What's new

Hà Giang - Cao Bằng: những cung đường tình yêu

Mặc dù ở Forum này đã có quá nhiều topic về Hà Giang rồi, nhưng em cũng xin mạn phép được mở thêm một cái thớt nữa về miền đất đáng yêu này - Nơi mà em đã đi, đã đến và đã chết đứ đừ ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy :L.

Chuyến đi được bắt đầu một cách hết sức vu vơ vào một ngày đầu tháng 9, hai con vịt ham chơi chán làm gặp nhau trên net:
- Chán quá rồi mày ạ. Thèm đi đâu đó quá.
- Tao cũng thế. Sắp phắn về nhà làm rồi. Hay trước lúc tao về thì làm 1 chuyến nhá. Hà Giang đê!
- Ok! 1 tuần trăng mật cho 2 đứa mình!

Và thế là 2 tuần lọ mọ tìm cung đường và lịch trình hợp lý nhất cho chuyến đi 7 ngày bắt đầu. Nghe đến HG cũng nhiều và mơ ước được đến đó cũng đã có từ lâu lắm rồi nhưng mãi đến h mới có cơ hội để đi. Trước lúc lên đường em cũng lê la đến mòn chuột và keyboard ở phuot.com, cũng nhân được không ít những lời khuyên có, can ngăn cũng có vì cung đường Hà Giang rất khủng. Đối với những kẻ mới lần đầu chân ướt chân ráo đi phượt, nhất là với phận nữ nhi như em, chưa từng chạy đường núi bao h và cũng chưa từng tự chạy đường đồng bằng quá 40km/ngày thì đúng là liều lĩnh thật!

Nhưng với tinh thần "Điếc không sợ súng"; “Bây giờ hoặc không bao giờ”, “Đi hoặc tự cắt tiết”, không từ một thủ đoạn nào, cuối cùng 3 đứa em (2 vịt, 1 cò) cũng đã thực hiện được hành trình mơ ước của mình.

Nhân đây em cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bác, các anh chị em ở phuot.com đã quan tâm và động viên em rất nhiều trên từng cột mốc, từng khúc cua :L. Nhờ đó mà em càng có quyết tâm để tăng thêm sự liều lĩnh của mình :T đấy ạ. (He he, nghe đúng kiểu diễn văn tổng kết :LL)
 
Buổi chiều, sau khi ngất ngư vì những chén rượu ngô cay nồng trong một bữa cơm thân mật ấm tình quân dân với các anh biên phòng Phó Bảng, cả bọn hỏi đường mò vào Phố Là, một xã biên giới, cách Phó Bảng khoảng 7-8km. Đường vào Phố Là xấu, nhỏ và ngoằn ngoèo hơn đường vào Phó Bảng, nhiều đoạn còn bị bong tróc ra tận mép, ko để ý là lăn tòm xuống vực như chơi.

Đến Ủy ban xã Phố Là lúc xế chiều, gặp bà con người H’mông đi lấy gạo trông coi rừng của Nhà nước phát. Ai cũng phấn khởi.

IMG_1718.jpg



IMG_1719.jpg
 
Ở xã Phố Là có làng của người Pu Péo – một trong những dân tộc thiểu số nhất (còn gần 1000 người) chỉ có ở Hà Giang. Người Pu Péo ở Phố Là ở cùng với người H’mông nhưng sống tập trung trong 1 bản (làng), là Làng Văn hóa Chúng Trải.

Pu Péo được coi là một trong những dân tộc đầu tiên khai phá vùng đất đá ở cao nguyên đá Đồng Văn này. Người Pu Péo thờ nhiều vị thần như: thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước, thần Gió, thần Mây... vì họ trọng cái thật trước mắt, nên coi rừng còn cao hơn cả Trời. Cuộc đời người Pu Péo gắn chặt với rừng, ở nhà chỉ cúng từ ông tổ đời thứ năm trở lại, các vị trên nữa thì đã ra rừng, thường trú ngụ dưới gốc đa to. Bởi thế chặt cây, giết thú là phạm vào cả tằng tổ cùng con cháu mình. Quan niệm đó là độc đáo và thiên về duy vật cổ sơ.

