What's new

Châu Á trong bàn tay

Tôi đã mang ba lô và bước đi một mình trên những cung đường Châu Á. Và tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. Những bài viết, những điểm đến không có gì mới mẻ, nhưng nó được nhìn qua lăng kính cá nhân, hài hước, rùng rợn, liều mạng, lãng mạn... Những cung đường lần lượt xuất hiện là Bangkok, Campuchia, Hongkong, Hà Khẩu, Malaysia, Phuket, Chiang Mai, Singapore, Indonesia... Rồi tôi lại còn tiếp tục một mình đi, những Myanma, Lào, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật... Con đường vẫn còn dài, nhưng đôi chân thì chưa thấy mỏi...

[Hà Khẩu - Trung Quốc] Những kinh nghiệm đau thương

Sau những ngày lang thang một mình một ngựa ở Sapa, vào một buổi sáng như mọi ngày, tôi thức dậy, rời khỏi Biển Mây và đi bộ xuống chợ ăn sáng và ngắm Sapa sáng sớm. Một buổi sáng yên bình của phố núi nhưng có nhiều mây đen. Trời này ở lại cũng không thể đi xuống làng bản. Tôi phân vân không biết có nên ở lại Sapa nữa không vì dù sao tối cũng phải xuống Lào Cai đi tàu lửa về Hà Nội. Có nghĩa nếu rời Sapa sáng nay, sẽ có thời gian đi lòng vòng Lào Cai, ghé nhà Ngân và... 1 ý tưởng lóe lên: Đi Trung Quốc :))

Một anh xe ôm chờ khách trước của Cty du lịch Sapa, hỏi đi đâu thì đèo đi. Đèo chứ ko phải chở nhé, người Bắc dùng từ thế. Tôi hỏi: Giờ này có xe từ Sapa về Lào Cai không anh? - Không có đâu, phải chiều cơ. Hay đi xe ôm không? Tôi hỏi bao nhiêu: Trăm tư. Tôi suy nghĩ nhanh trong tích tắc rồi gật đầu. Thật ra tôi không thèm tìm hiểu lại là có xe khách đi Lào Cai hay không, vì trong bụng đã định sẵn sẽ đi bằng xe máy để chụp hình. Vì đoạn lên Sapa thấy đường cũng trơn láng lắm. Khi check out khỏi Biển Mây thì trời tối sầm và mưa xối xả. Nhưng một khi lòng ta đã quyết thì trời mưa cũng mặc trời mưa.

Trên đường đi, mưa lất phất nhưng khung cảnh thì cứ đẹp mê hồn. Trùng trùng núi non và những bản làng dân tộc. Cây cối xanh mướt trong cơn mưa phùn buổi sáng như một bức tranh màu xanh đến nao lòng...

Tôi đến Lào Cao vào giữa ngọ, bảo xe ôm chở thẳng đến Cửa khẩu Quốc Tế Lào Cai để đi Trung Quốc. Một đám cò bay ra hỏi tôi đi không tụi nó dẫn đi khỏi làm thủ tục mắc công. Tôi nói KHÔNG! Tôi sải những bước dài tự tin vào nhà ga cửa khẩu như 1 thí sanh đi thi siêu mẫu, tiến đến bàn làm thủ tục. Em gái nhỏ nhẹ: Anh đi mấy người? Tôi trả lời nhỏ nhẹ không kém: Một người! Em í trợn tròn mắt nhìn tôi từ đầu tới chân giống như tôi là sinh vật lạ. Sau này mới biết là mấy em này chỉ thích làm khách đoàn, đông người. Còn khách lẻ thì làm lắc nhắc, mệt! Và em gái này cũng là nguyên nhân gây ra đau khổ cho tôi sau đó. Em chỉ tay 1 anh cò đứng bên ngoài: Giờ tụi em hết giờ làm việc rồi, hay anh đi với cò bên ngoài đi. Cũng an toàn lắm! Anh cò được dịp chạy vô dắt tôi ra. Vì tôi quá tin người nên đời tôi đã lỡ...

Tôi nói nhanh: Không đi chui và đi bằng đường đò đâu. Nguy hiểm lắm. Nói thì nói vậy chứ có tưởng tượng được nó là cái gì đâu, chưa có kinh nghiệm mà lại. Anh cò cười hề hề: Ơ hay, ai lại đi chui bao giờ. Đi bằng tiểu ngạch là đi bằng đường khách nhỏ hơn mà thôi. Leo lên xe đi, anh chở chú mày đi. Khỏi lo, anh bao hết! Tôi ngồi sau xe honda của anh cò, mặc ảnh chở đi đâu cũng không biết nữa. Tôi đang nghĩ đến 1 con đường nho nhỏ đi qua biên giới, có nhiều cây xanh và có mấy anh bộ đội biên phòng đứng gác. Mấy anh biên phòng sẽ hỏi tôi: Đi qua đó làm gì? Tôi nói: Du lịch. Mấy ảnh hỏi tiếp: Đi bao nhiêu người? Tôi nói: Một người. Và cái mặt ra vẻ sành đời lắm. Mải mê với cái suy nghĩ đẹp đẽ ấy, đến khi anh cò thắng xe cái kịt. Tôi ngước nhìn lên. Ô hay, không có anh biên phòng, không có cái cổng xinh xinh be bé. Mà chỉ có 1 cây đa và 1 con đò bé xíu trên con sông cũng bé tẹo. Trời ơi má ơi... Trong đầu tôi chỉ có 2 từ: VƯỢT BIÊN. Trước khi đi Ngân có dặn là coi chừng đừng có đi đò. Lỡ leo lên lưng cọp rồi, mà nếu không đi bằng cách này thì đi bằng cách nào bây giờ? Mà cách này thì có làm sao? Hồi xưa đi Mùa hè xanh lội sông bủm bủm mỗi buổi chiều. Máu khám phá nổi lên, dẫn dắt toàn bộ hành động. Sau khi lằng nhằng với anh cò vài câu thì cũng leo lên đò. Bên kia sông là đất Trung Quốc, thị trấn Hà Khẩu. Sau khi thỏa thuận giá cả, anh cò gọi điện qua bên kia, gọi 1 anh xe ôm chờ sẵn để đón tôi, còn anh cò quay lại cửa khẩu chính để qua Hà Khẩu. Và hẹn gặp anh cò bên đó.

Tôi được một ông già đưa qua đò, leo lên bờ và có 1 anh xe ôm chờ sẵn. Nói thiệt lúc đó tự dưng sợ vì anh xe ôm có râu quai nón bậm trợn, đeo kính đen, người phốp pháp, đi chiếc Wave và không biết nói tiếng Việt lẫn tiếng Anh. No way back. Thôi đành nhắm mắt đưa chân, leo lên xe ôm...

