What's new

[Chia sẻ] Chư Mư Vọng Phu hay là "Xứ sở kỳ nam"

Phần 1: Giấc mơ hoang

Chư Mư Vọng Phu - Tôi tình cờ biết đến cái tên xa lạ này vào năm ngoái trong chuyến phượt lên đỉnh Hòn Bà ở Khánh Hòa, đây là chuyến phượt giao lưu giữa nhà NCG và một số anh chị em nhà phượt Nha Trang. Trong buổi sáng sớm tinh sương lạnh giá đó, mấy anh em giao lưu cùng hội vespa Nha Trang cũng lên đây nghỉ đêm và cùng nhau nhìn ngắm núi non trùng điệp dưới chân nhìn, tình cờ hướng về phía bắc, giữa biển mây trắng xóa bồng bềnh xa xôi, mọc lên 1 đỉnh núi cao sừng sững, nó nhọn hoắc, xé toạc biển mây và vươn thẳng lên tầng trời như một mũi tên. Ai cũng trầm trồ và bàn tán không ngớt, và cũng thật may mắn, trong đoàn hôm đó có vài người và Thống hội phượt Nha Trang là dân Khánh Hòa cũng biết một số thông tin về ngọn núi này và cũng chưa 1 lần đến đó bao giờ.

Hình ảnh ấn tượng về mũi tên nhọn hắc giữa tầng trời hôm đó đã không ngớt ám ảnh tâm trí tôi. Chúng tôi cùng hẹn nhau một ngày nào đó sẽ đặt chân lên đỉnh núi này. Vài tháng sau, nỗi ám ảnh ấy lại ùa về qua những bức ảnh đầu tiên của Daskem – cũng là một dân phượt đã đặt chân lên đỉnh Chư Mư và đang dự tính sẽ chinh phục đỉnh Vọng Phu cao nhất của dãy núi này. Mừng như bắt được vàng, thế là 1 topic dành cho những người đam mê nó được mở ra và kéo dài suốt 9 tháng sau đó chỉ để bàn về nó: tìm người dẫn đường, tranh luận về hành trình, thông tin về địa lý, thời tiết, những chi tiết thú vị, đôi lúc có phần hoang đường mang tính truyền miệng, dân gian về dãy núi huyền thoại này càng khiến giấc mơ chinh phục càng trở nên cấp bách khi mùa mưa đã cận kề.

Những bức ảnh về Chư Mư Vọng Phu do Dákem chụp trong chuyến đi lần trước:
7d795ce58a6267fe3a7380a368b00681_48936164.3.jpg

0c2aaf14baf3a38ac8c4cdbd8fabd6eb_48936165.8.jpg

277a8b296ba1c6a5780551f5b4cee912_48936166.9.jpg

5f5f560a05b0cf595a0d294bbdc8fd73_48936167.10.jpg

876568ab71fb5308abe29969c7be4853_48936169.11.jpg


Bàn tới rồi lại bàn lui, lúc thì không tìm được người dẫn đường, lúc thì tìm được nhưng người dẫn đường lại chưa bao giờ lên đỉnh, lúc thì chọn được người dẫn đường nhưng lại từ chối dẫn đi, lúc thì tất cả đâu đã vào đấy thì có người lại bị trặc chân... Thật là vất vả và trúc trắc tưởng chừng như giấc mơ chinh phục Chư Mư Vọng Phu sẽ khó thành hiện thực. Nhưng cuối cùng thì giấc mơ dài đằng đẵng ám ảnh chúng tôi cả năm trời cũng đến hồi kết thúc khi tất cả những gì cần thiết nhất cho chuyến đi cũng đã hoàn tất. Lễ 2/9 này được, khi nhà nhà náo nức đi chơi, người người náo nức đi chơi thì chúng tôi - 3 gã đàn ông cùng ôm mộng sẽ lặng lẽ rời xa thành phố náo nhiệt để đánh thức giấc mơ ấy...

