What's new

[Chia sẻ] Cửu Trại Câu - Hoàng Long 2009: Thiên đường tìm thấy

Sau những ngày vật vã vì hội chứng "hậu thiên đường", đoàn CTC 2009 của PeterPan đã lại người và sẽ lần lượt chia sẻ thông tin, hình ảnh với mọi người. Trước tiên, mình xin post lịch trình chi tiết của chuyến đi để mọi nguời tham khảo (có vẻ hơi dài, nếu các "đại quan" thấy cần rút tỉa, mình sẽ thực thi ngay :))).

Lịch trình chi tiết

Ngày 1 (16/10/09): Háo hức lên đường
- Hà Nội – Hữu Nghị Quan : 150km
Phương tiện: Thuê xe Hoa Thêm - 1 triệu/10 người
- Hữu Nghị Quan - Nam Ninh : 220km
Phương tiện: Thuê xe Trung Quốc - 80Y/người
- Nam Ninh - Thành Đô: 1800km
Phương tiện: Máy bay - 620Y/người
Xe của Youth Hostel (242 phố Đền Vũ Hầu) đón: 140Y/10 người
Giá dorm tại Youth Hostel: 300Y/10 người

Ngày 2 (17/10/09): Lạc lối tại... Lạc Sơn
- Thành Đô – Lạc Sơn : 120km
Phương tiện: Xe 30 chỗ thuê riêng - 1300Y/ngày
Buổi sáng thăm Lạc Sơn Đại Phật – pho tượng Phật ngồi lớn nhất thế giới. Tại đây, một sự vụ khó quên đã phát sinh (hồi sau sẽ rõ...)
- Lạc Sơn - Nga Mi : 37km
Phương tiện: Đi xe khoảng 40 phút tới chân núi, đổi xe bus – 40Y/người. Đi khoảng 2h đến lưng chừng núi Nga Mi. Mua vé cáp treo - 65Y/người. Đi rất nhanh, chỉ 5’ là lên đến nơi. Leo bộ khoảng 500 bậc thang là lên đến gần Kim Đỉnh.
Vé cáp treo 80Y/ người ( đã được giảm vì có thẻ SV rởm....)
Thuê KS - 180Y/phòng ( nam, nữ riêng nhé. WC ở bên ngoài phòng)
Nếu mang nhiều đồ phải thuê chở lên – 200Y ( 10 – 12 vali to ).

Ngày 3 (18/10/09): Khám phá một điểm đến mới tại chân núi Nga My :D
- Chơi tại Nga Mi: lên Kim Đỉnh thăm Chùa Vàng và ngắm... chân tượng Phổ Hiền Bồ Tát.
- Do thời tiết quá lạnh (0 độ vào ban đêm), ban ngày sương mù dày đặc, trời mưa nên phải hạ sơn sớm hơn dự kiến 1 ngày. Tại chân núi Nga My, một sự cố vừa sợ vừa vui đã phát sinh ( hồi sau sẽ rõ....).
- 18/10 là sinh nhật của PeterPan và bạn PeterPan thu hoạch được tới 2 bữa linh đình, 1 ở trên Kim Đỉnh vào buổi sáng, 1 ở thị trấn Nga My (dưới chân núi Nga My) vào buổi tối.
- Nghỉ đêm tại KS dưới chân núi Nga Mi – 60Y/ người

Ngày 4 (19/10/09): Xả stress tại Thành Đô
- Nga Mi - Thành Đô: 140km
Phương tiện: Xe 30 chỗ.
Trưa về Thành Đô ăn lẩu nấm Tứ Xuyên
Chiều khám phá Thành Đô thăm khu phố Cẩm Lý ( không có trong lịch trình may sao lại gần đền Vũ Hầu). Tối lại lẩu cay Tứ Xuyên.

