What's new

Khám phá Sơn Đoòng-Thấy yêu thêm khúc ruột Miền Trung

Cái tên Sơn Đoòng đối với những người hay đi và thích đi phượt có sức hút rất kỳ lạ. Đó là vì nó mới được phát hiện và công bố chính thức năm ngoái. Đó là vì nó to nhất thế giới. Đó là vì nó hầu như chưa có phượt gia nào đặt chân đến ngoài nhóm hỗn hợp của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (British Cave Royal Association-BCRA) và những người dân địa phương như anh Hồ Khanh. Điểm cuốn hút của nó còn là các bức ảnh, thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng với lời khẳng định chưa khám phá hết cái hang này, chưa biết hết về cái hang này và nhiều điều còn đang phải cần thời gian và tiền bạc để làm rõ hơn=)).

Trong bối cảnh đó, bạn thử nghĩ xem nếu bạn là một trong những phượt tử đầu tiên được đặt chân đến đây, được cắt rừng, lội suối, vượt dốc vượt đèo, được khám phá cái hang này thì cảm giác thỏa mãn sẽ như thế nào? Sẽ thấy yêu hơn dải đất Miền Trung nắng gió mà còn nhiều bí hiểm với những kỳ quan thiên nhiên chưa được biết tới. Và trên hết, thấy yêu hơn, tự hào hơn về đất nước Việt Nam mình.

Đoàn chúng tôi đi có đúng 20 người. Ngoài người dẫn đường, hậu cần và Kiểm lâm thì có thể kể là 12 phượters, trong đó có những người đây là chuyến đi đầu tiên. Mỗi người một cảm nhận, một quan tâm, một mong muốn trong chuyến đi này. Và cũng thật khác nhau trong cách mà họ chia sẻ thông tin về chuyến đi để đời, thám hiểm hang Sơn Đoòng và rừng Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Vì tiếp sau đây còn có thể có nhiều đoàn đi nữa nên tôi cũng muốn chia sẻ lại những cảm nhận và kinh nghiệm của mình trong chuyến đi này ngõ hầu giúp ích được thêm các thông tin mà mọi người cần. Đây hoàn toàn là những trải nghiệm cá nhân và có thể rất khác với các thành viên khác trong đoàn rất mong mọi người nhiệt tình bổ xung, chỉnh sửa. Tôi cũng cố gắng viết nhanh, tập hợp ảnh và thông tin cho topic được liền mạch:))

Qua đây, tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đến bác Big và Cơ quan của bác đã giúp tổ chức công tác xin phép, hậu cần, hướng dẫn thông tin chu đáo, tận tình. Nếu các đoàn tiếp theo có bác đứng ra tổ chức, tôi nghĩ chắn chắn sẽ thành công không kém gì đoàn chúng tôi đã đi. Tôi cũng xin được cám ơn tất cả các thành viên trong đoàn. Họ là cảm hứng cho những bức ảnh tôi chụp, là nguồn động viên khi mệt mỏi. Họ đã giúp đỡ, chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân của mình và các bức ảnh trong toàn bộ quá trình thám hiểm:L.

Tôi cũng xin phép nói rõ, các hình ảnh minh họa cho câu chuyện của mình được lấy từ nguồn ảnh tôi chụp. Tôi cũng xin phép sử dụng những hình ảnh của thành viên khác để làm rõ hơn câu chuyện. Trường hợp tôi dùng ảnh của các thành viên khác tôi sẽ chú thích rõ để các bác biết.



Điểm bắt đầu của hành trình. Ảnh bác Big

DSC06791.jpg


Từ trái qua phải: An QB, Bác Dugia, Bác BM, Big, Tenten, vợ bác Dugia, V. cô gái QB-bạn An QB, Hachip, Homeless, Mèo hoang, Sami, Hai anh dẫn đường, Bác Quang, Anh dẫn đường và Hồ Khanh. Ngoài ra còn 4 anh Kiểm lâm vào rừng cắm trại đợi đoàn từ hôm trước.