Topic đã được gởi đăng bởi Reporter
 
Last edited by a moderator:
Ngày 1 (tiếp theo)

Mấy anh em cứ phơi thây ngủ dã chiến trên bờ đá tới gần 2h thì vác balô đi tiếp. Lại tiếp tục leo và leo. Sáng nay đi đường thoải bao nhiêu thì bây giờ đồi dốc bù lại bấy nhiêu. Hết dốc đất rồi tới dốc đá. Mặt mày như cắm xuống đất với cái balô lỉnh khỉnh trên lưng. Với đích đến là một điểm trại tại độ cao gần 1600m, nên cứ mỗi 100m độ cao leo được, mình lại thông báo cho đoàn biết mức độ đau khổ đang giảm dần thế nào.

Hết dốc đất
17.jpg


Rồi tới dốc đá
25.jpg


Thường thì ở những nơi có đường mòn tốt thì việc leo hết 100m độ cao trên những con dốc 45-60 độ mất chừng 30 phút là cùng. Nhưng ở đây, đoàn phải mất gấp đôi số thời gian đó vì phải vừa đi vừa dò đường. Địa hình dốc phức tạp nhiều đá nên phải đi cẩn thận và lòng vòng để tránh đá tảng. Còn cây cối thì um tùm nên cũng mất khối thời gian phát đường. Nếu ai đã từng đi rừng không đường mòn thì sẽ biết sức lực bị tiêu hao thế nào. Gặp bụi cây thì phải bò luồn, gặp cây chắn ngang thì dang chân mà leo qua. Nhưng đáng kể và rõ ràng nhất là lực cản của cây cối. Cơ thể ta dùng hết sức để lao tới mà cây thì cứ nhắm balô và bàn chân để mà ghì lại.
17%27%27.jpg


Nói về đội hình di chuyển thì Tín lúc nào cũng đi trước để phát đường, tìm lối. Trên lưng anh là 20kg đồ đạc kềnh càng nhưng anh lại di chuyển rất nhanh và gọn. Mình cầm GPS và bản đồ topo nên đi sau anh để kịp điều chỉnh hướng đi đến vị trí mong muốn. Rubicon cũng có điện thoại load được Google Map nên 2 anh em thường kiểm tra lại tọa độ xem có giống nhau không. VTF bỏ túi cái máy PnS nên đi sau cùng chụp ảnh. Tín thì dựa vào cách quan sát thực tế đồi và vực mà chọn con đường dễ đi. Mấy anh em công nghệ thì nghe lời bác vệ tinh và thầy Google mà nhắm hướng.
14.jpg


Trở lại với câu chuyện leo dốc. Lúc này đoàn đã leo tới độ cao 1300m, nghĩa là mới chỉ được nửa đoạn đường mà đồng hồ thì đã điểm 5h. Đoàn đang ở trên lưng chừng một dông núi trong tình cảnh nước uống sắp cạn, chỉ còn 250ml cho 4 mạng người. Trời đã nhá nhem tối, cơ thể lúc này mệt đừ, môi ai cũng khô vì thiếu nước, còn tinh thần thì xuống rõ rệt. Mọi người dừng lại nghỉ chút, chia nhau thỏi socola của Rubicon để lấy lại sức, rồi cùng nhau bàn bạc nên đi tiếp thế nào. Vì đoàn đã đi chệch hướng từ dưới kia nên ý kiến của mình là leo tiếp đến hết đồi, tới độ cao 1500m sẽ gặp một vùng đất bằng phẳng, cảnh vật nguyên sơ mà năm ngoái mình đã tới và chắc chắn có khe suối nhỏ. Nhưng nếu đi đường này sẽ bị lệch hẳn qua phía đỉnh Chư Mư. Phương án 2 do Rubicon đề xuất nên tuột xuống vực ngay bên cạnh, chắc chắn sẽ có suối lớn. Cách này gần hơn, đỡ mất sức hơn và nhiều khả năng có nước hơn nên cả đoàn đồng ý tuột xuống. Dự tính xuống tới khoảng 1200-1100m là sẽ đụng suối.

