What's new

Huyền thoại Lý Sơn

Em gửi bài trước, ảnh sẽ cập nhật sau nhé các bác. Bài viết được hoàn thành bởi sự đóng góp của các thành viên đi chung đoàn như acc, Nnhu, Soncoi... Xin chân thành cám ơn tất cả.
Lý Sơn là nơi đầu sóng ngọn gió, có những người con theo lệnh của nhà vua mang gươm đi bảo vệ chủ quyền từng tấc đất của đất nước. Lý Sơn cũng là nơi mà có những vườn tỏi nổi tiếng với vị thơm cay tỏa đi mọi miền của tổ quốc. Và Lý Sơn cũng là nơi mà những ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn nằm cô quạnh trong gió.
ban%20do%20wikilyson.JPG

Gần đây, liên tiếp những thông tin làm lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Những sắc phong vua ban cho những con người bỏ mình giữ đất còn gìn giữ nguyên bản gốc, những con thuyền ra khơi đánh cá gặp tai nạn ở Trường Sa. Tất cả đều liên quan đến Lý Sơn thân yêu anh dũng. Mình phải ra nơi ấy, đến được nơi ấy để chứng kiến tận mắt những con người hào hùng và anh dũng. Và tôi bắt đầu tìm kiếm những người bạn đồng hành.
Có một anh bạn tận HN xa xôi đang mong có một chuyến đi xuyên Việt. Anh ấy sẽ đi dọc Việt nam, đi qua những hòn đảo mà tôi có nơi đã đến, có nơi chưa. Dự định kế hoạch của anh sẽ là ngày 10.7 đến được Lý Sơn, sau đó sẽ là Côn Đảo. Tôi rất mong muốn được đi cùng anh, nhưng ngày 10.7 thì cập rập quá, nên cứ bồi hồi ngồi chờ tin nhắn của anh. Đi đến đâu, anh ấy cũng đều nhắn tin báo cho tôi biết. Lúc đang lang thang Nam Cát Tiên anh ấy báo đã đi đến Phú Quý, trời quang mây tạnh, hải sản ngọt lừ tươi roi rói làm tôi đã phát thèm rồi. Rồi khi anh ấy đến Phan Thiết cũng nghe những dòng tin nhắn đầy vị mặn của biển, vị tanh của cá, vị ngọt của tôm. Ôi chao, chỉ nghe thôi đã muốn ăn ngay. Thế nhưng công việc ngập đầu làm cho tôi không thể chia sẻ ngay cùng anh cảm giác đó được. Thế nhưng cái chòng chành của sóng biển, cái cảm giác ra giữa trời nước mênh mông bắt con cá thật đã tay, cái vị của tỏi cô đơn và những con người can đảm của Lý Sơn làm cho tôi không kiềm chế nổi. Chỉ trong chốc lát quyết định, tôi và acc đã cùng nhau bàn cách đến Lý Sơn.
Thông tin về Lý Sơn trên mạng sơ sài không thể tả. Sau gần một tuần hỏi ông Gúc, truy tìm cả thông tin trên trang web cổng thông tin của Quảng Ngãi, những thứ tôi tìm được chỉ là con tàu chở ra Lý Sơn là tàu cao tốc, là hương vị tỏi của Lý Sơn, những con người của Lý Sơn mà thôi. Còn làm sao để đi đến, đi như thế nào thì hoàn toàn… mù tịt. Đang lúc bối rối không biết lựa chọn phương tiện nào để đi thì có một bài nói ngay về Lý Sơn trên phuot. Như vớ được vàng, tôi vội vã tìm cách liên hệ với người ấy và đã có quá nhiều thông tin quý giá. Cả hai say sưa chat với nhau về cách đi từ thành phố Hồ Chí Minh sao cho tiết kiệm thời gian, rồi quỹ thời gian dành cho chuyện đi khám và phá trên đảo, những nơi cần đến, những thứ cần làm, vân vân và vân vân. Khi nàng còn biết tôi là thằng nghiện câu có hạng còn cho ngay số của anh người bạn, cũng là đệ tử của lão Khương để hai bên trao đổi thỏa mái về câu kéo. Cuộc nói chuyện của chúng tôi dài và sống động đến nỗi suýt nữa thì tôi chả muốn đi Lý Sơn nữa vì đã quá rõ ràng. Hết chuyện, chúng tôi lại còn thử thách nhau về các món ăn ngon của biển. Nhà của nàng là một gia đình có truyền thống câu khơi, còn tôi chỉ là thằng ham ăn, ham câu nên dĩ nhiên nàng thắng thế trong cái việc ăn con nào ngon, nấu món gì ngon. Thôi thì tạm thua để lần sau thắng, âu cũng là cái kế sách người xưa. Nghe cu acc báo thì đã có đến 8 người đi chuyến này. Vậy là quá ổn rồi.
 
