What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
26. Tạm biệt chiều Mát-xcơ-va

IMG_2795.JPG

Những cánh rừng xanh mướt lướt qua cửa sổ với những làng mạc nhỏ và cũ kĩ ẩn hiện phía xa. Tàu đi nhanh (khoảng hơn 200km/h) nên cũng không ngắm cảnh được vì mỏi mắt.

Tàu chỉ dừng ở một ga dọc đường trong 2 phút, khách được nhắc nhiều lần trên loa là phải sẵn sàng hành lý để xuống tàu, đồng hồ trên tàu chỉ đúng 2 phút là tàu lại lăn bánh lên đường. Không biết người Nga làm việc ở công sở và nhà máy ra sao nhưng quả là các nơi có biển thông báo lịch làm việc và nhà tàu làm việc rất đúng giờ. Đặc biệt nữa là trong lịch trình của tàu không làm tròn số, đúng 10:43 chứ không ghi 10:45, điều này cho thấy tinh thần làm việc rất nghiêm túc của người Nga, chưa biết hiệu quả công việc ra sao nhưng giờ giấc chuẩn là đã thấy thiện cảm. Nhân đây lại kể một câu chuyện cười thời Xô viết về việc đi làm đúng giờ cho các bác giải trí, dưới thời Stalin kể chuyện này là bị khép vào điều 58 Bộ luật Hình sự (tuyên truyền chống Nhà nước Xô viết) đấy ạ:

Ba ông vào tù cùng ở chung một buồng, ông thứ nhất hỏi ông thứ hai:
- Sao anh lại vào đây?
- Ngày nào tôi cũng đi làm muộn 5 phút, người ta quy tôi vào tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Thế còn anh?
- Tôi thì ngày nào cũng đi làm sớm 5 phút, người ta khép tôi vào tội gián điệp, thu thập thông tin tình báo.
Hai ông cùng quay lại hỏi ông thứ ba:
- Thế còn anh?
Ông thứ ba trả lời: Tôi vào đây vì ngày nào cũng đi làm đúng giờ. Người ta phát hiện ra tôi đeo đồng hồ của tư bản phương Tây!


Đến ga Leningradsky thì đói quá nên phải đi tìm chỗ ăn ngay. Tuy nhiên các nhà ga, sân bay ở Nga thì chỉ dẫn lắt léo vô cùng, toa-lét rất ít, thậm chí có tầng toàn nhà hàng không hề có chỗ đi vệ sinh, đặc biệt là thang máy luôn đặt ở những chỗ bất tiện và xa nhất. Em cũng chẳng ham gì đi thang máy nhưng vì có hai cái vali mỗi cái 23kg. Stolovaya ở dưới tầng hầm và đi ngoằn ngoèo mãi mới đến vì đang đi theo mũi tên thì tự nhiên không có chỉ dẫn nữa, rất may là có chị lao công nhiệt tình chỉ đường. Stolovaya rất rộng và lịch sự nhưng không đông khách và đặc biệt là không có người nước ngoài (trên trang web của đường sắt Nga và nhiều trang web khác, trong bản đồ không hề tồn tại stolovaya này, cứ như là Metro-2 của Moskva vậy :LOL: )

IMG_2796.JPG

Chẳng biết là món cá gì nên em tạm gọi là món cá kho Nga ăn với kiều mạch, ngon ơi là ngon

IMG_4475.JPG

Hôm này còn 5 tiếng ở Mát trước khi máy bay cất cánh nên có tiêu chuẩn VIP là có một chú đưa xe đến chở ra sân bay. Vậy nên đi tàu nhanh xong thì ra bãi đỗ xe bằng cửa này bên hông.


Dù đã nói là ăn cơm no rồi nhưng chú vẫn kiên quyết bắt phải đi ăn phở nhà chú nấu. Vừa làm phát tàu nhanh xong lại ăn phở tiếp thì bội thực mất. Nhưng được cái trong đoàn có một người rất thích ăn phở nên vẫn đi.

IMG_2497.JPG

Quán Pho Viet của ông chú ở trong một trung tâm thương mại rất to

IMG_2496.JPG

Bát phở và đĩa nem khá ngon, có thêm cốc cà phê nâu nóng bé xinh nữa. Có một chú bạn cũng là người kinh doanh ngồi ăn phở, các chú bàn chuyện là giờ làm xưởng may đã hết thời nên chuyển dần sang làm nhà hàng, chỉ phải cái rất khó tìm đầu bếp. Cái này thì bên Úc cũng vậy, nhiều khi phải bảo lãnh cho một anh đầu bếp định cư thì mới hòng giữ chân người ta làm lâu dài cho quán được


