What's new

Bùa yêu Cambodia

Có quá nhiều topic viết về Campuchia, nhưng hôm nay cũng mạn phép viết thêm một chút về đất nước sát sườn biên giới với mình. Hy vọng chia sẻ được một chút cảm xúc rất... Campuchia với tất cả mọi người. Bài viết không theo thứ tự hành trình, mà chủ yếu là theo những câu chuyện và hồi ức sau khi đến thăm đất nước của kỳ quan.

--------------

Từ nhỏ tôi đã từng nghe những câu đố vui khá dí dỏm:
- Nước nào lùn nhất? - Là Mông Cổ chứ còn gì, vì chỉ có cái Mông và cái Cổ :))
- Nước nào nhỏ nhất? - Úc, vì là con út mà...
- Vậy nước nào nghèo nhất? - Nước Áo hả, vì chỉ có cái Áo?
- Không, nghèo nhất là Cam-pu-chia, vì chỉ có một trái cam mà phải bu lại để chia (c)

Người Việt ta thường chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên khi muốn đi du lịch nước ngoài, nhưng tôi có cái thói sính hai-tếch (high technology) nên lại đi Singapore trước đó và vạch sẵn một wishlist cho những nơi "hoành văn tráng" tiếp theo. Chẳng hiểu sao một ngày Sài Gòn mưa tầm tã, tâm trạng cũng điên có tổ chức, chân lại cuồng, tôi quyết định đi Campuchia. Đọc thông tin, xem hình ảnh trên mạng không chưa đủ, tôi muốn đến tận nơi để có thể tận mắt chiêm ngưỡng kỳ quan của thế giới, được tận tay chạm vào những đường nét điêu khắc sắc sảo trên những tảng đá của Angkor. Và hơn hết là... đi để gặp gỡ những con người mới, tiếp xúc với một nền văn hóa mới.

Có lẽ sẽ mở đầu về Campuchia không quá hùng vĩ như Angkor Wat, không quá ma mị như Ta Prohm, cũng không quá rực rỡ như The Royal Palace và Silver Pagoda, mà tôi muốn mở đầu bằng Tonle Sap tức Biển Hồ.

Trích lời giới thiệu trên cuống vé:
"Cambodia's Great Lake, the Tonle Sap, is the most prominent feature on the map of Cambodia. In the wet season, the Tonle Sap Lake is one of the largest freshwater lakes in Asia"

(Biển Hồ của Campuchia, Tonle Sap, là đặc trưng nổi bật nhất trên bản đồ của Campuchia. Vào mùa mưa, Biển hồ là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất ở châu Á)

SAM_1633.jpg
 
Ta Prohm

Ngôi đền Ta Prohm nằm giữa rừng cổ thụ nên đi vào buổi trưa thì rất mát, còn đi vào buổi chiều tà sẽ cảm nhận được bầu không khí âm u vì hàng cây hai bên to lớn che khuất ánh sáng mặt trời. Có cây thân to đến 5 - 6 người mới ôm xuể. Đúng là một ngôi đền bị bỏ hoang trước khi các nhà quay phim Hollywood tìm đến và biến Ta Prohm thành một địa điểm mà du khách khó thể bỏ qua.

SAM_1629copy_589x800.jpg

Ta Prohm nay chỉ còn là một phế tích giữa rừng già vì hầu như đã đổ nát gần hết. Thế nhưng cảnh tượng những cây cổ thụ và tầm gửi mọc ngay trên những bức tường của đền và quấn những bộ rễ khổng lồ bao phủ khắp nơi tựa như những con trăn, con rắn ngoằn nghèo bò dọc hành lang, xuyên qua mái vòm rồi đu mình vắt vẻo trên mái. Những bộ rễ khổng lồ ấy đã phủ lên ngôi đền một không khí ma mị khó tả. Cuộc chiến hàng trăm năm giữa cây và đá bất phân thắng bại, để lại cho con người một kỳ quan hoang dã, thâm u và vô cùng kỳ lạ.

SAM_1614_600x800.jpg


SAM_1613_600x800.jpg


Người ta gọi bộ rễ này là "bộ rễ thủy chung"

SAM_1603_800x600.jpg
 
Ta Prohm

Nhưng không hiểu sao rễ cây lại tránh hình tượng các Apsara điêu khắc trên đá, phải chăng có một quyền lực siêu nhiên nào ảnh hưởng.

