Thật kỳ diệu với nước dừa tươi xứ ba dãy cù lao
Dừa quê tôi - xứ Bến Tre không biết có tự bao giờ và:
“Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt lấy quê hương”…
(Lê Anh Xuân)
Mỗi lần dẫn bạn về quê chơi, bạn tôi bảo xứ gì dừa nhiều thế. Quả thật vậy! Dừa quê tôi nhiều vô số kể, nhiều đến nổi mà mọi người biết đến quê hương tôi như là “miệt dừa”, “xứ dừa”, “rừng dừa” và hễ đi đâu đó cứ
“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”.
Tôi được xem bài viết thông tin
“Mời bạn về Bến Tre khám phá Festival Dừa lần III năm 2012” từ ngày 04 – 09/4/2012 và
“Ký ức tuổi thơ với vườn dừa quê tôi” đăng trên diễn dàn dulichvietnam.com, tôi thật sự xúc động, càng nhớ về quê nhà da diết. Là người con xứ dừa tha hương cầu thực xứ người, tôi vẫn thường về thăm quê, nhưng tâm lý người con xa quê hễ bắt gặp thông tin gì về quê hương là sâu vào đọc xem người ta nói gì về quê hương mình. Bài viết
“Ký ức tuổi thơ với vườn dừa quê tôi” làm tôi trải lòng lắng lại với những vần thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân:
“Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc
Lòng nao nao tôi nhớ nội xiết bao
Tuổi thơ xưa uống nước dừa dịu ngọt
Tôi biết đâu thuở chua xót ban đầu”…
Hay những câu thơ của nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà:
“Bến Tre gái đẹp, trai hiền
Dừa xanh nước bạc, cỏ miền quê hương
Ban trưa ghé quán bên đường
Uống no bóng mát mà thương xứ dừa”
Tôi vẫn nhớ rõ như in, gia đình tôi có đôi ba công đất, từ nhỏ đến khi trưởng thành, tôi thấy trồng toàn là dừa. Và nhớ nhất là cứ hễ khát nước là anh em tôi chạy ngay ra vườn, trèo tít lên ngọn dừa hay dùng câu liêm giựt cả quầy xuống, rồi dùng dao chặt tại chỗ, chẳng cần đổ ra ly hay dùng ống hút gì cả, mà cầm ngay trái dừa vừa chặt, cứ thế ngửa cổ lên uống một hơi rồi “khà ra” thật sảng khoái. Phải công nhận dừa mới bẻ xuống, chặt lấy nước nguyên chất, còn hơi ga uống nó ngọt lừ làm sao ấy. Hay có hôm đi chơi về bụng đói cồn cào, chặt ngay trái dừa xiêm chan vào tô cơm nguội, nạo cả phần cơm dừa, bỏ vào tí muối, say sưa ăn no đến cành hông luôn.
Trải qua biết bao thăng trầm, nhiều giống dừa khác nhau vẫn còn hiện hữu, thích nghi phát triển ở vùng đất quê tôi từ vùng nước ngọt, nước lợ, đến cả vùng đất cát ven biển hay ngay cả ở những vùng đất có độ phì nhiêu kém, nhiễm phèn, đều cho sai trái. Đặc biệt, nó có sức sống mãnh liệt, minh chứng là những vết tích bom đạn trên thân cây dừa vẫn còn lưu lại với thời gian ở những cây có độ tuổi trên 40 – 50 năm nhưng vẫn còn cho trái sai oằn. Điều đó có thể khẳng định nó luôn chung thủy, sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất Bến Tre và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Và cây dừa trở thành đặc trưng của quê tôi - Bến Tre.
