Xin phụ họa cùng chủ thớt.
Sau chuyến đi vừa rồi, mình có rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Tà Năng – Phan Dũng là 1 cung offroad. Để hoàn thành cung này, công tác chuẩn bị là quan trọng nhất. Một khi đã vào trong rồi thì tiến thoái lưỡng nan, muốn tới không được muốn quay lại cũng không xong. Rất ít gặp người để nhờ hổ trợ. Điện thoại liên lạc hầu như vô dụng, Chỉ có 2 vị trí có sóng điện thoại là Đỉnh 7 Dòng Kẻ và Đỉnh Dốc Dầu. Tới 2 điểm này là hơn nửa đường rồi, tới Đỉnh Dốc Dầu thì nhắm được 2/3 chặng đường.
Nếu chuẩn bị tốt và đội hình khá thì đi 2 ngày là ra tới Phan Dũng. Trung bình thì phải mất 3 ngày. Ngược lại, nếu không chuẩn bị tốt thì không biết mấy ngày mới ra được, có thể phải 5 -7 ngày cũng không lạ. Cần có phương án dự phòng cho những trường hợp này. Đường này nếu trek chắc là dễ hơn offroad.
1)Đường đi: Chia làm 3 phần
a.Đoạn 1: Từ Quốc lộ vào xã Tà Năng
i. Đường từ TT Liên Nghĩa (Đức Trọng) vào tới trung tâm xã Tà Năng. Đường này khoảng 45km đường đất, dễ đi
ii. Đường từ Ngã ba Tà Hine vào tới trung tâm xã Tà Năng. Đường này ngắn hơn. Dễ đi.
b.Đường từ trung tâm xã Tà Năng qua xã Phan Dũng. Tổng cộng khoảng 42km.
Dưới đây là bản đồ tự vẽ. File .gpx, mọi người kiếm phần mềm thích hợp để xem:
- Lumia: GPS Calculator, NaviComputer,…
- Android: Mytrack, Oruxmaps, OutdoorNavigator, Trekbuddy…
- Blackberry: Trekbuddy,…
https://www.google.com/maps/d/viewer?hl=vi&authuser=0&mid=zzqjh3ppVUJk.kloIsfiN6tYg
https://www.dropbox.com/s/njz6q77iikoe9jp/phandungtrack.zip?dl=0
i. Đoạn đầu tiên vẫn còn dễ đi, chỉ có qua vài cái cầu và vài con dốc nhỏ. Độ khó sẽ tăng dần.
ii. Đoạn 2 bắt đầu gần bìa rừng, vào đường rãnh chữ V, kéo dài gần hết cung. Đường hơn 25km mà 1 ngày chỉ đi được có 5 – 10km.
iii. Đoạn cuối có nhiều đường để xuống Phan Dũng, do đường cũng không rõ ràng nên có thể lựa chọn tùy nhóm. Có thể thử ở ngã rẻ 1 hoặc ngã rẽ 2, hoặc đi hướng qua nhà ông già (Chú Lê), Những đường rẻ thì chưa đi nên không biết. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là đường xuống nhà chú Lê rất khó, đường không rõ ràng, dốc xuống rất cao, cắt ngang rừng. Xuống được con suối là xem như xong cung đường.
c. Đoạn 3: Từ bìa rừng xã Phan Dũng ra Thị Trấn Liên Hương – Tuy Phong
Đoạn này có 3km đường rừng, băng ngang suối khá sâu, còn lại là hơn 15km đường đất to là ra tới trung tâm xã Phan Dũng và 25km đường nhựa là tới Quốc lộ 1, thị trấn Liên Hương.
2)Chuẩn bị
a. Xe
i. Loại xe phù hợp: Nhỏ gọn, gầm cao, nhẹ: Wave, Dream, Sirius…Xe càng to càng khó đi. Vấn đề lớn nhất khi đi TN - PD là xe bị kẹt gầm máy. Lưu ý là các xe Yamaha và Suzuki khi đi dốc cao hay bị ngộp xăng, tắt máy (lý do là xe tự động khóa xăng do xe nghiêng quá cao). Khi lên dốc mà xe tắt máy thì rất cực khổ để kéo xe lên dốc.
