What's new

[Chia sẻ] Hòn Nhọn - Thác Bay - Bình Tiên

Thân chào cả nhà,
Cuối cùng thì chuyến đi cũng đã kết thúc, chuyến đi ba ngày vừa lên rừng, vừa xuống biển của một tập thể gồm 10 con người để lại rất nhiều cảm xúc cho mỗi cá nhân. Người thì coi đó là một chuyến đi tuyệt vời, có người lại có những cảm xúc mới lạ thêm trong cuộc đời của mình, có người lại thấy đó là sự chấm hết cho những chuyến đi khác. Dù sao đi nữa, chúng ta đã có một chuyến đi không thể hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh như vậy.

Chuyến đi đến từ một bài viết của một phóng viên báo Tuổi Trẻ và trở thành một topic rủ rê hot nhất thời đại phuot. Và chỉ với 336 bài viết nhưng có đến 14.780 lượt người theo dõi cũng đủ sức nói lên cái nóng của topic này.

Một chuyến đi khám phá mà gần như một bãi chiến trường khi có sự tranh cãi về số lượng người và cách thức tuyển lựa người để mất bao công sức của các mod, admin kiểm duyệt, kiềm chế sự nóng nảy không cần thiết của rất nhiều thành viên.

Nhưng nó thực sự là topic đáng để quan tâm.

Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ nằm ở miền Trung của tổ quốc, có vô số cảnh đẹp và điểm nên đến trong hành trình của các phượt gia. Nhưng những điểm được nhiều người biết đến đại đa số nằm ở ven biển như Hòn Lao lạnh lùng, Vĩnh Hy huyền bí, Bình Tiên êm ả hay Núi Chúa hùng vĩ. Có nhiều cảnh đẹp còn nằm ẩn khuất sau những cánh rừng, những vách núi mà chúng ta còn chưa có dịp nhìn ngắm. Một trong những cái như thế là hòn Nhọn.

Đúng như nhà báo Bình bên báo Tuổi trẻ đã viết, hòn Nhọn nằm trong khu vực xã Phước Hà. Dân địa phương nơi đây hay kêu là hòn Một. Từ khu xã Nhị Hà, Phước Hà nhìn về phía Lâm Đồng, chúng ta sẽ thấy hòn Nhọn vượt cao hơn tất cả và có một đỉnh nhọn như một cái chóp mũ của những chàng mục đồng. Đây là đỉnh núi cao nhất trong khu vực và nằm trong khu vực quản lý của hạt Kiểm Lâm Tân Giang. Trong toàn khu vực 30.000 ha rừng mà hạt Tân Giang quản lý, có ba dòng suối thì có đến hai dòng bắt nguồn quanh hòn Nhọn. Tới hòn Nhọn, chúng ta có hai đường đi. Một là đi từ trung tâm xã Nhị Hà, băng đồng tới chân núi rồi theo đường mòn lên đỉnh sau khi vượt qua một yên ngựa khá khó khăn. Hai là chúng ta đến hồ Tân Giang rồi theo đường mòn ven hồ, khi gặp con suối đầu tiên thì rẽ phải để đi lên khu thác Bay rồi lên hòn Nhọn. Nếu gặp con suối này mà vẫn đi thẳng, chúng ta sẽ đến khu căn cứ Anh Dũng, một căn cứ cách mạng trong thời gian chống Mỹ. Đây là khu vực tiếp giáp Lâm Đồng, có nhiều hầm trú ẩn, giao thông hào, có cả trường đảng, lớp học ... Tuy nhiên, khu vực này nằm ngoài khu hòn Nhọn.
Sau khi tìm hiểu kỹ tất cả các vấn đề từ anh Doanh - trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang - người đi suốt hành trình tại khu hòn Nhọn thì chúng tôi hiểu rằng bài báo của anh phóng viên trên báo tuổi trẻ đã nêu ra đúng vị trí của hòn Nhọn, nhưng nơi anh đến thì không phải là hòn Nhọn. Vậy thì chúng ta sẽ chinh phục hòn Nhọn này, đó là quyết định của cả nhóm.

Để hoàn thành chuyến đi, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của rất nhiều cá nhân, tập thể. Có lẽ không có gì để nói nếu như chúng tôi liên hệ suôn sẻ với dân địa phương. Nhưng, ở đời vẫn có nhiều chữ nhưng, và ở đây chúng tôi sẽ nói đến nó. Có nó, chuyến đi mới trở nên khó khăn như vậy.