Nguyện vọng cuối cùng của em trước khi rời Nga là đi chợ Izmailovsky để mua quà lưu niệm. Mục đích chính là mua con lật đật đã nhắc đến ở đầu bài nhưng cũng muốn tìm mua thêm mấy quyển hộ chiếu Liên Xô trong hàng đồ cũ để sưu tập. Tuy nhiên, ý kiến chỉ đạo của chú là đi chợ đó ngược đường, lại sắp vào giờ tan tầm, đường sẽ tắc, ra sân bay không kịp. Nên chú chở đi mấy trung tâm thương mại to vật gần đó, nhưng kết quả vẫn thế, không có... lật đật! Chú phải dùng sự trợ giúp gọi điện thoại cho người thân và quyết định chở em đi Incentra là Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Mát-xcơ-va rất quy mô do người Việt đầu tư xây dựng có khu căn hộ kết hợp với trung tâm thương mại.

IMG_2499.JPG

Tòa nhà mang đậm phong cách Nga với một dấu ấn Khuê Văn Các nổi bật ở giữa, đây là tòa nhà chung cư. Văn phòng đại điện của BIDV ở kia nên mới có chuyện bác TungNguyenMD thấy ông Tê Bê Hát đi lại hống hách ở sân bay Domodedovo.

IMG_2801.JPG

Bên trong Trung tâm thương mại.


Cuối cùng thì những em lật đật như trong ký ức đã xuất hiện dù không chính xác 100% như nguyên bản. Thì ra lật đật vẫn là một nhu cầu đặc trưng của khách du lịch Việt Nam. Em lấy bé lật đật tên là Masha cỡ lớn nhất cao 40cm, nặng 6 lạng, và trên vỏ hộp có cả tiếng Anh ghi rõ nơi sản xuất ở đúng nhà máy thuốc súng ấy của tỉnh Tambov. Chú bán hàng rất nhiệt tình, còn giảm giá nữa vì các đồng hương lặn lội từ tận bên Úc sang đây. Em mua thêm một con matryoshka, không chọn con to mà chọn con nhỏ thôi nhưng mỗi con bên trong lại vẽ một phong cảnh khác nhau của Nga. Chú bán hàng nói chọn khéo thế, và dù chú đã giảm thì con này vẫn đắt gần bằng mấy con to nhất.

Em còn mua được một em búp bê làm bằng gỗ bạch dương ở một cửa hàng khác, khi lên dây cót thì phát nhạc bài “Chiều Mát-xcơ-va” mà ngay các cửa hàng trên phố đi bộ đều không thấy bán.

IMG_2502.JPG

Lật đật trong tủ kính toàn tóc đen, đúng như em đoán, tóc đen giờ mới quyến rũ, tóc vàng ai chả có


IMG_2800.JPG

Một cửa hàng bán quần áo phụ kiện các loại. Trung tâm không thấy đông khách lắm, nhiều quầy hàng đóng cửa

IMG_2803.JPG

Toa-lét phảng phất phong vị Việt
 
Last edited:
Yên chí với món quà cho mẹ, em lên đường ra sân bay. Đến nơi chú thấy còn thừa 46 kg hành lý nên đã chuẩn bị cho một thùng đồ khô bọc sẵn để mang về bên Úc: miến, bún, đỗ xanh, gạo nếp. Bình thường thì em sẽ nghĩ là chở củi về rừng đấy, vì bên kia mua được cả, nhưng thật sự cảm kích tình cảm của các cô các chú ở Nga, người Việt mình trong cách nói thì không tình cảm như Tây nhưng hành động thì luôn ấm áp, dù trong cộng đồng, có người xấu chơi ác nhau trong việc làm ăn nhưng đa phần khi tình đồng hương được thể hiện nồng hậu thì đều rất đáng trân trọng. Quý nhất trong thùng đồ là hai chai tương Bần mà bên Úc không mua được, gạo nếp cái hoa vàng và đỗ xanh của Việt Nam thì ăn khác hẳn gạo nếp Thái nhạt nhẽo và đỗ xanh Tàu ngâm nước ra màu vàng khè.

Quầy làm thủ tục ký gửi hành lý của China Southern đông nghịt khách Trung Quốc nhưng không có vẻ lộn xộn như những quầy check-in hành lý của Bản triều Airlines ở khắp các nước. Nhân dân Thiên triều cũng là người lao động thôi nhưng hành lý của họ tuy nhiều mà gọn gàng, ĐẶC BIỆT là không có thùng giấy, thùng xốp! Cái văn hóa thùng giấy của nước ta là một cái văn hóa mà khắp nơi người ta ghê sợ, phân biệt đối xử, cứ nhìn thấy thùng các-tông là biết người Việt Nam dù có ở những nước Bắc Âu, Bắc Mỹ hay Trung Quốc, Trung Phi, chỉ vì muốn tiết kiệm một vài cân vali nhưng trông nó nhem nhuốc và ra dáng đi buôn vô cùng. Những cái thùng giấy nặng trịch ấy là nỗi kinh hoàng của tất cả những người làm nghề bê vác hành lý ở mọi sân bay vì đã không có chỗ cầm nắm lại cồng kềnh. May mà cái thùng đồ khô của em nhỏ xinh và chú cũng đã quấn băng dính cao lên thành cái tay cầm, chứ em không bao giờ đi nước ngoài mang theo thùng giấy, có thùng xốp đựng hải sản em cũng cho vào trong vali luôn.