Bỏ công cả buổi chiều nhích lên được 300m độ cao, bây giờ phải tuột xuống chừng 200m, đúng nản. Nhưng vì miếng nước, cho dù có phải tuột sâu hơn nữa cũng chấp nhận. Với niềm tin khoảng 1 tiếng nữa sẽ có nước uống, tinh thần mọi người tràn đầy trở lại, quên đi cái cổ họng đang khát khô mà tập trung cao độ cho từng bước chân, bước tay và cả bước mông leo xuống. Nói như vậy là vì đoàn không quay lại theo đường dông đi lên lúc chiều, mà đoàn bẻ hướng qua phải nhắm ngay vực mà tuột xuống. Làm như vậy vừa tiết kiệm được thời gian cho lộ trình ngày mai, vừa giúp đoàn điều chỉnh lại được hướng đi đúng về phía đỉnh Vọng Phu.

Hành trình tuột vực tuy không đau khổ về thể lực, nhưng cũng khá ảnh hưởng đến tâm lý, nhất là VTF với đôi giày bộ đội có độ bám kém. Không biết đôi giày Thượng Đình của Tín bám như thế nào, anh tuột xuống rất nhanh. May mắn là mình đã quen với thể lại tuột này nên cũng bám kịp theo anh để giữ khoảng cách đoàn. Rubicon xài đế vibram nên đi cùng VTF phía sau để hỗ trợ anh. Cũng may là nhờ trời tối làm giảm tầm nhìn xa, mọi người chỉ cần lo tập trung vào khoảng dốc trước mắt mà leo xuống thôi, chứ nếu mà trời còn sáng để thấy toàn bộ viễn cảnh vực sâu dưới chân thì chắc là đau tim lắm. Vực có những đoạn dốc đứng thì mấy anh em thi nhau đu cây, bám đá mà leo xuống. Những đoạn trống quơ trống quắc thì cứ nằm rệp xuống tựa toàn bộ cơ thể vào đất để mà nhích từng bước mông. Đặc biệt có đoạn vách đá dựng đứng cao bằng một tầng lầu thì mình cũng không biết thuật lại thế nào nữa, tốt hơn hết là xem hình bên dưới nhỉ. Tín thêm lần nữa lại thể hiện khả năng vượt mọi chướng ngại vật một cách xuất sắc. Mình mang ủng, cổ chân không được linh hoạt nên phải cởi ra mà leo xuống. Tới lưng chừng định nhảy xuống cho nhanh nhưng không được vì bên dưới là đá lởm chởm. Leo xuống xong ngó lên lại vách đá đó thấy cũng đơn giản nhưng sự thật thì góc nhìn của người bên dưới hoàn toàn khác góc nhìn của người đang lơ lửng ở trên. Hai người đứng đợi bên dưới một hồi lâu thì mới thấy ánh đèn của VTF và Rubicon đi tới. Sợi dây mà VTF đem theo bây giờ đã có cơ hội trình diễn. Anh mắc dây thành thạo và nhờ đó xuống an toàn. Rubicon tuy sải chân ngắn và bị đau cổ chân trước chuyến đi nhưng anh leo xuống vô cùng linh hoạt và gọn gàng.
18.jpg


Qua khỏi vách đá cũng đã hơn 6h, trời lúc này tối thui. Từng thành viên đều có trang bị đèn riêng nên cứ tự tin tuột và tuột. Sau chừng 20 phút nữa thì mình nhìn thấy địa hình đặc trưng của khe suối nhờ vào ánh đèn của Tín phía trước, nhưng khổ nổi không nghe thấy tiếng nước chảy. Thầm nghĩ chắc là khe cạn rồi thì bất ngờ Tín reo lên có nước. Mình vui mừng thông báo cho hai anh đi sau để thêm phần hăng hái. Có nước rồi, sống rồi, cảm ơn ông bà thương tụi con.

