What's new

Hai Bác Già: Nhìn lại những nẻo đường

Lũ trẻ đã vào kỳ nghỉ đông cả rồi, nhà im vắng cộng thêm cái lạnh lẽo của mùa đông khiến mùi thơm của ly cà phê buổi sáng thêm thơm nồng gian nhà nhỏ. Ừ mà mùa đông năm nay thời tiết khắc nghiệt quá: xứ miệt dưới này nhà cửa có bao giờ dự liệu sẽ chịu đựng cái rét âm 5 đâu nên trong nhà mà muốn tiết kiệm điện thì người ngợm cứ như dân Eskimo, bao nhiêu giẻ rách chổi cùn mang ra quấn tất vào người vẫn còn run cầm cập. Ừ thì ra ta đã bước sâu thêm vào tuổi xế chiều rồi!

Trẻ thì hướng đến tương lai, già thì lui về quá khứ. Pha thêm bình trà, hai bác già chìm trở về....
 
Thưa các bác, em kô dám mạn đàm nhiều về chuyện của các bác mà em chỉ nói lên cảm nhận của chính mình trong chuyến xuyên việt vừa rồi th 6 của em " sao mà thèm ăn cơm ở nhà thế, khi ở nhà nào thì đi ăn ngoài về đến nhà kô muốn ăn vậy mà sao khi đi rồi ôi đĩa rau muống xào tỏi của mẹ cà muối xổi của cha rồi cá rán ròn ....sao mà thơm mà ngon đến vậy " Kính các bác sức khỏe ...
 
Nhà.... khoảng cách 30 năm:

Tình cờ nhẩm lại, xa nhà năm nay đã hơn 30 năm...Nhìn lại ba mươi năm đó, bao nhiêu nước chảy qua cầu? chỉ biết rằng trong mười năm đầu tiên: con cái còn nhỏ, sáng sáng làm cái gì cho con ăn, quăng đấy cho chúng nó tự ăn lấy, xong tất tả xới cơm, khoát áo chạy vội ra ga bắt xe đi làm, mặc kệ hai đứa nhỏ ăn hết phần quà sáng hay không! chiều chúng nó tan học về nhà bằng bus, tiền đã sẳn trên bàn; hai đứa nhỏ lại thằng anh dắt con em ra góc phố mua hamburger hay thức gì đó chúng nó thích mà ăn lót bụng đợi bố mẹ về lo bữa cơm chiều! May mà nhờ Trời (hay là chúng là con Trời nên Trời thương như bà con mình hay đùa?) hai đứa nhỏ vẫn lớn lên học hành tuy không bảng nhãn cử nhân, nhưng cũng không hư hỏng hút xách! Nghĩ lại mà còn rùng minh!

Mười năm kế: nhà cửa việc làm kể như ổn định; con cái việc học cũng bớt lo.... dòng đời kể như bình thản!

Mười năm gần đây mới là chuyện đáng nói...

Con cái học hành xong, có việc làm...Lập gia đình.... Ra riêng....

Rảnh phần con, hai bác già về nhà nhiều lần. Có dịp đi từ Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, đến được những nơi mà trước đó nằm mơ cũng không nghĩ là có ngày mình được đặt chân đến....

Và dĩ nhiên, có những nơi đã ghi dấu chân thời tuổi trẻ, nay tìm trở lại để gợi lại quá khứ, để tìm lại tuổi xuân, để nhớ.... để thương.....
 
Đồng bằng

Những chiếc ghe đưa khách xuôi ngược dòng Hậu Giang, tách ra luồn lách vào những con rạch nhỏ nằm hai ven bờ sông lớn....tuy không phải là những chiếc xuồng ba lá nhưng cũng đủ làm những hình ảnh mờ nhạt trong vùng ký ức vụt rõ dần lên từng nét...từng nét....