Nhưng thực ra, đối với tôi chuyến đi đã bắt đầu từ trước đó rất lâu rồi...
 
Last edited:
Thêm một chút thông tin về nhà thờ này.

Tam Tòa là một trong những họ giáo cổ xưa nhất của vùng đất Nam Quảng Bình. Theo sử liệu, giáo xứ Tam Tòa được thành lập từ năm 1631 với cái tên xứ đạo Ðồng Hới. Nhưng năm 1774, sau khi lực lượng của chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng lũy Thầy, các tín hữu Ðồng Hới đã di chuyển đến ở một nơi cách thành Ðông Hải độ 3 cây số về phía Nam. Tại đây họ đã lập nên họ giáo Sáo Bùn.


IMG_8541.jpg


Năm 1887, sau khi được phép của chính quyền bảo hộ, các tín hữu họ giáo Sáo Bùn đã về sinh sống tại làng Mỹ Lệ, nơi cách đó hơn hai thế kỷ trước cha ông họ đã lập nên giáo xứ Ðồng Hới. Nhưng lần này họ có tên là xứ đạo Tam Tòa, vì nơi đây có miếu Tam Tòa hư hỏng, bỏ hoang từ lâu. Và ngôi thánh đường Tam Tòa đầu tiên được linh mục Clause Bonin (cố Ninh) xây dựng và khánh thành vào ngày 08.12.1887. Sau đó, vào năm 1940, linh mục René Morineau (cố Trung) đã tái thiết ngôi thánh đường này.


IMG_8542.jpg


Năm 1954, sau hiệp định Genève chia cắt đất nước, hầu hết giáo dân Tam Tòa đã di cư vào Ðà Nẵng. Từ đây, không chỉ giáo xứ Tam Tòa mà cả các giáo xứ nằm trong địa hạt từ Sông Gianh đến sông Bến Hải hoàn toàn cách ly với giáo phận Huế. Dẫu thế, các tín hữu hạt Nam Quảng Bình nói chung và Tam Tòa nói riêng cũng được chính quyền miền Bắc lúc đó cho phép hai cha Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể về chăm sóc. Nhưng năm 1964, chiến tranh bộc phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa. Trước đó, năm 1962 cha Thể đã qua đời tại Trung Quán nên từ đó giáo hạt Nam Quảng Bình không còn người cai quản.



IMG_8543.jpg


Ðầu năm 1968, máy bay Mỹ oanh kích. Thị xã Ðồng Hới bị san bằng, nhà thờ Tam Tòa cùng chung số phận, chỉ còn trơ lại tháp chuông.

Ngày 26.03.1997, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình ra quyết định lấy nhà thờ Tam Tòa làm di tích tội ác chiến tranh.
 
IMG_8545.jpg


Sở dĩ tòa tháp không bị sập là do kết cấu chân kiềng này.
Nhìn vào những gì còn lại ta cũng có thể thấy sự đồ sộ của công trình xây cách nay hơn trăm năm.



IMG_8546.jpg


Mặt sau của nhà thờ còn mỗi cây cột xây bằng gạch nung



IMG_8547.jpg


Tháp chuông đổ nát ánh lên sắc vàng trong ánh nắng hoàng hôn dần buông



IMG_8544.jpg


Sau vụ lộn sộn năm ngoái, công viên đã được xây trên khu đất tranh chấp bên cạnh
 
Sau khi chụp song mấy tấm ảnh ở nhà thờ Tam Tòa, tôi chạy tiếp ra biển. Dọc bên bờ sông có nhiều quán cóc bán đồ nhậu và hải sản. Chiều đang buông, các hoàng quán í ới bầy hàng. Lúc về chúng tôi cũng quay lại đây nhậu, tổng kết trước khi chia tay. Mọi người nói nhâu ở đây phải rất cẩn thận không có là bị lừa. Mặc cả con mược thứ nhất giá mấy trục ngàn nhưng nếu ăn con thứ hai cũng như vậy mà không mặc cả thì giá sẽ khác hoàn toàn. Và tất nhiên là quán thích quát bao nhiêu thì quát. Có lẽ gặp những trường hợp chụp giựt như vậy, không ai dám quay lại đây lần thứ 2:(.


