What's new

Chuyến đi ngày cuối tuần (từ Hà Nội)

Chào,

Mình dự định đi lòng vòng Hà Nội vào mỗi 01 ngày cuối tuần, mỗi tuần một địa điểm. Tìm hiểu vài điều muốn tìm hiểu, thăm thú các nơi thú vị và chụp ảnh các chỗ thấy hay.
Đi vào sáng sớm và về vào chiều muộn. Mọi người sẽ tự lo packed lunch (no alcohol or beer, pls!), chuẩn bị phương tiện đi lại phù hợp và các đồ đạc cần thiết khác cho cá nhân.
Hiện bọn mình chỉ có 2 người, mời mọi người đi chung cho vui (nhất là các bạn nữ nhé :) ) Mỗi chuyến đi sẽ dưới 10 người.

Đây là chuyến đi cho tuần tới, t7 28/8
Phương tiện: Xe máy
Điểm đến: Chùa Kiến Sơ - nơi khởi nguồn dòng thiền Vô Ngôn Thông

Chùa Kiến Sơ tọa lạc cạnh đền Phù Đổng (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1975. Chùa do Thiền sư Cảm Thành khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ thứ IX và là nơi khởi phát của Thiền phái Vô Ngôn Thông, cũng là nơi tu hành của nhiều bậc danh tăng nổi tiếng trong lịch sử: các Thiền sư Vô Ngôn Thông, Cảm Thành, Đa Bảo, Ni sư Diệu Nhân…

5HBULB_kienso.jpg


Theo sách Thiền uyển tập anh, bấy giờ có một vị phú hào ở hương Phù Đổng, người họ Nguyễn kính mộ việc trì giới đức hạnh cao cả của sư Lập Đức, tự nguyện cúng gia trạch để làm chùa, mời sư đến trụ trì. Ban đầu sư từ chối, nhưng đêm ấy sư chiêm bao thấy thần nhân đến bảo: "Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp được vận lớn". Vì thế sư bèn nhận lời, đến hương Phù Đổng lập chùa, chính là chùa Kiến Sơ ngày nay, sau này pháp danh của sư Lập Đức được đổi tên là Cảm Thành.

Thiền uyển tập anh chép: "Tháng Chín năm Canh Tý niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ 15 (820), sư (tức Thiền sư Vô Ngôn Thông) đến chùa Kiến Sơ. Ngoài hai bữa cơm cháo, suốt ngày sư chỉ ngồi quay mặt vào tường, không nói một lời, chuyên chú tu tập thiền định làm vui. Suốt mấy năm liền như thế nên người ngoài không ai biết sư, chỉ có sư trụ trì chùa là Cảm Thành hết lòng kính cẩn hầu hạ. Cảm Thành gần gũi bên cạnh sư để học hỏi những điều cơ vi huyền diệu, hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông". Vào ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Lịch thứ 2 thời thuộc Đường (826), Ngài Vô Ngôn Thông gọi sư Cảm Thành đến truyền bảo: "Ngày trước Tổ ta là Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư, khi quy tịch có đọc bài kệ rằng: Nhất thiết chư pháp/Giai tòng tâm sinh/Tâm vô sở sinh/Pháp vô sở trụ/Nhược đạt tâm địa/Sở tác vô ngại/Phi ngộ thượng căn/Thận vật khinh hứa. (Tất cả các pháp/Đều từ tâm sinh/Tâm không chỗ sinh/Pháp không chỗ trụ/Nếu đạt đất lòng/Làm gì chẳng ngại/Không gặp thượng căn/Cẩn thận chớ nói)". Mặc dù vẫn đang khỏe mạnh, nhưng nói xong thì Thiền sư Vô Ngôn Thông chắp tay thu thần thị tịch.

Từ đó, Thiền phái Vô Ngôn Thông ra đời, chủ trương đốn ngộ, trao đổi truyền bá đạo pháp không dùng nhiều lời nhưng người nghe vẫn thông (hiểu) được. Vào năm Canh Thìn, niên hiệu Hàm Thông thứ nhất thời Đường (860), sư Cảm Thành không bệnh mà nhập diệt, truyền trao y bát cho Thiền sư Đa Bảo. Đến thế kỷ XI-XIV, từ phái Vô Ngôn Thông phát triển thành một nền thiền học Việt Nam vô cùng rực rỡ, mỗi nhà sư đều trở thành những thi sĩ.

tamquanchuakienso.jpg


Kiến trúc chùa Kiến Sơ ngày nay khá bề thế. Cổng tam quan 5 gian chồng diêm 2 tầng, dóng ngang hàng với cổng đền Phù Đổng. Chùa chính theo kiểu nội công ngoại quốc như nhiều ngôi chùa cổ thường thấy ở Bắc Bộ. Trước tiền đường về phía bên trái có một chiếc khánh đá cổ tạc thô sơ, tuổi ít nhất 400 năm. Ni sư Thích Đàm Truyền, trụ trì chùa cho biết: "Tôi về trụ trì chùa từ năm 1971 đã thấy khánh đá bị vứt nằm chỏng chơ trong nhà Tổ, cột treo khánh bị gãy hết cả. Mãi tới cách đây 10 năm, nhà chùa mới xây mới 2 cột trụ phía trước tiền đường, rồi đem khánh đá ra treo".

