What's new

[Chia sẻ] Hòn Nhọn - Thác Bay - Bình Tiên

Thân chào cả nhà,
Cuối cùng thì chuyến đi cũng đã kết thúc, chuyến đi ba ngày vừa lên rừng, vừa xuống biển của một tập thể gồm 10 con người để lại rất nhiều cảm xúc cho mỗi cá nhân. Người thì coi đó là một chuyến đi tuyệt vời, có người lại có những cảm xúc mới lạ thêm trong cuộc đời của mình, có người lại thấy đó là sự chấm hết cho những chuyến đi khác. Dù sao đi nữa, chúng ta đã có một chuyến đi không thể hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh như vậy.

Chuyến đi đến từ một bài viết của một phóng viên báo Tuổi Trẻ và trở thành một topic rủ rê hot nhất thời đại phuot. Và chỉ với 336 bài viết nhưng có đến 14.780 lượt người theo dõi cũng đủ sức nói lên cái nóng của topic này.

Một chuyến đi khám phá mà gần như một bãi chiến trường khi có sự tranh cãi về số lượng người và cách thức tuyển lựa người để mất bao công sức của các mod, admin kiểm duyệt, kiềm chế sự nóng nảy không cần thiết của rất nhiều thành viên.

Nhưng nó thực sự là topic đáng để quan tâm.

Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ nằm ở miền Trung của tổ quốc, có vô số cảnh đẹp và điểm nên đến trong hành trình của các phượt gia. Nhưng những điểm được nhiều người biết đến đại đa số nằm ở ven biển như Hòn Lao lạnh lùng, Vĩnh Hy huyền bí, Bình Tiên êm ả hay Núi Chúa hùng vĩ. Có nhiều cảnh đẹp còn nằm ẩn khuất sau những cánh rừng, những vách núi mà chúng ta còn chưa có dịp nhìn ngắm. Một trong những cái như thế là hòn Nhọn.

Đúng như nhà báo Bình bên báo Tuổi trẻ đã viết, hòn Nhọn nằm trong khu vực xã Phước Hà. Dân địa phương nơi đây hay kêu là hòn Một. Từ khu xã Nhị Hà, Phước Hà nhìn về phía Lâm Đồng, chúng ta sẽ thấy hòn Nhọn vượt cao hơn tất cả và có một đỉnh nhọn như một cái chóp mũ của những chàng mục đồng. Đây là đỉnh núi cao nhất trong khu vực và nằm trong khu vực quản lý của hạt Kiểm Lâm Tân Giang. Trong toàn khu vực 30.000 ha rừng mà hạt Tân Giang quản lý, có ba dòng suối thì có đến hai dòng bắt nguồn quanh hòn Nhọn. Tới hòn Nhọn, chúng ta có hai đường đi. Một là đi từ trung tâm xã Nhị Hà, băng đồng tới chân núi rồi theo đường mòn lên đỉnh sau khi vượt qua một yên ngựa khá khó khăn. Hai là chúng ta đến hồ Tân Giang rồi theo đường mòn ven hồ, khi gặp con suối đầu tiên thì rẽ phải để đi lên khu thác Bay rồi lên hòn Nhọn. Nếu gặp con suối này mà vẫn đi thẳng, chúng ta sẽ đến khu căn cứ Anh Dũng, một căn cứ cách mạng trong thời gian chống Mỹ. Đây là khu vực tiếp giáp Lâm Đồng, có nhiều hầm trú ẩn, giao thông hào, có cả trường đảng, lớp học ... Tuy nhiên, khu vực này nằm ngoài khu hòn Nhọn.
Sau khi tìm hiểu kỹ tất cả các vấn đề từ anh Doanh - trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang - người đi suốt hành trình tại khu hòn Nhọn thì chúng tôi hiểu rằng bài báo của anh phóng viên trên báo tuổi trẻ đã nêu ra đúng vị trí của hòn Nhọn, nhưng nơi anh đến thì không phải là hòn Nhọn. Vậy thì chúng ta sẽ chinh phục hòn Nhọn này, đó là quyết định của cả nhóm.

Để hoàn thành chuyến đi, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của rất nhiều cá nhân, tập thể. Có lẽ không có gì để nói nếu như chúng tôi liên hệ suôn sẻ với dân địa phương. Nhưng, ở đời vẫn có nhiều chữ nhưng, và ở đây chúng tôi sẽ nói đến nó. Có nó, chuyến đi mới trở nên khó khăn như vậy.