Last edited:
bạn ơi mình đi 17-07 bạn đi sau đó sao mình lấy thông tin được
Chuyến đi làn thứ nhất là vào dịp 2/9/2008,chuyến thứ 2 là vào 22/7/2009.Thông tin có từ chuyến thứ nhất bác ạ. Có đủ số điện thoại về xe cộ, tàu bè, nhà nghỉ, quán ăn... các chỗ và so sánh giá cả đó bác. Tôi nghĩ đây là những thông tin rất cần chia xẻ cho những ai muốn đi Lý Sơn nên đã post lên, chứ không giấu nhẹm như nhiều người.

Hy vọng Lý Sơn là điểm đến của nhiều bạn trẻ.
 
Bác Tranvuhoang cứ bình tĩnh, có khi anh Google anh ấy ko search ra Lý Sơn thì sao?

Nghe acc nói đi Lý Sơn đúng ngày tập trận mà không có trăng... ngóng nốt đọc một thể để đi một chuyến
 
Ăn trưa ở Lý Sơn

Chỉ duy nhất một cụ từ trông coi ngôi chùa này, rất vui tính và cởi mở khi chúng tôi ghé thăm. Một bầy con trẻ và rất nhiều người đến thăm chùa vào buổi trưa này và thắp nhang sùy sụp lạy. Qua câu chuyện trao đổi, chúng tôi mới phát hiện ra, mặt trời đang có một quầng rất lớn.
5609_1202854989117_1160863927_30634823_5428017_n.jpg

Cách đây ít ngày, ngay trên đầu của bức tượng phật cũng phát hào quang tương tự nên mọi người cũng nghĩ quầng xung quanh mặt trời này là một điềm lành. Do vậy, rất đông người quỳ lạy và lên chùa vào giữa trưa là vậy.
5609_1202855149121_1160863927_30634827_4861617_n.jpg

Tuy quay ra hướng biển nhưng mưa bão lại không hề lọt vào đến ngôi chùa, đó cũng là một điềm lạ. Ngồi nghỉ ngơi một lát, bổ xong trái dưa và mời cụ từ dùng, chúng tôi bắt đầu tản ra xung quanh.
5609_1202854949116_1160863927_30634822_5547437_n.jpg

Ngay sau ngôi chùa là một cái miệng núi lửa lớn, tạo thành một thung lũng rộng rãi và khá bằng phẳng. Đây có lẽ là mặt bằng duy nhất rộng rãi tại Lý Sơn mà không được tận dụng để trồng cấy được.
5609_1202855069119_1160863927_30634825_618285_n.jpg