Gây ấn tượng nhất đối với khách thập phương khi đến thăm chùa Kiến Sơ có lẽ là tòa động liên hoàn bằng đất thó, tuổi hơn 200 năm. Đây là tác phẩm động Cửu Long nhân tạo cổ xưa có kích thước lớn nhất Việt Nam: dài 8m, cao 3m, dày 2m. Tác phẩm gồm 5 tòa động liên hoàn. Hai bên hông gồm: động tội tái hiện tích truyện Mục Kiền Liên chứng kiến mẹ Ngài bị hành hạ khắc nghiệt dưới địa ngục; và động Tây Du Ký diễn tả thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ba tòa động chính đều có vòm là những mây, rồng xoắn xuýt tạo thành, ngự trên mây có rất nhiều chư Phật, Bồ tát, A Di Đà và các thần tướng nhà trời. Nếu như trung tâm của các tòa Cửu Long bao giờ cũng là Đức Thích Ca sơ sinh, nhưng ở các tòa động nơi đây đã được biến thể khác biệt. Trung tâm của động bên trái là Ngài Đạt Ma tay cầm một chiếc hài; ở tòa động bên phải là Quán Âm quá hải ngự trên đầu rồng.

Trong chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật cổ phong phú, bài trí thành 7 lớp tượng. Trong cùng của chánh điện có bàn thờ xây cao áp vào vách, bên trên tọa lạc bộ Tam thế Phật, niên đại thế kỷ XVII. Bộ tượng Tam thế được tạo tác khá giống nhau, tóc xoắn ốc, mặt tròn đầy phúc hậu ngồi trong tư thế tham thiền nhập định trên 3 tòa sen. Áo tượng nhiều nếp gấp chồng lên nhau, phủ kín lòng đùi. Bộ Tam thế được làm từ chất liệu đất thó, sơn son thếp vàng. Tòa sen không có đế bệ (có lẽ đã bị mất) hiện đã bong tróc hết sơn, kết cấu với 3 tầng cánh sen úp. Phật điện được đặt tách rời ra phía trước khỏi bộ Tam thế, với 6 lớp thứ tự từ trên xuống dưới: hàng thứ 1 là tượng A Di Đà; hàng thứ 2 gồm 5 pho tượng (tượng Di Lặc ở giữa); hàng thứ 3 là pho Quan Âm Nam Hải; Đức Thích Ca niêm hoa tôn trí ở hàng thứ tư; kế đến tượng Ngọc Hoàng; dưới cùng có tòa Cửu Long.

Bên trong Thượng điện, thẳng hàng với 5 vị Diêm vương phía bên phải, có các pho tượng vô cùng giá trị: tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng vua Lý Công Uẩn và thân mẫu của nhà vua. Thiền sư Vô Ngôn Thông với thân hình mập mạp, đầu trần để lộ lớp tóc đen rất mỏng, tai to, mũi rộng, trên mép có hàng ria con kiến. Ngài mặc 2 chiếc áo: áo lót bên trong chỉ từ bụng trở xuống, để hở toàn bộ mảng ngực trần; áo khoác ngoài với rất nhiều nếu gấp uốn lượn đăng đối. Chân Ngài xếp bằng tròn, tay để trên đùi trái, tay phải cầm phất trần.

chua3.jpg


Tượng Lý Thái Tổ tạc dáng một ông vua ngồi trên ghế, mình mặc áo long bào, đầu đội mũ miện, chân đi hài, hai tay nâng ngọc khuê ngang ngực. Ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, người dân ở đây còn truyền tụng nhau sự tích về vua Lý Công Uẩn.

Tương truyền vào thời Tiền Lê, có câu sấm nói rằng một người họ Lý dưới chân có chữ Vương sau này sẽ thay thế họ Lê, vua Lê Đại Hành bèn truy tìm người như vậy để giết đi. Bởi dưới chân Lý Công Uẩn có chữ Vương, nên ông phải tìm về chùa Phù Đổng lẩn trốn để khỏi bị phát hiện. Bấy giờ truyền thừa dòng thiền Vô Ngôn Thông là Đa Bảo đã giấu kín Công Uẩn trong một cái hang bí mật dưới điện Phật. Lấy lý do người tu hành theo thiền phái này là phải học hạnh im lặng (vô ngôn) nên quan quân đến hỏi câu gì sư cũng không nói. Một đêm, Công Uẩn đang ngủ say trong hầm thì mơ thấy một người hiện lên, tự xưng Thánh Gióng là Thành hoàng của làng Phù Đổng. Thánh Gióng nói cho Công Uẩn biết rằng sau này sẽ thành đại sự và Thánh đọc cho câu sấm: "Nhất bát công đức thủy/Tùy duyên hóa thế gian/Quang Quang trùng chúc chiếu/Một ảnh nhật đăng san". Lúc đó, Công Uẩn không hiểu bài sấm này nói gì, nhưng vài trăm năm sau dân gian đã giải được nghĩa rằng, bài thơ dự báo nhà Lý truyền được 8 đời, và sẽ kết thúc vào thời một vị vua có chữ Nhật ở trên chữ Sơn (tức vua Lý Huệ Tông tên là Sảm).

Ngay sau khi Công Uẩn lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long, nhà vua đã cho trùng tu chùa Kiến Sơ và xây dựng đền Phù Đổng cạnh đó để tôn thờ Đức Thánh Gióng. Vua cũng nhiều lần đến thăm chùa, và mời Thiền sư Đa Bảo về Thăng Long bàn luận. Như vậy có thể nhận định rằng, truyền thuyết Thánh Gióng ra đời từ thời sư Đa Bảo, được vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Đại vương, đến đời Trần được tôn vinh thành một vị thiên tướng thời Hùng Vương.

Nguồn bài viết: Chương Phượng - Báo Giác ngộ
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Tham khảo thêm về dòng thiền Vô Ngôn Thông tại: http://www.thuvien-thichnhathanh.or...chng-02-2-3-thin-phai-vo-ngon-thong?showall=1
 
Last edited by a moderator:
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Lần trước đã đi chùa Tổ của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Tuần này mình sẽ đi tiếp một (vài) chùa Tổ của dòng thiền Lâm Tế nhé (nếu bạn quan tâm có thể search cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận và tìm đọc về dòng thiền này trong đó).
Các điểm đến khác (lễ hội xa hơn chẳng hạn :D), mình có thể bàn trong chuyến đi nhé.