Bảo là một anh bạn dễ thương sống ở xã Nhị Hà. Sau chuyến đi cùng với anh Bình (báo Tuổi trẻ), chúng tôi đã có dịp gặp anh và trò chuyện nhân chuyến anh vào chơi thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi những tưởng rằng sự vui vẻ của anh sẽ giúp đỡ rất nhiều khi chúng tôi chinh phục hòn Nhọn, nhưng không phải vậy. Cách chuyến đi gần một tuần lễ, tôi bốc điện thoại gọi cho Bảo. Sau một hồi nói chuyện, Bảo nói tôi cần phải gặp một anh bạn khác tên Thuận, làm bí thư đoàn xã Nhị Hà. Anh Thuận nói rất dài dòng, nhưng vắn tắt như sau:

- Dẫn đường chứ không phải vác đồ giùm.
- Cần phải làm thủ tục vào rừng và đóng một số khoản thuế cho xã.
- Chi phí dẫn đoàn trong ba ngày vào hòn Nhọn là 5 triệu đồng cho một nhóm khoảng trên 10 người. Tất cả sẽ thể hiện bằng hợp đồng và anh sẽ gửi qua fax cho chúng tôi hợp đồng mẫu.

Mới nghe đến con số 5 triệu đồng, tôi đã tá hỏa tam tinh. Bởi theo Tuấn mỏ nhọn (thành viên của Chim Cò group), chi phí cho mỗi hướng dẫn là 100 ngàn/ngày (chúng tôi đã cùng nhau thỏa thuận như thế), 500 ngàn thuê xe đưa vào ra (đón từ cây xăng ngã ba Phú Quý vào Nhị Hà và ngược lại) cùng tiền mua rau, gạo chừng 300 ngàn. Như vậy, nhóm của Tuấn chỉ tốn 200 ngàn cho 1 "hướng dẫn viên" mà thôi, vậy mà.... Tôi liền gọi cho anh Bình nhờ can thiệp. Anh liền gọi liên lạc với Bảo rồi gọi cho tôi, nói nên liên hệ với anh Luân - là người quen của nhóm Bảo, Thuận và dẫn anh Bình vào chỗ đó.

Cho đến sáng hôm sau, tôi gọi cho anh Luân. Anh Luân là người làm du lịch và cũng là người khám phá ra khu này (hòn Nhọn) nhưng chưa đưa vào khai thác. Anh cũng rất tiếc khi một số anh em địa phương lại đưa ra giá như vậy và sẽ giúp đỡ để chi phí còn là con số chấp nhận được. Sau một hồi điện thoại của anh Luân, Thuận đồng ý giảm giá nhưng con số chỉ được tụt xuống còn 3 triệu đồng. Tôi cũng gọi cho Bảo một vài lần nữa, nhưng em cũng không giúp gì hơn được nữa. Thôi thì đành chịu vậy, tôi nghĩ mình nên thông báo cho anh em hủy chuyến đi, vì không nên chấp nhận một cái giá vô lý như thế. Nếu tôi chấp nhận giá này thì nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các chuyến đi của các anh em về sau. Nhưng cái sức nóng của hòn Nhọn, cùng với sự quyết tâm của anh em làm cho tôi đành tìm cách khác. Chợt nhớ ra có một người bạn làm kiểm lâm Ninh Thuận, tôi liền liên lạc để tranh thủ sự giúp đỡ của những chủ rừng khi không có sự giúp đỡ của dân địa phương. Nói là bạn cho nó oai, chứ thực ra chỉ là sơ giao thôi. Cách đây vài năm, bạn ấy có giúp đỡ gia đình tôi vào cắm trại trong vùng hoang vắng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa hết sức ấn tượng. Và lần này cũng vậy, bạn ấy lại nhiệt tình giúp tôi sau khi nghe kể lể khó khăn.

Anh Thanh - trưởng ban quản lý và bảo vệ rừng tỉnh Ninh Thuận là sếp của bạn ấy và là người đích thân giúp chúng tôi vào rừng lần này. Anh gọi xuống xã để giúp cử một cán bộ an ninh đi theo đoàn và cắt cử luôn anh Doanh là trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang đi giúp chúng tôi. Ngày chúng tôi ra đến ngã ba Phú Quý, anh còn dậy từ 5 giờ sáng, vượt hơn chục km để thăm đoàn chúng tôi và dặn dò một số điều trước khi vào rừng. Thật là cảm động khi anh ấy là người quản lý của rừng cả tỉnh nhưng lại hết sức gần gũi và thân thiện khi tiếp xúc.

Chuyến đi còn được sự hỗ trợ không mệt mỏi và đầy tình cảm của anh Hiệp, là dượng của Đình Quân - một thành viên của 4so9.com tham gia chuyến đi. Số là sau khi nhờ đến anh Thanh nhưng lại chưa thể chắc chắn lắm, tôi bèn đánh liều gọi cho dượng Hiệp. Dượng Hiệp hiện nay đang công tác tại ban quản lý giao thông đường bộ của tỉnh, ngày trước làm trong ủy ban dân tộc của tỉnh nên nắm rất cụ thể khu này. Gần như ngay lập tức, dượng hỏi thăm xuống chính quyền xã để nắm tình hình và còn nhờ bạn bè làm bên Sở nội vụ tỉnh can thiệp, gọi cho chủ tịch xã. Các cán bộ của xã đã biết gần như đầy đủ chuyến đi của chúng tôi, nên dượng Hiệp nắm được ngay tình hình. Họ còn cho biết, Bo Bo Thuận (không hiểu sao họ lại gọi thế) đứng ra lo vụ này. Họ còn nói do tuần trước có dẫn một nhóm đi, chở ra vào bằng cái xe chở heo rồi tính tiền đâu 1 triệu ba hay một triệu tám gì đó mà kêu rẻ quá nên anh em nó tưởng là hớ nên mới tính giá cao lên. Thật là khổ cho những người ít tiếp xúc với tiền, cứ ngỡ là tiền ở thành phố như lá mít, cứ lượm là được.

