Ngày 2: Changdeokgung & Huwon
Chúng tôi bước chân ra đường lúc 8g20'. Trời se se lạnh và hơi có chút nắng. Sáng thứ 7 phố xá vắng hoe, hàng quán đóng cửa im ỉm trừ 7/11 đầu ngõ. Tủ bánh bao nóng hổi hút mắt chúng tôi và bữa sáng được quyết định chóng váng là một bánh bao đậu xanh nhân thịt bò có giá 1.000won và một hộp kimbap làm sẵn cắt miếng giá 2.000won. Bột bánh bao mềm thơm, nhân hơi ngọt ngọt như kiểu đồ ăn miền Nam nhà mình và sực mùi dầu vừng. Cô bạn tôi không thích dầu vừng -> vỏ bánh phần nàng, tôi đành lấy nhân
Gói kimpab được cất vào balo vì vừa chén xong bánh bao là cửa cung Changdeok đã hiện ra trước mắt chúng tôi.
Phố vắng sáng thứ 7
Cổng chính Changdeokgung trong nắng sớm
Mới 9g kém 20', trước quầy bán vé trước cổng Changdeokgung đã là một dãy cây lá vàng rực và vài hàng người xếp hàng dài thượt. Trong lúc tôi bị ấn vào xếp hàng mua vé thì nàng bạn tôi tha thẩn chụp choẹt và... sưởi nắng.
Chưa đầy 3p tôi đã thấy mình lọt thỏm trong biển... người, phần vì người đến ngày càng đông, phần vì... chiều cao hơi khiêm tốn trong khi cả bác đằng trước và chú đằng sau đều cao tầm mét 8 là ít. Xung quanh toàn người Hàn vì các tour ít đi Changdeok và tour tại chỗ bằng tiếng Anh chỉ bắt đầu từ 11g30. Các bạn mang theo toàn "súng ống, gậy gộc" hàng khủng, cười nói rôm rả. Thỉnh thoảng lại ..."a, bác cũng đến à, cả nhà em đang đứng kìa kìa...chung chung choeng cheong" (ấy là tôi thấy người ta mừng mừng tủi tủi mà đoán thế).
(Chú thích: nói là "biển người" cho oai chứ so với "đại dương người" trong sân Tử Cấm thành hàng ngày của các bạn Trung thì ở đây chỉ đáng tầm "giếng làng")
Đang rảnh xếp hàng thì bàn vụ Gung ghiếc và vé vào cửa luôn.
Seoul - Hán thành là một thành phố cổ, từng là kinh đô của Bách Tế (18 TCN – 660) và Triều đại Triều Tiên (1392-1910). Thành phố đã trở thành thủ đô của Hàn Quốc sau khi thành lập chính phủ Hàn Quốc năm 1948. Kinh đô xưa nằm trọn ở phía Bắc sông Hàn, có đủ bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc được bao bọc bởi những thành quách có diện tích khoảng 16 km2. Thành phố hầu như hoàn toàn bị phá hủy trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và nhiều công trình được phục dựng lại trong những năm 90 của thế kỷ trước.
Triều đại Triều Tiên đã xây dựng Ngũ cung ở Seoul, gồm có
1. Cung Changdeok (창덕 Xương Đức)
2. Cung Changgyeong (창경 Xương Khánh)
3. Cung Deoksu (덕수 Đức Thọ)
4. Cung Gyeongbok (경복 Cảnh Phúc)
5. Cung Gyeonghui (경희 Khánh Hy)
Bên cạnh đó còn có Jongmyo Shrine (Tông miếu) là miếu thờ các vua và hoàng hậu của Triều Tiên vương triều.
Tất cả đều nằm trong khu trung tâm Seoul.
Trong số này, Gyeongbok là cung điện lớn nhất, nằm ở trung tâm (các tour du lịch thường đến đây) nhưng Changdeok mới là nơi đặc trưng Hàn quốc nhất với kiến trúc cung điện và khu vườn được giữ gần như nguyên vẹn phong cách truyền thống. Changdeok cũng là cung điện duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997.