Mưa đồng miền Nam hiền hòa không dữ dội như mưa miền núi, những giọt mưa chảy tý tách trên ngói, trên tôn, trên những mái lá nghèo xuống chiếc máng dẫn vào lu, vào khạp bên chái nhà. Người miền Nam xưa có thói quen rất dễ thương là đặt lu nước mưa cạnh ngõ vào vườn- thường là không có hàng rào hoặc chỉ là hàng dâm bụt, bồ ngót để vừa có chút riêng tư vừa có chút sắc màu hay sẳn để bứt vài nắm vô bếp nấu nồi canh rau tập tàng giải nhiệt mùa nóng- Khách ngang ngõ có khát nước cứ khoắng cái gáo dừa máng trên cọc cạnh đó; nước mưa là nước của Trời, vừa mát vừa lành (thây kệ mấy con lăng quăng chút xíu đó, nó có làm nên vương tướng gì đâu mà sợ!)

.....Du khách nằm đó, tòn ten trên chiếc võng mắc ngang hai cây cột ngoài hàng ba. Những người bạn đồng hành tóc vàng sợi nhỏ làm gì dành lại võng với hai người khách? mà dành làm sao lại với khách vốn đang "thèm' nằm võng, "thèm" hơi hướng, tiếng kẽo kẹt của võng? Họ còn bận chạy lên xuống, qua lại những chiếc "cầu khỉ" (Chèn ơi, cầu này mà kêu là "cầu khỉ" á? ném về cầu "khỉ đột" thì đúng hơn, bà khách gốc miền Nam nghĩ bụng) Họ có biết đâu bà khách miền Nam này, thuở nhỏ về thăm quê nội mỗi mùa hè, mặc kệ mưa làm đất thịt phù sa trở nên trơn trợt....hai bàn chân nhỏ từng bước đặt chéo nhau trên hai thân tre hay thân dừa, không đi mà chạy thoăn thoắt qua cây cầu khỉ chính hiệu miền Nam để tiếng cười trong trẻo trẻ thơ vang lại phía sau....

Quê nội giờ còn đó, nhưng những bóng hình xưa đã mất theo vườn xoài bên nội. Nhiều năm tháng theo nhau qua, xoài cỗi đi nên năng xuất và phẩm lượng không còn dồi dào như trước, lớp người già đã khuất bóng, lớp nhỏ lớn lên; một số vươn lên tiến về thành thị, bỏ mặc miếng vườn với bao công sức người đi trước thêm tiền nới rộng miếng đất ông bà để lại, mồ hôi công sức vun bồi từng gốc cây xoài, cây ổi xá lỵ lại cho lũ kiến vàng ngơ ngác... rồi cũng bán đi cho người khác vì không lẽ để "đất vàng đất bạc" theo đúng nghĩa tiền bạc nằm hoang phế giữa đồng...bán đi ta về thành phố cất nhà lầu...

Tuy gốc miền Nam, mà lại được sinh ra và lớn lên trên đất Sè Goòng, nên nhờ vậy mà trong chuyến đi này bà khách miền Nam thấy được cây cóc! Mèn ơi, gặm cóc là muốn mòn răng: nào là cóc ngâm cam thảo của chú Ba đẩy xe lẻng kẻng , trái cóc được tỉa những nhánh thịt vun ra gác lên nhau nằm dưới cái chóp màu vàng lườm vì nhuộm trong nước (màu) cam thảo, mặc kệ chén muối ớt và chén mắm ruốc với những lát ớt đỏ khêu gợi vị giác nằm cạnh sẳn sàng chờ khách quẹt nhưng tuổi nhỏ ăn chua không cần chấm muối ớt, không cần luôn mắm ruốc! Cứ vậy mà cắn cái rốp giòn rụm chua áy trong chân răng.....Thèm.....


Giờ đây, đã xa càng xa hơn ... vẫn vang vang trong tai bà khách tiếng nhịp song lang điểm trong câu ca vọng cổ, tiếng đàn những bản Lưu Thủy Hành Vân, réo rắc đúng nghĩa nước chảy mây trôi... Bản Kim Tiền, và nhất là bài Tứ Đại Oán...rất hợp với tâm trạng buồn buồn trong buổi trưa... chỉ tiếc, trong bữa cơm trưa đó thiếu hẳn dĩa bần để chấm kèm với tộ cá kho quẹt!!!! Cho khách còn hoài chút lưu luyến tình quê!

Bạn hỏi bà khách quê bà ở đâu chăng?