Thảm cây cỏ dại lúp xúp trải khắp miệng núi lửa xưa kia, che đi cái hùng dũng nóng bỏng thủa nào. Rải rác khắp nơi là những mảnh đá tạo thành từ bọt miệng núi lửa nhẹ xốp. Thứ đá này, người ta có thể sử dụng để làm giá thể trồng rau sạch, rải đường cấp phối rất tốt. Chắc là ở Lý Sơn chưa có sử dụng những thứ này vào cuộc sống. Miệng núi lửa này có thể làm chỗ cắm trại cũng rất ổn, nhưng lạy trời hôm đó phải có gió, chứ im gió như hôm nay thì chả khác nào lò nung của Thái Thượng Lão Quân. Đứng chụp dăm tấm lấy lệ, cả bọn đua nhau chạy về để ăn cho qua cơn đói đang quay quắt. Cu Sơn còi đuối quá, nhắn một gia đình lên viếng chùa đi xe máy kêu giùm chiếc xe ôm. Chỉ trong chốc lát, một chiếc xe ôm đã phi đến đưa cu cậu về quán ăn trước. Còn chúng tôi thì cương quyết cuốc bộ theo chủ trương của acc. Về đến quán thì đã quá 12h trưa, cả đám ầm ỹ kêu bia bọt và cụng ly loảng xoảng. Hơn nửa két bia và đám ốc, mực, cá trên bàn nhanh chóng biến mất vào bụng của năm kẻ háu đói.
5609_1202855309125_1160863927_30634831_5687285_n.jpg

Đồ quả là quá tươi ngon, ngay cả cu Sơn còi sống ở Đà Nẵng suốt ngày ca ngợi hải sản Đà nẵng còn phải gật đầu khen lấy khen để. Bữa ăn đầu tiên tại Lý Sơn là 330k, quả là rẻ so với một bữa ăn trong sài thành nếu cũng sành điệu như vậy. Ốc bàn tay, ốc đụng cùng ốc xà cừ 1 đĩa, mực 1 kg, cá mú 1 kg nấu canh chua.
5288_110263919124_634714124_2240367_6157889_n.jpg

5288_110263924124_634714124_2240368_6821347_n.jpg

Hơn một giờ, cả bọn kéo nhau về khách sạn Mỹ Linh. Lúc này thì chả chụp ảnh iếc gì cả, mỗi đứa nhanh chóng kiếm một chỗ mát ở sân để ngủ cho xong việc. Tôi tắm một cái cho mát rồi lăn ra ngủ nhưng không tài nào ngủ nổi vì quá nóng. Người vừa khô xong thì mồ hôi túa ra, đúng là cái nóng dã man. Bốc điện thoại gọi cho anh Long – bạn câu thổ địa của Lý Sơn thì anh ấy đang ngà ngà say. Anh sẽ cho người đến chở em ngay, chờ chút, giọng của anh ề à trong máy. Tôi mừng húm, quả này chắc chiều nay được đi câu một cái cho đỡ thèm rồi đây. Thế nhưng, nằm trằn trọc đợi anh Long cho người đến đón tận đến gần bốn giờ chiều mà chả thấy đâu. Thôi chắc bác xỉn mất rồi, đành kéo anh em dậy để đi xem tiếp chùa Hang vậy. Cả bọn lại tập trung tắm táp thêm một lần nữa rồi bàn tính chuyện đi ra chùa Hang. Định thuê một con xe để kiểu gì tối cũng phải chở lều chõng, than củi cùng đồ ăn uống ra khu chùa Hang cắm trại theo chỉ dẫn của rockgarden nữa mà. Thế nhưng bác chủ khách sạn quát đến 100k cho một xe thì chúng tôi choáng. Vậy là bàn bạc nho nhỏ, cho anh em ở nhà chuẩn bị, còn tôi và thằng acc thì bay sang Bình Yên bàn tính chuyện thuê xe và chuyển phòng. Lúc này, thằng acc mới thấy là nó sai khi chọn Mĩ Linh như bác biên phòng chỉ dẫn.
Giở giọng sởi lởi, tôi giải thích bay biến cái chuyện sao lại không ở nhà chị. Nào là kiếm chị ở bến tàu mãi không ra, nào là anh biên phòng chỉ, nghĩ là nhà chị nhưng đến thì… không phải nên đành vậy. Chuyện thỏa thuận trên tàu coi như xong, chị cho em một phòng nhá, nhưng để sáng mai em chuyển qua. Giờ thì em cần một cái xe, chị tính thế nào? Thôi thì 30k từ giờ cho đến đêm, nhưng sao thuê có 1 cái. Đoàn chúng em tận năm sáu đứa mà. Em chỉ đi bộ thôi, còn xe là để tối mua đồ chở lên chùa Hang ăn nhậu. Lấy hai cái nón, hai thằng mừng húm đánh con xe ra đổ xăng. Chỉ 20k xăng thôi anh ạ, thế là ngon rồi. Ừ thì 20, chiều nay mà nó hết xăng là mày chết với tao. Con xe bỗng chốc trở thành xe ôm, trung chuyển cả 5 đứa từ từ đến chùa Hang.
 