Em để cô lật đật “tân thời” vào hành lý ký gửi còn em lật đật “cổ điển” thì xách toòng teng theo người. Và thế là em được tất cả nhân viên các bộ phận ở sân bay cười rất tươi khi nhìn thấy em lật đật, kể cả anh cán bộ xuất nhập cảnh Nga khá lạnh lùng với mọi người. Quá cảnh ở Trung Quốc, hành lý qua máy soi chiếu hiện lên 4 hình tròn lồng vào nhau, tất cả đội kiểm tra an ninh sân bay của Trung Quốc xúm lại xem lật đật, lúc đầu tưởng có vấn đề, sau hóa ra ai cũng vui vì được thấy lại một kỉ niệm thời thơ ấu.

Trước khi vào cửa an ninh, thấy còn nhiều thời gian máy bay mới cất cánh, em tranh thủ lặn lội từ ga D sang ga F để tìm bưu điện gửi mấy cái bưu thiếp. Đến nơi thấy bưu điện đóng cửa dù còn 15 phút nữa mới đến giờ đóng mà thất vọng ê chề, nghĩ thế nào em lại gõ cửa cuốn, và thế là một khuôn mặt xinh tươi ló ra sau cửa kính. Bạn ấy không những vui vẻ liếm tem và ấn lên bưu thiếp của em mà còn chữa cho em chữ "n" thành chữ "и" nữa. Chỉ có điều bưu thiếp gửi về Việt Nam chẳng cái nào đến nơi, thất lạc toàn bộ, may có một cái gửi về nhà em ở Úc thì đến nơi lành lặn.

IMG_2807.JPG

Băng chuyền trong sân bay giữa các ga, các bác nói xem có đúng là nước Nga đồng bộ không ạ, cái sàn nhà và trần nhà ở sân bay y hệt như sàn nhà và trần nhà trong trung tâm Thương mại Hà Nội Mát-xcơ-va bên trên

Scan0033.jpg

Bưu thiếp gửi về đến Úc là bức tranh này của Victor Govorkov vẽ năm 1954. Trên facebook bây giờ hay dùng ảnh chế bức này nhưng với chữ "No" tiếng Anh.

Ngồi chơi chán chê xong lúc đi đến sát cửa lên máy bay, thấy mấy đồng chí Trung Quốc đang lúi húi bên máy bán hàng tự động, nhìn thấy máy bán đồ lưu niệm World Cup mới sực nhớ ra là thôi bmr, chưa mua đồ gì của World Cup ngoài hai con sói bông bé xíu. Máy bay đang giục hành khách cuối cùng lên máy bay, ở đây tất cả vẫn đang vật vã với cái máy bán hàng. Trong túi còn đúng tờ 1000 rúp, xem giá một lượt thì vừa may đủ mua cái vỏ hộ chiếu có hình World Cup màu đỏ nhưng cái máy bán hàng dở chứng chê tiền (hay là trước giờ vẫn thế?) ai đút tiền vào nó lại nhả ra, thử bấm nút kiểu gì cũng không bán, trả thẻ cũng không chịu. Mấy ông Trung Quốc cuối cùng vỗ vai mình bảo đại ý là thôi số mệnh đã an bài, chú đừng có cố nữa, về Trung Quốc chú thích mua gì anh đặt mua cho chú đủ bộ World Cup. Đành lủi thủi lên máy bay và về đặt hàng taobao sau vậy.

IMG_2508.JPG

Tạm biệt Mát-xcơ-va. Tạm biệt nước Nga. Hàng chữ Ga hàng hóa của sân bay sáng rực phía xa trong ánh hoàng hôn.
 
