What's new

Hai Bác Già: Nhìn lại những nẻo đường

Lũ trẻ đã vào kỳ nghỉ đông cả rồi, nhà im vắng cộng thêm cái lạnh lẽo của mùa đông khiến mùi thơm của ly cà phê buổi sáng thêm thơm nồng gian nhà nhỏ. Ừ mà mùa đông năm nay thời tiết khắc nghiệt quá: xứ miệt dưới này nhà cửa có bao giờ dự liệu sẽ chịu đựng cái rét âm 5 đâu nên trong nhà mà muốn tiết kiệm điện thì người ngợm cứ như dân Eskimo, bao nhiêu giẻ rách chổi cùn mang ra quấn tất vào người vẫn còn run cầm cập. Ừ thì ra ta đã bước sâu thêm vào tuổi xế chiều rồi!

Trẻ thì hướng đến tương lai, già thì lui về quá khứ. Pha thêm bình trà, hai bác già chìm trở về....
 
Lại phải có đôi lời thưa trước: Bài này là lục lọi trong ký ức, hình ảnh là lại mang từ máy video ra điểm chút son phấn cho đỡ nhạt nhẽo, được em nào nhìn khá mắt 1 chút thì đó là may mắn sót lại sau trận anh trưởng nam đại náo mấy hard disk của bác già. Có sai sót (cố gắng không để xảy ra, nhưng ai biết đâu được cái lẫn lộn của mình đến mức nào? :) ) nên nếu có, mong các bác, các bạn lượng thứ cho là không phải lão bọ già này đa sự để lừa rượu các bác, các bạn cho qua cơn nghiện rượu của mình!
Đa tạ!
 
Last edited:
Lâu đài Nijo (Nijo-jō):

559507100_424e9b2c5e_b.jpg


Hình ảnh trên là lâu đài Nijō, được xây dựng từ năm 1603 bởi lãnh chúa Ieyasu. Lâu đài này nổi tếng nhờ sàn nhà đặc biệt của nó gọi là sàn nhà họa mi "the nightingale floor". Lâu đài này hạn chế khu vực cho thăm xem và cấm chụp hình.

Hai bác già dùng subway và xuống tại trạm Nijō-jō-mae và dáng tòa lâu đài sừng sững chào đón ngay khi vừa bước chân ra khỏi lòng đất. Lâu đài còn như hoàn chỉnh, có tường cao bao quanh bởi hào sâu

DSC00171.jpg


DSC00172.jpg


Kyoto từng là cố đô của nước Nhật, theo dòng thời gian những kiến trúc cổ kính dần mất đi hoặc phải đứng cạnh kề những thay đổi của thời đai, như tòa lâu đài này đây nằm đối diện với khách sạn ANNA cho ta thấy rõ ý nghĩa câu thương hải biến vi tang điền, biển dâu!

Người Nhật từ lâu rồi không còn ăn Tết theo âm lịch như hầu hết các nước Á Châu mà họ ăn Tết theo dương lịch, thế nên cổng chính vào lâu đài hãy còn cành tùng cạnh ống trúc truyền thống của người Nhật - giống như mình xưa dựng cây nêu đón Tết

DSC00173.jpg


Mua vé (600 ¥), ngang qua khoảng sân rộng có những bảng chỉ dẫn sơ khởi cấu trúc các thứ bậc của võ sĩ đạo và các bậc lãnh chúa mới vào đến khu chánh của lâu đài

559526478_b130477f37_b.jpg


Như mọi khu nhà xưa (và đa số nhà nay đi chăng nữa, ví dụ khách sạn New Miyako hai bác già ngụ đây) khách trước khi vào nhà đều phài cởi giày mà mang dép mỏng do nhà chủ để sẳn cho khách dùng (và nhớ: trước khi vào nhà vệ sinh hay sau khi ra khỏi nhà vệ sinh đều phải đổi dép, nhất là vào các nhà truyền thống Nhật, các trà thất kiểu xưa), may quá bác già gái đã có đọc và biết điều này nên giày thì chọn loại giày không dây (một ngày mà tháo dây giày và cột dây giày hàng chục lần thì thi vị của cuộc du lịch hẳn cũng giảm rất nhiều, nhỉ?), vớ thì thay toàn bộ vớ mới (khỏi đỏ mặt!)