IMG_8548.jpg


Hoàng hôn đang xuống trong phố. Sau tán cây, nó chỉ còn là một quầng vàng rực.



IMG_8552.jpg


Cầu Hải Thành đang xây lại. Nó vắt qua một con lạch nhỏ ăn thẳng ra chỗ gần cửa sông.
Khi thủy triều lên, nước từ sông Nhật Lệ có thể chảy ngược vào bên trong.



IMG_8553.jpg


Cửa sông, nơi neo đậu của các con thuyền sau những chuyến đi miệt mài trên biển



IMG_8554.jpg


Mũi cát nơi cửa biển. Nó thuộc về khu Sun Spa Resort.
 
Hết con đường Nguyễn Du là con đường chạy dọc bờ biển. Nó đang được nâng cấp và thiết kế hai làn. Bãi biển nhiều chỗ đang san lấp để xây dựng nên trông lôm nhôm và chắc cũng ít người tắm ở đây. Dọc theo con đường cũng có nhiều nhà nghỉ, khách sạn mi ni. Nơi to nhất có lẽ là Khách sạn Công đoàn.



IMG_8555.jpg


Con đường bên bờ biển đang được nâng cấp



IMG_8556.jpg


Đồn biên phòng 196. Đi qua đây tôi chợt phát hiện ra là tất cả các Đồn biên phòng
trên biên giới đất liền (nếu không có tên riêng) đều có số lẻ. Các đồn ở biển thì có số chẵn.



IMG_8557.jpg


Tấm phù điêu ghi nhận nơi Bác Hồ đã đến thăm năm 1957
 
Tôi đi đưới ngọn Hải đăng Nhật Lệ. Vì đây là cửa sông nên cần phải xây ngọn đèn biển này cho tàu bè định hướng đi trong đêm. Hải đăng được xây trên cao chính là xây trên phần còn lại của Lũy Thầy. Rất muốn chụp cây đèn nhưng cây cối che lấp hết không sao chụp được. Tôi đứng lại chụp cái bia bên dưới, nơi ghi lại dấu tích lịch sử còn sót lại của con lũy kiên cố năm xưa.

IMG_8558.jpg


IMG_8559.jpg



LUỸ THẦY​

Người Quảng Bình, từ người dân quê đến nhà nho học thuở Xưa, không mấy ai không biết đến câu ca dao:

’’Luỹ Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu’’​

Luỹ Thầy (còn gọi là luỹ Đào Duy Từ) gắn liền với nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ. Ông là người xã Hoa Trai, huyện Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Luỹ Thầy được ông hiến kế xây dựng bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình, nó là một hệ thống thành luỹ mang tính chất phòng ngự được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII) gồm các luỹ: Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa thuộc Thị xã Đồng Hới và huyện Quảng Ninh.

1. Phòng tuyến Trường Dục

Được xây dựng vào năm 1630, bắt đầu từ núi Thần Đinh men theo bờ sông Long Đại, qua các làng Xuân Dục, Trường Dục, Cổ Hiền vòng xuống đến làng Bình Thôn, Quảng Xá băng ra đến đầu phá Hạc Hải. Luỹ được đắp bằng đất sét dài 10km, cao 3m, chân luỹ rộng 6m.

Luỹ được xây dựng theo kiến trúc chữ Hồi, có tác dụng ngăn chặn quân Trịnh đánh phá phía Đàng Trong.

