What's new

[Chia sẻ] Du ký Mỹ: 60 ngày qua 12 thành phố

60 ngày trên đất Mỹ. Tôi đi qua 12 thành phố: New York, Los Angeles, San Jose, San Francisco, Miami, Seattle, Philadelphia, Atlantic City, Washington DC, Key West, Boston, Las Vegas và một vài điểm đến như Grand Canyon, biển Santa Cruz, biển Huntington, Rosemead, quận Cam... Tôi tiễn mùa thu lá vàng lá đỏ, chạm vào cái lạnh đầu đông của bờ Đông bờ Tây, chạm cả vào những bông tuyết đầu mua rơi lả tả khi đang đứng đợi chuyến xe buýt cuối ngày ở Boston. Lại là hành trình một mình, nhưng từng điểm đến tôi đã có những người bạn, những người anh em, hoặc thậm chí là những người lạ trên đường nhưng cuối cùng lại trở thành quen.
Năm 2013 khép lại bằng những đợt pháo bông trên bầu trời Los Angeles, người ta ôm nhau, nói lời chúc mừng để chào một năm mới. Tôi cũng khép lại hành trình để đợi một hành trình mới nhiều thú vị hơn. Nhưng bây giờ thì hãy quay ngược thời gian để ôn lại 60 ngày lang thang trên xứ cờ hoa, hành trình dài nhất của tôi và nhiều cảm xúc nhất của tôi...

Los Angeles - Thành phố của những thiên thần

Trong hàng trăm thành phố của nước Mỹ, tôi chọn Los Angeles là điểm đến đầu tiên để bắt đầu hành trình dài của mình. Tôi không biết, không biết tại sao mình lại chọn nơi này cả. Nhưng thấy rằng nó thân thuộc. Hay chỉ vì một cái tên: Los Angeles - Thành phố của những thiên thần. Thời đại này, có ai còn tin vào những thiên thần?

Chuyến bay vô cùng dài đáp đến phi trường Los Angeles sau khi quá cảnh ở Bắc Kinh làm đầu tôi nhức như búa bổ. Phần vì ngủ không được, phần vì xung quanh quá ồn ào với phần lớn hành khách là người Trung Quốc. Tôi kéo vội hành lý đến quầy làm thủ tục hải quan, chỉ mong mau mau thoát khỏi cái đám đông ồn ào này. Mới 5h sáng, sân bay còn rất vắng, có 3 nhân viên hải quan đang làm việc. Người thứ nhất là Mỹ đen, người thứ hai Mỹ trắng và người thứ ba là Châu Á. Tôi cầu trời cho mình không đụng nhân viên hải quan Châu Á vì thể nào anh ta cũng người Hoa, không biết có làm khó dễ gì mình không. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào tôi đi đúng vào quầy đó. Nhưng khi nhìn bảng tên thì tôi ngạc nhiên: TRINH. Có nghĩa anh tên Trịnh hoặc họ Trịnh gì đó, và chắc chắc là người Việt. Ô hay, tưởng xui lại hóa may. Anh hỏi bằng tiếng Việt rành rọt sau khi xem passport của tôi: Em đi qua đây làm gì? - Dạ du lịch. Em đi bao lâu? - Dạ lịch trình là 1 tháng, nhưng có thể kéo dài thêm. Em có bà con gì bên này không? - Dạ không! Em có bạn bè không? - Dạ có vài người bạn du học bên này. Em đi một mình hả? - Một mình. Rồi hỏi thêm vài câu gì nữa không nhớ, những không mang tính chất đánh đố như thiên hạ hay đồn thổi. Vậy thôi, passport được trả lại với cái dấu cho ở Mỹ 6 tháng. Trạm đầu tiên khá thuận lợi, tôi nghĩ thầm và nhanh chóng kéo hành lý ra khỏi đám đông...

Sân bay vắng lặng nhưng lại có rất nhiều cảnh sát. Mỹ lạ quá ta, đâu cũng thấy cảnh sát. Sau khi nhanh chóng tìm được một cái Starbucks nằm khiêm tốn trong một góc sân bay, tôi mở facebook ra để liên lạc với bạn ra đón thì nhận được tin động trời: Sáng hôm qua, có một thằng điên nào đó cầm súng vô sân bay nã đạn làm một người chết và nhiều người bị thương. Hèn chi mà cảnh sát nhiều như thế này, thấy tâm hồn dao động run run một chút. Nhưng cái sự háo hức lấn át tất cả. Nước Mỹ đang chờ đợi...
 