Hehe thực ra việc tàu phải lập mô hình tính bài bản và nó phải chở hàng đc như trans siberia nước nga. Như bác @adamantan viết về nc nga vậy bác. 3-4 đầu máy kéo mấy nghìn tấn hàng thì vậy mới co lãi được :3 tự nhiên sẽ giảm bớt container thôi. Cái này về lâu về dài vẫn nên nhưng chưa có đủ điện thì còn lâu lắm. Em vẫn mong 1 ngày nào đó có tàu thôi để ra ngoại ô ở cho khỏe :3
 
3-4 đầu máy kéo mấy nghìn tấn hàng thì vậy mới có lãi được :3 tự nhiên sẽ giảm bớt container thôi. Cái này về lâu về dài vẫn nên nhưng chưa có đủ điện thì còn lâu lắm. Em vẫn mong 1 ngày nào đó có tàu thôi để ra ngoại ô ở cho khỏe :3

Đúng rồi bác, tàu đường dài thì chỉ cần chạy chậm và kéo hàng là chính. Tàu đi nhanh hơn 200 km/h thì không kéo hàng được. Vì vậy việc cần làm là nâng cấp đường ray 1435 từ Lạng Sơn cho đến tận Cần Thơ. Bao nhiêu nông sản từ miền Nam ngồi tàu một mạch đến tận Trung Quốc đỡ khổ sở, vất vả, nguy hiểm cho hàng nghìn con người từ lái xe container cho đến người dân sống bên quốc lộ, hay ngay cả những người ngày đêm vá những con đường còng lưng chịu tải trọng quá mức. Đồng chí Kim Jong Un sợ chết nên đi tàu hỏa mà cũng không dám đi nốt đoạn cuối từ Đồng Đăng về Hà Nội dù cùng khổ 1435 đủ biết cái đường ray nó lởm thế nào.
Còn việc bác muốn ra ngoại ô là việc khác, đấy là đường sắt đô thị, khoản này thì dù có là thần thánh phương nào làm tại Việt Nam thì cũng chậm tiến độ thôi, hiện tại chúng ta đang có ba ông: Trung Quốc, Nhật, Pháp làm ba tuyến đường sắt đô thị, cùng chờ xem ông nào sẽ chạy trước.
 
Chia tay Moskva trong ánh chiều tà đầy lưu luyến. Quả là: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - khi ta đi đất bỗng bán ra tiền, à quên... hóa tâm hồn
 
Last edited:
27. Vĩ thanh (hay là chuyện về cái kết không có hậu rồi lại thành có hậu)
Đang lơ mơ ngủ trên máy bay thì thấy có tiếng xôn xao, giọng kêu hốt hoảng và các em tiếp viên xinh đẹp chạy rầm rập từ dưới đuôi máy bay lên. Em vuốt mặt một cái và lầm bầm: "Lại cái kiếp nạn gì đến với mình nữa đây, đi máy bay Trung Quốc mà giờ cũng bị khủng bố nữa hay sao?"

IMG_2809.JPG

Trong bóng tối lờ mờ chỉ thấy lưng em tiếp viên và tiếng người ngã huỳnh huỵch, có lẽ các em đều đã qua huấn luyện công phu (kungfu) và hạ gục được tên khủng bố rồi chăng? Em ngồi yên, không dám hiếu kỳ gì, ăn đạn lạc thì hết đòi tiền bảo hiểm.

IMG_2810.JPG

"Tên khủng bố" cao lớn, gạt các em tiếp viên ra rồi cố đi lảo đảo và ngã bịch xuống chân em.


Hóa ra là một bác gái người Nga, có lẽ do choáng hay say máy bay sao đó mà không tỉnh táo, các em tiếp viên giữ lại nhưng vẫn cố đi và cuối cùng ngã bất tỉnh. May là mười phút sau, lắc vai chán chê thì bác ngồi dậy được, chứ không thì máy bay đã phải hạ cánh xuống chỗ đồng không mông quạnh nào đó rồi. Hú vía! Đúng kiểu Trung Quốc, ưu tiên đảm bảo ổn định là trên hết, không cần thông báo trên loa là cần sự trợ giúp y tế, miễn không gây hoang mang cho dân chúng là được, đến Bản triều Airlines có lần em đi còn phải thông báo trên máy bay là cần sự trợ giúp y tế, ai biết thì giơ tay lên.

IMG_2515.JPG

Sáng hôm sau, máy bay hạ thấp độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay Bạch Vân, Quảng Đông. Nông thôn Trung Quốc hiện ra với các làng mạc. Phải nói người Trung Quốc rất tiết kiệm, các ngôi nhà trong làng đều xây rất cao tầng, để chừa diện tích tối đa làm nông nghiệp, các tòa nhà chỉ xây thô, không trát vữa, số ít mới sơn tường và sơn mái tầng tum

IMG_2516.JPG

Hệ thống đường cao tốc quá ấn tượng, hàng chục cây số nằm trên cao. Các cánh đồng với nhà lưới trải dài ngút tầm mắt

IMG_2520.JPG

Hành lý chạy ra khỏi băng chuyền mới hiểu vì sao hãng China Southern này thất lạc hành lý nhiều như vậy.