Thật quả như những điều đã đọc, trên sàn gỗ, dù cố gắng đi nhẹ chân, đặt nhẹ bước như thế nào và lắng nghe kỹ bác già gái cũng nghe tiếng chiêm chíp khe khẽ như tiếng chim con kêu! Lãnh chúa Ieyasu ngày xưa để đề phòng thích khách đã cho thiết kế khu nội thất lâu đài bằng loại sàn nightingale này, sàn lót gỗ sát nhau không khác chi các sàn gỗ thường, nhưng tiếng động vang ra theo mỗi bước chân khiến hành tung của kẻ đột nhập khó mà không bại lộ. Ra khỏi khu nội thất thông qua 1 hành lang dài hẹp

DSC00190.jpg


Khách thăm viếng có thể xem khu vườn Ninomaru, tiếc vì thời gian lúc bấy giờ là mùa đông nên ngoài những cội tùng bonsai và sân sạn được cào kỹ, không thấy được màu sắc cho khu vườn.

Từ Nijō-jō khách có thể sang thăm Kyoto Imperial Palace gần bên, nhưng chỉ được xem bên ngoài và khu vườn, còn muốn vào xem bên trong phải ghi tên trước và phải có hẹn nhất định, rắc rối lòng vòng quá nên hai bác già xin miễn thăm vua :)
 
Last edited:
Nước Nhật và động đất

Vẫn e dè nạn động đất bởi Nhật là xứ nhiều động đất nhất và gần đây là trận động đất Kobē đã cướp đi sinh mạng của gần chục ngàn con người; ngay đêm đầu ở Nhật hai bác già đã nếm mùi thế nào là ngủ có võng ru :). Vào giường và đã tắt đèn, bỗng cảm thấy giường đu đưa! Bác già nghĩ hay mình còn say máy bay vì chuyến bay từ VN sang Kyoto cất cánh lúc gần nửa đêm (Từ xứ miệt dưới lên hướng nhà, từ nhà sang Côn Minh và trở lại, từ nhà sang Kyoto và trở lại cuối cùng là từ nhà trở về miệt dưới) nhưng ô hay, giường càng đưa tợn hơn! vừa hay bác già gái nằm giường cạnh lên tiếng hỏi bác già có phải là động đất không? Chạy ra khỏi phòng nhìn quanh thấy trừ vài người khách ngoại quốc cũng hoang mang như hai già Việt này còn thì không khách người Nhật nào quan trọng chuyện ngủ được giường ru võng "nhẹ" như thế này cả!

Bingo! hưởng được 1 cái đặc biệt Nhật ngay trong chuyến đầu tiên và đêm đầu tiên đến Nhật! Hậu đãi thế là cùng :)
 
Last edited:
Tiệc Sukiyaki tại Pontochō và trà thất

Rời Nijō, hai bác già tìm đến nhà hàng Morita-ya thưởng thức món Sukiyaki, mà trước đây bác già biết đến không phải như 1 món ăn mà là 1 bài hát !

Morita-ya là 1 nhà hàng đặc thù Nhật, nằm trong hẽm trúc rào tre thưa với những phiến đá lót đường đến hay:

DSC00224.jpg


Truyền thống Nhật, nên lại phải cởi giày và mang dép! phòng ăn trải tatami nhìn ra 1 vườn sỏi và suối nước nhỏ rất thiền, góc phòng có 1 tokonoma nhỏ (là góc để chưng bày 1 bức họa nhỏ, 1 bình hoa nhỏ), không gian trong gian phòng nhỏ rất Nhật!

DSC00217.jpg


Trà, các đồ gia vị được một người phụ nữ vận kimono mang vào bày biện trên bàn, và bạn để ý chồng gối nằm góc phải căn phòng: đó là đồ cứu cấp cho đầu gối du khách khi phải theo phong cách Nhật mà quỳ cho phải phép:

DSC00223.jpg


Bà bắt đầu cho thịt vào xào và thêm nước tương:

DSC00219.jpg


Xong phân ra bát nhỏ trong có đập sẳn 1 trứng gà:

DSC00220.jpg


Và đặt trước mặt khách. Tất cả giao tiếp giữa chủ và khách đều thông qua ngôn ngữ quốc tế là ra dấu!