Độ cao gầm và khối lượng một số xe thông dụng:
Stt Tên xe Độ cao gầm xe Khối lượng xe
1 Su Viva 115 145mm 94 - 96 kg
2 Blade 110 141mm 98 kg
3 Su Raider 150 140mm 108 kg
4 Wave 135mm 98 - 100 kg
5 Future 135mm 104 kg
6 Exciter 135mm 105 – 115 kg
7 Dream 135mm 92 - 99 kg
8 Sirius 130 135mm 96 – 100 kg
9 Su Xbike, Axelo 125mm 108 – 110 kg (Mình đi chiếc này mới đau)
ii. Nhông sên dĩa: Nhông càng nhỏ càng tốt (8 răng, 11 răng, 13 răng), dĩa càng to càng tốt, mua cở 42 răng 60 răng đi cho khỏe. Nhông nhỏ, dĩa lớn thì lên dốc kéo khỏe, xuống dốc không bị trôi.
iii. Xích cho bánh xe: 75k 1 sợi, mua luôn cho cả 2 bánh vì đường rất trơn (Kể cả khi đã gắn xích thì cũng rất trơn)
iv. Bảo trì xe trước khi đi
v. Xăng: từ Tà Năng qua tới Phan Dũng không hết 1 bình xăng, không thiếu xăng, nhưng cũng nên chuẩn bị thêm khoảng 1-2 lit mỗi xe, đem theo dự phòng.
vi. Ít nhất 50m dây ròng rọc để kéo xe (dây ròng rọc là dây chuyên dụng trong xây dựng để kéo đồ)
vii. Vào đường rãnh chữ V thì bắt buộc phải tháo gác chân.
viii. Chuẩn bị bộ dụng cụ sửa xe.
b. Trang bị
i. Cố gắng mang nhiều nước. Phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cho ít nhất 3 ngày. Sử dụng nước tiết kiệm do ít điểm lấy nước.
ii. Phải có GPS dẫn đường theo treklog định sẳn. Do có nhiều ngã rẽ, dễ lạc.
iii. Đồ đạc trang bị càng nhẹ càng tốt và nên chống nước, bọc cẩn thận. Mưa tầm tả 2 ngày liên tiếp thì áo mưa trùm balo không đảm bảo. Các lều loại thường như Eureka cũng chịu không nổi, phải có tấm bạt nilon phủ thêm. Áo luôn luôn ướt do mồ hôi, do sương và mưa. Nên mang theo nhiều bộ quần áo dự phòng và phải bọc cẩn thận, không để bị ướt. Ướt át không ngủ đươc dễ mất sức, bệnh.
iv. Mang ủng: do đường sình lầy. Mua ủng loại tốt, mủ trong suốt, có màu (60k/đôi) đi đỡ dộp chân. Nên mang vớ.
v. Mặc quần đi mưa để chống dơ
vi. Mang theo dao lớn để chặt rể cây và đào đường (có thể mua ở Tà Năng giá 50k/dao, dao dài tốt)
vii. Ngoài ra phải trang bị những thứ cần thiết khác:
1 Balo: Nếu đi xe máy thì nên có 2 ba lô: 1 ba lô lớn, khoảng 50L, ràng sau xe. 1 ba lô nhỏ, ~ 30L, để đựng những vật thường xuyên sử dụng
Có thêm túi treo bên hông xe càng tốt. Để các vật dụng như lều, túi ngủ, dụng cụ vá xe, áo mưa, ...
Tất cả ba lô đều phải có áo trùm chống bụi, nước.
2 Quần áo: Mỗi người ít nhất 3 bộ
3 Áo gió: Mỗi người 1 áo gió, chống nước càng tốt.