Hải đội Hoàng Sa và... cảnh Hành Lạc

Lần lượt từng đứa ngồi sau lưng tôi để tôi xế chúng nó đến chùa Hang. Đầu tiên là thằng Acc, nó leo lên và tôi chở nó đến bức tượng đài Hải đội Hoàng Sa đang trong thời gian hoàn tất rồi quay lại. Chuyến tiếp là đến em Nnhu, cuối cùng là cu Sơn còi và đồng chí Kim làm chung ở FPT. Chuyến này tống ba coi như là hợp lệ vì tạm coi Sơn còi là em bé vậy. Nghe nói công an Lý Sơn nghiêm lắm, có thể bất thần xông ra bắt ngay những trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, dù tống ba với bé Còi mà lòng cứ run run làm sao ấy. Cũng may, dọc đường tôi gặp khá nhiều trường hợp vi phạm như không đội nón bảo hiểm, tống ba trên xe máy. Có nghĩa là không có công an đang phục kích phía trước. Thế là tôi an tâm làm xế cho đến chuyến cuối cùng với mức độ vi phạm ngày càng nặng hơn…. Chuyến cuối cùng chở đến khu tượng đài xong, tôi quăng xe vào bên đường để anh em bắt đầu chụp ảnh. Với tôi, nói chuyện với người dân thổ địa để tìm thông tin còn sướng hơn làm bất cứ thứ gì. Gần đó có một gia đình đang chở từng bao cát đi đâu đó. Hai bên đường là những ruộng hành, ruộng lạc, mè, dưa xen lẫn cả đám ruộng trắng tinh là cát. Các bạn sẽ thấy em Nnhu trong cảnh hành lạc quá trời luôn mà em vẫn cười như chả có gì xảy ra. Vậy là tôi sáp lại để hỏi thăm việc trồng hành tỏi trên mảnh đất nóng như nung này.
Công cuộc trồng hành tỏi tại Lý Sơn quả nhiên có nhiều điểm kỳ lạ. Thứ nhất, không phải cứ cuốc đất lên mà trồng được như ở đất liền. Thứ đất có thể trồng được hành tỏi phải là thứ đất moi trên núi xuống, moi từng bao mà chở xuống. Thứ đất này được chở xuống để ven ruộng cùng với từng bao cát trắng cũng được mang từ dưới biển lên. Người dân còn phải băm những thân cây dại, hoặc những cây thân thảo (dạng như cây mè đã thu hoạch xong hoặc cái gì đó tương tự) một lớp xuống lớp đất của thửa ruộng. Sau đó là lớp đất trên núi mang xuống, dày chừng 2-4cm, cuối cùng là lớp cát dưới biển cũng dày khoảng 2-3 cm. Củ hành hoặc tỏi giống được vùi dưới lớp cát, chạm lớp đất trên núi mang xuống được tưới tắm nghiêm chỉnh đến cả hơn 5 tháng trời mới được thu hoạch.
5609_1202855549131_1160863927_30634837_2848548_n.jpg