Attachments

  • 68877_10152168531791622_1807802516_n.jpg
    68877_10152168531791622_1807802516_n.jpg
    210.4 KB · Views: 3,829
  • 1521816_10152159543416622_465134887_n.jpg
    1521816_10152159543416622_465134887_n.jpg
    82.4 KB · Views: 1,330
  • 1531865_10152165252521622_1416433444_n.jpg
    1531865_10152165252521622_1416433444_n.jpg
    165.6 KB · Views: 309
  • 1551667_10152197047251622_975118254_n.jpg
    1551667_10152197047251622_975118254_n.jpg
    98.3 KB · Views: 300
Last edited:
Dạ em cảm ơn anh chị nhiều lắm, không biết nói thế nào nữa nhưng em gặp anh chị như những người thân lâu ngày không gặp vậy. Những câu chuyện của anh chị cũng khích lệ em rất nhiều. Hy vọng gặp chị sớm.
Em hiểu 4 câu thơ có ý gì đấy, vì tên chị rất đẹp :)

Đi để trải nghiệm, đi để trưởng thành, đi để nhận biết mình là ai? Đang ở đâu? Mình muốn gì? Đích đến của mình là đâu? Mỗi chuyến đi như mở ra một nút thắt, từng nút thắt được mở cho đến khi mình tự do. Tự do trong cách nghĩ, cách sống, cách thể hiện. Nhận ra cuộc đời này vốn vô thường, và mình biết chấp nhận, sống vui, khám phá, trải nghiệm từng ngày quý giá còn lại theo kiểu mình thích nhất. Vui, buồn, sướng, khổ đều là trải nghiệm.
Trần gian vui bước giang hồ
Thị phi ta mặc cốt sao an lành
Quỳnh hương cánh trắng mỏng manh
Châu về hợp phố ai đành lãng quên.
Cảm ơn Tâm.
 
Mình rất ngưỡng mộ cách viết và những phân tích tâm lý cũng như ứng xử của bạn...

Mình cũng đang ở Mỹ cùng thời điểm 11-2013 như bạn và có topic bên Box Châu Mỹ. Bạn vẫn có thể up lại hình để topic hoàn chỉnh và màu sắc hơn. Rất đáng trân trọng.
 
