Nhắc đến những chuyến đi, một điều rất quan trọng đó là bạn đồng hành. Bạn đồng hành có thể cho ta thêm hứng khởi, cũng có thể làm cho chuyến đi trở nên nhạt nhẽo và mất sự hào hứng. Bạn đồng hành là người thân quen thì tin cậy hơn, nhưng để có cùng một niềm đam mê, hợp nhau về tính cách, cùng một sở thích và cùng một chí hướng du phượt thì thật sự là không dễ. Chẳng hạn tôi thích đi chơi vãn cảnh, nhưng bạn tôi lại thích shopping, tôi thích Hạ Long nhưng bạn tôi thích Tam Cốc… thế thì chuyến đi đúng là mệt mỏi.
Tôi chưa có người bạn đồng hành nào thân quen thật sự như thế, kể cả cô bạn nối váy đã gắn bó với nhau gần 15 năm. Chuyến Sapa này tôi có khá nhiều bạn đồng hành kiểu chắp vá: ba cô chị đồng hương Sài Gòn – tuy đồng hương nhưng có vẻ kênh kiệu, ba cô người Hà Nội xí xô xí xào với 5 ông người Ấn Độ và một cô bằng tuổi đi chung với bạn trai người Hàn Quốc.
Tuy nhiên người tôi thân thiết nhất không phải 3 cô đồng hương Sài Gòn, mà lại là cô người Bắc bằng tuổi cùng đi với ông Hàn Quốc. Cô ấy tên Nguyệt, và đa phần các bức ảnh có mặt tôi ở Sapa này đều nhờ Nguyệt chụp giúp.
Bỏ qua những âm thanh náo loạn của nhóm các cô miền Bắc và các anh Ấn Độ kia, tôi lang thang vào bãi đá cổ. Đường khá lầy lội đến nỗi tôi suýt chôn chân trong bùn. Lang thang trong vùng này, sẽ dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ con lai, tóc vàng, mắt xanh. Có lẽ vì người H'mong làm hướng dẫn du lịch cho Tây ba lô khá nhiều và tiếng Anh của họ cũng rất tốt.
Tuy nhiên tôi vẫn thích những em bé H'mong bản địa, như em bé này đây, em không chào mời tôi mua bất cứ món hàng nào mà lại còn dắt tay tôi băng băng qua con đường lầy lội để đến bãi đá cổ. Em chìa tay tặng tôi vòng vải đeo tay và bảo “em tặng chị này”. Tôi hỏi thăm em có đi học không (vì thường những đứa trẻ vùng này khá lười học, chỉ bán những thứ lưu niệm kiếm sống), em bảo vì hôm nay là chủ nhật nên được nghỉ.
Bãi đá cổ đã hiện ra trong mắt, gần con suối Mường Hoa, là một minh chứng về sự xuất hiện của người tiền sử. Trên mặt các khối đá là những hoa văn kỳ lạ với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết... có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, những biểu tượng sinh sôi, nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Đây là di sản của cư dân người Việt cổ. Tuy nhiên, thời điểm tôi đến chiêm ngưỡng thì bãi đá cổ đã xuống cấp khá nhiều, có lẽ phải nhờ “người thiên cổ” đọc giúp xem chữ trên đá có nghĩa là gì
Sapa lúc nào cũng thanh bình