Khe suối rộng và dốc, nhiều đá phủ rêu, cây cỏ thì mọc um tùm. Cái gì cũng nhiều, cũng to chỉ riêng dòng nước thì nhỏ nhoi. Bốn anh em tập trung quanh cái luồn nước mỏng manh đó hứng đầy từng chai rồi chia nhau niềm hạnh phúc từ nguồn sữa mẹ thiên nhiên. Sau khi đã lắp đầy cơn khát thì công việc tiếp theo là tìm chỗ hạ trại quanh suối. Địa hình dốc, lại nhiều đá, hai bên vách đứng nên cũng không đủ khoảng không để làm một trại 4 người. May mắn là ngay bên cạnh con suối có một gộp đá 2 khoang đủ chỗ cho 4 người. Đoàn quyết định đóng tại đây.

Đây đúng là một khe suối dù chả thấy nước đâu trong hình
19.jpg


Mỗi người một việc, hứng nước, nấu cơm canh, chuẩn bị thức ăn cho bữa tối. Sau 8h thì cái bụng đã được giải quyết nốt. Tầm 9h thì tới lượt cái lưng, VTF và mình phủ bạt nằm trong gộp, còn Tín và Rubicon thì mắc võng ngủ bên ngoài. Khi đã yên vị, cái hông trái của mình chuyển sang nhức. Tính ra thì nó đã bắt đầu đau sau buổi trưa tại suối. Chắc là tại một năm qua không leo trèo gì nên bây giờ nó mới dở chứng như vậy. Ở tư thế đứng bình thường, mình không thể nhấc chân trái lên khỏi mặt đất quá một tấc. Lúc đó mình cứ nghĩ là bị sái khớp háng, nhưng không phải, về nhà hỏi thầy Google thì ổng nói là Hip Pain, triệu chứng đau cơ hông thường xảy ra khi chân vận động quá mức.

Gộp đá - chỗ trú lý tưởng cho đoàn
20.jpg


Hôm nay đúng là một ngày dài, vất vả, và đầy trải nghiệm. Nhất là cái vụ tìm nguồn nước. Lần đầu tiên sau nhiều chuyến đi mới cảm nhận thấu đáo được giá trị cơ bản của nước là như thế nào. Sự sống bắt đầu từ nước, sinh sôi, nảy nở cũng nhờ nước. Mọi sinh vật đều có cấu tạo chủ yếu là nước. Chúng ta là người nước.
 
Last edited:
Hình ảnh núi non thật đẹp, và hấp dẫn quá!

Bạn Daskem Xin cho hỏi về bản đồ topo. Ở VN có bán loại bản đồ này cho các chổ đi? Hay là bạn in ra từ máy.
 
VN mình không thấy ở đâu bán đâu LenNon. Mình xài GPS TrackMaker có chức năng load Google Map về rồi tự động dán lưới tọa độ lên. Sau đó dùng Photoshop ghép từng hình lại với nhau. Tổng thể là một file Image để đem đi in.
 
Cả tháng qua mình bận túi bụi làm cho hành trình đang kể giữa chừng thì bị đứt đoạn. Nay, giữ lời với 2 a VTF & rubicon, đồng thời để cho topic được trọn vẹn, mình xin thuật tiếp hành trình ngày 2 và chia sẻ một vài hình ảnh trên đỉnh Mẹ bồng Con.

Ngày 2

Sáng hôm sau thức dậy, Tín đã chuẩn bị gần hết bữa sáng cho đoàn. Mình lấy máy ảnh rảo xung quanh rồi dành chút thời gian xem lại vị trí đóng trại trên bản đồ. Hóa ra đoàn chỉ mới xuống đến một nửa và đang ở lưng chừng con vực (xem bản đồ). Còn cái khe suối nhỏ này chắc là dẫn ra khe suối lớn hơn rồi đổ ra hẻm núi. Mấy bài trên mình có xài mấy từ như hẻm núi, đồi và vực, có lẽ bạn đọc khó hình dung ra, nên bây giờ mình làm thêm cái bản đồ hy vọng các bạn mường tượng được phần nào. Hẻm núi là nơi giao nhau của 4 cánh đồi. Giữa các cánh đồi, địa hình bị xẻ rất sâu tạo thành 3 khe suối lớn và dốc. 3 khe suối này lại dồn về tại hẻm núi hợp thành suối lớn rồi chảy ra con sông ngoài bìa rừng.