Một trong những lễ hội đặc trưng nhất của người Pu Péo là lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu hè. Nếu bác nào đến Đồng Văn trong dịp này thì nên tham dự xem nó thế nào. Em nghe nói người Pu Péo có đôi trống đồng cổ lắm, chỉ được lấy ra dùng vào dịp cúng thần Rừng thôi.

Theo như anh chủ tịch xã Phố Là, thì vòm cổng bằng đá này là một nét đặc trưng và rất thiêng liêng của người Pu Péo.

IMG_1743.jpg

Hỏi chuyện một anh giáo viên người Pu Péo trong làng thì được biết Chúng Trải (hay còn có tên khác là Củng Chá) chính là làng gốc của người Pu Péo, những người Pu Péo khác ở Yên Minh hay Bắc Quang cũng đều từ đây mà ra.

Nhà của người Pu Péo giống với kiểu nhà của người H’mông và người Tày: đều có trình tường bằng đất – một kiểu nhà đặc trưng của xứ lạnh Hà Giang. Tuy nhiên vào nhà người Pu Péo thì cho cảm giác thấp và tối hơn. Trước cửa nhà thường có một tấm vải đỏ (giống với nhà ở Phó Bảng) và ở cửa mỗi nhà đều có dán hình Quan Công. Có lẽ tín ngưỡng thờ cúng của tộc người này cũng giống với người Tày là thờ Quan Công (?!)

IMG_1735.jpg



IMG_2770.jpg

Bàn thờ gia tiên

IMG_1733.jpg

Bếp thường được đặt cạnh chỗ ngủ; lương thực trồng chính vẫn là ngô.

IMG_2766.jpg

Trang phục truyền thống của người Pu Péo

IMG_2772.jpg

Zin zin. Hai nhóc Pu Péo này rất ngoan và chịu khó nhá!

IMG_2769.jpg
 
Hôm ấy mải chơi la cà nên thành ra về đến Phó Bảng thì trời đã tối om. Về đồn Phó Bảng, các anh biên phòng đã chuẩn bị xong hết cơm rượu từ lúc nào rồi, chỉ việc chén thôi :D. Kể mà đi đâu cũng được như thế này thì tốt quá, chẳng j sung sướng bằng (beer)

Cơm no, lại hành trình hơn 20km ngược về Sà Phìn. Cũng chỉ vì mải chơi, ko căn ke thời gian cẩn thận nên 3 đứa mới phải chạy tối như thế này. Đêm Phó Bảng lạnh đến tê người. Đường vắng teo, xung quanh là bóng tối kín đặc bao trùm, chẳng biết đâu là vách núi, đâu là vực :gun. Hai cái xe cứ bình bịch nổ máy lặng lẽ bám theo cột mốc mà tiến, thi thoảng ánh đèn chiếu vào mắt vài con thú, phản lại lúc đỏ ngầu, lúc xanh lét, lúc lại vàng ệch. Biết là thú rừng mà vẫn không khỏi giật mình thon thót, chỉ lo khi đi qua đoạn vực sâu, có con j chạy xồ ra thì coi như xong!:Dam Giờ ngồi nghĩ lại thấy mình lúc đó liều thật! Thi thoảng quay lại hỏi nàng vợ ngồi im thin thít phía sau:

- Sợ ma không?
- Không. Chỉ sợ người thôi. Anh sợ ko?
- Không. Không biết con trai mình đi sau có sợ không nhỉ?
- Anh yên tâm, con nó có khi còn làm ma sợ ấy chứ! :LL

Rồi cười. Nhưng mình biết cô nàng cũng đang sợ như mình, chỉ có điều ko dám nói ra vì sợ làm mất tinh thần của cả bọn thôi. Thế rồi nàng ngồi sau cất tiếng hát – 2 câu hát duy nhất theo 2 đứa từ Hà Giang đến tận bây giờ: “Ơi cô nàng mà anh yêu mến…”

... Thi thoảng nhìn thấy vài ánh điện sáng, cả bọn lại khấp khểnh: Sà Phìn yêu kia rồi! (beer) nhưng rồi lại tiu ngỉu vì nhầm. Cái đoạn đường hơn 20km ấy cứ như kéo dài bất tận trong đêm đen mịt mù vậy!