Chưa an tâm, bởi vì địa danh tôi nói (hòn Nhọn) dượng Hiệp chưa nghe tới, nên dượng phi thẳng xe xuống xã hỏi tình hình. Anh Chín Tấn - cũng là chỗ thân tình với dượng Hiệp có một trang trại ngay vùng liền cho biết dân địa phương kêu đó là hòn Một, nước non mùa này cũng cạn nên chắc là ít cá thôi. Do cũng từng làm trong cơ quan công quyền tỉnh nên anh Chín Tấn nói cứ an tâm mà đi, anh sẽ dặn dò anh em xã và khi về thì ghé qua trang trại làm bữa cơm thân mật.

Ngày đi chỉ còn hai ngày là tới, các cuộc đàm phán giá cả với Thuận cùng sự giúp đỡ của Bảo, anh Luân, anh Bình đều thất bại. Tôi đã có được sự đồng ý giúp đỡ của anh Thanh nên từ chối giá cả và sự dẫn đường của nhóm Thuận. Ngay chiều hôm đó, Thuận gọi thẳng cho tôi và nói dõng dạc: " Các bạn đừng đi đến đây làm gì, phí tiền vé xe vì đến nơi cũng phải mua vé xe mà về ngay. Tỉnh đoàn cùng Sở du lịch tỉnh đã giao vùng hòn Nhọn cho xã đoàn Nhị Hà quản lý và khai thác rồi, nên không có cách nào các bạn vào được nếu như không có sự dẫn đường của bọn tôi. Các bạn có nhờ kiểm lâm dẫn vào cũng không có vào nổi đâu!!!". Lời nói của Thuận như đinh đóng cột khiến tôi đã lo lắng cho chuyến đi còn lo thêm gấp bội.

Sự lo sợ có phần thái quá của tôi sau khi nghe anh Thuận đe dọa làm cho chuyến đi thực sự trở thành chuyến đi tâm điểm của các câu chuyện xung quanh xã Nhị Hà. Một nhúm người vào chốn rừng núi với một chút đam mê, hà cớ gì mà Kiểm Lâm quan tâm, Sở Nội Vụ gửi gắm, Ban quản lý giao thông đường bộ cũng vào cuộc? Hay là họ còn có lý do gì khác khi bước vào khu này? Đoàn của họ gồm những ai mà quan trọng và ghê gớm thế? Và đấy cũng là một phần của câu chuyện mà tôi sẽ nói về sau.

(to be continue)
 
Last edited:
2

Tôi tường thuật những lời của Thuận cho anh Thanh và dượng Hiệp nghe qua điện thoại, cả hai đều phì cười. Thứ nhất, khu vực hòn Nhọn thuộc xã Phước Hà chứ không thuộc Nhị Hà. Thứ hai, nếu có Sở du lịch có giao rừng cho tổ chức nào quản lý nếu nằm trong phạm vi rừng đó có danh lam thắng cảnh thì cũng phải phối hợp cùng kiểm lâm để bàn giao và cùng quản lý nhưng khu này kiểm lâm Tỉnh không hề hay biết, tức là không có chuyện đó. Thứ ba, nếu có giao thì cũng giao cho Phước Hà chứ hà cớ gì lại giao rừng của xã này cho xã khác quản lý? Sau khi nghe anh Thanh giải thích, tôi cảm thấy thán phục anh Thuận ghê gớm. Sự lộng ngôn của anh đã làm cho một thằng cũng được gọi là khá từng trải, đi đông về tây suýt nữa đái ra quần. Nhìn anh trong ảnh của anh Bình chụp lúc nấu cơm trên chặng đường đi vào chiến khu Anh Dũng cũng nhỏ thó và hiền lành là thế, vậy mà anh lại có thể làm cho một thằng to bụng như tôi vãi cả linh hồn. Thật là không may, anh lại ở Nhị Hà, chứ nếu anh có thể vượt ra khỏi lũy tre làng đến những nơi phồn hoa, tôi dám chắc anh còn thành công hơn thế nữa. Thôi, chuyện đó đến đây không nói nữa.