Bảo là một anh bạn dễ thương sống ở xã Nhị Hà. Sau chuyến đi cùng với anh Bình (báo Tuổi trẻ), chúng tôi đã có dịp gặp anh và trò chuyện nhân chuyến anh vào chơi thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi những tưởng rằng sự vui vẻ của anh sẽ giúp đỡ rất nhiều khi chúng tôi chinh phục hòn Nhọn, nhưng không phải vậy. Cách chuyến đi gần một tuần lễ, tôi bốc điện thoại gọi cho Bảo. Sau một hồi nói chuyện, Bảo nói tôi cần phải gặp một anh bạn khác tên Thuận, làm bí thư đoàn xã Nhị Hà. Anh Thuận nói rất dài dòng, nhưng vắn tắt như sau:

- Dẫn đường chứ không phải vác đồ giùm.
- Cần phải làm thủ tục vào rừng và đóng một số khoản thuế cho xã.
- Chi phí dẫn đoàn trong ba ngày vào hòn Nhọn là 5 triệu đồng cho một nhóm khoảng trên 10 người. Tất cả sẽ thể hiện bằng hợp đồng và anh sẽ gửi qua fax cho chúng tôi hợp đồng mẫu.

Mới nghe đến con số 5 triệu đồng, tôi đã tá hỏa tam tinh. Bởi theo Tuấn mỏ nhọn (thành viên của Chim Cò group), chi phí cho mỗi hướng dẫn là 100 ngàn/ngày (chúng tôi đã cùng nhau thỏa thuận như thế), 500 ngàn thuê xe đưa vào ra (đón từ cây xăng ngã ba Phú Quý vào Nhị Hà và ngược lại) cùng tiền mua rau, gạo chừng 300 ngàn. Như vậy, nhóm của Tuấn chỉ tốn 200 ngàn cho 1 "hướng dẫn viên" mà thôi, vậy mà.... Tôi liền gọi cho anh Bình nhờ can thiệp. Anh liền gọi liên lạc với Bảo rồi gọi cho tôi, nói nên liên hệ với anh Luân - là người quen của nhóm Bảo, Thuận và dẫn anh Bình vào chỗ đó.

Cho đến sáng hôm sau, tôi gọi cho anh Luân. Anh Luân là người làm du lịch và cũng là người khám phá ra khu này (hòn Nhọn) nhưng chưa đưa vào khai thác. Anh cũng rất tiếc khi một số anh em địa phương lại đưa ra giá như vậy và sẽ giúp đỡ để chi phí còn là con số chấp nhận được. Sau một hồi điện thoại của anh Luân, Thuận đồng ý giảm giá nhưng con số chỉ được tụt xuống còn 3 triệu đồng. Tôi cũng gọi cho Bảo một vài lần nữa, nhưng em cũng không giúp gì hơn được nữa. Thôi thì đành chịu vậy, tôi nghĩ mình nên thông báo cho anh em hủy chuyến đi, vì không nên chấp nhận một cái giá vô lý như thế. Nếu tôi chấp nhận giá này thì nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các chuyến đi của các anh em về sau. Nhưng cái sức nóng của hòn Nhọn, cùng với sự quyết tâm của anh em làm cho tôi đành tìm cách khác. Chợt nhớ ra có một người bạn làm kiểm lâm Ninh Thuận, tôi liền liên lạc để tranh thủ sự giúp đỡ của những chủ rừng khi không có sự giúp đỡ của dân địa phương. Nói là bạn cho nó oai, chứ thực ra chỉ là sơ giao thôi. Cách đây vài năm, bạn ấy có giúp đỡ gia đình tôi vào cắm trại trong vùng hoang vắng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy và Núi Chúa hết sức ấn tượng. Và lần này cũng vậy, bạn ấy lại nhiệt tình giúp tôi sau khi nghe kể lể khó khăn.

Anh Thanh - trưởng ban quản lý và bảo vệ rừng tỉnh Ninh Thuận là sếp của bạn ấy và là người đích thân giúp chúng tôi vào rừng lần này. Anh gọi xuống xã để giúp cử một cán bộ an ninh đi theo đoàn và cắt cử luôn anh Doanh là trưởng hạt kiểm lâm Tân Giang đi giúp chúng tôi. Ngày chúng tôi ra đến ngã ba Phú Quý, anh còn dậy từ 5 giờ sáng, vượt hơn chục km để thăm đoàn chúng tôi và dặn dò một số điều trước khi vào rừng. Thật là cảm động khi anh ấy là người quản lý của rừng cả tỉnh nhưng lại hết sức gần gũi và thân thiện khi tiếp xúc.