...Thế rôi cũng về đến nhà. 9h tối, 3 đứa về đến Sà Phìn trong sự thở phào nhẹ nhõm của anh biên phòng xinh giai và tốt bụng ấy. Nhận cốc nước ấm từ tay anh, bỗng cảm thấy thật yên bình và yên ổn như thể ở nhà mình vậy.

Cả bọn lưu trú ở đây 2 ngày, ở nhờ phòng của 1 cô giáo bản hoàn toàn xa lạ, thế nhưng những gì mọi người nơi đây dành cho đều khiến 3 đứa cảm thấy như đã thân quen từ lâu lắm rồi. Những cung đường được chỉ bảo, dặn dò kỹ lưỡng; những chia sẻ về văn hóa vùng cao, về phong tục, tập quán, tộc người… làm cho 3 đứa cảm thấy hành trình của mình không còn đơn độc.

Nhưng, mai phải rời Sà Phìn rồi...

... Những lời mời ở lại. Chân tình.

Có những vùng đất ta vô tình ở lại, có những con người gặp gỡ rất ngẫu nhiên, đến rồi đi nhanh như một cơn gió thoảng nhưng để lại cho ta ấn tượng thật khó phai mờ. Đó là Sà Phìn. Là dinh Vương trong một tối mùa thu khi 3 đứa cùng chị quản lý di tích líu ríu dắt nhau đi tắt điện từng phòng, cứ mỗi 1 bóng đèn tắt đi là 1 cảm giác rùng mình thoáng qua khi thấy mình như ngập sâu hơn vào bóng tối của dinh cơ u tịch này. Là anh giáo viên nhiệt tình, vui tính, sống tình cảm. Là chị giáo viên cắm bản, chị ít nói lắm, nhưng cẩn thận chăm chút cho 3 đứa lạ hoắc lạ huơ có bữa cơm ấm cúng, giấc ngủ ngon lành. Là ánh mắt trong veo của đám trẻ nhỏ đang tíu tít dưới sân trường. Là anh biên phòng xinh giai, tốt tính. Là cái nắm tay ngại ngùng, vội vã. Là ánh mắt buồn như phải tạm biệt một người thân thiết đi xa…

Thật hiếm có nơi xa lạ nào mới đến lần đầu lại cho ta cảm giác như được trở về nhà như vậy!

Ngày mai, có chợ phiên Lũng Phìn.

Đi… Lại đuổi theo phiên chợ.

Đi… Nhưng cái tim như để quên lại Sà Phìn mất rồi! :L
 
Last edited:
Ngày thứ 5: Sà Phìn – Nguyên Bình

Thời gian trôi nhanh khủng khiếp, loáng 1 cái đã gần hết 7 ngày du hý. Theo lịch trình thì hôm nay cả bọn đang ở Bảo Lạc hoặc Nguyên Bình rồi.

Trước lúc đi, vì non tay lái và lạ đường nên em chỉ dám định mức chạy 1 ngày khoảng 50-70km là cùng. Ấy thế mà từ lúc nhảy lên xe máy ngồi đến giờ, ngày nào cũng cày ngót nghét hơn trăm cây. Được cái đường Hà Giang đẹp hơn em tưởng tượng rất nhiều. Trước khi đi em có hỏi han các bác đi trước thì đều được khuyên là chưa có kinh nghiệm chạy đường dài, nhất là đường núi thì không nên đi cung Hà Giang, cứ tập đường Ba Vì hay Tam Đảo trước đã; hoặc có đi thì kiếm xế nào đó chắc tay, chứ con gái mà đi như thế thì quá mạo hiểm, tèo như chơi ấy :Dam. Rồi vấn đề xe cộ cũng phải rất cẩn thận, cần chuẩn bị đồ nghề sửa xe, săm lốp… mang theo; rồi thì vấn đề sức khỏe cho cả chuyến đi dài ngày (bọn em toàn mình hạc xương mai thôi) :shrug:; rồi thì vấn đề an ninh an toàn khi mà con gái cứ mon men biên giới như thế… :gun nói chung mỗi lần hỏi han là mỗi lần em tá hỏa trước những vấn đề có thể phát sinh mà cả lũ chưa lường hết được. Lần đầu tiên mà, cái j cũng ố á, cũng bỡ ngỡ. Thế là xen lẫn cái cảm giác háo hức lên đường là cảm giác sợ hãi và lo lắng. Nhưng mà cứ mỗi lúc sợ như thế, em lại càng thấy khao khát được đi, được chinh phục mới ác chứ. Sau 4 ngày quần thảo ở Hà Giang, cả 3 đứa vẫn chưa bị sứt mẻ j. 2 em xe vẫn chạy tốt, thậm chí lốp cũng ko cần phải bơm (c); túi thuốc mang theo cũng mới chỉ hao đi hơn chục viên berberin do cậu con trai chưa quen với đồ ăn lạ. Thế là ngon lành lắm rồi! (beer)

