Từ Bảo tàng đi đường tắt qua Tháp Dương Long. Tháp Dương Long còn có tên là tháp Ngà, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m. Ðây là một trong những cụm tháp đẹp nhất còn lại của miền Trung Việt Nam. Tháp thuộc dạng tròn mà không vuông như mấy cái tháp bà con họ hàng. Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình những con vật chim thần: Garuda, Voi, Đại bàng... Các mặt phẳng của tường được phủ nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Những người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên. Tháp đang trùng tu, mấy tấm đá chạm khắc bị lôi xuống chất thành đống.
Ghé qua An Nhơn ăn gỏi gà cháo rồi vào quán ở gần Tháp Cánh Tiên nghỉ, gió mát lồng lộng, ngồi trên ghế mà mình ngủ thiếp đi được. Những cánh tay tiên hay còn gọi là vũ nữ Apsara giơ lên trời. Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ (tiền sảnh bị đổ sụp). Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái.
Gần Tháp là Lăng Võ Tánh, Thành Hoàng đế còn dấu tích sơ sơ. Thành cổ đã chìm sâu dưới đất, khuôn viên còn mấy đoạn tường đá ong cỏ lấp bìm leo. Hai chú voi đá giữa làng, dấu tích của Kinh đô Đồ Bàn của người Chăm xây năm 982 chắc là huy hoàng ngày xưa. Có một con voi rất lạ, đầu voi được khắc trang trí như một vành hoa. “Lịch sử bước chân qua những vương triều vong thịnh/Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính/ Cỏ công bằng nhân ái, thản nhiên xanh” (Trương Nam Hương)
Ghé qua Chùa Thập Tháp - chùa cổ nhất Bình Định, xây dựng từ năm 1665, thời chúa Nguyễn mới vào nam lập nghiệp. Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt bắc Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp. Chùa xây bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương, bốn vày, ba gian, hai chái, kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh. Những khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu tây đường và đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông, bày đủ các thứ cây cảnh. ở khu chính diện, kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất tinh xảo, công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau. Trước chùa còn có ao sen rộng, xây bằng đá ong xưa.
Qua Chợ Huyện mua tré, một kiểu nem tai bó rơm chứ không gói lá như mọi khi. Ghé qua Tháp Bánh Ít. Tháp chính cao 22m trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba tháp này có hai tháp giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một tháp giống bánh ít mặn. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Ghé qua Tháp Đôi. Tháp Ðôi còn có tên gọi là tháp Hưng Thạnh, gồm hai ngọn tháp đứng song song với nhau, một tháp cao 20m và một tháp cao 18m. Tháp xây trên một gò đất giống như mu rùa, rộng vừa đủ để xây tháp. Cả hai tháp có cấu trúc đặc biệt, không giống như các tháp Chăm nhiều tầng truyền thống, nét độc đáo là không có mái kín mà thông với trời. Tháp gồm hai phần chính: thân tháp vuông và phần mái tháp mặt cong đều bằng nhau. Mỗi ngọn tháp có một cửa ra vào, cùng nằm về phía đông.
Đi qua Cầu Thị Nại. Phong cảnh đẹp. Bình Định có lẽ sẽ trở thành khu du lịch ngon lành nếu không bị nằm kẹp giữa Đà Nẵng và Nha Trang.
Đi dọc Đường Xuân Diệu. Về Hải Âu xông hơi massage chờ đến giờ lên xe đi Cà Ná, Phan Rang.
Tổng kết lại Paris có gì lạ không em, Quy Nhơn có gì lạ không mình?
Quy Nhơn có tôm hùm (mình chưa được xơi), có cua huỳnh đế, có gỏi sứa; có nhiều sinh viên; có nhiều Tháp Chàm (nhiều hơn cả Phan Rang – Tháp Chàm). Bún cá Quy Nhơn thì bình thường như anh Cường, gần gần như bún cá Nha Trang, không đặc sắc như bún cá Châu Đốc (bao giờ về hưu mình sẽ viết một số luận văn tiến sỹ kiểu Bún cá Việt Nam so sánh, Phở so sánh…). Bình Định là đất võ trời văn, địa linh nhân kiệt, quê của Quang Trung và của nhiều đại gia như bầu Đức Hoàng Anh Gia Lai, bác Dũng lò vôi Đại Nam Quốc Tự, bà Diệp Bạch Dương xe Rolls Royce…