80% số hành lý có thêm cái nhãn màu hồng ghi TRANSIT, nghĩa là hành lý còn đi tiếp, đọc qua nhãn thì thấy Phúc Châu, Sán Đầu là những thành phố lớn còn ti tỉ các thành phố "bé" không biết tên khác. CZ là hãng lớn có nhiều đường bay quốc tế, khi về đến đây mới chia bớt khách cho các hãng nhỏ nội địa. Khi lên máy bay, nhìn tập cuống vé mà các bạn nhân viên xé vé đặt trên bàn mới thấy cả vài chục loại vé to nhỏ đủ màu khác nhau của các chuyến codeshare. Em cố đợi xem có thấy hành lý của mình ra không nhưng không thấy, chắc là transit quốc tế thì đi cửa khác chăng, em tự trấn an. Đến lúc chiều, trước khi lên máy bay đi Úc, em cẩn thận tìm đến quầy trung tâm của China Southern để xác nhận xem hành lý của mình đã lên máy bay chưa, nhấn mạnh rằng em đã từng bị mất hành lý một lần, em nhân viên hí hoáy một lúc trên máy tính rồi nói chắc nịch: các đồng chí cứ yên tâm, hành lý đã lên máy bay chuẩn bị vượt biên đi Úc rồi ạ. Thế em mới thở phào nhẹ nhõm.

Giữa buổi sáng và buổi tối bay là 8 tiếng transit nên có tiêu chuẩn ở khách sạn. 1 tiếng xuất cảnh, 0.5 tiếng ra đến xe, 0.5 đi đến khách sạn rìa thành phố, có xe đón phải ra sân bay sớm 3.5 tiếng, thế là cuối cùng còn được đúng 2.5 tiếng nghỉ (!?) Trên máy bay xóc nhiều, lại thêm vụ "khủng bố" nên đến đây em ngủ luôn một mạch hết 2 tiếng. Trước khi vào khách sạn em đã tia thấy hàng cơm bụi có 12 tệ/suất (39 nghìn VND) ngay cổng nhưng lúc nhìn thấy nhà hàng của khách sạn quảng cáo cơm trưa có 17 tệ/suất (55 nghìn VND) nên em gọi luôn. Ngồi ăn giữa đại sảnh khách sạn vắng tanh, hoành tráng vãi, lại có bồi bàn đẩy xe thức ăn đến như VIP.

IMG_2812.JPG

Cơm thịt kho tàu đúng kiểu Tàu và bát canh không người lái. Thịt kho rất ngon mỗi tội đĩa bị mẻ và không có đũa, chắc người ta nghĩ mình Tây rau muống không ăn đũa!

IMG_2816.JPG

Bệ xí trong sân bay là hàng nội địa thể hiện tinh thần tự lực tự cường của Trung Quốc, theo tư duy của Liên Xô, gi gỉ gì gi cái gì cũng phải tự làm hết, muốn khác biệt nên trông kì cục vô cùng. Cái bệ xí người ta luôn muốn thiết kế bằng những đường cong để hạn chế sứt mẻ, tiết kiệm không gian, tránh va vào chân, giảm chi phí mài góc nhọn, không phải tự nhiên mà cái bệ xí ở nước nào cũng thiết kế giống nhau như thế. Đây mấy ông Trung Quốc tự sáng tạo ra cái bệ xí hình vuông cồng kềnh, và lỗ thoát nước thì bé nên nước xả thoát chậm, dềnh lên, đúng là còn phải học nhiều lắm, quan trọng là phải bỏ cái tư duy "ta đây phải khác" đi.


Chuyến bay về Úc êm ả hơn dự kiến. Về đến Úc, anh immigration ngồi trên bục cao cười niềm nở mới biết là về đến nhà. Đang đứng đợi hành lý trên băng chuyền thì nghe như sét đánh bên tai: "Xin mời chị Thị AB Nguyễn ra quầy hành lý thất lạc có việc cần". Ra đến quầy, chị nhân viên vui vẻ: "Em mất một kiện. China Southern hả? Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà, về đợi từ 3-5 ngày em nhé." rồi nhanh chóng viết cho cái mã hành lý thất lạc và xua đi để giải quyết cho 5 người khác cùng chuyến. 3 ngày rồi 5 ngày rồi 7 ngày không thấy gì liền điện cho sân bay, sân bay đùn cho hãng, gọi hãng lại đùn cho đại diện của hãng tại sân bay, đại diện của hãng tại sân bay nói phải điện về Trung Quốc. Hãng hẹn 21 ngày (!!!).

