường đi, sà xuống đầu xuống cổ. Hoa dọc ngôi làng Tal thơ mộng, nơi có đàn bò lững thững uống nước bên sông.

20191110_103618.jpg
img_20191110_104313.jpg


Tal là một ngôi làng nhỏ và đẹp nhất hành trình trekking mà chúng mình gặp.
Lúc đứng trên ngọn đồi nhìn xuống Tal, ngôi làng nằm nép bên dòng suối với bãi đá rộng trải dài đầy một thung lũng, Thái Việt bảo mình, vậy là có thể ăn trưa ngồi thả chân xuống suối rồi. Ai ngờ tới nơi ngồi lại lạnh quá, quên cả ý đồ lúc nông nổi.

img_20191110_111657.jpg


Mình ngay lập tức phải lòng Tal từ những bước chân đầu tiên vào làng. Những ngôi nhà rực rỡ sắc màu, hoa vạn thọ, hoa cúc các loại đua nhau nở bừng dưới nắng và nền trời xanh ngắt. Người ở đây rất đam mê màu sắc nổi bật, không giống như những ngôi nhà vách đá lạnh ngắt trên cao, teahouse ở đây màu hồng, màu xanh lá, vàng, cam đủ hết. Kiểu như có bao nhiêu sơn quét hết lên, càng nổi càng thu hút. Mấy anh chị Tây lông đến làng sớm, lũ lượt kéo nhau ra ghế ngồi phơi nắng. Hồi đầu tụi mình còn thắc mắc lắm, sau này mới hiểu, thấy nắng vui cỡ nào.

img_20191110_111844-1.jpg
Mở cổng kiểu “Hãy đến và chiếm lấy em đi”
20191110_105055.jpg
Tal – ngôi làng rực rỡ cỏ hoa
20191110_105310.jpg
20191110_105913.jpg


Tal đẹp đến mức mình nhớ có ai đó trong đoàn đã bảo rằng nếu không đam mê trek choác gì, chỉ muốn tận hưởng một chút Nepal, một chút núi, bình yên lãng mạn thì cứ đưa nhau đến Tal rồi ở đó vài ngày là đủ.
 
20191110_112359-1.jpg
20191110_121335-1.jpg
Hạ vũ khí, đầu hàng vẻ đẹp.

Trưa nay chúng mình vẫn tiếp tục vào bếp nấu ăn. Căn bếp hôm nay rất đẹp và cô gái ở bếp chỉ dẫn cho chúng mình cũng đẹp. Cô gái mới 23, xinh như Lý Tử Thất, nấu ăn trong căn bếp có ô cửa sổ nhìn ra một dòng suối chảy róc rách. Để có thể nấu ăn ở Nepal, dọc đường bọn mình đã phải bẻ tre chế tạo 1 đôi đũa, Nepal không ăn đũa, trời ơi!!!

20191110_111305.jpg
img_20191110_112645.jpg
2 người anh cắm hoa sẵn chờ đồ ăn
Bọn mình đói mờ cả mắt phờ phạc cả người, nấu nhanh món cá chỉ vàng chiên, gỏi bắp cải với trứng, canh mực với rau cải xanh. Bữa cơm ngon lành trong tiết trời xinh đẹp và đoàn chúng mình phải xin thêm 1 nồi cơm nữa. Chị Quân ăn cá chỉ vàng chiên ngon lành, cô gái sinh ra từ miền biển ấy bảo rằng “bình thường chị ghét con cá này lắm, cho cũng không ăn, vậy mà giờ…”, liêm sỉ gì nữa hả chị ơi. Và Dustin thì lúc nào cũng giữ danh hiệu vét nồi, chả hiểu do ăn chậm hay ăn nhiều.

20191110_114010-1.jpg
Chụp lẹ rồi ăn cơm nè, khúc này con Bông đã cà khịa con chó xong
img_20191110_113008.jpg
Cá chỉ vàng mà ngon té xỉu
img_20191110_113542.jpg
Salad bắp cải trộn mà cũng không còn thừa cọng nào

Bông – con bạn thân hậu đậu của mình đã mở đầu chuỗi ngày cà khịa động vật cây cỏ con người của nó ngay tại teahouse xinh đẹp này bằng một cú rất ấn tượng: đạp đuôi em chó nằm ngoan ngoãn dưới gầm bàn. Ẻm đau quá quay lại tợp nó một phát may mà chỉ sượt da chân. Đây không phải lần đầu nó bị chó cắn, nên mình cũng không thấy lạ. Cái lạ phải nói là, con chó đang nằm ngủ yên nó cũng không tha, con mất nết! Phải nói thêm, bọn chó ở Nepal nhiều vô kể và ngoan hiền, chúng nó hình như ngủ suốt ngày, ngủ bất chấp, có khi người ta còn mang mền mang gối ra cho nó ngủ.