Ngày 5 (20/10/09): Thành Đô - Cửu Trại Câu
- Dự kiến lịch trình: Thành Đô - Hoàng Long. Tuy nhiên, do thời tiết hơi tệ và đường đang sủa chữa nên lái xe không dám đảm bảo đi Hoàng Long an toàn. Vì vậy, lịch trình phải có thay đổi tí chút: đi CTC trước, sau đó mới đi Hoàng Long.
- Thành Đô - Cửu Trại Câu : 500km
Nghỉ ăn trưa ở Pingwu một thị trấn dọc đường. Đi cả ngày đường núi nên không thể đi nhanh. Qua thị trấn Bắc Xuyên tận mắt chứng kiến hậu quả của trận động đất, mới thấy người Trung Quốc khắc phục thiên tai nhanh như thế nào.
- 7h hơn đến Cửu Trại Câu nhận phòng KS 150Y – 180Y/ phòng – 3 người (đã bao gồm 1 bữa sáng và 1 bữa tối ).
- Ăn tối và ki niệm ngày 20/10 bằng các món nướng do anh em trong đoàn tổ chức mừng chị em.

Ngày 6 (21/10/09): Sững sờ vẻ đẹp Cửu Trại Câu
- Mua vé vào cửa - 263Y/người ( bao gồm xe bus và bảo hiểm, thẻ sinh viên rởm phát huy tác dụng).
- Cả ngày khám phá nhánh bên phải của chữ Y gồm một loạt hồ : Grass Lake, Swan Lake, Arrow Bamboo Lake ,Panda Lake,Five Flower Lake, Mirror Lake. Một vài các thác rất đẹp.
- Tối về đi ăn bò Yak tại quán người Tạng cả đoàn có màn hát múa tập thể khiến các bạn TQ vỗ tay ầm ĩ.

Ngày 7 (22/10/09): HẢ HÊ tuyết trắng (hồi sau sẽ rõ.... =)))
- Vẫn phải mua vé vào cửa - 263Y/ người vì không muốn ở trong làng người Tạng.
- Cực kỳ bất ngờ vì gặp tuyết đẹp tinh khôi, thỏa mãn và tiếc nuối (hồi sau sẽ rõ...).
- Săn lùng những bức ảnh độc tại nhánh bên trái của chữ Y: Long Lake, Five Coloured Pool, Upper Lake, Lower Lake, hồ trái tim, thăm làng người Tạng,.....
- Buổi tối : Thích thú mãn nhãn khi xem ca nhạc Tạng. Sau đó có vài kẻ bon chen mua đĩa nhạc Tạng cũng chờ đợi xin chữ ký ... Buôn khăn và đồ lưu niệm....

Ngày 8 (23/10/09): Cửu Trại Câu - Hoàng Long
- Phương tiện: Xe thuê riêng, cáp treo lên núi (230Y/người, gồm cả vé thắng cảnh và cáp).
- Dừng chân trên Tuyết Bảo Đỉnh (nằm giữa Cửu Trại Câu và Hoàng Long) cao 5588 m. Thật là vĩ đại.
- Háo hức với các hồ nước tuy không đẹp bằng CTC nhưng cũng khá lạ :
hồ bậc thang, hồ vàng ....
- Cực kỳ sung sướng vì thấy tuyết rơi có thể đưa tay hứng được. Cảm nhận sự thay đổi của thời tiết cho đến khi đón được bông tuyết đậu trên tóc trên tay......
- Thót tim khi đi trên đèo, núi vì thời tiết thay đổi nhanh chóng, sương mù dày đặc, tuyết rơi. Quay lại ngủ Cửu Trại Câu lại đi buôn với slogan: “Chỉ mua đắt chứ không mua rẻ”.

Ngày 9 (24/10/09): Cửu Trại Câu - Thành Đô (500km)
- Lặp lại con đường của ngày thứ 5 nhưng đi theo hướng ngược lại về Thành Đô. Chiều tối mới về đến nơi và bữa tối với hai chú vịt quay làm cả đoàn thỏa mãn, vì bổ sung lượng đạm dư dả.
- Trong buổi tối lãng mạn tại phố cổ Cẩm Lý, một hoạt cảnh bi thương đã được dàn dựng (hồi sau sẽ rõ...).
- Cả đoàn ăn ngủ thoả mãn sau một ngày dài di chuyển.

