What's new

[Chia sẻ] Cát bụi Rajasthan

Cát bụi Rajasthan

Sinh ra từ cát bụi, và rồi trở về lại với cát bụi…​



BK301.jpg

Cát bụi ở đây, có thể hiểu là cát từ vùng sa mạc Thar Desert rộng lớn ở phía Tây, hàng năm vào mùa nóng thổi theo từng đợt gió vào khắp Delhi, tạo ra bụi bặm luôn dấy lên từ những bước chân đi ở từng con đường Rajasthan. Và cũng có thể hiểu đó là quá khứ lừng lẫy của để chế Mughal, một trong những triều đại rực rỡ của lịch sử Ấn Độ.

Quay trở lại lịch sử, với 2 từ Mughal, hay còn gọi là Mongul, Mongol, Moal, Tartar, Mông Cổ, đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử loài người, với lãnh thổ kéo dài từ Châu Á đến tận Châu Âu. Vậy, người Mông Cổ thì có liên quan gì đến vùng Rajasthan, vùng của những người Raiput anh dũng và kiêu hùng với niềm tin tuyệt đối từ đạo Hindu đến từ phía Nam lục địa Ấn Độ. Có thể Thành Cát Tư Hãn, sau khi chiếm Trung Hoa Đại Lục, đánh đổ mọi sự chống cự ở Trung Á, kiểm soát con đường tơ lụa và chiếm đến miền Trung Pakistan hiện tại (với trung tâm là thành phố Lahore, cổng thành Đỏ Red Fort ở Delhi ngày nay quay hướng về nơi này), thì dừng lại, vì nhiệt độ đã trở lên quá nóng so với người Mông Cổ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227, các hậu duệ của ông vẫn tiếp tục đánh chiếm và thực hiện tư tưởng cả thế giới thành một của ông, với sự đánh bại đế chế Ba Tư (Persia), tiến quân vào Ai Cập và vào Châu Âu. Lúc này, Ấn Độ vẫn chưa thuộc đế chế Mông Cổ. Ba trăm năm sau, các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn sau khi tạo dựng triều đại vững chắc của mình ở Trung Á bắt đầu tiến đánh Ấn Độ. Năm 1526, sau chiến thắng trước quân Ấn tại Delhi, Babur lên ngôi hoàng đế và bắt đầu mở ra một đế chế Mughal rực rỡ trong lịch sử Ấn Độ.

Các triều đại Mughal với sự cải đạo sang đạo Islam (Muslim) đã tạo ra các công trình vĩ đại trong lịch sử nhân loại với kiến trúc Muslim làm nền móng. Hoàng đế Humayun (con trai của Babur) sau khi chết đã được vợ mình xây dựng nên Lăng mộ Humayun Tomb ở Dehli bởi những người thợ đến từ Ba Tư . Lăng mộ này là nền móng về mặt kiến trúc cho Taj Mahal được xây dựng bởi dòng dõi của ông sau này.

Tiếp đến triều đại của vua Akbar, con trai của Humayun. Có thể nói, Akbar là vị vua lừng lẫy nhất trong tất cả các vị vua của đế chế Mughal, với sự bành trướng rộng khắp miền Bắc Ấn. Rajasthan, vùng đất của những người Rajput, lúc này là sự cát cứ, phân chia quyền lực và chiến tranh liên miên của những vị vua từng vùng, với hệ thống thành lũy được xây dựng vô số, tương ứng với từng vùng đất. Chính sự giành giật lẫn nhau đó của các vương quốc nhỏ đó là điểm yếu để Vua Akbar lợi dụng. Với sự đàn áp, đánh chiếm và liên minh riêng với từng thủ lĩnh của từng vương quốc (Akbar có 3 người vợ, một theo đạo Hindu, một theo Islam và một theo Thiên chúa), mà dần dần, vua Akbar thống nhất toàn vùng Rajasthan và phía Bắc Ấn Độ. Quân đội anh dũng và kiêu hùng của những người Rajput sau này trở thành cánh tay phải của ông trong các cuộc đánh chiếm các vùng đất tiếp theo ở phía tây và đông. Khi Delhi ở quá xa, Vua Akbar cho xây dựng và chuyển kinh đô về Agra (Agra Fort) và đời đô về Fatebur Sikri vào năm 1571 sau khi ông được tiên đoán là sẽ có con. Từ một vùng đất hoang vu còn nhiều dã thú, Fatephur Sikri đã nhanh chóng biến thành một thành phố tráng lệ với nhũng cung điện, hồ nước nhân tạo, đài phun nước,… hết sức lộng lẫy. Tuy nhiên năm 1585 Akbar lại dời thiên đô về Lahore. Cuối cùng vào năm 1599 cung đình Mughal lại quay về Agra và Akbar định cư ở đó cho đến khi qua đời.