21 ngày rồi cũng hết và biệt vô âm tín, lên văn phòng đại diện của hãng ở Úc cũng không biết gì, lại quay vòng một lượt, cuối cùng nó lại gửi cho một cái đơn khai báo mất. Dùng dằng thêm một tuần nữa thì đại diện hãng email quy vali ra thóc: 22 kg x 30 đô Úc = 660 đô Úc. Họ bắt em kí hóa đơn nhận tiền và các bác biết gì không? Nó lại hẹn tiền sẽ đến trong vòng 21 ngày nữa! Đ** **. Đúng 19 ngày sau em mới nhận được tiền, gần 2 tháng từ ngày hạ cánh, quan trọng là phải giục như giục đò còn không nó cứ lờ đi. Nhận tiền chua xót đã đành, nhưng quan trọng là mất hết đồ đạc và quà lưu niệm. Thế nào lại đề phòng cầm theo con lật đật to trên tay, con lật đật bé giờ mất, may mà cảnh giác không nghe theo lời mấy đứa nói dối như cuội ở sân bay Quảng Châu.

Chuyện buồn cười nhất là một ngày đẹp trời tháng 7 năm 2019, đúng một năm sau ngày đi Nga về, mẹ vợ em điện ở Việt Nam sang: "Con ơi, có người ở Tân Sơn Nhất gọi mẹ lên lấy vali của chuyến bay từ Nga đi Quảng Châu". Hai vợ chồng vừa buồn cười vừa bán tín bán nghi bởi mấy lẽ:
- Em bay từ Úc đi Nga, quá cảnh ở Trung Quốc, chẳng liên quan gì đến Việt Nam, thế sao cái vali lại lòi ra ở Việt Nam?
- Tại sao họ lại có số điện thoại của mẹ vợ em ở TPHCM để gọi
Mẹ em nghe điện thì không hiểu đầu cua tai nheo thế nào nên cũng không hỏi rõ, chỉ biết họ hẹn là sẽ gửi email chi tiết (mà email nào?), gọi lại vào số đấy thì không ai nghe máy.
Bố vợ em đi máy bay hơn 20 năm (nhưng) chưa bao giờ thất lạc hành lý nên kết luận: bọn này lừa đảo. Nhưng em nghĩ mãi cũng không hiểu là lừa đảo kiểu gì được, hay là lên lấy hành lý thì họ sẽ đòi tiền. Bố em quyết định lên sân bay Tân Sơn Nhất để hỏi cho ra nhẽ. Câu trả lời của quầy hành lý thất lạc là làm gì có vali nào, nếu có hành lý thất lạc thì hãng China Southern sẽ thông báo ngay cho chúng cháu, bố lại gặp đại diện hãng China Southern cũng nói y như vậy. Thế là bố ra về với niềm tin chắc thắng rằng đó là bọn lừa đảo.

Một tuần sau người ta lại gọi lên lấy vali, lần này thì bố nghe điện và ghi chép thông tin cẩn thận để quả này bắt tận tay, day tận trán bọn lừa đảo. Cuối cùng bố lên sân bay thì... nhận được vali thật! Đây là người trong KHO hành lý thất lạc gọi, KHÔNG PHẢI người ở QUẦY hành lý thất lạc. Nên các bác đừng có tin gì mấy bạn ở sân bay ạ, nói như đinh đóng cột nhưng thật ra không nắm được thông tin gì. Họ nói rằng bên Trung Quốc gửi về vì trong ngăn ngoài cùng của hành lý có một tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của mẹ vợ em. Là do một lần về Việt Nam em dán lên vali, xong bóc ra nhét vào ngăn đó. Thế là họ dựa vào tờ giấy chứ họ cần biết đếch gì mã sân bay với chả mã vạch hành lý. Ở những sân bay chuyên nghề transit như Changi hay Heathrow, họ phân loại hành lý tự động bằng máy, qua cửa quét mã vạch là hành lý tự chuyển đến đúng máy bay đi sân bay nào nên mới trơn tru, còn làm kiểu thủ công, kiếm tra bằng tay này thì còn muôn đời thất lạc.

Vậy nên, kinh nghiệm rút ra trong lần này (bố em bảo, cái trò đi máy bay này, đi bao nhiêu lần là thêm bấy nhiêu kinh nghiệm, học không bao giờ đủ): Luôn luôn có địa chỉ và số điện thoại dán thật kĩ lên vali, đeo nhãn (có địa chỉ và số điện thoại) cố định lên quai vali, bỏ cả trong ngăn ngoài vali với địa chỉ ở cả Việt Nam và nước ngoài. Dĩ nhiên tình huống này cũng là hi hữu, nhận lại được sau một năm, đội ở sân bay bảo thế. Em thì vẫn không thực sự hiểu tại sao, ngay khi đến Úc họ đã biết vali bị mất và sau một năm thì lại trả lại, chả có nhẽ an ninh Trung Quốc họ nghi ngờ chúng em làm tình báo cho Nga nên giữ vali lại kiểm tra, còn nhớ lúc vợ em kiểm tra an ninh lên máy bay, an ninh Trung Quốc giữ lại lâu ơi là lâu mà không biết tại sao. Lúc mất vali, ngay cả mấy đứa Trung Quốc ở chỗ làm cũng bảo, bọn khuôn vác ở sân bay ăn cắp rồi, thế mà giờ trở về nguyên vẹn. THẬT KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC.