Chuyến đi còn được sự hỗ trợ không mệt mỏi và đầy tình cảm của anh Hiệp, là dượng của Đình Quân - một thành viên của 4so9.com tham gia chuyến đi. Số là sau khi nhờ đến anh Thanh nhưng lại chưa thể chắc chắn lắm, tôi bèn đánh liều gọi cho dượng Hiệp. Dượng Hiệp hiện nay đang công tác tại ban quản lý giao thông đường bộ của tỉnh, ngày trước làm trong ủy ban dân tộc của tỉnh nên nắm rất cụ thể khu này. Gần như ngay lập tức, dượng hỏi thăm xuống chính quyền xã để nắm tình hình và còn nhờ bạn bè làm bên Sở nội vụ tỉnh can thiệp, gọi cho chủ tịch xã. Các cán bộ của xã đã biết gần như đầy đủ chuyến đi của chúng tôi, nên dượng Hiệp nắm được ngay tình hình. Họ còn cho biết, Bo Bo Thuận (không hiểu sao họ lại gọi thế) đứng ra lo vụ này. Họ còn nói do tuần trước có dẫn một nhóm đi, chở ra vào bằng cái xe chở heo rồi tính tiền đâu 1 triệu ba hay một triệu tám gì đó mà kêu rẻ quá nên anh em nó tưởng là hớ nên mới tính giá cao lên. Thật là khổ cho những người ít tiếp xúc với tiền, cứ ngỡ là tiền ở thành phố như lá mít, cứ lượm là được.

Chưa an tâm, bởi vì địa danh tôi nói (hòn Nhọn) dượng Hiệp chưa nghe tới, nên dượng phi thẳng xe xuống xã hỏi tình hình. Anh Chín Tấn - cũng là chỗ thân tình với dượng Hiệp có một trang trại ngay vùng liền cho biết dân địa phương kêu đó là hòn Một, nước non mùa này cũng cạn nên chắc là ít cá thôi. Do cũng từng làm trong cơ quan công quyền tỉnh nên anh Chín Tấn nói cứ an tâm mà đi, anh sẽ dặn dò anh em xã và khi về thì ghé qua trang trại làm bữa cơm thân mật.

Ngày đi chỉ còn hai ngày là tới, các cuộc đàm phán giá cả với Thuận cùng sự giúp đỡ của Bảo, anh Luân, anh Bình đều thất bại. Tôi đã có được sự đồng ý giúp đỡ của anh Thanh nên từ chối giá cả và sự dẫn đường của nhóm Thuận. Ngay chiều hôm đó, Thuận gọi thẳng cho tôi và nói dõng dạc: " Các bạn đừng đi đến đây làm gì, phí tiền vé xe vì đến nơi cũng phải mua vé xe mà về ngay. Tỉnh đoàn cùng Sở du lịch tỉnh đã giao vùng hòn Nhọn cho xã đoàn Nhị Hà quản lý và khai thác rồi, nên không có cách nào các bạn vào được nếu như không có sự dẫn đường của bọn tôi. Các bạn có nhờ kiểm lâm dẫn vào cũng không có vào nổi đâu!!!". Lời nói của Thuận như đinh đóng cột khiến tôi đã lo lắng cho chuyến đi còn lo thêm gấp bội.

Sự lo sợ có phần thái quá của tôi sau khi nghe anh Thuận đe dọa làm cho chuyến đi thực sự trở thành chuyến đi tâm điểm của các câu chuyện xung quanh xã Nhị Hà. Một nhúm người vào chốn rừng núi với một chút đam mê, hà cớ gì mà Kiểm Lâm quan tâm, Sở Nội Vụ gửi gắm, Ban quản lý giao thông đường bộ cũng vào cuộc? Hay là họ còn có lý do gì khác khi bước vào khu này? Đoàn của họ gồm những ai mà quan trọng và ghê gớm thế? Và đấy cũng là một phần của câu chuyện mà tôi sẽ nói về sau.

(to be continue)
 
Last edited:
Chuyến đi bắt đầu từ đây, Bến xe Miền Đông, cả đoàn tay xách nách mang là cho nhiều hành khách chờ xe trong nhà chờ của bến xe nhìn mắt tròn mắt dẹt chẳng hiểu cái đám này nó đi đâu mà lắm hành lý thế.
P1080628.jpg

sau vài phút lòng vòng tìm kiếm thì cũng tìm ra được chiếc xe sẽ đưa chúng tôi về Miền Trung - Phan Rang nơi hòn Nhọn đang đón chờ bước chân khám phá của những cu rảnh, gái ở không :D, cả nhóm xếp đồ và yên vị trên những chiếc ghế nằm tiện nghi và êm ái của chiếc xe giường nằm Quê Hương
P1080637.jpg