Vì ở Đồng Văn thêm 2 ngày, thành ra quãng đường dự kiến theo kế hoạch phải tăng lên gấp đôi: không nghỉ ở Bảo Lạc như dự kiến mà phi thẳng sang Cao Bằng luôn.

Bịn rịn chia tay… Sao mà ghét cái khoảnh khắc chia ly ấy thế! :(

Rồi cũng lên đường. (BB)

Háo hức lắm. Háo hức với Mã Pì Lèng. Háo hức với Lũng Phìn. Háo hức với Khâu Vai… Cả 3 đứa hớn hở mà ko ngờ rằng cung đường ngày thứ 5 là cung đường khủng nhất, ngoài dự kiến của mình!
 
Last edited:
Hơn 8h sáng, cả bọn rời Sà Phìn đi. Lần thứ 2 trở lại thị trấn Đồng Văn, con đường đã trở nên thân thuộc hơn nhiều.

4 ngày ở Hà Giang, tưởng chừng cái mắt đã quen với núi với đá rồi, ấy thế mà khi bắt đầu đến chân đèo Mã Pì Lèng, cả bọn thực sự shock với những vách núi cao lừng lững và những hẻm vực sâu hun hút nơi đây.

Đường xây trên trời

IMG_2820.jpg


Trơ gan cùng tuế nguyệt.

IMG_2795.jpg


Ảnh ọt về ngôi nhà Mông với bờ rào đá này em cũng được nhìn thấy khá nhiều rồi, và trong chuyến đi lần này em cũng có chủ ý tìm kiếm nó, ai ngờ lại tọa ngay gần mặt đường thế kia.

Rồi dừng xe lon ton chạy vào nhà. Tiếng chó sủa ầm ĩ.

Rồi cánh cổng cũng động đậy, mở ra. Đón 3 đứa là một bà lão có lẽ cũng nhiều tuổi lắm rồi, cõng trên lưng một đứa bé con. Bà ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột của 3 người khách lạ, nhưng thái độ thân thiện lắm. 3 đứa ngỏ ý được vào thăm nhà bà, bà không biết tiếng Kinh, nhưng khua chân múa tay một hồi rồi cũng hiểu ra ý định của cả bọn. Bà cười tươi lắm và mời vào nhà. Nhà chỉ có mấy bà cháu với nhau, chắc bố mẹ của lũ nhóc hôm nay đi phiên chợ rồi.

Vừa bước qua cánh cửa, nàng vợ của em đã ô a một cách đầy kích động. Nàng sung sướng vì đang được ở trong một ngôi nhà của người H’mông cực thuần: từ kiến trúc cho đến đồ đạc, chứ ko lẫn nhiều nét Kinh như những ngôi nhà mà cả bọn đã qua trước đó. Những kiến thức từ sách vở tưởng như ngủ quên, bỗng sống dậy một cách đầy sinh động, tái hiện lại qua từng cái ăn, cái ở của gia đình người Mông này. Nào là nền đất nện vẫn còn nhấp nhô; nào là 2 cái bếp đặt trong nhà, gần giường ngủ; nào là cái giường của vợ chồng bé xíu, đặt góc cuối nhà, chỉ vừa khi nằm nghiêng; nào là những thùng, đồ chứa… được làm từ những miếng gỗ pơ mu hay sa mộc ghép lại, có tuổi thọ có khi cũng bằng tuổi thọ của bà lão ấy chứ; nào là chiếc muôi được làm bằng gỗ, dùng lâu đến nỗi nó đã bị mòn vẹt đi quá nửa rồi; nào là cái chảo vẫn còn đồ ăn đặt ở trên bếp, vì với người Mông, bếp là nơi thiêng liêng lắm, trước đây, việc để cho bếp tắt lửa được coi là điều kiêng kỵ; nào là món ngô đồ, dùng để ăn thay cơm; nào là gác mái phủ bồ hóng chất đầy ngô...