Có lẽ vì vậy mà Changdeok là điểm tham quan "tốn kém" nhất trong số các điểm kể trên. Nếu chỉ thăm khu cung điện, bạn chỉ phải trả 3.000won (có giảm giá cho thanh thiếu niên, trẻ em, người già và nhóm trên 10 người); nhưng nếu muốn khám phá cả "Khu vườn bí mật" Huwon, bạn sẽ phải trả thêm 5.000won nữa. Hơn nữa, Huwon không cho phép du khách lang thang mà phải đi theo hướng dẫn, cách 30' sẽ có một tour, vào một cửa ra một cửa mất khoảng 1g30'; tour đầu tiên bắt đầu lúc 10g và bằng tiếng Hàn.
Dù mọi người đều nói cái Gung nào cũng giống gung nào thôi nhưng chúng tôi vẫn quyết định mua vé All-4 palace gồm "đôi bạn" Changdeok-Huwon, "hàng xóm" Changgyeong, Deoksu, Gyeongbok và Jongmyo với giá 10.000won, có giá trị trong vòng 1 tháng (Vé vào cửa riêng của từng Cung có giá từ 800 đến 3.000 won). Vé All-4 palace được phát dưới dạng một quyển tập in ảnh màu nho nhỏ cỡ bằng một cái bookmark, mỗi lần qua cửa cung nào thì người soát vé sẽ xé phần thẻ giấy bé xíu ghi tên cung đó. Mua cái này rồi thì ở nhưng nơi sau, dù đi muộn hay sớm chúng tôi cũng chả buồn liếc mắt ngó xem cái Ticket office nó ở chỗ nào, đông hay vắng, mà cứ qua cửa, đưa tập ra cho người ta xé và... vào thôi. Rất nhanh, tiện, gọn.
Giờ mở cửa bán vé Ngũ cung và Tông miếu ở Seoul thường từ 9:00 - 16:00 hàng ngày, 6 ngày một tuần, chia làm 2 nhóm. Nhóm "nghỉ' thứ Hai hàng tuần: Changdeokgung, Deoksugung, Changgyeonggung; và nhóm "nghỉ bù" thứ Ba: Gyeongbokgung và Jongmyo Shrine. Tham quan Huwon (Changdeokgung) và Jongmyo buộc phải đi theo tour tại chỗ (Jongmyo thứ Bảy được phép lang thang tự do nhưng các điện sẽ không mở cửa).
Ghi chú: Ngũ cung và Tông miếu tại Seoul có tour-guide free với bốn thứ tiếng Hàn, Anh, Trung, Nhật. Bất kể nhóm bạn có mấy người (1, 2 hay chục...), chỉ cần đăng ký ở quầy Tourist Info ngay cửa vào hoặc đăng ký trước qua điện thoại là bạn có thể có một hướng dẫn cho riêng mình rồi
Nếu thích tự lang thang tìm hiểu một mình thì - giá Guide book free ở ngay lối vào cũng có đủ 4 thứ tiếng. Sách nhỏ gọn, in rõ, đẹp. Thông tin sắp xếp theo dạng bản đồ toàn cảnh, lộ trình nên đi, giới thiệu cụ thể từng điểm trên lộ trình và các sự kiện, cổ vật giá trị liên quan. Cực kỳ chi tiết và dễ hiểu. (Đặc biệt luôn giúp bạn biết chính xác WC nằm ở đâu mà không cần hỏi mọi người xung quanh).
Khi ra về, bạn có thể trả sách vào thùng tái sử dụng hoặc mang theo làm kỷ niệm.