Xe xuyên màn đêm êm ái, một vài thành viên nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và bắt đầu giấc mơ làm lâm tặc. Còn lại chú tâm vào màn hình xem kịch Hoài Linh, vở kịch khá hay và vui nên làm cuộc hành trình trôi qua khá nhanh. Đúng 4h20 sáng xe dừng tại ngã ba có cây xăng, nơi bác Sami hẹn thổ địa đón đoàn chúng tôi. Sau một hồi quan sát và tìm hiểu thì bác Doanh trạm trường Kiểm Lâm, người sẽ dẫn chúng tôi trong chuyến đi này mới lên tiếng, vì ban đầu bác chưa biết đoàn chúng tôi, sau một hòingồi nghe chúng tôi nói chuyện bác mới lên tiếng
P1080647.jpg

leader Sami nhanh chóng làm quen, nắm bắt thông tin và lên kế hoạch lộ trình, thực phẩm và công tác chuẩn bị thêm cho chuyến đi, qua câu chuyện chúng tôi biết được vài thông tin quý giá và vài thông tin buồn mà bác Sami cũng đã đề cập bên trên. Nhưng nói gì thì nói, làm ly cafe trước cho tỉnh cơn buồn ngủ
P1080644.jpg

sau đó là nạp năng lượng bằng những tô bún bò giò heo bốc khói thơm lừng của quán ven đường cách đó không xa.
P1080651.jpg

Trước đó thì 2 chiếc xe của hảo hữu (xin mượn từ của bác Vòng Ngẩu Pín) cũng đã đến đón chúng tôi.
P1080654.jpg

(To be continued)
 
Last edited:
Lộ trình

Để tiện cho những nhóm sau muốn đi theo cung đường của chúng tôi, tôi sẽ post cụ thể cách đi và chi phí từ SG-đập Tân Giang:
- Từ SG, mua vé xe Quê Hương ở BX Miền Đông đi Phan Rang, giá vé giường nằm 100k/vé.
- Lên xe bảo bác tài cho xuống ở cây xăng Phú Quý.
- Tại cây xăng Phú Quý, có thể thuê xe của anh Sơn (chủ quán nước ngay đó) để lên đập Tân Giang - xã Phước Hà. Giá thuê Mercedes 16 chỗ khoảng 300k

Đường đi lên đập khá là đơn giản:
- Từ cây xăng Phú Quý đi thẳng theo đường nhựa, đi qua trường THCS Huỳnh Phước một đoạn gặp sân vân động thì rẽ trái.
- Đi thẳng tiếp đến khi gặp bưu điện Nhị Hà, quẹo phải.
- Từ đây cứ đi thẳng theo đường bê tông sẽ lên đến đập Tân Giang. Trên đường lên đập sẽ đụng rào chắn của quân đội. Nếu ko liên hệ để mở rào đc thì chịu khó đi bộ lên đập khoảng 5 phút là đến đường vào rừng.

Ở trong rừng, các bạn cứ đi theo đường mòn, chỗ nào gặp ngã rẽ thì đi theo mũi tên màu vàng (như hình dưới). Ko thấy đường mòn thì cứ định hướng theo con suối mà đi sẽ lên được thác Bay.

picture.php


Chúc các bạn có thể tự mình chinh phục được Hòn Nhọn - Thác Bay.
 
Nhanh chóng mua sắm thêm ít cá khô và gạo, đoàn bắt đầu lên xe, tiến về đập Tam Giang, Xả Phước Hà nơi chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc hành trình vào Hòn Nhọn.
IMG_3473.jpg

Đoang đường vào đập được tráng xi măng khá khang trang, hai bên đường nhà của những người Dakley, trong những ngôi trường khang trang, con em các đồng bào đang tất tả vào lớp, các bé thụt thò nhìn những cô, những chú một cách lạ lẫm và tò mò
IMG_3484.jpg

Trên đường đi ghé vào quán ven đường làm thêm 5 lít "diệu", hic hic thế nhưng số "diệu" này lại bị bỏ quên trên xe, khiến chúng tôi thèm "diệu" vật vã trong đêm rừng hoang lạnh giá với cá khô nướng, cá suối hun khói...nhấm với trà. Sami tranh thủ bắn mấy phát.
IMG_3476.jpg

Sau hành trình khá vòng vèo thì cũng đến nơi, bác Doanh vào trạm gác gần đó nói gì với anh bộ đội không rõ, ngay lập tức anh mang khóa chạy ra mở barie cho xe chúng tôi chạy thẳng lên mặt đập. Sa mi và Huy Thông trông thật oai phong, giống như mấy...chú lơ xe đường dài.
IMG_3496.jpg

Trên bờ đập, Nhân (người dân tộc Dakley) đã chờ chúng tôi từ bao giờ, hành trang của anh là một balo đầy gạo và nước. Mọi người ai cũng háo hức, Tâm, Châu, Mơ...tranh thủ nhở tôi bắn vài phát trên bờ đập trước khi bước vào hành trình gian khổ của minh. Leader Sami tranh thủ vẽ graffity trước khi lên đường, một hành động đáng..lên án hehehe.
IMG_3505.jpg