Vì là bến đó dành cho người vượt biên nên nằm khá xa trung tâm Hà Khẩu, nên xe ôm chạy vòng vèo 1 hồi qua nào nhà, nào ga tàu lửa, nào cửa sắt. Đời tôi sẽ về đâu...

Buổi trưa nhiều nắng. Nắng Trung Quốc cũng chói chang hơn nắng Sài Gòn, cộng với nỗi lo lắng khi ôm ba lô vượt biên nên mồ hôi túa ra. Cuối cùng cũng gặp lại anh cò. Anh í thong dong đứng chờ. Và anh cò dẫn tôi đi tung tăng nơi xứ người. Nơi đầu tiên: Chợ biên giới. Tôi bước vào chợ và xém chút nữa xỉu vì... khoái haha. Tầng trệt khiến tôi bị hoa mắt vì những thứ khiến tôi phải rùng mình: dao, kiếm, súng giả, lựu đạn giả, sex toy, quần áo lót sếch xy... Các em gái đon đả mời chào. Tiếng Việt lẫn trong tiếng Tàu í ới. Nhưng phần lớn là người Việt qua bên này làm ăn. Thấy tôi đi với anh cò thì ai cũng biết nên chào mời bằng tiếng Việt rành rẽ. Đi 1 vòng chợ coi cho biết, và đang đi bồng nghe tiếng mút chuột í ới. Tôi dừng lại, định thần lại và quay quẩn nhìn xung quanh. Anh cò cười cười, chỉ lên trên lầu. Và ô kìa, trên lầu, đứng dọc ban công chợ là khoảng vài chục em áo dây áo ống đang chu mỏ mút chuột khí thế...


Thì ra ở đây gái mại dâm hoạt động công khai và hợp pháp, trong phạm vi khu chợ. Sau này nghe có người kể là chỉ cần lên cầu thang là sẽ bị kéo vào trong lột hết đồ. Có chống cự cũng không được. Tôi thầm nghĩ: Chết cha, dù sao mình cũng là Hoa hậu thân thiện kiêm Nghệ sỹ ưu tú, nếu bị paparazzi chụp ảnh rồi đưa lên facebook thì còn gì là hình ảnh, nên mình kêu anh cò mau mau chuồn khỏi nơi u ám này, sau khi đã hỏi giá 1 lần haha. Nếu bị chụp hình trong đây, thế nào cái tít báo cũng là: Hoa hậu thân thiện đi làm từ thiện ở nhà thổ, hoặc Nghệ sỹ ưu tú Kim Tâm: Con đường trở thành trai gọi, hoặc Có hay không chuyện Hoa hậu thân thiện đi tìm vui nơi đất khách? Nghĩ tới đó đã thấy tởm heo lắm rồi...

Đi ra ngoài, hít thở không khí trong lành và anh cò dẫn tôi đi mua sắm linh tinh. Đồ đạc nhiều vô số và rẻ vô cùng. Chúng tôi thuê 1 chiếc taxi đi quanh thị trấn Hà Khẩu. Taxi đang chạy tự nhiên dừng lại, xí xô xí xào với 1 người ngoài đường rồi người đó nhảy lên xe. Tôi hỏi anh cò: Gì kỳ vậy? Ảnh mới nói là thằng kia xin đi quá giang 1 chút. Ngộ, lấy tiền của tôi rồi cho người khác quá giang là sao, nhưng không dám có ý kiến gì, sợ nó quánh phù mỏ má dòm không ra hoặc nó vứt ra đường không tìm thấy đường về quê hương. Biết thân mình đi vượt biên, không hợp pháp nên chọn giải pháp im lặng và ngắm cảnh thôi^^

Mà đời nào có yên, sóng gió còn bủa vây cho một con người khốn khổ nhưng ham vui. Sau khi đi một vòng mỏi chân và đói bụng, tôi quyết định kiếm chút gì ăn. Anh cò dẫn vô 1 quán ăn bình dân, cũng sạch sẽ. Trong đó có rau tươi, cá gà heo tá lả... Tôi cũng tiết kiệm nên gọi đồ ăn như sau: Một dĩa gà xào be bé, một dĩa mồng tươi xào bé xíu, 1 dĩa đọt mướp nấu canh y như trụng vô nước sôi, 1 tô cơm trắng và 2 chai Pepsi. Tôi mệt thấy cha vì đi bộ, có ăn được cái gì đâu. Anh cò ăn khí thế. Và khi tính tiền, chủ quán bấm máy tính ra tiền Việt mà tôi mém xỉu: 1.200.000 VND, có nghĩa là 1 triệu 2 trăm ngàn đồng cho nhiêu đó thức ăn. Tôi muốn chửi thề quá rồi nhưng dặn mình là không nên, có chuyện gì cũng chết. Cũng không dám gọi cảnh sát, không dám la làng, nói chung thân phận vượt biên nên không dám làm gì cả. Lúc đó mới quay sang anh cò: Sao mắc dữ vậy? Có lộn không? Anh cò thản nhiên trả lời: Sao lúc nãy không trả giá? Giờ ăn vô bụng rồi còn nói gì nữa. À há, cháy nhà mới lòi mặt chuột. Từ giờ trở đi sẽ không gọi là anh cò nữa, mà gọi là thằng cò khốn nạn hic. Tôi nói bằng tiếng Anh, là mắc quá. Mày tính lại đi. Thằng cò làm như vô can, không nói 1 tiếng mặc dù tiếng Trung Quốc của nó nói như dân bản địa. Giờ thì tôi hiểu ra câu chuyện rồi nên tự mình xoay sở thôi. Cá đã nằm trên thớt rồi, hãy xử em đi, chiên em đi, kho em đi... Tôi cũng giả bộ giận dữ lắm, xua tay khí thế, xong con chủ quán tính qua tính lại, rồi quyết định số tiền là 667.000 VND. Mồ hôi ướt trán mặc dù đang ngồi trong máy lạnh. Có khi nào con bỏ xác nơi xứ người không ta? Nghi lắm, vì thằng cò giờ đã thành 1 kẻ lừa đảo quá chuyên nghiệp.