Về lần này:

Thời gian: Thứ Bảy (25/9)
Nơi đến: Chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Nếu tiện thời gian và đường đi...., có thể qua thêm vài chùa khác cũng liên quan đến dòng thiền này như chùa Bút Tháp, Phật Tích....
Tập trung tại: Nhà hát Lớn. 7h30 sẽ bắt đầu đi. Vì vậy bạn nào đi một mình nhưng muốn đi chung xe với bạn khác sẽ đến sớm trước đó 15-20', bạn nào ko cần sắp xếp vụ trên :) thì đến sớm 5-10' nhé. Ai đến muộn sau 7h30 sẽ tự đi theo sau đó.

Đây là phần Q&A :))
Tham gia thế nào? Tớ sẽ ko online được nữa từ giờ cho đến t7 :((, vì vậy các bạn ko cần đăng kí ở đây mà tự đến vào ngày giờ trên. Nếu đông người (hơn 10 người), thì đành chia nhóm nhỏ hơn để đi.
Chuẩn bị gì? Ăn uống? Xin các bạn xem ở các lần trước (mong các bạn vui lòng xem, vì tớ đã viết vài lần mà nhiều bạn vẫn nói là... chưa đọc, ko nhìn thấy... :( )
Các bạn cũng có thể mua bất kì đồ ăn gì ở địa phương hoặc trên đường theo ý bạn và tất nhiên đó là chuyện của bạn chứ ko phải của tớ nhé.
Câu hỏi khác? Nếu còn câu hỏi khác, xin bạn vui lòng đọc các bài ở trước để tìm câu trả lời. Nếu ko tìm thấy câu trả lời, xin bạn vui lòng.. đọc lại, tìm lại một lần nữa.

Các sắp xếp/chuẩn bị cá nhân (và thậm chí là chung), do các cá nhân tự sắp xếp/chuẩn bị nhé :) Nếu bạn ko đọc các post trước hoặc ko tự chuẩn bị hoặc...., tớ sẽ ko chịu trách nhiệm nếu bạn bị lạc đường, cần người hướng dẫn về điểm đến mà ko ai giúp bạn, phải ăn muộn, bị đói hoặc... ko có gì để ăn!

Xin cảm ơn và hẹn gặp t7 (BB)
 
Last edited:
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Thông tin về điểm đến trên Wiki, có bỏ đi một số phần (mà có lẽ phải check lại :)))
Bạn nào có hứng thú xin viết thêm một số thông tin phong phú hơn về chùa này nhé ;)

Chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự 四恩寺) có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, và thường được dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ. Chùa nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Chùa có từ thời nhà Lý thế kỷ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728).

Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau.

Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh.

Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét.

Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật - gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.

Gần đây người ta phát hiện thấy một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa.

Trong cuộc chiến tranh Việt - Tống 1077 quân Tống trú quân ở vùng đồi núi rừng cây Tiên Lát quanh khu vực chùa Bổ. Sau lần tấn công thất bại ở Như Nguyệt Quách Quỳ quyết định chọn điểm tấn công lần thứ hai là ở xã Tam Đa vì đoạn sông Cầu ở đây nông và hẹp, dễ vượt qua để tiến về Thăng Long. Lý Thường Kiệt đã dự phòng tình huống trên, nên đã đắp phòng tuyến cao và cắm rào tre dày, lập trại ngựa chiến và ém quân trong những nơi rậm rạp.

Quân Tống lợi dụng ban đêm từ vùng lòng chảo núi Tiên Lát bí mật tiến ra bờ sông, kết cây làm bè lớn, mỗi bè chở được 500 quân, rồi bất ngờ hạ thủy nhiều bè, ào ạt chở đại quân tiến vào địa phận Thọ Đức - Phấn Động, liều mạng mở đường đột phá. Khi đó quân Lý nhất loạt xông ra, từ trên bờ cao đánh xuống. Quân Tống nguy khốn muốn về không được. Toàn bộ đội quân Tống sang sông bị tan rã, phần lớn bị tiêu diệt, số còn lại phải đầu hàng. Sau trận thất bại này Quách Quỳ mất hẳn khả năng tấn công, phải ra lệnh ai bàn đánh sẽ bị chém[1].

Chùa Bổ Đà nằm dưới chân một đồi thông, rất đẹp và u tịch, xung quanh là tường đất bao phủ, phía xa có núi sông bao bọc. Nhiều người vẫn gọi Bổ Đà là chùa đất bởi không gian trong chùa man mác một màu nâu của đất, từ bể nước, tường, gạch cũ rêu phong.

Trải qua gần 300 năm, chùa đã được chỉnh trang, tu bổ nhiều lần, do vậy, kiến trúc tồn tại còn lại hiện nay mang phong cách triều Nguyễn - triều đại sau cùng của phong kiến Việt Nam.

Những năm gần đây khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khá quan tâm tới Chùa Bổ. Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội đi tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu và sườn núi 3 km là tới.
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Mình xin đăng ký tham gia topic nhé. May quá có hội này, đúng nhu cầu sở thích của mình.

Thực ra đi vào ngày chủ nhật thì phù hợp hơn với mình vì thứ 7 mình vẫn phải đi làm. Thứ 7 thì vẫn có thể đi được nhưng phải trốn việc và làm bù vào ngày hôm sau.

Mình xin phép up mấy cái ảnh làng Chuông mới chụp

langchuong2.jpg


langchuong5.jpg


langchuong6.jpg


langchuong9.jpg


langchuong10.jpg
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Đẹp lắm tung ạ,
Thích nhất mấy cái hình chỗ bán cạp nón, vì tớ ko chụp đc cái nào ở đó cả :))
Hẹn gặp hôm nào đó nhé :)

Mình xin đăng ký tham gia topic nhé. May quá có hội này, đúng nhu cầu sở thích của mình.

