What's new

Ghi chép Nepal - Ấn độ 2012

Một người bạn giục, anh post lại Ghi chép của anh lên Phượt đi, lần lữa mãi, rồi ừ thì post. Thông tin về các chuyến đi và điểm đến các bạn có thể tìm thấy trên Lonely Planet và trên mạng rất nhiều, ở đây chỉ là những dòng ghi chép dọc đường của một chuyến đi dài 16 ngày qua Nepal và Ấn độ.

Mấy năm nay, từ ngày gia đình có tí "điều kiện", cả năm tôi cứ nhăm nhe săn vé rẻ để đến Tết là trốn đi chơi. Trốn nhậu nhẹt, trốn chúc tụng, trốn mừng tuổi…

Năm đầu tiên còn rón rén tối mùng 4 Tết khởi hành, rồi lấn dần tối mùng 3 Tết, rồi mùng 2 Tết. Năm nay dự định đi hẳn từ 30 tết cho hoành tráng luôn. Dự định là thế và tìm được một đoàn đi Nepal - Ấn độ trên phượt. Bàn bạc nát hết cả đường đi, điểm đến… Đến lúc chuẩn bị đặt vé thì ông anh đi cùng chuyến Tây Tạng lần trước nằn nì:

"Thôi mày lùi lại mấy hôm cho anh đi cùng đi, chứ Tết nhất bỏ nhà đi, bạn bè rồi cả họ nhà anh tưởng anh giận vợ giận con… Anh thèm đi Ấn độ lắm mà không đi cùng mày anh chẳng biết đi với ai…"

Thế là nghe bùi tai, hỏi lại một câu: "Anh chắc chưa?"

"Chắc 100%, lần này bị đuổi việc anh cũng đi. Anh đưa tiền cho mày mua vé luôn này…"

"Okie. Thế thì đi thôi, để em cancel đội kia, bốn anh em đi với nhau. Bộ tứ siêu đẳng được đi cùng nhau thì còn gì bằng." (Sau chuyến đi Tây Tạng lần trước bốn thằng ham vui và ham nhậu nhẹt suốt ngày tụ tập, rồi tự phong cho nhau là 4 anh em siêu nhân. Người già nhất gần 50, người trẻ nhất cũng gần 30).

Thế là từ vị trí đi ké đoàn khác, bốn anh em lập thành một đoàn mới, khấp khởi lên đường. Chức trưởng nhóm được giao lại cho tôi - Lo cho một chuyến đi trong nước thì cũng được vài lần, nhưng lần đầu tiên phải lo cho một chuyến đi đến chỗ lạ hoắc, thông tin thì toàn trên internet truyền lại, chưa biết các bạn sẽ dùng ngôn ngữ gì giao tiếp, rồi điểm đến, ăn ở đi lại như thế nào... Một mình đã vậy, lại còn thêm 3 ông nữa, mỗi ông một tính... Thế là lại hì hụi tìm thông tin trên Phượt, trên Lonely planet để book vé, điểm đến...

Chặng khó nhất là book vé máy bay Bangkok - Kathmandu thì may mắn được các bạn phượt chia sẻ cho một agency ở Kathmandu, có thể đặt vé của Nepal Royal Airline, rẻ bằng 1/3 so với Thai airways. Nhưng các bạn Nepal này không hề bán vé trên mạng mà toàn qua agency và giá cũng vô cùng khác nhau giữa các agency. Viết mail mỏi tay mới thấy trả lời. Chuyển tiền sang gần 2 tháng vẫn bảo tiền chưa đến nơi, trong khi bên này ngân hàng đưa cả code đối chiếu, mấy thằng tưởng bị lừa mất 1000$ vì giao dịch với các bạn agency này chỉ bằng niềm tin. Đến lúc hết hi vọng, xác định bị lừa rồi thì các bạn lại gửi vé và xin lỗi rối rít vì sự chậm trễ.