Tôi chấp nhận trả số tiền kia và khi ra khỏi quán, tôi nhìn thằng cò như kẻ thù. Tôi nói: ĐI VỀ! Tôi sợ lang thang 1 hồi rồi xảy ra tiếp những chuyện không hay khác. Và tôi bám theo thằng cò sát gót. Tôi sợ nếu bị bỏ lại là coi như xong, làm sao mà về được. Tiếng Trung thì không biết, lại đi vượt biên, nhờ cậy cảnh sát thế nào được. Thằng cò đi trước, tôi đi sau và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi xe ôm đưa tôi tới bến phà, tôi biết cơ hội mình còn sống khá cao, nhưng chưa chắc 100% vì vẫn còn bên đất Trung Quốc. Rồi khi run run bước xuống đò, tôi mới thở phào vì mình đã thoát. Cây đa Việt Nam đây mà, đất nước Việt Nam mà đây, tôi run run lên bờ trong lòng vui sướng và yêu quê hương quá độ. Thằng cò xuất hiện, tôi nhìn nó như nhìn kẻ thù, nhanh chóng trả tiền rồi đi bộ kiếm xe ôm quay lại ga Lào Cai. Trời chiều, sắp đến giờ quay lại Hà Nội...

Nếu bạn hỏi tôi có sợ không? Tôi sẽ nói có. Nhưng nếu hỏi tôi có thích không? Tôi cũng sẽ nói có. Tôi thích những trải nghiệm thú vị, mới lạ trên những con đường tôi đi qua. Những người tốt, người xấu trên đường cho tôi những cái nhìn thực tế về cuộc sống. Cuộc sống vốn không hoàn hảo nên tôi cũng không trông chờ những sự hoàn hảo. Nhưng tôi đã có những kinh nghiệm, và tôi đã chia sẻ với các bạn. Những chuyến đi không thể nào quên...
316340_10150321284381622_638536621_8085321_1898210459_n.jpg


Tháng 7/2011
 
Last edited:
ít khi đọc chăm chỉ các bài hồi ức, nhưng bác cho em nhiều sự thú vị của cuộc sống, vẫn hỏi màu ảnh bác chụp là máy gì ạ? em đọc hết Châu Á của bác, đang đọc nốt 60 ngày...Like điên đảo về cách viết, lôi cuốn, mộc mạc, (beer)
Cảm ơn em. Anh chụp điện thoại bình thường thôi. Có khi thì anh chụp máy Nikon gì đó lấy của bạn, nói chung có gì chụp đó, và a cũng ko chụp giỏi, chỉ chụp theo cảm xúc mà thôi.
Nếu tiện thì em có thể mua quyển sách đầu tiên của anh để đọc sẽ nhiều thông tin hơn nhé.
 
Bão Đài Bắc
Những ngày ở Đài Loan, từ tôi nghe nhiều nhất là Typhoon. Tôi không cảm nhận nó nhiều ngoài những lần thấy trên tivi phần dự báo thời tiết có hai vong tròn giao vào nhau. Còn lại thì trời vẫn cứ nắng và nắng vẫn cứ nóng. Buổi sáng, Fong, người cho tôi ở nhờ nhà trong những ngày ở Đài Bắc, hỏi tôi muốn đi đâu không. Tôi nói muốn đi Taroko Nation Park. Fong nói typhoon lắm, e là đi không tiện. Giữa một công viên đồng không mông quạnh, lại phải đi train đến đó mất 3-4 tiếng đồng hồ, công viên quốc gia lại rất lớn, có thể xoay sở khó khăn trong vòng một ngày. Nên tôi bảo thế thôi. Fong nói vậy tao chở mày đi Yangmingshan - núi Yangming ngâm chân ở hot spring - suối nước nóng tự nhiên từ núi lửa, tao có xe máy. Tôi muốn rụng rời. Trời ơi, một thân một mình đi du lịch ở một đất nước xa lạ, lại được trải nghiệm những thứ địa phương thế này bảo sao không phê cho được.
Trước khi lên máy bay hai ngày, tôi gửi đi 4 cái yêu cầu trên couchsurfing để tìm người cho tôi ở nhờ ở Đài Bắc. Một bạn đang ở Nhật, một bạn lại vừa trở về từ Mỹ nên không host được nhưng sẽ dẫn tôi đi ăn uống địa phương, một bạn đang thi nhưng hứa dẫn tôi đi chơi. Người cuối cùng là Fong. Fong nói cuối tuần tao về nhà thăm ba má, nhưng mày có thể ở nhà tao một đêm nếu mày muốn. Ngay ngày đầu tiên đến Đài Bắc, tôi đã nhừ tử nhào ra ngoài đi đến rã rời. Thử nghĩ, tôi bay chuyến đêm, 1h30 sáng bay ba tiếng rưỡi đồng hồ. Giữa đường là biển cả. Ghế ngồi Vietjetair quá chật chội để ngủ mà cũng chẳng ngủ được vì đang bão nên chuyến bay sốc kinh dị, dân tình ngồi im lặng trông đợi mau đến. Sáng sớm tôi đến nơi, đón xe buýt vào thành phố rồi bắt đầu một hành trình dài cả ngày hôm đó. Lên tầng 89 của Taipei101 - toà nhà cao nhì thế giới, đã từng cao nhất nhưng giờ thua một toà nhà nào đó ở Dubai. Nhìn toàn cảnh Đài Bắc từ trên cao. Rồi đi coi đồ trong Sogo, đi khu tưởng niệm một nhân vật nổi tiếng của Đài Loan. Rồi leo núi Elephant để nhìn Đài Bắc từ trên cao một lần nữa. Vẫn cái ba lô mang từ Việt Nam trên vai. Cũng may, trên đường leo thì có bạn đồng hành Ethan từ Mỹ, đang dạy học ở Thượng Hải nên nói ba chuyện tào lao thiên địa nên đường đi cũng trở nên ngắn hơn. Nói ngắn hơn chứ tôi thở như trâu, mồ hôi ướt đẫm. Tôi lại nghĩ đến những tháng ngày cần mẫn trong phòng tập, đi bộ leo núi, swat điên cuồng đúng là có tác dụng. Chứ tôi rất là không ưa cái môn thể thao mạo hiểm này. Nhưng đường leo núi ở Đài Loan rất dễ chịu. Họ làm sẵn các cung đường gọi là hiking trail để người đi cứ theo đó mà đi. Dọc đường là những trạm nghỉ có góc nhìn xuống thành phố đẹp nhất. Dọc đường, tôi nhìn thấy nhiều người già, trẻ em nhỏ cũng có thể leo.
Nói là dễ, nói là ngắn nhưng khi đi xuống chân núi thì chân tôi bắt đầu mỏi kinh dị. Ethan về để chuẩn bị bay về Thượng Hải. Cơn mưa bất chợt đuổi chúng tôi chạy như bay trên đường quay lại tàu điện ngầm. Tôi nảy ra một ý tưởng: đi tắm suối nước nóng ở Beitou. Để ngâm chân cho khoẻ lại và để thổi bay đi cái thứ mùi hôi đã ướt cả người. Mười mấy trạm tàu điện, trong cơn mệt mỏi tôi ngủ thiếp lúc nào không hay. Trời bắt đầu về chiều. Con đường đến suối nước nóng bình yên đến lạ thường. Địa hình thành phố Đài Bắc là một vùng được bao bọc xung quanh bởi các núi lửa nên hình thành các suối nước nóng được gọi là hot springs nổi tiếng trên thế giới không thua gì ở Nhật Bản. Suối nước nóng nằm ở các vùng ngoại thành gần núi và nguồn nước nóng tự nhiên được dẫn ra để đảm bảo sức khoẻ người dùng. Tôi đi một mình, ghé siêu thị 7eleven mua chai nước suối, mua cái bánh, mua hộp trái cây. Cứ thế quảy ba lô lên đi, đường xa cũng hoá gần.
Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là mày đi một mình không buồn sao? Vậy mọi người nghĩ xem, tôi có buồn không?
(còn tiếp)

