Re: Cảm xúc qua những chuyến đi ngắn đầu Xuân! Hành trình tháng Giêng!
“Bờ sông vẫn gió” không chỉ là bài thơ hay và xúc động viết về mẹ. Mà là may mắn của một nhà thơ biết nắm bắt những chớp sáng kỳ bí của sáng tạo. Cám ơn những giọt nước mắt thương mẹ rất bình thường của nhà thơ Trúc Thông. Nó bình thường và lấp lánh...
LỜI BÌNH BÀI THƠ BỜ SÔNG VẪN GIÓ CỦA TRÚC THÔNG
Lê Hoài Lương
BỜ SÔNG VẪN GIÓ
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió...người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...
Trúc Thông
Cái độc đáo của bài thơ là khóc mẹ khi mẹ còn sống. Chắc tình cờ thôi, cái tứ thơ kỳ lạ như một chớp sáng này. Và đúng là chính không gian thơ đã tạo ra cái rờn rợn thương, cái mong manh nhập nhòa cùng linh cảm mất- còn gợn lên trong lòng người con. Bài thơ hẳn đã được viết rất nhanh, một mạch.
Không gian chính là bên bờ sông quê đầy gió. Sông quê với hình ảnh quá thân quen: bãi bờ sông với những ruộng ngô mưu sinh đã gắn với mẹ một đời. Đứa bé nào vùng bãi bồi châu thổ cũng quen nhìn thấy mẹ từ ruộng ngô ra với khi thì thúng ngô, khi mấy quả ngô non cho con. Cái ruộng ngô bạt ngàn bờ sông hễ thấy xao động là mẹ ra về đó. Lá ngô ấy giờ cũng xao động nhưng không phải là mẹ. Gió thôi. Gió thì hẳn cũng gió trăm năm trước đến giờ, gió là gió của tự nhiên có gì đáng nói. Nhưng giờ thì gió thực sự can dự vào tình cảm của con người, gió xao xác một niềm nhớ thương. Gió và bãi ngô cứ vô hồi run lên cái rợn lạnh thiếu vắng đáng sợ: không thấy mẹ, không còn mẹ.
Cảm xúc vắng thiếu còn mất này từ con sông quê và gió là gắn với các hình ảnh thực. Cái chớp sáng trùng lặp và bắt gặp này dẫn mạch cảm xúc miên man vào miền thương. Sau đây dù còn gắn với những cảnh thực, sông và gió giờ cứ trôi qua đời mẹ trào dâng và ngui ngút những liên tưởng. Cảnh thực như bờ sông, như gió thì ở đây gần lại với cây cau cũ, giại hiên nhà, cả hình ảnh người cha quá cố. Nỗi mong chờ của người con mong mẹ về lại một lần vì ngay chính các vật “vô tri” cũng còn mong, còn “nghe gió thổi sông xa một lần”, là thật tràn lấp, sâu nặng.
Nhưng có lẽ xin dừng lại ở hai câu khác, gợi và ảo:
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Đã có một lan tỏa thật lớn để bất ngờ hình ảnh trung tâm là mẹ nhòa đi thành hình ảnh chung của những người phụ nữ mọi thời bên bến sông. Như một quy luật diệu kỳ của sự sống: mọi dòng sông rồi cứ chảy về biển khơi, nơi nào sông chảy qua nơi đó làng mạc đã mọc lên, và ở mọi làng quê trên thế gian này đều có những bến sông, trên mỗi bến sông mọi thời luôn có những người con gái. Nối tiếp nhau yêu thương bên dòng sinh nở miên man muôn đời, và một đời. Nối tiếp đi qua. Về “thương” và về “buồn” là vậy.
“Một đời tóc xanh” của mẹ hẳn người con chỉ mường tượng qua những người con gái khác cùng thế hệ mình. Lạ lùng sao những người con gái của ngàn đời, những người con gái mãi mãi bên bến sông dù những người con đã lớn, đã già!
Và xin trở lại ở hai câu kết có thể là riêng chứ không bí ẩn:
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi…
Tức là một lần sớm đưa/đón mẹ về lại với bờ sông quê, bờ sông ngàn đời, rồi, mẹ đi. Dần dần đi. Bởi không thể khác. Và bởi, dường như đã cận kề.
Người ta thường giật mình tiếc thương khi đã mất. Bài thơ là nước mắt thương mẹ hiện còn trong bất lực không thể khác, hẳn nhiên rồi, còn giọt cuối cho ngày mẹ thực đi xa. Giờ thì hãy đón mẹ về. Một lần. Một lần thôi, đón thực hay trong nhận thức, dù tình cờ. Và may cho ai có thể làm được điều này, nghĩ tưởng đến điều này.
“Bờ sông vẫn gió” không chỉ là bài thơ hay và xúc động viết về mẹ. Mà là may mắn của một nhà thơ biết nắm bắt những chớp sáng kỳ bí của sáng tạo. Cám ơn những giọt nước mắt thương mẹ rất bình thường của nhà thơ Trúc Thông. Nó bình thường và lấp lánh../.