Chuyện cổ tích
*****Lang thang lạc vào đây , đọc mấy bài thấy quyến luyến tợn . Quả Hà nội của các bạn có sức quấn hút quá đi . Khiến tự nhiên trong ký ức sống lại một không gian cổ tích , một lung linh không dễ tưởng tượng cho cuộc sống hôm nay . Thực ra thì không nên ôm đồm một lúc nhiều thứ để tránh rơi vãi tứ tung . Tại mọi người chuyện hay quá nên chẳng đậu lòng ngậm miệng , xin phép góp vui vui vài dòng ngớ ngẩn .
***** Chuyện rằng : Ngày xửa , ngày xưa lâu lắm rồi , có ngôi nhà ở cách cái rốn xanh đầy mơ mộng của Phố Nhớn ấy chỉ chừng gang tay , xuống phía dưới đoạn dông dốc ấy . Chẳng biết nơi ấy có là nơi quyến rũ nhất thân thể của Phố Nhớn hay không ? Nhưng có người cứ quả quyết , đó là nơi chẳng thể nào quên được , một khi kẻ ấy còn tồn tại !
Thực ra nơi ấy chỉ là một ngã tư của hai con phố lớn giao nhau vuông góc , chẳng hiểu sao một phố bé tý hon đâm ra từ một góc vuông chếch bên trái khiến hai đầu phố ở đây phải thụt lại cho đủ rộng mặt tiền để dựng nhà . Thế là ngã tư thành một ngã năm lệch , thế là nhà không cần ở đầu phố bỗng được nhìn thẳng ra khoảng nền trải nhựa rộng thênh thang , đủ chỗ cho 5 giờ sáng sáng , khi chiếc loa treo trên cột điện sắt sơn đen đứng đầu đường bắt đầu phát nhạc thể dục thì hai đám , mỗi bên sáu , bẩy đứa trẻ con , quần đùi , áo may ô các màu , lục tục kéo nhau ra quần với trái bóng loại hai đồng sáu hào màu đỏ sẫm ( Mà phải khó khăn đợi đúng đợt hàng về rồi lại phải xếp hàng dài lắm trên Tổng hợp mới đén lượt mua được ) . Bọn trẻ nể và chiều chuộng thằng nhóc chủ trái bóng lắm , bữa nào nó làm mình , làm mẩy không thả bóng ra thì cả đám chỉ còn biết tranh nhau nắm giấy bọc chặt , quấn tròn như trái bưởi nhỏ trong những túi nylon và dây gai . Đường phố lúc này chỉ lác đác vài người đạp vội vì phải đi làm ca kíp sớm . Đến khoảng 6h30 sáng mới là giờ tầm , mới bắt đầu đông người đi lại thì bọn trẻ cũng giải tán về chuẩn bị ăn sáng để đi học .
Khoảng 11h trưa , loa phóng thanh ủ còi tan tầm . Các bà mẹ bao giờ cũng vội vàng , nhanh chóng về trước chuẩn bị cơm trưa cho bọn trẻ và bố của chúng . Ngủ trưa là một cực hình . Cố thế nào cũng không mấy khi ngủ được , mà thức thì hay cựa quậy , chòng chọe nhau , hễ hơi khúc khích to mà " Ông Hổ " giường ngoài ậm ừ là coi chừng . Trưa ngoài đường vắng ngoe . trẻ nhà nào giờ này lang thang dính ve sầu , trèo hái me , sấu hoặc cười đùa to thì chớ trách . Bố , mẹ sẽ được một bữa xấu hổ , dày mặt nghe hàng phố trì chiết ở buổi họp tổ , họp khối cuối tuần .
Trưa nào may mắn được bố , mẹ cho mượn xe đạp , hai ba đứa dắt nhau ra ven hồ gần đấy tập đi thì tuyệt vời . Tập bằng xe của mẹ là hay nhất , chỉ cần ngồi lên hai dóng võng , tay với lên ghi đông , chân vẫn chống tới đường để đẩy vài cái rồi co chân đạp tiếp , dễ ợt và an toàn chứ hôm nào chỉ có xe của bố thì khó khăn hơn , phải chui một chân dưới dóng ngang , vẹo cả sườn mà hai tay chỉ chới với đu vào được tay lái , có co chân đạp được cũng vẫn ẻo ợt , dễ đo đường như bỡn . Đầu gối sứt sẹo ra cũng phần nhiều ở vụ tập xe đạp này . Khoảng trước 14 giờ là phải dắt xe về để người lớn đi làm , bữa nào không may xe đổ hỏng gì đó khiến bố phải đi bộ lên sở làm thì chiều ấy chắc chắn có mưa nước mắt con , nước mắt mẹ .