Đài Bắc, 2015
12122887_632441130231451_19895943711878840_n.jpg
 
Bạn còn lưu lịch trình và tổng chi phí của bạn chuyến đi Nhật và Myanma k? Bạn share giúp mình vào mail: [email protected] với nhé! Mình cũng mong muốn được vi vu như bạn quá trời, mình cũng muốn ích kỷ cho bản thân chút xíu đây, nên đang dành dụm để đi chuyến trải nghiệm như bạn quá đi. Tks bạn nhiều nhé!
Note: Nếu có plan chuẩn bị đi đâu, bạn add mình join cùng có đc k?
 
Hi MyLy,
Mỗi lần đi đâu mình ko có lịch trình cụ thể, toàn vẽ tên thành phố rồi tìm cách đi. Chi phí cũng vậy, cố gắng tiết kiệm nhưng nếu lỡ xài nhiều thì về cày nhiều hơn.
Về chuyện đi thì mình chỉ đi 1 mình hoặc với bạn bè rất thân và hiểu nhau chứ ko đi cùng người lạ. Bạn thông cảm nhé :)
 
Life on boat



Cho đến khi rời khỏi con tàu, tôi vẫn không thể tìm được câu trả lời rằng những ngày chông chênh đó rồi sẽ trôi về đâu.
Những ngày tháng 10 năm 2015, tôi có một hành trình dự báo nhiều thú vị từ Singapore sang Malaca của Malaysia bằng tàu du lịch 5 sao. 5 sao cơ đấy. Và người ta hay gọi nó là cruise. Người cùng phòng huỷ chuyến đi trong phút chót nên tôi được ở riêng trong một căn phòng nằm ở tầng 4. Chẳng biết đó là may mắn hay không, nhưng bây giờ nhớ lại tôi chỉ thấy những ngày của mình trôi hờ hững như dòng nước bên ngoài ô cửa sổ nho nhỏ trên tàu.
Tôi không thể ngờ con tàu to lớn đến thế. Nếu tôi nhớ không lầm thì con tàu có đến 8 tầng, còn có tầng thượng là boong tàu rộng rãi và có đến hai hồ bơi trên đó. Thang máy bên trong tàu vẫn rộn rã ngày đêm. Casino vẫn chật kín người dù là sáng hay ngày. Ở trên tàu, khái niệm sáng hay ngày không có gì quan trọng. Chỉ có những giây phút cuồng chân quẩn quanh trong không gian đóng kín đó, những khuôn mặt người đó, đi trên những cầu thang đó, ăn trong các nhà hàng đó. Dường như mọi thứ là một quỹ đạo khép kín đến độ ta thấy nghẹt thở trong đó.
Có những buổi sáng tôi thức dậy, lười biếng nhìn dòng nước bên ngoài trôi qua. Tiếng nước đập vào mạn tàu và căn phòng vẫn cứ lành lạnh. Căn phòng chật chội trên một con tàu chắc chắn không bao giờ thoải mái như một khách sạn trên cạn. Tôi lại nghĩ ngợi hôm nay mình sẽ làm gì. Rồi tôi trùm khăn đi đến cái hồ bơi xa nhất ngâm mình xuống đó. Trong hồ có hai vợ chồng người Singapore đang bơi chậm rãi. Thế mà chúng tôi cũng bị phá đám bởi một nhóm rất đông người Ấn Độ nhảy bùm bùm xuống cái hồ bơi bé tí. Tôi nhanh như điện nhảy lên ngồi ở thành hồ. Vợ chồng người Singapore cũng bơi đến thang lên và cuộn mình trong cái khăn tắm to. Ừ thôi đi ngắm cảnh vậy.
Ngắm cảnh là động từ sa sỉ nhất của hành trình này. Vì xung quanh chỉ có một thứ duy nhất. Nước. Đại dương xanh thẳm. Không có cây cối, không có nhà cửa, không có gì cả. Chỉ có dòng nước trôi lờ lững và con tàu cứ như thể đứng yên. Tôi tiếp tục đi qua đi lại, chụp vài tấm ảnh và gặp lại những con người tôi đã gặp như một vòng tuần hoàn. Nhưng tôi còn sự lựa chọn nào khả dĩ hơn chứ. Trên con tàu nội bất xuất ngoại bất nhập này, tôi chỉ có cái quyền sống chầm chậm thế này thôi. Nhưng hỏi tôi có đẹp hay không thì tôi trả lời là có. Buổi sáng bình minh mặt trời lười biếng chầm chậm mọc lên từ phía đông hay những buổi chiều mặt trời lặn dần trên những đợt sóng tạo nên khung cảnh mê người.
Tôi gặp vài cô cậu trẻ người Việt Nam đang làm việc trên tàu. Có người làm trong nhà hàng, có người làm dealer chia bài trong casino, có người phục vụ phòng. Tôi hỏi han họ vài câu. Chỉ nhận được câu trả lời cuộc sống trên tàu chán lắm. Không sinh động như trên đất liền anh ạ. Ừ đúng thật. Cuộc sống trên tàu chán thật. Tôi chỉ quẩn quanh ở đó vài ngày mà tâm trí như cạn kiệt. Ở trên tàu, tôi thấy mình không thuộc về nơi nào cả. Mọi thứ cứ mông lung, lờ lững, không rõ ràng. Vậy mà khi còn trẻ tôi có ước mơ được làm việc trên các tàu 5 sao để đi vòng quanh thế giới. Mà đi kiểu này chỉ có nhìn thấy nước chứ còn thấy gì nữa đâu.
Hoặc có đêm khuya tôi không ngủ được nên lên boong tàu ngồi chơi với các đồng nghiệp. Sao đã giăng đều trên bầu trời rộng. Không có âm thanh nào chung quanh và đêm trở nên tĩnh lặng. Thỉnh thoảng tiếng còi tàu váng lên rồi lẩn khuất vào đêm. Trong khung cảnh người ta sẽ nghĩ là lãng mạn đó, tôi chỉ thấy mọi thứ chùng xuống. Cô đơn, chính là nỗi cô đơn giăng ngập không gian. Rồi không ai nói với ai tiếng nào nữa. Và thi thoảng có tiếng thở dài...
Biết làm sao được. Tôi cần một điểm tựa chứ không thích cảm giác chông chênh như thế này. Và khi nhìn vào đôi mắt của các bạn trẻ trên tàu, tôi thấy ước mong kiếm được nhiều tiền để quay trở về nhà. Hoặc quay trở về nơi đâu mà họ muốn, nhưng đó là một vùng đất nào đó, nơi có phố thị, có xe cộ, có gia đình, có bạn bè... chứ không phải những dòng nước vẫn đều đặn vỗ vào mạn tàu. Sáng trưa chiều tối, dường như không còn quan trọng nữa. Chỉ có những ngày lờ lững trôi bên ngoài ô cửa sổ nhỏ.
 