Thực ra đi vào ngày chủ nhật thì phù hợp hơn với mình vì thứ 7 mình vẫn phải đi làm. Thứ 7 thì vẫn có thể đi được nhưng phải trốn việc và làm bù vào ngày hôm sau.

Mình xin phép up mấy cái ảnh làng Chuông mới chụp
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Đẹp lắm tung ạ,
Thích nhất mấy cái hình chỗ bán cạp nón, vì tớ ko chụp đc cái nào ở đó cả :))
Hẹn gặp hôm nào đó nhé :)

Cảm ơn bạn.

Ngày mai mình sẽ tham gia off nhé. Có lẽ đến Nhà Hát Lớn khá sát giờ vì 7h15 mình còn có chút việc ở phố Đội Cấn.
 
Last edited:
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Hôm trước đã đi (theo thứ tự) chùa Tiêu Sơn - chùa Bổ Đà - đền Bà chúa kho.

Sau đây là một số thông tin về chùa Tiêu Sơn của chuyến đi đó nhé

Chùa Tiêu Sơn và pho tượng táng

chua_tieu_chua08t-to.jpg


Phong cảnh chùa Tiêu Sơn
Đi theo đường Hà Nội - Bắc Ninh, đến ki-lô-mét 20 nhìn về bên trái, thấy có quả núi đất mọc lên giữa đồng lúa mênh mông. Tại lưng chừng núi, giữa rừng cây sum suê, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Đó là chùa Tiêu Sơn, tên chữ Thiên Tâm tự, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nằm gần trung tâm Phật giáo Luy Lâu, lịch sử chùa Tiêu Sơn gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Linh khí đất Tiêu Sơn đã sản sinh cho dân tộc một người con ưu tú. Đó là vua Lý Thái Tổ.

Đến Tiêu Sơn, ngay trên đường lên nhà Tổ và chùa chính, ta gặp một nhà bia. Ở hai cột nhà bia đắp nổi đôi câu đối:

Lý gia linh tích tồn bi ký

Tiêu lĩnh danh khu đắc sử truyền

(Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc,

Danh thắng non Tiêu có sử truyền)

Ở giữa nhà bia đặt một tấm bia bằng đá nhám kích thước 60 x 40 x 25cm, mặt chính khắc bốn chữ “Lý gia linh thạch”. Bia trước ở vách núi, ba mặt bị đất cỏ che lấp, khi chuyển vào nhà bia, người ta mới biết mặt sau có khắc chữ Hán. Ông Nguyễn Công Nha, người làng Đình Bảng đã dịch nghĩa. Xin trích một đoạn: “Chùa Thiên Tâm có Lý Vạn Hạnh chủ trì tăng viện người làng Cổ Pháp. Đặc biệt phía Đông chùa, bên tả ngạn sông Tương có bà họ Phạm khi lên chùa đèn nhang thường thấy một vị thần hầu đứng cạnh cột chùa. Người dạy đi theo vào giữa hang núi lấy của. Điềm hóa khói hương bay hiện Lục giáp thần thông. Từ ấy, sư bà ngẫm sự việc hiện nơi mặt đá lúc ngồi trên núi (thấy trong người có sự linh nghiệm khác thường). Rồi ngẫu nhiên thành có thai sinh người con họ Lý”.

Ngay sau ngày bà Phạm Thị có thai, vì lễ giáo thời đó, từ chùa Tiêu bà đã không thể về quê mẹ ở Hoa Lâm. Bà được Lý Khánh Văn, em trai Lý Vạn Hạnh đưa về Đầm Sấu chăm sóc. Ngày 12 tháng 12 năm Giáp Tuất (974), bà sinh Lý Công Uẩn tại cái am nhỏ ở chùa. Từ đó ngôi chùa được dân gian gọi là chùa Dặn. Lý Công Uẩn tư chất thông minh lại được Lý Khánh Văn nuôi dạy chu đáo. Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lê Long Đĩnh mất, được sự giúp rập của quốc sư Vạn Hạnh, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tổ, trở thành vị vua khai sáng triều Lý.

Chùa Thiên Tâm quy mô to lớn. Trước đây, hằng năm có hàng trăm tăng, ni từ khắp nước về đây nghe kinh, giảng đạo. Trong nhiều thế kỷ, chùa là nơi khắc ván in các bộ kinh lớn của nhà Phật. Vào năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi cổ tự bỗng chốc đã biến thành đống tro tàn. May thay ở sườn núi còn khá nguyên vẹn 14 ngọn tháp, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ. Hình bóng ngôi chùa ta chỉ còn gặp thấp thoáng đâu đây trong những trang tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ” của nhà văn Khái Hưng.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, chùa Tiêu Sơn đã được dựng lại đơn sơ trên nền móng cũ. Năm 1992, nhân dân địa phương công đức tiền của dựng ngôi bảo tháp thờ vọng Lý Vạn Hạnh ở trước tòa tam bảo; lại dựng tượng vị thiền sư trên đỉnh núi Tiêu. Tượng Lý Vạn Hạnh tạo ở thế tọa thiền cao 8m, mặt hướng về phía kinh thành Thăng Long. Năm 2001 dựng lầu Bồ Tát giữa hồ nước lớn trước chùa. Năm 2002 dựng nhà Tổ. Năm 2003 dựng tam bảo theo kiến trúc xưa.

Điều đặc biệt là khi chùa Tiêu Sơn vừa hoàn thành việc tôn tạo thì các bô lão ở địa phương chợt nhớ đến lời của dân làng từ bảy tám mươi năm trước nói rằng ở ngôi tháp trước tòa tam bảo có cốt một nhà sư. Ngày ấy, qua khe gạch nứt vỡ người ta đã nhìn rõ hình hài pho tượng táng. Sau do chiến tranh và sợ bị động, nhà chùa đã xây bịt cửa tháp. Chắp nối lời kể và qua khảo sát thực tế, vị sư trụ trì đã xác định được vị trí của ngôi tháp đó.