20h tại bến xe miền Đông, một nhóm phượt tử tụ họp trong khu nhà chờ. Kẻ chưa đến, kẻ còn đang bịn rịn tiễn đưa nhau làm cho chuyến đi còn có vẻ lâm ly như chuyến đi vào huyễn hoặc. Một số người vẫn chưa đến, trong đó có cả dangkhoaquan do cũng còn đi công việc riêng. Đình Quân thì một mình một ngựa chạy từ Cần Thơ từ hồi 17h và đến nhà tôi vào hồi 20h10. Anh em và vội vài chén cơm rồi nhanh chóng vứt ba lô, lều bạt lên chiếc xe rồi phi gấp ra bến. Hú hồn, mình chỉ mất có 15 phút để có mặt tại bến xe miền Đông. Anh em đã gần đầy đủ. Chuyến đi không có sự tham gia của BM, một cây phượt hoành tráng do không hồi phục kịp sau chuyến băng rừng mà nhiều chuyên gia nói là điên khùng nhưng cực kỳ hoành tráng, nhanchauchau thì bận công tác không thể hoãn. Nhưng quân số chuyến đi vẫn là 13 người, con số mà nhiều người kiêng kị. Cho đến 21h, vẫn chưa thấy sự xuất hiện của ba người là Tùngcn và hai người bạn của sami. Thôi thì đành gọi xem có kẹt xe pháo gì không. Thật là bất ngờ và thất vọng khi tùngcn và hai đứa bạn của mình đều tưởng là xuất phát vào thứ 6. Thật là hết chỗ nói, khi mà đã dặn đi dặn lại là tối thứ 5 mà vẫn còn nhầm. Giờ xe chạy đã cận kề thế này thì đành chịu. Chúng tôi có thêm 3 ghế trống để vứt ba lô cùng đồ đạc. Nhìn ai cũng khủng hoảng những ba lô cùng lều chõng, bác phụ xế vừa lắc đầu vừa cười. Cả đám ngồi gần hết các tầng trên của xe, vừa xem phim hài vừa tán dóc và cười như nắc nẻ. Xen vào đó, Tùngcn còn tiếc rẻ gọi hỏi thăm tìm chuyến cuối để vớt vát cách nào đó có thể theo kịp đoàn ra tới Ninh Thuận. Thế nhưng, chuyến cuối chỉ còn 30 phút nữa mà Tùngcn ta lại đang luyện cafe tận đâu đâu nên đành tiếc rẻ nằm nhà. Tất cả những khó khăn phía trước hình như chưa hề có trong đầu của cả đám. Hoài Linh quả là một cây hài có sức sáng tạo, giá mà có một băng của đồng chí này, vừa leo núi vừa nghe chắc vui quên mệt luôn. Nói qua lại và cười được chừng hơn một giờ, đại đa số anh em đều ngủ, chưa kể Madscientist còn tập làm lâm tặc khiến anh em chưa ngủ cứ cười cười. Xe chạy đến chừng 12h thì dừng cho anh em ăn khuya rồi chạy tiếp. Nhoằng một cái, xe đã ra đến Ninh Thuận và nhà xe đã hú gọi chúng tôi dậy để xuống ngay ngã ba Phú Quý như đã hẹn với anh Thanh kiểm lâm.

Đúng 4h20, chúng tôi bước xuống ngã ba, xung quanh còn đầy bóng tối đan xen với vài ánh đèn đường vàng võ. Cách ngã ba chừng 20 thước có một quán nước mở sớm, phục vụ cho dân xe ôm và những kẻ lang thang như chúng tôi. Thế là cả đám ào sang, xếp ba lô đồ đạc đầy một góc quán.
Ông chủ quán tên Sơn nhanh nhảu: “đoàn các chú là đoàn thứ ba đấy, tuần trước có một đoàn đến đây, xạc nhờ cái đèn rồi quên luôn ở đây. Còn một đoàn nữa, sáng nay cũng đến nhưng đi xe xịn lắm. Có một ông người dân tộc hôm qua đến đây đặt xe bảo đón, xe Mecedes lận”. Tôi cười cười, vì đoán đoàn trước là đoàn của Tuấn chim cò, còn cái đoàn xịn xịn có bác dân tộc thuê xe thì chịu. Hòn Nhọn quả nhiên được quan tâm ghê gớm. Anh em kêu nước uống cho lấy lệ rồi phân chia đồ đạc cho từng người. Được chừng 20 phút, dượng Hiệp phi xe máy xuống. Tay bắt mặt mừng với anh em một chút, dượng nói sẽ điều hai xe của cơ quan xuống, chở anh em vào trong chứ không cần thuê xe. Tôi chưng hửng vì đã nói anh Thanh thuê xe giúp rồi. Thôi thì cứ từ từ xem sao. Ngay lúc đó, một anh có nước da đen thui cùng vầng tráng cao vợi tiến đến e dè: “bọn em có phải từ Sài gòn ra, có quen chỗ anh Thanh?”. Hóa ra, đây là anh Doanh, người mà anh Thanh nói sẽ cùng chúng tôi vào rừng. Tôi cảm thấy vững trong dạ hơn, vì đã gặp được người trực tiếp dẫn mình vào hòn Nhọn. Vừa khi ấy, hai chiếc xe xịch đỗ ngay trước quán, là chiếc xe của cơ quan dượng Hiệp. Tôi bèn ra nói chuyện về xe cộ để xem vấn đề thế nào, hóa ra chính anh Doanh thuê chiếc Mecedes cho chúng tôi. Chiếc Mecedes 16 chỗ chở từ ngã ba vào tận hồ Tân Giang chỉ có 300 ngàn, thật là một giá dễ chịu nếu so sánh với giá xe nhà Tuấn chim cò đi. Nếu anh em nào đi chuyến sau thì nên liên hệ với anh Sơn chủ quán nước ở ngã ba này và thuê xe với giá hết sức mềm này nhé.

