Đồng Văn Phiên chợ cuối năm
Đồng Văn là huyện địa đầu cực bắc của tỉnh Hà giang nằm trong khu vực cao nguyên đá tai mèo độc đáo vào bậc nhất của nước ta. Chợ phiên Đồng Văn họp hàng tuần vào chủ nhật. Ngày 27 Tết âm lịch là ngày họp phiên chợ cuối cùng của năm Đinh Hợi.
Em bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu eng éc trên phố. Ngoài trời vẫn còn mù mịt tối, tiếng gió thổi ầm ào, có cả tiếng nước lách tách của giọt gianh. Hôm nay là phiên chợ cuối cùng của năm cũ, sẽ có rất nhiều người xuống chợ, để bán hàng và sắm Tết. Nhưng có vẻ thời tiết đã xấu trở lại, như hàng tuần trước cái ngày khô ráo hôm qua.
Mở cửa bước ra, một phụ nữ dân tộc đang lúi húi dắt con lợn béo ụt ịt cứ quay ngang quay dọc. Phố vắng và ẩm ướt bởi những dải mưa nhỏ bay theo gió. Em trùm mũ lên đầu, ko quên mang theo chiếc ô và xuống chợ.
Người từ các nơi đang đổ về chợ Đồng Văn phiên cuối, họp ngay dưới chân núi Đồn Cao. Hai dãy nhà cổ với những cột đá ám khói đen bóng tấp nập người dọn hàng, nhóm bếp. Tiếng lửa reo tí tách, tiếng mỡ tan xèo xèo, tiếng dao chặt, tiếng gọi nhau í ới vang lên trong bóng tối lờ mờ. Một đám người Mông tụ tập ở góc chợ đốt củi sưởi ấm trong khi chờ trời sáng.
Vẫn còn quá sớm. Em đi qua những bếp ăn đang ấm lửa để tới góc cuối chợ. Hai dãy hàng bán thực phẩm sống đông nghẹt người. Một bếp thắng cố đang lục bục trên lò, bếp thắng cố duy nhất của phiên chợ cuối năm. Anh chàng người Mông đang xòe tay trước cửa lò để sưởi ấm, thỉnh thoảng lại đứng lên lấy vài thứ thả vào chảo rồi dùng một cái muôi dài nguấy lên.
Thắng cố nấu bằng cả một con bò, chỉ tách ra chỗ bò bắp để bán riêng, còn tất cả xương thịt, bộ lòng đều cho vào nấu. Một muôi thắng cỗ nhỏ giá bán 6000đ. Khá đắt với người miền cao, nhưng do thói quen và tập tục, rất nhiều người đến ăn. Chưa có khách. Những chiếc bàn gỗ thấp và đám muôi gỗ bày ở chính giữa nằm im dưới mảnh bạt xanh, cố tránh những giọt mưa đang rơi xuống qua lỗ thủng.
Trời mưa nhỏ. Người dân tộc từ các nơi vẫn ùn ùn xuống chợ, ô xòe che đầu. Một vài người dắt bò đi cày ngang chợ, một vài người dắt ngựa vào phố. Rượu bán, chảy từ quẩy tấu này sang quẩy tấu khác. Cổng chợ tụ họp một đám những phụ nữ Mông mua bán cải mèo xanh mướt. Người Kinh mang quần áo, giày dép từ xuôi lên bán cho đông bào đầy các dây treo và sạp hàng. Người Tày, người Nùng, người Hán, người Ráy, người Hoa, người Mông
phải thật chú ý mới có thể phân biệt được.