SAM_1616_800x600.jpg


SAM_1615_600x800.jpg

Ta Prohm ban đầu được gọi là Rajavihara (Đền Hoàng Gia). Jayavarman VII đã xây dựng đền để tôn vinh hoàng tộc của mình. Nhà vua rất yêu kính mẹ là Hoàng thái hậu Jayarajachudanami. Khi mẫu thân qua đời, để tưởng niệm bà, tại ngôi mộ Mẹ trong đền, Jayavarman VII đã cho gắn kim cương ở bốn bức tường bằng đá. Tương truyền những đêm trăng sáng, những hạt kim cương chiếu sáng rực rỡ.

Khi Jayavarman VIII lên ngôi, Ông đã hủy tất cả những hình ảnh liên quan đến Phật giáo để thờ vật linh của đạo Bà La Môn. Chính vì vậy trong suốt nhiều năm tiếp sau đó, đền chịu bao thăng trầm của lịch sử, nhất là cuộc tấn công của quân đội Miến Điện và Xiêm vào cuối thế kỷ 13.

Ngôi đền bị đổ nát dưới sự giày xéo của quân đối phương. Đền bị đổ nát, cổ vật trong đền bị quân đội Xiêm lấy mang về nước, những viên kim cương tại gian điện thờ Hoàng thái hậu Jayarajachudanami đã bị cậy đi mất. Hiện nay, phía trong gian điện thờ vẫn còn vết tích của nơi đặt kim cương.

SAM_1617_600x800.jpg


Tàn tích của nạn ăn cắp cổ vật?

SAM_1602_800x600.jpg
 
Ta Prohm

Khá tâm đắc với một tác giả viết trên Tạp chí Nghệ An về Đá và Cây ở Angkor

"Khi giặc Xiêmla tràn sang, từ bàn tay nâng niu của người chủ, Angkor bị rơi vào bàn tay hủy diệt của ngoại bang. Mấy thế kỉ bị bỏ hoang, Angkor lại rơi vào bàn tay lạnh lùng của một thế lực khác, đó là Hư vô. Victo Hugo nói: Vắng con người có con tạo. Bộ mặt huỷ hoại của con tạo chính là Hư vô. Thế là cả một kinh đô nguy nga đã bị hoang phế. Đội quân đầu tiên của Hư vô là rêu cỏ. Rêu lan tràn, cỏ lấn tới, từ chân thềm cho đến tận lầu gác. Trước đội quân này, đá Angkor vẫn có thể điềm nhiên nở nụ cười Bayon nguyên vẹn. Bởi cuối cùng, nỗ lực của rêu, dù kiên trì đến mấy cũng chẳng vùi được Angkor, trái lại, chúng như phủ lên đền đài một lớp kem phấn màu xanh lục, làm cho gương mặt Angkor có thêm nét quyến rũ tựa vẻ xanh xao của một nàng sương phụ. Và sự hùng hổ của cỏ cũng chỉ làm toà kiến trúc đá vốn đầy những khối chắc khoẻ, những góc sắc cạnh, lại có thêm vẻ xanh mát dịu dàng mà thôi. Cỏ rêu định đồng hoá đá, cuối cùng đã bị đá khuất phục, thành trang sức của đá. Vẻ đẹp Angkor càng cổ kính huyền bí hơn.