Cháu của vua Akbar là vua Shah Jahan, sau này đã xây dựng nên một trong những kỳ quan của thế giới, Lăng mộ Taj Mahal để tiếc thương cho người vợ của mình. Cố cung Red Fort xưa kia của ông cha vô tình lại là nơi giam giữ ông, bởi chính con trai của mình.. và ông sẽ không bao giờ tiếp tục ý định xây thêm một Black Tal Mahal cho riêng mình ở phía bên kia bờ sông, đối diện với Taj Mahal..

Có vẻ như có quá nhiều lịch sử quá nhỉ! Thư giãn nào, đã đến lúc để nói thêm một chút về chuyến đi lần này, và tất cả những gì sẽ có trong topic này lại liên quan đến phần lịch sử trên. Gần nửa tháng cho một chuyến đi đến một số nơi ở bang Rajasthan là quá ít, thường thì sẽ phải mất hơn 1 tháng đến vài tháng để hiểu hết những gì nơi này. Rất muốn đi thêm nhiều nhiều nơi khác nữa ở Rajasthan, song do không có nhiều thời gian, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nên trong topic này sẽ nói thêm về một số điểm sau:

I. Jodhpur – Thực sự là thành phố màu xanh (Blue City ) với pháo đài Mehrangart oai hùng

II. Bikaner – Sa mạc, nghệ thuật và thiên đường của những con chuột

III. Jaipur – Pink City, không hẳn vậy, và Amber Fort tuyệt vời.

IV. Agra – nơi không có trần gian, chỉ có thiên đường và địa ngục

V. Delhi – Cũ hay mới, chọn nơi nào?

Chiếc máy ảnh số mang đi trong chuyến này vừa mang ra chụp được 2 cái thì hỏng, chỉ còn chút ảnh máy film, chắc sẽ rất ít và không thật đẹp, nhưng hy vọng mọi người sẽ thích.
 
Last edited:
Hihi, đôi khi trong cái rủi lại có cái may.. ;)

Cắt mạch Jodhpur bằng cảm nhận riêng này vậy:

Jodhpurv306.jpg

Các món ăn chay Ấn: bánh nướng Chapati, sốt masala Cà ri, cà chua, cơm rang và trà sữa 'Chai'

Ăn chay hay không ăn chay ( Vegetarian or Non-vegetarian )


Từ ăn chay …

Trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Delhi, khi nhìn vào thực đơn, thấy có các món chay và món bình thường, tôi cũng thấy chẳng có gì khác biệt lắm về sự phân biệt này. Nếu như ở Việt Nam, về ẩm thực, để phân biệt thì mọi người ta hay nói “người ăn bình thường” và “người ăn chay”, điều đó chứng tỏ những người ăn chay chỉ là số ít, và thậm chí rất ít so với số lượng người thường. Nhưng ở nơi này, thì cách phân biệt lại là “Người ăn chay” và “người không ăn chay”, và như thế, số lượng người không ăn chay, người thường, hay người ăn thịt lại là phần rất nhỏ. Tôi đã được trải nghiệm thế nào là ăn chay, với 2 ngày đầu tiên và cuối cùng với vài miếng thịt gà, và tất cả những ngày còn lại trong hành trình nửa tháng đều là ăn chay.

Những ngày ở Jodhpur, khi đó, trong tâm niệm tôi vẫn đinh ninh là tất cả người dân Ấn đều ăn uống, ăn nhiều thịt giống ở Việt Nam mình, nên cũng không chú ý lắm về cách chế biến thực phẩm của họ. Có lần, đi qua một cửa hàng “bánh rán”, khi thấy những chiếc bánh bột được rán có hình chiếc đùi gà, và tôi vẫn chắc mẩm rằng: “ở đây ai cũng bán đùi gà rán với lườn gà rán tẩm bột như này thì KFC mà bán ở đây thì có mà sập tiệm”. Tôi kể chuyện này với những người bạn đồng hành, và họ phản đối và cho rằng đó không phải là một chiếc đùi gà. Tranh cãi một hồi, tôi quyết định tìm đến một cửa hàng bánh gần đó, mà mua ngay một chiếc bánh có hình đùi gà. Cắn một miếng, chưa thấy thịt đâu cả, cắn miếng nữa thấy hơi cay. Thêm một miếng, cay không chịu được. Thì ra bên trong chiếc bánh là một quả ớt xanh dài khoảng 10cm và không có một miếng thịt nào cả. Tất cả các loại bánh khác cũng thế, bánh khoai lang, bánh nghệ, bánh hành, … tất cả đều là rau quả, thực vật đều được tẩm bột rán. Sau này, khi về Bikaner, lúc đi dạo quanh khu phố cổ, thấy cả một gia đình quây quần ngồi chế biến đồ ăn cho năm mới, người thì rán bánh, người thì gọt khoai tây, người thì cạo nghệ, người nhặt hành, … Tôi mới tin tuyệt đối về sự ăn chay và những người Vegetarian này.