Book vé máy bay, tầu hỏa rồi cả phòng xong xuôi, chỉ chờ ngày lên đường thì chính ông anh nài nỉ lùi ngày thông báo một tin buồn:

"Anh bị ép lên làm sếp và vụ này cho anh xin cancel…"

Dớp chuyến đi Tây Tạng lặp lại. Lại một bạn bị ở nhà vào phút cuối. Thôi thì đành ở lại vì tương lai vậy, biết làm sao. Bộ tứ siêu đẳng chỉ còn lại Ba anh em siêu nhân và giờ đang ngồi trên chuyên bay RA 402 từ Bangkok đến Kathmandu của hãng hàng không Nepal Royal Airline, một chiếc Boeing 747 già nua, theo Lonely Planet thì đội bay này đã được các bạn Nepal đầu tư từ năm 1995, đến nay được 17 năm và chưa một lần thay mới. Các bạn tiếp viên cũng già không kém, nhưng bù lại rất niềm nở và đồ ăn trên máy bay rất ngon.

Mà còn đòi hỏi gì với giá 255$ so với hơn 700$ của các bạn Thai airways, và chỉ còn vài phút nữa chúng tôi sẽ hạ cánh xuống sân bay Kathmandu, một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới.
 
Nhìn ảnh, nhớ Kathmandu quá. Cả một nền văn hóa hàng nghìn năm như vẫn còn hiện diện, tiếng cầu nguyện và những âm thanh mantra lan tỏa khắp nơi, mùi hương trầm các loại như đặc hơn bầu không khí linh thiêng. Buổi chiều vàng một mình trên Swayambhunath tĩnh lặng buồn đền nao lòng chiêm nghiệm về đời và người... chắc chắn sẽ còn quay lại !
P/S Mấy quyển sách Mun-Đa- Sép thực đáng vất vào sọt rác. Hoặc do người dịch, người viết chẳng hiểu gì về nền văn hóa Hymalaya.
 
@traiheogiong: Khăn Pashmina với Kashmir bán đầy khu Thamel mà bạn. Thích cái nào thì nhích thôi, mặc cả xả láng.
==========================

Giang hồ ta là giang hồ vặt…

Giang hồ vặt, nên cứ chiều tối là nhớ nhà. Buổi chiều lang thang quanh guesthouse, nhìn vào những ngôi nhà nho nhỏ, cũ kỹ, có dàn hoa trước cửa, có ghế ngồi trước sân rất yên bình, thế là nhớ nhà, nhớ cái giường êm ấm… Ở nhà công việc sẽ cứ đều đặn quay từ hè sang thu, từ đông sang xuân, sẽ thấy ngày tháng cứ cuốn đi nhàm chán. Nhưng tách ra, đứng ra khỏi guồng quay ngày tháng để nhìn lại thì thấy sự nhàm chán ấy chính là cuộc sống của mình, hóa ra nó cũng không nhàm chán lắm, thậm chí như lúc này chẳng hạn, nó còn thích hơn là đi chơi.

Và đúng chỉ là giang hồ vặt, lúc đứng ở sân bay Kathmandu thấy các bạn làm visa treking 3 tháng, bảo các bạn sướng thế, làm sao mình có thể có thời gian thảnh thơi bỏ hết công việc để đi như thế nhỉ, giờ mới có 13 ngày đã nản.

422909_381572551853358_1680500287_n.jpg


Thực ra việc nản lòng là nhiều lý do. Đầu tiên là hôm nay phải lang thang cả ngày, vì muốn tiết kiệm tiền phòng nên phải đi đêm, nhưng 10g sáng đã phải trả phòng rồi chờ đến 11g đêm mới lên tầu. Lang thang hết thành phố cũng không có gì đáng xem. Lâu đài, thành cổ thì nhỏ xíu và phần lớn được phục dựng. Thêm nữa, nếu đã ở Arga thì mọi lâu đài thành quách ở đây chỉ được bằng một góc nho nhỏ. Pink city chỉ đi dạo quanh khu phố cổ nhìn người ta buôn bán, mua sắm là vui mắt thôi.