DSC00222.jpg


Từ hồi xa thời Mẹ cho bú mớm đến giờ, có bao giờ lại được người hầu cho ăn đâu!

Ô hay có tiền việc ấy mà xong nhỉ?????
 
Last edited:
Trà thất

Pontochō là 1 con đường nằm dọc theo sông Kamogawa nơi có nhiều quán bar, có những quán bar ai cũng có thể vào được nhưng có những quán chỉ dành cho riêng lớp, hạng người nào đó thôi! Buổi xế trưa nên các cửa bar còn đóng im im, nhưng hai bác già đếnkhu này không phải để vào quán bar, mà là băng ngang qua cây cầu Shijō để qua khu Gion là khu có nhiều trà thất và nổi tiếng là nơi dễ nhìn gặp các cô geisha nhất, nhưng hiện nay rất khó có geisha mà đa phần các cô geisha du khách gặp trong khu Gion là các cô geisha tập sự, tức maiko; và thời điểm thuận lợi nhất là vào buổi chiều khoảng 6 giờ trở lên!

Giờ này thì còn sớm qua để nhìn geisha, nhưng hai bác già có hẹn: qua khỏi khu Gion 1 chút với ngôii đền Yasaka-jinja dầy màu sắc. Đền này như là đền thờ thần bảo hộ khu Gion, thành hoàng của khu này nên vào đầu năm, hầu hết người dân khu Gion và cả dân Kyoto nói chung đều đến đây cầu phúc, lộc cho năm mới. Qua khỏi đền Yasaka-jinja, lên con dốc nhỏ là ngôi đền Kōdai-ji. Trong khuôn viên ngôi đền này có khu vườn thiết kế bởi nhà thết kế vườn nổi tiếng Kobori Enshu, và ngôi trà thất được thiết kế bởi trà sư Sen no Rikyu.

Dĩ nhiên hai bác già thì làm gì được trà sư hay trà phó hầu trà, mà là 1 phụ nữ đứng tuổi, trang nghiêm hướng dẫn hai bác già dạo quanh khu trà thất, dẫn giải từng viên đá, ngọn cỏ với ý nghĩa của chúng. Bà là người Nhật, chắc không biết câu tục ngữ "Đàn khảy tai trâu" của người Việt mình! Nhưng mà trà thất này, đáng đồng tiền để được nhìn tận mắt!

Khom người qua khung cửa hẹp, rất hẹp như thân phận con người hèn mọn cúa chúng ta, bên trong gian phòng trà bày trí sơ sài giản dị nhưng đầy tính mỹ thuật, hai bác già và 1 cặp du khách Mỹ được mời trà! Nhưng mà, với thói quen ngưu ẩm thì những việc như xoay chén trà, cầm chén ra sao giờ đây như nước cuốn hoa trôi, chỉ còn lại chút dư vị của trà xanh váng bọt đắng nghét.....

Và xin đừng hỏi hai bác già đã trả bao nhiêu tiền!!!

Teahouse.jpg
 
Last edited:
Chợ Nishiki-koji

Kyoto là cố cung, đã từng đưa vấn đề ẩm thực lên hàng đặc biệt! Mà đối với người Nhật, khiếu mỹ thuật và sự tinh tế yêu thích cái đẹp của dân tộc này đưa Kaiseki lên cao thêm một bậc so với các nền ẩm thực cao cấp khác. Một khay Kaiseki là cả một sự kết hợp đặc sắc của màu sắc, cách dụng tâm dụng ý của người bếp khi chọn các nguyên liệu, phẩm vật theo tiết theo mùa trong năm hòa hợp cùng các món vật dụng chứa đựng món ăn đó. Cả một nghệ thuật!!

Kyoto có nhiều đầu bếp danh tiếng trong ngành ẩm thực, và chợ Nishiki chính là nơi cung cấp các nguyên phẩm cần thiết cho các đầu bếp này. Tóm lại, có thể nói Nishiki là bao tử của Kyoto!

DSC00211.jpg


Chợ có mái che bên trên, và trái với những chợ Á Châu bác già gái từng đi qua (đến đâu thì bác cũng đòi đi... chợ!), những gian hàng trong chợ Nishiki xếp đặt hàng hóa rất gọn ghẽ và như một điều dĩ nhiên đối với dân Nhật, rất mỹ thuật!