Khi đã có xe của dượng Hiệp, tôi bèn nói khó với anh Doanh để hồi lại chuyến xe này, rồi tất cả cũng xong. Ngay khi ấy, anh Thanh cũng đến. Hai anh em lần đầu tiên gặp mặt, nhìn anh làm lâm nghiệp mà có vẻ rất nho nhã thanh cảnh như dân văn phòng chính hiệu. Bằng cái giọng sang sảng, anh kêu có chuyện gì thì anh Doanh sẽ giúp, nếu khó nữa anh Doanh sẽ điện về để anh giải quyết. Sau cái bắt tay thật chặt, anh dặn dò anh Doanh thật kỹ rồi nhanh chóng lên xe để đi kiểm tra ở huyện khác. Anh Hiệp cũng lên xe máy đi về, chỉ để lại hai anh tài xế cùng hai chiếc xe sẵn sàng lên đường. Tôi cám ơn rối rít rồi cùng anh em lót dạ, trong khi dangkhoaquan cùng anh Doanh nhanh chóng đi mua bổ sung đồ đạc và thức ăn cho chuyến đi ở một cái chợ gần đó. Chỉ chừng hơn 10 phút, cả hai đã quay về và chúng tôi lên đường, trong lòng đầy háo hức.

Đường vào hòn Nhọn đã được đổ bê tông tráng nhựa hoành tráng. Cuộc sống của đồng bào khu vực này cũng rất khá chứ không như những nơi mà tôi đã từng đi qua. Chính quyền địa phương xây dựng hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu, có điện đầy đủ, có sân vận động to vật vã để giải trí, trạm y tế để khám chữa bệnh và rất nhiều trường học khang trang. Nhà cửa hai bên đường của đồng bào cũng được xây đan xen với một số ngôi nhà làm theo kiểu cổ toàn bằng gỗ. Hàng đàn trâu bò, dê, cừu đi đầy đường khiến đoàn xe của chúng tôi thi thoảng lại phải tạm dừng rồi bấm còi inh ỏi mới qua được đường. Cánh đồng lúa đang thì con gái, điểm xuyết bởi vài cánh cò trắng thu hút rất nhiều ống kính chuyên nghiệp của đoàn. Ba cái máy ảnh hoành tráng được chĩa ra ngoài, thi nhau bắn phá phong cảnh nhằm tìm những tấm hình thật đẹp. Đi được một quãng dài trong xã Nhị Hà, anh Doanh ra hiệu cho xe dừng tại một căn nhà có cây xoài to vật vã ven đường. Đây là một lò nấu rượu ngon thuộc dạng nhất nhì vùng này. Chúng tôi lấy 4 lít rượu với giá chỉ 10 ngàn 1 lít và thế chân cái can có 5 ngàn rồi lại hối hả lên đường. Có rượu là đồng chí đồng bào đi cùng vui lắm đấy, anh Doanh cười cười, nháy mắt. Tôi cũng vui chứ nói gì đến ai, cứ nghĩ đến cái cảnh uống rượu ven suối trong rừng vắng, cá suối măng rừng, bạn hữu chung quanh ai mà chả khoái kia chứ.
 
Vầng! Thưa các phượt gia.
Đã khá lâu kể từ chuyến Mekong của Linhevil. Nhà em chưa được đọc topic nào mà tim đập loạn lên vì hồi hộp như đọc chuyện trinh thám thế này ạ.
Cụ Sami làm ơn viết nhanh nhanh chứ để bà con mong chờ thế này thì tội quá!
 
Vầng! Thưa các phượt gia.
Đã khá lâu kể từ chuyến Mekong của Linhevil. Nhà em chưa được đọc topic nào mà tim đập loạn lên vì hồi hộp như đọc chuyện trinh thám thế này ạ.
Cụ Sami làm ơn viết nhanh nhanh chứ để bà con mong chờ thế này thì tội quá!

Chị dugiang bình tĩnh ạ, chuyện hay còn phía trước ;)
 
Vầng! Thưa các phượt gia.
Đã khá lâu kể từ chuyến Mekong của Linhevil. Nhà em chưa được đọc topic nào mà tim đập loạn lên vì hồi hộp như đọc chuyện trinh thám thế này ạ.
Cụ Sami làm ơn viết nhanh nhanh chứ để bà con mong chờ thế này thì tội quá!

