What's new

[Chia sẻ] Đi ngắm tuyết sơn ở Vân Nam - Từ Hà Khẩu đến gần biên giới Tây Tạng



Tuyết sơn là một đặc sản thắng cảnh mà rất tiếc ở Việt Nam lại không có. Nên mục đích chính trong chuyến đi Vân Nam này của em là ngắm tuyết sơn và tìm địa điểm sống ảo đẳng cấp.
Mới đầu em định đi Phượng Hoàng, nhưng tính đi tính lại Phượng Hoàng chỉ cần ít ngày, mà em có tới 9 ngày nên chuyển sang Vân Nam, mặc dù rất là tiếc Trương Gia Giới (Phượng Hoàng thì ko thấy tiếc lắm). Chính vì thay đổi kế hoạch đột ngột mà thành ra gặp nhiều trở ngại. Chủ yếu là vì đông, Việt Nam đông mà Trung Quốc cũng đông.
Em đi đường Lào Cai, trước khi đi 1 tuần tìm vé tầu mà hết sạch, đành đi xe siêu VIP Hà Sơn Hải Vân, nói chung là xe xịn nhưng đi tầu thì ngủ vẫn ngon hơn.
Hình như những cái gì liên quan đến Trung Quốc thì thường nhộm nhoạn và đông đúc, chả cứ phải bên Trung hay không. Điển hình là xin cái visa mà nhìn xếp hàng đã phát hoảng rồi. Đến khi đến cửa khẩu Lào Cai, nhìn các bác đặt gạch xếp hàng ở cửa càng hoảng hơn. Nghĩ lại cũng may mà hết vé tầu nên phải đi ô tô, thành ra đến sớm có chỗ xếp hàng, chứ đi tầu chắc sẽ lỡ chuyến 9h30 từ Hà Khẩu đi Côn Minh mất.
Đây là hình ảnh xếp hàng bên Passport, em nghĩ đội hình từ cửa trở ra thì khó lòng đi kịp chuyến tầu 9h30 (tương đương 8h30 bên mình):


Đến giờ làm việc thì còn hài hước hơn, đoạn từ cửa khẩu bên mình sang bên Trung dân chạy như chạy loạn để xếp hàng. Đầu cầu bên mình thì khách tây đứng quay phim chụp ảnh cảnh chạy loạn, đầu cầu bên Trung thì cũng có một hàng người em đoán là người Trung đúng quay phim chụp ảnh y như vậy. Đúng là vừa buồn cười vừa muốn mếu. Mình thì ko chạy nhanh bằng các bác chuyên nghiệp được, sang đến bên kia cầu nhìn đoàn người xếp hàng làm thủ tục mà em suýt khóc. Tầu book rồi, tiền trả rồi, kế hoạch lên chi li rồi, lỡ 1 phát thì hỏng bét. Trong cơn bí bách em giơ mẹ nó cái Passport lên vẫy vẫy thằng công an Trung Quốc, nó ra hiệu cho em đứng im đấy mà xếp hàng. Vài phút sau có anh công an khác đẹp như tranh vẽ bước ra, em lại lấy Passport vẫy nó. Ơ, không ngờ nó cho em vào luôn ko cần xếp hàng các bác ạ. Đúng là người nhìn thấy đẹp trai thì đúng là đẹp trai. Hú hồn!

Tip cho đoạn cửa khẩu này là các bác hãy tính toán cẩn thận và xem xét các khả năng nếu có ý định đặt giờ tầu quá sát (7h bên mình cửa khẩu làm việc, 9h30 bên Trung tương đương 8h30 bên mình tầu chạy). Nhiều yếu tố mang tính may rủi như xếp hàng bị chen chân, hoặc gặp thằng công an xấu trai có thể ảnh hương lớn mà mình ko kiểm soát được. Tip nữa cho bạn nào muốn tiết kiệm là bên kia cửa khẩu có xe bus ra bến tầu ở chỗ công viên ngay gần, 1 tệ/người, ko vội thì ko cần bắt taxi 20 tệ. Cuối cùng nếu bạn nào kém may mắn không làm thủ tục kịp thì có thể ra bến xe Hà Khẩu bắt xe đi Mông Tự, rồi tiếp Mông Tự - Côn Minh hoặc chờ chuyến tầu sau khá muộn.

Ở đây em không có chỗ nào có thể sống ảo đẳng cấp.
 