Bị bẽ mặt, Hư vô quyết giở ngón đòn hiểm: tung đội quân tinh nhuệ nhất để chinh phạt Angkor, đó là loài quái thụ. Hư vô đã đem gieo chúng trên nóc các ngôi đền. Và chúng đã vùn vụt lớn lên với thân hình khủng long và da thịt bạch tuộc. Loài cây cổ quái này thực sự là đội thập tự chinh tàn bạo, hè nhau kéo đến dày xéo Angkor. Cuộc chiến bấy giờ mới thực sự khốc liệt. Biết bao tên mộc tặc đã đè đầu cưỡi cổ các ngôi đền hiền lành. Bộ rễ bành trướng sục vào từng thớt đá, cắm vào mạng sườn đền đài, ghì riết từng mô đá để cho thân cây ngất ngưởng vươn vào khoảng không đầy đắc thắng. Đám vòi bạch tuộc khổng lồ của rễ cây bóp nghẹt những lồng ngực đền, làm vỡ vụn những đôi vai đền, hút lấy dưỡng chất từ sinh lực đá. Thân quái thụ no nê ngất ngểu ngồi trên đỉnh đầu, trên bờ vai các đền thiêng, thế kỉ này qua thế kỉ khác. Nhiều ngôi đền dần dần kiệt sức, không còn chống chọi được nữa, lưng oằn xuống, vai gãy gập, tiều tụy, sập sệ. Từng mảnh thân thể đền đá cứ rụng rời, cứ lăn lóc xuống những thế kỉ điêu linh… Vào hùa với lũ ác mộc còn có cả những cơn mưa axit miền nhiệt đới. Chúng xối xuống mái đền, xả xuống chân thềm làm phù nề những làn da đền tháp, làm tróc lở những thân thể tháp. Chúng quất xuống những phù điêu phập phồng sự sống, bào mòn những hoa văn tươi ròng trên sa thạch. Làm vẹt tai, sứt mũi, lõm má mọi bức tượng khắc trên đền. Cứ thế, như bầy nai yếu ớt chịu khuỵu gối bất lực trước nanh vuốt tàn bạo của loài thú dữ, bao ngôi đền đành gục đổ trong tuyệt vọng. Tiếng kêu cứu dẫu có thành lời cũng chìm nghỉm vào quên lãng của hàng hàng thế kỉ qua. Hôm nay cầm bất cứ mảnh đá nào lên tay và lắng nghe, thì trong mỗi thớ đá vẫn âm âm u u những tiếng nghẹn ngào rên rỉ.

Đội thập tự chinh quái thụ vẫn chưa chịu dừng cuộc chinh phạt thâm hiểm của nó. Chúng còn muốn truất bỏ vị thế kì quan của đền tháp Angkor. Chúng dậm bàn chân thoán đoạt lên đầu, lên ngực đền, mà ngạo mạn bảo với bàn dân thiên hạ rằng: “Không phải đám đền tháp! Mà ta, chính ta mới là kỳ quan ở vương quốc này”. Đá đã viết những trang huy hoàng, giờ đến cây viết những trang rùng rợn. Xem ra, đó sẽ là cuộc chiến đời đời không có hồi kết.

Nhưng kì quặc thay! Cuộc xâm lăng của thảo mộc đã thành một phần không thể thiếu của lịch sử chốn này. Hiện trạng trớ trêu của cuộc tương tàn giữa đền đá và quái thụ lại làm nên một nét kì thú cho di sản Angkor. Bởi vì, tương tranh và hoà giải đã chồng chéo lên nhau. Tương quan của chúng giờ đây đâu chỉ là tội nhân với nạn nhân. Tự lúc nào, tội nhân bỗng trở thành ân nhân rồi. Nếu đền đá hất được cây ra khỏi mình, nếu dỡ bỏ những chùm rễ phũ phàng của cây ra khỏi đền, thì đền cũng hoàn toàn sụp đổ. Cây dữ và đền thiêng đành hoà hoãn mà ràng níu nhau trong quan hệ cộng sinh. Chính sự oái oăm này đã khiến Angkor thành kì quan kép: kì quan đá và kì quan cây. Trước cảnh tượng nghịch dị ấy, lòng ai nấy đều dậy lên những cảm xúc trái chiều: Vừa đau xót vừa thích thú! Càng thích thú càng đau xót thế nào!"

Và Ta Prohm - sự minh chứng hùng hồn nhất cho mối quan hệ giữa Cây và Đá...

taprohm.jpg


SAM_1628_800x600.jpg


Khung cảnh hoang tàn và đổ nát, tôi gặp phải rất nhiều biển báo "mind your head" và những khu vực người ta chăng dây ngăn du khách bước vào - một phần để bảo vệ di tích - một phần tránh sự sụp đổ của các tảng đá.