Báo cáo chị, em viết được 5 trang A4 rồi đấy chứ! Chị thông cảm, em type chậm lắm.
Huhu
 
3

Anh em mua xong rượu rồi lại lên đường, Huythong và Madscientist còn cẩn thận lấy giấy viết ra mô tả lại đường vào để về post lên diễn đàn cho các anh em về sau. Tôi nghe láng máng Madscientist vừa viết vừa lẩm bẩm: “Cây xăng số 6 ngã ba Phú Quý, đi thẳng, gặp sân vận động rẽ trái, gặp ….rẽ phải thẳng mạch là tới”. Đoạn chấm chấm là do tôi quên rồi, hai bạn Huythong và Madscientist sẽ kể lại cho các bạn nghe. Thế Hùng còn vác GPS là tracking lại toàn bộ chặng đường để anh em về sau có thể dễ dàng hình dung lối vào và lộ trình toàn tuyến. Đi một đoạn nữa là xã Phước Hà, xe lại dừng lại để đón anh Nhân (tên tiếng Việt) là thổ địa. Trao đổi với anh bằng tiếng Việt hơi bị khó do anh nói tiếng dân tộc nhiều hơn và anh cũng ít nói. Thêm năm phút nữa, xe đưa cả đoàn đến mặt đập Tân Giang, một đập nước khá lớn và các bạn có thể nhìn thấy trên bản đồ của Google Map. Hành lý nhanh chóng được mang xuống để hai xe còn tranh thủ quay về đi công tác. Chúng tôi cám ơn hai bác tài xế nhiệt thành và không quên nhét vào tay các bác ấy một chút lộ phí đi đường.

Năm thùng nước có phần hơi nhiều so với 12 con người. Do vậy, chúng tôi quyết định gửi lại quán nước ven đập Tân giang 2 thùng nước, số còn lại tất cả chia nhau, mỗi người bốn chai. 10 kg gạo, cá khô, thịt được chia làm hai túi, anh Nhân mang giúp một nửa, số còn lại thì chia nhau xách. Tuy vậy, còn sợ thiếu đồ ăn nên anh Doanh vào quán ven hồ mua thêm 3kg cá lóc với giá 50 ngàn /kg. Phong cảnh quán ven đập nước mênh mông, xanh ngát thật hữu tình làm anh em thi nhau chụp ảnh. Em Rei và Hothimo còn leo tít xuống mặt nước để vờn mấy chiếc thuyền chài lưới chụp hình. Nhìn xa xa, cả đập rải rác những phao lưới màu trắng – lưới của bà con sống trong vùng mang lưới cá. Trên mỗi chiếc thuyền con con và rải rác khắp quán là vô số những bình điện 12 volt dùng cho việc chích điện bắt cá. Nhìn thật đau xót, chỉ vì cuộc sống trước mắt, họ quên đi cả tương lai. Bởi vì chỉ cần một dòng điện đưa xuống, những con cá to sẽ nổi lên còn cá con thì vô sinh và trứng cá sẽ không bao giờ nở ra nữa. Có thể hôm nay họ thoát đói nghèo, có miếng ăn, còn tương lai của con cháu họ sẽ đối diện với thực tại rừng chỉ còn trong tranh và cá chỉ còn trong ảnh. Một thoáng xót xa cho cả một thế hệ lay lắt sống và không kể đến tương lai….

Chúng tôi lầm lũi trong khu rừng nghèo quanh đập. Đất, đá vàng vọt cùng cây cỏ vì hiện tại là mùa khô, đang trong tình trạng báo động cháy rừng cấp 3. Những cây nhỏ vô giá trị, vô danh mọc còm cõi quanh đám đá granit đang phân hóa dở tạo nên cảnh hoang sơ, điêu tàn heo hút. Tuy đến rất sớm, nhưng vì chờ xe, ăn sáng và di chuyển nên đến 8h sáng chúng tôi mới bắt đầu cuộc hành quân. Trước khi đi, tôi đã mang sẵn một bình sơn xịt màu vàng để đánh dấu hành trình. Các bạn đi sau cứ để ý, khi đến đập Tân giang, rẽ phải men theo đường quanh hồ sẽ gặp các mũi tên màu vàng trên cây, đá ven đường và có đánh dấu tại các ngã ba. Các bạn cứ đi theo hướng mũi tên là sẽ vào đến thác Bay.