HOTEL CALIFORNIA

Người ta hay tưởng tượng những gì mình sẽ làm trong tương lai. Tôi thuộc dạng sến sẩm, lãng đãng, yêu âm nhạc một cách điên cuồng và hay suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra (hoặc không bao giờ xảy ra). Hồi đó, khi vô tình nghe một bài hát nào đó thì nghĩ rằng mình phải đặt nó ở đâu đó, nơi nó phải thuộc về. Ví dụ một buổi sáng đang ngồi ăn bánh sừng trâu ở New York mà nghe bài hát Breakfast in New York của Oppenheimer, chắc phê chết. Hoặc nếu ông trời có thương mò đến được Cali thì phải nghe cái bài bất hủ California của The Eagles trong một buổi đêm nằm một mình trong phòng khách sạn rẻ tiền nào đó. Tôi tin rằng mỗi bài hát đều có số mệnh của nó. Còn việc nghe và cảm nhận là việc của người nghe. Nhưng chỉ khi đặt thứ đó về đúng vị trí thì sự thăng hoa mới là hoàn hảo.
Ví dụ như bài Hotel California nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng cái cảm giác đặc biệt khi nghe giữa lòng Cali thật không thể nào tả hết. Nào giờ, khi nghe tiếng trống dồn dập của bài hát này và tiếng ghita dặt dìu, tôi đã nghĩ đó là một bài hát vui vẻ. Nhưng không. Hoàn toàn không. Trong một đêm dài giữa mùa đông nào đó, bên ngoài vắng lặng người. Sương phủ dày trên khoảng sân rộng của khách sạn nằm ở một góc nào đó của Los Angeles trên con đường hướng về Disneyland. Bên ngoài trời rất lạnh. Tôi trùm áo, ngồi trên bậc cầu thang, đeo tai nghe và nghe bài hát này. Giây phút đó, tôi biết rằng đây là một bài hát buồn và cô độc đến não nề. Cũng như người lữ khách trong bài hát, tôi đến Cali một ngày lạnh lẽo đó, ngồi trên bậc thềm nhìn ra khoảng sân rộng. Chắc chắn rồi tôi không bao giờ cố tình tạo kịch tính cho những hành động của mình. Đơn giản vì tôi muốn làm thế, và đặc biệt là những thứ tôi làm có ý nghĩa với bản thân mình, thế thôi.
Đó là đêm đầu tiên của tôi ở Mỹ. Nhiều khi tôi hay bần thần tự hỏi, làm sao có thể, tôi đang ngồi đây, nghe bài hát này ngay trên mảnh đất mà nó được tạo ra. Đương nhiên, cảm xúc có thể phai nhạt ít nhiều khi ta đã quen với một điều gì đó, nhưng cảm xúc ban đầu thì nó mạnh mẽ lắm. Đến độ, dù nhiều thứ mai một, thì có những cảm xúc tôi không bao giờ quên. Cái ớn lạnh giữa đêm, cái mệt pha lẫn phấn khích, cái mông lung đặc quánh mùi sương hay chỉ là cảm giác muốn rơi nước mắt vì những ước mơ to lớn này đã thành. Hay chỉ là cảm giác đang ngồi giữa khoảng sân vàng vọt ánh đèn và dần dần nhận ra suy nghĩ của mình đang thay đổi, mãi mãi.
Bạn gọi, hỏi là muốn uống chút gì đó không. Tôi quấn người co ro trong cái áo không đủ ấm rồi chui vào cái xe. Phố khuya thênh thang. Tôi hỏi: Ai còn mở cửa giờ này? Thế mà có thật. Một quán rượu kiểu Mỹ có bàn bida giữa quán và quầy bar nằm bên góc phải. Trên quầy, người phụ nữ đang nói chuyện với một người đàn ông. Ủ dột. Nhạc rock cũ kỹ, giống như những năm 90 trong một bộ phim nào đó. Quán khuya ở ngoại ô vắng người, vài gương mặt già nua ủ dột nhìn vào ly bia, lắc đầu theo tiếng nhạc. Tôi không thể tiêu hóa cái loại nhạc thuần Mỹ này, nhưng đặt trong một hoàn cảnh của đêm nay thì nó hợp lý đến kỳ lạ. Thử tưởng tưởng đặt pop ở đây, hiphop ở đây, R&B ở đây thì nó vô cùng kỳ quặc. Tôi với bạn uống bia, thử nhiều loại bia khác nhau, nói chuyện với người đàn bà trong quầy, người đàn ông kia là người yêu của chị đang ngồi đợi chị để về cùng. Tôi đứng dậy chơi bida, dở tệ, nhưng cứ chơi vì cũng chẳng để ai xem. Tiếng bi chạm vào nhau là thứ âm thanh khác biệt duy nhất phá tan cái không khí mệt mỏi này. Tôi đang ở California...
Khác với sự tưởng tượng tất cả các thành phố trên thế giới đều đông đúc nhộn nhịp như Sài Gòn hay các vùng quê thì cũng vui vẻ náo nhiệt thì ở cái nơi tôi đang đứng lại hoang vắng. Chẳng có ai cả. Thỉnh thoảng một chiếc xe phóng vụt qua trong đêm rồi mất hút. Chẳng có ai đi bộ ngoài đường. Giữa đêm, ai đi bộ chắc gan lắm, mà cũng chắc là không bình thường, hoặc bị trấn lột hết cũng nên. Nên ai hỏi tôi an toàn không? Chắc không. Mà nguy hiểm không, cũng không chắc. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra ở đây cả. Cũng như một con người đến đây, không ai biết trước quyết định của họ sẽ là gì. Có những tác động quá mạnh mẽ, đánh trực diện vào tâm lý để đưa ra những quyết định mà đến mình cũng không ngờ.
Lại trở về khách sạn khi đêm đã gần trôi hết. Ô cửa kính vẫn lạnh lẽo và đóng đầy hơi nước từ bên ngoài. Tôi lơ mơ đi vào giấc ngủ trái giờ, trong đầu đậm đặc những lời hát của The Eagles. Chẳng thể nào biết được có thể ngủ một giấc ngon hay đầy mộng mị. Bên ngoài, mặt trời mọc lên từ phía Đông...