Ngày 10 (25/10/09): Giết thời gian ở Thành Đô :D
- Sáng: Đi thăm tệ xá của nhà thơ Đỗ Phủ.
- Chiều: Đàm đạo với Gia Cát Khổng Minh, thăm 3 anh em Lưu - Quan - Trương tại đền Vũ Hầu. Lang thang Thành Đô và hoa mắt với thiên nga.
- Tối: Say mê, ngạc nhiên , ngơ ngẩn với múa đổi mặt.

Ngày 11 (26/10/09): Tạm biệt Thành Đô
- Buổi sáng: Tranh thủ sục sạo ngõ ngách Thành Đô, đi lang thang các siêu thị, cửa hàng của người Tạng, mua bán đến đồng tệ cuối cùng.
- Buổi chiều: Tạm biệt Thành Đô (ra sân bay bằng xe của Youth Hostel, 140Y/10 người), bay thẳng Thành Đô - Nam Ninh sau gần 2 tiếng bị delay (620Y/người).
- Về tới sân bay Nam Ninh khi gần nửa đêm, về khách sạn Nghênh Tân (75Y/3 người) đối diện ga Nam Ninh (thuê xe trọn gói 350Y từ sân bay).
- Ăn tối một bữa hoành tráng toàn đồ nướng ( ốc, sò, cồi mai, ếch...) ngon, rẻ.

Ngày 12 (27/10/09): Chia 2 đạo tiến về Hà Nội
Do 1 trục trặc đáng tiếc nên cả đoàn bị rơi vào cảnh "chia lìa đôi ngả"
- Đoàn 1 (4 người): đi tàu Nam Ninh – Bằng Tường (hơn 200km, 30Y/người), Bằng Tường – Hữu Nghị Quan (Xe đón 75Y/10 người), Hữu Nghị Quan – Hà Nội (150km, Xe nhà Hoa Thêm đón 1tr/4 người). Đoàn 1 đi đúng lịch trình nên cuối giờ chiều đã về tới Hà Nội.
- Đoàn 2 (6 người): ga Nam Ninh – bến xe Lãng Đông (thuê xe, 50Y/6 người), mua vé xe Sơn Đức chạy thẳng Nam Ninh – Hà Nội (150Y/người), về đến Hà Nội khoảng 21h30.

IMG_3085.jpg

10 thành viên của đoàn Cửu Trại Câu 2009.
 
Last edited:
denvuhau78.jpg

Chiếc xe đẩy mà Gia Cát Lượng vẫn hay dùng mỗi khi lâm trận. Ảnh: PetePan.

Bên cạnh cái xe, trên bục gỗ là 7 ngọn đèn (kiểu đĩa đèn đốt bằng dầu lạc, cắm bấc vào, có chân). 7 ngọn đèn trên bục xếp theo hình chòm Bắc Đẩu thất tinh, chòm sao chủ về Sinh.

Bảy ngọn đèn này mô phỏng lại những ngọn đèn mà Gia Cát Lượng đã dùng để nhương sao cầu kéo dài tuổi thọ, mà trong truyện mô tả là : "Giày sao Cương, dẫm sao Đẩu".

Cảm ơn bác Chitto đã phát hiện giúp PeterPan một chi tiết rất thú vị :).

Ngoài 7 ngọn đèn này, còn có 49 ngọn đèn nhỏ và 1 cái đèn bổn mạng. Gia Cát Lượng cho thắp đèn được 7 ngày không thấy đèn tắt thì đã tin rằng mình có thể được trời cho sống thêm 1 kỷ nữa để phục dựng nhà Hán.