430313_381573411853272_1442199027_n.jpg


Và thức ăn, tìm mỏi mắt quanh thành phố không thấy hàng bán thịt nào. Toàn rau là rau, mà ăn rau thì đầu óc không minh mẫn được. Tìm quanh khắp nơi không thấy nhà hàng nào khả dĩ hơn Rooftop restaurant của Guesthouse đang ở, nên sau buổi sáng lượn các điểm thăm quan buổi chiều đành quay về Guesthouse vật vờ chờ đến tối. Guesthouse hoạt động theo kiểu gia đình nên bếp cũng gia đình, phục vụ chỉ giới hạn một vài món và thường 1 tiếng sau mới có, kể cả gọi nước sôi để đổ vào mỳ tôm.

Đặc biệt hơn nữa là luôn nấu theo ý mình. Ví dụ gọi các bạn cơm rang rau và cẩn thận dặn đi dặn lại là không được dùng gia vị Ấn, đã cẩn thận đến mức lên mạng search tên và ảnh các loại gia vị Ấn độ, save vào Ipad rồi đem xuống tận nhà bếp chỉ cho bà mẹ - chuyên nấu ăn - và bảo đừng cho những loại gia vị này vào, chỉ có muối, dầu ăn, gạo và rau thôi, bạn gật đầu đánh roẹt và 1h sau bê lên vẫn đầy đủ tất cả các loại gia vị, lại còn nguyên hạt nữa và các bạn còn bảo tao thấy good smell mà. Má ơi cả ba thằng bê nguyên ba đĩa cơm xuống bếp bảo tao vẫn trả tiền, nhưng cơm này tao chịu không ăn được. Các bạn lúc này mới tỏ vẻ ân hận bảo mẹ bạn chỉ biết nấu món Ấn độ thôi.

Hỏi tiếp, thế bữa chiều bọn tao vào bếp tự nấu đồ ăn được không, mặt các bạn lại tái xanh, hỏi lại thế chúng mày nấu đồ ăn chay hay ăn mặn, mà phải hỏi mẹ tao đã. Yên tâm đi, bọn tao sẽ chỉ rang cơm với hành thôi, không có thịt đâu. Lúc sau các bạn không đồng ý cho mượn bếp, cả bọn đành bảo nhau thôi chiều ăn mỳ tôm cho lành.

Buổi chiều, sau khi ăn mỳ tôm, thấy bố bạn ý có nhà và có vẻ hiểu khẩu vị quốc tế thế nên mạnh dạn xuông order món súp lơ luộc giống hôm qua. Các bạn lại gật đầu đánh roẹt, lúc sau mang lên món rau hổ lốn xào. Mặt mũi ba thằng và cả bạn đầu bếp rất căng thẳng vì vừa sợ lại giống lúc sáng. Sau khi ba thằng cùng xúc lên nếm thử rồi gật đầu okie, bạn đầu bếp mặt dãn ra và cười tươi.

Ngoài chuyện ăn uống ra, thì các bạn guesthouse rất dễ chịu. Riêng khoản ở vật vờ hết từ restaurant sang phòng vi tính cả ngày không tính tiền đã quá tốt rồi, ở Việt nam thế chắc đã bị đem chổi quét đi từ lâu.

426701_381573871853226_1652935251_n.jpg
 
Đi du lịch bụi đặt được phòng trước thì yên tâm, nhưng có điều dở là không biết chất lượng phòng và thái độ phục vụ của nhân viên ở đây ra sao. Ngày hôm qua vừa khen các bạn hostelbookers hết lời vì vụ book phòng ở Jaipur ngon lành, thì hôm nay lại dính vụ bực mình ở New Delhi. Buối sáng đã xuống nhầm ga vì hai bạn Ấn độ nửa quê nửa tỉnh cứ nằng nặc chỉ đây là ga New Delhi, nhưng hóa ra là ga Old Delhi, chạy ra hỏi bạn bảo vệ thì bạn ý nói tiếng Anh mà mình chẳng hiểu gì, chỉ nghe được đoạn chạy ra booking ticket office mà hỏi. Hỏi xong thì tầu chạy bố nó mất rồi còn đâu. Ra khỏi ga thì các bạn richshaw xổ ra cả tràng tiếng Ấn nghe không hiểu gì, mãi mới thuê được xe về đến New Delhi. Chứ không đầu tiên đã định đi bộ.