http://mp3.zing.vn/bai-hat/Hotel-California-Eagles/ZWZAUEZO.html
 
Kinh nghiệm xin visa Mỹ - phần 1

“Chỉ viết chuyện của mình, không viết chuyện của người”
Nếu viết theo kiểu gạch đầu dòng những gì cần và không cần khi xin visa, mời bạn lên google, có 840205292582 hướng dẫn cách xin visa. Nên topic này viết gì, chỉ là những mẩu chuyện vu vơ tôi từng trải nghiệm liên quan đến hai chữ visa (vờ i vi, sờ a sa).
Bữa có bạn kia trên phượt hẹn tôi ra xin vài bí quyết đi bụi Mỹ. Tui đã trấn an trước là tui không phải cái gì cũng biết, nhưng nếu bạn cần thì tôi sẽ cố gắng trong khả năng của mình. OK, vậy là gặp nói chuyện. Bản đưa cái lịch trình cà giựt mà tôi thấy choáng váng, vì cái kiểu không hiểu địa hình nên cứ giựt lên giựt xuống, vừa không hợp lý vừa mất thời gian. Tôi tư vấn nên đi thế này thế kia thì bản nói: không, theo mình nghĩ… Suốt buổi cứ “theo mình nghĩ…”. Mắc dịch thiệt, nếu nghĩ thế thì cứ đi đại cho rồi, gọi tôi ra chi cho tốn thời gian đôi bên. Nhưng có một thứ liên quan đến visa từ bạn này. Đã có visa Mỹ nhưng phỏng vấn visa Canada bị rớt. Ghê chưa. Người ta hay đánh đồng visa Mỹ với Canada vì hai nước nằm sát bên nhau, nhiều chính sách chung cũng như độ khó vào ngang ngửa. Trước đó, tôi cũng hiểu là nếu được một trong hai chắc vào nước còn lại dễ như ăn kẹo. Nhưng qua trường hợp này, rút ra được một điều: Khi xin visa, điều gì cũng có thể xảy ra.
Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chuẩn bị tốt nhất, còn những nơi ghi là “đảm bảo đậu” thì xin lỗi, những lời đó toàn là những lời dối gian. Thằng nào con nào đảm bảo đậu khi một người Việt Nam xin visa đi Nhật, Úc, NZ, Châu Âu, Anh, Mỹ, Canada, Nam Phi?
Bữa đi phỏng vấn xin visa Mỹ, mấy em sinh viên xin visa du học rớt như mưa. Trời ơi, những tưởng có tiền đi du học thì người ta chào đón thôi. Em gái kia đi phỏng vấn lần thứ 5, mắt đỏ hoe bước ra. Lãnh sự quán Mỹ, cái nơi mà tình cảm lan tỏa nhanh thật nhanh. Một người bước ra thì cả mấy chục người chăm chú nhìn theo đôi mắt buồn cụp xuống hay thờ phào vì một cái gật đầu. Trong mấy tiếng đồng hồ chờ đợi đó, hàng chục hàng trăm hình ảnh chạy qua trước mắt. Bé gái 18 tuổi chạy qua chạy lại trong phòng chờ, anh ơi, chút em nói tiếng Anh hay tiếng Việt? Tôi hỏi: Em tự tin nói tiếng Anh hay tiếng Việt? Bé gái: Em nói tiếng Anh không tốt. Vậy thì em nên nói tiếng Việt thôi, họ có người phiên dịch, và bản thân những người phỏng vấn cũng rành tiếng Việt. Đừng thể hiện cái gì mình không tốt. Em đó rớt.
Cu cậu đi phỏng vấn du học, có mẹ kèm theo lúc phỏng vấn. Người ta hỏi cái gì cu cậu cũng ngu ngơ thấy tội lắm. Mẹ phải trả lời dùm. Ba câu, thì cậu lủi thủi quay ra rồi. Mẹ cậu quay lại nói với mọi người: Khó quá, thôi để lần sau. Lần đó tôi cũng lần đầu đi phỏng vấn thôi, nên lo lắng dã man. Cái gì mà như sung rụng thế thì cửa nào dành cho mình. Thôi thì có sao nói đó, làm tốt nhất những gì mình có thể. Còn lại thì… hên xui. Nhưng nhìn xung quanh, có nhiều chuyện cũng nực cười…