Bản đồ và track đi về, trại 1, trại 2
AAA.jpg


Khe suối vào buổi sáng
22.jpg


Sau bữa cơm sáng chắc bụng, mấy anh em lại cùng nhau xem bản đồ để bàn bạc về lộ trình cho hôm nay và ngày mai. Với cái hông trái đang mất dần điều khiển, mình băn khoăn về việc vác nặng leo ngược lên vực có thể làm nó trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu leo người không thì sẽ giảm tải được phần nào cho cơ hông. Vì vậy mà mình đề xuất là bỏ đồ đạc lại đây, đi người không leo nhanh Vọng Phu hôm nay rồi quay lại trại này để leo Chư Mư vào ngày mai. Nhưng mà đường từ đây lên đỉnh chưa biết dễ khó ra sao, lỡ đi chưa tới nơi tới chốn mà trời đã tối thì nguy. Vậy là đoàn cùng nhau thu xếp hành lý rồi tiếp tục hành trình nâng độ cao. Hy vọng tới trưa sẽ tới trại 2 như dự tính, để còn kịp lên Vọng Phu ngay trong ngày.

Thu dọn hành trang bên gộp đá
21.jpg


Hành trình hôm nay sẽ bắt đầu bằng việc men theo dốc vực, thoát khỏi cánh đồi này xuống khe suối. Rồi theo đường khe suối, leo lên đồi bên kia để đóng trại thứ 2. Vị trí trại 2 trên bản đồ có địa hình bằng phẳng nhất, nằm gần Vọng Phu, và là đầu nguồn của 2 khe suối lớn nên rất lý tưởng cho việc đóng trại. Nhưng lý tưởng ở đây cũng chỉ là trên lý thuyết thôi, chứ thực tế như thế nào đoàn cũng chưa biết. Vì vậy mà đoàn đã định trước rằng nếu đã lên tới đó mà không có nước thì rảo xung quanh mà tìm, tìm không thấy thì lại tiếp tục tuột xuống vực như tối qua.

Nhiệm vụ đầu tiên là thoát khỏi vực bên này để tới được khe suối lớn giữa 2 cánh đồi. Từ trại 1, Tín dẫn đoàn men theo đường bình độ, tìm đường tiếp cận khe suối. Địa hình dốc vực trắc trở, mấy anh em lại vận dụng kỹ năng đu cây bám đá để leo lên leo xuống liên hồi. Hai tay sử dụng cho việc đu bám, tinh thần cũng tập trung cao độ để khỏi trượt chân mà lao xuống vực, đoàn ít người lại đi sát nhau, nên ở những đoạn hiểm trở hầu như đoàn không có hình ảnh nào lưu lại. Vực sâu hoắm, lùm cây dày đặc che khuất tầm xa, đoàn đi hoài mà nhìn xuống dưới chả thấy suối đâu.

Khởi động bằng một đoạn dốc ngắn trước khi tuột xuống vực
23.jpg


24.jpg


Sau chừng 1 tiếng, Tín tìm được một khối đá khá là bằng phẳng nhô ra giữa lưng chừng dốc vực để đoàn ngồi nghỉ. Và khe suối thì ngay bên dưới. Chỗ đá này không bị cây che tầm mắt, nhờ đó mà mọi người quan sát được một phần của hẻm núi. Nhìn đỉnh đồi cao cao xa xa phía bên kia, thoáng thấy những vách đá thẳng đứng lòi ra, mấy anh em không khỏi chùn chân hoặc đau tim.
26.jpg
 
Ngày 2 (tiếp theo)

Đoàn lại tiếp tục bám vách leo xuống. Sau cùng thì cũng mò tới được khe suối an toàn.
27.jpg


Đứng giữa khe, nhìn 2 vách đồi thẳng đứng ở 2 bên mà ngỡ ngàng. Theo hướng nhìn vào tấm hình này thì vách bên phải là cái vực mà đoàn vừa tuột xuống, còn vách bên trái là của cánh đồi mà đoàn sắp sửa phải leo lên.
28.jpg