DSC00213.jpg


Ông chủ hàng này dọn hàng xong đứng ngóng khách và khi thấy bác già tay cầm máy chụp, cổ đeo máy quay, ông rao lớn những gì mà bác già trai nghe như: Xê ra, buổi sáng đừng có đứng đó mà cản trở việc mua bán của ông! Biến! :)

DSC00215.jpg


Một củ khoai giá 200¥! đổi ra tiền Căng ga ru lúc bấy giờ tương đương với 2 bà nữ hoàng rưỡi! nhưng mà hai bác già gốc nông dân, thấy khoai thì phải thử theo lời ông bà mình dạy " đói ăn ... khoai, đau uống thuốc" (Bác già mạn phép lộng quyền sửa chử một chút, chứ đói mà ăn rau thì xót ruột lắm a! )

DSC00214.jpg


Rời chợ, hai bác già bắt gặp một machiya là những căn nhà gỗ kiểu Nhật, vừa là nhà vừa là shop; bạn muốn xem nhà kiểu này thì khu Gion là khu cần đến: các trà phòng là những dãy machiya liền vách với nhau và kiểu dáng các căn machiya ở Gion rất đẹp , với các song gỗ thanh thoát khó mà tả được (nhất là bác già vốn người vụng tả! căn machiya này chì là một căn shop nhỏ; dưới là tiệm, trên là gia cư.

DSC00209.jpg


DSC00210.jpg
 
Cho mãi đến khi gần 1 giờ đồng hồ sau, gần đến trung tâm thành phố mới bắt đầu nhìn thấy những machiya đặc biệt truyền thống Nhật. Hai bác già như người nhà quê lên tỉnh, kiểu "Văn Hường đi Sài Gòn" hồi đó, mà thật là nhà quê khi nhìn thấy ở mỗi góc phố, mỗi góc đường, đâu đâu cũng có đặt những máy bán hàng tự động; có khi nhiều máy đặt kề nhau tại mỗi góc đường và trên các góc đường! lại Nhớ có đọc đâu đó có cả máy bán đồ chơi cho người lớn và sách người lớn (s e x toys) nhưng thật sự là không nhìn thấy (hoặc có tìm mà không thấy :))

559507146_de7fda8634.jpg
Chuyện tìm " sách người lớn" này với tôi lại là chuyện " không tìm mà cũng thấy": chẳng là hôm ấy tôi một mình một balo đi thăm thú một dãy phố được cho là rất sầm uất chuyên bán những hàng điện tử thuộc loại đỉnh nhất ở Nhật. Tôi cứ lượn vào lượn ra ngắm nghía đủ thứ, " giải ngố" là chính chứ chẳng mua sắm gì, theo đà lượn vào lượn ra, lên lên xuống xuống theo thang cuốn bỗng tôi thấy mình đang ở giữa một sảnh mênh mông cơ man nào là sách. Gặp sách là vui lắm ( tôi mê món này! )nên bắt đầu hăm hở cầm xem... cuốn đầu tiên: ảnh nóng, lật lật... đi sang quầy khác, lật lật... ảnh càng nóng, lại di chuyển một cự ly xa hơn ( vì không thể đọc các bảng hướng dẫn toàn chữ Nhật bủn nên chỉ có thể đi đại, đoán mò) vẫn hình ảnh nóng giẫy... Ngó nghiêng chung quanh: toàn thể là nam giới không một bóng hồng, chả hiểu sao... Sau khi lật lật... qua chừng 8-9 quầy thì tôi tự kết luận: đây là một nhà sách chỉ chuyên một chủ đề : SEX, chắc là chẳng thiếu một thể loại nào trong chủ đề này.
Và hơn nữa chắc chỉ dành cho một phái vì tôi chạm phải vài ánh mắt có vẻ ngạc nhiên... tôi nhẹ nhẹ rút êm khỏi nơi ấy, ngượng chín như quả dâu!
 