Đoạn đường khởi động thật đơn giản, chỉ mất gần một giờ là chúng tôi đã gặp một con suối. Anh Doanh nói mọi người nên nghỉ một chút rồi đi tiếp, tất cả đều đồng ý cho dù không mệt mỏi gì lắm. Con suối nông, chỉ đến ngang bắp chân nhưng có cái nước lạnh ngắt, lạnh đến thấu xương và róc rách chảy. Bên kia suối, ba người đàn ông cầm trong tay các túi xách nhỏ, chẳng rõ đựng gì trong đó đang nghỉ ngơi. Con dao mèo mới tậu tận Sơn la được tôi mang ra buộc vào chai nước rồi quẳng ra giữa dòng ngâm cho lạnh để uống. Anh Doanh thì thầm: “Bọn lâm tặc đó em, nhưng đây chỉ là những thằng cò con vác gỗ thuê thôi, chứ mấy thằng cưa chặt thì nó nằm tít trong sâu ấy, anh biết mấy thằng này hết, và nó cũng chả lạ gì anh”. Tính tò mò nổi lên, tôi giả bộ đi lạng lạng đến gần xem mấy bác lâm tặc có gì trong cái giỏ xác nho nhỏ kia. Ước đoán, chắc cũng chỉ là đồ ăn thôi, vì cái túi nhỏ và được che chắn bên trên kỹ càng làm tôi không nhìn gì rõ hơn. Một bác trong nhóm 3 người đánh tiếng: “Các em đi đâu đấy?”. Dạ, em ở dưới phố đi du lịch anh ạ. Cả ba anh cùng cười khi tôi nói lý do và thì thào điều gì đó, tôi nghe không rõ. Một anh đánh tiếng khen con dao mèo của tôi, hỏi xuất xứ rồi gật gật ra chiều hiểu biết. Cùng lúc đó, lại thêm hai ba người nữa bước ra từ trong rừng và điềm nhiên ngồi cùng tốp kia, bỏ cơm nắm ra nhai ngon lành, chả coi bọn chúng tôi là cái gì cả. Thôi thì kệ, tôi cùng anh em nghịch ngợm bên suối lạnh lùng một lát rồi tất cả vác ba lô lên đường. Để đi đến chiến khu Anh Dũng, chúng ta đi thẳng. Còn lên thác Bay, vui lòng rẽ phải và dọc lên thượng nguồn con suối là tới. Lúc này mặt trời đã rõ hơn một chút, tỏa cái nắng khó chịu trên đỉnh đầu làm cho chúng tôi bắt đầu đổ mồ hôi. Anh chàng Nhân thổ địa cũng đã vứt lại bao gạo, khô và phần này do Đình Quân - con trâu nước của đoàn đảm nhận.
Thi thoảng, anh em lại dừng lại chụp hình, chúng tôi lại gặp lại con suối khi nó vòng ra sát đường mòn của đoàn đi. Những cây sung cao ngất, đầy quả nhìn phát thèm, lại còn có cả một cây dừa to vật, không có trái vì đã bị vặt sạch ven đường. Quả là lạ lùng, khi giữa rừng nghèo mà lại có dừa. Cả đoàn ai cũng lấy máy ra bấm cho hiện tượng lạ này.
Chỉ khoảng 15 phút sau khi cả nhóm đứng lại chụp hình chán chê trên một tảng đá granit to vật vã, cả nhóm lại lên đường. Cái máu nghiên cứu điều tra khoáng sản của tôi lại nổi lên, cho dù trình mới chỉ là tay mơ. Đá granit ở đây có màu xám pha đốm trắng, là loại đá không được thị trường ưa chuộng nên nó vẫn còn y nguyên. Chứ nếu nó mà có màu hồng như ở Bình Định chắc khu này đã sầm uất rồi. Dọc đường đi, tôi còn phát hiện ra cả thạch anh, nhưng rải rác và có màu đục, không phải là thứ đắt tiền mà bà con nhà ta đam mê.

Mới lên có một tí dốc mà anh Doanh đã kêu mệt và đòi cắm trại nấu trưa. Lúc này đồng hồ mới chỉ đến 10h20, đoàn ai ai cũng còn sung. Nhưng anh Doanh nhất quyết cắm trại vì nói là cái dốc phía trước cao lắm, qua không nổi đâu. Cứ nghỉ ngơi quanh đoạn này rồi chúng ta ăn cơm xong, đi tiếp. Theo kế hoạch, buổi trưa cả nhà ăn xôi do Hothimo đảm nhận mua, đã chia ra rồi nhưng anh Doanh đề nghị nấu thêm chút cháo cá. Ừ thì ăn, mình làm tí cá lóc nấu cháo cho nó hoành tráng. Chỗ này suối to, sâu và nhiều cây mát mẻ nên cắm trại cũng hợp lý. Tôi, Thế Hùng và Đình Quân tỏa ra dò xét tình hình xem cá mú ra sao. Nước xanh ngắt, chảy róc rách và vẫn lạnh lùng. Bóng chim tăm cá thì không thấy đâu. Cả ba hơi thất vọng nhưng sau một hồi vắt nước tìm cá, tôi tìm thấy một đàn cá nho nhỏ trong hõm nước to nhất khu và cũng sâu nhất. Thế Hùng thì mồi bột, tôi thì chạy ra lấy ruột cá lóc do Rei và Hothimo đang làm để câu. Cả gần nửa tiếng vật vã đổi từ ruột cá sang mồi bột rồi sang cả xôi nhưng cả ba đều lóc trắng. Ngay lúc xuất phát, anh em cứ nửa đùa nửa thật là phải mang cây chích điện đi không thì chả có cá mà ăn. Cả ba chàng cần thủ chúng tôi chỉ cười cười, vì bản thân là các cần thủ chúng tôi không bao giờ làm những chuyện như vậy, nói thật là còn ghét cay đắng chuyện đó nữa. Bởi vì số cá kiếm được của một người chích điện là có thể bằng cả trăm người đi câu dồn lại, nhưng mức độ tàn phá thì đã nói ở trên rồi, vô cùng khủng khiếp. Toàn bộ cư dân của 4so9.com và các diễn đàn câu cá khác đều phản bác vấn đề chích điện, bởi chích thì cá lớn cá nhỏ và cả trứng cũng chả còn, lấy cá đâu ra mà câu! Thế Hùng chán nản vì chả có con cá nào, thu cần đi leo võng nằm ngủ và buông ra câu thách đố: “Anh mà câu được cá thì em cõng anh qua núi!!!!”. Nghe phát ham, nhưng ở điều kiện này thì chắc là tôi phải lội bộ là cái chắc. Cá thì chưa được, nhưng tôi đã câu được ba chú cua suối, con nào con ấy nhìn rắn rỏi chắc nịch như xe tăng bọc thép vậy. Nhanh chóng, chúng bị bỏ chung vào nồi cháo cá để cho ngọt nước.