Tuy nhiên, số trời đã định rằng Khổng Minh hết duyên với trần gian. Đúng ngày thứ 7, tướng Ngụy Diên chạy vào cấp báo có quân Ngụy đánh tới, Diên lóng ngóng làm đổ ngọn đèn bổn mạng. Gia Cát Lượng nhìn thấy thế thì quăng một thanh gươm xuống đất rồi than rằng: "Sống chết có mạng, không sao cầu được." Sau đó Gia Cát Lượng mất, thọ 54 tuổi (hơn nửa cuộc đời là dành cho sự nghiệp phục hưng nhà Hán nhưng vẫn bất thành).

Vài dòng thông tin thêm sau phát hiện của bác Chitto để mọi người hình dung dễ hơn :).
 
Ngoài 7 ngọn đèn này, còn có 49 ngọn đèn nhỏ và 1 cái đèn bổn mạng.

Không phải thêm "một cái đèn bản mệnh" nào hết, vì đèn Bản mệnh là chiếc nằm giữa trong số 7 đèn trên.

7 Ngôi trong Bắc Đẩu Thất tinh gồm: Dao Quang - Khai Dương - Ngọc Hoành - Thiên Quyền - Thiên Cơ - Thiên Toàn - Thiên Xu; thì sao Thiên Quyền (Quyền năng của trời) chính là ngọn Bản Mệnh.
 
topic này rất hay. Nhất là với người mê Tam quốc. Lúc bé em cực tả, coi nhà Thục Hán là chính thống nên thích Lưu Bị, ghét Tào Tháo. Lớn lên hiểu biết hơn thì lại chuyển sang cực hữu thích Tào Tháo, coi thường Lưu Bị. Càng có tuổi lại càng nhìn nhận sâu hơn. Thấy cả Tào Tháo và Lưu Bị mỗi người đều anh hùng theo kiểu của họ. Nếu không họ đã chẳng dựng được 2 vương quốc. Nói theo kểu Đặng lùn là mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột là quý tuốt.
 
@Bác Chitto: Cảm ơn bác đã sửa lại thông tin cho PeterPan :). Những thông tin bác bổ sung cũng rất hay, khiến phần chia sẻ của đoàn PeterPan đầy đủ hơn.

@3000: PeterPan thực ra chưa đọc cho tới đầu tới cuối Tam Quốc Diễn Nghĩa bao giờ. Những thông tin có được cũng là cóp nhặt từ internet và phim ảnh là nhiều. Rất mong bác 3000 tiếp tục theo dõi topic và có những chia sẻ thú vị :).
 
BM thắc mắc một chút là sao cái xe của Khổng Minh trông hiện đại quá nhỉ? đi trước Ford Model T cả 1600 -1700 năm!:D
 
@Bác BM: Hiện đại như nào hả bác? Ý bác là cái xe mới quá? Tất nhiên, cái xe đẩy bằng gỗ đó là phục dựng lại theo tưởng tượng của người đời nay mà thôi, chứ thực sự cái xe của Gia Cát Lượng thì chắc đã tan tành từ lâu lắm rồi :D.
 
Đền Vũ Hầu

Mộ Lưu Bị

Cho đến giờ, việc vị hoàng đế khởi nghiệp nhà Thục Hán đã an giấc ngàn thu ở đâu vẫn còn là một ẩn số và khiến biết bao cuộc tranh luận chưa thể có hồi kết thỏa đáng. Tựu trung lại, có 2 giả thiết chính về nơi đặt mộ của Lưu Bị.

- Thứ nhất: Người ta cho rằng mộ Lưu Bị nằm trong một khu vực rộng 100 ha tại thôn Liên Hoa, xã Mục Mã, huyện Bành Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Thậm chí, ngay sau khi tỉnh Hà Nam loan tin đã tìm ra mộ thật của Tào Tháo, một dự án giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ công tác phục dựng khu mộ Lưu Bị đã được đưa ra và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Người ta cho rằng khu mộ Lưu Bị ở thôn Liên Hoa này có địa thế rất hợp với quan niệm phong thủy truyền thống của Trung Hoa và xứng với tầm vóc đế vương của vị hoàng đế thọ 62 tuổi.