I'm Vietnamese!!!

TAM NGUYEN·THURSDAY, SEPTEMBER 1, 2016·27 MINUTES




Đầu tiên tôi sẽ trích ra một đoạn viết của bạn tôi là một người Pháp chính hiệu tên Florent viết trên facebook: "Il y a maintenant 1 an, je débarquais au VIETNAM ! Entre aventures, découvertes & rencontres de personnes qui ont changé ma vie, c'est une expérience que je ne suis pas près d'oublier ! — feeling nostalgic."
Tôi tạm dịch ra tiếng Việt: "Đã một năm rồi, tôi đến với Việt Nam. Giữa những chuyến đi, khám phá và gặp gỡ những con người đã thay đổi cuộc đời tôi, đó là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ quên được."
Tây nó thấy yêu Việt Nam vậy, mà trong mắt nhiều người dân mình, Việt Nam xấu xí lắm. Hằng ngày vẫn đầy rẫy các lời ca thán của nhiều bạn trên "cộng đồng mạng" về con người, đất nước, du lịch... nói chung cái gì cứ đụng vô người Việt là thấy nó xấu. Nhưng sau một thời gian dài đi và nhìn ngó, tôi có những cái nhìn khác về những gì đang diễn ra. Không phải là AQ, cũng không phải lạc quan tếu. Mà là nhìn trực diện vào vấn đề để nhìn thấy bản chất của nó, chứ không hô hào la toáng lên mà thiếu đi sự phân tích một cách nghiêm túc.
Hồi mùa đông ở Paris, khi đang lập cập trong cái áo to xụ và vũng nước dưới chân đóng thành cục đá, bạn tôi ta thán: "Ước gì mùa đông qua nhanh nhanh, trời ơi tao ghét mùa đông và tao thích mùa hè lắm Tâm ơi." Tôi hơn gì nó, cũng đang run lập cập xếp hàng đợi vô ăn tối, nhưng nghe nói đến mùa hè thì tưởng tượng ra Nha Trang ngay. Chu cha mẹ ơi, giờ này mà được nằm lăn lộn dưới cát trắng Nha Trang chắc phê lắm. Tôi bèn nói với nó: Mày có biết là đất nước tao chỉ toàn mùa hè không? Nó quay lại: KHÔNG THỂ NÀO. Trời đất, làm gì có ở đâu chỉ toàn mùa hè chứ. Tôi nháy mắt với nó: Vậy mà có đó. Việt Nam. Và biển ở đất nước tao thì siêu đẹp luôn. Sau đó là nguyên một tràng giải thích về Việt Nam cũng như vài quốc gia khác ở Đông Nam Á có mùa hè dài bất tận. Bạn tôi chưa đi Châu Á bao giờ. Nên nghĩ rằng ở đâu trên thế giới này cũng có 4 mùa. Và mùa đông thường dài đằng đẵng với tuyết bay mù trời, cây cối trụi lá, rét căm căm. Tôi sướng lắm, chọc ngay vào nỗi đau đớn vì lạnh của nó, nên mắt nó sáng rực lên. "Tâm ơi, tao muốn đi Việt Nam." Thật ra, con người ta thường có xu hướng thích những gì mình không có. Và câu này đúng nè, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đi nhiều mới thấy mình nhỏ bé trước thế giới rộng lớn. Trước khi đi ra ngoài thế giới, tôi tưởng nơi nào cũng như nơi nào cả. Nhưng sau này, tôi biết mùa đông trời tối rất nhanh, 4h chiều là trời sụp tối rồi. Còn mùa hè, như lần rồi ở New York thì đến 8h tối trời vẫn còn chói nắng. Nghe đồn đến giữa hè còn muộn hơn. Thậm chí có những nơi mặt trời không bao giờ tắt. Hay như mùa này gọi là hè đúng không, nhưng ở Châu Úc đang bắt đầu mùa đông lạnh teo râu. Tôi tin rằng, không phải ai trên thế giới này cũng biết Việt Nam mình là một quốc gia đặc biệt khi miền Bắc đang mùa đông tê tái thì miền Nam đang nóng đổ lửa. Hay hình ảnh Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây bên nắng đốt bên mưa quây đâu.
Đề tài mùa hè vĩnh cửu của tôi luôn là cứu cánh trong các câu chuyện với bạn bè Tây. Tụi nó thú vị trước những cái lạ mà nó chưa được trải nghiệm. Và chắc rằng, đứa Tây nào cũng muốn nằm dài trên bờ biển uống nước dừa dưới bầu trời mùa hè nhiệt đới. Đứa nào không thích là đứa đó bị bệnh. Vậy đi
1f60a.png
=))
Hồi xưa, lúc bắt đầu bước ra nước ngoài, tôi cũng bị ngại ngần khi cầm trên tay passport Việt Nam. Trong đầu bị tiêm nhiễm toàn những thứ tào lao kiểu như: Passport Việt Nam qua cửa khẩu Singapore bị vịn lại, qua Thái Lan bị khám người, qua Mỹ coi chừng không được nhập cảnh, qua Hàn Quốc bị trả về... Hồi đó có biết gì đâu, cứ sờ sợ là bị phân biệt đối xử. Vậy mà sau đó tôi đi ta bà tứ hướng, thề rằng, đi đâu cũng được đối xử vui vẻ và công bằng. Bà mẹ, trong đầu mình nghĩ mình là lừa đảo thì chắc chắn mìnhh sẽ biểu hiện như một thằng lừa đảo. Còn nếu mình tự tin qua nước người ta du lịch, khám phá, học hỏi, mua sắm... thì thái độ của mình cũng sẽ như vậy. Thậm chí sang những nước lớn như Pháp, Mỹ, Nhật... tôi còn tự tin vô cùng vì mình là người Việt Nam. Trong mắt họ, Việt Nam còn nghèo lắm mà sao mày đi du lịch bụi sang tận đây? Còn đi một mình nữa cơ chứ. Tôi luôn trả lời rằng Việt Nam tao giờ khác xưa hồi. Không có chiến tranh nữa và thế hệ trẻ bọn tao đi bụi kiểu này hà rầm, chẳng có gì đáng ngạc nhiên đâu. Với cái mặt rất chảnh haha. Đương nhiên, tôi không chảnh cho bản thân mình, mà chảnh dùm cho một thế hệ luôn. Tụi mình trẻ, tụi mình làm việc chăm chỉ, nói được tiếng Anh, tụi mình ham mê dịch chuyển, tụi mình không cảm thấy xa lạ khi tiếp cận với thế giới... thì tụi mình đã là những công dân quốc tế rồi đấy thôi. Ai đặt ra cái quyền chỉ có dân nước giàu mới có quyền đi và trải nghiệm? Ai đặt ra chuyện passport Việt Nam nên phải đi đứng khép nép? Dẹp. Ba cái bài báo lá cải đăng tin người Việt xấu xí chỉ đáng để lót đít mà ngồi. Xã hội nào cũng có người tốt người xấu, người này người kia. Mình không tự tin thì người ta coi mình kém cỏi là đúng thôi.