Bên cạnh bờ đập Tam Giang là một quán nước nhỏ, chúng tôi ghé mua thêm vài kg cá lóc cho nồi cháo buổi trưa, căn nhà lá đơn sơ với góc bếp ọp ẹp, ám khói làm tôi bỗng dưng nhớ đến quê nhà thân yêu.
IMG_3510.jpg

Từ đây, chúng tôi băng rừng (núi cũng đúng), vươt qua góc hồ cạn bắt đầu cuộc hành trình khám phá hòn Nhọn.
IMG_3519.jpg
 
4

Bữa cơm gần xong, tôi mới giật mình hỏi anh Doanh: “Can rượu đâu anh nhỉ?”. Anh cũng đờ người ra rồi nói trong hơi thở đánh sượt: “Quên trong xe rồi”. Thật là nản, có thứ quan trọng nhất thì lại quên, cả đám cùng vò đầu bứt tai, ăn bữa cơm rừng không có thứ đưa cay. Sau bữa cơm, cả đám chìm vào trong giấc ngủ giữa tiếng suối reo và gió ngàn thiu thiu thổi. Chiếc võng của tôi được Thế Hùng cố vấn buộc vào sợi dây rừng leo với câu nói chắc nịch: “Có hai sami nằm cũng không đứt, và có đứt cũng không sao vì …. Anh sẽ rơi xuống suối”. Cả nhóm thống nhất đến 13h30 là xuất phát nhưng anh Doanh nói đến 14h mới nên đi vì nắng leo núi sẽ rất mệt mỏi. Thôi thì bác muốn sao bọn em nghe vậy, chứ thấy bác leo ẹ quá, bọn em cũng bó tay rồi. Công việc chính của bác là quy hoạch rừng … trên bản đồ rồi giao khoán cho đồng bào quản lý và thi thoảng cho anh em đi kiểm tra, do vậy bác khen em Rei và em Hothimo nức nở, con gái mà leo núi bền ghê. Bác Doanh và anh Nhân chiếm một góc rất khôn khéo, tránh được ánh nắng mặt trời soi vào chỗ ngủ nên rất mát mẻ, còn chúng tôi đại đa số vẫn bị ánh nắng chiếu vào sau khi ngủ một lúc nên giấc ngủ có phần chập chờn hơn. Chiếc cần câu chờ thời của tôi vẫn nằm trong nước, hi vọng có cá để làm cho Thế Hùng sáng mắt ra, dám coi thường trình độ câu của mình. Đúng là trời thương người hiền, vừa ngủ dậy do ánh sáng mặt trời chiếu vào sờ đến cần thì cái phao của tôi mất hút. Và cũng rất nhẹ nhàng, tôi đưa chú cá lên khỏi mặt nước và hét toáng lên: “có cá, có cá, Hùng”. Tequila, ChoDTDD và HuyThong đang nằm trên phiến đá gần đó bật dậy xác nhận chú cá suối bé con con mà tôi câu được là đúng và cầm cho Thế Hùng. Hùng chỉ còn biết cầm con cá, nhìn ngó ra chiều săm soi và cười hề hề. Lời hứa mà hắn hứa, dám làm tôi chết liền á. Biết vậy nên cả đám cười xòa rồi thả chú cá lại dòng nước, thu dọn đồ đạc, gom đốt rác thải, dập lửa và lên đường.

Dốc, một cái dốc làm thay đổi cả cuộc hành trình.