Last edited:
Sang Quan Độ em bắt thử quả xe bus 2 tầng xem thế nào, ngắm cảnh phố phường cũng được:


Xe bus ở đây đặc sản là các ông bà già nên các bác đừng hy vọng có chỗ ngồi, nếu ko đứng đc thì nên bắt taxi, xe này đặc biệt 2 tầng nên mới có chỗ. Nếu có thanh niên thì cũng cắm mặt hết vào điện thoại như bên VN mình. Cũng may em chả có mạng nên còn được ngắm phố:


Quan Độ theo em được cái cổng là chỗ đẹp nhất còn lại không có gì đặc biệt:


Quá trời người là người, nói chung ko có thời gian bỏ qua cũng được, em đến đây chủ yếu định ăn tối, ai thích ăn vặt đến đây cũng được, nhiều đồ ăn linh tinh nhưng đắt, em được cái cả chuyến đi ko mặc cả 1 câu nên mua gì cũng có cảm giác đắt:


No say em lại về ga chờ tầu đi Lệ Giang.
Loanh quanh 1 hồi em kết luận công viên này là địa điểm lý tưởng cho những bạn mới chập chứng bước vào nghề sống ảo, còn với những lão làng sống ảo thì có lẽ hơi thiếu, nghĩ vậy em lên cầu ngắm hoàng hôn tý chờ tối rồi sang Quan Độ cổ trấn:
Đến đoạn "Nghĩ Vậy em lên cầu.........." cứ tưởng cũ cảm thấy k phục cảnh vật cụ ức cụ định lên cầu GIEO mình xuống cái hồ đó. Chỗ này e đi nhiều phết rồi nhưng k chụp với chẳng thích viết(Văn GIỐT) nên e toàn đi và sang đọc các cụ thôi ạ.
 
Loanh quanh 1 hồi em kết luận công viên này là địa điểm lý tưởng cho những bạn mới chập chứng bước vào nghề sống ảo, còn với những lão làng sống ảo thì có lẽ hơi thiếu, nghĩ vậy em lên cầu ngắm hoàng hôn tý chờ tối rồi sang Quan Độ cổ trấn:
Đến đoạn "Nghĩ Vậy em lên cầu.........." cứ tưởng cũ cảm thấy k phục cảnh vật cụ ức cụ định lên cầu GIEO mình xuống cái hồ đó. Chỗ này e đi nhiều phết rồi nhưng k chụp với chẳng thích viết(Văn GIỐT) nên e toàn đi và sang đọc các cụ thôi ạ.
Bác đi nhiều mà ko chụp và không viết để chia sẻ kinh nghiệm thì đúng là thiệt thòi cho anh em đó.
 
Shangri-La

Shangri-La trước đây là một vùng đất nghèo nàn tên là Trung Điện. Cuộc sống người dân ngày càng xuống cấp với tỷ lệ thất nghiệp cao (đối lập hẳn với thiên đường các bác nhỉ). Làm sao để cứu vãn vùng đất chó ăn đá gà ăn tuyết này? Tài nguyên thiên nhiên không có dầu than, mỏ quặng, vàng bạc chi cả. Những gì nó có là núi non và thỏa nguyên bao la. Chỉ có biến nó thành địa điểm du lịch hút khách, cũng may mà với cảnh quan trời phú cho khu vực Tây Tạng và xung quanh, vùng nào cũng có thể biến thành địa điểm du lịch được. Công việc tiếp theo là xây dựng bộ mặt du lịch của Trung Điện. Họ đập đi xây lại mọi thứ nhìn như một thành phố Tây Tạng. Cổ thành Ánh Trăng được quảng cáo là 1300 năm tuổi, nhưng có lẽ chỉ có phần mặt đất và cái tên là đúng với niên đại. Ngay cả trước vụ hỏa hoạn thiêu rụi tất cả năm 2014 thì nhà cửa đã được xây lại rồi. Bên ngoài, họ tu sửa lại tu viện bỏ hoang Tùng Hán Lâm, mở rộng quy mô cho giống một Bố Đạt La Cung thu nhỏ.