SAM_1622_800x600.jpg

Và đây là "bộ rễ Hollywood" - nơi cô đào Jolie đã đến quay phim Tomb Raider. Chúng tôi nói đùa với nhau rằng: nếu đứng trước bộ rễ này chụp hình và gửi lên mạng, chắc Hollywood sẽ mời người trong ảnh đi casting vai còn thiếu, đó là vai... xác ướp :D

SAM_1619_600x800.jpg
 
Angkor trong phim

Tỉnh Siem Riep yên bình nay đã thu hút biết bao du khách lưu trú để chiêm ngưỡng di sản Angkor của thế giới. Đi dọc những con đường ở Siem Riep, tôi cảm nhận được một sự yên bình. Đường phố ở Siem Riep có khá nhiều cây xanh, và những ngôi nhà cổ theo kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Siem Riep không có nhà cao tầng vì chính quyền thành phố không cho phép có bất cứ công trình kiến trúc nào cao hơn chiều cao của Angkor Wat. Các khách sạn ở Siêm Riep chỉ tầm 3 - 4 tầng là cao nhất, nhưng đa phần đều nằm trong khuôn viên rất rộng và tràn ngập màu xanh của cỏ cây hoa lá. Siem Riep cũng rất ít đèn đường vì điện ở đây chủ yếu mua từ Thái Lan nên khá đắt. Buổi tối cuối tuần ở Siem Riep có khu vực gọi là Cambodian People's Party tọa lạc ngay trên đường phố, người Cam và cả du khách thuê chiếc chiếu nhỏ, mua gà nướng và vài lon bia Angkor ngồi nhâm nhi sự đời.

Tạm biệt Siem Riep và Angkor bằng hành trình của nàng Lara trong Tomb Raider. Một lần nữa, đất nước Campuchia xinh đẹp và Angkor Wat kỳ vĩ được xuất hiện trên màn ảnh Hollywood.

angkorwat1.jpg


angkorwat2.jpg



Nàng Lara cho thuyền cập bến, bước lên bờ chào một sư thầy bằng tiếng Khmer và hỏi nơi gọi điện thoại quốc tế. Sư thầy cười rất dễ thương và Lara lôi chiếc điện thoại của mình ra và bảo "my phone, wet"

angkorwat3.jpg


angkorwat4.jpg


Hình ảnh Lara trong đền, được một sư thầy cho uống thuốc và ngay sau đó vết thương tự lành ngay lập tức

angkor1.jpg


angkor2.jpg


angkor3.jpg


Đứng trước Angkor, ta có dịp suy ngẫm về sự kỳ diệu. Kỳ diệu? Chẳng phải nó là khả năng biến cái không thể thành có thể hay sao! Có phải kỳ diệu là quyền phép riêng của thần linh, là lẽ màu nhiệm chỉ thuộc về những đấng siêu nhiên ? Hay kỳ diệu còn là quyền năng của con người? Thì Angkor chính là một câu trả lời sớm - câu trả lời bằng đá, không phải tạc vào đá, mà tạc vào vĩnh hằng.
 
Cung điện Hoàng Gia Campuchia

Thời nhỏ vẫn hay mơ mình là công chúa, sống trong một cung điện lộng lẫy kiêu sa như những hình ảnh thường thấy trên các bộ phim. Lần đầu được đến Vương quốc Campuchia (nghe chữ Kingdom là thấy thích rồi), được vào thăm Hoàng Cung, ngắm nhìn những công trình kiến trúc màu vàng hình tháp in lên nền trời xanh ngắt mà không khỏi trầm trồ thích thú.

Cỏ cây cũng một màu vàng...
attachment.php


attachment.php


attachment.php


attachment.php

Hoàng Cung tại Phnom Penh được xây dựng mới vào năm 1866. Vào thời kỳ Angkor, từ năm 802 cho đến đầu thế kỷ 15, kinh đô của ngườI Khmer nằm tại phía bắc của Biển Hồ, ngày nay là tỉnh Siem Riep. Sau đó vua Ponhea Yat từ bỏ Angkor để dời đô về Phnom Penh. Lần đầu tiên Phnom Penh được chọn làm kinh đô vào năm 1434 (hoặc 1446) và giữ vai trò kinh đô trong một vài thập kỷ.
 
