Chuyện kể lúc đêm khuya
Tối ngày 23.4.2010
Đoàn chúng tôi tập trung ăn tối tại NH Phương Hạnh ở góc đường Võ Thị Sáu - Nguyễn Huệ. Sau một ngày chinh chiến Hòn Cau và bãi Đầm Trầu, mọi người quây quần bên bàn ăn, kể chuyện vui có, than mệt cũng có. Hí hí, uống trà đá thôi mà mọi người dô dô khí thế. Mio là người đầu têu chớ đâu :T. Miệt mài ăn, chăm chỉ gắp... Ôi sao mà ngon, ngon, ngon! No kềnh bụng rồi, tiếp theo mình đi đâu anh Nhân? Anh Nhân mới trả lời rằng: "Ăn no rồi thì đi...". Èo, thôi cái câu này thô bỉ ổi lắm, mio không viết ra đâu, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Thở tí nào. Hít vào, thở ra. Hít vào, thở ra. "Ê, ê cấm xì hơi nghen." Tiếng ai đó nói xen vào. Lại được dịp cười gần rụng rún.
Rời khỏi Phương Hạnh, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Côn Đảo đêm. Gió mát rượi, quấn quýt, mơn man khắp người. Đêm Côn Đảo thật yên tĩnh. Tiếng côn trùng vọng lên từ đám cỏ, trong các bụi rậm ven đường hòa chung với tiếng gió, tiếng sóng, tiếng hàng dương rì rào tạo thành bản hòa ca nhiều âm điệu. Bản hòa tấu thiên nhiên này không làm cho đêm trên đảo ồn ào, nhộn nhịp hơn mà chỉ khiến cho không gian tĩnh lặng lại càng như có thêm nốt trầm.
Tới An Sơn Miếu (còn có tên khác là Miếu Bà Phi Yến) để nghe câu chuyện về tình mẫu tử của bà Phi Yến và Hoàng tử Cải, để biết được nguồn gốc vì sao có câu ca dao
"Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay".
Tới cầu tàu 914 để nghe câu chuyện về sự đàn áp dã man của Thực dân Pháp với người tù cách mạng, để biết thêm những đày ải khổ sai mà những tù nhân đã nếm mật nằm gai.
Cầu Tàu 914 lịch sử
Cầu Tàu lịch sử được khởi công từ năm 1873, xây dựng trong hàng chục năm, sửa chữa và mở rộng nhiều lần cho đến ngót một thế kỷ mới có hình dạng như ngày nay. Sở dĩ gọi là Cầu 914 là vì để tưởng nhớ số người đã chết trong lúc xây dựng cầu.
Hàng vạn, hàng triệu tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn ngổn ngang sắp theo kè ngang kè dọc đã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân xác người tù khi họ xeo chúng từ Núi Chúa về đây. Xeo đá, tảng lớn 12 người, xeo không nổi, bọn gác ngục người Pháp đánh một trận đòn bằng hèo mây rồi bớt ra 02 người, bắt xeo. Không nổi lại đòn, lại bớt người và xeo tiếp. Không xeo được thì chết vì đòn roi, xeo được thì chết vì kiệt sức.
Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của người tù Côn Đảo. Khi chuyển tù từ đất ra, người tù mới vừa lên cầu tàu, tên cai ngục đứng chờ sẵn đã điểm danh bằng cách dùng cây roi gõ lên đầu tù nhân và nói: “Ở đây đấu tranh thì chỉ có sóng biển nghe”. Nhiều người chỉ qua cầu một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo, trong số ấy có chị Võ Thị Sáu, người thiếu nữ anh hùng của quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng Cầu Tàu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang xúc động mỗi dịp Đảo được giải phóng. Nơi đây, vào tháng 9/1945, người thợ máy Tôn Đức Thắng đã cầm lái chiếc canô dẫn đoàn tàu của Uỷ ban hành chính Nam Bộ ra rước chính trị phạm Côn Đảo. Ba mươi năm sau, Cầu Tàu lại rợp bóng cờ bay, đón hơn 4.000 tù chính trị trở về đất liền tháng 5/1975.
Giờ đây, Cầu Tàu đã được chỉnh trang lại, có hàng đèn cao áp dọc hành lang cầu. Ra Cầu Tàu 914 lúc đêm khuya thanh vắng là một thú mà không phải ai cũng có dịp thưởng thức. Có người mang cần câu để câu mực tiêu khiển, có người chỉ đơn giản để ngắm biển đêm. Nhưng ít ai đi một mình mà đi thành từng tốp.
Những phiến đá mang đầy kỷ niệm đau thương ấy bình yên trầm mặc với thời gian chưa bao giờ thốt thành lời nhưng đã nói lên tất cả với những ai đã từng đặt chân đến đây. Chúng tôi cố gắng đi thật chậm để nghe gió biển hào phóng lồng lộng thổi vào da thịt mát lạnh, tung lên những lọn tóc lòa xòa, cảm nhận dưới chân hơi lạnh toát lên từ đá rêu phong để nhớ về một thời xưa cũ. Cảnh tù nhân khiêng đá làm cầu, tiếng roi mây chạm vào da thịt rớm máu và cả tiếng cười vui hớn hở khi ngày đất nước hoàn toàn giải phóng của hàng người như rõ mồn một trong đêm thanh vắng.
Nguồn: www.soctrang.gov.vn