2. Phòng tuyến Nhật Lệ

Sau khi đắp xong luỹ Trường Dục, đến năm 1631 chúa Nguyễn lại tiếp tục cho xây luỹ Nhật Lệ. Luỹ cao 1 trượng 5 thước (6m), dài hơn 3000 trượng (12km), ngoài được đóng cọc bằng gỗ lim. Luỹ Nhật Lệ được chia làm hai đoạn: Đoạn thứ nhất chạy từ núi Đầu Mâu về Cầu Dài, thiết lập ở bờ nam sông Long Đại. Đoạn thứ hai từ Cầu Dài chạy về đến cửa Nhật Lệ. Luỹ nay thuộc địa phận huyện Quảng Ninh, các xã Phú Hải, Đồng Phú, Hải Thành (thị xã Đồng Hới).

3. Lũy Trường Sa

Được xây dựng vào năm 1633, sử cũ không nói rõ luỹ này dài bao nhiêu trượng, cao rộng bao nhiêu thước mà chỉ nói là luỹ chạy dọc theo ven biển xã Bảo Ninh (thị xã Đồng Hới), từ cửa biển Nhật Lệ cho đến xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh).

Trên chiều dài 3000 trượng (12km) của luỹ từ Đầu Hâu đến cửa Nhật Lệ hiện nay chỉ còn lại 3 cửa:

- Cửa Tấn Nhật Lệ

- Cửa Lý chính Đại quan môn, sau đổi là Võ Thắng Quan, còn gọi là cổng Thượng.

- Cửa vào Dinh Quảng Bình còn gọi là Quảng Bình Quan.

Cùng kết hợp với ba phòng tuyến trên, Quảng Bình Quan được xây dựng nhằm tăng cường thêm sức mạnh cho phòng tuyến, giao thông đi lại cho nhân dân trong thành. Quảng Bình Quan được vua Minh Mạng cho xây dựng lại bằng gạch đá vào năm 1825. Cổng có kích thước dài 2 trượng 1 thước (8,4m), rộng 2 trượng 5 thước (10m), cao 5 thước (2m), thành ngoài hộ vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước (58,4m), cao 3 thước (1,2m). Ngày nay Quảng Bình Quan đã được trùng tu tôn tạo lại đẹp đẽ, uy nghi ngay cạnh quốc lộ 1A cách Cầu Dài chừng vài trăm mét về phía Bắc.

Trong suốt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, luỹ Đào Duy Từ phải chống đỡ với rất nhiều cuộc tấn công của quân Trịnh, nhưng chưa bao giờ bị thất thủ mà ngược lại đã giáng cho quân Trịnh nhiều đòn đau. Năm 1633 Trịnh Tráng kéo quân đến cửa biển Nhật Lệ dàn trận đánh quân Nguyễn, bị quân Nguyễn đánh cho tơi bời, quân Trịnh vứt bỏ xe pháo mà chạy không dám ngoái đầu lại. Năm 1648 quân Trịnh tấn công quân Nguyễn tại luỹ Trường Dục nhưng chẳng những không đạt được mục đích của mình mà còn thiệt hại nghiêm trọng: 3000 lính cùng với 3 tướng lĩnh cao cấp bị bắt làm tù binh (l). Đến năm 1672 quân Trịnh với lực lượng hùng hậu đã tiến đánh vào luỹ Nhật Lệ và đây là lần giao tranh ác liệt nhất trong lịch sử cuộc nội chiến với 6 lần liên tục tấn công vào mặt luỹ nhưng vẫn không được. Cuối cùng quân Trịnh phải ôm hận rút lui và không cách nào hạ được luỹ.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc quân sự, luỹ Đào Duy Từ đã được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia.

Hiện nay, tuy luỹ Đào Duy Từ không còn nguyên vẹn như dáng vẻ ngày xưa, thậm chí có nhiều đoạn đã bị mất hoàn toàn do thời gian bào mòn và chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn có một số đoạn còn lưu giữ được đấu tích, rõ nét nhất là đoạn luỹ sát cửa sông Nhật Lệ hiện còn vết tích là một gò cao, cây cối mọc xanh tươi, góp phần tạo cảnh quan cho thị xã; hay đoạn luỹ Trường Dục ngày nay đã được nhân dân trồng cây chắn gió góp phần hạn chế thiên tai.