Thấy cả bọn đang bốc ăn thử bát ngô đồ để dở trên bàn, bà lão lại tưởng 3 đứa đang đói, liền xúc 1 bát cho cả bọn. Món ngô đồ này khó ăn hơn em tưởng, hầu như không có vị j. Sự thuần nhất có ở trong gia đình này không phải vì họ trung thành với những j tổ tiên để lại, mà vì họ nghèo. Nghèo đến tê tái! Giữa núi đá trùng điệp, khô cằn khắc nghiệt ấy, ngôi nhà nhỏ mọc lên như một ốc đảo cô độc, những con người trong đó phải giành giật với núi đá từng hốc đất để tồn tại. Nghèo. Nhưng họ vẫn lạc quan, vẫn vui khi có khách đến nhà, vẫn hồ hởi san sẻ phần lương thực ít ỏi nếu như khách đói – điều mà dưới xuôi giờ chắc chỉ còn trong cổ tích!

Món ngô đồ.

IMG_1778.jpg


Bữa ăn cho cả nhà.

IMG_1773.jpg


IMG_1769.jpg


Dạo vòng quanh nhà, bỗng gặp 2 đứa trẻ nhỏ đang trốn phía sau. Chúng nhìn những vị khách lạ với ánh mắt như có j đó sợ sệt, như con mèo nhỏ nhát người núp phía sau vạt váy bà. Mấy miếng kẹo nhỏ, phải nhờ bà đưa chúng mới dám cầm. Từ đầu chuyến đi, chưa có ngôi nhà nào lại để cho cả bọn nhiều suy tư đến vậy.

Hai con mèo con.

IMG_1785.jpg


Trong veo!

IMG_2807.jpg
 
Mã Pì Lèng - một trong những cung đường mà em háo hức nhất. Cũng vì nhiều người cảnh báo về độ nguy hiểm của nó quá nên càng làm cho em phấn khích và tò mò.

Đúng là hoành tráng thật!

Còn về mức độ nguy hiểm thì cũng bình thường thôi. So với quãng đường từ Hà Giang em đi đến giờ thì đoạn Mã Pì Lèng này còn an toàn chán vì có barie chắn hết rồi; đường cũng không có nhiều khúc cua tay áo... nhìn chung là rất hợp với trình gà như tụi em!

Nho Quế.

IMG_2837.jpg


IMG_2838.jpg


Mã Pì Lèng

IMG_2825.jpg


Đèo và sông là đôi bạn thân!


IMG_2834.jpg


Mã Pì Lèng views. Con đường này dẫn đi đâu ấy nhỉ? Nhìn mà chóng hết cả mặt :-SS

IMG_2845.jpg


Chêng vênh...

IMG_2844.jpg
 
Đi và khám phá là rất tốt (c).Nhưng chịu khó tìm hiểu và hỏi han kỹ lưỡng vào thì sẽ hay hơn bạn ơi...Cái món mà bạn gọi là " món ngô đồ " kia thực ra nó có tên là " mèn mén ".Nó cụ thể như thế này :
MÈN MÉN:
bột ngô đồ - một cách chế biến ngô để ăn thay cơm, rất phổ biến trong các dân tộc thiểu số canh tác nương rẫy ở vùng núi cao các tỉnh miền núi phía bắc đặc biệt ở người Mông. Ngô được xay nhỏ, sau khi đun sôi một lúc trong chảo ngập nước cho mềm thì vớt ra, rồi đồ chín. Khi ăn, xúc dần ra bát. Nhiều khi bột ngô được đồ lẫn với một phần gạo tẻ. Thức ăn dùng với MM: thịt, cá, rau, đậu, canh, vv. Bột ngô ở đây không chỉ làm MM, mà còn dùng làm nhiều loại bánh.
Chúc có nhiều chuyến đi thành công và viết,thật hay thật súc tích những gì bạn thấy (beer)
 