Tiếp theo, vùng đất được tu sửa mới lại này cần phải được quảng cáo để khách du lịch biết mà đến thăm. Họ nghĩ ra 1 ý tưởng không thể tuyệt với hơn là đổi tên Trung Điện thành Shangri-La, tuyên bố (qua nhiều năm "khảo cứu") nó là vùng đất Shangri-La được mô tả trong tác phẩm kinh điển Đường Chân Trời Đã Mất của James Hilton, mặc dù James chưa 1 lần đặt chân đến Tây Tạng. Năm 2001, Trung Điện được chính thức đổi tên thành Shangri-La, và khách du lịch ùn ùn kéo đến để chiêm ngưỡng thiên đường, "thung lũng của những người bất tử."
Ngày nay, Shangri-La vẫn đang là địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng phần lớn người dân đã "trở thành" người Hán, và cổ thành Ánh Trăng cũng được khôi phục lại với phong cách China (phần bên ngoài phố cổ còn giống Tây Tạng hơn là bên trong "cổ thành"). Nhiều người đến đây để xem một thành phố kiểu Tây Tạng mà không cần phải "xin phép" để vào khu tự trị Tây Tạng. Nhưng phần Tây Tạng của thành phố này đang dần dần biến mất và thay vào đó, hiển nhiên, là những phần "đại Hán".
Mặc dù sẽ có phần thất vọng nếu đến đây vì văn hóa Tây Tạng, nhưng Shangri-La vẫn là vùng đất với nhiều thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp.
 
Last edited:
Đến bến xe Shangri-La thì em gặp ngay phải một đám cò ngoài cửa. Đám cò này hình như tụ tập ngoài bến suốt giờ hành chính. Lần nào em đi qua cũng thấy.
Ở Lệ Giang và Côn Minh em đi xe bus rất tiện và rẻ, nhưng đến Shangri-La thì có vẻ xe bus lộn xộn hơn, bến ghi một đằng mà xe chạy một nẻo. Thất bại vài lần với xe bus ở Shangri-La em chuyển sang đi taxi toàn bộ. Taxi đưa em về khách sạn với giá 10 tệ. Cất hành lý là em men theo những con đường trong cổ trấn để đến công viên Quy Sơn lên Đại Phật Tự quay cái chuyển kinh luân cũng là để ngắm toàn cảnh cổ thành luôn


Kinh luân rất lớn và được buộc dây để dễ kéo, mặt đất xung quanh bị mòn vẹt thành một đường tròn do những người xoay kinh luân trong nhiều năm để lại


Chờ không lâu là sẽ có đủ người tập hợp lại để ra sức xoay. Nặng nhất là lúc chống lại sức ỳ, sau khi đã quay rồi thì cũng nhẹ nhàng. Nhiều khách du lịch chỉ cầm vào cho vui rồi đi theo vòng xoay để sống ảo chứ em nghĩ không hề kéo tý nào, nhìn dáng vẻ có thể nhận ra.

Nói một chút về việc xoay kinh luân.
Phật giáo hiện tại có 3 tông phái chính là Nam Tông, Bắc Tông và Mật Tông. Từ khi khai sinh đến nay thì Phật giáo phát triển lớn hơn nhiều so với ban đầu, chính vì vậy mà các giáo lý và phương pháp tu tập cũng được mở rộng.
Về cơ bản Phật giáo hướng tới việc thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, để làm được việc này cần phải đặt được một trình độ trí tuệ nhất định. Trí tuệ ở đây nó có nghĩa rộng hơn trí tuệ thông thường là đọc sách rồi nhớ nhiều. Để có được trí tuệ đủ sức giác ngộ thì phải tích phúc. Nói đơn giản như thế này, nếu các bác có phúc, kiếp sau sinh ra làm người thì các bác có trí tuệ, có khả năng đọc sách hiểu chữ và giác ngộ. Còn vô phúc sinh ra làm lợn, thì có trí tuệ đâu mà giác ngộ. Cũng sinh ra làm người, nhưng người có nhiều phúc báo từ kiếp trước thì thông minh hơn, khả năng lãnh ngộ cao hơn người khác có ít phúc báo hơn. Cũng như tích góp tiền của, ông nhiều thì đi máy bay rất nhanh và tiện nghi, ông ít thì đi bộ, mệt và lâu, tiền này chỉ khác là tiền thuộc tinh thần, ko phải tiền vật chất.
Cả 3 tông phái đều hướng tới 1 mục đính nhưng con đường tu tập có chút khác nhau. Ông Nam Tông thì chịu khó ngồi thiền hơn, thiền tĩnh tâm để giác ngộ. Ông Bắc Tông thì còn kết hợp với làm nhiều việc tốt để tích đức cho kiếp sau, dồn lại nhiều kiếp để đặt được trí tuệ có khả năng giác ngộ. Ông Mật Tông thì còn dùng thêm cả pháp khí, thần chú, chân ngôn để hỗ trợ. Các bánh xe cầu nguyện (hay kinh luân) là một trong những loại pháp khí kết hợp thần chú như vậy. Các bác sẽ hay gặp các bánh xe cầu nguyện loại nhỏ ngày ở Shangri-La, đặt nơi công cộng để ai quay thì quay. Quay bánh xe theo chiều kim đồng hồ theo Mật Tông có tác dụng tích công đức và giải trừ nghiệp xấu của kiếp trước, coi như cách bác đang lao động để kiếm một loại tiền tinh thần vậy, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Và cũng là để cho những người mù chữ ngày xưa không đọc được kinh sách vẫn có thể thực hành đạo Phật. Phát nguyện bồ tát bố thì rộng rãi cho đi tất cả thì ko phải ai cũng làm được, còn phải có cái mà bố thí nữa, khố rách áo ôm thì lấy gì bố thí? Nhưng quay bánh xe cầu nguyện thì khố rách áo ôm cũng quay được, người thường cũng tích công đức được mà ko ảnh hưởng đến kinh tế gia đình ?
Cho nên các bác phải quay bánh xe cho tử tế, sống ảo thì được chứ quay ảo cần thận nó phản tác dụng.
 