Đến khách sạn thì nằm tít trong ngõ, mà trên mạng các bạn đề hotel, đến nơi lại là hostel, trên mạng bảo phòng có toilet riêng, đến nơi lại là toilet chung, phòng trên mạng đẹp lung linh, đến nơi lại là phòng vừa xấu vừa bẩn… Đã thế thái độ nhân viên thì ngái ngủ, ăn nói cộc lốc, lại còn không có chỗ chờ, lại đòi trả thêm tiền vì đến sớm. Bố khỉ, cậu mày còn có một đêm ở đây thôi, đã thế đếch thèm lấy phòng nữa, bỏ deposit, ra chọn khách sạn nào to đẹp nhất phố cậu ở, rồi cả ngày cậu ăn mỳ tôm, thịt hộp cho nó hết. Đi được một đoạn các bạn chạy ầm ĩ theo bảo mày vào ngồi internet hủy lệnh đặt phòng của may trên mạng đi. Đã thế cậu đếch hủy, cậu complain cho mày chết.

Lần sau rút kinh nghiệm sẽ đặt lịch di chuyển hợp lí hơn, đi đêm đỡ tốn thời gian và tiền phòng, nhưng mệt và ngại nhất đoạn nhận phòng lúc sáng sớm. Kinh nghiệm thứ hai là chả tin bọn nào, cứ chịu khó chọn điểm đến có nhiều khách sạn để lựa chọn tại chỗ.

Pahar Ganj là khu chợ và tập trung rất nhiều khách sạn, hostel, guesthouse cho dân đi phượt.
 
Ngày cuối cùng của cả hành trình 15 ngày, tinh thần gần như rã đám, không muốn đi đến những điểm tham quan nữa vì thứ nhất thấy sách miêu tả không có gì đẹp, thêm nữa hôm nay là thứ hai, rất nhiều điểm tham quan chính đóng cửa. Thế nên quyết định thuê một chiếc richshaw làm chuyến citytour. Sau khi mặc cả một hồi, bạn lái xe richshaw gạ sẽ đồng ý giá 200 rupies / xe đi vòng quanh thành phố, nếu chịu dừng vào 1 hoặc 2 điểm mua sắm. Cả ba thằng gật đầu cái rụp, vì cũng muốn shopping một tí, cũng muốn đi mặc cả cho vui vì các bạn Ấn độ bán hàng rất giỏi, chỉ cần tỏ ra thích một món hàng thôi, các bạn sẽ thuyết phục mua bằng được, nên vui ở đây là muốn thử thách bản thân trước cám dỗ mua sắm.

New Delhi là thành phố được quy hoạch khá tốt, quảng trường trung tâm, quảng trường thành phố gần như được bảo tồn nguyên vẹn và rất hoành tráng nên thu hút rất đông khách du lịch. Thêm nữa có lẽ New Delhi là thủ đô châu Á duy nhất mà tôi đã đi qua không hề có nhà cao tầng, cả thành phố phát triển theo chiều rộng, nhà chỉ cao khoảng 3 đến 4 tầng. Ngay cả đi qua khu đô thị mới xây, nhà cũng được quy hoạch thành những block 4 căn hộ 3 tầng quây lưng vào nhau. Thành phố phát triển theo chiều rộng, cộng quy hoach tốt, nên ngay cả đi vào giờ cao diểm cũng không hề tắc đường. New Delhi thì sạch sẽ như thế, nhưng Old Delhi lại bẩn và lộn xộn như những thành phố khác của Ấn độ.