Giờ kể chuyện nào trước nhỉ? Chuyện ở sân bay Đài Loan hay chuyện ở nhà Julia ở Paris?
Chuyện Paris trước đi nhé. Hôm đó ngồi nói chuyện với chú, ba của Julia. Chú định cư ở Pháp từ rất lâu rồi ai mà nhớ, nhưng chú vẫn nói tiếng Việt rất sõi. Chú bảo: Ở đây cũng đầy người kỳ cục con ơi. Gặp nhau là xổ tiếng Pháp rồi tự nói mình là người Pháp, không nhận gốc gác Việt Nam nữa. Mà Pháp cái gì không biết. Tóc đen, da vàng, mũi tẹt. Pháp chỉ là cái quốc tịch, chứ còn con người mình, thì đi đâu, làm gì, quốc tịch gì đi nữa thì làm sao chối bỏ được con. Mình là người Việt Nam. Cho đến khi chết thì vẫn là người Việt Nam.
Chú chỉ nói lên một sự thật. Mà trong cộng đồng đó, chú nhìn thấy. Không phải vì chú yêu Việt Nam nhiều, hay chú không ưa mấy người kia. Tôi thì nghĩ rằng con người từ chối nguồn gốc của mình thì họ sẽ thuộc về nơi nào? Tôi, quốc tịch Việt Nam. Và tôi có thể đi mọi nơi trên thế giới này nếu tôi cố gắng. Đó là những gì tôi đã chứng minh được. Thậm chí tôi kể rồi đó thôi, khi phỏng vấn visa Mỹ, trong tài khoản tôi có rất ít tiền đó thôi, nhưng họ vẫn cấp visa một cách vui vẻ. Vì sao ư? Vì tôi làm cho họ tin rằng, nếu thực sự, tôi có muốn trốn ở lại, thì tôi hoàn toàn có thể tồn tại được ở cái xã hội đó mà không phải là một gánh nặng. Sau này, nhiều người hỏi sao có nhiều người rớt khi phỏng vấn Mỹ dù tài khoản có vài tỷ? Vài tỷ chỉ là một phần của vấn đề, nó ko phải là tất cả. Còn những thứ khác, thử hỏi họ không đạt yêu cầu thì làm sao được cấp visa?
Rồi, bây giờ là câu chuyện Đài Loan. Ai cũng biết ở Đài Loan có nhiều người Việt mình qua làm công nhân và oshin. Bữa đó tôi bay từ Mỹ về bằng China Airlines của Đài Loan. Mua vé quá cảnh ở Đài Loan 8 tiếng đồng hồ để vô thành phố chơi cho biết. Nhưng có nhiều thứ không như mình nghĩ. Khi đến sân bay, họ không cho tôi ra ngoài. Sau đó mới biết là mình phải điền vô một cái form online trước trên mạng, rồi in cái đó ra mới được ra khỏi sân bay. Tôi nhờ họ giúp đỡ nhưng họ trả lời rất lạnh lùng: Tụi tao không thể giúp mày. Không giúp cơ đấy. Vì passport của tôi ư? Trong khi đang lăng xăng giúp môt thằng Tây. Tôi suy nghĩ một hồi, rồi qua terminal khác, bước vô thẳng khu vực của China Airlines rồi nói: Tao muốn đi ra ngoài, đề nghị tụi bay làm cho tao cái giấy ra ngoài. Tụi nó nhìn nhau, không dám nói cái gì rồi tẩn mẩn ngồi làm. Thậm chí khi máy bị treo thì chạy qua máy khác làm. Tôi không quan tâm tụi nó nghĩ thế nào về người Việt hay passport Việt Nam, chỉ là tôi muốn tụi nó học cách tôn trọng người Việt. Cho dù tôi có là công nhân đi chăng nữa, thì thái độ lạnh lùng đó là thái độ gì? Sau đó thì tôi ra ngoài thật. Nhưng khi đặt cái tour miễn phí đi vào thành phố thì con nhân viên lại nhìn passport rồi trả lời: Tụi tao hết chỗ rồi. Ừ hết chỗ thì thôi, tôi tự đi cũng được. Dù thằng Tây đến sau thì vẫn còn chỗ. Có thể do nó đặt chỗ trước, có thể nó là Tây. Nhưng, vì là một ta ba lô chính hiệu nên tôi không nản chí, đi đến quầy vé để tự mua vé vào thành phố.
Tôi chỉ muốn nói rằng, trong mọi trường hợp, đừng tự kỷ ám thị rằng mình bị đối xử như thế vì mình là người Việt. Mà lúc nào, trong tâm thế của mình phải là mày phải đối xử với tao như một khách hàng. Dù tao có là người Việt, Sing, Thái, Lào, Campuchia hay người gì kệ tao. Miễn sao tao hợp pháp đến đây, tự do trong hành xử và không làm gì sai trái hay phạm pháp, thì mày không có quyền gì để phân biệt đối xử. Tôi nghĩ rằng mình không nên xây nó thành hàng rào, để đi đâu cũng xù lông lên với người ta. Mà đó chỉ là bản năng để tự vệ khi bị phân biệt đối xử. Còn bình thường, tôi vẫn là một người siêu thân thiện khi ở nước ngoài. Đến mức hành lý quá kí được cho qua là lẽ thường tình.
