27. Vĩ thanh (hay là chuyện về cái kết không có hậu rồi lại thành có hậu)
Đang lơ mơ ngủ trên máy bay thì thấy có tiếng xôn xao, giọng kêu hốt hoảng và các em tiếp viên xinh đẹp chạy rầm rập từ dưới đuôi máy bay lên. Em vuốt mặt một cái và lầm bầm: "Lại cái kiếp nạn gì đến với mình nữa đây, đi máy bay Trung Quốc mà giờ cũng bị khủng bố nữa hay sao?"
Trong bóng tối lờ mờ chỉ thấy lưng em tiếp viên và tiếng người ngã huỳnh huỵch, có lẽ các em đều đã qua huấn luyện công phu (kungfu) và hạ gục được tên khủng bố rồi chăng? Em ngồi yên, không dám hiếu kỳ gì, ăn đạn lạc thì hết đòi tiền bảo hiểm.
"Tên khủng bố" cao lớn, gạt các em tiếp viên ra rồi cố đi lảo đảo và ngã bịch xuống chân em.
Hóa ra là một bác gái người Nga, có lẽ do choáng hay say máy bay sao đó mà không tỉnh táo, các em tiếp viên giữ lại nhưng vẫn cố đi và cuối cùng ngã bất tỉnh. May là mười phút sau, lắc vai chán chê thì bác ngồi dậy được, chứ không thì máy bay đã phải hạ cánh xuống chỗ đồng không mông quạnh nào đó rồi. Hú vía! Đúng kiểu Trung Quốc, ưu tiên đảm bảo ổn định là trên hết, không cần thông báo trên loa là cần sự trợ giúp y tế, miễn không gây hoang mang cho dân chúng là được, đến Bản triều Airlines có lần em đi còn phải thông báo trên máy bay là cần sự trợ giúp y tế, ai biết thì giơ tay lên.
Sáng hôm sau, máy bay hạ thấp độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay Bạch Vân, Quảng Đông. Nông thôn Trung Quốc hiện ra với các làng mạc. Phải nói người Trung Quốc rất tiết kiệm, các ngôi nhà trong làng đều xây rất cao tầng, để chừa diện tích tối đa làm nông nghiệp, các tòa nhà chỉ xây thô, không trát vữa, số ít mới sơn tường và sơn mái tầng tum
Hệ thống đường cao tốc quá ấn tượng, hàng chục cây số nằm trên cao. Các cánh đồng với nhà lưới trải dài ngút tầm mắt
Hành lý chạy ra khỏi băng chuyền mới hiểu vì sao hãng China Southern này thất lạc hành lý nhiều như vậy.
80% số hành lý có thêm cái nhãn màu hồng ghi TRANSIT, nghĩa là hành lý còn đi tiếp, đọc qua nhãn thì thấy Phúc Châu, Sán Đầu là những thành phố lớn còn ti tỉ các thành phố "bé" không biết tên khác. CZ là hãng lớn có nhiều đường bay quốc tế, khi về đến đây mới chia bớt khách cho các hãng nhỏ nội địa. Khi lên máy bay, nhìn tập cuống vé mà các bạn nhân viên xé vé đặt trên bàn mới thấy cả vài chục loại vé to nhỏ đủ màu khác nhau của các chuyến codeshare. Em cố đợi xem có thấy hành lý của mình ra không nhưng không thấy, chắc là transit quốc tế thì đi cửa khác chăng, em tự trấn an. Đến lúc chiều, trước khi lên máy bay đi Úc, em cẩn thận tìm đến quầy trung tâm của China Southern để xác nhận xem hành lý của mình đã lên máy bay chưa, nhấn mạnh rằng em đã từng bị mất hành lý một lần, em nhân viên hí hoáy một lúc trên máy tính rồi nói chắc nịch: các đồng chí cứ yên tâm, hành lý đã lên máy bay chuẩn bị vượt biên đi Úc rồi ạ. Thế em mới thở phào nhẹ nhõm.