Đi gần như cả ngày lang thang, bạn lái richshaw nhiệt tình chỉ cho các điểm tham quan đẹp, gạ gẫm đi thêm chỗ này chỗ kia, nhưng ba thằng đến điểm nào chỉ cũng ngó qua, lắc đầu quầy quậy bảo đi tiếp vì nhòm thấy chả có gì, toàn lăng mộ, đền Hindu mới xây… thậm chí bạn ý còn nằng nặc xua bằng được xuống vườn bách thảo. Nhưng bù lại, ba thằng gạ bạn ý đưa đi thêm những điểm mua sắm làm bạn rất khoái chí. Theo lời bạn nói, mỗi lần đưa khách đến điểm mua sắm (thực ra là các cửa hàng to, nhưng các bạn dùng từ market làm tưởng cái chợ to lắm), bạn sẽ nhận được một cái voucher, cái thì lớp học boxing cho con trai, cái thì giảm giá bộ sách giáo khoa cho con gái… chả biết có đúng không nhưng cuối buổi cứ "Thank you, you are my best friend, mà không kỳ kèo thêm bất cứ đồng nào.

Sân bay Indira Ganhdi là sân bay lớn và đẹp, nhưng an ninh thắt chặt, ai không có vé và hộ chiếu khỏi phải vào sân bay. Thế nên không có cảnh đưa tiễn và sân bay vắng teo. Đến lúc vào phòng chờ mới biết buổi chiều, ở ngay cạnh phủ thủ tướng, xe sứ quán chở các bạn ngoại giao Isarel bị tấn công, nổ tung xe, khói lửa mù mịt.

Đấy là những ấn tượng cuối cùng về các bạn Ấn, giờ lại bay bằng Air Asia nên lại gặp các bạn Thái rồi. Ngày mai về đến nhà, sẽ lại quay về nhịp sống cũ.

Chuyến Nepal - Ấn độ 2012 kết thúc ở đây, và giờ sẽ lại mơ tưởng đến những chuyến đi sau. Tunisia chẳng hạn.
 
Chuyến các cụ đi quá hay ước gì mình có một chuyến đi như này trong đời (BB). Em nói thật là ảnh minh hoa cho các điểm của chủ thớt ít quá
 
Đến khách sạn thì nằm tít trong ngõ, mà trên mạng các bạn đề hotel, đến nơi lại là hostel, trên mạng bảo phòng có toilet riêng, đến nơi lại là toilet chung, phòng trên mạng đẹp lung linh, đến nơi lại là phòng vừa xấu vừa bẩn… Đã thế thái độ nhân viên thì ngái ngủ, ăn nói cộc lốc, lại còn không có chỗ chờ, lại đòi trả thêm tiền vì đến sớm. Bố khỉ, cậu mày còn có một đêm ở đây thôi, đã thế đếch thèm lấy phòng nữa, bỏ deposit, ra chọn khách sạn nào to đẹp nhất phố cậu ở, rồi cả ngày cậu ăn mỳ tôm, thịt hộp cho nó hết. Đi được một đoạn các bạn chạy ầm ĩ theo bảo mày vào ngồi internet hủy lệnh đặt phòng của may trên mạng đi. Đã thế cậu đếch hủy, cậu complain cho mày chết.

Pahar Ganj là khu chợ và tập trung rất nhiều khách sạn, hostel, guesthouse cho dân đi phượt.

À! Đoạn này đọc tới rõ là đúng chất chua của bạn mình nhé.