20191125_085745.jpg

Sướng như chó là có thật!
 
Buổi chiều đường trek của đoàn nhập vào con đường lớn ô tô chạy. Vì theo tính toán, có lẽ đoàn chúng mình sẽ không đến được teahouse trước khi trời tối nếu đi theo đường mòn. Đi theo đường lớn, thỉnh thoảng xe jeep đi qua bụi mù trời.

img_20191110_130630.jpg

Đấy, 1 hồi phải bơi sông sang con đường bên kia
dsc_3549.jpg


Đoạn này bọn mình gặp vài con dê đi lang thang tìm muối khoáng để liếm – theo như lời anh Lộc nói, chứ mình thì chỉ thấy chúng nó liếm mấy cục đá rất đam mê. Mấy con dê làm bọn mình cười ngất, bọn nó chơi bời kiểu gì, dắt nhau vô bụi vô bờ rồi hoa cỏ bu đầy lông.

20191110_134140.jpg


À đang đi thì gặp 1 bà già ơi là già đi cùng đường với tụi mình, bà đeo 1 cái gùi, nói tiếng dân tộc. Ý là ở Nepal cũng có nhiều dân tộc như Việt Nam ấy, nên bà nói gì Jeten cũng chả hiểu, tụi mình dĩ nhiên càng không hiểu. Xong tự nhiên có 1 đoạn đường bị sạt lở, cái máy xúc tít trên cao đang múc đá, Ganesh bảo bọn mình đi nhanh chân qua đoạn này cho máy xúc làm việc. Mình đang đi qua giữa chừng thì mấy cục đá lăn ầm ầm xuống, cả đám ù té chạy thiệt nhanh qua như sợ lở đất đến nơi, bà già cũng chạy theo, vừa chạy vừa hét. Hú hồn hú vía. Qua đến chỗ an toàn mình nhìn bà bảo “Giàng ôi sợ quá bà nhỉ, nghe bà hét mà con sợ hết hồn chym én”. Xong cả bọn cứ vậy đứng cười, bà cũng cười.

dsc_3571.jpg

Hãy chú ý cây cầu treo tít trên mây kia, không hiểu đi làm sao, huhu, té xỉu

À dọc đường hôm nay, lúc đi qua một cái làng mình nhìn thấy họ dựng 1 cái cổng rất đẹp, nhưng toàn chữ giun dế đọc cũng chả biết là gì. Lại thấy quá trời người ăn mặc đẹp kéo nhau đi vào cái cổng nên mạnh dạn đoán là đám cưới. Hỏi Ganesh thử, ai ngờ ổng cũng ham vui bảo là có trận thi đấu bóng chuyền, lên coi cho biết. Thế là leo hộc hơi lên dốc, thấy rất đông dân làng đang tập trung xem 2 đội nữ đấu bóng chuyền, khí thế bừng bừng như dân mình cổ vũ chung kết bóng đá nam Seagame ấy. Xem tí cho vui rồi đi trek tiếp chứ đường còn xa vãi.

20191110_145437.jpg

View đấu bóng chuyền ăn đứt mấy sân vận động

À, bắt đầu từ ngày này thì bọn mình quen với khái niệm thời gian của Ganesh. Ganesh mà bảo còn 30 phút nữa đến thì tức là hơn 1 tiếng, Ganesh mà bảo “cố lên” thì tức là phải cố mà đi vì còn xa lắm với tốc độ của bọn mày tao chả ước lượng được thời gian đâu :))) Rồi bọn mình cũng quen luôn với việc sẽ nghỉ ở cái teahouse xa nhất trong làng. Kiểu gì cũng sẽ đi đến cuối làng mới là nhà mình. Ghê hông, mới có ngày thứ 2 đi cùng nhau mà tụi mình đã hiểu nhau vậy rồi. Hahaha!

