4. Các yếu tố kỹ thuật
Thực ra là có rất nhiều yếu tố kỹ thuật liên quan đến cái GPS mà các bác sẽ mua, nhưng em chỉ gói gọn vào mấy cái này thôi:
- Mức độ tích hợp: Tới bây giờ thì GPS không chỉ là đơn thuần là GPS mà nó còn là một thứ tổng hợp của rất nhiều thứ vào với nhau: PDA, GPS, Modem, Phone, Camera, Barcode Scanner, Laser Rangefinder (à há, môn này hay đây hôm nào em sẽ tổ chức gây nghiện các bác) ... Như vậy cũng đủ biết là anh em sẽ phải phân vân như thế nào khi đi đến quyết định cúng cuồi. Tuy nhiên em có gợi ý thế này: Bác hãy mua cái máy có mức độ tích hợp mà mình cần, đừng vì ôm đồm quá rồi lại dùng không hết. Tốt nhất cứ tư vấn chuyên gia trước khi mua, bây giờ người bán mà không am hiểu chẳng nhiệt tình thì cơ hội làm ăn với các bác tinh khôn nhà Phượt coi như bằng không có phải không ạ.
- Độ chính xác: Thực ra thì cái này các bác em đừng nên quan tâm mà đặt nặng thành vấn đề, bởi các bác có đặt nặng thì cũng chẳng bao giờ mình lại có được cái độ chính xác thật cao với cái cơ sở hạ tầng hiệu chỉnh GPS Việt Nam, mí cả quan trọng là mình đang định dùng có 500$ để mua máy thôi. Tuy nhiên các bác nắm cho em những cái cơ bản sau (để không bị loè và để bênh vực những người bị bọn buôn bán như em đây nó loè). Em khẳng định ngay và chắc chắn luôn là không có cái máy GPS rẻ tiền nào chạy ở Việt Nam (nhớ cái này nhé) mà đạt được độ chính xác độc lập (Autonomous - Mỗi 1 máy) từ 1 đến 5 mét! Vì độ chính xác không S/A đã là 10 mét, quan trọng là 10 mét không ổn định, nếu bác đứng trên nóc nhà Keangnam thì em chắc là sẽ ổn định ở đâu đó 10 mét (tốt hơn tí), cơ mà chẳng lẽ cứ đứng trên ấy mãi sao? Bác tụt xuống Phạm Hùng, ví thử có con bướm to bằng bàn tay nó bay qua ăng ten hay có em bé xinh như mộng em nó thò mặt vào xem cái GPS của bác tí, thế là che mất ăng ten, thế là vị trí nó lại nhảy lên nóc nhà Keangnam, em nó đi hay bướm bay qua thì vị trí lại về Phạm Hùng, thế mới đau vấn đề là TÍNH KHÔNG ỔN ĐỊNH. Nhưng trong catalogue máy cầm tay rẻ bây giờ người ta ghi rõ là độ chính xác 1 đến 5 mét luôn là bởi vì người ta có dịch vụ hiệu chỉnh độ chính xác, tóm tắt ở Mỹ nó là WAAS, ở Châu Âu nó là EGNOS, ở Nhật Bản nó là MSAS và nếu bác cầm Garmin thôi ở những vùng này là các bác yên tâm, còn ở Việt Nam thì đừng có mơ, ai bán hàng mà nói với các bác độ chính xác ấy thì đừng có tin ạ.
- Khả năng chia sẻ số liệu: Cái này thì hay đây các bác ạ, bác muốn đưa bản đồ vào, bác thích lấy số liệu ra, bác muốn cắm thêm cái thẻ, lại có bác muốn kết nối với thiết bị ngoại vi. Hầu hết các loại máy GPS bây giờ đều làm được ít nhất một việc ở trên (nếu không muốn nói là nhiều việc) vì thế khi chọn các bác nhớ cho em cái khả năng kết nối và chia sẻ số liệu. Nếu bác đi chơi đây đó và thích ghi chép thì POI là quan trọng (vì còn về khoe hàng chứ), nếu bác muốn là phải làm ra được cái bản đồ cả tuyến thì Point - Line _ Area là quan trọng ... thế nên cứ cân nhắc rằng mình thích cái gì sẽ tìm được đúng cái phò hợp trong hàng nghìn loại GPS cầm tay.
- Độ bền và các chỉ tiêu nước và bụi: Tất cả các loại máy GPS đều được thiết kế theo các tiêu chuẩn mà cả thế giới này chấp nhận như EC, ROH, ISO, MIL .... và lằng nhằng em chẳng nhớ nữa, theo đó tuỳ vào mục đích ứng dụng mà các bác quyết loại nào. Bác mà hay đi mưa thì khi mua máy Hồ Cẩm Đào là phải hết sức trân trọng nó, bác mà hay ngồi trong ô tô thì chẳng việc gì phải tốn tiền cho cái chuẩn MIL-STD chống nước chống bụi. Các bác cân nhắc xem mình sẽ dìm em nó xuống đâu, chôn em nó ở đâu mà quyết nhé.
- Đừng chạy nhanh và bay cao quá: Để an toàn thì các máy GPS thương mại đều tuân thủ COCOM LIMIT. Nghĩa là các bác đừng có hy vọng mua máy Garmin về, bóc vỏ lấy lõi gắn vào tên lửa hành trình tô ma hốc nhé. Khi lên cao trên 10km và chạy nhanh hơn 1.000 km/giờ, em nó tự chết và xuống đất một lúc em nó lại tỉnh (tất nhiên chả bác nào chạy nhanh thế, tuy nhiên biết còn đi chém gió cũng chẳng làm sao). Tuy nhiên vẫn còn cửa đấy, bác nào lỡ mua chuyên cơ rồi thì cứ gọi em em có khả năng cung cấp cái máy có thể lên cao 18.000km và bay nhanh quá 1.000 knots cơ.
- Tương lai sẽ ra sao: Cái này ngoại trừ các bác thích công nghệ của tương lai thì quan tâm, còn lại chẳng cần biết làm gì. Về lý thuyết thì máy cầm tay rẻ tiền ít nhất là dò tìm (tracking) được 8 vệ tinh, và thực tế chỉ cần 4 là đủ để định vị các vệ tinh khác được dự phòng, khi nào em đang dùng xuống thấp hơn đường chân trời sẽ bị máy bỏ đi và máy cưới một em vệ tinh mới (lý thuyết là thế nhưng mà chi tiết còn dông dài lắm ạ) như vậy có dò tìm 220 vệ tinh cũng chẳng làm gì cả, ngoại trừ việc lúc nào nó cũng sẵn sàng định vị. Người ta cũng đã tính toán lý thuyết cho mỗi thời điểm, chỉ có GPS thôi các bác cũng có được ít nhất 6 vệ tinh tốt (đồ hình nó tốt vì nó ở trên đỉnh), vậy thì làm gì phải xoắn với Galileo, GLONASS hay Beidu nếu bác em không định dùng máy GNSS chuyên nghiệp.
Thế đã ạ không lại nhiều quá. Bao giờ em phải làm mục bản đồ nữa cho máu, à quên sẽ còn phần Laser Rangefinder chẳc rất hữu ích cho các Phượt Gia nữa.