Giờ ăn trưa rồi cũng đến. Số xôi Hothimo mang đi anh em đã giải quyết gần hết, chỉ còn lại một ít xôi đồ sầu riêng. Nồi cháo cá đặc sệt những cá và cháo cũng được anh em giải quyết gọn lẹ. Những chiếc bát inox 2 lớp chống nóng được Hothimo mua cho anh em có tác dụng tuyệt vời. Cầm trong tay không nóng và đủ to để có thể trụng mì tôm luôn. Cái này hơn nhiều lần cái bát giấy ăn rồi phải bỏ, gây bừa bãi cho môi trường và có thể dùng rất lâu bền. Ý tưởng này hình như do dangkhoaquan nghĩ ra thì phải, rất hay. Ba chú cua nhỏ nhoi trong nồi cháo được chia ra, người được càng, người ăn mình và có người còn không được ăn. Tequila ăn ngay hai cái càng và nhường cho tôi cái mình cua béo ngậy. Hắn nhai càng rau ráu, ra chiều ngon lành lắm làm tôi tò mò. Cua đồng thì ăn nhiều, cua đá trên núi Dinh cũng đã ăn và cua Cù lao Chàm nổi tiếng tôi cũng đã dùng, nhưng cua Ninh Thuận này quả đặc biệt. Thịt cua trắng, ngọt và chắc nịch, chắc đến không ngờ. Có lẽ vận động trong môi trường khắc nghiệt nên nó giúp chúng chắc đến như thế. Giờ đã vào cuối mùa khô mà nước suối vẫn chảy mạnh mẽ, không biết bằng cách nào chúng lại có thể sống và tồn tại qua mùa mưa, khi mà lượng nước dâng cao hơn so với hiện tại chừng 2 mét và chảy với vận tốc kinh hồn? Những người như chúng tôi, sống trong môi trường thành phố cũng đang tập gieo mình vào thiên nhiên tàn khốc và hoang dại, mong được một phần nào cứng cỏi như lũ cua này để có thể vượt qua được những dòng chảy của cuộc đời.
(to be continue)
 
Post hưởng ứng:
cảnh trên đường đi
picture.php

picture.php

picture.php
 
Last edited:
Anh Sami văn hay chữ tốt quá, đọc hấp dẫn cứ như truyện Dan Brown :D

tối nay các ace có súng ống mang hàng đi hết để share nhá

mong gặp tất cả mọi người, tiếc 1 cái vắng anh Trâu Nước QUân roài :)

haha, thích nhất đoạn này, sự thật thì luôn mất lòng :LL:LL và đương nhiên có những người không muốn nghe

@ Techquila: sau khi lão đại Sami post xong thì anh post tiếp của anh đi nhe, bài của em chắc 24/1 mới post đc, tại thi cái môn kia căng quá :Dam:Dam
 
Last edited:
Anh Sami viết ngày càng lên tay. Hi vọng bên cạnh Nguyễn Ngọc Tư của Cà Mau, chúng ta sẽ mau có Sami của Sài Gòn......
 
Những người như chúng tôi, sống trong môi trường thành phố cũng đang tập gieo mình vào thiên nhiên tàn khốc và hoang dại, mong được một phần nào cứng cỏi như lũ cua này để có thể vượt qua được những dòng chảy của cuộc đời.
(to be continue)

Cũng sợ bị la là vô spam hay tám. Cũng đã nhấn hết các nút thanks có thể nhấn được nhưng không kìm được sự khoái chí tán thưởng khi đọc tới cái câu này. Nhấp ngụm cà phê xong, vỗ đùi cái đét (c).
Bài này nếu làm loãng topic thì nhờ lãnh đạo xóa hộ nhá.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,035
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top