Tháp xây gạch cao hai tầng. Tầng một của tháp rộng 2,4m. Ở bốn mặt tầng hai của tháp có gắn các hoa văn trang trí bằng đất nung cỡ 30 x 30cm. Ở riềm bức họa gắn tại cửa chính có đắp nổi các chữ Hán viết theo lối chữ triện. Đọc các dòng chữ đã xác định được ngôi tháp này là của Hòa thượng Thích Như Trí, tên hiệu Tính Không và tháp được xây vào năm thứ tư niên hiệu Bảo Thái (1723). Hòa thượng Thích Như Trí là người có công trùng san và in nhiều bộ sách Phật học, trong đó có “Thiền uyển tập anh”. Trong lời tựa bản “Thiền uyển tập anh”, Nhà xuất bản Văn học in năm 1990, Hòa thượng Thích Thanh Tứ viết: “Thiền uyển tập anh là cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu đời Trần.

Cho đến nay chúng ta chỉ có bản trùng san in năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) thời Hậu Lê và bản in cổ nhất được Hòa thượng Thích Như Trí và các môn đồ của ngài khắc in ở chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh”.

Nhằm bảo quản lâu dài di cốt của một bậc cao tăng, ngày 5-3-2004, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, cửa tháp đã được mở. Ở vòm tháp có pho tượng Hòa thượng Thích Như Trí rất đẹp. Vẻ mặt tượng sống động và tự nhiên. Sư ngồi thiền trong tư thế “bán già” rồi viên tịch. Da tượng nom tựa đất nung. Nhìn dáng vẻ, biết lúc sống sư là người phương phi cao khoảng 1,7m. Đáng tiếc là nằm chỗ môi trường ẩm thấp trong nhiều năm đến nay pho tượng không còn nguyên vẹn nữa. Ở giữa sống mũi và mắt trái có lỗ thủng. Tay phải bị vỡ từ khuỷu tay. Tay trái vỡ cách nách 5cm đến hết bàn tay. Đùi phải bị thủng một lỗ to và vỡ từ đầu gối xuống đến ống chân. Điều làm những người nhìn thấy pho tượng vô cùng ngạc nhiên là ở những chỗ xương bị gãy vỡ, người ta thấy xương tủy như còn tươi.

Trần Văn Mỹ (Hà Nội mới)

1735115649-1-Ch%C3%B9a-Ti%C3%AAu.jpeg

Ảnh: st :))

Gần bảy tháng sau khi được rước ra khỏi ngôi tháp cổ ngày 26-9, pho tượng di thể của thiền sư Như Trí đã được tu bổ, khôi phục xong. Nhưng chung quanh pho tượng táng (viên tịch nhưng thân xác không phân hủy) cực kỳ quý giá thứ tư được tìm thấy ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều bí ẩn.

Phát hiện đã... 60 năm

Ngày 5-3-2004, trước sự chứng kiến của hàng trăm nhà sư, phật tử và đại diện chính quyền địa phương, ngôi tháp cổ đã được khai mở. Và nhục thân Thiền sư Như Trí trong tư thế ngồi kiết già được rước ra, bị hư hỏng nặng: tay rụng, mắt trái thủng, toàn thân nứt nẻ. Nơi cất giữ tượng ẩm thấp, nước vẫn tiếp tục nhỏ xuống từ các mạch vữa lở lói. Trên tháp có tấm bia nhỏ ghi: Đây là "Viên Tuệ tháp" được đệ tử nối pháp của ngài là Tính Phong (cùng hàng môn nhân) dựng vào mùa xuân năm 1723 đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái thứ tư. Như vậy pho tượng và ngôi cổ tháp đã có ít nhất 281 năm tuổi.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên pho tượng được phát hiện. Theo nhà sư Đàm Chính trụ trì chùa Tiêu Sơn cách đây hơn 60 năm, đã có một người nhìn thấy hình pho tượng và lấy que chọc thủng mắt trái. Sau đó, lỗ hổng trên tháp được nhà chùa bít lại nhưng không ai nghĩ đó là di thể thật của một thiền sư.

Nhiều năm sau, dư luận được dịp sửng sốt vì sự phát hiện ra ba pho tượng táng của Thiền sư Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Khắc Trường ở Chùa Đậu, thiền sư Chuyết Tuyết ở chùa Phật Tích, nhưng vẫn không ai để ý đến câu chuyện pho tượng ở Tiêu Sơn tự, dù đây là ngôi chùa có lịch sử 1.000 năm, đã từng là Trung tâm thuyết giảng và đào tạo về Phật giáo lớn nhất Việt Nam, dưới thời quốc sư Lý Vạn Hạnh và một số đệ tử nối pháp trụ trì.

Kỳ công độc nhất vô nhị

Những nghiên cứu di cốt đã cho kết luận: Thiền sư Như Trí là một người đàn ông, cao xấp xỉ 1,65m, viên tịch trong độ tuổi từ 45 - 50.

Một vị chức sắc Phật giáo cho rằng ở cái tuổi đó mà thiền sư Như Trí đã luyện được cách khiến di thể bất hoại là một kỳ công độc nhất vô nhị.

Qua vị trí sắp xếp các xương; qua phương pháp phân tích phổ hồng ngoại, các nhà khoa học cũng nhận thấy: Thiền sư được phủ sơn ta (sơn mài truyền thống) và các phụ gia khác ngay sau khi viên tịch.

Một trong những phát hiện kỳ thú nhất là trong bụng nhục thân có một khối to hợp chất bằng quả bưởi . Hợp chất này, sau khi phân tích bằng phương pháp nhiễu xạ tia X, có thể khẳng định: đây là các chất vô cơ có cấu trúc tinh thể, và nó là các chất còn lại của phần phủ tạng trong bụng thiền sư.