Vừa ngủ dậy xong, cả đoàn hành quân và gặp ngay một con dốc, nói thẳng là quả đồi ven suối. Đường mòn thay vì dẫn men theo suối như sáng thì nó lại vắt ngang đỉnh đồi để sang bên kia. Mặt người này ngang tầm chân người nọ, cả đoàn im lặng tiến lên phía đỉnh đồi. Chỉ còn tiếng phì phò thở ra của những anh em xung quanh, mồ hôi ai nấy vã ra như tắm. Chỉ có dangkhoaquan, huythong, quantd (Đình Quân), rei, hothimo nằm trong tốp đầu cùng anh Nhân, còn anh Doanh thì đang phì phò ngay sau tôi. Madscientist thì bắt đầu loạng quạng. Đôi giày quá khổ và tấm thân 85kg đang hành hạ đôi chân hắn. Còn tôi cũng chẳng khá gì hơn, khi cảm thấy huyết áp tăng đột ngột sau từng bước chân gò lên dốc. Tấm thân 70kg của tôi cũng đang hành hạ đôi chân, nhưng so với Madscientist thì còn khá hơn nhiều. Qua một góc cua, nhóm đã tách làm ba gồm dangkhoaquan, huythong, quantd, rei, hothimo cùng Nhân đi đầu, cuối là Madscientist cùng ChoDTDD và anh Doanh, giữa là tôi và một số người còn lại. Cây lúp xúp, đường có lẫn cả đá bazan đen thui và sắc cạnh, nếu đi không cẩn thận sẽ bị cứa đứt chân. Cái nắng trên đầu hun ngùn ngụt, nói dại, chắc một mồi lửa ở chân đồi thì cả đám thành heo quay mất. Khoảng cách ngày càng xa giữa tốp đầu và tốp cuối, tôi đành hú anh em tốp đầu dừng lại chờ. Gần mười phút sau, mới thấy ChoDTDD và Madscientist xuất hiện. ChoDTDD có vẻ ổn hơn, nhưng Madscientist thì quả là đuối như cá chuối rồi. Đường nhỏ xíu mà chân của Madscientist khua như say rượu, người mềm như bún. Cái ánh mắt thất thần của Madscientist làm anh em hơi lo ngại. Một thoáng lo âu cho tiến độ hành quân và chợt nhớ đến ngày test tại công viên Lê Văn Tám. Madscientist là người cũng khá khỏe và cũng về trong tốp đầu, sao giờ thảm hại dữ! Người mà tôi thấy an tâm nhất lại là hai bạn gái nhỏ bé trong đoàn rồi đến huythong và quantd. Nghỉ thêm chừng mười phút để Madscientist ổn một chút, cả đoàn lại lên đường. Đoạn này bắt đầu xuống dốc, có vẻ khá hơn cho tất cả, chỉ thi thoảng lại lên một cái. Qua đám cây bắt đầu xanh vì gần nguồn nước, tôi chợt nhìn thấy hai thân cây trắng toát, vươn lên khỏi đám cây lúp xúp nhỏ bé. Hai thân cây chết khô như định mệnh, cắm thẳng vào bầu trời. Nếu ví von một chút, có thể nghĩ đó là cột gol của môn bóng bầu dục của giới siêu nhiên nào đó trong vùng hòn Nhọn. Madscientist tiếp tục bài xuống dốc bằng mông, bởi không thể điều khiển nổi đôi chân của mình. Mọi người vừa đi vừa chờ cho đến ven bờ suối, khúc trên của con suối mới nghỉ ngơi hồi trưa. Anh Doanh lại đề nghị mọi người nghỉ lại, trong khi đồng chí Nhân cứ phăm phăm bước về phía trước. Con suối đầy những viên đá lớn phải vượt qua bằng cách nhảy hoặc lội. Những người đi giày (đại đa số đoàn đều đi giày) buộc phải nhảy qua những viên đá để tránh ướt. Còn những kẻ đi dép như tôi, Thế Hùng và anh Doanh thì cứ lội thẳng trong dòng nước mát lạnh, chỉ tránh những chỗ quá sâu. Chỉ duy nhất một người đi dép mà không lội là Nhân, cứ nhảy như sóc qua các tảng đá dẫn đầu đoàn. Bỗng ủm một tiếng, Huythong trượt chân ngã vào lòng suối. Tuy nhiên toàn bộ túi đồ nghề chụp hình và ba lô vẫn chưa bị ướt. Chiếc điện thoại tắt ngúm nhanh chóng được tháo pin và cho vào ba lô, mặt Huythong méo xẹo. Vừa hết lượt Huythong lại đến dangkhoaquan, làm cái ủm một cái, ngã như nằm ngửa trong lòng suối, chỉ còn duy nhất cái máy ảnh là đang giơ lên cao. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp trong chuẩn bị của dangkhoaquan giúp cho hắn ung dung ngồi dậy, an tâm bước tới. Toàn bộ quần áo và tư trang quan trọng trong ba lô của hắn đã được bọc bởi 1 lớp nilon nên tránh chuyện ướt át. Cả đoàn lúc này ai cũng thận trọng từng bước trong lòng suối chứ không mạo hiểm như trước nữa.

Mới qua con suối một đoạn, cả đoàn chúng tôi bước vào một khúc rừng đang ngun ngún cháy, rộng chừng 2 hecta. Cây cối cháy ngả nghiêng, có cả những thân cây khổng lồ cũng đổ rạp vì không chịu nổi trận cháy. Than cháy dính vào đám quần áo ướt khi vừa qua suối thành một cái màu đen bẩn kinh khủng, trông ai cũng như lính biệt kích hóa trang khi hành quân. Cái không khí trong lành của rừng bị hòa vào mùi khói và bụi làm thi thoảng có người lại ho sặc sụa. Tất cả chỉ còn biết ngán ngẩm nhìn vạt rừng cháy trụi và bước tiếp. Cả hành trình vào đến khu này, chúng tôi không gặp một bóng người nhưng rừng vẫn chả còn rừng. Một buồng hoa chuối trổ ra đỏ thắm còn sót trong đám hoang tàn nhanh chóng được Quantd và Thế Hùng hạ xuống, chặt lấy hoa để chuẩn bị cho bữa chiều. Con đường lại vòng ra suối, có chỗ cho anh em rửa ráy rồi cứ men suối mà đi tiếp.