Hiện tại ở quê tôi, gần nhà có một lão nông có trên 2 hécta đất trồng dừa. Thú vị nhất là mãnh đất đó đang có sự cư ngụ của khoảng 20 giống dừa. Mỗi lần về quê, tôi thường sang nhà uống trà đàm đạo, vì thế mà được biết người nông dân trồng dừa chia ra là 02 loại: “Dừa có dầu” và “dừa uống nước”. Qua tìm hiểu, tối được biết nhóm dừa có dầu có: Dừa ta (xanh, đỏ, vàng); dừa bung (xanh, vàng); dừa dâu (đỏ, vàng, xanh); dừa lai (BP121 – lai cao Tây Phi, Mã Lai). Nhóm dừa uống nước gồm: Dừa ẻo hay còn gọi là dừa xiêm lùn, dừa chùm, xiêm dây (xanh, đỏ); dừa xiêm (xanh, đỏ, vàng); dừa núm (xanh, đỏ); dừa tam quan; dừa Sri-lanca; dừa dứa (dứa xiêm, dứa thái); giống dừa sáp cũng có trồng trên đất Bến Tre, nhưng không nhiều.
Là người con của xứ ba dãy cù lao, xứ sở mà ra ngõ là gặp ngay hàng dừa, bờ dừa, vườn dừa xanh bát ngát mênh mông và hầu như nó đã có mặt trên mọi miền đất nước, vượt cả trùng dương đến bè bạn xa. Là người dân xứ dừa tôi rất tự hào về dừa quê tôi, vì nó đã góp phần chế biến đa dạng các sản phẩm trong thực phẩm, trong công nghiệp, trong thủ công mỹ nghệ, trong lịch sử - văn hóa, trong du lịch sinh thái, trong thơ ca - nhạc - hội họa, dừa trong các lễ hội…. Tính ra, dừa xứ tôi rất nhiều công dụng, ở đây tôi cùng với các bạn góp phần nói lên công dụng của nước dừa mà thôi, “ngon lắm – ngọt lắm” các bạn ạ!
Các cô, chú tham gia kháng chiến ngày xưa kể lại: Trong hai cuộc kháng chiến, do thuốc men thiếu thốn, các thầy thuốc của cách mạng đã sáng kiến dùng nước dừa nạo để thay nước biển truyền dịch cho những thương binh mất máu, mất nước kiệt sức. Nước dừa được dùng làm nước truyền dịch phải được chọn lọc rất kỹ như: Dừa trồng xa nhà, không sử dụng dừa trồng gần chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt, khi trèo lên ngọn bẻ dừa phải dùng răng cắn từng trái đem xuống hay thòng dây thả xuống từng quả một, không được làm rơi hoặc làm đọng sốc nước trong trái dừa, dừa bị sốc sẽ lên cặn, nghẹt kim không truyền dịch được. Nước dừa còn thay nước cất trộn vào thuốc kháng sinh để tiêm rất tốt; hay ong ruồi làm tổ trong vườn dừa, ta lấy mật đó dùng để sát trùng, rửa vết thương cũng rất tốt. Đó là công dụng của nước dừa được dùng trong những năm kháng chiến. Ngày nay y học đã có nhiều tiến bộ, thuốc men không còn khang hiếm, nên việc dùng nước dừa để thay thế nước truyền dịch hay nước cất không còn nghe nhắc đến.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu tư liệu của Đông y thì nước dừa có rất nhiều công dụng. Bởi nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu, nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam. Hay nước dừa kết hợp với một số cây thuốc nam khác để chữa các bệnh như: Khan tiếng, kiết lỵ cấp tính, nôn mửa, lợi tiểu giải độc, viêm thận phù nề, tẩy sán lá… Nước dừa còn chế biến thành “canh dừa” để khử độc hại của rượu hay bôi trơn các khớp. Nước dừa non trị chứng suy dinh dưỡng, bụng ỏng, đít teo cho trẻ. Nước dừa tươi kết hợp cùng với một vài vị thuốc khác để trị bệnh hoại tử ruột do bệnh thương hàn.
Nước dừa tươi từ xưa đã được xem là một loại nước bổ dưỡng, hợp vệ sinh, là loại giải khát được nhiều người ưa chuộng. Trong ẩm thực, nước dừa tươi là một trong những nguyên liệu góp phần chế biến làm phong phú các món ăn, tôi mê nhất là làm ra nước màu dừa dùng để kho thịt, kho cá; thích hơn là dùng nước dừa làm nồi thịt kho tàu thì thơm ngon, tuyệt vời, hấp dẫn vô cùng.