Cung điện Hoàng Gia Campuchia

Hoàng Cung dưới nắng đầu tháng 7 lộng lẫ và nguy nga, đúng là nơi ở của vua và là nơi tổ chức các nghi lễ của Hoàng Gia.


attachment.php


attachment.php


attachment.php


attachment.php

Trừ khu vực sinh sống của Hoàng gia (Cung điện Khemarin), các nơi khác trong Hoàng Cung và Chùa Bạc được mở cửa cho du khách tham quan. Một số khu vực bên trong Hoàng Cung và Chùa Bạc thì không được chụp ảnh.
 
@hanahan : Từ khi minh biết web này và minh cũng đã xem qua nhiều chuyến đi. Theo cảm nhận của mình, mình thấy chuyến đi của bạn mới là Phượt đúng nghĩa.
Ít ra mình phải biết mình đi đâu, lịch sử nó như thế nào, đời sống, con người, bản sắc văn hóa nơi đó ra sao. Chúc bạn thành công trên những chuyến đi mới.

Đề nghị Mod, Ban Điều Hành dính topic này lên để các thành viên mới được tham khảo thêm trên những chuyến đi Campuchia
 
Cảm ơn bạn leubui đã có lời khen, trên phượt nhiều chuyến đi Cam hấp dẫn lắm, phượt bằng xe máy, phượt bằng ô tô đủ hết... Vì mình thiên về lịch sử kiến trúc và văn hóa (đã tìm hiểu sơ qua thông tin trên mạng) nên muốn đến tận nơi để chiêm ngưỡng và trải nghiệm nhiều hơn một chút. Hình ảnh hay thông tin cũng bình thường nên cũng chưa tới trình được dính topic, hihi :)

Mình cũng chúc bạn leubui có nhiều chuyến phượt thú vị về viết bài trên phượt để mọi người cùng cảm nhận nhé.
 
Cung điện Hoàng Gia Campuchia

Mấy nay "nhiều chuyện" quá nên chả viết được cái bài nào ra hồn, tranh thủ còn vài hình ảnh về Cambodia nên viết cho dứt điểm trước khi tôi lại lên đường đi tiếp. Chuyến Singapore xông đất đầu năm nay đã khiến tôi trở thành một kẻ nghiện đi phượt. Như một cách để giải quyết nỗi buồn, đó là đi phượt nước ngoài. Đơn giản là khi đi về rồi thì mọi nỗi buồn sẽ tan biến ngay vì từ buồn đã chuyển sang thành khổ do... hết tiền :LL

Ở nước Cam này, đi đâu tôi cũng bắt gặp các sư thầy với trang phục cam nổi bật, từ Angkor đến Hoàng Cung

attachment.php


Biểu tượng rắn thần Naga được thấy ở khắp nơi. Naga có nghĩa là con rắn lớn, rắn hổ mang.Theo truyền thuyết khởi thủy của người Khmer là do đám cưới của một người Bà la môn Ấn Độ tên là Kaudinya với công chúa con vua rắn Naga trị vì miền đất ngập nước. Một ngày Kaudinya đi thuyền tới vùng đất của người Khmer, công chúa con vua Naga giao chiến thì bị Kaudinya bắn một mũi tên trúng thuyền làm công chúa khiếp sợ và buộc phải đồng ý làm vợ chàng. Nhà vua đành phải rút hết nước và dâng cho Kaundinya trị vì. Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma.

attachment.php


Bức tranh tường ở Hoàng Cung

attachment.php

Ta hãy tìm hiểu đôi chút về gia phả của hoàng gia Campuchia (trích "diễn đàn hướng dẫn viên du lịch Việt Nam")

Ang Duong Ðại Ðế

Xin bắt đầu với vua Ang Duong, tiếng Việt là Nặc Ông Dương, lên ngôi năm 1841 (thời vua Thiệu Trị ở nước ta). Ông này được dân Campuchia gọi là Great King (Ðại Ðế). Trong thời gian ông trị vì, nước Campuchia nằm trong vùng tranh chấp giữa Việt Nam và Thái Lan. Ông nghiêng về phía Thái và chống Việt. Ông đã từng viết thư cho Pháp để yêu cầu giúp đỡ. Năm 1859 ông đã từng đặt chân đến Châu Ðốc. Vua Ang Duong chết năm 1860. Con trai ông là Ang Vodey lên ngôi tức vua Norodom.