20191110_132814-1.jpg

Gà xào sả ớt, gà quay, gà chiên nước mắm?

Chặng đường còn lại trong chiều, thực ra cũng không muộn, có điều ở đây núi cao tứ bề nên mặt trời khuất sớm. Không thấy mặt trời nữa thì cứ nghĩ là muộn rồi. Nhưng mà cũng chính trong ngày này, bọn mình đã tìm được nhau, 4 đứa mình, chị Quân, a Lộc, Bông – team lầy lội, team rề rà. 4 đứa đi chốt đoàn cùng anh Jeten, bắt đầu tự hỏi nhau thảng thốt “Ủa sao không ở nhà mà qua đây chi vậy tụi bây ơi?”. Con Bông thì bắt đầu sáng tác những câu ngôn tình khi nhìn ra xung quanh toàn là Thông – những cây thông gợi nhớ đến 1 người mà mình tin là nó muốn quên hơn muốn nhớ. “Em đã không đi Đà Lạt vì ở đó có Thông. Nhưng chạy đến Nepal rồi mà vẫn thấy toàn là anh xung quanh”. Ngôn tình nào thắng nổi nó? Anh Lộc bảo tìm gốc thông nào chết khô chụp cho con Bông tấm hình về up lên facebook bảo “tất cả những ai quen con Bông đều sẽ có số phận như cái cây này”.

20191110_154449.jpg

Chiều tà

Cứ nói những chuyện xàm xí đú như thế, chúng mình đến được teahouse lúc cơn lạnh bắt đầu ùa về. Tối nay con Bông và chị Quân xung phong vào bếp với món gà kho gừng và bí đỏ xào. Nó nhìn thấy nhà người ta có trái bí nằng nặc đòi Ganesh xin cho nó nấu, từ đó về sau cứ đi chỗ nào thấy có bí đỏ là Ganesh lại hỏi có ăn pumpkin không, ám ảnh vl.

20191110_170722.jpg

Mấy bông hồng khổng lồ ở teahouse

Sau bữa cơm thì cả team có 1 quyết định vĩ đại là: bày hết đồ ra xếp lại cho khoa học hơn. Vì lúc ở thủ đô bọn mình xếp đồ chung, đồ ăn lẫn với quần áo, đồ người này lẫn với túi người kia, ngày nào cũng đi kiếm đồ xếp đồ loạn cả lên. Thế nên sẽ chia lại. Mình chả có đồ nhiều, nằm trên giường nhìn mọi người vật lộn mà ngán ngẩm. Kinh khủng nhất là con Bông, túi nào cũng phát hiện ra có đồ của nó. Mọi người quyết định cho nó riêng hẳn 1 túi đồ, không chung chạ với ai, không cà khịa ai.


Xong xuôi hết rồi thì kéo nhau lên gác mái ngắm trăng. Lạnh lắm nên mang chăn ra quấn rồi uống trà gừng xì xụp. Lại còn được bonus tiết mục xoa bóp thị tẩm của con Bông. Mới ngày đầu tiên chếch choác nên đứa nào cũng ê ẩm toàn thân. Mình cột dây dày phần cổ chân chặt quá còn bị đau, vai đau do đeo cái balo mà tụi mình gọi là cái gùi. Bông xoa bóp cho một hồi rồi đi ngủ. 3 chị em gái tụi mình ngày nào cũng chung phòng nên cũng không lạnh lẽo gì mấy. Nghe chị Quân kể chuyện tình của bả nữa, nghe như mấy chuyện cổ tích mẹ kể bé nghe, nên tối đó ngủ ngon vãi :))) Đúng là ai cũng có những câu chuyện tình kì lạ, nếu không kể ra mà chỉ nhìn cái người hiện tại đang đứng trước mặt sẽ chẳng ai biết được. Tự nhiên mình nhớ lại ngày hôm nay đi trek, có lúc mệt quá mình hỏi ông Dustin là “Ủa nếu anh chưa chia tay, có bao giờ anh nghĩ mình sẽ đi Nepal không?”, ổng bảo “Không, đi làm gì em, anh ở nhà ngủ cho sướng”. Chỉ thất tình mới khiến người ta làm những điều rồ dại thế này. Thấy không?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top