- Thứ hai: Nhiều luồng ý kiến khác vẫn cho rằng mộ Lưu Bị thực ra nằm ngay trong khuôn viên của khu đền Vũ Hầu tại trung tâm thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Có rất nhiều chứng cứ từ sử liệu và thơ ca chứng minh cho nhận định này. Chúng tôi cũng từng nhắc tới việc mộ Lưu Bị được dời về đặt ngay trong đền Vũ Hầu trong phần đầu nói về khu đền này.

Trở lại với chuyến ghé thăm đền Vũ Hầu của đoàn chúng tôi, điểm tham quan đáng chú ý cuối cùng chính là khu mộ Lưu Bị (nằm phía bên trái các khu điện thờ theo hướng đi từ cổng chính vào). Một Lưu Bị là một gò đất rộng và khá cao, được bao quanh bởi lớp tường gạch màu đen, phía trên cây cối mọc um tùm rậm rạp. Hình dáng khu mộ nhìn từ trên xuống gần giống với hình bầu dục.

Khu mộ của người anh cả trong "3 anh em kết nghĩa vườn đào" nằm trong một khuôn viên có phần hơi chật hẹp nên du khách sẽ không có nhiều không gian lý tưởng để có cái nhìn bao quát. Đoàn chúng tôi cũng chỉ có thể đi một vòng quanh khu mộ để xem... cho biết chứ kỳ thực cũng không có nhiều thông tin đủ để nghiền ngẫm. Dù sao thì cũng tự hài lòng với nhau rằng âu cũng là một lần tới thăm mộ của một trong những nhân vật lừng lẫy nhất thời Tam Quốc cách đây đã gần 20 thế kỷ (tất nhiên, nếu đây thực sự là mộ thật của Lưu Bị :)).

denvuhau83.jpg

Lối vào khu mộ Lưu Bị.

denvuhau82.jpg

Tấm bia ghi dòng chữ "Hán Chiêu Liệt Hoàng Đế Chi Mộ" (cảm ơn Lá Nhỏ đã hỗ trợ dịch thuật :) ).

denvuhau84.jpg

Chiếc lư lớn đặt bên cạnh khu mộ.

denvuhau85.jpg

Cây cối mọc um tùm trên mộ Lưu Bị.

denvuhau86.jpg

Vòng tường bao phía ngoài khu mộ khá sát khiến lối đi dành cho du khách trở nên nhỏ hẹp.

denvuhau87.jpg

Lưu Bị an giấc ngàn thu tại đây hay ở thôn Liên Hoa, câu hỏi này chưa có lời giải thỏa đáng?

Ảnh: hanoiwelle.
 
Công viên nhân dân Thành Đô

Theo lời tư vấn của bạn Hà - lưu học sinh Việt Nam tại Thành Đô cũng là người đã giúp chúng tôi làm thẻ Panda, PeterPan và trưởng đoàn Sweetiury quyết định mò vào công viên nhân dân của thành phố để khám phá những nét đời thường trong sinh hoạt vui chơi giải trí của cư dân ở đây.

Công viên này nằm lọt thỏm trong một khu dân cư với những khối nhà cũ kỹ và chúng tôi phải mất chừng 15phút xe lôi để đi từ đền Vũ Hầu tới đây. PeterPan và Sweetiury chi 10 tệ/người để mua vé vào công viên (không nhớ rõ giá lắm, trưởng đoàn ghé qua thì xác nhận giùm nhé). Sau này tìm hiểu mới biết là công viên mở cửa miễn phí cho người dân Thành Đô, người ở nơi khác tới mới phải mua vé. Tuy nhiên, nếu mình cứ hiên ngang vào có lẽ cũng không sao vì vẻ ngoài cũng không khác dân bản địa là bao, tự nhiên ngoan ngoãn hỏi mua vé nên mới tốn tiền.

Nói chung, công viên nhân dân Thành Đô mang mô hình đặc trưng của hầu hết các công viên miễn phí tại Trung Quốc: rộng rãi, thoáng mát, cây cối xanh um tùm, nhiều người già, trẻ em và nói chung cảnh sắc cũng vừa phải ở mức... free. Tuy nhiên, nếu không đặt nặng việc ngắm cảnh mà chỉ quan tâm tới việc khám phá những nét văn hóa đời thường của cư dân bản địa, những công viên như này là những gạch đầu dòng không nên bỏ qua.