Vua Norodom được gọi là vị vua thời đại mới bởi vì năm 1863, ông và người Pháp ký hiệp ước đặt Campuchia dưới sự bảo hộ của Pháp. Hai năm sau, dân Khmer nổi lên chống Pháp. Người Pháp cho rằng ông ngầm ủng hộ kháng chiến. Cuộc nổi loạn này chỉ chấm dứt khi ông nói rằng người Pháp đã nhượng bộ rất nhiều. Thực chất là từ sau đó ông chỉ là một ông vua bù nhìn. Trong thời đại của ông, kinh đô của Campuchia được người Pháp dời từ Oudong về Phnom Penh mà ông cũng không có ý kiến gì. Sau khi vua Norodom chết năm 1904, em kế của ông là Ang Sar lên ngôi tức vua Sisowath. Ông này theo Pháp nên được làm vua. Vua Sisowath chết năm 1927, con là Sisowath Monivong lên kế vị.

attachment.php


attachment.php


attachment.php
 
Cung điện Hoàng Gia Campuchia

Những hình ảnh về hoàng gia Campuchia

attachment.php


attachment.php


attachment.php


attachment.php

Cuộc hôn nhân cùng dòng máu

Như đã nói ở trên vua Ang Duong có hai người con là Norodom và Sisowath. Bên dòng lớn của vua Norodom có một người cháu nội trai tên là Suramarit. Bên dòng kế của vua Sisowath có một cháu nội gái tên là Kosamak. Hai người nầy có cùng ông cố là vua Ang Duong nhưng đã thành hôn với nhau. Năm 1922 họ sinh con trai đầu lòng đặt tên là Norodom Sihanouk. Như vậy vua Ang Duong là ông sơ bên nội của Sihanouk hay cũng là ông sơ bên ngoại. Do đó vua Norodom là vua bên nội, còn vua Sisowath và Sisowath Monivong là vua bên ngoại.Vua Monivong chết năm 1941. Ðáng lẽ người kế vị là con trai ông ta tên là Sisowath Moniveth, nhưng Pháp đã chọn Sihanouk làm vua vì nghĩ rằng ông nầy dễ sai khiến hơn. Ðiều nầy là một sai lầm.

Con nhường ngôi cho cha

Vua Sihanouk làm vua từ năm 1941 tới năm 1955 thì muốn nắm thêm quyền hành về chánh trị nên từ chức và nhường ngôi lại cho cha mình là Norodom Suramarit. Còn ông ta thì làm thủ tướng. Khi vua Suramarit băng hà năm 1960 thì Sihanouk giữ chức thủ tướng kiêm quốc trưởng tới năm 1970 thì bị Lon Nol lật đổ. Ông còn làm quốc trưởng từ năm 1975-1976 dưới thời Khmer Ðỏ nhưng sau đó mất quyền về tay Khieu Samphan.

Làm vua lần thứ hai

Sau khi Việt Nam rút quân năm 1989, do sự dàn xếp của Liên Hiệp Quốc, các phe chống đối ở Campuchia đồng ý một hiến pháp mới theo đó Campuchia là một nước quân chủ lập hiến. Do đó từ năm 1993, Sihanouk trở lại làm vua đất nước này. Sihanouk có 7 người vợ. Năm 2004, Sihanouk chuẩn bị trao quyền lại cho con trai. Hoàng thân Nararith là con thứ của người vợ đầu tiên đáng lẽ được làm vua, nhưng ông này có đảng chánh trị nên không được hoàng tộc ủng hộ. Con trưởng của hoàng hậu thứ 7 là bà Monique tên Norodom Sihamoni được hoàng gia chọn kế vị.

Ông này sinh năm 1953, là một vũ sư, từng là đại sứ của Campuchia ở UNESCO, hiện còn độc thân. Ông đã từng đi nước ngoài rất nhiều và biết nói nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Nga, và Tiệp Khắc. (Mẹ của vua hiện nay tức Hoàng Thái Hậu là bà Monique Izzi, sinh tại Sài Gòn năm 1936, có cha là người Pháp lai Ý ở đảo Corse, mẹ của bà là người Khmer sinh ở Nam Vang).
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top