Tất cả những loại dầu thực vật để rán những chiếc bánh đó được chiết xuất từ cải vàng. Những cánh đồng hoa cải vàng, giống như cải vàng từng khoanh được trồng bên Bắc Ninh, trải dài hàng trăm cây số. Nơi đâu cũng thấy sự hiện diện của loại cây này. Từ những hoa văn trong lăng mộ Tal Mahal, đến hoa văn trên tường ở Jodhpur, hay trong những bức tranh tỉ mỉ ở thành phố sa mạc Bikaner. Rõ ràng, đây là một loại cây rất quan trọng.

… đến động vật ở khắp mọi nơi

Trước chuyến đi, tôi có đọc vài trang đầu trong cuốn sách Mùi hương trầm của tác giả Nguyễn Tường Bách, một thương gia người Việt sống và làm việc ở Đức và sang Ấn Độ để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Cuốn sách được viết lại trong thời gian tác giả ở Ấn Độ với sự diễn giải tuyệt vời về đạo Phật, những gì còn sót lại của Phật Giáo ở đất nước Tây Trúc này. Ngày nay, Phật giáo chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu tôn giáo nước này, chủ yếu là Phật Giáo Tây Tạng ở ven dãy núi Hymalaya. Ấn Độ ngày nay là của Hindu, của Muslim, của Sikh,… Nhưng những tư tưởng chống sát sinh của Phật Giáo vẫn được lan truyền qua hàng chục thế kỷ. Một bằng chứng dễ dàng được kiểm nghiệm là những người ăn chay và sự hiện diện của các loại động vật trong cuộc sống con người. Nếu lang thang ở một thành phố, bạn sẽ tranh đường đi với bò, bạn sẽ luôn ngoái đầu nhìn lên từng đàn bồ câu bay nháo nhác, cu gáy cúc cù cu, liếc mắt về đàn quạ kêu liên hồi, hay chơi đùa thỏa thích cùng lũ chim sẻ, hay đám sóc ven đường… Động vật ở khắp mọi nơi, các cây non được bảo vệ xung quanh bằng đá chắc chắc. Một sự hài hòa với thiên nhiên tuyệt vời. Khoảng hơn chục năm trước, tôi còn thấy ở xung quanh khu phố nhà mình, từng đàn bồ câu bay rộn ràng trên những con đường, chó chạy tung tăng khắp đường, gà tre vẫn bới đất tìm giun… Nhưng hiện tại, bất cứ con vật nào mà xảy chân ra đường là bị bắt, bị thịt với vô số quán nhậu chuyên thịt đặc sản. Không biết có phải vì đã lâu không thấy nhiều động vật, mà tôi cảm thấy rất thoải mái với thiên nhiên nơi này. Ở Việt Nam, thật khó và hầu như không thể chụp ảnh từng đàn chim với chiếc ống kính góc rộng 35mm, vì bạn phải đứng rất sát đàn chim đó, khoảng từ 1-2 mét. Nhưng ở đây, tôi đã dễ dàng chụp được, tôi như được sống với thiên nhiên, thiên nhiên không trốn chạy, không sợ hãi, thiên nhiên mở rộng tiếp đón tôi.

Lại nói về ăn chay, ở mình thì ăn chay, tất nhiên là ăn thực vật, nhưng tất cả các món ăn đều được làm giống các món thịt. Nào là thịt lợn, thịt bò, thịt gà được làm từ các loại đậu, măng khô, đậu phụ rán, hay cái cánh gà với xương làm bằng cùi dừa già, trứng bằng đâu giã, mỡ thay bằng cùi bưởi… rất nhiều hương vị để làm giống như thật. Tất cả các món đều làm giả và giống các món thịt càng thật, từ hình dáng đến hương vị thì càng xuất sắc. Nhưng ở đất nước này, chay là chay, và thịt là thịt. Không có sự bắt chước nào cả. Một là ăn chay, và hai là không ăn chay. Ngay đến khi ở bếp một một ngôi nhà theo kiểu homestay, chúng tôi đã được gia chủ căn dặn rất kỹ là muốn tự nấu cũng được, nhưng đừng dính những thức ăn có thịt đến bếp. Họ không muốn tâm hồn bị dính dáng đến sự sự sát sinh này.