Đến với Quảng Bình ngày nay du khách có thể qua những dấu tích đó để phần nào hình dung được dáng vẻ xưa của nó và chiêm nghiệm được những điều mà sử sách đã ghi chép. Du khách sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về một công trình kiến trúc quân sự, một tuyến phòng thủ có quy mô lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến nước ta. Nó cũng thể hiện được một tài năng quân sự, một tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ.

Cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn đã lùi xa hơn ba thế kỷ, luỹ Đào Duy Từ cũng có nhiều đoạn hiện mất dấu xưa, nhưng những ảnh hưởng, những vết tích văn hóa của thời kỳ đó vẫn đang còn tồn tại trên đất Quảng Bình. Điều đó được thể hiện qua một số 1ễ hội hiện có tại đây như: Lễ hội cướp cù ở làng Trấn Ninh (nay là phường Đồng Phú) vốn là một môn thể thao trong quân lính nhà Nguyễn thời bấy giờ; hay lễ hội bơi trãi hiện nay của cư dân năm làng quanh Đồng Hới cũng vậy, nó vốn có nguồn gốc từ các đội thuỷ quân nhà Nguyễn xưa kia.

Ngày nay luỹ Đào Duy Từ đang cùng với các điểm du lịch khác như động Phong Nha, bãi biển Nhật Lệ, thành Đồng Hới... tạo nên sức thu hút đối với khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và từ đó tạo ra những lợi ích về kinh tế góp phần thúc đẩy cho nền kinh tế du lịch tỉnh nhà ngày một phát triển hơn.

P1060062.jpg


P1060008.jpg


Nguồn ảnh: bạn zonzonqb

Ngày nay lũy cơ bản đã bị san phẳng hết, trừ chỗ có cây đèn không san được.
 
Tôi dẫn thông tin về Lũy Thầy kỹ như vậy để giới thiệu thêm mấy cái ảnh chụp Quảng Bình Quan lúc hoàng hôn.


IMG_8560.jpg


Toàn cảnh cây cầu Nhật lệ trong dáng chiều



IMG_8561.jpg


Hoàng hôn buông xuống trên đường Trần Hưng Đạo.
Chết cười khi chụp bức ảnh này vì phải đứng giữa đường.
Mọi người cứ nhìn mình như tên dở hơi vậy.



IMG_8562.jpg

Và đây, tấm biển chỉ dẫn nó ghi rõ là Cổng Bình Quan. Cổng là quan mà quan cũng là cổng. Khi đặt tên không ai đặt kiểu hán-nôm lẫn lộn như vậy cả. Cho nên Cổng Bình Quan là đọc chại mà ra, lại để mất đi chữ Quảng vốn gắn với địa danh Quảng Bình. Các ví dụ về sự lẫn lôn hán nôm còn rất nhiều trong ngôn ngữ của chúng ta, ví dụ như: Sa mạc cát=)).

Như vậy cái Quảng Bình Quan này nó là một phần của cái Lũy Thầy kia.
 
Quảng Bình Quan trong dáng chiều, dù nó được phục chế lại sau nhiều lần bị phá hủy thì nó vẫn mang lại cho du khách nhiều cảm xúc. Tôi cứ ngẩn ngơ, lượn lờ quanh cái cổng gạch này mãi để tìm lại những nét xưa cũ, những dấu tích ông cha trên mảnh đất này. Lúc đó cũng chưa biết hết các thông tin về di tích. Chỉ là những cảm nhận, bâng khuâng khó tả về con người, cảnh vật nơi đây. Để rồi khi tĩnh tâm ngồi lại, đọc thêm tư liệu tham khảo thấy hiểu thêm, yêu thêm mảnh đất Miền Trung này.