Vậy mà, nhiều khi lại nghe nhiều chuyện "nhục dùm". Ngộ ghê. Thời nay đẻ ra cái từ nhục dùm, chứ hồi trước đâu có. Mạnh ai nấy nhục thôi. Ăn cắp ở Nhật, nhục dùm, ăn buffet ở Singapore, nhục dùm, chôm đồ ở Thái, nhục dùm, trốn ở lại Hàn Quốc, nhục dùm... Rồi khi nghe tôi đi Nhật, thì có người bảo là cẩn thận chứ người Nhật ghét người Việt lắm. Ta nói sai quá sai mà. Người Nhật thích người Việt một cách ngạc nhiên. Và người Nhật cũng đủ thông minh để biết rằng vài thành phần ăn cắp xấu xí đó không thể đại diện cho cả một cộng đồng người Việt đang làm việc cần mẫn hăng say tại Nhật. Hay cả một Việt Nam vui vẻ hiền lành. Những người Nhật tôi gặp đều thích Việt Nam một cách kỳ lạ. Ai cũng đã từng đến Vịnh Hạ Long, hay đến Sài Gòn... hay vài tháng nữa tao đi Việt Nam. Họ khen người Việt thân thiện. Đúng thôi, vì người Việt mình mà gặp người Nhật thì luôn sẵn sàng giúp đỡ đấy thôi. Rồi lời tốt chuyền tai, họ tin rằng đến Việt Nam sẽ rất vui và có nhiều người tốt.
Nhưng Việt Nam cũng có giựt đồ! Ừ, ngay cả mình là dân Việt mà còn khổ lên khổ xuống với cái nạn giựt dọc ngoài đường. Chẳng có gì lạ khi người địa phương nó còn không tha chứ nói gì khách du lịch. Không lẽ tụi giựt đồ đứng lại nhìn coi mày là người Việt hay nước ngoài rồi mới quyết định giựt để giữ thể diện cho quốc gia, không làm nhục quốc thể. Rảnh. Giựt là giựt. Mà thời buổi này, mấy thông tin kiểu đó thiếu gì. Tôi tin rằng không có em bé ngây thơ nào sang Việt Nam chơi mà không đọc trước những cảnh báo ấy cả. Thế nó mới thú vị các bạn ạ. Tôi hỏi thằng bạn Tây, mày có sợ không? Nó nói tao thấy thú vị. Giống như một trò chơi được cài đặt sẵn là thằng Tây trước sau gì cũng bị giựt đồ, mà cuối cùng nó lại thoát. Nên nó khoái. Và chính cái xã hội phúc tạp này dạy cho những khách du lịch từ nước ngoài những bài học về sự khác biệt. Xã hội nào cũng có những tồn tại của nó. Chính sự khác biệt làm nên sự đa dạng của thế giới. Và Việt Nam thì quá khác biệt, như một thế giới khác mà tụi Tây ba lô chưa bao giờ nghĩ là nó sẽ trải qua. Rồi nhiều người, nhiều người hơn chọn thành phố này làm nơi để làm việc, sinh sống, và hạnh phúc theo cách riêng của họ. Tôi không hiểu, trong khi nhiều người khác đang yêu thích nó thì những người trong cuộc lại đang nhìn nó như con vật xấu xí bẩn thỉu và cần được xóa bỏ. Để thay đổi một xã hội và các vấn đề trong xã hội đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Từ từ, bình tĩnh...
Bữa nghe được một tiết lộ động trời của tụi Tây ba lô. Rằng trên đường đi nếu hết tiền thì bán điện thoại, laptop, máy chụp hình... lấy tiền xài. Xong rồi chạy vô công an phường bảo là tao bị giựt đồ, xin giấy xác nhận bị mất để về nước lấy lại tiền bảo hiểm hoặc lấy cái mới. Thấy tụi nó cũng toàn quỷ ma. Với bổn tính thân thiện và tin người, nhiều khi mình tin rằng đúng là mất mặt khi đi qua Việt Nam chơi bị giựt hết đồ sau này ai dám qua nữa. Trước khi qua Việt Nam, chắc chắn thằng nào con nào ngu cỡ nào cũng tranh thủ đi mua bảo hiểm cho tài sản của mình. Chẳng có cái gì bị mất cả, thậm chí còn được lời nữa cơ. Cho nên tôi cũng chẳng mảy may nhục dùm những trường hợp đó. Tụi bay đang đi vào vùng cấm, nơi mà tao còn không đảm bảo dc tài sản của mình thì ai không cẩn trọng sẽ mất của. Đương nhiên, ai cũng mong xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng trước khi nó tốt đẹp hơn, thì hãy cứ sống chung với lũ và coi đó như là một kinh nghiệm.
Sống chung với lũ, đôi khi lại là một trải nghiệm hay. Trước khi đi Việt Nam, thì thằng Tây bà Đầm nào cũng chuẩn bị tinh thần cho mình một hành trình thú vị. Đẹp hay xấu chưa biết, nhưng nó phải thú vị. Vì đó là những trải nghiệm họ chưa từng trải qua trong đời và chắc chắn rằng Việt Nam là một quốc gia cần dành thời gian để "khám phá". Hiếm có đất nước nào có nhiều thuận lợi như mình. Biển đẹp vô bờ dọc chiều dài đất nước, thức ăn đa dạng các vùng miền không trùng lặp, văn hóa các vùng miền khác nhau, nhiều dân tộc sinh sống thuận hòa. Mấy bạn Tây ba lô tôi thích nhất là cưỡi xe máy từ Đà Nẵng vô Huế để ngắm nhìn cảnh đẹp, đi Hội An thả đèn lồng, Hà Nội phố phường, hay lên Sapa, Đồng Văn nghe hồn núi thở. Vào Nha Trang, Mũi Né tắm biển, vô Sài Gòn ăn chơi sôi động ngày đêm, lên Đà Lạt yên ả mát mẻ. Hay về miền Tây nghe hò, tát nước bắt cá... Ngay cả cái Sài Gòn này, nhiều người Việt nói với tôi rằng có gì đâu mà đi. Hồi đó, mỗi lần bạn Tây sang tôi dẫn đi Nhà thờ Đức Bà, nhà hát Thành phố, Bưu điện thành phố... Vì nghĩ đó là những thứ đặc biệt nhất ở thành phố mình ở. Sau này, khi đi Châu Âu mới té ngửa là trời ơi, bên này nhà thờ nó to hơn mình, bưu điện cũng bư hơn mình, nhà hát nó đẹp hơn mình. Cái nó cần đâu phải là những cái đó, mà là ngồi sau xe máy chạy lang thang trên đường, đi vào các chợ địa phương có chị bán hàng hung dữ nhưng thấy Tây thì giả bộ hiền thục đoan trang hồ quỳnh hương siu black, hay đi trên những con đường có bóng cây mát mẻ, kể nó nghe về lịch sử các kiểu. Đơn giản vì tôi hiểu 1 điều, nó đi tìm những thứ nó không có. Mỗi lần chở Damiano ra đường là tôi lo. Nó ngồi sau, lấy điện thoại hoặc máy quay ra chụp hình quay phim liên tục. Tôi phải nhắc nó: Mày coi chừng dùm tao cái. Nó ừ ừ, cất vô rồi len lén lấy ra chụp tiếp. Vì nó quá hào hứng mà. Ai đến đất nước này mà không hào hứng chứ?