Last edited:
Quay (dùng tay) mệt em lại ngồi nghỉ hoặc ra lan can ngắm cảnh, từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh Shangri-La, một thành phố được bao quanh bởi những ngọn núi.


Xa xa có một tòa nhà hình tam giác không biết là nhà gì, có lẽ là cao nhất ở đây


Phía tây là rặng tuyết sơn đã bị mây chiều bao phủ


Ngôi phật tự này được bao phur xung quanh bởi cây cối hoa lá, những bông hoa trắng muốt trong nắng


Đứng ở đây do nhìn thấy toàn cảnh Shangri-La nên khách du lịch check in sống ảo rất nhiều (quay kinh luân thì ít), em cũng phải chờ khá lâu mới chụp được những bức hình nóc nhà Shangri-La từ trên cao. Cơ bản là vì khi người khác sống ảo mà mình lại ra chụp thì sẽ lạc vào khung hình của người ta, làm xấu bức hình của người ta chứ cũng ko hẳn là đông đến nỗi không có chỗ đứng. Là một người đang đi tìm địa điểm sống ảo đẳng cấp em rất hiêu tầm quan trọng của việc sống ảo nên kiên nhẫn chờ đợi mọi người chụp xong mới bước ra, mặc dù có những cặp uyên ương chiếm chỗ phải đến 45 phút đồng hồ để anh chụp cho chị, em nghĩ chắc phải chụp đến mấy trăm bức, không hiểu là chụp cái gì mà lắm thế.
 
Last edited:
Nghĩ cũng chẳng thể đứng đây mà ngắm hoàng hôn trong yên bình, em đi 1 vòng quanh chùa. Trong khi phía kinh luân nhộn nhịp thì phía sau chùa lại khá là yên tĩnh vắng vẻ


Phía sau gió mạnh hơn, cũng có thể nhìn toàn cảnh, em đứng trước những lá cờ lungta tung bay trong gió cho những câu thần chú trên đó nó bay vào người


Dạo một vòng em xuống sân chơi


Ở sân có những đàn chim bồ câu bay đến đậu


Nhưng chỉ vừa đáp xuống sân đông đủ là đã bị các du khách chạy đến đuổi cho bay đi để sống ảo cho nó chất


Có một chú bò lông để du khách thuê chụp ảnh, nhìn chú không được vui vẻ cho lắm


Em đi tiếp và quay đầu chụp lại một tấm toàn cảnh khoảng sân ở trước ngôi phật tự trước khi rẽ vào con đường nhỏ cạnh bãi đỗ xe


Em đi bộ loanh quanh đến quảng trường Tứ Phương là nơi nhảy múa hát ca của người dân. Chỗ này chiều nào mọi người cũng tụ tập nhảy múa hát ca chứ không phải chỉ mỗi ngày lễ hay ngày rằm mùng một gì. Dàn vũ đạo chính chủ yếu là các cụ già, những người trẻ vào nhảy cùng chỉ yếu là các du khách tò mò.