IMG_8566.jpg



IMG_8564.jpg



IMG_8563.jpg

Thế là kết thúc ngày đầu tiên ở Đồng Hới. Chỉ với một ngày, tôi đã có đầy ắp những thông tin và hình ảnh về mảnh đất, con người nơi đây dù không phải phượt quá là cật lực. Nếu muốn, tất cả mọi người đều có thể quan sát, tìm tòi, cảm nhận những nơi mình đến một cách sâu sắc. Đó không chỉ là những xê ri ảnh ào ạt mà còn là những điều nhiều khi tưởng chừng rất nhỏ ẩn chứa bên trong. Nhưng chính những điều đơn giản, nhỏ nhoi kia đã làm giàu thêm hiểu biết và vốn sống của tôi về mảnh đất này. Và nếu không biết, không hiểu, không cảm (dù là còn rất hạn chế) thì sao tôi dám nói tôi yêu mảnh đất và con người nơi đây?
 
Last edited:
Tối đó, đợi một thành viên đi công tác từ Huế ra Quảng Bình nên chúng tôi đi nhậu cũng tương đối muộn. Bác Big lại dẫn đến quán dê ở gần cơ quan bác. Đúng là các bác này khéo chọn chỗ đặt văn phòng vì nó gần nhiều chỗ có cà phê cà pháo và ăn nhậu ngon, bổ, rẻ.

Mỗi người làm một bát tiết canh dê khai mạc bữa nhậu thứ 2 tại Đồng Hới. Em thề với các bác là em cũng đã từng ăn tiết canh ngan, vịt, lợn nhưng trong đời em chưa từng ăn tiết canh dê ạ. Thấy các bác chén nhiệt tình, có bác còn xin thêm bát nữa em cũng ăn cho biết mùi=)). Nói thật, em thì em vẫn thích món rượu ngọc dương, nầm dê nướng và lẩu hơn. Trong 10 món ăn được xếp hạng kinh dị nhất trên thế giới, Việt Nam góp mặt những 3 món gồm: Tiết canh (được gọi là Blood pudding pie-Bánh máu), Thịt chuột (Rat meat) và Ngẩu pín (cùng các bạn Tầu). Ôi, Việt Nam muôn năm:L.


DSC06782.jpg

Sau món tiết canh dê, các bác thấy mặt ai cũng hớn hở hẳn lên không?



Nhậu song cũng hơn 9h PM lúc đó mới tá hỏa tam tinh là có thêm em V. bạ gái An-QB cũng muốn đi và bạn nữ nữa chưa có võng hay túi ngủ. Thế là nháo nhào đi mua nhưng giờ này các cửa hàng đã đóng cửa hết. Thôi thì đi mượn vậy. Nhưng cũng không mượn được của ai lúc này. Thôi thì cứ đi vậy nhưng hơi lo chút vì sự chuẩn bị chưa chu đáo này;).

Mọi người về, chia nhau phòng ra nghỉ và hẹn sáng mai dậy lúc 4h30 AM. Cũng nhận được nhiều lời chúc chuyến đi may mắn của các anh chị em trên diễn đàn. Đó là sự động viên rất lớn cho đoàn Phượt đi Khám phá Sơn Đoòng.
 
Đúng giờ hẹn, tất cả anh em ở tại Cơ quan bác Big đã dậy và chuẩn bị đồ lên đường. Tôi cứ đắn đo xem cái gì mang đi, cái gì thì bỏ lại để tối ưu hóa trọng lượng trên con đường rừng sau đó. Cuối cùng, tôi bớt lại một nửa lương khô và bánh vì đã có gạo, thịt do đoàn chuẩn bị rồi. Lúc xuống tầng 1 đã thấy đoàn bác Dugia đi chuyến Hoàng Long đêm cũng vừa vào đến nơi. Thế là cả đoàn đã tập hợp đầy đủ, đúng giờ.