Chỉ một loáng, cả nhóm đã đến một khu có nhiều bóng cây mát mẻ và đá lớn. Ngay ở đây đã nghe tiếng thác chảy ào ạt phía xa. Nhân nói, thác còn rất gần nhưng anh Doanh lại bảo nên cắm trại chỗ này vì có nhiều cây mắc võng, chứ trên đó thì rất lạnh và nhiều muỗi. Cả đoàn ai cũng phân vân, nhưng sau chót là thuận theo phương án của anh Doanh. Tất cả tản ra mắc võng, phụ anh Doanh nấu cơm. Sau một chút nghỉ ngơi, tôi bắt đầu lắp pin cho bộ đàm và leo lên phía thác để dò điểm có thể câu cá. Trong rừng, ánh sáng lúc 15h30 chiều đã nhàn nhạt và không khí có vẻ lành lạnh một chút. Một mình nhìn ngó, tôi phát hiện một hốc nước có rất nhiều cá suối bèn hú anh em mang cần câu lên qua bộ đàm. Cần câu chưa mang lên, tôi đã nhìn ra ngọn thác ngay phía trái mình, cao ngất và hết sức thơ mộng. Cái bộ đàm quả hữu dụng, tôi gào như điên báo với anh em là thấy thác để mọi người cùng lên chơi. Kết quả là toán đầu chỉ có em Rei, QuanTD và Thế Hùng lên cùng một lượt. Hai thằng bỏ ra câu cá, gào rú như điên vì câu được những con cá suối đầu tiên trong đời. Cá lên nhoay nhoáy, tiếng cười nói rổn rảng và lúc này còn có thêm Huythong và Hothimo lên cùng. Nhưng chỉ có em Rei là máu nhất, phăm phăm theo chỉ dẫn của tôi và Nhân leo qua cái cầu thiên nhiên bằng thân cây to vật vã ngã xuống lòng suối. Cả ba dò dẫm leo từng bước lên cái thác. Tiếng ồ ồ chảy của cái thác toát ra hơi lạnh lan cả vạt rừng, tôi cảm thấy hơi rùng mình. Thác như một dải lụa, đổ thẳng từ trên cao khoảng hơn 50 mét xuống một cái hồ lớn sâu thẳm rồi xoài mình đi tiếp qua một triền núi ngắn trước khi tạo thành một bậc nữa. Bậc ngắn này cao chừng 3 mét, đổ xuống một vũng nhỏ sâu đến cổ mát lạnh và trong veo. Tôi bèn lấy hết can đảm nhảy xuống và bơi về phía bậc nhỏ này, làm vài kiểu đứng thác cho em Rei phóng tác hình rồi cả đám lại vọt lên tầng trên. Phía trên cao, không khí mát lạnh và thật sảng khoái vì không gian rộng lớn. Cả Nhân và em Rei đều không biết bơi, nước lạnh ngắt và sâu thẳm làm tôi thấy ớn. Cũng muốn đứng trên cao nhảy xuống làm quả nhưng… sợ chết do không ai cứu được nên tôi cứ bò từ cao xuống thấp. Đoạn phim em Rei quay tôi thực hiện cú nhảy đã trở thành lời đàm tiếu cho cả đoàn suốt đêm hôm ấy. Bị ám ảnh bởi có thể có chú chình to vật lao lên cắn dạng như cá mập cắn người ở Quy Nhơn làm tôi ớn lạnh, chẳng dám bơi lâu trong cái hồ nước đặc biệt này. Tuy vậy, tôi cũng gắng thử sức mình, bơi về phía thác nhưng không nổi do dòng nước bên trên đẩy tuốt ra xa. Đành bó tay, tôi bơi thật nhanh và leo lên bờ trong cái giá lạnh dần lan đến tận xương. Lúc này mới thấy ChoDTDD và Hothimo cũng đang len men làm vài tấm hình tận bên dưới chân thác. Cả bọn lần mò xuống thật nhanh, tham gia vào đám đi câu của Hùng và QuanTD đang thi nhau kéo cá. Lũ cá suối này tuyệt ngon và là thứ đặc sản trong một số nhà hàng bởi vì độ hiếm của nó. Cả đám câu sạch đám cá trong hũm đá rồi mới kéo nhau về phía dưới.