Đó là một buổi chiều mù mịt (như thường lệ) của Thành Đô và ít phút ngắn ngủi ghé qua công viên nhân dân của thành phố này mang lại cho chúng tôi một vài hình ảnh nhẹ nhàng về cuộc sống của người dân nơi đây.

congviennhandan1.jpg

Một nhà nguyện nhỏ trong công viên.

congviennhandan2.jpg

Gian hàng tò he của một cụ ông, tiếc là PeterPan không thể lại gần vì sợ làm ảnh hưởng công việc của ông cụ và cũng không có ống tele để nhìn rõ các tác phẩm của ông.

congviennhandan3.jpg

Các cụ đang hát cho nhau nghe trong một buổi sinh hoạt văn nghệ kiểu "cây nhà, lá vườn".

congviennhandan4.jpg

Một đài tưởng niệm với rất nhiều hoa ở xung quanh.

congviennhandan5.jpg

Cận cảnh đài tưởng niệm (hoặc một công trình gì đó đại loại thế, PeterPan không chắc cho lắm).

congviennhandan6.jpg

Khu sân chơi nằm ở trung tâm của công viên nhân dân Thành Đô.

congviennhandan7.jpg

Nét truyền thống kết hợp với hình khối hiện đại.
 
@ PeterPan: thẻ Pandan ko còn đâu bạn :D dịp mình đi là tháng 12/2009, có gặp người bạn TQ nó tặng mình cái thẻ luôn, nó nói giờ ko còn phát hành thẻ 1Y này nữa, kể cũng tiếc nhưng mà đành chịu. Ngoài ra có cách khác để kiếm thẻ nhưng mà đắt hơn, đấy là mua membership ở TT Gấu trúc Thành Đô, tất nhiên giá ko phải 1Y nữa (mình ko nhớ chính xác là mấy chục đồng, có nghía qua mà ko mua :p)

Đúng là từ 31/12/2009 không còn bán hai loại thẻ đó nữa. Tiếc quá, năm nay đi không còn giá rẻ rồi.
"...From Mar. 24 to Dec. 31, 2009, the "Gold Panda Card" holders enjoy free entrance to the 11 scenic spots in Chengdu, while the "Silver Panda Card" holders enjoy 50% discount. These 11 scenic spots include Dujiang Dam, Mount Qingcheng, Xiling Snow Mountain, ski resort on Xiling Snow Mountain, Wuhou Temple, Du Fu’s Thatched Cottage, Jinsha Site Museum, Yongling Mausoleum Museum, Giant Panda Breeding Base, Liu’s Manor and Mount Tiantai..."
http://www.nowpublic.com/style/panda-card-visiting-giant-pandas-hometown-free
 
Công viên này nằm lọt thỏm trong một khu dân cư với những khối nhà cũ kỹ và chúng tôi phải mất chừng 15phút xe lôi để đi từ đền Vũ Hầu tới đây. PeterPan và Sweetiury chi 10 tệ/người để mua vé vào công viên (không nhớ rõ giá lắm, trưởng đoàn ghé qua thì xác nhận giùm nhé). Sau này tìm hiểu mới biết là công viên mở cửa miễn phí cho người dân Thành Đô, người ở nơi khác tới mới phải mua vé. Tuy nhiên, nếu mình cứ hiên ngang vào có lẽ cũng không sao vì vẻ ngoài cũng không khác dân bản địa là bao, tự nhiên ngoan ngoãn hỏi mua vé nên mới tốn tiền.

Chuẩn rồi đấy, Peter. Cơ mà tớ vẫn tiếc vì chưa vào được bảo tàng Thành Đô, lần sau có dịp nhất định sẽ tới nơi này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,165
Bài viết
1,174,015
Members
191,979
Latest member
78winrip
Back
Top