Xoài Hòa Lộc, ổi xá lỵ Cái Bè, quê vườn đất An Hữu!
 
Tản mạn


+++ . "" Chuyện chưa mấy cũ . Một lần sang đón giao thừa cùng gia đình người bà con trên Xứ hoa Tu-líp . Trong bữa cỗ tất niên Mán Mường ấy , có một ông khách Kinh cũng đã chớm nhăn nheo . Khi mọi người lao xao với chủ đề " Cái thú về thăm quê cũ " , ông khách có hỏi Thằng Xe rằng :

- Được nghe Anh là người có cái thú và rất chăm về thăm lại Xứ Kinh ta . Cái thú vị ấy là những cái gì mà cám dỗ Anh nhiều thế ?

Một câu hỏi có lẽ hơi kỳ khôi ? Khi Ông khách cũng mới về thăm quê năm trước , lần thăm duy nhất của ông sau mười mấy năm xa Xứ . Thằng Xe vui vẻ thông thống ra :

- Ấy là gặp gỡ những người thân , là đàn đúm với bạn bè cũ . Và quyến rũ nhất là tìm kiếm lại ở nơi ấy những cảnh quan thân thiết ; những lời ăn , tiếng nói ; những sinh hoạt quen thuộc của con người xung quanh ... Những gì đã tạo nên cái " Cảm xúc của ngày nào " kia vẫn luôn lắng đọng trong tinh thần tôi .

Ông khách gật gù bày tỏ :

- Cũng hay đấy . Nhưng bây giờ , ở đó Anh có tìm lại được những cái ấy không ?

Thằng Xe thật thà :

- Không phải tất cả , nhiều đổi thay quá rồi . Nhưng vẫn tìm được lại dăm thứ mà hồn tôi háo hức .

Ông khách ra chiều buồn bã :

- Năm ngoái Tôi về , cũng mang theo những mong muốn như Anh . Nhưng rồi Tôi thất vọng quá , không còn thấy lại một chút gì những thân thương của lòng Tôi . Có lẽ Tôi sẽ chẳng bao giờ về lại nơi đó nữa .

Rồi Ông khách mơ màng :

- Không cần phải tất cả . Nhưng vẫn tìm lại được , dẫu chỉ một vài thứ thì Anh cũng là người HẠNH PHÚC rồi !!! ""


Hai Bác , xem ra Hai Bác là những người HẠNH PHÚC lắm đấy nha !
 
Cùng Bác Xe:

Ông Nguyễn Hiến Lê, trong quyển hồi ký của ông có cho rằng: Cái làm ta gắn bó với đất chính là người. Có lẽ ông khách người Kinh của bác Xe tìm không thấy người xưa, chỉ còn lại mảnh đất, mà đất thì nghìn năm trước cho tới vạn năm sau cũng vẫn là đất!!! Có lẽ những cái ông muốn tìm hoặc là nó quá ít để khi không còn thì ông ngậm ngùi? hoặc là nó quá cao để khi không đúng tầm thì ông thất vọng?

Cám ơn bác nói đúng phần nào nỗi hạnh phúc của hai tôi! Bà ấy, bà khách gốc miền Nam ấy tuy mất đi miếng vườn quê nội để tìm về, nhưng bà ấy tìm được hình bóng cô bé gái của bà ấy thời niên thiếu mà nay có soi gương bà ấy cũng không thể nào thấy được :)

Người ta thích ăn xoài cát vì vị nó ngọt!
Người ta thích ăn xoài tượng vì vị nó chua!
Khổ qua đắng mà sao cũng được ưa thích???
 
Cảm ơn Bác già thật nhiều, đọc " đồng bằng" quả tình thấy được cô nhỏ ngày xưa! cũng có một cô nhỏ tóc xấp xải ngang vai, ngậm ngùi nhìn cảnh cũ vắng người xưa... đã ra người thiên cổ
 
Cao Nguyên
Đà Lạt sương mù


Trên xứ "Hoàng triều cương thổ" này, hình ảnh ghi dấu mạnh trong lòng người du khách là những chiếc má hồng: Má em bé bầu bĩnh đỏ căng như quả hồng vừa chín tới, má cô gái xứ hoa anh đào hình như cũng muốn phô ra làn da mỏng mịn màng như muốn hỏi khách xem đào và em, ai hồng hơn ai?