Trời ở đây lâu tối nên xem khá lâu mà mọi người vẫn nhảy, vì họ nhảy lâu trong một khoảng thời gian dài nên em tự hỏi không biết bình thường thì mấy giờ mọi người ăn tối? Lang thang về khách sạn em hỏi chủ quán nhưng anh ta cũng bảo không biết, em lại hỏi tiếp mấy thường thì mấy giờ mọi người ở đây đi ngủ, anh ta cũng bảo không biết. Em lên phòng tắm giặt, cửa sổ nhìn ngay ra ngôi phật tự và kinh luân, buổi tối thắp đèn sáng rực
 
Sáng hôm sau trời mưa, tầm 8h30-9h ngớt mưa em đi Thạch Ca Tuyết Sơn, đi qua hàng bánh bao mua luôn 1 mẹt, mua bánh bao ở đây em mới biết có nhân thì gọi là bánh bao, không nhân gọi là màn thầu. Hôm nay cũng là lần cuối em đợi thử xe bus ở Shangri-La, bến ghi 1 đằng xe đến 1 nẻo, cuối cùng vẫn là bắt taxi 30 tệ. Taxi ở đây cũng hay, đang chở khách cũng bắt thêm khách, thế là em lại được dịp lên gần chùa trăm gà luôn để trả người khách kia.
Đường đến Thạch Ca Tuyết Sơn đi qua một vùng thảo nguyên mà giờ đây em nghĩ lại thấy khá đẹp, thật tiếc là lúc đó quá tập trung quan sát đỉnh tuyết sơn (do sợ trời mưa) nên em đã không ghé vào.


Có một việc hay xảy ra khi em đi nước ngoài và tiêu tiền nước ngoài đó là mất cảm giác tức thời về việc đắt rẻ của giá cả. Trong khi nước ta dùng mệnh giá nhỏ nhất là là hàng trăm (mặc dù chẳng còn thấy những tờ tiền trăm đồng nữa) thì ta lại phải tiêu những đồng tiền nước bạn không có một loạt số không (0) đằng sau: 1 tệ, 1 đô la... Khi trả tiền 10 đô la hay vài trăm tệ, vì đã quen với những con số lớn hơn ở Việt Nam (hàng trăm nghìn, hàng triệu) nên vô thức không đánh giá đúng giá trị cũng những đồng tiền ít số không này và mặc nhiên dùng tiêu chuẩn tiền Việt để đánh giá, tạo ra một cảm giác "rẻ" giả tạo nếu như không dùng ý thức quy đổi nó ra tiền Việt để so sánh. Con tim thấy rẻ và cần có lý trí để cho thấy rằng nó không hề rẻ.
Em không nhận thấy rằng vé lên Thạch Ca Tuyết Sơn là đắt đến khi có một nhóm 5 người Trung Quốc mua vé, mới đầu họ mua 5 vé nhưng sau khi chị bán vé nhân tổng số tiền và giơ máy tính cho họ xem thì họ bàn bạc lại một và quyết định chỉ mua 2 vé. Tuy nhiên em thì ko có sự lựa chọn như vậy, em vượt ngàn dặm đường bộ để đến đây, nó không dễ dàng như đi đi lại trong nước nên dù đắt thì cũng vẫn phải mua, chẳng biết bao giờ mới quay lại, không thể tiếc tiền được.


Để lên đến Thạch Ca Tuyết Sơn cần đi qua 2 lượt cáp treo, lượt đầu sẽ dừng ở một nơi cũng gọi là Lam Nguyệt. Lên núi tuyết Thạch Ca các bác sẽ thấy rõ việc quảng cáo Shangri-La gắn với vùng đất cùng tên trong tác phẩm Đường Chân Trời Đã Mất của James Hilton.




Đường lên Thạch Ca quang cảnh nhìn đẹp hơn ở Ngọc Long với những rừng cây phủ tuyết trắng xóa





Khi cáp treo gần lên đến đỉnh, nhìn xuống khung cảnh dưới mặt đất qua cửa kính cáp treo khá ấn tượng, như ở một hành tinh khác
 
Thạch Ca Tuyết Sơn so với Ngọc Long thì khá bằng phẳng chứ không có nhũng mỏm núi đâm thẳng lên trời, bù lại các bác sẽ chạm vào tuyết dễ dàng hơn


Bậc gỗ nhìn có vẽ cũ kỹ hơn và lan can thì sơ xài hơn


Không như điểm cao nhất trên Ngọc Long, ở trên này bán cả đồ lưu niệm. Những chiếc thẻ gỗ được mội người mua và buộc lại đã đóng băng


Trên đỉnh núi gió rất mạnh (clip)


Gió mạnh kết hợp cới mưa tuyết rất lạnh. Lên núi các bác nên có 1 cái mũ trùm đầu bởi nếu không sẽ không chịu khi gió mạnh nổi băng tuyết quất vào mặt như trăm mũi kim đâm vào da thịt, không thể chơi bời sống ảo gì được. Cũng nên có găng tay nếu muốn sống ảo lâu, bởi chỉ một lúc là tay sẽ tê cóng. Thấy ở dưới chỗ đi cáp có người bảo hiện trên này đang -3 độ. Đa số thời gian em đút tay vào túi áo, trừ khi chụp ảnh, thế mà tay vẫn lạnh cóng.