Trước khi đi, bác Dugia có mấy lời với tất cả anh em, mong mọi người cố gắng và hoạt động theo hướng dẫn của đoàn, không ảnh hưởng đến các thành viên khác. Rồi chúng tôi ra xe. Lúc này đoàn có 12 người 9 nam + 3 nữ chia 2 xe ô tô 7 chỗ trong đó có một cái gọi thêm từ Mai Linh Taxi Đồng Hới. Mọi người thống nhất vào Phong Nha ăn sáng.


IMG_0001.jpg


Chúng tôi xuất phát khi trời còn tối lắm.


IMG_0002.jpg



IMG_0003.jpg


Xe đã sẵn sàng đi Sơn Đoòng. Ảnh Sami


Từ Đồng Hới, chúng tôi đi theo đường Hồ Chí Minh Đông ngược trở lại Phong Nha. Sáng sớm, đường vắng và xe đi khá nhanh. Khoảng cách từ điểm xuất phát đến Phong Nhà là 42km. Khoảng 6h15 chúng tôi đã đến nơi và dừng lại ăn sáng.



IMG_8570.jpg


Dọc đường vào Phong Nha có rất nhiều quán ăn.
Ở Quán này phục vụ món phở bò nhưng sợi bánh cứng và chúng tôi cũng phải đợi khá lâu.
 
Đến Phong Nha thấy các cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống chủ yếu là tự phát do người dân sống hai bên đường làm là chính. Chưa có sự có quy hoạch và đầu tư đúng mức cho khu Du lịch này để tương xứng với Di sản thiên nhiên thế giới đã được xếp hạng từ lâu này. Tất nhiên chúng tôi là lữ khách, du lịch bụi là chính và rất không cầu kỳ trong việc ăn, ở vui chơi giải trí nhưng cũng hiểu rằng nếu không có sự đầu tư đúng mức để con gà Phong Nha đẻ trứng vàng thì trước sau chúng ta cũng chỉ ăn cụt vào vốn của con cháu mà thôi.

Tranh thủ (lại là tranh thủ) lúc mọi người chờ nhà hàng chuẩn bị bữa sáng tôi dạo quanh một vòng. Nếu là đi một mình thì lang thang ngõ ngách, nhìn cái này, sờ cái kia là sở thích của tôi. Và đặc biệt là nếu có gì lạ, hay thì cố gắng hỏi han người dân quanh đó để biết thêm, hiểu thêm. Nếu tất cả các cách đó đều không được thì ghi lại để về tìm hiểu sau. Đó là lý do đi đâu tôi cũng có cây bút và quyển sổ nhỏ để ghi chép những điều cần thiết vì lúc đi gặp quá nhiều thứ thì bạn không thể nhớ hết được, kể cả cuối ngày có viết nhật ký hành trình. Cho nên bất cứ lúc nào có điều kiện mà không làm ảnh hưởng đến cả nhóm thì tôi cố gắng tự tìm hiểu.

Buổi sáng, Phong Nha se lạnh, không khí thoáng đãng rất dễ chịu. Tôi cũng cầu mong hôm nay trời không quá nắng gắt và cũng không có mưa. Lúc chúng tôi đi gặp phải một đợt nóng bất thường đúng giữa mùa đông nên thời tiết không biết thế nào. Hơn nữa ở các vùng núi hay có kiểu thời tiết "tiểu khí hậu", tức là chỉ có trên phạm vi hẹp, mà nhà đài không dự báo hết được.


IMG_8569.jpg


Đường phố Phong Nha buổi sáng sớm với nhà cửa lúp xúp, xen bên ruộng lúa xanh rờn




IMG_8571.jpg


Bình minh đang lên. Mặt trời ló ra sau những cụm mây dày và làn sương mờ buổi sớm.



IMG_8574.jpg


Cuối cùng thì mặt trời cũng rực rỡ báo hiệu một ngày nắng to.
Chúng tôi rất háo hức chờ đến điểm tập kết để có thể bắt đầu được hành trình càng sớm càng tốt.​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,995
Members
192,330
Latest member
sangtenxe
Back
Top