MÈN MÉN:
bột ngô đồ - một cách chế biến ngô để ăn thay cơm, rất phổ biến trong các dân tộc thiểu số canh tác nương rẫy ở vùng núi cao các tỉnh miền núi phía bắc đặc biệt ở người Mông. Ngô được xay nhỏ, sau khi đun sôi một lúc trong chảo ngập nước cho mềm thì vớt ra, rồi đồ chín. Khi ăn, xúc dần ra bát. Nhiều khi bột ngô được đồ lẫn với một phần gạo tẻ. Thức ăn dùng với MM: thịt, cá, rau, đậu, canh, vv. Bột ngô ở đây không chỉ làm MM, mà còn dùng làm nhiều loại bánh.
Chúc có nhiều chuyến đi thành công và viết,thật hay thật súc tích những gì bạn thấy (beer)

Vâng. Em cám ơn bác. Bột ngô đồ chín theo quy trình như thế kia thì phải gọi là mèn mén chứ ko gọi là món ngô đồ. Em nhớ rồi ạ :D
 
Khâu Vai. Nghèo và cằn cỗi. Cằn cỗi hơn cả Đồng Văn, đúng là cái xứ mà "Cỏ cây chen đá, đá chen nhau", còn con người thì đầu đội trời chân đạp đá mà sống. Vĩ đại!

IMG_2855.jpg


IMG_2858.jpg

Bé con đang nghĩ j mà tư lự thế?

IMG_2859.jpg

Lúc bé con quay lại thì thấy sau lưng bé đang đeo 1 chiếc ghế. Cái lưng bé xíu kia đã phải tập gùi rồi! Càng đi càng thấy phục người Mèo ghê gớm, tấm lưng của họ như cõng được cả núi đá Hà Giang!
 
Gần 2 tuần qua theo dõi bài viết của bạn Kili tôi rất hào hứng và luôn chờ đợi phần tiếp theo để biết sau đó sẽ là những thú vị gì. Quả thực tôi đã học hỏi thêm được nhiều điều mà trước đây chưa từng biết tới. Được nửa chừng thì sự việc đáng tiếc xảy ra như các bạn đều biết. Đồng ý rằng không nên đào sâu vấn đề và nên bỏ qua cho nhau nhưng tôi cũng mong được góp đôi lời. Không nhằm vào cá nhân ai, cũng không phải để thêm tranh cãi; là một người thẳng thắn, khách quan và tôn trọng sự thật, tôi chỉ hy vọng cái gì đúng thì nên được bày tỏ và công nhận. No offence.

Khách quan mà nói, tôi không thấy bài viết có gì đáng chê trách. Về văn phong, dù bạn chủ topic viết theo lối informal nhưng tôi chưa thấy có chỗ nào là không tôn trọng độc giả cả. Hơn nữa khi viết về hoàn cảnh của những người dân nơi bạn đi qua, bạn đều viết rất chân thành cùng với sự cảm thông sâu sắc mà tôi tin rằng ít ai đọc mà không xúc động. Mọi người có thể có ý kiến khác nhau về cách xưng hô mà bạn chủ topic dùng trong bài viết. Phải thừa nhận rằng điều này có thể không gây được cảm tình đối với một số độc giả lớn tuổi hơn do sự khác biệt về cách nghĩ giữa các thế hệ. Bản thân tôi thì thấy nó hoàn toàn bình thường, đôi khi tôi cũng gọi bạn bè mình như thế. Theo tôi cách xưng hô đó không thể hiện điều gì khác ngoài mức độ thân thiết giữa những người bạn. Tuy nhiên trên tất cả, tôi coi trọng giá trị của những thông tin mà bạn mang lại hơn là để tâm đến những tiểu tiết (mà thực ra là vô hại). Không quan trọng một số độc giả khó tính có thể đánh giá bài viết còn non tay, tôi vẫn tuyệt đối tin rằng những câu chữ mà bạn viết ra là gan ruột và tâm huyết - điều đáng quý hơn bất cứ sự trau chuốt, bóng bẩy nào!