Chị kia chưa đẹp, rất thấp, ăn mặc cũng kỳ kỳ dị dị nhưng nguyên cái phòng chờ đều biết chị phỏng vấn visa Mỹ đi Hawaii thăm người yêu. Tôi vốn xấu tính nghĩ liền trời ơi nếu chị không đi Mỹ thì ở Việt Nam cũng hơi khó cho chị. Trong khi tôi ngồi một chỗ đọc sách để bình tĩnh thì chị lăng xăng bà cố luôn. Chạy qua chạy lại tư vấn người này người kia, hỏi han bà này thím nọ. Nhoi kiểu này chắc rớt luôn, tôi nghĩ. Vì người ta truyền tai nhau rằng vào phòng chờ sẽ bị quan sát kỹ lắm. Còn chị thì cứ lăng xăng như thể chị là nhân viên tư vấn trong này vậy. Thế mà, chị bước ra, cười tươi như hoa, sắp đi Hawaii thăm người yêu nhé! Ôi mẹ ơi, sao kỳ vậy? Mấy em sinh viên như bông hậu mà rớt hết trụi, còn chị không có điểm nào coi được hết mà hiên ngang thế kia. Hay Mỹ không thích người đẹp vào nước nó?
Đang ngồi thì nghe tiếng giày lộc cộc. Chính xác là tiếng giày văng vẳng trong không gian đặc quánh sự căng thẳng. Tôi không ngoái lại nhìn mà nghĩ, con nào gan dữ. Hay con này làm trong lãnh sự quán? Chắc không, lãnh sự thì càng không thể có kiểu đi như thế này. Cuối cùng thì tiếng giày cũng đi ngang qua chỗ tôi đang ngồi. Một phụ nữ đẹp. Quá sá đẹp. Nhìn kỹ thì tôi biết đây là một nhà thiết kế thời trang khá nổi tiếng ở Việt Nam. Chị đi ngang qua dãy ghế chờ, đeo kính đen, giày cao gót, mặc một bộ đồ sành điệu và trang điểm đậm. Gót giày gõ vào nền đá những âm thanh gây chú ý. Rồi rất nhanh, chị lại lạnh lùng đi ra, trên tay cầm theo phiếu đóng tiền, là đậu rồi. Lại đậu. Tôi quan sát kỹ thì nãy giờ, ai ỉu ỉu xìu xìu, lo lo lắng lắng khi phỏng vấn là rớt thấy thương. Trong khi những trường hợp kỳ kỳ thì đậu. Tôi mất phương hướng một cách trầm trọng. Và trong lúc mệt mỏi, mẹ ơi, tôi bị ngủ gục. Phòng chờ lạnh, cộng với cái không khí lo lắng bao trùm mọi thứ, chờ lâu nữa nên tôi gục cái pặc, thiếu điều muốn đâm đầu xuống sàn. Nhục chưa thể tả. Hoảng hồn nhìn lên xem có ông bà lãnh sự nào nhìn mình không, vì nghe nói người ta quan sát mà.
Tới phiên mình, tôi đi vào. Xác định luôn là đậu thì đậu, còn rớt cũng không dám ai oán ai, quá sá may rủi mà. Vừa từ ngoài đi vào quầy thì thấy người phiên dịch bỏ ghế đi… toilet. Kệ, không quan tâm vì tôi sẽ nói bằng tiếng Anh. Tôi đi đến, phong thái tự tin nhất và chào trước: Good morning! Bên kia cũng good morning lại. Người phỏng vấn hỏi: Mày có thể phỏng vấn bằng tiếng Anh luôn không? Tôi nói: Sure. Vậy là không cần chờ người phiên dịch, buổi phỏng vấn bắt đầu.
– Tên tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, có người nhà bên Mỹ không, mục đích đi Mỹ, đi những đâu, thời gian đi.
Mấy câu này dễ như ăn kẹo, với trình độ tiếng Anh trường làng thì tôi cũng trả lời rành rọt, ngắn gọn, vui vẻ, thoải mái. Tôi xem đây là một buổi trò chuyện thì đúng hơn. Người phỏng vấn hỏi thêm: Mày đi Châu Âu rồi vậy có đi Venice không? Tôi hỏi lại: Mày là người Venice hả? Cô ta nói không. Tôi dần lân: Mày người Ý hả? Cô ta nói không, tao người Mỹ. Tôi tiếp: Thế sao hỏi về Venice? Cô ta nói à tao muốn đi Venice lắm vì tao thích chỗ đó. Tôi, rất biểu cảm: Trời ơi mày phải đi nhanh nhanh đi. Venice đang chìm dần mày có biết không, không chừng sau này mày chèo thuyền ngang Venice mà mày cũng không biết. Cô ta: Ừ ừ, cảm ơn mày nhiều lắm. Mùa hè này tao sẽ đi. Còn về phần mày, chúc một chuyến đi vui vẻ đến Mỹ nha! với một nụ cười rất tươi. Tôi cũng rất vui. Nhiều người nhìn tôi mà chắc hẳn không hiểu tại sạo tôi đi phỏng vấn mà vui vẻ thoải mái thế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng khi vận mệnh của mình được quyết định bởi một người khác thì có sợ cũng là vô ích, chi bằng thể hiện hết khả năng của mình có thể…
