Chuyến đi cuối năm
1. Năm sắp hết Tết sắp đến…đã thấy người ta chở những cây mai vàng bày bán ở người đường. Sáng nay, anh sếp vốn chẳng ưa gì Minh, vốn hay nhìn Minh bằng ánh mắt yêu thương đầy lòng trắng bỗng dưng gọi Minh vào phòng làm việc, đưa cho Minh cái phòng bì trong có vài tháng lương gọi là thưởng Tết.
Cầm cái phong bì nằng nặng trên tay, Minh bỗng nghĩ tại sao mình lại không thưởng cho người thân yêu nhất trên đời của mình - tức là chính bản thân mình một cái gì đó ngọt ngào sung sướng? Minh tự hỏi mình muốn gì? Muốn ăn? Muốn uống? Ăn thì cũng ăn nhiều rồi, không biết còn thiếu cái gì Minh chưa ăn. Uống thì cũng uống nhiều rồi, tủ rượu nhà Minh có cả đống những chai rượu các loại đang uống dở. Có lẽ bây giờ Minh chỉ còn muốn đi! À, còn muốn yêu nữa, nhưng yêu là một bài hát khác. Minh biết, không thể tự thưởng cho mình một tình yêu - để yêu cần phải có thêm ai đó.
Minh cũng biết, vấn đề không phải là đi đâu mà đi với ai và làm gì. Hình như Minh không thiếu người để rủ đi, nhưng cũng không biết rủ người ta có đi không. Ở đời những người bị sếp ghét lại thường được nhiều người thích. Nhiều em xinh đẹp không thích cưới nhưng lại thích đi đâu đó. Vấn đề với Minh là làm sao để cùng đi, cùng ăn, cùng ngủ mà không phải lòng nhau, không dính dáng phải những hệ lụy của tình yêu. Mọi người hay nghĩ, trong chuyến đi, trong câu chuyện của Minh thể nào cũng có một bóng hồng, một chân dài nào đó. Nhưng chắc Minh sẽ đi một mình cho nó lành. Theo các nhà phê bình văn học nổi tiếng, truyện dù ngắn cũng phải có ít nhất hai nhân vật, nếu có một chính diện một phản diện thì càng tốt. Minh bảo, mình tự đi - tự làm tự sướng và mình vừa là chính diện, vừa là phản diện. Và thật ra, lý do quan trọng nhất là ngày Tết cũng khó kiếm được ai đi lang thang cùng Minh.
Chuyến đi của Minh dường như bắt đầu từ lúc Minh sinh ra, bắt đầu lại lần nữa từ lúc Minh chuyển vào Sài Gòn sống và dường như không bao giờ kết thúc. Nhại lời một bài hát Pháp – “Đời là một thời để yêu”, Minh bảo: “Đời là một thời để đi”.
Chuyến đi cuối năm của Minh không dài nhưng với Minh nó rất quan trọng, đi như thể để báo cáo, đi như thể Hội nghị tổng kết năm. Minh vẫn chờ đợi những chuyến đi - như chờ đợi những biến cố làm thay đổi cuộc đời Minh.
2. Đó là chuyến đi đến một ngôi chùa ở trên núi ở một nước khác. Ở Việt Nam có rất nhiều chùa, chùa trên núi cũng có rất nhiều. Cái chính Minh cần một cái đích đến, Minh cần sự di chuyển.
Đi bây giờ rất dễ, chỉ cần có tiền và có ham muốn đi. Minh ra Phạm Ngũ Lão, mua một cái vé xe. Cậu bán vé để ria, điệu bộ như diễn viên điện ảnh Lý Hùng. Minh nghĩ, bán vé xe đò mà điệu bộ. Minh nghĩ, có thể những chuyến đi cũng là một cách điệu bộ của mình. Nhiều chuyến đi của Minh khá tốn kém, nhưng Minh tặc lưỡi bảo đó là một cách đầu tư vào phong cách sống, vào thương hiệu cá nhân. Cậu bán vé xe đeo hoa tai, Minh nghĩ những đàn ông đeo hoa tai là những đàn ông đã được chuẩn bị kỹ cho việc cưới vợ vì thứ nhất đã biết thế nào là nỗi đau khi bị người khác đâm, thứ hai đã biết thế nào là mua sắm nữ trang.
Sáng hôm sau, Minh đã thấy mình trong một chuyến đi. Đôi khi Minh cũng không hiểu mình đang trong một chuyến đi hay mình vẫn đang ngủ.
Chuyến đi bắt đầu từ sân công viên có đậu chiếc xe đò. Có một bà già đến bán cho Minh ba tờ vé số để bà lấy tiền ăn sáng. Nhân vật hiền lành trong Minh muốn mua vé số, muốn giúp đỡ bà già và muốn có một hy vọng le lói vào việc trúng số. Nhân vật độc ác trong Minh bảo: “Mình cũng còn chưa được ăn sáng mà mình chẳng có vé số nào để bán cho ai, mình phải nghĩ đến mình chứ, có ai nghĩ cho mình đâu?”. Minh muốn hỏi: “Bà bị làm sao mà ngày Tết vẫn phải đi bán vé số thế?”. Có thể bà già sẽ hỏi: “Con bị làm sao mà ngày Tết vẫn phải lang thang trên đường thế?”.
Xe chuyển bánh. Chắc không phải là Minh đang mơ. Minh giở gói bánh quy ra ăn sáng. Đi đâu đó bây giờ dễ như ăn bánh quy. Nếu thấy cuộc đời thực của mình không ổn, có thể mua một vé đi đâu đó và thấy cảnh vật, con người xung quanh khác hẳn. Minh đi, dường như để tránh một thực tại là nếu cứ đi làm kiếm tiền thế này, không biết bao giờ Minh mới mua được nhà, lấy vợ, sinh con.
Xe đi qua biên giới. Anh sỹ quan biên phòng cầm cả tập Hộ chiếu, đóng dấu mà không cần nhìn mặt Minh. Nếu xem kỹ Hộ chiếu của Minh, anh sỹ quan biên phòng có thể sẽ muốn nhìn mặt Minh, vì Hộ chiếu dày đặc những con dấu mà chính Minh cũng không còn phân biệt được của những nước nào nữa. Minh đi mãi thành quen chân và càng đi càng xa vời với ước mơ mua nhà, lấy vợ, sinh con. Khi đi nhiều, người ta bỗng quên mất cuộc đời nào là thực, cuộc đời trên đường hay cuộc đời không trên đường.
Xe dừng lại ở quán ăn bên đường. Mọi người đang xem một trận bóng đá và cổ vũ cho cả hai bên. Ở đây mọi người không có một đội bóng của mình. Dẫu sao mọi người ở đây cũng dễ thương, Minh nhớ có lần lọt vào một quán bar ở châu Phi với đầy những nhân vật khủng khiếp, đến mức những nhân vật ấy mà xuống tắm ở sông Nile, cá sấu ở đó sẽ đành phải di cư ra sống ở biển Địa Trung Hải. Minh nghĩ mọi người quả thật là ngây thơ vì cứ tưởng càng gào to cổ vũ thì đội bóng mình ủng hộ sẽ càng dễ chiến thắng.