Như vậy đây cũng là pho tượng táng cả ngũ tạng, đặc biệt hơn các xác ướp Ai Cập (để bảo vệ di thể không hư hoại, người Ai Cập phải mổ bụng, đưa hết lục phủ ngũ tạng, óc ra ngoài).

Việc chụp phim X - quang pho tượng đã cho thấy nhiều điều hết sức mới mẻ: Sau khi bồi lớp thứ nhất, người xưa đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng (chiều dài 65cm, rộng 15cm) và một tấm đồng trên ngực (rộng 22cm) thiền sư, rồi mới bồi thêm lớp nữa. Ngang và dọc trên đầu, cổ và bắp tay là những dải băng bằng đồng có các kích thước khác nhau từ 4 - 21mm.

Các nhà khoa học tuyên bố đây là hiện tượng lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam . Những tấm đồng này có khả năng giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng và có thể bảo vệ hộp sọ.

Từ các phát hiện trên, chứng tỏ phương thức táng tượng của Việt Nam rất độc đáo và đạt trình độ rất cao. Phương thức táng này cũng đã được phát hiện ở Trung Quốc với tên gọi "giáp trữ tất".

Công việc trùng tu sở dĩ kéo dài hơn dự kiến là vì pho tượng hư hại quá nặng và tính chất táng có nhiều điểm mới mẻ.

Đầu tiên, các nhà khoa học tiến hành phải tiến hành diệt khuẩn, nấm mốc và côn trùng. Sau đó quy trình được bảo đảm nghiêm ngặt: bọc vải, bó, hom, lót, thí... với 13 lớp sơn và thếp bạc.

Tu bổ hoàn thành, pho tượng nặng 34kg, chiều cao tư thế ngồi 78,5cm, được đặt trong một khám sơn son thếp vàng có hộp kính kín dày 10mm (do nhà máy kính Đáp Cầu đúc) chứa đầy khí ni tơ để bảo vệ, đặt ở nhà Tổ chùa Tiêu Sơn.

Một phiên bản khác của tượng được làm bằng composite và 10 lớp sơn, vải, mạt cưa nặng 55,5kg đặt trong thân ngôi tháp cổ để du khách và phật tử chiêm bái.

Theo Gia đình và Xã hội
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Cảm ơn bạn paper đã tổ chức chuyến đi. Dù có 1 chút mưa trên đường về nhưng không hề hấn gì.

Vài ảnh về chùa Bổ trước nhỉ. Thấy ấn tượng nhất với mấy cái cổng chùa.

Cổng đầu tiên

boda2.jpg


Cổng thứ 2

boda3.jpg


Mặt sau của cổng thứ 2

boda4.jpg
 
Re: Chuyến đi ngày cuối tuần

Tiếp về chùa Tiêu Sơn của chuyến đi trước. Đây là địa danh được nhắc đến trong "Tiêu Sơn tráng sĩ" (nv Khái Hưng).
Dưới đây là một phần của TSTS:

Hồi 4 - Tiêu Sơn Kết Nghĩa

Đã lâu nay cửa tam quan chùa Tiêu sơn rào kén hẳn hàng ba, bốn lần tre, hóp và chông chà.
Khách thập phương phải đi qua một con đường vòng chạy theo chu vi trái đồi, rồi rẽ ngoặt ra phía bên. ở đó có một cái cổng nhỏ hẹp nhưng xây rất kiên cố. Qua lần cổng, một hàng bậc gạch cao và giốc đưa đến nhà trai. Như thế , đứng trên ngọn đồi hay trong lầu Tiêu Lĩnh nhìn xuống có thể biết ai sắp đến chùa, nhất lại có một cái lạch nước rất sâu ngăn chận đồi ra với con đường vòng. Cái lạch ấy, sư Phổ T nh cho đào để lấy đất đắp bức tường dài bao bọc quanh đồi. Và cũng nhờ việc to tát ấy mà nhà sư đã được dân làng nức nở ca tụng công đức. Họ cho nhà sư đắp tường đào hào như thế không những chỉ có một mục đích giữ chùa, mà còn có mục đích che chở cho dân quanh vùng trong khi nhiễu loạn, vì hạt ấy, họ sợ hãi bọn Nguyễn Đoàn, Phạm Thái lắm, tuy chỉ sợ bóng sợ gió.
ý chừng Phổ T nh thiền sư cũng biết vậy, nên ngay ở cửa tam quan, có dán một tờ yết thị nói cửa từ bi không hẹp, ai sơ quân cường đạo cướp bóc cứ vào chùa nương náu ít ngày, nhà chùa sẵn lòng dung nạp.
Kỳ thực chỉ có đồ đảng của Phổ Tĩnh là hay lui tới cửa chùa và tờ yết thị kia không có mục đích gì khác là để che mắt quan quân. Chẳng thế có khi trong chùa tụ họp đến hàng trăm người mà viên phân phủ Từ sơn vẫn không lưu ý tới, cho rằng đó toàn là lulung bọn quê mùa yếu hèn, nhút nhát đến ẩn núp. Không những thế, viên phân phủ còn nhân tờ chiếu của vua Quang Trung bắt bỏ hết chùa nhỏ trong các làng đệ dựng một ngôi chùa lớn ở mỗi phủ, mỗi huyện, mà đệ tờ bẩm lên quan trấn thủ xin lấy chùa Tiêu sơn làm chùa chính thức được trụ trì, ở chùa ấy.
Tuy việc tư xin bị đình bãi, vì từ khi vua Quang Trung thăng hà, vua Quang Toản và thái sư Bùi Đắc Tuyên không còn lưu tâm gì đến công việc cải cách thiền học nữa, nhưng lòng tín nhiệm của quan quân hạt Kinh Bắc đối với Phổ T nh thiền sư, nhờ việc đó mà ngày một thêm vững chặt.
Lòng tính nhiệm hầu hoàn toàn ấy đã giúp đồ đảng bí mật của Quang Ngọc hoành hành dễ dàng ở vùng Kinh Bắc, vì những viên kiện tướng của chàng đều là các sư ông, sư bác mà tay quan trọng nhất là Phạm Thái tức sư ông Phổ Chiêu chùa Linh Đài, làng Nghiêm Xá.
Chiều hôm trước nhân sư bác chùa Đình Bảng đến báo có một bà hoàng phi bị bắt giải về giam ở phủ Từ sơn, Quang Ngọc liền hốt hoảng chít vội cái khăn vuông xuống tận mắt và khoác vội vào mình cái mền nâu cũ, cho người ta không nhận được ra đi.
Nguyên chàng vẫn biết rằng từ khi thành Thăng Long mới vỡ, người em thứ ba vua Lê là Lan quận công Duy Chí đem bà hoàng phi họ Nguyễn chạy lên Tuyên Quang rồi chiêu dụ những người thổ hào cùng nhau lo toan việc hưng phục.
Nhưng Duy Chí mới chống chọi với quân Tây sơn được vài tháng ở Bắc Lạc thì bị bắt bỏ cũi giải về Phú Xuân hàng hình cùng với hết thảy các tướng tá. Hoàng Phi liền rời Tuyên Quang trở về hạt Kinh Bắc ẩn núp ở trong các nhà bình dân. Quân Tây sơn thường đi lùng bắt mà không được, vì người Kinh Bắc vẫn còn mến tiếc nhà Lê, không ai chịu tố cáo nơi hoàng phi trú ẩn.
Khi đã dò biết đích xác rằng hoàng phi bị bắt, Quang Ngọc vào hàng cơm nhà Ngỗng ở phố phủ, định sai chủ quán, một đảng viên của đảng Tiêu sơn, đưa ngay tin đến Nghiêm xá cho Phạm Thái. Chẳng ngờ gặp giữa lúc Lê Báo đang uống rượn và nói nhiều câu khảng khái. Chàng liền dốn ngồi lại để xem ông khách trẻ tuổi kia là người thế nào, nhất chàng lại như bị cái sức vóc vạm vỡ và nét mặt tươi như hoa của kẻ kia lưu luyến.
Việc cần kíp thứ nhút của Quang Ngọc khi đã đưa Lê Báo về tới chùa là viết thư sai người tức tốc đến Kinh Bắc giao Nhị Nương đem về Nghiêm xá cho Phạm Thái. Chàng biết tất có binh mã đuỗi theo con đường Từ sơn - Kim Lũ, nên chàng không cho người mang thư đi lối ấy. Chàng lại biết đàn bà, con gái ít khi bị ngờ vực, khám xét, nên việc thông tin tức chàng thường giao cho bọn họ.
Vào khoảng cuối giờ Tỵ, Phạm Thái tới chùa Tiêu sơn. Quang Ngọc đã dứng chờ ở chân đồi. Hai người lớn tiếng chào nhau:
"A di đà phật?" - Lê Báo đâu?
Quang Ngọc cũng khe khẽ đáp lại:
- Trong chùa.
- Có việc gì quan hệ nữa không?
- Có, chốc nói chuyện.
Lên đến đầu bực thang gạch, nghe có tiếng mõ lớn thưa thớt rời rạc. Phạm Thái mỉm cười, theo Quang Ngọc qua cái cửa nách bước vào chùa trên. Một nhà sư đầu mới cạo nhẵn thín, khoác áo cà sa ngồi ở cái bục gỗ trước bàn thờ, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, tay uể oải gõ mõ. Hình như nhà sư chú hết tinh thần vào sự tụng niệm, nên không biết có hai người vừa vào, tuy họ đã cất tiếng chào:
"A di đà phật?" Thấy người kia không nhúc nhích, Quang Ngọc đưa mắt liếc Phạm Thái, mỉm cười rồi lại gần bàn thờ gọi:
- Lê Báo?
Lê Báo vờ không nghe rõ, vẫn ngồi đọc kinh, mắt chăm chăm để vào quyển sách chữ lớn mở đặt trên giá. Quang Ngọc cáu tiết, đến sau lưng ghé vào tai nói:
- Mới tu được một buổi mà đã mộ đạo thế ư?
Bấy giờ Lê Báo mới rời quyển kinh, ngước mắt nhìn lên, nhoẻn miệng cười:
- Không, đệ có đọc kinh đâu, đệ ngâm thơ đó chứ?
Cả ba người cùng cười ồ. Bỗng một chú tiểu ở ngoài đi vào để thắp hương.
Các nhà sư lại im bặt, nét mặt người nào người ấy đều có vẻ thành kính, nhu mì, kín đáo. Phổ Tĩnh vờ hỏi Lê Báo:
- Sư cụ bên ấy vẫn được mạnh đấy chứ?
Lê Báo hấp tấp đáp lại:
- Thưa ngài....
Phổ Chiêu vẻ mặt trang nghiêm vội đỡ lời:
- Bạch sư ông, cụ Phổ Mịch nhờ ơn Phật tổ vẫn được mạnh như thường.
Phổ tĩnh mỉm cười rồi quay ra bảo chú tiểu, ý chừng mới tu ở chùa này:
- Gọi chú Mộc?
Một lát sau, bước vào một người to lớn, gân cốt nở nang, cặp mắt tròn xoe, da dẻ hồng hào.
Phổ Tĩnh hất hàm hỏi:
- Nó mới đến, chú đã biết tâm địa ra sao mà dám cho lên chùa trông nom việc đèn nhang?
- Bạch sư ông, nó ở trong bọn thủ túc chân thành của đệ tử. Đệ tử xin cam đoan chịu hết trách nhiệm.
Phổ T nh hơi gắt:
- Đành vậy, nhưng cứ phòng bị trước thì vẫn hơn. Tiệc đã sửa soạn xong chưa?
- Bạch sư ông đã.
- Có nhiều rượn ngon đấy chứ?
- Bạch sư ông, đủ cả. Đệ tử đã cho xong đâu đấy ở trên lầu Tiêu Lĩnh.
- Được, ta không cần đến chú nữa.
Chú tiểu lễ phép cúi đầu chào, đi ra. Phổ T nh đóng cửa cẩn thận mà nói rằng:
- Thôi, bây giờ chúng ta không còn lo sợ điều gì, cú việc bình tĩnh mà đánh chén, vì muốn lên Tiêu Lĩnh tất phải qua chùa, mà cửa chùa thì đóng khóa kiên cố lắm.
Thấy Phạm Thái thì thầm nói chuyện với Lê Báo, Quang Ngọc quay lại hỏi hai người :
- Chỗ quen biết cả đấy. Mà dù chưa quen biết thì rồi cũng phải quen biết. Anh hùng trong thiên hạ phỏng được bao người, sao không cùng nhau làm việc đại nghĩa.
Phạm Thái đáp:
- Ngu đệ vẫn được nghe đại danh của quan Thiên thơ khu mật viện sự. Nay được gặp ngài thực lấy làm hân hạnh.
Quang Ngọc thẳng thắn cười lớn:
- Ngài? Cái tiếng xưng hô ấy không được ổn bỏ nó đi.
Lê Báo cũng nói:
- Phải, chỗ anh em sao lại gọi thế?
Quang Ngọc bàn:
- Muốn chính kỳ danh, trước hết phải chính kỳ vị. Ngày xưa anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa tại vườn đào, rồi lập nên cơ nghiệp kinh thiên động địa.
Vậy ngày nay, sao chúng ta không theo gương ấy mà cũng kết làm anh em?
Lê Báo vỗ tay, thét vang như tiếng lệnh:
- ồ? Phải đấy? Hay? Hay? ý đại huynh hay lắm! Phạm Thái mỉm cười:
- Trong ba anh em mình chẳng biết có ai giống Lưu Huyền Đức, Quan vân Trường không, như giống Trương Dực Đức thì Lê hiền hữu thực là giống như đúc.
- Vậy đệ xin làm em út chứ sao.
Quang Ngọc hỏi:
- Hiền hữu niên canh bao nhiêu?
- Mười chín tuổi.
- Thế thì hiền hữu là em út hẳn đi rồi, vì Phạm quân hơn hiền hữu một tuỗi.
Phạm thái khiêm tốn:
- Nhưng Lê hiền hữu giòng dõi tôn thất nhà Lê, ngu đệ xin nhường là anh.
Phổ T nh vội gạt:
- Không được, chỉ có một điều đáng kể:
Ai hơn tuổi là anh.
- Hiền huynh đã dạy như thế, thì hai em hẳn phải vâng theo. Vậy bây giờ chúng ta phải thề ra sao?
Lê Báo hỏi:
- ở chùa này cũng có thờ Quan Công đấy chứ?
Quang Ngọc cười:
- Chùa nào lại chẳng thờ đức Thánh Quan.
- Thế thì hay lắm. Chúng ta cứ đến trước bàn thờ ông ấy mà thề.
- Phải đấy, phải đấy?
Ba người liền cùng nhau lại bàn thờ Quan Clông. Lê Báo bảo hai bạn:
- Trông Quan vân Trường lẫm liệt oai phong lắm nhỉ? Có lẽ vẻ lẫm liệt oai phong ấy là nhờ ở bộ mặt đỏ, mà muốn có một bộ mặt đỏ tất phải uống nhiều rượn Vậy trước khi phát thệ, sao ta không đem rượn lên dâng ngài rồi cùng nhau uống thực say đã?
Quang Ngọc cười:
- Vì say rượn hiền hữu suýt bị thiệt mạng ở tửu quán, thế mà vẫn không chừa?
Lê Báo lấy làm xấu hổ với Phạm Thái, nói chữa thẹn:
- Hiền huynh tưởng ngu đệ say à? Ngu đệ uốn gấp năm, gấp mười thế cũng chẳng thấm vào đâu. Chẳng qua giữa lúc bất ngờ bị chúng nó đẩy cái bàn vào người, nên ngu đệ ngã đó mà thôi.
Phạm Thái vốn thích rưỡn mà uống bao nhiêu cũng không say, liền đỡ lời bạn:
- Lê hiền hữu nói rất đúng. Lễ phát thệ long trọng này không có rượn sao được?
Dút lời, Quang Ngọc đi thẳng lên lầu Tiêu L~nh. ở lại trước bàn thờ Quan Công, Phạm Thái sẽ bảo Lê Báo:
- Nghe nói tửu lượng hiền hữu khá lắm.
- Vâng, cũng khá. Hôm nay xin uống thi.
- Thi cái gì chứ thi uống rượn thì không bao giờ ngu đệ dám nhận lời.
- Sao vậy?
- Vì kẻ tu hành phải giới tửu.
- Thế thì buồn lắm nhỉ?
Quang Ngọc bê xuống một bình rượn lớn và hỏi hai người:
- Ngần này đã đủ chưa?
Lê Báo đáp:
- Cũng tiềm tiệm. Nhưng rượn có ngon không đấy? Chứ rượn của thằng cha chủ quán, ngu đệ uống hôm qua không thể nuốt được.
Phạm Thái cười:
- ấy là không thể nuốt được đấy, chứ nuốt được thì không biết hiền hữu say tới đâu?
Quang Ngọc cũng cười:
- Hai chú không ngại. Rượn đây tôi thửa mãi tận ở Thủ Khối chính hiệu hoàng cúc Nhưng ta làm lễ đã rồi hãy hay.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,130
Members
192,341
Latest member
Hb88compro
Back
Top