Bữa ngồi cà phê ở Starbucks với bạn. Tôi ngồi đọc sách và bạn ngồi làm việc. Xa xa 2 dãy bàn là 2 cô gái Hàn Quốc xinh đẹp nói chuyện to kinh khủng. Ai cũng quay sang nhìn nhưng hai bạn đó hào hứng quá nên quên mất xung quanh. Thế mà bạn tôi tiến lại, nói là tao đang làm việc và tụi mày có thể nói chuyện nhỏ lại chút xíu không? Hai cô gái hiểu ra vấn đề nên nói xin lỗi và điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi phiền lòng nhà bên cạnh. Là ai cũng vậy, văn hóa ứng xử là cái thứ cần phải học khi bước ra đường. Người Việt Nam mình thường vui vẻ xởi lởi, đôi khi cũng ồn ào dữ lắm. Nhưng đó không thể là cái ồn ào mọi lúc mọi nơi, đâu thể xem mọi nơi là nhà. Và mấy bạn nước ngoài cũng vậy. Nếu ồn ào, nhắc ngay. Nhìn sành điệu xinh đẹp vậy mà ra đường bỏ quên văn hóa ứng xử ở nhà thì kỳ quá sá. Nhắc để thấy rằng người mình hay người nước ngoài cũng có người này người kia, không được đánh đồng. Vì không được đánh đồng nên có một chuyện tôi nghĩ rằng mình hơi nhạy cảm khi phán xét chuyện người Việt mình ăn buffet ở Singapore là mất thể diện quốc gia. Khi một vài tiệm buffet ở bên đó người ta có quy định không lấy đồ ăn dư bằng tiếng Việt. Thế là nhảy lên đong đỏng và quy chụp, đánh giá nhiều người đang làm nhục quốc thể. Xin thưa, có nhiều khi những người bị đánh giá đó còn chưa biết rằng họ đã làm những việc tày đình đến thếTôi đi Singapore, được bạn dẫn đi ăn buffet. Nhìn quanh nhiều cô chú dì người Việt mình cũng đang ăn. Văn hóa người Việt là hiếu khách, ăn uống lúc nào cũng nấu dư ra cho gia đình thằng 5, chị 6 ghé qua ăn, hay thậm chí là mời hàng xóm, láng giềng. Nhất là khi có khách thì khỏi nói, nhà có nghèo thì cũng ráng làm một mâm ê hề. Có bao giờ bạn thấy nhà ở quê mà chia phần ăn theo khẩu phần chưa? Ăn cơm xong cái nồi sạch bóng? Chắc chắn không. Lúc nào cũng còn dư để thằng út, đứa cháu đói bụng mà ăn thêm. Nên đi ra nước ngoài, cái thói quen đó một sớm một chiều làm sao xóa bỏ cho được? Du lịch đã không còn dành riêng cho một riêng ai. Dì 3 thím 6 ở quê giờ có tiền là mua cái tour đi du lịch như bỡn. Rồi lại nghe ông hướng dẫn viên nói là vô quán đó trả mười mấy độ rồi ăn thả ga. Haha, nên vô đó thả ga thiệt, y như cái bản tính người Việt hồn hậu, bưng đồ ăn ra nghĩ mình không ăn thì bưng cho người này người kia. Rồi ăn dư, cái bị lên báo mang tội làm nhục quốc thể. Dân mình, bao nhiêu là ở nông thôn? Bao nhiêu là ở Sài Gòn? Hà Nội? Cho nên có lỡ nhìn thấy người này người kia hành xử chưa đúng thì hãy thông cảm với họ. Đâu phải ai cũng được xếp hàng vô uống cà phê sang chảnh 100 ngàn đâu, mà đó là tình làng nghĩa xóm chân phương mộc mạc. Nên tôi thấy thương họ nhiều hơn là giận. Thương chứ không phải thương hại. Vì đâu đó là hình ảnh những người xung quanh mình. Khi nào xã hội phát triển đồng bộ thì mình mới có quyền yêu cầu những hành xử văn minh, còn bây giờ, lấy cái thói quen tốt đẹp để bị quy chụp thành hành xử kém, đó là điều đau lòng. Đương nhiên, tôi không đề cập đến một thành phần háu ăn hám đói, đúng là "làm nhục quốc thể" quá đi mà.
Trong cùng một xã hội, mỗi con người lại có một quá trình khác nhau để trưởng thành. Là do mình chọn hay chối bỏ. Để thấy rằng mỗi con người dù tốt dù xấu thì đừng đổ thừa cho xã hội. Mà cũng ngộ, tốt mình nhận, xấu xã hội chịu. Đâu ra. Xấu tốt gì thì cũng là con người mình thôi, xã hội là một phạm trù rộng chứ có ai là đại diện đâu. Còn nếu cảm thấy xã hội còn nhiều cái chưa tốt, thì hãy cố gắng mà đi đi, đến nơi mà bạn nghĩ là nó phù hợp với bạn. Chứ mỗi ngày ca thán, "nhục dùm", oằn oại trong những cái "vũng lầy tư tưởng" thì cũng có ngày chìm trong đó. Thay vì vậy, thì hãy đứng lên, tự tin bước đi, hành xử văn minh lịch sự... cũng có nghĩa là góp phần làm cho người ta nhìn Việt Nam mình một cách tích cực. Lựa chọn nào, là của bạn. Nhưng lựa chọn nào, lại chính là con người bạn...
P/S: Post lại. Đối với cái note này, nếu được, tôi nhờ mọi người share ra cho nhiều người cùng đọc. Để thấy, để hiểu và để yêu hai chữ Việt Nam nhiều hơn
2764.png
<3
2764.png
<3
2764.png
<3
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,980
Members
192,326
Latest member
buypaypalaccounts
Back
Top