5609_1202856989167_1160863927_30634873_7456586_n.jpg

5609_1202856709160_1160863927_30634866_1600292_n.jpg

Lão nông vừa lui cui xúc cát bỏ vào bao để chở đến thửa khác rải (chỗ này rải xong rồi, còn thừa), vừa giải thích cho tôi một cách hoàn hảo về quy trình trồng trọt trên đảo. Khi tôi hỏi tại sao phải có lớp cát phủ lên trên mới trồng được, lão chỉ nói ngắn gọn, không có cát là nó rụi không lớn được. Thứ hai đó là còn một thứ tỏi là tỏi mồ côi. Thứ tỏi chỉ duy nhất có một tép trong cả củ tỏi. Một tép duy nhất chỉ to bằng một đốt tay người lớn cay nồng và thơm đậm rất đặc trưng mà không tỏi ở đâu có được. Tôi hỏi với suy nghĩ trong đầu là có hai giống tỏi. Lão nông cười ha hả rồi giải thích. Chẳng qua là do quá trình trồng cấy, cây tỏi đó không phát triển ra nhiều nhánh được (có thể là do thời tiết hoặc đất xấu) nên nó chỉ có một nhánh duy nhất thôi, do vậy người ta gọi đó là tỏi mồ côi hoặc cô đơn nhưng tên chính xác là tỏi cô đơn, vì nó chỉ có một mình. Tại sao cũng là một giống tỏi mà ra, sao nó lại đắt hơn những cây bình thường hả bác? Lão nông lại cười, giọng cười hết sức cởi mở: Cậu nghĩ xem, một nhánh tỏi khi làm giống thành một củ tỏi bình thường có 5 đến 7 nhánh. Còn cái tỏi cô đơn nó chỉ có một nhánh thôi. Toàn bộ dinh dưỡng mà rễ nó lấy lên đều đưa vào đó nên đúng ra là hương vị có thơm hơn, cay hơn cây tỏi bình thường. Những năm nào mà tỏi cô đơn được mùa thì năm đó chúng tôi buồn lắm. Vì giá bán đắt nhưng chẳng có được là bao nhiêu đâu. Ở đây, những cây hành, mè, dưa chỉ là thứ phụ, tất cả chỉ trông chờ vào tỏi, nó mà cô đơn nhiều là chúng tôi chết đói. Cả huyện đảo này, chỉ có chừng 300 hecta đất để làm nông, nếu được mùa thì chúng tôi được khoảng 2-3 ngàn tấn tỏi thương phẩm, may ra còn nở mặt mày, chứ không thì chỉ có đói mà thôi. Ôi, câu chuyện làm ra cây tỏi ở Lý Sơn nghe mà trần ai vất vả. Ra khơi thì bão gió, gặp tai ương, bị bọn mách qué nó hoành hành bắt bớ. Trên bờ thì lên cao lấy đất, xuống nước mò cát để vun lên những mầm xanh. Có lẽ khó có công cuộc kiếm sống nào lại vất vả như những người dân Lý Sơn. Tuy vậy, sau ba năm trần ai vất vả của chính quyền huyện, đến nay tỏi Lý Sơn đã có một thương hiệu. Kể từ đó, tỏi Lý Sơn vùn vụt tăng giá, cung không đủ cầu. Đúng ngày chúng tôi ra đảo có một đồng chí người Úc cũng đến Lý Sơn để kiếm đường mang tỏi Lý Sơn xuất ngoại. Một thoáng tự hào về một thứ vàng trắng trên đảo này.
Trong khi tôi hỏi chuyện lão nông và gia đình thì các anh em đã thi nhau phóng tác trên những thửa ruộng trồng hành trên nền cát trắng phau. Xa xa là một nhà tưởng niệm và bức tượng Hải đội Hoàng Sa bằng đá cao gấp năm sáu người thường. Mông quay ra biển, tay chỉ vào trụ sở ngân hàng, chả có ý nghĩa tý nào. Theo thông tin tìm được trên đảo, đây là nơi mà ngày xưa hàng năm làm lễ xuất quân cho các giang thuyền theo lệnh vua đi giữ đất. Vị trí đặt bức tượng lại chỉ nằm trong một khuôn viên chật hẹp và hướng chỉ tay thì… phải qua mất một ngọn đồi mới ra đến biển làm giảm đi phần lớn ý nghĩa bức tượng. Một dự án hơn 15 tỷ đồng mà lại không tìm ra chỗ đặt tượng hoành tráng hơn sao? Giá mà nó được dời ra vị trí để chỉ tay thẳng ra biển về Hoàng Sa thì hay biết mấy… Vâng, nhưng cái giá của tôi vẫn chỉ là cái giá vì bức tượng đã sắp hoàn công rồi.
5288_110263949124_634714124_2240372_5254373_n.jpg