Chúng ta ăn chay, nhưng tâm ăn không chay. Ngay đến bản thân tôi, sau hơn chục ngày hừng hực thèm thịt và ăn những món chay no căng cả bụng mà không cảm thấy vị gì. Tôi mới nhận ra, tôi là một người ăn thịt, và tôi là một thành phần hủy hoại cuộc sống thiên nhiên xung quanh mình.
 
Em vô duyên cắt mạch bác gianker vài phút về cái vụ món ăn xíu, mong bác ko phiền :D vì làm cho cty Ấn Độ và làm việc ở Malaysia thời gian dài nên e đâm ra nghiện thể loại cơm Ấn, nhất là Bắc Ấn. Nghe bác viết về món ăn tự nhiên thấy nhột nhạt trong ng, nếu bác gianker ghé Sài Gòn thì dịp nào đó a e ta đi ăn món Ấn :D sẽ đàm đạo trực tiếp khi ... ăn luôn (e cũng ko phải ng ăn chay), gọi chicken butter masala ăn với biryani ricelady-finger masala, nhấm nháp thêm mango lassie nữa thì tuyệt cú ... ực ực ...
 
Hi Yilka, nhất định rồi ;). Khi nào vào SG thì tớ alo nhé. Tớ cũng thích ăn các món này, đặc biệt là khoản cơm rang các vị khác nhau, hơn đứt cơm rang Dương Châu và các loại cơm rang nhà mình về vị, các món Masala sốt các loại ăn kèm cũng ngon tuyệt... Nói ra lại thấy nhớ. Mình chỉ ăn được duy nhất một lần món sữa chua trắng trắng, tên Ấn gọi là gì ko nhớ nữa, kèm bánh nướng. Cũng khá ngon. Đặc biệt giờ vẫn nhớ vị chanh, chanh ở đó rất thơm và chua hơn nhà mình, nhưng chua dịu dịu, rất dễ chịu.
 
Tạm chia tay Mehrangarh, ta đến với một pháo đài khác cũng đẹp không kém.

Jaipur, Pink City! không hẳn vậy và Amber Fort tuyệt vời.​

Tuyệt vời! Amber Fort!

Nếu như chỉ cho tôi chọn một pháo đài đẹp nhất trong 5 pháo đài của chuyến đi này:

Amber Fort ở Jaipur
Agra Fort ở Agra
Red Fort ở Delhi
Mehrangart Fort ở Jodhpur
và Junagart Fort ở Bikaner

tôi thích nhất Mehrangarh Fort kiêu hùng và Amber Fort, nhưng tôi lại nghiêng về Amber Fort phần nhiều, vì cái ánh nắng đẹp mê hồn với hệ thống hồ tuyệt đẹp trước pháo đài. Nó khác hẳn với không khí sương sương ở Mehrangarh.

Amber104.jpg

Amber Fort, hay còn gọi là Amer Fort, là nơi đầu tiên giúp chúng tôi tìm lại được cảm giác thoải mái và thích thú với chuyến đi của mình, mà trước đó đều là khó chịu, lừa đảo, cáu gắt, bẩn thỉu. Pháo đài Amber cách thành Jaipur khoảng 10km đi lên núi. Xung quanh pháo đài này gồm 2 pháo đài khác, mà từ Amber có thể nhìn thấy được, đó là Nahargart và Jaigard, với hệ thống tường thành bao phủ trên khắp ngọn núi. Một bữa tiệc của ánh nắng đã đón chúng tôi khi bước chân đến con đường ven hồ dẫn đến thành. Một người đàn ông với chiếc kèn điều khiển chú rắn hổ mang lắc lư bên cạnh đường. Từng đàn voi đều bước đi lên thành, trên những bậc thang lớn, có lẽ chỉ sải chân những chú voi mới bước đủ.

Pháo đài Amber được xây dựng năm 1592 bởi Man Singh, một tổng tư lệnh thuộc quân đội của vua Akbar. Một Amber Fort rộng lớn, nguy nga và đồ sộ, với kiến trúc biệt hoàn toàn so với những pháo đài gần đó, hay khác hẳn màu với thành cổ Pink City. Amber Fort khác hẳn Mehrangarh Fort và tất cả các pháo đài khác. Bên trong pháo đài là một hệ thống đồ sộ các phòng, đại sảnh, vườn cảnh và tháp canh với góc nhìn rộng lớn. Ở Amber Fort, ta như có thể thấy cả bầu trời.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,803
Bài viết
1,138,761
Members
192,757
Latest member
duythanh225
Back
Top