Sơ đồ cụ thể Ngũ cung vui lòng xem tại đây:
http://jikimi.cha.go.kr/english/royal_palaces_new/royal_palaces.jsp?mc=EN_05_01
Changdeokgung - Xương Đức cung là cung điện quan trọng thứ hai và đã đóng vai trò quan trọng nhất trong gần 270 năm, từ khi được xây dựng năm 1404 cho đến khi Gyeongbokgung được xây dựng lại vào năm 1868. Changdeok - Xương Đức có nghĩa là "Phát huy đức hạnh" và nằm phía đông Gyeongbok nên còn được gọi là
Đông cung. Vị vua cuối cùng của Triều Tiên, vua Sunjong, đã sống ở đây cho đến khi qua đời vào năm 1926.
Sau khi Nhật chiếm đóng từ năm 1910, cũng như các cung điện khác, nhiều công trình phụ trợ của Changdeokgung đã bị dỡ bỏ, các khu đất đai vườn tược của cung điện đã được sắp xếp lại, một số bị phá hủy, chỉ còn 30% là giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Kiến trúc Changdeokgung vẫn còn giữ lại sự thuần túy Hàn Quốc nhất trong Ngũ cung, đặc biệt trồng nhiều cây bản địa và đã có một ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kiến trúc Hàn Quốc về quy hoạch cảnh quan, sân vườn và nghệ thuật liên quan.
Quay trở lại với vụ xếp hàng.
Đúng 9g thì cửa bán vé mở. 3 hàng người nhịp nhàng tiến lên, rút tiền nhận vé, ôm máy xông ra... rất nhanh gọn lẹ...ngoại trừ đồng chí đứng trước tôi. Bạn ý đứng rõ lâu, mãi sau mới cầm ra một sập vé dày cho nhóm rất đông các em nhỏ tầm 13 - 14 tuổi đang đứng chờ phía ngoài. Rồi cũng đến lượt tôi. Cô bán vé khá choáng vì gặp một "người nước ngoài nói tiếng Anh" trong giờ mở cửa toàn dân mình như thế này. Cô ra sức giải thích là tour tiếng Anh phải 11g30 mới có cơ, trong khi tôi cũng nhẫn nại không kém để đáp lời là tôi không cần chờ hướng dẫn biết dùng English... bla bla bla.
Bạn Hàn đáng yêu đầu tiên trong hành trình của hai chúng tôi bắt đầu xuất hiện trong hình dáng một anh chàng trẻ trung, cao to, mặt mũi sáng sủa.
Bạn ý từ tít tận cuối hàng chạy lên để giải thích một lần nữa cho tôi biết là tour Changdeok và Huwon giờ này chỉ có tiếng Hàn thôi, muốn nghe tiếng Anh phải chờ hơn 2 tiếng nữa cơ. Khổ quá, tôi biết rồi. Cái bảng thông báo giá vé, giờ tour to uỵch trước cửa phòng bán vé của các bạn có đầy đủ tiếng Anh và tôi biết đọc mà. Cơ mà tôi thật không chắc mình có nghe hiểu Konglish của bạn hướng dẫn được nhiều hơn tiếng quốc ngữ của các bạn không nên... hướng dẫn nói tiếng gì cũng được, tôi cầm theo guide-book English là được rồi. Cuối cùng thì bạn cũng hiểu ý, bày tỏ với cô bán vé để cô ấy chịu thu cho tôi 20.000won cho hai cái vé rồi chạy vội về cuối hàng chờ đến lượt tiếp và không kịp nhìn tôi cúi người cảm ơn theo đúng chuẩn Hàn.
Cảm ơn bạn trai tốt bụng, chúng tôi cầm vé, hiên ngang bước vào cổng... và bị gọi lại.
"Sách hướng dẫn tiếng Anh ở kia kìa" (ngay sát bên trong cổng ấy chứ không phải trong vườn đâu. Cầm đi không lại không tìm thấy WC ở đâu bây giờ)
A, mỗi đứa một quyển và... giờ "chạch chạch" đến rồi.
Phía trong cổng Donhwa (Đôn Hóa) - Cổng chính của Changdeokgung
Chính điện của Changdeokgung - Injeongjeon (Nhân Chính điện)