Cuối cùng thì mẹ cũng nhặt được con lật đật nhỏ ra trong một cái vali như một khu rừng thu nhỏ. Mốc trên yến mạch dài hàng gang tay, hai túi nho khô có nấm mọc thành bụi, son phấn của vợ em mốc thành đủ bảy sắc cầu vồng, cả hệ sinh thái trong một phòng thí nghiệm kín một năm trời. Riêng có cái áo dài tân thời bằng lụa và cái váy nhung thì mua đắt tiền nên lấy ra ướp xà phòng ba lần, tẩm nước xả ba lần, giặt ba lần, phơi nắng ba lần xong xịt nước hoa cho tiệt trùng thì vẫn dùng được. Thật là một cái kết có hậu cho một chuyến đi bão táp của thời thanh niên sôi nổi, phải không các bác?
 
Last edited:
Đúng rồi bác, tàu đường dài thì chỉ cần chạy chậm và kéo hàng là chính. Tàu đi nhanh hơn 200 km/h thì không kéo hàng được. Vì vậy việc cần làm là nâng cấp đường ray 1435 từ Lạng Sơn cho đến tận Cần Thơ. Bao nhiêu nông sản từ miền Nam ngồi tàu một mạch đến tận Trung Quốc đỡ khổ sở, vất vả, nguy hiểm cho hàng nghìn con người từ lái xe container cho đến người dân sống bên quốc lộ, hay ngay cả những người ngày đêm vá những con đường còng lưng chịu tải trọng quá mức. Đồng chí Kim Jong Un sợ chết nên đi tàu hỏa mà cũng không dám đi nốt đoạn cuối từ Đồng Đăng về Hà Nội dù cùng khổ 1435 đủ biết cái đường ray nó lởm thế nào.
Còn việc bác muốn ra ngoại ô là việc khác, đấy là đường sắt đô thị, khoản này thì dù có là thần thánh phương nào làm tại Việt Nam thì cũng chậm tiến độ thôi, hiện tại chúng ta đang có ba ông: Trung Quốc, Nhật, Pháp làm ba tuyến đường sắt đô thị, cùng chờ xem ông nào sẽ chạy trước.
em tham gia mấy clb đường sắt thì mấy ông duy tu bảo nếu h mà kéo kiểu mấy nghìn tấn kiểu đấy phải làm hạ tầng từ đầu chứ không đường cầu nào chịu nổi như nước ngoài thành ra làm hạ tầng từ đầu chắc mút mùa
 
em tham gia mấy clb đường sắt thì mấy ông duy tu bảo nếu h mà kéo kiểu mấy nghìn tấn kiểu đấy phải làm hạ tầng từ đầu chứ không đường cầu nào chịu nổi như nước ngoài thành ra làm hạ tầng từ đầu chắc mút mùa

Hạ tầng chỉ có nâng cấp chứ có gì mà phải làm từ đầu đâu bác. Như tuyến Hà Nội - Đồng Đăng có đường ray lồng, nghĩa là cả khổ 1m và 1m435 cùng lúc, chỉ thêm một thanh ray thôi. Nếu có nâng cấp toàn bộ đường sắt lên 1435 đi chăng nữa thì chắc chắn cũng không tốn tiền vô ích như việc làm đường sắt cao tốc, "làm hạ tầng từ đâu" trên cơ sở đường ray cũ thì không mất tiền giải phóng mặt bằng làm đường ray cao tốc mới toanh, không phải xây một loạt ga mới, cầu đường sắt mới. Nếu nâng cấp thì mất nhiều lắm là 20 tỷ USD, đấy là tất tính cả các loại đội vốn (thực tế khoảng 7-8 tỷ đô), cũng chỉ bằng 1/3 cái đường sắt cao tốc mà bọn Nhật nó đang cộng thêm lãi 30% gói thầu. Quan trọng hơn là sau này có muốn làm tàu cao tốc thì có sẵn đường ray 1435 rồi, có tiền là mua tàu cho chạy thôi.

Có điều ý kiến "mút mùa" của bác là chuẩn. Đời này chắc em với bác không có cái diễm phúc đi đoàn tàu nhanh đâu chứ đừng nói là cao tốc.