Khoảng cách từ trại 1 tới khe suối này không hề xa nhưng đoàn đã phải mất cả buổi sáng mới tới được. Lúc đó là tầm 11-12h trưa, trước mặt đoàn là một khe suối đá đồ sộ. Nước suối không nhiều, chỉ rỉ thành dòng nhỏ. Lòng suối được cấu thành bởi nhiều lớp đá nhỏ to đủ kích cỡ xếp chồng chất lên nhau, với mặt đá trên cùng phủ rêu xanh trơn trượt. Nhiều cây bụi nhỏ mọc từ trong những kẻ đá nhô ra ngoài. Khe suối dốc, có những đoạn đứng phải dùng tay móc vào đá hoặc níu vào cây mới lấy đà lên được.
29.jpg


Tranh thủ nghỉ ngơi, chụp choẹt được ít phút, đoàn bắt đầu leo ngược suối lên trên đỉnh đồi bên kia. Địa hình suối đá dựng thẳng lên, leo không mệt nhưng nguy hiểm. Mấy anh em ai nấy đều cẩn thận dò từng cục đá để bám víu và lấy đà. Nếu không thì không những nguy hiểm cho bản thân mà cho cả những người đi sau. Lỡ đá bong ra thì cơ thể mất đà rơi xuống, còn người đi sau nhiều khả năng cũng bị đá lăn trúng. Leo được một đoạn thì trời đổ mưa, mọi thứ đã trơn trượt nay càng trở nên trơn trượt hơn. Tốc độ leo bám chậm hẳn vì gấp gáp tí là xong phim. Đất với đá như được bôi trơn, nếu chẳng may vớ phải cục đá nào bong ra thì phải dùng tay ghì nó lại. Đôi chân cũng dùng sức nhiều hơn để đóng chặt vào lớp đá trơn như mỡ. Bỗng dưng nghe thấy phía sau có tiếng ục ục, một cục đá vừa lăn qua rubicon (trích lời VTF “Cái điều kinh khủng hôm qua lại xảy ra, tôi nhấn chân, rướn người tay bám vào 1 gờ đá để đu lên, đột ngột cục đá bong hẳn ra, hoảng hốt, tay phải tôi quýnh quáng bám vào 1 gờ đá khác để chịu bớt lực cho đôi chân đang nhón chơi vơi, tay trái thì tính cố gắng quăng cục đá đi xa vì Rubicon đang leo ngay phía dưới chân cách tôi gần 8m, cánh tay mỏi nhừ sau hàng giờ đồng hồ đu bám nên tôi không thể quẳng cục đá đi, bất lực, mỏi nhừ, tôi cố thu sức ép cục đá vào vách để khỏi rơi trong khi chờ Rubicon đang tìm cách leo chệch đường để né. Ục ục ục, âm thanh đó lại vang, hú hồn”).

Mưa lớn dần, mình mẩy ướt nhẹp nhưng đoàn vẫn đi tiếp. Mấy anh em không có nhu cầu dừng nghỉ, nói đúng ra là lòng suối dốc đến nỗi không có một vị trí thích hợp nào để đặt mông xuống. Leo đến gần đầu suối, địa hình thoải hơn, đoàn tranh thủ ngồi nghỉ chút rồi tạt sang phải để lên đỉnh đồi bên cạnh.

Gần tới đầu suối, địa hình thoải hơn
33.jpg


Mưa ướt nhẹp
32.jpg


Một đoạn dốc thoải để ngồi nghỉ
31.jpg


Ngay tại đây, đoàn rẻ sang phải để lên đỉnh đồi bên cạnh.
30.jpg
 
Ngày 2 (tiếp theo)

Thêm một đoạn không mấy vất vã, đoàn đã lên tới đỉnh đồi bên này. Gió trên đồi thổi từng cơn lạnh thấu xương những cơ thể thấm ướt.
34.jpg