Chỗ này dưới băng là mặt kính nên cực trơn, em bám vào lan can mà chỉ dám đi rất chậm, bỏ tay khỏi lan can chụp ảnh cũng phải rất cẩn thận ko sẽ trượt ngã dù chỉ đứng yên (thật ra em bị ngã 1 phát trước khi nhận ra nó là mặt kính rồi). Dường như người Trung Quốc đọc được biển cảnh báo và biết hay sao đó nên không mấy ai ra khu vực này mà chỉ quanh quẩn ở chỗ nền gỗ.


Ở đây có tới vào nhánh để đi, vì các nhánh không tạo thành 1 vòng kín nên các bác phải quay trở lại lối cũ mỗi khi đi hết một nhánh


Ngoài bậc thang họ còn rào xung quanh các mép vực. Nếu ai không quen với băng tuyết thì rất dễ chủ quan ra đó chơi và trượt xuống vì quả thật băng trên mặt đất rất trơn, giầy đểu như giầy em đi ngã mấy lần.


Lang thang ra những mép thế này thì dễ chết lắm, sống ảo nhưng đừng chết thật
 
Em đi tất cả các nhánh xem quang cảnh thế nào nhưng nói chung là mây mù gió tuyết nên tầm nhìn không được xa (clip)


Em rẽ vào 1 nhánh mà không có ai đi, chắc vì nhìn không thấy điểm cuối đâu


Đi mãi đến khi tuyết ăn ngập hết lỗi đi, quay đầu nhìn lại chẳng thấy ai mà cũng chẳng thấy đài quan sát chính đâu nữa thì em bắt đầu thấy hơi sợ sợ vì có mỗi 1 mình, em quyết đinh đánh liều đi ra khỏi bậc gỗ vào trong tuyết em sao, mà đoạn này cũng chẳng còn thấy bậc gỗ nữa, có chăng biết là có bậc gỗ vì vẫn còn cái tay vin nổi lên


Trước khi đi em cẩn thận cắm máy trên tuyết và hẹn giờ để nó chụp mình sau một đoạn, phòng trường hợp bất trắc thì sẽ có người tìm thấy vị trí, vì tại vị trí này đã không còn nhìn thấy đài quan sát và cũng không có ai xung quanh, lại đang mây mù tuyết rơi gió thét ầm ầm, có gào lên cũng quá xa để người khác nghe thấy.


Đi được 1 đoạn thì tuyết bắt đầu sụt dưới chân em, hơi hốt hoảng nhưng em vẫn đi tiếp mấy bước và lại tiếp tục bị sụt sâu hơn, lúc này em bị lún đến háng. Toát mồ hôi em không dám cử động, hết sức nhẹ nhàng em quay người lại dẫm lại sát vị trí những bước chân cũ để quay về, không dám liều nữa. Quả thật bước ra ngoài thềm gỗ trên nền tuyết trắng phải hết sức cẩn thận, nhất là khi tuyết đang rơi và trời thì mù không một bóng người xung quanh, nhỡ chẳng may gặp cái hố hay tồi tệ hơn thì xong đời.
Những mặt tuyết mời gọi như thế này, chẳng thể biết chỗ nào là nền đất chỗ nào là hố sâu cả


Sau chuyến "thám hiểm" cực ngắn này em biết là tuyết không dành cho những người thiếu kinh nghiệm với nó và tốt nhất là tuân theo chỉ dẫn an toàn của khu du lịch nếu không chỉ tự mình lại mình. Nhánh này cũng là nhánh cuối cùng nên em quay lại khu cáp treo, đò đạc bên trong cũng được phủ một lớp băng tuyết


Một thùng rác bị bám băng, có lẽ do gió thổi làm hình thành những mấu trắng trông khá ngon lành


Một số cờ cũng bị xoắn lại đông cứng
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,426
Bài viết
1,175,803
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top