Mặt sàn gỗ trong lâu đài lãnh chúa là một ấn tượng sâu sắc của tôi khi nghĩ về sự tinh tế của Nhật. Phòng thích khách bằng cách: chỉ trừ phi ngươi có thể bay như chim, còn phàm chỉ cần đặt bước dù nhẹ đến mấy cũng đều bị phác giác. Sàn gỗ mà lại tạo nên được một kết cấu âm thanh tinh nhạy đến vậy: sự cầu kỳ để thể hiện đẳng cấp lên đến mức vi diệu.
Tôi có tò mò hỏi vì sao trong những gian sảnh ngoài những bức họa trên vách ra thì không có đồ trần thiết gì cả? Người Nhật nói rằng: nơi này là chỗ ở của Shogun, chỉ cần ông ta đưa mắt nhìn thì hạ nhân sẽ biết ngay là ông cần gì, đồ đạc vật dụng sẽ êm ru xuất hiện phục vụ, xong rồi thì lại êm ru biến mất để Shogun không phải có bất kỳ sự bất tiện gì- cho dù sự bất tiện đó chỉ là chỉ bước tránh qua một ...chiếc bàn.!!!
 
Nước Nhật và động đất

Vẫn e dè nạn động đất bởi Nhật là xứ nhiều động đất nhất và gần đây là trận động đất Kobē đã cướp đi sinh mạng của gần trăm ngàn con người;

Thật kính ngững hai bác Già.
Hai bác Già đi nhiều hiểu rộng thật đáng ngưỡng mộ. Cái quý hơn là hai bác nhiệt tình chia sẻ với các thành viên nhà Phượt để những ai chưa được đi có cơ hội được cảm nhận những chia sẻ của hai bác. Cháu xin bổ xung thông tin về thương vong trong trận động đất Kobe:

Trận động đất vào ngày 17/1/1995 tại Kobe, thành phố cảng ở Nhật Bản đã khiến cho 6000 người chết, 38000 người bị thương và hơn 300,000 người phải sống trong các túp lều tạm. Tuy chỉ mạnh có 6.3 độ Richter nhưng trận động đất kéo theo hỏa hoạn đã khiến 80% số người bị kẹt trong nhà gỗ ở Nhật đã bị chết cháy sau đó.

Một thông tin khác

Trận động đất Hyogo đã xảy ra tại thành phố Kobe, Nhật Bản khiến 6.430 người thiệt mạng

Chúc hai bác già sức khỏe, tiếp tục chia sẻ để mọi người cùng cảm nhận:L.

Kính.
 
Mặt sàn gỗ trong lâu đài lãnh chúa là một ấn tượng sâu sắc của tôi khi nghĩ về sự tinh tế của Nhật. Phòng thích khách bằng cách: chỉ trừ phi ngươi có thể bay như chim, còn phàm chỉ cần đặt bước dù nhẹ đến mấy cũng đều bị phác giác. Sàn gỗ mà lại tạo nên được một kết cấu âm thanh tinh nhạy đến vậy: sự cầu kỳ để thể hiện đẳng cấp lên đến mức vi diệu.
Tôi có tò mò hỏi vì sao trong những gian sảnh ngoài những bức họa trên vách ra thì không có đồ trần thiết gì cả? Người Nhật nói rằng: nơi này là chỗ ở của Shogun, chỉ cần ông ta đưa mắt nhìn thì hạ nhân sẽ biết ngay là ông cần gì, đồ đạc vật dụng sẽ êm ru xuất hiện phục vụ, xong rồi thì lại êm ru biến mất để Shogun không phải có bất kỳ sự bất tiện gì- cho dù sự bất tiện đó chỉ là chỉ bước tránh qua một ...chiếc bàn.!!!

Phiếm tý cho vui, chắc là thời đó chưa có Kim Dung nên các lãnh chúa chưa biết cách đề phòng môn khinh công :). Nhưng nhìn những căn phòng đó, bác già nghĩ ngoài vị lãnh chúa và các kiếm sĩ của ông, còn thì cuộc sống của những người phụ nữ dưới mái tòa lâu đài này chắc cũng ảm đạm lạnh lẽo giống như những viên đá bao quanh nó; nói chi đến những tù nhân của lãnh chúa đó! đôi khi cái chết lại chính là sự giải thoát.....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,751
Bài viết
1,136,920
Members
192,581
Latest member
oldgmailacc7
Back
Top