Độ cao chừng 1550m mà mây mù đã lờn vờn ngang người.
34%27.jpg


Nhiệm vụ bây giờ là tuột xuống khe suối bên cạnh nữa để tìm nguồn nước. Không như hôm qua đi tìm nước trong trạng thái hoang mang cực độ, trời chiều hôm nay đổ mưa nên mấy anh em đều tự tin và phấn chấn hơn. Địa hình trước mặt cũng không dốc ác nghiệt như dưới kia nữa nên tinh thần ai nấy đều thảnh thơi. Đoàn di chuyển khá nhanh trong rừng cây rậm rạp và mây mù mờ ảo.
35.jpg


Không lâu sau đã tới được con suối. Bờ suối hai bên dốc, đá nhấp nhô lởm chởm không thể đóng trại được, Tín dẫn đoàn đi ngược suối tìm vị trí thích hợp.
36.jpg


Thêm một đoạn, ngay sát bờ trái suối có một bãi bằng đủ rộng, xung quanh không có cây mục, và đặc biệt là có sẵn 4 cây trụ. Đoàn quyết định hạ trại tại đây. Lúc này khoảng tầm 5h, độ cao là 1500m. Tín đặt ngay balo xuống rồi nhanh chóng đi chặt cây, dựng trại. 3 anh em còn lại cùng nhau san bằng thảm thực vật, cắt dây leo. Loáng cái là được một cái trại xinh xắn.
37.jpg


Cái đêm hạ trại tại độ cao 1500m, mưa bắt đầu rơi. Ban đầu mưa lất phất nhẹ làm đoàn cứ nghĩ chút nữa sẽ ngưng thôi. Lúc sau thì mưa nặng hạt dần buộc đoàn phải nghiêm túc gia cố lại lều trại, lòng thầm mong tới giữa khuya thì mưa ngừng rơi. Nhưng không, mưa cứ vậy mà kéo dài suốt đêm khiến 4 người co ro nằm cạnh nhau trong một cái trại nhỏ không củi lửa, giữa lưng chừng một khe núi dốc, gió thì luồn dưới lưng còn mưa thì tạt lên người. Tín nằm ngoài cùng đón gió và chịu mưa tạt, a mắc cái võng mỏng manh sát đất để tránh gió luồn. Mình có thêm túi ngủ nên mắc võng bên cạnh cao hơn a một bậc hy vọng có thể chắn gió phần nào cho người phía sau. Kế tiếp là VTF, a có 1 tấm chiếu cách nhiệt lót lưng, vị trí của a nhìn có vẻ ấm cúng nhất nhưng đầu võng là nơi mà nước mưa dồn về. Nằm ngoài cùng đầu bên kia là rubicon với độc mỗi cái võng dù, không quần áo ấm, hy vọng gió không đổi chiều. Được một lúc thì mưa tạt dữ quá, VTF rút cái chiếu của mình đưa cho Tín để che chắn. Rồi thì mọi người đều đi ngủ. Nằm trong võng, hồi tưởng lại cái đêm trước Chư Mư năm rồi, cũng mưa như thế này, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến con suối đang hiền hòa bỗng dưng trở nên hung dữ đột ngột, cuốn bay chén đũa, dâng chạm mép trại. Thầm nghĩ ngày mai lại được trải nghiệm thêm lần nữa với dốc cao, đá trơn, mây mù và không lối mòn. Cảm thấy chút e ngại rồi lại hân hoan lạ thường.
38.jpg
 
Tiếp Daskem ơi, hay lắm, àh rảnh rỗi thu xếp công việc rồi ghé qua box NCG nhé, Rubicon rủ leo Phu Ta Leng 3069m tháng 4 kìa. :D
 
Ngày 3

Trời đã sáng, mưa cũng ngừng rơi, ngồi dậy lấy tay sờ đầu võng lần nữa thấy vẫn tương đối khô ráo. Động đậy một lúc thì nghe VTF xin lại tấm chiếu. Hóa ra võng của a bị ướt. Nơi đầu võng, tấm bạt bị trũng xuống là dấu vết còn lại của một vụ đọng nước sau một đêm mưa dài. Mặc dầu trước khi ngủ, mọi người đã căng bạt lại bằng một cây chống và một nút thắt để tránh nước đọng. Nhưng số của a là vậy, ban đầu là đôi giày bộ đội, giờ thêm vụ ướt võng.