Cái ông Trần Đình Bá này chỉ phải tội mạo nhận "tiến sĩ" chứ ý kiến của ông ấy rất hợp lý, ngay Bộ GTVT cũng nhiều lần phải "nghiên cứu" các ý kiến ông ấy đưa ra: http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van...-sat-cao-toc---Mot-du-an-chua-thuc-te-294434/
 
Hạ tầng chỉ có nâng cấp chứ có gì mà phải làm từ đầu đâu bác. Như tuyến Hà Nội - Đồng Đăng có đường ray lồng, nghĩa là cả khổ 1m và 1m435 cùng lúc, chỉ thêm một thanh ray thôi. Nếu có nâng cấp toàn bộ đường sắt lên 1435 đi chăng nữa thì chắc chắn cũng không tốn tiền vô ích như việc làm đường sắt cao tốc, "làm hạ tầng từ đâu" trên cơ sở đường ray cũ thì không mất tiền giải phóng mặt bằng làm đường ray cao tốc mới toanh, không phải xây một loạt ga mới, cầu đường sắt mới. Nếu nâng cấp thì mất nhiều lắm là 20 tỷ USD, đấy là tất tính cả các loại đội vốn (thực tế khoảng 7-8 tỷ đô), cũng chỉ bằng 1/3 cái đường sắt cao tốc mà bọn Nhật nó đang cộng thêm lãi 30% gói thầu. Quan trọng hơn là sau này có muốn làm tàu cao tốc thì có sẵn đường ray 1435 rồi, có tiền là mua tàu cho chạy thôi.

Có điều ý kiến "mút mùa" của bác là chuẩn. Đời này chắc em với bác không có cái diễm phúc đi đoàn tàu nhanh đâu chứ đừng nói là cao tốc.

Cái ông Trần Đình Bá này chỉ phải tội mạo nhận "tiến sĩ" chứ ý kiến của ông ấy rất hợp lý, ngay Bộ GTVT cũng nhiều lần phải "nghiên cứu" các ý kiến ông ấy đưa ra: http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van...-sat-cao-toc---Mot-du-an-chua-thuc-te-294434/
Làm hạ tầng vào thẳng nội độ rồi kéo mạng lưới đi khắp chắc còn lâu lắm trừ khi làm trên cao bác. Mà xác định mấy năm đầu làm chỉ có lỗ từ từ mới lời được. Thêm 1 vấn đề là tàu mình hay đi qua thành phố mà dân mình cứ tiện lợi thành ra tai nạn. CHừ đại gia nào yêu nước thương dân làm thì cũng ghê đó. Bọn nhật ảo lòi bỏ mẹ :V bến thành suối tiên làm miết chưa thấy mặt. Thwujc ra mấy ông trên biết ấy chứ mà cứ loay hoay.
 
Hạ tầng chỉ có nâng cấp chứ có gì mà phải làm từ đầu đâu bác. Như tuyến Hà Nội - Đồng Đăng có đường ray lồng, nghĩa là cả khổ 1m và 1m435 cùng lúc, chỉ thêm một thanh ray thôi. Nếu có nâng cấp toàn bộ đường sắt lên 1435 đi chăng nữa thì chắc chắn cũng không tốn tiền vô ích như việc làm đường sắt cao tốc, "làm hạ tầng từ đâu" trên cơ sở đường ray cũ thì không mất tiền giải phóng mặt bằng làm đường ray cao tốc mới toanh, không phải xây một loạt ga mới, cầu đường sắt mới. Nếu nâng cấp thì mất nhiều lắm là 20 tỷ USD, đấy là tất tính cả các loại đội vốn (thực tế khoảng 7-8 tỷ đô), cũng chỉ bằng 1/3 cái đường sắt cao tốc mà bọn Nhật nó đang cộng thêm lãi 30% gói thầu. Quan trọng hơn là sau này có muốn làm tàu cao tốc thì có sẵn đường ray 1435 rồi, có tiền là mua tàu cho chạy thôi.

Có điều ý kiến "mút mùa" của bác là chuẩn. Đời này chắc em với bác không có cái diễm phúc đi đoàn tàu nhanh đâu chứ đừng nói là cao tốc.

Cái ông Trần Đình Bá này chỉ phải tội mạo nhận "tiến sĩ" chứ ý kiến của ông ấy rất hợp lý, ngay Bộ GTVT cũng nhiều lần phải "nghiên cứu" các ý kiến ông ấy đưa ra: http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van...-sat-cao-toc---Mot-du-an-chua-thuc-te-294434/
em cũng có cơ hội đi nc ngoài nhiều nên sướng tàu cao tốc bác ạ :3 mê
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,424
Bài viết
1,175,778
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top