Đó là một cô gái người Mỹ trẻ, chắc chưa đến 30. Và khi đối diện với cô, tôi không coi đó là một buổi phỏng vấn khó khăn. Mà tôi lại xem như tôi đang trò chuyện với một người bạn nào đó tôi gặp trong một nhà trọ nào đó ở Lào, ở Thái, ở Ý hay ở Việt Nam trên đường Bùi Viện. Không hiểu sao, tôi không run, trái lại cảm thấy vô cùng thoải mái khi được trao đổi với cô tại sao tôi lại muốn đến Mỹ. Tôi tin, khi tôi thực sự nghĩ về điều đó thì cô sẽ cảm nhận được. Vì cô cảm nhận được nên những hồ sơ tôi mang theo trên tay trở nên thừa thãi. Cô chẳng hỏi xem một tờ giấy nào tôi chuẩn bị. Tài khoản thì ít tiền, chẳng thể so bì với những bạn xin visa du học bị rớt sáng giờ.
Sau này, khi sống nhiều ngày ở Mỹ, tôi mới hiểu tại sao lúc đó tôi, chị gái chưa đẹp hay nhà thiết kế thời trang lại đậu phỏng vấn dễ dàng hơn các bạn trẻ. Người Châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng, khi đến Mỹ thì thấy đó là một chân trời mới. Một chân trời mà bước ra đường là những con đường 8 làn xe và dòng người cuồn cuộn chảy. Ở Mỹ, không bơi sẽ chìm, không chạy sẽ bị tụt lại đằng sau. Ở Mỹ, có một niềm tin rằng bạn sẽ có mọi thứ nếu bạn cố gắng. Rằng ở Mỹ, cơ hội là dành cho mọi người… Vâng, quay trở lại nếu mình là một người Việt Nam hay đến từ những quốc gia còn nghèo, thì đến được Mỹ đã thấy một thiên đường khác để sống, học tập, phấn đấu, cống hiến và trưởng thành. Câu hỏi tôi nghe nhiều nhất là: Có ý định ở lại không? Nó đậm đặc đến nỗi đôi lúc nó chiếm lấy tâm trí tôi, và tự hỏi điều đó là như thế nào? Chắc chắn, không chỉ có riêng tôi, mà nhiều người khác cũng tương tự. Vậy khi cấp visa cho một người, Mỹ hiểu ngay là người đó có khả năng trốn ở lại rất cao. Chắc các bạn không tin, Mỹ hiện có hơn 5 triệu người nhập cư trái phép. Và chính quyền Obama từng ngày nới lỏng các chính sách dành cho người nhập cư. Ngay cả ở Mỹ, có chính sách bảo vệ người nhập cư nghĩa là nếu bạn không làm gì phạm pháp thì vẫn có thể sinh sống như những người bình thường. Đó là câu chuyện của nước Mỹ. Quay lại câu chuyện visa thì mặc dù đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục rằng tôi sẽ quay về, nhưng tôi chắc rằng họ hiểu đó là vấn đề của xác suất mà thôi.
Nhưng nếu tôi không về thì sao? Thì ít nhất, họ cũng đã chọn ra những con người có thể cống hiến cho xã hội đó một cách tương đối. Họ cấp visa cho những con người tự tin hơn, có nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm sống vững vàng hơn, ngôn ngữ tốt hơn, và dám ra quyết định. Nếu tôi có trốn ở lại, thì tôi cũng không là gánh nặng cho nước Mỹ. Tôi có thể ra ngoài đi làm, đi siêu thị, hay tiếp tục học hành, tôi có thể giao tiếp với người bản địa, tôi có thể sống một mình mà không cần hỗ trợ nào, đói tôi có thể tự đi ăn, khát thì kiếm nước mà uống, tôi có thể… nhiều thứ. Chứ làm sao họ dám để cho một ông thanh niên ù ù cạc cạc, đi đâu cũng nhờ mẹ dắt, làm cái giống gì cũng lo lắng không yên. Nước Mỹ, không có chỗ cho sự lo lắng không tên.
c.
(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,749
Bài viết
1,136,879
Members
192,573
Latest member
thienvmex
Back
Top