Tiến về những thửa ruộng đang trồng hành, chúng tôi thấy những cây hành mọc đều tăm tắp trên nền cát trắng. Thửa trồng dưa, trồng mè, trồng hành, trồng lạc xen lẫn vào nhau. Thế là mới có chuyện em Nnhu đứng nhìn cảnh Hành Lạc mà vẫn bình thản.
5609_1202855349126_1160863927_30634832_2538852_n.jpg

5609_1202855469129_1160863927_30634835_2287179_n.jpg
 
Chùa Hang

Hết chuyện nơi bức tượng, chúng tôi lại hỏi đường đến chùa Hang. Chiếc xe lại lần lượt chở cả đám xuống phía chùa Hang. Ngay gần chùa có một quán nhậu kiêm giải khát rất ok. Quang cảnh thoáng đãng, vị trí rộng và rất nhiều cư dân của đảo đang ra sức phá bia và mồi. Cả đám chọn một cái bàn rồi kêu ra mấy chai nước khoáng giải khát.
5288_110264014124_634714124_2240384_205167_n.jpg

Chỉ đi bằng xe máy thôi mà thời tiết nóng quá nên anh em uống lấy uống để. Đang uống nước, cả bọn thi nhau thả hồn xuống nhìn cảnh biển còn tôi lại ngó lên đồi. Phát hiện ra có vài con cuốc và 2 con bìm bịp đang lững thững ở sườn đồi trọc.
5288_110264004124_634714124_2240382_2612685_n.jpg

Nháy cho Sơn còi, hắn liền lui cui lấy máy, lắp ống kính và bò lên đồi. Cu này khoái chụp hình chim và hoa lá nên khoái đám chim cò hoang dã này lắm lắm. Nhưng lũ chim thì như cà rỡn, cứ bước được vài bước thì chúng nó cũng nhảy vài bước. Chả mấy chốc, cu Sơn còi đã leo đến lưng chừng quả đồi. Cả bọn cứ nhìn theo mà cười cái cảnh nó bước bước chụp chụp. Đành mặc kệ nó, cả nhóm tính tiền uống nước rồi đi kiếm chùa. Nói là kiếm chùa vì đến đây đã là đường cùng rồi mà chả thấy chùa đâu cả. Đến tận cuối con đường thì phát hiện một cầu thang dẫn xuống và dưới cuối cầu thang mới là chùa Hang.
5609_1202855669134_1160863927_30634840_2235821_n.jpg

Nó cũng là một cái hang, nếu không muốn nói không khác gì chùa Đục. Tuy nhiên, so với chùa Đục thì chùa Hang to hơn nhiều. Tương truyền, chùa Hang còn có một hệ thống hang động luồn sâu vào lòng núi và dẫn ra phía biển. Đây là đường rút của quân Chiêm Thành xưa kia. Hệ thống đường ngầm trong núi sâu và hiểm trở chứa khá nhiều đồ đạc quý giá do quân Chiêm Thành để lại. Một số cư dân trên đảo đã từng mạo hiểm chui vào và lấy ra cũng được một số, tuy nhiên một số khác thì không may mắn như thế. Họ bị lạc trong hệ thống hang loằng ngoằng và chết ở nơi thiếu không khí. Do vậy, chính quyền đã cho san bằng và lấp cửa xuống hang trong chùa Hang. Trước chùa, một cây phong ba cổ thụ che khuất cả chùa. Ở đây, nhiều người trông coi chùa hơn hẳn chùa Đục. Sát cửa chùa, một bể nước chứa nước rỏ xuống từ vách núi. Từng giọt tí tách rỏ xuống ngày đêm qua kẽ đá mà đầy tràn cả bể nước to vật. Nước rất trong và ngọt lịm. Tôi nhanh tay, lấy gáo quơ một gáo làm liền. Ngon lắm, ngon lắm chúng mày. Có làm tí không? Do đã được dặn trước nên tôi không dám nói từ ngọt. Trước khi lên chùa, dân trên đảo đã dặn rằng có uống nước thì đừng nói ngọt vì sẽ đau bụng. Ơn trời, tôi nói ngon mà một lúc sau nó vẫn đau lâm râm, nhưng rồi cũng yên chuyện. Cả đám bắt chước đều lấy nước uống thử rồi mới vào trong chùa.
5609_1202855709135_1160863927_30634841_2361737_n.jpg