Giữa buổi sáng và buổi tối bay là 8 tiếng transit nên có tiêu chuẩn ở khách sạn. 1 tiếng xuất cảnh, 0.5 tiếng ra đến xe, 0.5 đi đến khách sạn rìa thành phố, có xe đón phải ra sân bay sớm 3.5 tiếng, thế là cuối cùng còn được đúng 2.5 tiếng nghỉ (!?) Trên máy bay xóc nhiều, lại thêm vụ "khủng bố" nên đến đây em ngủ luôn một mạch hết 2 tiếng. Trước khi vào khách sạn em đã tia thấy hàng cơm bụi có 12 tệ/suất (39 nghìn VND) ngay cổng nhưng lúc nhìn thấy nhà hàng của khách sạn quảng cáo cơm trưa có 17 tệ/suất (55 nghìn VND) nên em gọi luôn. Ngồi ăn giữa đại sảnh khách sạn vắng tanh, hoành tráng vãi, lại có bồi bàn đẩy xe thức ăn đến như VIP.
Cơm thịt kho tàu đúng kiểu Tàu và bát canh không người lái. Thịt kho rất ngon mỗi tội đĩa bị mẻ và không có đũa, chắc người ta nghĩ mình Tây rau muống không ăn đũa!
Bệ xí trong sân bay là hàng nội địa thể hiện tinh thần tự lực tự cường của Trung Quốc, theo tư duy của Liên Xô, gi gỉ gì gi cái gì cũng phải tự làm hết, muốn khác biệt nên trông kì cục vô cùng. Cái bệ xí người ta luôn muốn thiết kế bằng những đường cong để hạn chế sứt mẻ, tiết kiệm không gian, tránh va vào chân, giảm chi phí mài góc nhọn, không phải tự nhiên mà cái bệ xí ở nước nào cũng thiết kế giống nhau như thế. Đây mấy ông Trung Quốc tự sáng tạo ra cái bệ xí hình vuông cồng kềnh, và lỗ thoát nước thì bé nên nước xả thoát chậm, dềnh lên, đúng là còn phải học nhiều lắm, quan trọng là phải bỏ cái tư duy "ta đây phải khác" đi.
Chuyến bay về Úc êm ả hơn dự kiến. Về đến Úc, anh immigration ngồi trên bục cao cười niềm nở mới biết là về đến nhà. Đang đứng đợi hành lý trên băng chuyền thì nghe như sét đánh bên tai: "Xin mời chị Thị AB Nguyễn ra quầy hành lý thất lạc có việc cần". Ra đến quầy, chị nhân viên vui vẻ: "Em mất một kiện. China Southern hả? Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà, về đợi từ 3-5 ngày em nhé." rồi nhanh chóng viết cho cái mã hành lý thất lạc và xua đi để giải quyết cho 5 người khác cùng chuyến. 3 ngày rồi 5 ngày rồi 7 ngày không thấy gì liền điện cho sân bay, sân bay đùn cho hãng, gọi hãng lại đùn cho đại diện của hãng tại sân bay, đại diện của hãng tại sân bay nói phải điện về Trung Quốc. Hãng hẹn 21 ngày (!!!).
21 ngày rồi cũng hết và biệt vô âm tín, lên văn phòng đại diện của hãng ở Úc cũng không biết gì, lại quay vòng một lượt, cuối cùng nó lại gửi cho một cái đơn khai báo mất. Dùng dằng thêm một tuần nữa thì đại diện hãng email quy vali ra thóc: 22 kg x 30 đô Úc = 660 đô Úc. Họ bắt em kí hóa đơn nhận tiền và các bác biết gì không? Nó lại hẹn tiền sẽ đến trong vòng 21 ngày nữa! Đ** **. Đúng 19 ngày sau em mới nhận được tiền, gần 2 tháng từ ngày hạ cánh, quan trọng là phải giục như giục đò còn không nó cứ lờ đi. Nhận tiền chua xót đã đành, nhưng quan trọng là mất hết đồ đạc và quà lưu niệm. Thế nào lại đề phòng cầm theo con lật đật to trên tay, con lật đật bé giờ mất, may mà cảnh giác không nghe theo lời mấy đứa nói dối như cuội ở sân bay Quảng Châu.
Chuyện buồn cười nhất là một ngày đẹp trời tháng 7 năm 2019, đúng một năm sau ngày đi Nga về, mẹ vợ em điện ở Việt Nam sang: "Con ơi, có người ở Tân Sơn Nhất gọi mẹ lên lấy vali của chuyến bay từ Nga đi Quảng Châu". Hai vợ chồng vừa buồn cười vừa bán tín bán nghi bởi mấy lẽ:
- Em bay từ Úc đi Nga, quá cảnh ở Trung Quốc, chẳng liên quan gì đến Việt Nam, thế sao cái vali lại lòi ra ở Việt Nam?