Hè phố rộng ơi là rộng , thích ở chỗ có nhiều đoạn ( Cũng như đa số hè của các phố khác ) chỉ trơ nền đất nâu đen lẫn mảnh gạch ngói đã được nén cứng lại với nhau bởi gót bộ hành dân phố . Thế là có chỗ để kẻ vạch , ngoáy lồ chơi xèng là những nắp bia đập phẳng , chơi xương cầy hoặc chơi bi hai vạch , chơi bi hòm ... Ngày ấy trẻ con không chơi đáo ăn tiền , không bố mày , mẹ tao . Đứa nào hay lỡ mồm đe.ó lắt đã là mất dạy lắm , là chết đòn , là những ông bố , bà mẹ sẽ cấm con mình không cho chơi cùng nữa .
Dọc trên hè xuống tận chợ Đuổi có nhiều cây to lắm , người lớn thì gọi là cây xà cừ , nhưng bọn trẻ cứ gọi là cây lim . Sau bữa cơm tối , bố mẹ cho ra chơi xô vê , chơi trốn đập mà nấp sau bóng những cây ấy là nhất đẳng . Chơi thì chơi nhưng cũng phải để ý , thấy leng keng xe rác từ xa là phải chạy nhanh về đem chậu rác ra hè chờ đổ .
Cùng phố có mấy nhà không có nhà cầu giật nước thì thỉnh thoảng đến lượt phải đổ thùng . Xe đổ thùng kéo mooc bịt thành kín mít nhưng vẫy khó ngửi lắm . Những người đổ thùng chỉ toàn là đàn bà thôi , mặc đồ đen kịt , mặt quấn kín khăn đen chỉ hở hai mắt long lanh , đi ủng cao su đen , hầu như không nói , họ gánh những thùng không , to cỡ thùng nước vào nhà cầu để đổi rồi gánh những thùng đầy ra xe chở đi . Các ông bố , bà mẹ hay răn con mình rằng : Học hành cho tử tế , không sau này chỉ có đi đổ thùng thôi con ạ !
Nếu có nhà nào gần đó phải sửa là được mấy ngày , cả phố tụ tập chơi trò mới ầm ĩ với đống cát to lù lù trên hè , Thôi thì đắp thành trì , đào hầm bí mật bẫy nhau bước hụt .....
Còn cái phố cắt ngang sao mà lắm cây hoa sữa , thu về hoa nở trắng , mùi thơm ngào ngạt , nhất là khi phố lên đèn , có những năm nhiều đến nỗi khiến mấy bà , mấy cô nhậy cảm quanh đấy bị nhức đầu , chóng mặt . Nhiều đến nỗi mỗi khi gió thu ào ạt ngắt hoa thả bay xuống lả tả thì chỉ trong chốc lát đã phủ trắng xóa mặt hè mà trước đấy có vài phút vừa được dọn sạch sẽ bởi mấy chị công nhân quét đường .
Tối thứ bẩy , mấy anh , em hay được mẹ dẫn đi xem xi-nê ở rạp Kim đồng , trong lúc chờ đến buổi chiếu , mẹ đưa ra cổng rạp mua ở hai xe của hai ông già người Hoa cho ăn táo dầm trong thẩu thủy tinh tròn , như cái cóng nuôi cá cảnh to tướng , hoặc bánh gối chất thành lớp cao trong tủ kính nhỏ được đổ đầy nước tương hồng hồng , chua ngọt nhiều hơn cay , ngon đến tận bây giờ . Thứ bẩy nào không có phim hay thì cũng được mẹ cho đi ăn kem , kem Cẩm bình ngay gần nhà , ngon đến nỗi có người đem cả vào một đoạn hát xuyên tạc nào ấy .
Sáng ngày thường ăn xôi ngô , xôi séo rưới thìa con mỡ hành rồi phủ vài lát đậu nắm thái mỏng , mua nhà bà Lúa đầu phố hay cháo sườn gánh rong . Một hào cho trẻ con và hai hào cho người lớn là vừa . Một , hai chủ nhật lại được đi ăn phở sáng . Phở đắt lắm , những năm hào một bát nên không được ăn thường xuyên . Những dịp này thì cả nhà phải quần , áo chỉnh trang và đi ăn hơi muộn hơn bữa sáng bình thường . Chỉ cần đi hết nhà thương Đau mắt , đến phố Trần Nhân Tông rẽ ra đi hết chiều ngang nhà thương thì bên kia đường Bùi Thị Xuân là tiệm phở rồi . Ăn phở ngày xưa ngon thế nào ? Đã thành văn chương nên chẳng dám kể vào đây .... Mà thôi , chẳng kể nữa đâu kẻo sắp.....đây này , khi nào tĩnh tâm sẽ lại kể tiếp !!!
(Ngắt đoạn cho dễ đọc. Chitto)