Rồi thì mọi người dậy nấu nướng ăn sáng là cái đoạn trên mà a VTF mô tả (trích lời VTF “Một đêm lạnh cóng, ướt át và trằn trọc rồi cũng trôi qua, bình minh Vọng Phu chào đón ngày mới bằng những tia nắng hiếm hoi trải lên không gian vạn vật trong chốc lát rồi lại nhanh chóng ẩn mình vào trong những dải mây dày, có ở đây mới thấy và cảm nhận được ánh nắng mặt trời là cần thiết và đẹp đến nhường nào, những phút hào quang chói rọi, dù chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cả 1 góc núi rừng bừng sáng đến lạ thường, cỏ cây hoa lá và cả những tảng đá thô kệch xấu xí cũng không còn mang màu xanh đậm lạnh lẽo và ủ rũ mà trở nên tươi xanh mơn mởn đến lạ thường…”).

39.jpg


40.jpg


Sau khi thay đồ xong xuôi thì được tin VTF không tiếp tục đoạn đường còn lại cùng đoàn. Mọi người đều tôn trọng quyết định của a và hiểu rằng đôi giày bộ đội gây cho a một áp lực tâm lý rất lớn. Hành trình từ dưới độ cao 250m lên đây, dù có nhiều đoạn dốc đá nhưng ít ra thời tiết vẫn tương đối khô ráo và vẫn còn một hệ thực vật dày đặc để bám trụ, lấy đà, thì VTF cũng đã phải khó khăn và cẩn trọng trong từng bước đi. Huống hồ gì đoạn đường lên đỉnh có đoạn phải leo đá tảng lộ thiên cao chục mét bị gió mài mòn hết các gờ cạnh, trơn trợt sau một đêm mưa và mây mù, và khó khăn nhất là không có hệ cây thân mộc vững chắc để sức người bé nhỏ có thể nương tựa vào. Đôi giày bộ đội đế cao su mòn cứng cộng với một đêm dài mất ngủ vì nhiễm lạnh thực sự ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và thể lực của bất kỳ ai.

Bỏ qua phút giây tiếc nuối, chúng tôi tạm chia tay và chúc nhau bình an. A Tín vác dao đi trước, balô con cóc 4 chai nước và 4 gói mì tôm. A rubicon nối gót với cái điện thoại có GPS load sẵn Google Map. Mình thì cục gạch Garmin, tấm bản đồ topo, và cái máy chụp hình. Bật máy, bắt sóng, cân chỉnh, và lên đường.
 
Ngày 3 (tiếp theo)

Chặng đường lên đỉnh đã rất gần. Mấy anh em chỉ phải leo thêm chừng 400m độ cao nữa thôi là sẽ tới được chân 2 khối đá huyền thoại. Các đường bình độ trên bản đồ trông cũng thưa hơn một chút so với những con dốc và khe vực dưới kia. Tuy nhiên, những điều này cũng không giúp mình thư thái hơn được bao nhiêu, bởi năm ngoái mình đã trải nghiệm qua đỉnh Chư Mư một lần nên hiểu rất rõ cảm giác leo đá lộ thiên trên đỉnh núi là như thế nào.

Và quả thật, lần lên Vọng Phu này không là ngoại lệ. Những điều kiện khắc nghiệt như đá tảng dựng đứng, dốc vực cao, mây mù trơn trợt, và không cây cối che chở một lần nữa hiện diện đầy đủ trên đỉnh núi. Tất cả mang đến một cảm giác không thể diễn tả lại bằng lời.

Hành trình lên đỉnh khởi đầu bằng một đoạn dốc rậm rạp.
41.jpg


Len lỏi qua cây cối
42.jpg


Lướt ngang những bộ rễ lâu đời
43.jpg


Nguyên sinh tuyệt đối
44.jpg


Nước từ các tầng cây đủ thấm ướt những con người nhỏ bé trên chặng đường dài
45.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,140
Members
192,341
Latest member
Hb88compro
Back
Top