Anh Doanh cùng anh em đã nấu xong cơm canh, bày trên một hòn đá bằng phẳng. Mỗi người một tô, nhanh chóng xới cơm, ăn kèm đồ ăn. Bữa ăn thứ hai trong rừng có hoa chuối nấu canh, thịt kho và cá khô. Chỉ trong chốc lát, nồi cơm đầy ứ hự hết veo. Hộp sushi của người bạn phuot tặng anh em trong đoàn cũng được mang ra xử lý. Miếng sushi được làm và cắt rất khéo léo ăn rất vừa miệng. Anh em vừa ăn, vừa khen tấm tắc người làm sushi, cái này cứ hỏi Thế Hùng là rõ nhất.
(to be continue)
 
em xin phép quode lại bài số 4 của anh Sami, bổ sung hình ảnh cho nó

Bữa cơm gần xong, tôi mới giật mình hỏi anh Doanh: “Can rượu đâu anh nhỉ?”. Anh cũng đờ người ra rồi nói trong hơi thở đánh sượt: “Quên trong xe rồi”.
IMG_3565.jpg


Sau bữa cơm, cả đám chìm vào trong giấc ngủ giữa tiếng suối reo và gió ngàn thiu thiu thổi. Chiếc võng của tôi được Thế Hùng cố vấn buộc vào sợi dây rừng leo với câu nói chắc nịch: “Có hai sami nằm cũng không đứt, và có đứt cũng không sao vì …. Anh sẽ rơi xuống suối”.
IMG_3576.jpg


Cả nhóm thống nhất đến 13h30 là xuất phát nhưng anh Doanh nói đến 14h mới nên đi vì nắng leo núi sẽ rất mệt mỏi. Thôi thì bác muốn sao bọn em nghe vậy, chứ thấy bác leo ẹ quá, bọn em cũng bó tay rồi. Công việc chính của bác là quy hoạch rừng … trên bản đồ rồi giao khoán cho đồng bào quản lý và thi thoảng cho anh em đi kiểm tra, do vậy bác khen em Rei và em Hothimo nức nở, con gái mà leo núi bền ghê.

P1080728.jpg


Dốc, một cái dốc làm thay đổi cả cuộc hành trình.

P1080696.jpg


Mọi người vừa đi vừa chờ cho đến ven bờ suối, khúc trên của con suối mới nghỉ ngơi hồi trưa. Anh Doanh lại đề nghị mọi người nghỉ lại, trong khi đồng chí Nhân cứ phăm phăm bước về phía trước. Con suối đầy những viên đá lớn phải vượt qua bằng cách nhảy hoặc lội. Những người đi giày (đại đa số đoàn đều đi giày) buộc phải nhảy qua những viên đá để tránh ướt. Còn những kẻ đi dép như tôi, Thế Hùng và anh Doanh thì cứ lội thẳng trong dòng nước mát lạnh, chỉ tránh những chỗ quá sâu. Chỉ duy nhất một người đi dép mà không lội là Nhân, cứ nhảy như sóc qua các tảng đá dẫn đầu đoàn. Bỗng ủm một tiếng, Huythong trượt chân ngã vào lòng suối.
P1080732.jpg



Mới qua con suối một đoạn, cả đoàn chúng tôi bước vào một khúc rừng đang ngun ngún cháy, rộng chừng 2 hecta. Cây cối cháy ngả nghiêng, có cả những thân cây khổng lồ cũng đổ rạp vì không chịu nổi trận cháy. Than cháy dính vào đám quần áo ướt khi vừa qua suối thành một cái màu đen bẩn kinh khủng, trông ai cũng như lính biệt kích hóa trang khi hành quân. Cái không khí trong lành của rừng bị hòa vào mùi khói và bụi làm thi thoảng có người lại ho sặc sụa. Tất cả chỉ còn biết ngán ngẩm nhìn vạt rừng cháy trụi và bước tiếp. Cả hành trình vào đến khu này, chúng tôi không gặp một bóng người nhưng rừng vẫn chả còn rừng.
IMG_3431.jpg

IMG_3436.jpg
 
Last edited:
Macro
IMG_3554.jpg


tạm thời post vài tấm đỡ ghiền đã, mai quỡn em edit lại hình theo trình tự bài số 3 và 4 của anh Sami ^^

anh Sami xuất bản tiếp hết đi, rồi tập hợp lại, liên hệ nxb phát hành, bik đâu sẽ nổi tiếng hơn Cánh Đồng Bất Tận (beer)(beer)
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,321
Bài viết
1,175,213
Members
192,044
Latest member
monkey111
Back
Top