Bài viết hay lắm cậu ạ. Thế chuyến đi Bali thì ai sẽ viết bài thế để mình còn vào phượt bằng mắt cho đỡ thèm cái nào :))
 
Hôm qua ba thằng tá túc chùa Linh Sơn, lúc đầu mấy bạn Ấn độ trong chùa báo giá cẩn thận là 700 rupies/phòng, chiều nay đến lúc thanh toán, bạn Việt Nam phụ trách xây chùa gạt đi, bảo tiềm nong gì làm cả bọn ngại quá. Lúc lên chào ni sư lẳng lặng thả vào thùng donate số tiền liếc trộm được trong hóa đơn. Giữa nơi đất khách, được tá túc chỗ người Việt, được ăn cơm mà lại là cơm chay Việt toàn dưa muối nấu canh, váng đậu nấu canh, măng khô kho... làm mấy thằng giang hồ vặt cảm thấy nhớ nhà và rất xúc động... .
Hoan nghênh bác chủ thớt qua hành động tế nhị này và cảng hâm mộ bác qua những chuyến phượt ngẫu hứng và ấm áp:)
 
Thanks anh Cào Cào vì topic hồi ức chi tiết và đầy cảm xúc.

Em thích mấy đoạn anh tả cảm giác nhớ nhà cứ lặp đi lặp lại khi đến chiều.

Như người ta vẫn bảo ra đi để tìm sự giải trí, quay về để tìm hạnh phúc.

Chúc anh luôn có những chuyến đi khám phá thú vị. :D
 
Năm ngoái (mà thật ra là năm kia rồi, tức là năm 2011 ấy) mình có đi Ấn với mấy bác nữa. Trong khi mình thích thú nghắm nghía, tìm kiếm lại các kỷ niệm cũ thì các bác cứ lầm bầm chửi rủa, chửi chán thì lại chê, chê bụi, chê xấu, chê ít văn minh, chê nóng ... chê và chửi chán chê thì các bác lại quay sang hỏi "Thế hồi ông ở đây lâu vậy thì sống mần răng?". Thì sống như các bác Ấn Độ chứ sống sao nữa. Hai bác đề nghị là ai mà sống ở Ấn vài tháng trở lên là tặng huy chương hay anh hùng lao động gì cũng được. Thế mới biết là không phải dân phượt khó ở Ấn thật.
Bác Cào cào cũng lê lết nhiều nơi thế mà mới gặp Ấn có mấy hôm đã buồn, đã nhớ nhà rồi, mời bác về miền Trung, xuống miền Nam, còn nhiều chỗ kinh lắm.
Thức ăn là khó khăn đầu tiên hay mắc phải. Xin hầu các bác một chuyện nhỏ về ăn. Hồi trước (là cũng lâu rồi đấy, cách đây chừng hơn 20năm) có bác đã ói ngay khi bước vào nhà ăn của trường Đại học Tamil Nadu nhá. Kể thì không ai tin, chưa kịp lấy thức ăn đâu nhá, mới chỉ nhìn thấy các bạn Ấn bóp thức ăn (nhất là nó bóp món curry với cơm lại cho nó thành một cái hỗn hợp sền sệt) và ngửi vài món ăn mà đã hò ngay tại chỗ, làm các bạn Ấn Độ khiêng đi cấp cứu vì tưởng bị chấn thương sọ não đấy. Mà các bác biết là cách đây hơn 20 năm, thời kỳ Việt Nam ta còn đói kém (kém tới mức nhà cháu còn chưa có xe đạp nhé), hồi nhà cháu còn đói, cái gì mà chả ăn được (???), thế mà thức ăn của các bạn lại làm ta sợ sao?
Thực ra thì các bạn Ấn không phải là ăn chay (họ phân biệt rất rõ nha), tuy họ cũng có nhiều người ăn chay (thật), còn lại là họ ăn kiêng thịt bò, thịt heo, thịt... nói chung là hơi khó đoán biết tùy theo vùng và theo tôn giáo. Tuy nhiên, nhà cháu kiếm thịt ăn hàng ngày vì thịt khá rẻ, thịt bò lúc đó loại ngon thì 1USD/2kg nhé. Nhưng phải biết chỗ mới mua được. Thịt cừu là đắt nhất, khoảng 3-5USD/kg. Gà và cá là khoảng 2-3USD/kg. Heo rẻ hơn (chắc chừng 1USD/kg) nhưng vẫn mắc hơn thịt bò. Trứng gà và thịt bò giá ngang nhau, 1 kg thịt bò khoảng nửa USD và được khoảng 1 tá trứng thêm 1 hai quả nữa.
Cái khó là người Ấn là khi nấu họ bỏ nhiều gia vị và là chế biến trông hơi kinh. Hình ảnh dưới đây là ở nhà ăn một khách sạn khá nhiều sao tại Mumbai nha các bác, nơi mà các bác khách nhà cháu vẫn không chịu được mùi thức ăn Ấn độ. Đây là món gà nha các bác, không nhìn ra món gì cả, chán chật.
Đó là lý do mà ngày xưa, mỗi khi có học sinh sang Ấn là người nhà các bác đi Sứ liền liên lạc và tìm cách để gửi mỳ gói sang. Cách đây vài năm, có đoàn khách của Ấn sang, nhà cháu mời cơm Ấn một bữa tại Phạm Ngũ Lão, giờ hỏi có ai thử lại không thì 100% xin ở nhà.