4 Áo mưa: Tốt nhất là mua áo mưa bộ
5 Nón, khăn, khẩu trang, găng tay: Nên có ít nhất 2 găng tay bít ngón.
6 Giày + dép + vớ: 1 đôi ủng cao su + vài đôi vớ dài + 1 đôi dép gọn nhẹ.
7 Lều + Túi ngủ + tấm cách nhiệt + bạt che mưa + đèn lều: Lều chống mưa. Tốt nhất là phủ thêm 1 tấm nilong lớn sẽ chống mưa tốt hơn. Ưu tiên nhẹ. Mỗi người 1 cái túi ngủ + tấm cách nhiệt
8 Đèn pin cầm tay hoặc đội đầu + pin: Tốt hơn là đèn đội đầu để rảnh tay/ Mỗi đèn phải có pin dự phòng, nên mua loại chống nước
9 Bật lửa: Mỗi người ít nhất 1 cái bật lửa, diêm quẹt. Có đèn cầy thì tốt hơn (dự phòng mưa lớn)
10 Một bộ sơ cấp cứu cơ bản: Băng keo cá nhân, bông gòn, vải băng bó, băng keo, thuốc khử trùng (cồn, Oxy già), thuốc giảm đau Efferagan, thuốc chống dị ứng hay côn trùng cắn, thuốc chống muỗi, chống vắt (Softfel, DEP), thuốc tiêu chảy (Vân Mộc Hương,...), thuốc kháng sinh, than hoạt tính, thuốc chống cảm sốt, nhức đầu Paracetamol, dầu gió, salonpas
11 Dao: 1 dao lớn, 1 dao nhỏ để cắt gọt, 1 dao đa năng (multi tool)
12 Đồ nấu ăn: 1 nồi nấu nước được, muỗng, nĩa…
13 GPS và các máy móc liên quan: Trong đoàn ít nhất là có 2 thiết bị bắt GPS (có tracklog). Lưu ý pin dự phòng.
eTrex 20 trở lên của Garmin hoặc xài Smartphone: phần mềm GPS Calculator hoặc Trekbuddy hoặc Outdoor Navigator, Oruxmaps…
14 Điện thoại di động + sạc: Nên đem theo thêm 1 cái nokia cùi bắp sóng mạnh, pin trâu. Vùng sâu xa thì SIM VietTel mạnh nhất. Vào đó thì tắt máy đi, để khi nào cần mới dùng vì trong đó không có sóng điện thoại.
15 Máy chụp hình + Pin + sạc + thẻ nhớ: Cẩn thận va đập hư máy. Có Camera hành trình càng hay.
16 Đồ vệ sinh cá nhân: 1 bàn chải, 1 khăn mặt, 1 khăn tắm, dầu gội, xà phòng, 1 tuýp kem đánh răng, gương, lược, giấy vệ sinh, băng vệ sinh (nữ). Khăn giấy, khăn ướt.
17 Sổ tay cá nhân + bút: Để ghi chép khi thiết
18 Đồ ăn và thức uống: 1 ngày = 3 bửa ăn + 2 lít nước. Đồ ăn vặt: viên sủi C hoặc Berocca, nước tăng lực, vài thanh sô-cô-la, kẹo chua, cà phê,…
19 Dụng cụ sửa xe gồm:
Chìa khóa xe dự phòng
Bugi dự phòng
Ruột xe dự phòng
Ống bơm
Bộ vá xe (nạy lốp, keo vá, đục, dùi, mài, gõ…)
Kềm, kềm mũi nhọn.
Cle, ống túp: 8, 9, 10, 12, 14, 17, 19
Vít bake, vít dẹt
...
3) Người:
a. Xế nam càng nhiều càng tốt, ít nhất phải nhiều hơn số lượng xe.
b. Khi vào đường rãnh thì Ôm hầu như đi bộ suốt toàn tuyến.
4) Trên đường đi
a. Nên đi sớm và nghỉ sớm vì chiều tối hay mưa. Dựng lều, đốt lửa sẽ khó khăn.
b. Nếu xe bị kẹt trong rãnh thì đào đất 2 bên để lấp vào. Như vậy nhẹ nhàng hơn là cố kéo xe qua.
c. Khi lên dốc cẩn thận coi chừng xe bị tuột do tắt máy hoặc bị số trả về 0 hoặc lên không nổi. Lúc nào cũng nên có 1 người đi sau đẩy phụ nếu dốc cao.
d. Khi bị trượt không nên cố gắng giữ lại mà nên để trượt rồi từ từ chỉnh lại để hạn chế ngã.
e. Khi xuống dốc hạn chế dùng thắng tay (thắng trước) vì rất dễ trượt, phải dùng thắng chân (thắng sau). Tắt máy, trả về số 1 để đỡ bị lao xuống (thực tế thì cũng lao ào ào). Nếu dốc quá cao thì nên cột dây, vòng qua 1 thân cây để chịu phụ.
f. Cẩn thận ong ong đất đốt. Thấy nó nên đi nhanh qua, đứng cách khoảng 5 – 10m là nó sẽ lân la lại tấn công. Ngay chân dốc 7 Dòng Kẻ có tổ ong đất.
g. Mưa xuống là đường đi sẽ khó hơn nhiều do trơn. Cần cẩn thận khi mưa.
h. Nếu tối mưa thì nên hứng nước mưa để dành sử dụng.