Đà Lạt phố núi, những con dốc cao cao thấp thấp mờ ảo trong sương sớm, trong chiều tà. Đà Lạt cũng có những ngõ nhỏ nối hai dốc đường với nhau mà chỉ dân Đà Lạt, hoặc đám sinh viên từ Sài Gòn lên trọ học mới biết để tắt lối đi về: như con ngõ nối con đường Duy Tân, cạnh tiệm thạch chè Mai Hường với con đường thấp Phan Đình Phùng dưới kia ngang khách sạn Cẩm Đô, để từ đó có thể đi chợ Dà Lạt, ra bến xe, bờ hồ, rạp hát Ngọc Lan mà không phải đi vòng suốt hết 1 vòng lớn!

Tìm về Đà Lạt, là tìm về khu đồi Franciscain nơi khu nội trú có những hành lang rất "Tây". Là lang thang trên khu đồi Domain de Marie với ngôi giáo đường trên cao nhìn xuống thành phố. Là đến khu Thụ Nhân của viện Đại Học Đà Lạt, khu thác vàng đập Đa Thiện hoang sơ chỉ thông và gió....Nhưng trên hết, chỉ là để thở hơi khói đầu ngày lẫn vào sương phủ mặt hồ Xuân Hương!

Hồ Xuân Hương của khách xa, ngày nay dung nhan tàn tạ, đồi Cù nay chỉ còn rải rác vài cụm thông! Khách sạn khách xa ngụ cất theo kiểu dáng 1 villa xưa nhìn xuống mặt hồ:

DSC00132.jpg



Những cội thông già dẫn lên con dốc từ bờ đê lên nhà thờ chính tòa Đà Lạt - nhà thờ con gà - cũng biến mất nhường cho những tòa nhà tân thời kệch cỡm vướng vít tầm nhìn:

ThanThoLake2.jpg


Thác vàng của khách xa tuy còn, nhưng cũng đã biến dạng: những anh cao bồi kỳ cục, những bộ đồ con gấu....Còn chăng chút nối kết với dĩ vãng là chị bán đậu hũ cũng với bộ quang gánh giống ngày đó, mùi đậu nành thơm phức cộng với mùi đường mía, mùi gừng làm bớt đi nỗi phiền muộn trong lòng khách xa. Nhưng không thể nào tìm lại được những ngày cùng bạn bè kéo nhau ra Mai Hường hoặc ra bà Tàu già bán sữa đậu nành nóng kề bên Tăng Bạt Hổ!

Buổi tối ra bờ hồ, nhìn về hướng bưu điện ngắm tòa tháp giống tháp Eiffel, khách trở về khách sạn và trốn trong phòng trong suốt ngày hôm sau....cho đến khi trở về Sài Gòn.....

Đà Lạt của tôi....sương khói không còn nên dáng tiên cũng mất!!!
 
Tôi đã rất lâu không dám trở lên DALAT vì sợ: sợ nhìn những mất mát khung cảnh quá nhiều làm lòng mình hụt hẫng, sợ nhìn Xuân Hương cạn dòng trơ đáy, sợ Dalat thay sương khói bằng bụi mịt mờ... Ôi, Dalat xưa! nay còn đâu...! ! !
 
Hai Bác àh !

Đọc trọn bài để cảm cùng Hai Bác cái đoạn kết (c) , lại thấy Phu nhân kia cũng ngỏ ba dòng tâm sự . Nên Thằng Xe mạo muội họa cùng Hai Bác một cặp câu tếu tếu , vui vui :D :

- Đà Lạt của tôi ... : - " Sương lam thủa ấy , nay đã nhường không gian khói bụi - Phố xá dư lày , đố ( Hay bố ??? ) Tiên nào còn thú vãng lai !!! ;) ;)

Có hơi cà trớn một chút , nhưng " Kém miếng là khó chịu " lắm :D . Mong Hai Bác đừng mắng mỏ nha ! :D


Thân mến - Thằng Xe
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,751
Bài viết
1,136,920
Members
192,581
Latest member
oldgmailacc7
Back
Top