P3290049.jpg


Nói về cứt bò thì đó là chuyện thường ngày ở Ấn Độ. Một ngày đẹp trời, nhà cháu đến phòng thí nghiệm thấy tất cả chuyển sang màu xám vàng đen của cứt bò, từ sân, sàn nhà, tường và một vết to tướng trên màn hình máy tính nữa. Nói thêm là máy computer lúc đó quý như vàng nhé, khoảng 7-10K USD một con chứ không như bi giờ đâu. Cháu buồn quá, hỏi chúng mày làm chuyện gì đây, bọn nó mới xúm lại mời ăn bánh và kể là ngày hôm qua làm lễ. Lấy cứt bò các loại bỏ vào trong một cái xô to, hòa nước vào thành một thứ dung dịch cứt bò rồi quét một lớp lên mặt sàn, sân, tường cho may mắn, quyệt lên các loại máy móc và cả người nữa nhá. Nó kể xong hồ hứng lắm, hỏi nhà cháu muốn bôi không, cứt bò vẫn còn. Choáng quá, nhà cháu nói bôi ngoài TP rồi, hôm nay khỏi bôi.

Hơn 25 năm sau, quay lại vẫn còn thấy cứt bò trên đường phố ở Mumbai. Vì vậy nhà cháu hay gọi lén các bác ấy là bọn "cứt bò".

P3290047.jpg


Thứ ba là nóng. Nếu các bác sang Ấn, nhất là trung Ấn vào tháng 6 hay tháng 7 thì biết nhau ngay. 1 quả chanh không chịu nổi một ngày đâu, chỉ tới 3 giờ chiều là nó cứng như cục gì ... rồi. Đó là lý do vì sao ngày xửa ngày xưa, người Ấn đã dùng một thứ "máy" gọi là air cooler.

Thứ nữa là hẹn. Người Ấn hay nói vòng quanh và luôn hẹn mai sẽ tốt hơn, mai sẽ làm xong, mai sẽ mang tới, mai sẽ đưa... vì vậy nhà cháu kêu họ là các bạn tơ mo râu.

Kể thì bảo nói xấu nhưng chuyện Ấn mà kể thì cả ngày không hết các bác ạ. Vì vậy các bạn America kêu các bạn INDIA là I Never Do It Again.

Nhưng đó là nhà cháu tổng kết nhận xét của cả các bác đi chung kể xấu Ấn Độ chứ riêng nhà cháu thì đi Ấn vài lần rồi và vẫn chưa chán. Nếu có cơ hội thì nhà cháu vẫn đi tiếp. Nhà cháu vẫn dám ăn món thức ăn của các bạn Ấn kể các các món ngoài đường đấy. Đi Ấn có nhiều cái hay để khám phá lắm các bác ạ, cứ đi đi, Ấn cũng dễ chịu thôi mà.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,980
Members
192,327
Latest member
huuquang33456
Back
Top