Trong chùa (lòng hang) mọi thứ đều tối như bưng, chúng tôi phải bật những ngọn đèn mang theo mới nhìn thấy rõ rất nhiều tượng được thờ nơi đây. Nhưng sự hiếu khách của người coi giữ chùa khiến chúng tôi bất ngờ. Mới bật đèn bước được vài bước thì đèn đuốc đã sáng trưng. Thấy có người tới thăm, họ tự động đi bật máy nổ để làm sáng phía trong chùa giúp mọi người dễ dàng nhìn ngắm và chụp ảnh.
5609_1202855789137_1160863927_30634843_8147666_n.jpg

5609_1202855869139_1160863927_30634845_1695703_n.jpg

Bãi biển của chùa Hang cũng nhỏ và khó có thể cắm trại, do vậy cả đám nhanh chóng rút quân về. Lúc này đồng chí Sơn còi đã lên đến đỉnh và mất tích. Sơn còi là người duy nhất có kỹ năng chụp hình tốt nhất đoàn không có tấm nào về chùa Hang. Đang ngồi chờ nó bò xuống từ núi thì tôi lại thấy nó lò dò từ phía chân đồi lên. Hóa ra cu cậu được một ông bác cho đi nhờ xuống phía nhà của bác ở chân đài tưởng niệm rồi sai cô con gái đầu lòng 19 tuổi học trong tỉnh về nghỉ hè chở “em” về chỗ đoàn nó.
5288_110264024124_634714124_2240386_5500399_n.jpg

Chở về đến nơi, đưa tiền xăng cô bé nhất định không chịu lấy còn nói tỉnh bơ: Em đi lạc thì chị chở em về, sao lại lấy tiền công. Lần sau cẩn thận nhé. Sax, “em” Sơn còi nhà ta năm nay đã băm vài chục nhát rồi, nếu nói ra chắc “chị” kia té xỉu mất.
Rồi tôi lại làm tài xế chở từng chuyến thồ về nhà nghỉ Mỹ Linh, nơi đã đặt bữa tối. Chuyến đầu chở Cò và Kim về, trời còn sáng 1 chút. Chuyến thứ hai thì mọi thứ đã tối sẫm rồi. Sau lưng tôi, cu Quắn và em NNhu cứ dúi dụi vào lưng tôi mỗi khi qua đoạn xóc. Rồi hai thằng lại nhát ma em Nnhu làm em thi thoảng lại hú lên. Trời tôi tối, ngang qua chỗ chôn cũng khá nhiều mộ làm em Nnhu cũng hơi hoảng thật, mặc dù miệng thì nói cứng. Rồi cũng về đến, đã hơn 6 giờ tối, tắm rửa qua quýt rồi chạy sang nhà nghỉ Bình Yên để đánh chén bữa tối đã đặt từ chiều với anh Thới chủ nhà nghỉ.
 
haha...lúc mới gặp bác còi em cũng bụng bảo dạ, các anh này đi đã cực khổ còn dẫn theo cả cháu đi , tội cho thằng bé, nhưng lại thôi, Phù...may quá không lại thất lễ với bác ấy. :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,032
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top