Về vấn đề mấy bức ảnh WC mà nhiều người cho rằng khiếm nhã, không văn hóa và thiếu tôn trọng độc giả thì tôi cũng xin có vài lời như sau. Có lẽ không nhất thiết lúc nào cũng phải đao to búa lớn làm gì, hãy nghĩ đơn giản là cái WC nằm trong khu di tích và nó cũng được bảo tồn như những khu vực khác thì không lý gì nó lại không có giá trị lịch sử. Xét ở góc độ hài hước, đây cũng là điều đáng để trải nghiệm lắm chứ, và hoàn toàn không phản cảm chút nào. Đi thật và viết thật, chẳng phải mọi người cũng chờ đợi để được nghe thật hay sao? Hơn nữa, không phải ở bất cứ bài viết nào chúng ta cũng có cơ hội tìm hiểu được những thông tin tế nhị như thế. Lý do đơn giản bởi vì con người thích hướng về cái đẹp nên người viết không muốn chiềng bày những thứ như thế lên mặt sách, báo và người đọc thì không muốn đọc chúng. Và bởi ai cũng chỉ muốn thấy cái đẹp, nhìn cái tốt nên họ thường phản ứng quá đà trước những gì mà họ cho là không vừa mắt? Tôi thì tin rằng khám phá cuộc sống bằng tai, bằng mắt, bằng trải nghiệm và bằng cảm xúc thật của mình thì thú vị hơn là để bị mỵ dân. We've got to think out of the box!

Một lý do quan trọng khác khiến tôi viết những dòng này là muốn khẳng định độ tin cậy của thông tin mà tác giả đề cập trong bài viết, vốn đã được đưa ra mổ xẻ bung bét mấy ngày trước. Trong bài viết đã bị del, bạn chủ topic viết rằng dinh vua Mèo từng là nơi chứng kiến những âm mưa thủ đoạn tàn ác của vua Mèo. Thông tin này là thật và tôi cũng đã kiểm chứng rõ ràng. Điều này được viết trong tác phẩm "Bên kia cổng trời" của nhà văn Ngôn Vĩnh. Tác phẩm có tên nguyên thủy là "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn" xuất bản năm 1977, NXB Công An Nhân Dân. Bạn nào quan tâm thì có thể tìm lại tác phẩm để tự xác minh. Dưới đây là một vài thông tin về tác giả:

Nhà văn Ngôn Vĩnh, tên thật là Trần Văn Vịnh, sinh ngày 1/4/1944, tại xã Nam Mỹ, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1993). Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm phóng viên báo Công an nhân dân, cán bộ sáng tác Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Nội vụ), Phó Giám đốc Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Tổng biên tập báo Công an nhân dân. Hiện nghỉ hưu ở Hà Nội.

Nhiều bạn phản bác thông tin này có nói rằng Bác Hồ kết nghĩa với Vương Chí Sình nên điều đó là không thật. Tuy nhiên thực tế cái dinh cơ đó là do bố ông Vương Chí Sình xây dựng nên, nó có trước khi Bác Hồ kết nghĩa với ông ấy. Cho nên nếu nói rằng bạn chủ topic xuyên tạc lịch sử thì thật là oan cho bạn ấy quá. Lịch sử không phải lúc nào cũng lộng lẫy vì vậy chúng ta nên nhìn lịch sử đúng bản chất của nó. Và không phải lúc nào "xấu che, tốt khoe" cũng khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo, lung linh, phải không bạn? Về phần tôi thì tôi chân thành mong rằng bạn Kili không gặp rắc rối gì với pháp luật (obviously). Tuy nhiên tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng nếu dùng dao mổ người để giết gà thì cũng có phần hơi xa xỉ.

Trên đây là ý kiến khách quan của cá nhân tôi cùng với những thông tin lịch sử đã được xác minh để đảm bảo tính chân thực. Rất sẵn lòng được chia sẻ quan điểm với mọi người để cùng hiểu nhau hơn, cùng xây dựng và phát triển diễn đàn và cùng hướng đến chân, thiện, mỹ. Tôi cũng trông đợi sự khách quan, vô tư của BQL 4rum, admins và các nhân vật chóp bu khác để đảm bảo tính công bằng trên mọi phương diện. Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến bạn Kili đã dốc bầu tâm huyết chia sẻ những thông tin thú vị và bổ ích. Mong được tái ngộ với những bài viết khác của bạn. Stay happy, guys!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,784
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top