- Tại sao họ lại có số điện thoại của mẹ vợ em ở TPHCM để gọi
Mẹ em nghe điện thì không hiểu đầu cua tai nheo thế nào nên cũng không hỏi rõ, chỉ biết họ hẹn là sẽ gửi email chi tiết (mà email nào?), gọi lại vào số đấy thì không ai nghe máy.
Bố vợ em đi máy bay hơn 20 năm (nhưng) chưa bao giờ thất lạc hành lý nên kết luận: bọn này lừa đảo. Nhưng em nghĩ mãi cũng không hiểu là lừa đảo kiểu gì được, hay là lên lấy hành lý thì họ sẽ đòi tiền. Bố em quyết định lên sân bay Tân Sơn Nhất để hỏi cho ra nhẽ. Câu trả lời của quầy hành lý thất lạc là làm gì có vali nào, nếu có hành lý thất lạc thì hãng China Southern sẽ thông báo ngay cho chúng cháu, bố lại gặp đại diện hãng China Southern cũng nói y như vậy. Thế là bố ra về với niềm tin chắc thắng rằng đó là bọn lừa đảo.
Một tuần sau người ta lại gọi lên lấy vali, lần này thì bố nghe điện và ghi chép thông tin cẩn thận để quả này bắt tận tay, day tận trán bọn lừa đảo. Cuối cùng bố lên sân bay thì... nhận được vali thật! Đây là người trong KHO hành lý thất lạc gọi, KHÔNG PHẢI người ở QUẦY hành lý thất lạc. Nên các bác đừng có tin gì mấy bạn ở sân bay ạ, nói như đinh đóng cột nhưng thật ra không nắm được thông tin gì. Họ nói rằng bên Trung Quốc gửi về vì trong ngăn ngoài cùng của hành lý có một tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của mẹ vợ em. Là do một lần về Việt Nam em dán lên vali, xong bóc ra nhét vào ngăn đó. Thế là họ dựa vào tờ giấy chứ họ cần biết đếch gì mã sân bay với chả mã vạch hành lý. Ở những sân bay chuyên nghề transit như Changi hay Heathrow, họ phân loại hành lý tự động bằng máy, qua cửa quét mã vạch là hành lý tự chuyển đến đúng máy bay đi sân bay nào nên mới trơn tru, còn làm kiểu thủ công, kiếm tra bằng tay này thì còn muôn đời thất lạc.
Vậy nên, kinh nghiệm rút ra trong lần này (bố em bảo, cái trò đi máy bay này, đi bao nhiêu lần là thêm bấy nhiêu kinh nghiệm, học không bao giờ đủ): Luôn luôn có địa chỉ và số điện thoại dán thật kĩ lên vali, đeo nhãn (có địa chỉ và số điện thoại) cố định lên quai vali, bỏ cả trong ngăn ngoài vali với địa chỉ ở cả Việt Nam và nước ngoài. Dĩ nhiên tình huống này cũng là hi hữu, nhận lại được sau một năm, đội ở sân bay bảo thế. Em thì vẫn không thực sự hiểu tại sao, ngay khi đến Úc họ đã biết vali bị mất và sau một năm thì lại trả lại, chả có nhẽ an ninh Trung Quốc họ nghi ngờ chúng em làm tình báo cho Nga nên giữ vali lại kiểm tra, còn nhớ lúc vợ em kiểm tra an ninh lên máy bay, an ninh Trung Quốc giữ lại lâu ơi là lâu mà không biết tại sao. Lúc mất vali, ngay cả mấy đứa Trung Quốc ở chỗ làm cũng bảo, bọn khuôn vác ở sân bay ăn cắp rồi, thế mà giờ trở về nguyên vẹn. THẬT KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC.
Cuối cùng thì mẹ cũng nhặt được con lật đật nhỏ ra trong một cái vali như một khu rừng thu nhỏ. Mốc trên yến mạch dài hàng gang tay, hai túi nho khô có nấm mọc thành bụi, son phấn của vợ em mốc thành đủ bảy sắc cầu vồng, cả hệ sinh thái trong một phòng thí nghiệm kín một năm trời. Riêng có cái áo dài tân thời bằng lụa và cái váy nhung thì mua đắt tiền nên lấy ra ướp xà phòng ba lần, tẩm nước xả ba lần, giặt ba lần, phơi nắng ba lần xong xịt nước hoa cho tiệt trùng thì vẫn dùng được. Thật là một cái kết có hậu cho một chuyến đi bão táp của thời thanh niên sôi nổi, phải không các bác?